Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

THẦY VÀ TRÒ.

                                                                                                                                     Irene

            Suốt cuộc đời tôi gắn bó với nghề “Gõ đầu trẻ”. Ba mươi mấy năm tận tụy dạy học, tôi thấy mình chọn đúng nghề và cho đến bây giờ tôi vẫn không một lần nào ân hận. 
Thật ra tôi yêu thích và mong ước sau này mình trở thành giáo viên từ rất bé rồi được hình thành khơi nguồn bắt đầu từ ba tôi. 
Ba tôi là người thầy đầu tiên của tôi. Ông là người đầu tiên dạy cho tôi biết đọc, biết viết, cả cách đi đứng nói năng, yêu thương cảnh vật, mọi người chung quanh và cũng là người hun đúc vào tâm hồn tôi nghề giáo là nghề cao quí nhất để giúp tôi sau này định hướng rồi chọn cho mình một hướng đi đúng đắn. 
Người thầy đầu tiên của tôi ở trường mẫu giáo là cô Gương. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ khuôn mặt hiền từ, dáng gầy gầy của cô trong chiếc áo dài màu hồng nhạt. Tôi không thể nào quên nụ cười cảm thông của cô khi tôi viết số 10 thành số 01…
Học tiểu học tôi được ấm áp bên sự dạy dỗ của các cô giáo. Các cô ru tôi trên chiếc nôi êm đềm rồi cùng đồng hành đưa tôi đi đến những bến bờ với những kiến thức bổ ích. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ từng nét trên khuôn mặt thân yêu của các cô giáo. Cô Sự với tấm lòng yêu thương dạy tôi năm lớp một. Sang lớp hai với cô Xuân trìu mến. Ở lớp ba cô Ngọc Lan vui vẻ, lớp bốn cô Hồng nhẹ nhàng, lớp năm cô Bích yêu thương… và cả ngôi trường tiểu học Ấu Triệu mến yêu đã đem đến cho tôi một khởi đầu để hướng tới một tương lai trong sáng và vui tươi.
Bước sang trung học, tôi học trường Nữ Trung Học Qui Nhơn. Tôi vẫn nhớ rõ từng thầy, cô giáo giảng dạy của những môn: Môn Toán cô Nhi. Môn Việt Văn thầy Triết, thầy Bút. Môn Lý hóa cô Ngọc Anh, thầy Sơn. Vạn vật cô Tùng, cô Vinh, thầy Cung. Anh Văn thầy Phương, thầy Kha… Tôi rất quí trọng các thầy giáo, cô giáo đã tận tình giảng dạy để cho tôi được như ngày hôm nay.
Vào Sư phạm, tôi học được rất nhiều từ phong cách mẫu mực cho đến kiến thức nghề nghiệp của các thầy giáo: thầy Mẫn, thầy Sum, thầy Tháo, thầy Linh, Thầy Nở, thầy Ba, thầy Hỷ, thầy Học, thầy Hy, thầy Toản, thầy Thâm, thầy Bồn…Tôi xin ngưỡng mộ và biết ơn sâu xa! 

Mỗi khi ngồi một mình tôi thường nhớ lại thời mình còn cắp sách đến trường. Ký ức như con thuyền chuyên chở tôi về với những kỷ niệm.
Tôi nhớ mãi về một câu chuyện của một cô giáo đã kể rằng: Ba của cô là một giáo viên. Một hôm trong giờ dạy, có một cậu học sinh quá nghịch ngợm không chịu học. Tức giận thầy bèn đến bên xách tai…không ngờ tai em chảy máu… 
Về nhà, thầy giáo ray rức, ân hận vô cùng. 
Trưa hôm đó, cha mẹ dẫn em học sinh đến nhà thầy giáo? còn thầy giáo, thì tâm lý cũng đã sẵn sàng chờ đợi…
-Thưa thầy, chúng tôi dẫn cháu đến để xin lỗi thầy! và chúng tôi xin cám ơn thầy vì sự nghiêm khắc giáo dục của thầy...
Thầy!!!
Câu chuyện để lại trong lòng tôi một sự tốt đẹp về mối tương quan giữa thầy, trò và gia đình. Và đó cũng là một bài học quí giá sau này khi tôi đã đứng trên bục giảng với muôn vàn tình cảnh như thế.
 Thời trung học, tôi học trường nữ. Tuy là nữ nhưng học sinh lúc nào cũng có những trò nghịch ngợm và tôi nhớ lại người thầy tôi mà tôi quí trọng. 
Khi thầy đổi về trường dạy thầy còn rất trẻ, thầy trò chắc xấp xỉ tuổi nhau. Thầy người Huế, luôn mỉm cười, rất hiền lại hay bẽn lẽn nên bọn con gái chúng tôi tha hồ tìm mọi cách chọc phá thầy.
  Thầy dạy lớp tôi môn Lý Hóa. Như thường lệ, sáng hôm đó , chúng tôi có bài học liên quan đến kính hiển vi. Thầy đến lớp sớm lắm, vẽ hình lên bảng, xong đâu đó thầy xuống văn phòng chờ cho chúng tôi lên lớp. Khi chúng tôi vào lớp ai cũng ngạc nhiên trước hình vẽ về kính hiển vi công phu và rất đẹp. Bỗng một bạn nào đó?! bước lên cầm cái khăn lau bảng xóa hình vẽ rồi vội vàng hấp tấp chạy về chỗ ngồi, bạn ấy không ngờ là thầy đã đi sau lưng và chứng kiến tất cả. Thầy bình tĩnh ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống rồi bước lên bục cầm phấn vẽ lại cái kính hiển vi trước sự im lặng của chúng tôi. Suốt giờ học hôm đó, cả lớp cứ nơm nớp chờ sự la mắng của thầy nhưng thầy cứ giảng bài cho đến khi chuông reo hết giờ vang lên. Thầy ngừng giảng và nói với chúng tôi:
          - Thầy mong rằng, lần sau các chị không nên có những hành động như vừa rồi !
  Cả lớp chưng hửng! Thà rằng, thầy rầy la, đằng này thầy chỉ nói một câu như thế! khiến chúng tôi đứa nào cũng áy náy, xót xa vừa thương thầy, vừa thấy có lỗi với thầy.
Nhưng lứa tuổi học trò nghịch ngợm nhưng vô tư rồi cái gì cũng mau quên.
  Năm 1971 những ngày cuối cùng của năm học, cả lớp ai cũng lo lắng cho kỳ thi tú tài 1 sắp đến. Một buổi trưa các bạn trong lớp rủ nhau ở lại trường để “cầu cơ” xem ai đậu? ai rớt? Phòng thầy ở sát lớp chúng tôi học, ngồi chơi chán cũng buồn nên cả bọn lại nghĩ trò. Các bạn lấy dép, guốc của chúng tôi xâu vào một sợi dây rồi đem giăng từ bên này sang bên kia trước cửa nhà thầy. Xong đâu đó , cử một bạn sang gõ cửa rồi chạy vội về lớp. Thầy nghe tiếng gõ cửa vội ra mở. Thì ôi thôi! một đống dép guốc rơi một cái “ầm” trước mặt. Thầy chẳng nói gì, lấy hết dép guốc bỏ vào phòng đóng cửa lại. Chúng tôi không có dép chạy tứ tung. Các bạn chạy qua gõ cửa…
Lát sau thầy ra mở cửa, thầy chỉ nói:
- Lần sau các chị đừng nghịch như vậy nữa ?
Chỉ là cái trò “quậy phá” của tuổi học trò nhưng bây giờ nghĩ lại, thấy thương thầy ! Cả buổi trưa hôm đó , thầy không ngủ được vì chúng tôi .


  
       Thế rồi năm 1972 chúng tôi tốt nghiệp ra trường , mỗi đứa mỗi ngả …Sau 1975, các bạn đi đâu hết…Lúc này tôi đã là một cô giáo. Tôi gặp lại thầy trong một lần tôi đi họp tại trường Nữ (thầy vẫn dạy lại trường cũ). Còn trường tôi thì mượn cơ sở để họp. Họp xong, trời bắt đầu đổ mưa ,tôi luống cuống dắt cái xe đạp, không biết vì sao mới lên xe đi một đoạn loạng choạng tôi té ịch xuống đất, xe và người nằm chõng chơ, đau điếng…một tốp học sinh cấp ba lao động vệ sinh sân trường, đang trú mưa gần đó... thấy thế, chúng cười ầm lên. Mắc cỡ quá! loáng thoáng tôi nghe bên tai tôi:
- Các em cười gì ? Người ta bị ngã mà các em lại cười.
Thầy đỡ tôi dậy…
- Chị có sao không ? 
Nhìn khuôn mặt hiền từ của thầy, tôi thấy an tâm vô cùng, cổ nghèn nghẹn, tôi chỉ biết lí nhí :
- Cám ơn thầy, em không sao !
  Thầy dựng lại xe cho tôi…Đó là lần cuối cùng tôi gặp thầy. Cuộc sống đầy dẫy những khó khăn cứ đẩy chúng ta dần dần xa nhau. Sau này nghe đâu thầy đổi vào Sài Gòn rồi nghe tin thầy bị tai nạn qua đời…

Tình thầy trò là tình cảm cao cả, vị tha, vô vị lợi… Xin tri ân đến tất cả các thầy giáo, cô giáo trên khắp hành tinh này! Kính chúc tất cả luôn an vui!
Và nếu cho tôi trở lại từ đầu, tôi vẫn xin làm học trò của các thầy, cô giáo. 
Riêng tôi, tôi vẫn chọn nghề giáo viên! 

                                                                                                                               Sài Gòn, tháng 11.
                                                                                                                               Irene.
 





 

7 nhận xét:

  1. Có phải người thầy Ren nhắc đến là thầy Sơn không? Mình cũng nhớ thầy vô cùng.
    Do hoàn canh, Minh nghỉ dạy, lúc đầu mới nghỉ nhớ học trò nhớ trường. Nếu chọn lại mình cũng chọn nghề giáo viên như bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Irene đã "thay lời muốn nói".

    Trả lờiXóa
  3. chào IRENE
    20 tháng 11 mà được đọc một bài như thế này thì tuyệt vời....thích quá ...cám ơn IRENE ..cô sẻ nâu là lạ..

    Trả lờiXóa
  4. Ren nè, mình không bao giờ quên những hình ảnh đó...nó cứ mãi in sâu vào tâm trí mình...Phải chi lúc ấy thầy trách mắng hay rầy la có thể mình sẽ không cảm thấy ray rức, bạn nhỉ? Giờ nghĩ lại thấy ngày đó bọn mình thật là vụng dại...mà thầy thì cũng chẳng còn để bọn mình nói một lời xin lỗi muộn màng...! Mà bạn có nhớ ai đã xóa cái hình mà thầy đã cẩn thận vẽ trước đó không? Mình thì mình nhớ đấy, rất nhớ nữa là đằng khác bạn ạ...! Ôi...nước mắt mình lại muốn rơi rồi đây...Nhớ lắm và ân hận lắm, Thầy ơi...!

    Trả lờiXóa
  5. Ngay nha giao ..BBT cho doc ngung baì viet ve nguoi thay..thç hay qua...chao chi Irene ..va mong doc dc nhieu bai cua chi

    Trả lờiXóa
  6. Irene ơi trí nhớ dai của bạn thật tuyệt... KL xin chào thua đó !
    Riêng mình vẫn còn nhớ "hai cặp zéro" trong thời trung học mà thầy Phát dạy môn Địa Lý đã "ưu ái tặng mình" về cái tội dám cùng lũ bạn châu đầu vào coi tác phẩm Yêu của Chu Tử trong khi Thầy đang thao thao giảng môn "khó nuốt" đó.
    Nói gì thì nói bọn mình vẫn là lũ học trò Tôn Sư Trọng Đạo... Irene hỉ !

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn Ren,bài viết hay, gợi cho ta kỷ niệm của một đời đáng nhớ, thày cô của chúng ta tuyệt vời....

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...