Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Thơ - Irene - Vẩn vơ



Một chút vấn vương buồn
Rồi chợt đọng trên mi
Một chút vấn vương sầu
Đọng lại lòng cô quạnh,

Nhẹ nhàng như gió thoảng
Dịu dàng như mây bay
Cơn mưa nào chiều nay
Vẩn vơ và bất chợt.

Một thoáng bình yên thôi
Để tâm ta tĩnh lặng
Con tim thôi thổn thức
Lòng mình không luyến lưu.

Chợt đến rồi chợt đi
Đời như là dòng sông
Trôi đi trôi đi mãi
Còn lại ta một mình.

Saigon, tháng 8/2011
Irene

Một lần thăm trường cũ


 
“… Em còn nhớ một thời giáo sinh, thời xuân sắc hương tình        … Em còn nghe từng hồi gió khơi. Đường sân bay tung bụi cát…” Sân bay bây giờ không còn nữa, đường tung bụi cát ngày xưa giờ này là con đường tráng nhựa rộng thênh thang, dẫn vào trường Đại học Qui Nhơn, nơi ấy trường Sư Phạm Qui Nhơn chúng ta là một phần trong cái Đại học to tướng đó.
Tôi bồi hồi đứng trước cổng trường rồi đánh bạo xin bảo vệ được vào thăm trường cũ. Trường lúc này  sinh viên đang thi nên bảo vệ chỉ cho tôi dạo chơi bên ngoài. Tôi lần bước đến văn phòng cũ và đứng đó ngắm nhìn hai dãy phòng học, đại giảng đường và hai khu nội trú vẫn còn nguyên xưa, chỉ khác là đã bạc màu theo năm tháng… Tôi rảo bước vào Nội trú nam, nơi mà tôi có thời gian dài làm việc tại đó. 36 năm xa trường giờ này tôi được dịp thăm lại; những kỷ niệm xưa lại ùa về trong tôi. Văn phòng làm việc, phòng tiếp tân, chỗ ở của tôi và các phòng cho giáo sinh vẫn nguyên vẹn, chỉ khác là trường mới đã thay đổi chức năng của khu nội trú một thời. Sân nội trú giờ cỏ không còn xanh mướt thay vào đó là những bụi cây, khóm hoa đơn sắc, buồn tẻ…
Rời khu nội trú nam, đứng trước cổng mà nước mắt tôi tuôn trào, hai cây trúc mà ngày xưa tôi cùng anh em vun tròng đã 38 năm nay đã vươn cao xanh tốt… những ký ức lại sông1 dậy trong tôi, từng bao đất, từng bao phân và những xô nước sáng chiều anh em đổ vào cho cây tươi tốt… ôi một kỷ niệm khó quên; cây xưa còn đó mà người xưa đã ra đi… ra đi từ nhừng ngày mùa xuân 1975…
Tôi theo hành lang về khu nội trú nữ, bất chợt gặp một nhân viên, họ mời tôi vào văn phòng trò chuyện. Tôi nêu ý nguyện của anh chị em cựu giáo sinh là muốn được một lần về thăm trường cũ, ông ta liền đưa tôi vào văn phòng Hiệu trưởng ĐHQN. Trái với suy nghĩ của tôi trước kia, vị phó Hiệu trưởng niềm nở tiếp tôi và bày tỏ sự hoan nghênh viêc trở lại thăm trường của anh chị em CGS SPQN. Thế là chuyến đi không dự định trước lại có thành công bước đầu… Ra về lòng tôi mừng vô kể và khi trở lại thành phố, trong lần họp mặt lần thứ 13 ngày 3/7/2011, tôi đã xin ý kiến tập thể và tất cả đã đồng thanh: “ Hãy tổ chức một chuyến về nguồn cho thỏa lòng mong ước của anh chị em trong độ tuổi đã về chiều…”

Nguyễn Dzũ

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Thơ - Đông Oanh - Tìm Chi...

Thôi đừng tìm em nữa
Bụi đỏ mất dấu rồi
Anh chim trời tháp gió
Lạc vùng nào xa xôi!
Em nỗi sầu vạn cổ
Vẫn mãi hoài mưa ngâu
Anh tìm chi khốn khó
Anh tìm chi thương đau!
Than đã thành tro bụi
Củi nỏ chẳng còn reo
Tìm hoài chi mỏi mệt
Tìm hoài chi đêm sâu!
…Ta đành mất nhau thôi!!!…
Đông Oanh

Mùa hè năm ấy.

                  Irene,

    Ngoài trời, nắng đã bắt đầu gắt, những chùm hoa phượng nở đỏ rực trong sân trường, trên đường phố và tiếng ve kêu râm ran báo hiệu hè về. Kết thúc năm học, học sinh nghỉ học cũng là lúc giáo viên bước vào khóa học chính trị hè đầu tiên năm 1975.
   Hội trường đông nghịt giáo viên của cả ba cấp học, trong cái gió Nam nóng hầm hập, lèo tèo vài ba cái quạt không đủ mát cho cả ngàn con người ngồi trong hội trường này. Tiếng giảng viên chính trị đều đều nêu lên những tội ác của Mỹ-Ngụy… Mọi người cắm cúi ghi ghi chép chép, Lan cũng cố gắng ghi nhưng hai con mắt cứ “ríu” lại. Cố chống chọi với cơn buồn ngủ, cô vội viết vào góc vở :
         - Cúc ơi! Chiều nay học xong hai đứa mình đi biển chơi!
    Rồi chuyền đưa sang cho bạn ngồi bên cạnh. Cúc xem xong nhìn Lan gật đầu.
    Lan nghĩ đến cảnh biển mát mẻ, tự nhiên cô bớt buồn ngủ.

Thơ - Xuân Khóa - Về Thăm Thầy Giáo Cũ.


                       Kính tặng Thầy Hoàng Hy

Lối nhỏ đưa chúng em vào nhà thầy
(Nhà thầy tận cuối đường nhưng không xa mấy).
Giữa chốn thị thành ồn ào, náo nhiệt
Có một khoảng riêng yên tĩnh lạ lùng!
Thầy cô đón chúng em đến từ Đăklăk
Như những đứa con xa nay trở về nhà
Vườn rất nhỏ nhưng cũng đầy hoa lá
Nhà đơn sơ mà ấm áp vô cùng!
Rất mừng vui sau những phút tương phùng
Chợt chạnh lòng thấy cô thương tật
Con cháu thì ở xa, chắc ông bà  cũng có lúc buồn lặng lẽ!
Bữa điểm tâm cô dọn ra như chuẩn bị từ đêm qua
Nào bún, nào bánh…, toàn đặc sản của quê nhà,
Em không hiểu một mình cô sao làm nổi!?
Sau giây phút ngỡ ngàng, bối rối
Chúng em ăn một bữa ngon lành!
Như ngày xưa mẹ mình nuôi con vậy,
Thầy và cô chăm sóc từng em!
Cái nóng Sàigòn bỗng dưng dìu dịu
Chan chứa tình yêu, không khí gia đình
Mấy mươi năm rồi mới được gặp thầy cô!
Nói sao hết bao điều ấp ủ…
Ước gì trở lại ngày xưa dưới mái trường sư phạm…
Bỗng nghe chim hót, ngoài vườn
Chợt nhớ:
“Reo vang reo, ca vang ca” (*)
Thầy ơi, khúc nhạc xưa vẫn còn rộn rã …
Bởi yêu người nên nhạc vẫn xanh!
Em mong ước thầy cô vui khoẻ mãi
Để thầy viết tiếp bản tình ca sư phạm
và hàng năm cuộc họp mặt giáo sinh
Chúng em lại về thăm…

                                                  Xuân Khoá
                                              Buôn Ma Thuột

(*) Reo Vang Bình Minh, nhạc Lưu Hữu Phước

Hình ảnh lớp xưa trường cũ

Bạn Nguyễn Thị Phương Dung K11 đã gởi về một số hình ảnh cũ của lớp Nhị 2, K11 (1972 - 1974), những tấm hình thể hiện đầy đủ khuôn mặt của từng bạn bè cũ hẳn sẽ làm chúng ta nhớ nhiều về những hoạt động, sinh hoạt của cộng đồng chúng ta trong các ngày ấy... Rất cám ơn bạn Phương Dung đã gởi cho SPQN những hình ảnh tư liệu quí.

Toàn cảnh trường SPQN
Lớp Nhị 2, K11 trong một lần sinh hoạt ngoại khóa
Ban Văn Nghệ Nhị 2 với một tiết mục hợp ca
Trong chuyến du khảo tại Cù Lao Xanh

Phương Dung, Minh Đề, Đồng, Dũng


Diệp, Hậu, Ngọc Hiền, Phương Dung, V.T.Đào
Cả lớp trong Đêm Không Ngủ...
(Có thể Click vào hình để xem lớn hơn)

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Biểu Tượng Tình Yêu

Tuy Hòa. 1/8/2011

Anh, chị, em cựu GSSPQN thân mến,
Không thể tham dự  buổi họp mặt 30/7/2011, kỷ niệm 40 năm ra trường của khoá VIII SPQN, chiều nay hơi buồn, ghé lại website SPQN, xem có gì mới lạ, tôi rất mừng vì thấy nội dung ngày càng phong phú với các hình ảnh sinh động và giá trị. Tôi rất cảm ơn trong thời gian qua ban Biên tập đã cho đăng một số sáng tác của tôi trên Diễn Đàn Sư Phạm Qui Nhơn. Tôi nghĩ ban BT có thể thay  từ “nhận xét” sau mỗi bài (nhất là các sáng tác nghệ thuật) bằng một từ nào đó gần gũi và dễ thương để cho những người rụt rè cũng bước được
vào mái nhà chung. Cảm giác của tôi có vẻ cô đơn, vì cho đến nay, nhìn trước ngó sau, ngoại trừ Thầy Hoàng Song Nhi, dường như chỉ có mình tôi lai vãng ở đây hơi nhiều!
Tôi nghĩ, khi bên ngoài viết hay nói  mà trong tâm yên tĩnh tức là ta đã  giữ im lặng bằng cách viết và nói. Ngược lại khi  bên ngoài không viết hay nói gì  cả, nhưng trong tâm luôn biến động, đó là ta đã nói và viết qua  sự im lặng. Không thể tránh được việc sử dụng ngôn ngữ, và trước đây tôi đã nói, tình thương yêu và trí  huệ có thể giúp ta trở về  nguồn cội tốt đẹp nhất của mình, do vậy tôi vẫn gửi sáng tác của mình đến Diễn Đàn Sư Phạm Qui Nhơn, khi còn có thể được.

Biểu  Tượng Tình  Yêu

Thánh thể trên thập tự,
Hoa hồng nở trên gai.
Tình yêu thương  nơi nơi
Đâycon đường hiệp nhất.
*
Khổ đau tròn ân phúc,
Đoạn diệt vẹn thường hằng,
Bất đắc đầy quyền năng,
Vô ngôn vang lời  Thánh.
*
Vòng nguyệt quế  anh hùng bãi trận,
Ánh hào quang với trái tim đen!
Hạnh phúc an bình đem xuống  thế gian,
Gánh tội lỗi về trời mãi mãi!
*
Biểu tượng tình yêu
Cho ta ngắm lại:
Hạnh phúc cho người,
Khốn khó về ta.
*
Vũ trụ hà sa thật là đơn độc;
Thường hằng chung thuỷ chỉ một “giờ-đây”!

Đ.Khánh Hỷ

Ông Ấy Cần Tôi...


                                    
Cô y tá nọ hướng dẫn một chàng thanh niên với vẻ mặt hốt hoảng âu sầu tới bên giường bệnh của ông già .
Cô nói : ”Ông ơi! Con trai ông đã tới đây này!”
Cô phải nhắc lại nhiều bận thì ông già bệnh nhân mới mở mắt ra nhìn. Ông bị ảnh hưởng thuốc mê và cơn đau nên chỉ nhìn thấy lờ mờ người thanh niên đứng bên bình dưỡng khí ở đầu giường. Ông giơ tay quờ quạng nắm lấy bàn tay người thanh niên, siết chặt, không rời tay ra như cần một sự an ủi.
Cô y tá lăng săng mang một chiếc ghế lại gần giường bệnh cho người thanh niên ngồi. 
Rồi suốt đêm đó, người thanh niên ngồi giữ bàn tay ông già và nói những lời an ủi đầy hứa hẹn.
Người bệnh già thì chẳng nói đuợc câu gì, chỉ biết nắm chặt lấy bàn tay người thanh niên.
Sáng ngày ra, người bệnh nhân thở hắt ra và chết. Người thanh niên bùi ngùi đặt cái bàn tay bất động nọ xuống bên giường và đi báo tin cho cô y tá.
Trong khi cô ý tá làm thủ tục giấy tờ, người thanh niên tần ngần đứng bên cạnh. Khi cô làm xong thủ tục, cô ngỏ lời chia buồn với chàng thanh niên thì chàng này hỏi cô rằng: ”Ông ấy là ai vậy? tên là gì?”
Cô y tá ngạc nhiên: ”Tôi tưởng ông ta là cha anh?” Chàng thanh niên trả lời: ”Không, ông ta không phải là cha tôi, tôi chưa hề gặp ông ta bao giờ, tôi vào thăm người bạn có lẽ cùng họ, nên cô dẫn tôi nhầm tới đây.”
Cô y tá kêu lên: “Ổ, thế sao anh không cho tôi biết khi tôi dẫn anh tới đây!”
Chàng thanh niên nọ chậm rãi: “Khi tôi được biết ông ta bệnh nặng khó qua khỏi mà ông ta lại đang mong mỏi sự có mặt người con trai chưa tới được. Ông ta đã yếu quá, cũng không nhận ra được ai cả, tôi cảm thấy ông ta rất cần tôi nên tôi ở lại cũng có sao đâu!”
  
                                  Lê Trung Thận, K12  sưu tầm từ internet

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Ngài rất không bình thường, thưa Bộ trưởng!

Tiếp tục phản ứng với phát biểu của Phạm Vũ Luận rằng "... Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường."
 Mời các bạn theo dõi bài viết sau đây của bloger Bọ Lập ( nhà văn Nguyễn Quang Lập)

Trả lời pv báo Tuổi trẻ, khi nói về tình trạng có hàng ngàn điểm không môn lịch sử ở kì thi đại học vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải thích  như vầy: “Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém.“  Mình đang uống nước, đọc đến đoạn này bỗng sặc nước, phun ướt cả máy tính. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa nghe một ông bộ trưởng giáo dục nào lại phát ngôn làm mình sốc đến như vậy.
Với 98% thí sinh có điểm sử dưới trung bình, trong đó có hàng ngàn điểm không khiến thiên hạ giật mình kinh hãi thì Bộ trưởng nói tỉnh bơ, cho đó là chuyện bình thường. Thất kinh.
Chính vì “Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém”, với kết quả như vậy thiên hạ mới giật mình hoảng hốt. Bộ trưởng không hề biết đỏ mặt xấu hổ, không hề biết đau xót thì quá lạ. Nếu chỉ là cuộc chơi ” đố vui có thưởng” thôi, mà có mấy ngàn điểm không lịch sử người ta đã giật mình  lo lắng rồi, huống hồ đây là thi tuyển quốc gia, Bộ trưởng ơi là Bộ trưởng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã viết như vầy: “Lịch sử không chỉ trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới mà còn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc…”. Đại tướng viết vậy là để  tái khẳng định mạnh mẽ tầm quan trọng của việc dạy và học  sử, để cho kẻ ngu xuẩn nhất cũng phải nhớ. Chả biết Bộ trưởng đã đọc chưa. Mà chưa đọc thì cũng phải biết điều đó chứ, một ông giáo dạy sử cấp 2 còn biết nữa là Bộ trưởng.
 Chắc chắn Bộ trưởng thừa biết lứa học sinh thi đại học năm nay, dăm mười năm nữa sẽ là lực lượng nồng cốt  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thử hình dung mà xem, chuyện gì sẽ xảy ra khi lực lượng nồng cốt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ấy có 98% mù tịt về lịch sử nước nhà, trong khi Trung Quốc lúc nào cũng muốn nuốt chửng nước ta? Chuyện gì sẽ xảy ra, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng cũng thừa biết, từ  phim ” Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long”, phố đèn lồng ở Thanh Hóa, xây Vạn lý trường thành ở Đà Lạt…. đến việc mất đất ở biên giới, coi Hoàng Sa “chỉ là bãi chim ỉa”, đàn áp và khinh bỉ người biểu tình yêu nước, đục bia ở Lạng Sơn bỏ bia ở Nghệ An… có nhiều lý do, nhưng một lý do không thể bỏ qua, ấy là việc dốt sử. Không lẽ Bộ trưởng không biết xấu hổ, không biết đau, không biết lo lắng về điều đó hay sao.
Cho nên, với dự án  xây dựng bộ sách giáo khoa 70 nghìn tỉ, và với phát ngôn phi giáo dục, vô trách nhiệm như đã nêu trên, xin nói thật với Bộ trưởng như vầy: Ngài rất không bình thường, thưa Bộ trưởng!
 Tặng ngài hai cái ảnh này để ngài hiểu thêm hậu quả của việc dốt sử.




Bạn có thể xem nguồn của bài viết tại đây :http://quechoa.info/2011/07/31/th%C6%B0a-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-ngai-r%E1%BA%A5t-khong-binh-th%C6%B0%E1%BB%9Dng/
Bo5 Khi nghe ông Luận thản nhiên ném ra một câu rất vô tâm  bảo việc hàng nghìn học sinh bị điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi đại học vừa qua là… bình thường, thì trong mắt tôi (và tôi tin không chỉ riêng tôi) hình ảnh vị Bộ trưởng Giáo dục cũng chỉ là một con số 0 tầm thường (chứ không phải bình thường)!

          Việc hàng nghìn học sinh bị điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi đại học vừa qua là… bình thường! (Phạm Vũ Luận, nguồn: Tuổi Trẻ)
          Thú thật, nếu nghe một ông giáo làng nói câu này, tôi cũng điên muốn… tát cho sưng mồm, huống chi đó là lời nói bình thản, bình thản đến vô tâm của ông Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo Phạm Vũ Luận.
          Tôi thất vọng ngay từ khi nghe ông Luận bảo “Tôi không nghĩ đến việc tạo dấu ấn cá nhân” lúc ông mới nhậm chức Bộ trưởng. Một vị Bộ trưởng mà ngay từ khi mới nhậm chức đã xác định cho mình “không muốn tạo dấu ấn cá nhân” thì chẳng nên trông mong hi vọng gì. Và đúng là từ khi ông ngồi ghế Bộ trưởng đến nay, chẳng thấy để lại được cái gì ấn tượng. Thậm chí nhiều người còn không nhớ nổi cái tên ông.
          Vì thế thêm lần này, khi nghe ông Luận thản nhiên ném ra một câu rất vô tâm bảo việc hàng nghìn học sinh bị điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi đại học vừa qua là… bình thường, thì trong mắt tôi (và tôi tin không chỉ riêng tôi) hình ảnh vị Bộ trưởng Giáo dục cũng chỉ là một con số 0 tầm thường (chứ không phải bình thường)!

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...