Hiển thị các bài đăng có nhãn Tùy Bút. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tùy Bút. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

MÃI MÃI LÀ THIỆN TÂM

(Kính tặng Thầy Trần Văn Mẫn, nguyên Hiệu trưởng Sư phạm Qui Nhơn)
 Bích Liên
Tôi đã từng gọi mình là “lão nương” vì đã xa rất xa thời son trẻ, xa tít tắp cái thời làm Giáo sinh trường Sư phạm Qui Nhơn. Vào thời ấy và ở nơi ấy, tôi đã giữ lại trong ký ức mình hình ảnh yêu thương của ngôi trường, khu nội trú, bạn bè, thầy cô giáo,…Ở đó vẫn rạng rỡ mãi trong lòng tôi hình ảnh một người Thầy dẫu chưa dạy tôi một chữ nào, nhưng bằng nhân cách và tình cảm đã cho tôi niềm kính yêu và niềm biết ơn sâu xa. Tôi muốn nói về Thầy TRẦN VĂN MẪN, Hiệu trưởng của trường chúng tôi ngày ấy.
Tôi nhớ Thầy như in, nhớ dáng Thầy thấp đậm, đôi kính cận dày, Thầy bước nhanh, mặt nghiêm trang và mắt luôn nhìn thẳng. Thầy ít cười và có vẻ khó gần, nhưng bên trong là cả một sự dịu dàng, tình cảm. Trong lòng tôi, mãi mãi Thầy là một nghệ sĩ đa cảm, và một người Thầy nhân hậu. Thầy nói giọng Bắc ấm và truyền cảm. Thầy hát rất hay và chỉ hát khi lòng Thầy đầy cảm xúc. Tôi vẫn nhớ hoài dáng Thầy hiền hòa, xúc động khi hát bài “Biệt ly” của Doãn Mẫn năm nào. Chỉ một lần nghe thôi mà tôi vẫn mãi nhớ Thầy và thêm yêu bài ca ấy.
Tôi nhớ Thầy ngoài tình cảm thầy trò tự nhiên và bình thường của bao giáo sinh đối với Thầy, tôi còn có một nỗi nhớ rất riêng bởi một kỷ niệm tôi không thể nào quên… Tôi làm Trưởng ban văn nghệ lớp Nhất 4, năm sau, Nhị 4, tôi làm lớp trưởng. Tôi có nhiều dịp xuống Văn phòng gặp Thầy Cô. Giữa năm Nhị niên, gia đình tôi ở quê gặp nhiều rủi ro, hoạn nạn… Tôi bối rối chuyện ăn ở, học hành, nhiều lúc thấy lòng chán nản, thiếu thốn và cô đơn. Không hiểu vì sao Thầy biết được. Một buổi sáng, Thầy cho gọi tôi xuống Văn phòng. Thầy dịu dàng nhìn tôi, ánh nhìn thương mến và thấu cảm. Bất ngờ Thầy ấn vào tay tôi chiếc phong bì. Tôi chưa kịp hiểu ra đã nghe Thầy nhẹ nhàng nói: “Đây là chút tiền nhỏ từ lương tháng của Thầy. Em nhận cho Thầy vui. Rồi mọi khó khăn sẽ qua!”  Tôi ngẩn người rồi òa lên khóc như một cô học trò bé nhỏ. Món quà Thầy tặng tôi đã dè sẻn, trân trọng trong gần một tháng. Mọi khó khăn đã qua như lời Thầy nói nhưng lòng Thầy thì vẫn rực sáng trong ký ức tôi… Sau này, trong đời dạy học, tôi đã nhiều lần tặng học trò tôi những món quà nhỏ mong các em ít nhiều vượt qua khó khăn, tôi đã xoa đầu các em và lặp lại những lời Thầy đã nói với tôi năm nào. Lòng tôi vẫn rưng rưng xúc động nhớ ơn Thầy và tôi khẽ gọi thầm: Thầy ơi!
Còn nhớ đêm văn nghệ trước ngày ra trường, lớp Nhị 4 chúng tôi đoạt giải “Danh dự văn nghệ toàn trường” cho hai tiết mục “ Hội chùa LIM” và “ Thiên thai”. Đêm ấy, khán phòng chật ních khách mời, Thầy Cô và giáo sinh hai khóa…Trên sân khấu, tôi thay mặt lớp nhận phần thưởng từ tay Thầy trao, và trao lại Thầy bức tranh sơn mài cỡ lớn trong số phần thưởng của lớp, tặng nhà trường trước lúc chia xa… Thầy đã bắt tay tôi thật chặt. Dưới làn kính trắng, đôi mắt Thầy đầy xúc động và tự hào. Chẳng biết lúc ấy, Thầy có còn nhớ cô giáo sinh đã rơi nước mắt làm động trái tim người thầy giáo nhân ái không. Ngày Lễ ra trường, bạn bè lao xao, líu xíu, tôi ngồi ở xa cố nhìn lên Thầy, ghi lại qua hình ảnh và giọng Thầy nói, những gì thắm thiết, êm đềm, một thời học làm người, làm Thầy ở ngôi trường Sư phạm thương yêu.
Hai năm sau ngày ra trường, tôi có dịp về lại QUI NHƠN, rảo bước qua khu nội trú mới, chiếc giường tôi nằm khi xưa bây giờ là của cô bạn đồng hương khóa 9. Tôi rưng rưng nhớ lại từng kỉ niệm mới qua còn nóng hổi…Buổi chiều tôi đứng sau nhà Thầy Trọng dạy trường thực hành, nhìn qua bên kia rào thép gai là nhà Thầy Hiệu trưởng và nhà ông Cố vấn. Mọi thứ vẫn còn tinh tươm. Khóm ngọc lan bên góc nhà Thầy vẫn xanh cành và đầy hoa trắng thơm thơm, chú chó KI vẫn hăm he nằm ngoài hiên hóng nắng. Bóng các em con Thầy loáng thoáng nói cười, bong Cô cao cao thấp thoáng vào ra, còn Thầy như đang ở đâu đó trong phòng đọc sách…Bên phía xa, qua vườn hoa nhà Thầy, bóng các giáo sinh nội trú đi dạo chiều thơ thẩn. Thoáng tiếng chân dịch, tiếng quả banh bàn lách cách cùng tiếng reo vui của cô Hiếu, cô Hậu trong gian nhà thể thao. Tất cả đọng lại trong tôi sự dịu dàng, trong trẻo…Tôi trở về, lòng thương nhớ khôn nguôi…
 Tết năm nay nữa, tôi đã sáu mươi ba:
                              “Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương” (TẢN ĐÀ)
Khi tôi viết những dòng này, lòng tôi bùi ngùi nhớ lại thời xanh tóc nhưng tôi rất hạnh phúc vì qua bài “Thương nhớ Ngọc lan” của mình, tôi đã gặp lại, nghe giọng thương quen của bạn bè những ngày xưa than ái. Nhất là tôi biết được tin tức của gia đình Thầy TRẦN VĂN MẪN, người Thầy mà suốt một đời tôi luôn kính mến.. Hạnh phúc lớn lao khi tôi được đọc bức thư viết tay Thầy gửi cho tôi. Thầy đã ngoài 80 tuổi, đã bị bệnh, vậy mà lời thư vẫn nồng ấm, bao dung, than thiện. Tôi còn được nghe em TRẦN THIỆN ÁI, con trai Thầy từ nơi xa gọi điện về thăm hỏi. Qua giọng em nói, những điều em kể, tôi nghĩ em vô cùng dễ thương như tên gọi. Cả em PHƯƠNG LAN nữa, các em phải là thế, vì các em là con của Thầy Cô!
Ở nơi xa xôi, Tôi muốn nói với Thầy : “Con rất nhớ Thầy, Thầy yêu quí của con, với lòng biết ơn sâu sắc không nguôi…Con kính chúc Thầy và gia đình mọi điều tốt đẹp nhất. Ở nơi nào và vào lúc nào, Thầy cũng có rất nhiều những học trò thương yêu Thầy lắm, có điều Thầy chưa biết hết đó thôi! Và con, con vẫn nhớ Thầy và mang ơn Thầy nhiều nhất. Con xin tạm biệt Thầy, Thầy ơi!
VÕ THỊ BÍCH LIÊN
Cựu giáo sinh Khóa 7 - Trường Sư phạm QUI NHƠN

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

HẠNH PHÚC ĐẦU XUÂN.

                                          Irene.

          Mùa xuân đã về với đất trời, đến với những phố phường, những hàng cây, tràn ngập khắp các chợ hoa, trên những khuôn mặt tươi vui rạng rỡ  của mọi người… Tết đến rồi! Tuy đã vào sống hẳn ở Sài Gòn nhưng năm nào tôi và các con cũng về Qui Nhơn ăn Tết. Năm nay, cô con gái lớn của tôi sinh em bé nên cả nhà không thể về quê ăn Tết được.
          Sài Gòn, một thành phố sôi động. Người đông, xe cộ nhộn nhịp, nhà cửa chi chít. Sài Gòn bây giờ cũng như là “Một ngôi nhà chung”. Dân tứ xứ, người ở khắp mọi nơi trong nước từ Bắc vào Trung  đổ xô vào đây tụ hội. Học sinh các tỉnh về đây học hành, tốt nghiệp ra trường có việc làm tốt nên ở lại không về quê nữa. Có người vào Sài Gòn tìm kiếm công việc hoặc làm ăn thuận lợi nên quyết định lập nghiệp ở cái nơi “ Đất lành chim đậu”này. Thế nhưng cứ đến Tết theo phong tục, mọi người lại kéo nhau về quê mình sum họp bên gia đình.
          Ở đây, mỗi người có một lối sống riêng. Ai biết nhà nấy, suốt ngày đi làm, tối về cơm nước, nghỉ ngơi để ngày mai tiếp tục công việc, không quan tâm đến mọi người xung quanh. Thỉnh thoảng, trong xóm mọi người gặp nhau quen mặt thì gật đầu chào, hỏi thăm vài câu xã giao… hình như cũng không có thời gian nhiều để qua lại ngồi chơi tâm sự…
          Ngày Tết lại càng buồn! Đường phố thưa thớt người hơn. Xóm vắng vẻ. Nhà ai cũng đóng cửa rồi kéo nhau đi về quê hay đi chơi xa không có tục lệ thăm viếng chúc Tết hàng xóm láng giềng như ở miền Trung mình.

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Guốc Mộc

Giang Lam
          Qui Nhơn đã vào những ngày giáp tết, không khí thật rộn ràng bởi những người đi mua sắm. Đâu đâu cũng toàn cũng toàn người là người khác xa hẳn với vẻ yên bình và tĩnh lặng vốn có của một thành phố trầm lắng ven biển. Người lớn thì bận rộn với sắm sửa ngày tết, trẻ con thì háo hức và nô nức khi theo bố mẹ để được những bộ đồ mới cho ngày tết. Lúc nào cũng vậy, mọi thứ đều phải mới trong ngày tết đối với tết Việt. Từ quần áo cho tới đôi giày, tất cả phải đều mới tinh tươm trong ba ngày tết. Cái không khí ấy như lan truyền qua cho cả tôi, tôi lại nao nao nhớ về tết năm nao theo mạ tôi xúng xính đi mua quần áo và cả đôi guốc mộc mang trong ngày đầu tiên của năm mới. Yêu làm sao đôi guốc mộc mạc, chân chất và dễ thương đến lạ lùng. Tôi truyền cả cái sở thích ấy cho con gái của tôi, nên mỗi khi tôi vào Sài Gòn để thăm con thì cháu lại dẫn tôi ra chợ Bến Thành,để tôi thỏa thích với những gian hàng bán guốc ở chợ.

Một cõi nào xa

( Kính tặng anh Nguyễn Dũ - Giám thị ký túc xá SPQN một thời và trìu mến tặng các “ nàng tiên” cựu giáo sinh đã từng “ ẩn dật luyện công” ở đó).
Tùy bút: Huỳnh Vô Thường
              1
Buổi chiều. Nắng dìu dịu. Biển mênh mông. Trời xanh màu ngọc bích. Những đợt sóng vỗ bờ như từ muôn đời vẫn thế. Tôi chọn một chiếc ghế xếp, đặt ở một gốc cây dương liễu, ngồi một mình và trầm tư. Trước mắt tôi. Biển vẫn vô tư vỗ sóng rạt rào, nhưng tâm hồn tôi thì lãng đãng mơ hồ quay về một cõi nào xa. Trong khoảnh khắc, tôi là khách nhàn du. Tôi muốn quên, nhưng lòng tôi ắp đầy nỗi nhớ.
             2
Có thể nào quên một thời với Qui Nhơn!
Ngôi trường Sư Phạm tôi học – thuở chuẩn bị bước chân vào đời – nhìn ra biển, muôn ngàn con sóng dập dìu. Ngồi trong phòng học khuất sau hàng cây dương liễu, tôi vẫn nghe rõ tiếng sóng ì ầm, ì ầm vỗ theo nhịp 2-2 tâm cảm.
Có thể nào quên! Ôi cái thuở:

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Noel năm nào…

BBT: Bài viết này của anh Lê Huy gởi về, SPQN đã nhận được từ 10 ngày trước, nhưng đúng vào dịp SPQN phải "nhập thất" nên không kịp gởi đến bạn đọc vào dịp Noel  như tựa đề của bài, xin thành thật xin lỗi tác giả... Song vì nội dung chính của bài viết vẫn là những hồi ức của tác giả về mối tình ngày ấy... là một đề tài quanh năm, muôn thủa; nên BBT vẫn cho đăng để các bạn cùng chia xẻ với tác giả về một chuyện tình đẹp...

Noel năm nào…
Lê Huy

Đêm nay, đêm đợi chờ Giáng Sinh 2011, trong lòng thành phố Thiên Thần Los Angeles, con trai tôi lái xe chở cả nhà thư thả chạy vòng vòng trong một khu gia cư để xem ánh đèn muôn màu rực rỡ đón chào Giáng Sinh hằng năm do các tư gia trang trí trong sân nhà mình, trên các thân cây cành lá hai bên đường. Khu gia cư sáng rực lên trong không gian muôn sắc muôn màu mênh mông ấy. Người người như đắm chìm trong ngày hội hoa đăng để đón mừng Chúa ra đời.

Với hằng hà sa số bóng đèn bé li ti nhiều màu, qua khối óc sáng tạo và bàn tay khéo léo, người ta đã kết nên một bức tranh toàn cảnh rực rỡ ngày Chúa Hài Đồng ra đời nơi máng cỏ trong hang Bê-lem với các Thiên Thần chấp chới cánh bay bên những vì sao lấp lánh trong bầu trời xanh thẳm. Ngồi trên chiếc xe nai do đôi tuần lộc kéo là Ông Già Noel với bộ râu trắng như tuyết, da dẻ hồng hào, nhân từ đôn hậu luôn cười vui với mọi người. Hoặc nửa đêm Ông Già Noel vai vác bao quà to tướng chui xuống ống khói tặng quà cho các cháu bé bằng cách bỏ vào những đôi tất mà các cháu đã đặt sẵn cạnh chân giường trước khi đi ngủ.     
…   …   …

Tôi nhấn nút CD, một giọng hát nam thật truyền cảm thiết tha cất lên cao vút:

Bài Thánh Ca đó còn nhờ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
(Bài Thánh Ca Buồn -- Nguyễn Vũ)

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

CUỐI NĂM NHỚ TRỊNH CÔNG SƠN - Và Tháng Ngày Lận Đận…

Tạp Bút
Mang Viên Long


          Ở quê, khi nghe tin Trịnh Công Sơn mất tại Saigon vì bệnh tiểu đường vào lúc 12 giờ 45 phút ngày 01 tháng 4 năm 2001 ( nhằm ngày mồng 8 tháng 3 Tân Tỵ) – tôi không có diều kiện vào Saigon ngay để được tiễn đưa anh lần cuối. Một năm trước, tôi cũng được bạn văn thông báo một ít tin tức về anh-nhất là về tình trạng sức khỏe ngày mỗi suy kém mà anh không giữ được sự điều độ, hay giới hạn trong sinh hoạt thường nhật. Tôi cũng được biết anh bị bệnh gan và thận khá lâu-nhưng lại mất vỉ bệnh tiểu dường.
          Không vào Saigon được trong ngày linh cửu anh được quàng tại chùa Vĩnh Nghiêm là một niềm ân hận với tôi-nhưng tôi lại nghĩ-sẽ viết “ đôi điều về anh”-để tỏ lòng thương tiếc anh,  như thắp một nén tâm hương gởi theo anh-cho lòng vơi bớt  phần nào sự ân hận, băn khoăn vì nghịch cảnh hiện tại của mình!
          Nghĩ là vậy-mà không viết được gì! Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình-nhà văn-thơ-nhạc sĩ lớn, thân hữu của anh mọi miền  ( trong và ngoài nước ) viết  khá nhiều về anh-một thiên tài âm nhạc Việt Nam-nhin chung, toàn là những bài ngợi ca tài năng anh đã cống hiến cho nền âm nhạc qua hơn 600 ca khúc trong suốt chặng đường sáng tác ( hơn 40 năm ) khởi đầu từ năm 17 tuổi ( 1956 ) với hai ca khúc “ Sương Đêm, “ , “ Sao Chiều “ và “ Ướt Mi “ ( được nhà An Phú XB năm 1959). Trong không khí  “ vàng son của tài năng Trịnh Công Sơn khi đã thành danh“, tôi không thể viết “lùii lại” về chặng đời – có thể gọi là “ lận đận” của anh như tôi đã từng biết về anh những năm đầu thập niên 60.
            Tôi lại tự nghĩ-viết về cái quá khứ gian khó, những tháng ngày lận đận của tài năng TCS cũng là một điều nên làm. Viết về một thiên tài-không hẳn chỉ nói đến các thành công, sự vinh quang- mà cũng cần biết đến chặng ngày truởng thành vươn lên trong gian khó của tài năng ấy. Như một kỷ niệm vui. Một bài học cần thiết để học hỏi.. Những ngày cuối năm-ngồi buồn-lại nhớ đến anh và chặng đời tuổi trẻ của mình-tôi viết những dòng tuởng nhớ này để ghi lại vài kỷ niệm một thời…

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

ĐOẢN KHÚC THU.

                     Phương Uyên.
 (Cảm tác qua email của một người bạn.)

          “…Bây giờ Cali đang vào thu. Khí hậu thay đổi một cách nhanh chóng. Chỉ cần một vài cơn gió lành lạnh thổi là đã biết thu đang về.
          Chao ôi! Thu đã đến rồi sao?
          Thu trước vừa qua mới độ nào!
                                    ( Chế Lan Viên )
          Trên con đường đi làm, những hàng cây hai bên đường thoáng chốc! lá xanh bắt đầu chuyển sang sắc vàng và rồi chỉ vài ngày sau, lá cây vàng rực cả lên. Từ dưới chân đồi nhìn lên trên đồi cao ta bắt gặp một màu vàng trùng trùng ngút ngàn. Chiếc xe chạy suốt cả một đoạn đường hàng chục cây số hai bên đường chỉ loang loáng một màu vàng tươi óng ánh… Rồi theo gió lá vàng bắt đầu rơi tràn ngập cả mặt đất! Ngập cả con đường và cả lối đi về! Lá vàng bay bay lả tả cho đến khi cả đất trời, cả cảnh vật đều nhuộm một sắc vàng. Cả một không gian thu là thu.
          Gió thu se sắt nỗi buồn
          Đỏ vàng chiếc lá nhẹ nhàng buông rơi
          Tình yêu khoác áo mây trời
          Rừng thu gom nhặt lá vàng ngẩn ngơ.
                                                            ( DM )

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Vệt nắng cuối ngày.


                            Irene.
          …Một ngày như mọi ngày, đi về một mình tôi…

          Hôm nào cũng vậy, buổi sáng, khi mọi người trong nhà đi làm hết. Căn nhà trở nên yên tĩnh và rộng thênh thang. Tôi thường ra trước hiên nhà, ngồi xuống chiếc xích đu. Một mình lơ đãng ngắm những giò phong lan đang ra hoa, nhìn những chùm hoa khế nhỏ màu tim tím trong cái chậu kiễng hay những chùm hoa giấy màu đỏ trắng rập rờn trước cổng.
          Cái hẻm cụt vắng vẻ đìu hiu. Xung quanh im ắng! Đến nỗi tôi nghe rõ cả tiếng gió thổi nhẹ lay động khe khẽ những chiếc lá. Một con chim nào đó trên cây mận của nhà kế bên cất lên tiếng hót cũng đủ làm  xôn xao trong nắng sớm…Tôi giật mình vì tiếng chuông điện thoại reo.
          -A lô !
          -Xin lỗi ! Phải cô là cô…không ?
          -Đúng rồi! Có chuyện gì không em ?
          -Dạ, em ở chỗ shop hoa…có người gởi tặng hoa. Cô cho biết số nhà.
          -Số nhà cô là….
          -Cám ơn cô! Khoảng mười lăm phút nữa sẽ có người mang hoa đến!

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

ÔNG XÃ CỦA TÔI

Tản mạn tiếng lòng (lời tự sự của bà xã) - DiệpThế Thoại
  (Riêng tặng bà xã của tôi - người đã cho tôi còn có được riêng một góc trời để đọc, để viết và để thả hồn theo sợi khói buồn hiu… giữa chốn chợ đời náo nhiệt - T.Diệp)

Tôi thì không biết viết lách (vì trình độ có hạn!), nhưng cái “tình” chất chứa trong tôi thì rất là nhiều - nhất là cái “tình” đối với ông xã nhà tôi. Giả dụ như đến một ngày nào đó không xa trong cuộc trăm năm của kiếp người…mà anh thì mất, tôi thì còn lại cô đơn trong cái dáng liêu xiêu của bóng ngã về chiều thì…thì…thì …(cho phép tôi đừng nghĩ tiếp nữa, sợ lắm!),  để tôi còn biết rằng ít ra trong lúc này đây tôi vẫn còn hiện hữu tôi là tôi (!).
            Thật vậy, chữ nghĩa trên trang viết này không phải là tôi viết mà chính ông xã của tôi đang viết về tôi đấy! Tôi hiểu được rằng: ông xã tôi trong tôi, tôi trong ông xã tôi, đích thực là một tác phẩm vĩ đại mà Tạo hóa đã kiến tạo cho loài người tự thuở hồng hoang để duy trì và phát triển sự sống bền vững trên hành tinh này.
(Xin nhấn vào "Đọc Tiếp" để xem trọn bài...)

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Đôi mắt

               Irene .
                        Cảm tác từ câu nói :
“…anh nhớ có một buổi chiều mưa, cũng có một cô giáo đứng trước cửa, đưa hai tay ôm vai nhìn mưa…giống như một con mèo nhỏ…”

        Mùa mưa lại bắt đầu về ở cái phố núi xa xôi này, Mưa rả rích suốt ngày. Mưa kéo dài lê thê. Mưa nức nở triền miên đêm khuya. Phố xá lướt thướt trong mưa.
        Sau mỗi buổi dạy, tôi trở về nhà trọ với một tâm hồn chới với đầy rẫy cô đơn, nỗi tuyệt vọng không giới hạn của một quá khứ không cùng.
         Khi quyết định chọn về nơi đây dạy là tôi đã bỏ lại sau lưng Thành phố biển mộng mơ, bỏ lại sau lưng những ngày vui của một thời tuổi trẻ, bỏ lại đằng sau một vài cuộc tình mà kết thúc cũng chẳng có gì vui.
        Tôi muốn cuộc đời mình chuyển sang một giai đoạn khác với những cung bậc trầm, sâu lắng hơn. Khi mới về đây, tôi nghĩ rằng mình có thể chấp nhận để quên đi tất cả, để sống an vui cuộc sống khép kín của một nhà giáo. Một ngôi trường làng, với khuôn mặt ngơ ngác của những học sinh bé thơ. Rồi sẽ tìm quên trong những bài soạn, bài giảng hàng ngày hay trong những bài làm của học sinh tôi chấm mỗi đêm. 
(Xin nhấn vào "Đọc tiếp" để xem thêm)

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Đâu Phải Bởi Mùa Thu.

                               Phương Uyên.

Một chuyến bay dài, anh trở về Sài Gòn sau gần ba mươi năm xa cách. Không cảm thấy mệt mỏi vì cuộc hành trình, lần theo địa chỉ anh tìm đến tôi qua bao con hẻm quanh co giữa lòng Thành phố.
Thời gian là một lớp sương mù bao phủ. Chúng tôi nhìn nhau trong ngỡ ngàng tiếc nuối, không nhận ra nhau. Nét phong trần ngày xưa của anh đâu mất ! Trước mặt tôi là người đàn ông đứng tuổi. Tóc đã bạc nhiều và cả những nếp nhăn hằn theo năm tháng. Còn tôi dáng yểu điệu thục nữ, “Mình hạc xương mai” cũng xa rồi ! Đôi mắt đen tròn ngây thơ ngày nào, bây giờ cũng ẩn nấp sau cặp kính viễn.
Phải là một lát sau, chúng tôi mới tìm lại được một chút gì quen thuộc của một thời .
Dường như còn lại đâu đó ở nụ cười. Anh nhận ra tôi bởi nụ cười tươi vui. Cứ cười cười để dấu đi cái ngại ngùng - Cứ cười cười để dấu đi những điều mình không muốn nói và cứ cười cười vì chẳng biết trả lời sao ?
Còn tôi nhận ra anh cái nụ cười ngày nào ! Nụ cười nhếch mép - Nụ cười của người thanh niên quen phong trần, mưa nắng - Nụ cười vừa tươi vui pha chút nghịch ngợm, hóm hỉnh - Một nụ cười mà khi vui cũng cười lúc buồn cũng cười.
Chúng tôi còn tìm thấy nhau ở hai tâm hồn đồng cảm !
Sài Gòn vào thu với những cơn mưa bất chợt. Từng cơn gió thổi đến mang theo những lá me bay. Chúng tôi đi dạo trên con đường Nguyễn Du dưới những vòm lá me xào xạc. Một chút gì bâng khuâng xao xuyến. Một cảm giác trong trẻo tràn đầy. Con đường tưới mát sau cơn mưa những chiếc lá me nhỏ xíu như những confeti rắc đều khắp mặt đường, khắp lối đi…Tự dưng chúng tôi cảm thấy mình như được trẻ lại. Hình như chúng tôi quên mất tất cả chỉ biết Sài gòn là của chúng tôi. Mùa thu là của chúng tôi và chúng tôi chỉ có hiện tại.
Những chiếc lá me vàng mỏng manh bay là đà theo từng cơn gió.
                         Con đường có lá me bay
                         Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về
                         Con đường đưa bước chân đi
                         Êm êm đá lát lòng nghe bồi hồi
                         Em đi bình yên bên anh
                         …
Buổi chiều anh chở tôi trên chiếc xe đạp. Nắng Sài Gòn bỗng trở nên dịu mát. Anh cầm lấy tay tôi nghịch ngợm choàng vòng qua người anh. Bàn tay tôi chạm vào da thịt qua làn vải áo. Tôi mơ hồ một cảm giác nào đó từ xa xăm trôi về. Lâu lắm tôi mới có những rung động đích thực, một cảm xúc không bờ không bến, một hạnh phúc bủa vây…Tôi nhắm mắt lại không còn muốn biết mình là ai, không còn muốn biết ngày mai, không còn biết Sài Gòn đã vào thu. Quá khứ, hiện tại hay tương lai chỉ là lờ mờ trong trí nhớ.
Bên tai tôi chỉ nghe thoang thoảng lời anh hát:
            Em ru gì lời ru cho ngày mai. Thời gian có bao giờ trở lại…
            …
            Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng
            Thôi đừng hát ru, thôi đừng day dứt
            Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu…

                                               SàiGòn vào thu.
                                                Phương Uyên.


Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Tuổi hai mươi.

Tuổi hai mươi.
Irene.
Tặng Thanh Cảm.

Sau một thời gian miệt mài với học sinh, với bảng đen phấn trắng …Chúng tôi rời Bồng Sơn bỏ lại sau lưng trường lớp vùng đất bom đạn chiến tranh trở về Quy Nhơn thăm nhà.
Buổi chiều Quy Nhơn nắng nhạt, Cảm nhẹ nhàng trong tà áo dài vàng, tôi dịu dàng trong chiếc áo dài màu hồng. Chúng tôi thướt tha dưới những hàng cây xanh rợp mát của con đường Cường Để.
* Em hai mươi tuổi em là nắng. Em hai mươi tuổi em là mưa …
...(nhấn Đọc Tiếp để xem thêm)

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

HOÀI CẢM


*Viết tặng qúy thầy cô và bạn bè cũ của tôi ở trường Sư Phạm Quy Nhơn*.
Châu Thị Thanh Cảm



                                                      
Chiều Sài gòn với những cơn mưa chợt đến, chợt đi làm tôi nhớ da diết đến những cơn mưa dầm dề lê thê kéo dài từ sáng đến chiều, từ ngày này qua ngày khác ở quê hương ven biển miền Trung của tôi. Vùng đất nơi tôi lớn lên, nơi ươm mầm bao ước mơ, bao đam mê khát khao của thời tuổi trẻ, Quy Nhơn đầy nắng và gió thoảng mùi vị mặt chát của biển đã cho tôi biết thế nào là đi xa vẫn nhớ quê nhà. (nhấn Đọc Tiếp để xem thêm)

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Cho tôi một bông hồng.


Giang Lam.
Những ngày còn bé, chị em tôi thường theo mạ (*) lên chùa lễ Phật vào những tối rằm hay mồng một hoặc giao thừa. Lúc đó tôi nhút nhát lắm nên đi đâu cũng sợ, cứ nắm lấy tà áo dài của mạ, thấy vậy mạ tôi bảo:
- Con đừng sợ cứ mạnh dạn lên.
Nhưng đâu cũng vào đấy! Tôi cứ quấn bên chân và vân vê tà áo dài của mạ.
Tôi lớn dần, đã là cô thiếu nữ mặc chiếc áo dài trắng đi chùa với mạ lễ Phật, đọc kinh Sám Hối.
Hai năm học Sư phạm vẫn đều đặn theo mạ đi chùa. Rồi tôi ra trường đi dạy, không còn thường xuyên nhưng dịp Tết hoặc hè tôi lại theo mạ đi lễ.
Khi ba tôi qua đời, lúc này tôi đã có gia đình nhưng tôi vẫn ở bên mạ và tôi vẫn giữ thói quen ấy.
Thời gian trôi qua, mạ già đi, mắt mạ tôi yếu dần, tôi lại đi chùa với hai cô con gái còn mạ ở nhà niệm Phật nhưng vẫn cứ hỏi thăm:
- Hôm nay, chùa có đông không con ?

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Bồng Sơn Thân Thương.

Kính gởi BBT trang SPQN

BBT kính mến,
Tôi tên Lê Cát Bá hiện đang ở Thành Phố Portland, Tiểu bang Oregon. Trước đây tôi đã được công tác tại địa bàn tỉnh Bình Định , Qui Nhơn và nhất là tại quận lỵ Bồng Sơn một thời gian dài. Tình cờ tôi được biết trang nhà SPQN. Tôi vào đọc và thưởng thức được nhiều bài văn, bài thơ hay quá nhất là đọc bài "Ngày tháng cũ" của Irene Tran tạo cho tôi nhiều cảm xúc và những kỷ niệm một thời sống với Bồng Sơn lại xôn xao trong lòng, nên tôi viết bài này, mạo muội gởi tới BBT để tặng các cô giáo của một thời gian khổ và cũng như một lời cảm tạ tôi gởi tới trang SPQN. Nếu có thể mong được BBT cho đăng. Trân trọng đa tạ.

Kính,
Lê cát Bá

 
Bồng Sơn Thân Thương.
                      Lê Cát Bá.
 (Tặng bốn cô giáo Loan, Vân, Cảm, Ren) 

    Tôi đến Bồng Sơn vào mùa hè năm 72. Sau những ngày tháng thảnh thơi "ru hồn mình bồng bềnh" bên dòng sông Đà Rằng nước xanh biêng biếc. Bỏ lại núi Nhạn buồn vu vơ trơ trọi một mình giữa khoảng trời mênh mông. Bỏ lại nàng và những đêm nhâm nhi cà phê Vị Thủy nghe nhạc Trịnh nát vụn hồn mình. Bỏ lại những buổi chiều đứng ngẩn ngơ, ngắm chiều rơi êm ả trên mặt đầm Ô Loan phẳng lặng, thấp thoáng vài bóng thuyền ngư phủ xa xa...
     Thật ra đây không phải lần đầu tôi tới Bồng Sơn. Đầu năm 70, tôi được đổi về Trà Quang. Ở đây gặp Lợi. Anh bạn người Huế rất dễ thương và cũng rất chịu chơi. Lợi thường rủ tôi hai đứa lái xe đi Bồng Sơn...uống cà phê...

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

HÃY LUÔN NHỚ VỀ NHAU!

Thầy xưa, bạn cũ, trường yêu dấu
Hoài niệm trong ta mấy ngậm ngùi!...(DTT)
 
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh. Kỷ niệm xa xưa đã nhạt nhòa sương khói. Đã 37 năm kể từ ngày khóa sinh khóa 11 SPQN ra trường đi nhận nhiệm sở. Cuộc chia tay trường, lớp, bạn, thầy…được đánh dấu bằng một đêm thức trắng bên ánh lửa hồng trong sân nội trú thân quen …để rồi đến khi tiếng gà gáy sáng  cũng là lúc thầy Hiệu trưởng Trần Văn Mẫn “thương mến từ biệt anh chị em” bằng “câu chuyện lửa tàn” -hành trang đủ và cần thiết- để  mỗi giáo sinh khóa 11 sẽ  tự mình đi suốt quãng đời còn lại, giã từ Quy Nhơn - hạ tuần tháng sáu bảy tư!

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...