Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

QUI NHƠN NGÀY VỀ.


                                             Irene.

         Chưa đến chín giờ tối mà con hẻm đã vắng vẻ.  Chỉ nghe gió thổi lao xao qua hàng cây trước nhà. Ánh đèn hai bên đường nhập nhoạng càng làm cho con hẻm như rộng và dài thêm ra. Thường thường thì vào tối thứ bảy, mọi người tụ tập đông hơn vì nghỉ cuối tuần. Dăm ba người bắc ghế trước nhà. Đàn ông ngồi uống trà hay rượu có khi cao hứng hát vài ba câu vọng cổ khàn khàn. Đàn bà thì bế con hay túm tụm trò chuyện. Trẻ con thì nhảy dây hay đuổi bắt làm náo động cả xóm…Cái hẻm cụt chỉ độ vài nóc nhà, họ sống quây quần, gắn bó với nhau. Thế nhưng những ngày khác trong tuần thì ngược lại, tối đến nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Ai cũng lo nghỉ sớm, mai còn đi làm, đi học.
Hôm nào yên ắng. Tôi lại thích đi dạo quanh quẩn một mình trong cái tĩnh mịch và sự mát mẻ của đêm về...Nhìn lên bầu trời có muôn vàn vì sao lấp lánh. Tiếng hát của ai đó đang nức nở bài Xóm Đêm : “ Đường về canh thâu. Đêm khuya ngõ sâu như không màu. Qua phên  vênh có bao mái đầu. Hắt hiu vàng ánh điện câu…”  Có lẽ đêm nay tôi lại mất ngủ nữa rồi…
Trưa nay, Tâm Thanh, cô bạn lúc trước cùng học một lớp  trường Sư Phạm Qui Nhơn. Bạn ấy hiện đang ở Tuy Hòa, gọi điện cho tôi hẹn ngày về thăm trường. Một lát sau, tôi lại nhận điện thoại của Ánh Tuyết. Ánh Tuyết cũng học cùng lớp Sư Phạm.  Mừng quá! Gần bốn mươi năm mới nghe lại giọng nói của nhau. Chúng tôi vui mừng giành nhau mà nói, mà hỏi…mà trả lời.
         Vui lắm! Náo nức lẫn nôn nao. Mong giây phút gặp lại nhau. Tâm Thanh tâm sự :
-      Gặp lại bạn bè, mình sợ mình khóc quá, Ren ơi!  
-      Ừm…những giọt nước mắt của sự mừng vui.
Ngày về! vui lắm! Làm sao không vui được! Khi chia tay nhau trong Lễ Tốt Nghiệp-Chọn Nhiệm Sở ra trường. Chúng tôi chỉ mới đôi mươi. Rồi mỗi đứa một phương. Sau những biến cố, chẳng ai biết tin tức gì về nhau nữa! Cứ tưởng rằng không còn có duyên để hạnh ngộ. Thỉnh thoảng biết tin tức về nhau thì cũng lác đác vài người qua điện thoại. Thế mà thật bất ngờ! Năm nay, sau mấy chục năm xa cách, tất cả đồng lòng hẹn cùng nhau trở lại trường xưa! Khi ngôi trường tròn nửa thế kỷ và cũng là lúc chúng tôi tóc đã bạc màu.  Chắc sẽ có nhiều cảm xúc dâng trào khi trông thấy cảnh cũ và người xưa. Vui vì gặp lại thầy cô và nhất là gặp lại bạn bè “ Xem dung nhan ấy! Bây giờ ra sao? ” Chúng tôi sẽ kể cho nhau nghe về những thăng trầm trong cuộc sống, về những riêng tư trong đời thường v.v…và v.v... Nhớ lại từng khuôn mặt. Tôi bỗng thấy cổ họng mình nghèn nghẹn và cay cay trong đôi mắt vì trong số những người thân thương đó, có người ra đi “ như thoáng gió thầm”. Có người từ bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên. Họ vĩnh viễn rời xa nơi này để “rong chơi cuối trời”.

         …Lần đầu tiên gặp thầy Nở trong giờ học Sư Phạm Lý Thuyết. Ấn tượng về thầy là thầy rất giống TT. Ngô Đình Diệm. Người tròn thâm thấp. Dáng đi bệ vệ, đỉnh đạc. Ăn mặc chỉnh tề: Áo chemise trắng, cravate màu đỏ thẫm, quần tây đen, giày đen bóng. Khuôn mặt phúc hậu. Giọng nói rõ ràng mạch lạc.
         Thầy đã đem đến cho chúng tôi những kiến thức cơ bản về Sư Phạm. Thầy giảng dạy nhiệt tình, chuẩn mực…Sau này khi đã quen với lớp, thầy rất vui vẻ, cởi mở và thân thiện…
         Lần này về thăm trường, tôi nghĩ sẽ gặp được thầy hoặc nghe tin thầy ở đâu đó vẫn còn sức khỏe và vui sống. Thế nhưng vừa qua nghe các bạn báo tin buồn là thầy đã vĩnh viễn ra đi.

         …Trong cuộc di tản 1975. Tình cờ tôi gặp thầy Liêm tại Cam Ranh. Thầy Liêm là giáo viên làm tại văn phòng của trường. Thỉnh thoảng thầy có dạy lớp tôi một vài tiết về Thể Dục.
Lúc gặp thầy,Cam Ranh đang bị dội bom! Dân chúng hoảng loạn chạy ra khỏi thị xã. Gia đình tôi cũng đang hốt hoảng chẳng biết chạy về hướng nào? Thầy dừng lại hỏi thăm rồi vội vàng xuôi ngược đi tìm thuê một chiếc xe đưa gia đình tôi thoát khỏi vùng lửa đạn. Đó là lần cuối tôi trông thấy thầy. Bao nhiêu năm tôi cứ canh cánh bên lòng đi tìm thầy, để biết được tin tức về thầy nhưng biệt vô âm tín. Năm 2010, tôi vào Sài Gòn, hỏi thăm mãi. Cuối cùng thì tôi nghe tin thầy đã ra đi về cõi vĩnh hằng.

Tôi cứ mong rằng lần này trở về gặp lại bạn bè nhị 6 khóa 11. Chúng tôi sẽ điểm số lại các vai trong hoạt cảnh : “ Miếng Trầu Duyên”. Từ ông bà mai, nhà trai-nhà gái, chú rễ-cô dâu, rễ phụ-dâu phụ, bưng quả, cầm lọng… Cô dâu Hoàng Phượng vẫn còn đó nhưng chú rễ Đình Tuấn đã từ biệt nơi này để “ thênh thang cuối trời”.
Chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại khuôn mặt vui tươi, nụ cười hồn nhiên rạng rỡ của bạn Vĩnh Tuấn hay cái dáng gầy và cao của bạn Lê Hối (Nhị 3 khóa 11)… và còn bao nhiêu bạn? Khóa chúng tôi hay các anh chị khóa khác đã vội vội vàng vàng từ bỏ nơi này ra đi.
Ngày trở về thăm lại trường xưa. Tôi cứ ngỡ rằng trong đoàn người hăm hở bước vào trường Sư Phạm Qui Nhơn sẽ có ba chị em chúng tôi. Thế nhưng chị tôi cũng không chờ đợi được cái ngày hội ngộ bên nhau này, mà lặng lẽ ra đi để lại cho hai chị em tôi một sự trống vắng. Lúc còn sống, chị nhiều lần ao ước rằng: Được nắm tay bạn bè trở  lại trường xưa và hát vang bài : “ Thiên Thai ” của nhạc sĩ Văn Cao ( Một tiết mục văn nghệ tâm đắc của lớp chị, Nhị 4 Khóa 7). Chiều nay, bất ngờ! Tôi xem trang spqn Những hình ảnh xưa. Xúc động trông thấy hình chị. Tóc xõa dài, Chị mặc áo dài màu sáng. Dáng chị cao cao và gầy.
Về Qui Nhơn lần này, tôi đinh ninh rằng anh ấy cùng tôi đi bên nhau trong đoàn người “ Thăm lại trường xưa” . Tôi sẽ trình diện “ nhà tôi ” với bạn bè…Thế mà anh ấy chẳng “ chìu lòng tôi ” âm thầm ra đi “ về nơi cuối trời ”.

         Tiếng hát Khánh Ly trong bài hát Về Nơi Cuối Trời càng làm cho tôi thấy nỗi tiếc thương  :

         Đêm ta về, ta nằm nghe đời quạnh hiu…
         …Giọt nước mắt rơi, khóc người âm thầm, từ bỏ cuộc chơi. Ta về nơi đây. Anh về một cõi mù khơi cuối chiều. Đi đâu mà vội. Đi đâu nắng vàng đã tắt. Đi đâu sao vội. Ra đi cuối trời.

         Vẫn biết cuộc đời là sinh ly tử biệt. Thân phận con người thì hữu hạn nhưng sao lòng ta vẫn quặn thắt, cứ nhớ thương một bóng hình đã mất. Khó mà có thể quên, khó mà xóa đi trong ta nỗi ngậm ngùi. “ Một người nào mất đi để lại khoảng trống trong những người còn sống, thì có nghĩa họ đã sống thực sự…”
         Đúng như vậy! Tôi nghĩ rằng họ luôn sống thực sự trong tâm tưởng của mỗi người chúng tôi.

         Tháng 5/2012, Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Bình Định... Đà Lạt - Pleiku… Phú Yên - Nha Trang …Sài Gòn…từng đoàn người rộn rịp trở về Qui Nhơn.
         Tôi nhìn về phía cuối con đường đêm hun hút…Dường như ở phía cuối trời kia các thầy giáo , cô giáo, các anh chị, các bạn, chị tôi và cả anh ấy…cũng đang thênh thang trở về!
 Ngày về thăm lại trường xưa, 13 khóa sẽ cùng bên nhau. Có nhiều nụ cười và lẫn những giọt nước mắt trong giây phút hội ngộ hiếm hoi này!
Ngày về! Qui Nhơn trời nắng vàng rực rỡ. Hàng dừa xanh đang lao xao vẫy gọi! Biển vẫn mang một màu xanh trong, sóng vẫn vỗ rì rào vào bãi cát. Mái trường xưa thân yêu vui mừng chào đón đàn con trở về! Bạn bè ngỡ ngàng nhìn nhau: Tóc bạc trắng, Trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn và dường như dáng dấp ai cũng không còn nhanh nhẹn…nhưng rồi cũng nhận ra nhau qua ánh mắt, qua nụ cười… vội ào đến bên nhau, tay trong tay siết chặt tình thân… Không gian như lắng đọng rồi òa vỡ ra :
         …Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối. Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới. Mặt đất đã cho ta những ngày vui với. Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời…(Hãy yêu nhau đi-TCS)

Sài Gòn,21/04/2012
            Irene.

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Hình ảnh xưa.

Lớp Nhị 4 - Khóa7
Các học sinh của trường Kỹ Thuật và các Giáo sinh SPQN trong ngày khánh thành trường
Một tiết mục văn nghệ của K7
Tiệc Tất Niên
Một trận đấu bóng chuyền của các thầy trong ban giảng huấn
Thầy Nguyễn Dũ và các Giáo sinh trong một chuyến dã ngoại.

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Những kỷ lục của Việt Nam

Choáng với những cái 'nhất' của VN so với thế giới

Những "thành tích kinh dị" của Việt Nam so với Thế giới khiến nhiều người phải giật mình: Tỷ lệ nạo phá thai cao nhất, giá sữa, giá đất, giá thuốc cao nhất...



Giá bất động sản Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Giá nhà đất tăng lên hơn 100 lần trong vòng 20 năm. Giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân hàng năm của người lao động. Đồng thời, giá nhà ở Việt Nam lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với nước chậm phát triển.

Giá cho thuê văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM vào hàng đắt đỏ nhất thế giới. TP.HCM đứng ở vị trí 27 (417 euro/m2/năm) và Hà Nội ở vị trí 32 (371 euro/m2/năm). Ở Đông Nam Á, Hà Nội và TP.HCM chỉ đắt đỏ sau Singapore (thứ 6).

Lãi suất Việt Nam “khủng” nhất thế giới. Kể từ năm 2011 và quý 1/2012, lãi suất cho vay thông thường tại Việt Nam lên tới hơn 20%/năm, cao hơn gấp từ 3 - 4 lần so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…

Việt Nam được xếp vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới. Tuy nhiên đây mới chỉ là bề nổi. Hiện Việt Nam vừa mới vượt qua mức thu nhập thấp để lên mức trung bình. GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo sức mua bằng 3/4 của Philippines, hay Indonesia, khoảng 1/3 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia năm.

Tỷ lệ trẻ em chết đuối ở Việt Nam cao nhất khu vực Đông Nam Á. Cứ mỗi ngày lại có 10 trẻ em tử vong vì chết đuối, độ tuổi từ 7- 15.

Việt Nam là quốc gia có tổng số phương tiện trên đầu người cao nhất thế giới, đặc biệt là xe máy. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, tai nạn giao thông ở Việt Nam được coi là cao nhất thế giới. Mỗi ngày trung bình có 31 người chết vì tai nạn.

Việt Nam là 1 trong 2 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới nhưng gạo Việt Nam lại rẻ nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, theo thứ tự là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ và Pakistan.

Cũng với sự giúp đỡ của Google Trends có thể thấy người Việt đam mê công nghệ nhất thế giới. Thử với từ khóa "3G", Việt Nam lại đứng đầu danh sách những nước tìm kiếm từ khóa này. Thử với từ khóa "Iphon" (vì người Việt viết sai tiếng Anh) thì Việt Nam đứng số 1, còn với từ khóa đúng là iPhone thì Việt Nam đứng thứ 3.

Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về nạn gian lận click chuột trong quảng cáo (Click Fraud), lượng click gian lận chiếm tới 48.3% trong tổng lượng nhấp chuột, theo khảo sát năm 2009. Con số này bỏ xa Canada với 27.7%, Hoa Kỳ thứ ba với 25.6%. Các công ty dùng dịch vụ quảng cáo mạng phải trả tiền quảng cáo theo số lượng các cú click chuột, gian lận này khiến họ phải chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Giá xe hơi ở Việt Nam đang đắt nhất thế giới, gấp hơn 2 lần so với các nước phát triển và khoảng 1,5 lần so với các nước trong khu vực. Để sở hữu chiếc Honda Civic 1.8, khách hàng Hà Nội phải bỏ ra trên 925 triệu đồng, đắt gấp 2 lần chi phí của người dân New York, Mỹ.

Giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới: giá bán lẻ trung bình là 1,4 USD/lít, trong khi Trung Quốc là 1,1 USD, Ấn Độ: 0,5 USD, các nước Âu - Mỹ từ 0,5-0,9 USD/lít. Hiện giá sữa ở Việt Nam cao gấp đôi Malaysia và gấp 1,5 lần so với Thái Lan.

Giá thuốc Tây tại Việt Nam thuộc hàng đắt nhất thế giới. Theo khảo sát năm 2010 của Tổ chức Y tế thế giới với 7 nhóm thuốc thông dụng (trong đó có kháng sinh) cho thấy, giá thuốc tại Việt Nam cao gấp từ 5 đến 40 lần so với thế giới.

Việt Nam là nơi có giá thuốc lá rẻ nhất thế giới cũng là nơi có thể mua thuốc lá dễ nhất thế giới. Hiện giá bán tối thiểu đối với mỗi bao thuốc lá điếu bao cứng là 4.050 đồng và bao mềm là 3.450 đồng. Tỷ lệ nam giới hút thuốc ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới với 47,8%. Việt Nam có hơn 40.000 người tử vong mỗi năm do thuốc lá.

Việt Nam đứng top 10 không khí bẩn nhất thế giới. Về ảnh hưởng của chất lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123 trong bảng xếp hạng, chỉ xếp trên 9 nước khác. Về tổng thể môi trường, Việt Nam đứng vị trí 79. Yếu tố thứ ba, chất lượng nước ảnh hưởng đến sức khỏe, Việt Nam được xếp hạng 80. Lượng khói bụi và mức độ ô nhiễm tại Hà Nội gấp nhiều lần cho phép.
(Theo GDVN)
Lấy từ VietNamNet

Thơ - Quỳnh Hoa - Thơ Tình Tuổi 40


Chị là Huỳnh thị Hoa  …chúng tôi thường gọi là Huỳnh Hoa cho dễ nhớ mà nghe lại hay hay….Chị học SPQN K8.
Chị là giáo viên giỏi sau ngày thống nhất ..chị thùy mị, thân thiện và nhiệt tình ... Chị ra đi một buổi chiều khi đang đứng trên bục giảng trước ngẫn ngơ của đám học trò và tiếc nuối của bạn bè …tất cả cố gắng nhưng định mệnh đã mang chị về với hư không…
   Ngày mùng bốn tháng tám ..ngày giỗ đầu của chị…rất nhiều bạn bè K8 đã đến…..
Cháu Thục Đoan con gái yêu của chi đã cho tôi xem tập thơ vội vàng của mẹ…rất ngỡ ngàng…và xin gởi đến các bạn một trong ngững bài thơ đó …( Mong cháu Thục Đoan không phiền khi bài thơ nầy được phổ biến )
 Nguyễn Chí Hải K8
Chị Huỳnh Hoa ngồi giữa, cháu Thục Đoan bên cạnh (áo Carô)

THƠ TÌNH TUỔI 40

Nhận bài thơ tình anh trao
Khi tóc em đã phai màu thời gian
40 lòng vẫn ngỡ ngàng
Yêu thương giờ có muộn màng không anh ??!
Ước gì tóc em còn xanh
Để em lại được ươm thành mộng mơ
Tháng năm tình quá bơ phờ
Dòng đời sắp cạn..tình cờ gặp nhau
Chất chồng cay đắng khổ đau
Đời ta từng trãi bể dâu bao lần
Nhận bài thơ cứ tần ngần
Đọc đi đọc lại..bâng khuâng hỏi lòng
Liệu “tình muộn có đẹp không ?!
Tim còn sót nốt nhạc “hồng” nào chăng ?
Vậy mà sao tay cứ run
Tình yêu mới thật lạ lùng hở anh !!
Cho dù tình có mong manh
Duyên đời không trọn ta thành duyên thơ
Đời dù nắng nhạt mưa thưa
Ta dù bạc tóc nhưng chưa bạc lòng…

                                                                        QUYNH HOA

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

MÃI LÀ LỜI TRI ÂN.


                                       Irene.

          Chiều xuống chầm chậm. Nắng nhạt dần…nhạt dần trên những vòm cây cao rồi rút chạy ra xa tít về phía cuối trời. Không biết từ bao giờ, tôi lại thích vẻ tĩnh mịch của chiều về. Có thể khi con người tuổi đã cao, thích tĩnh tâm nên thấy tâm hồn mình phù hợp với khung cảnh êm ả của chiều hôm. Mỗi khi chiều về, tôi thấy lòng mình lắng xuống bình yên, thanh thản một cách lạ lùng. Tôi thường ngồi lặng im để nghe tiếng gió vờn trong lá. Lặng im để nghe tiếng chiều bước nhẹ và lặng im để hồn mình trở về lại quãng đường mà mình đã đi qua.
Năm 1972 tôi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Lúc ấy, tôi chẳng thích học sư phạm chút nào. Vì sau khi tôi đậu tú tài toàn, con đường thi cử tương đối suôn sẻ nên trước mắt tôi chỉ nhìn thấy toàn một màu hồng.
          Tôi hăm hở vào Sài Gòn thi Đại Học. Khi chạm phải thực tế mới thấy không dễ dàng như tôi tưởng. Đó là lần đầu tiên xa nhà, thiếu thốn đủ thứ, phương tiện đi lại khó khăn…Mùa hè 72 cuộc chiến khốc liệt! Chúng tôi vừa mới bước vào chương cuối của chương trình lớp 12 thì trường học đóng cửa, mọi người di tản. Vì thế, kiến thức của chúng tôi hầu hết không được trang bị đầy đủ để thi vào các trường Đại Học. Với lại trước 75, chương trình phổ thông so với chương trình thi đại học là cả một khoảng cách kiến thức. Muốn vào Dược hay Y khoa, phải học qua một năm lớp dự bị thì may ra. Cho nên thi xong thấy không hy vọng. Thôi thì ghi danh vào đại học Văn Khoa. Đang buồn, nhớ nhà thì tôi nhận được điện tín của ba tôi gởi vào báo tin tôi đậu Sư Phạm Qui Nhơn.

          Mùa tựu trường năm đó, “ tấp tễnh người đi tớ cũng đi”, tôi bước vào năm thứ nhất khóa 11.
          Vào Sư Phạm là tôi đã xác định: Đây là trường đào tạo ra những người thầy nên chắc chắn không khí rất là mô phạm và là môi trường để tu luyện chứ chẳng có gì để mà học, để mà vui cả.  
          Nhưng khi vào đây rồi, theo ngày tháng tôi bắt đầu thích khung cảnh. Ngôi trường đẹp, thơ mộng! Bình yên nằm tọa lạc trên một khuôn viên rộng. Mặt trước quay về biển quanh năm gió thổi lao xao và tiếng sóng biển vỗ rì rào. Mặt sau là dãy núi xanh thẫm bao bọc. Con đường đến trường với hàng liễu rủ. Bên trong, sân trường với những hàng hoa giấy nhiều màu sắc. Thoang thoảng mùi thơm của hoa sứ. Những dãy lầu cao của các lớp học hay những hành lang hun hút dẫn về khu nội trú…
          Bạn cùng lớp, nhất là nam, đều sinh năm 1954. Các bạn từ mọi nơi tụ hội về đây: Từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, cao nguyên…Tất cả đều xa lạ nhưng khi tiếp xúc thì   rất là chân chất. Càng ngày tình bạn bè càng thêm gắn bó. Tuổi trẻ nên chúng tôi dễ dàng hòa đồng vui vẻ.  
          Các môn học thì lạ lẫm so với ở phổ thông. Năm thứ nhất chúng tôi đã làm quen với Tâm Lý Giáo Dục, Luân lý Chức Nghiệp, Sư Phạm Lý Thuyết, Sư Phạm chuyên biệt, Giáo Dục cộng Đồng, Dụng Cụ Giáo Khoa, Y Tế Học Đường ngoài ra, còn học các môn như Việt Văn, Nhạc, Hội Họa, Hoạt Động Thanh Niên. Nữ Công Gia Chánh (dành cho nữ) v.v…
          Lúc đó tôi lờ mờ về các môn học. Ngồi trong lớp, thầy cứ giảng còn trò cứ thả hồn đi hoang ...
          Sang năm thứ hai, tôi hiểu hơn một chút về các môn học như : Kinh Tế Chính Trị, Giao Tế Xã Hội, Quản trị & Thanh Tra Học Đường, Sư Phạm thực Hành…
          Các thầy giáo, cô giáo giảng dạy, ai cũng mang một phong cách, một lối sống đạo đức chuẩn mực của một nhà giáo. Thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫn lúc nào cũng lặng lẽ nhưng ánh mắt thân thiện. Thầy thường khuyên chúng tôi rằng nếu có điều kiện nên ghi danh học thêm đại học. Các thầy cô phụ trách bộ môn. Ai cũng nhiệt tình giảng dạy. Ai cũng tâm huyết, vận dụng hết các kiến thức từ trong sách vở thành những thực tế đời thường. Các bài dạy về làm người, về giao tiếp, về nghề nghiệp…hầu hết tôi học được từ nơi đây.  Các thầy cô đã truyền hết những kinh nghiệm để mong rằng: Đó là hành trang đủ cho chúng tôi mang vào đời.
          Tôi cứ nhớ mãi câu nói của các thầy lúc chúng tôi mới vào trường : Các anh chị phải xác định là mình đã chọn nghề giáo thì tiếp tục theo nghề còn nếu mình không thích thì ngay bây giờ có thể ngừng lại cũng còn kịp. Đừng mang những điều bực bội, chán nản đem vào trường này!
          Câu nói như một lời khuyên và cũng rất chân thật vì dạo ấy cũng có nhiều bạn trong đó có tôi vì hoàn cảnh thế này hay thế nọ. Bất đắc dĩ không còn con đường nào khác đành phải vào Sư phạm và cũng nhờ câu nói này, chúng tôi xác định được tư tưởng và hướng đi của mình.
          Các thầy cô rất chú trọng đến nhân cách con người. Chú trọng đến tác phong đạo đức của nhà giáo. Chú trọng từ cách ăn mặc, lời nói, cách ứng xử… Tôi còn nhớ! Thầy Võ Sum giáo viên dạy môn Giao Tế Xã Hội thường xuyên nhắc nhở chúng tôi về cách giao tiếp : Các anh chị mỗi khi lên xuống thang lầu, các anh phải nhớ nhường phía tay vịn cho các chị. Khi lên các anh nên đi phía sau, khi đi xuống các anh phải đi phía trước các chị. Khi ra đường nếu đi với các chị thì các anh luôn đi phía bên tay trái của các chị. Các anh phải cầm dù và xách những cái túi  nặng cho các chị nhưng không phải xách hết phải để lại cho chị một cái ví nhỏ, con gái người ta còn có cái để làm duyên.v.v và v.v…Tôi nghe các chị tôi ở những khóa trước kể rằng : Vào thời đó người ta thường nói rằng nam mà vào sư phạm thì “yếu”. Vì thế thầy Mẫn Hiệu Trưởng thường nhắc nhở các giáo sinh nam là:  Chúng ta có thể chấp nhận cho các chị vì họ là phái “yếu”. Các chị mơ mộng, yếu mềm vì có thể trong số các chị ở đây có  người yêu ở xa. Trong những đêm mưa nội trú thao thức nhớ đến người yêu giờ này đóng quân ở một tiền đồn heo hút nào đó? Còn các anh là nam thì không thể có những tư tưởng yếu đuối được, mà phải mạnh mẽ lên! Đừng để mang tiếng : Trai Sư Phạm thế này? Hay thế nọ?…Cứ thế, các thầy dạy rất kỹ những vấn đề nhỏ cho đến vấn đề lớn trong giao tiếp. Mà đúng như vậy! Có những điều rất bình thường nhưng nếu các thầy cô không nhắc nhở thì ta lại không chú ý, không nhớ  hay quên đi.
          Trường Sư Phạm hàng năm tổ chức những cuộc thi văn nghệ giữa các lớp không phải chỉ là thi đua và giải trí mà qua những lần hội thi giúp chúng tôi đoàn kết, gần gũi, thương yêu nhau hơn. Rồi cũng qua những tiết mục văn nghệ thấm đượm tính dân tộc tạo cho chúng tôi tình yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào, yêu cộng đồng, yêu trường lớp, yêu nghề…
          Còn rất nhiều điều tôi được học từ các thầy cô dưới mái trường Sư Phạm mà tôi không thể kể hết được. Thế rồi, các kiến thức ấy, các điều ấy ! Cứ đọng lại trong tôi mỗi ngày một ít như  :“ Mưa dầm thấm đất”. Và rồi nó ăn sâu nảy nở trong tâm hồn tôi như những đóa hoa rực rỡ nhiều màu sắc.
          Hàng năm, từ mái trường Sư Phạm Qui Nhơn tiễn đưa lớp lớp những giáo viên lên đường đi khắp mọi miền đất nước. Từ đồng bằng đến miền núi xa xôi hay hải đảo. Các thầy cô đã trang bị cho chúng tôi quá đầy đủ nên chúng tôi không chỉ là những giáo viên dạy Tiểu Học mà còn dạy cấp hai, cấp ba…  hoăc cũng có thể  dạy các môn khác như : Nhạc, Họa, Thể Dục, Ngoại Ngữ…Nhiều người trong số chúng tôi là giám đốc Sở, Thanh Tra, Hiệu Trưởng, giáo viên dạy giỏi… Sau 1975, những giáo học Cấp Bổ Túc ngày xưa ấy lại càng phát huy năng lực. Trong ngành Giáo Dục, chúng tôi đều là những người tiên phong. Chúng tôi giữ vị trí then chốt trong chuyên môn. Trong trường học, Hiệu Trưởng, Hiệu Phó, các Tổ Trưởng Chuyên Môn đa số đều không phải là những người có bằng cấp học vị cao mà là những người chỉ có Chứng Chỉ Khả Năng Sư Phạm Ban Thường Xuyên Hai Năm. Tất cả chúng tôi giảng dạy rất vững vàng, có phong cách riêng, có lương tâm của một nhà giáo chân chính… Trường Sư Phạm Qui Nhơn nói chung và các thầy cô giáo nói riêng đã đào tạo cho chúng tôi thành những giáo viên đa năng.
          Riêng tôi, các thầy cô giáo trường Sư Phạm Qui Nhơn đã đem đến cho tôi rất nhiều: Đó là kiến thức và trải nghiệm. Đó là niềm say mê và sáng tạo. Đó là tính độc lập tự chủ để tìm hướng đi đúng đắn trong nghề. Các thầy cô là những người cho tôi những bài học đầy tính nhân văn mang đậm tình người, tình quê hương, dân tộc. Các thầy cô đã đi qua đời tôi hun đúc tính cách, con người tôi…Các thầy cô giáo âm thầm và lặng lẽ gieo vào hồn tôi những nốt nhạc trầm lắng êm đềm nhưng da diết và sâu sắc.Và điều đó đã giúp tôi suốt những năm tháng giảng dạy luôn có được phẩm chất nhân cách của người thầy. Trên bục giảng, vững vàng về kiến thức. Mẫu mực đối với học sinh và phụ huynh. Bây giờ thì tôi đã hoàn tất công việc của nhà giáo.Tuy rằng trên con đường đến bến bờ ấy không phải lúc nào tôi cũng nhận được sự êm ả. Thế nhưng mỗi khi có những sóng gió, lời thầy cô lại vang vọng giúp tôi mạnh mẽ vượt qua.  
          Xin mãi mãi tri ân các thầy giáo cô giáo! Con xin mượn lời của Carl Jung để bày tỏ lòng tri ân đến các thầy cô, một thời giảng dạy dưới mái  trường Sư Phạm Qui Nhơn :
          “Người ta hồi tưởng lại với sự cảm phục những nhà giáo lỗi lạc với sự biết ơn những người đã tác động vào xúc cảm nhân văn của ta. Chương trình giảng dạy là nguyên liệu cần thiết nhưng năng lượng ấm áp mới là yếu tố cần thiết cho cây lá phát triển và cho tâm hồn của trẻ…
          Con nghĩ rằng không thể thốt lên bằng lời mà nói hết lòng tri ân đối với thầy cô giáo. John. F. Kennedy nói rất đúng là : Khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, chắc chắn chúng ta không bao giờ quên sự tri ân cao quý nhất không phải chỉ thốt ra bằng lời, mà chính là sống theo những lời tri ân ấy”.

          Sài Gòn, 9/4/2012
                  Irene.

PHÔI PHA - Thơ - Thanh Cảm


Thanh Cảm - K11

Ta đi tìm lại mình
Trong muôn trùng nổi nhớ
Khắc khoải và đợi chờ
Có làm mờ nhân ảnh?

Ta tìm được chút gì
Trong lùi sâu dĩ vãng
Cuộc tình hoài trôi xa
Phôi pha ngày mộng mị…

Chiều buồn lên mi mắt
Đếm từng bóng chiều rơi
Ta ngỡ ngàng vụng dại
Ngày xưa ấy,đâu rồi?

Vờ níu kéo thời gian
Ta xa xăm một thuở
Tít tắp bến bờ thưa
Con sóng nào vụn vỡ?

Ta phiêu du ngày tháng
Một đời mãi đi tìm
Một đời mãi chơ vơ
Cho niềm đau rạn vỡ…

“Còn chút gì để nhớ
Còn chút gì để thương”
Ta còn gì tơ vương
Tìm về trong kỷ niệm…

Năm tháng dài phôi phai
Ta bên đời hiu quạnh
Có còn nuối tiếc nào
Bọt bèo trên thân phận?

Đêm nay mơ về biển
Hát khúc nhạc ngày về
Thầm thì hôn lời ru
Ta tâm hồn cô lữ!

Rồi bên ta có bạn
Và bên bạn còn ta
Còn một nửa yêu thương
Trao nhau ngày gặp lại!

                                 Sài Gòn, đêm nghĩ về…(!)
                             

THÈM NGHE GIỌNG NÓI QUÊ MÌNH

                        -Tản mạn- Nguyên Đạt K5 - SPQN Bắc Cali


Hồi còn ở Việt Nam, nhân một lần cùng anh bạn đồng nghiệp vào Sài Gòn lo công chuyện. Sau khi hoàn tất, anh rủ tôi cùng đi thăm thú mấy người bạn đồng hương đang sinh sống và làm việc tại đây. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, cả bọn kéo nhau ra làng nướng miền Tây thưởng thức các món đặc sản Nam Bộ gọi là để mừng ngày gặp gỡ...
Xa ngái lâu ngày, nay được dịp “tha hương ngộ cố tri” ai cũng háo hức muốn hỏi han trò chuyện để biết chuyện quê hương, làng nước, bầu bạn nên chỉ sau mấy tuần rượu “rô-đa”, mọi người đã bắt đầu hưng phấn, nói cười rôm rả, có lúc mải mê đến độ giành nhau nói chẳng ai thèm nghe ai nhưng mọi người vẫn thấy sướng. Ngồi bên cạnh tôi ở bàn tiệc buổi ấy có một anh bạn ăn mặc khá sang trọng, khuy cài măng-sết miệng cứ ngậm tăm không dự vào câu chuyện, dáng bộ phấp phỏng đứng ngồi không yên, hình như trong bụng anh ta có gì đó không ổn. Rồi... sau cùng, có lẽ chịu đựng hết nổi, anh bực bội huơ tay ra hiệu:
-“Suỵt” Các bạn nói nho nhỏ chút chứ?
-Ủa! Đây là quán nhậu, người đông, nói nhỏ làm sao nghe đặng? Vả lại, rượu vào thì lời ra, gì đâu phải áy náy?
Câu chuyện đang vui vẻ hào hứng đột nhiên bị tắt ngang khiến mọi người hụt hẫng.
-Nhưng... “Giời ạ!”. Anh bạn “măng sết” điệu bộ khổ sở khoát tay thì thầm: -Thì cũng phải để ý canh canh nhỏ giọng chút chứ! Cái tiếng Nẫu đặc sệt như mấy người mà cứ oang oang không sợ người ta cười cho à?
-Giọng Nẫu, giọng nẫu thì đã sao hả? Tiếng quê mình thế nào ta nói zdậy, mắc mớ gì mà sợ?
Tuy mạnh miệng vậy, nhưng kể từ lúc đó dường như mọi cười đều cụt hứng, chẳng ai còn thiết chuyện trò nữa. Cuộc vui đang rộ lập tức bị chững lại bởi một quãng lặng kéo dài...
... Ngồi chứng kiến cuộc tranh cãi từ đầu tới cuối, tự nhiên tôi bỗng cảm thấy chạnh lòng khi liên tưởng tới tình huống tương tự của mình trong một lần gặp gỡ, bù khú với đám bạn bầu thời trai trẻ khi về lại quê xưa:
-Nì!... Mi nói giọng chi mô mà lạ rứa? Tau nghe dị dị khó lọt tai lắm!
-Thì tiếng Huế rặt ròng chứ Tây u gì đâu?!
-Huế mô mà Huế! - Mấy đứa bạn nhíu mày hùa nhau “vặt” tôi:
-Không phải! Mi giả giọng! Mi bán Huế mất rồi! Tiếng nớ là tiếng Huế lai! Huế lai…
Rồi có đứa bày đặt ví von:
-Một thằng Huế lai bằng mười hai thằng Huế thiệt mà lị! (Dĩ nhiên, rõ đây là một lời khen... ngược).
Những lời trách cứ không mấy nhẹ nhàng của đám bạn hữu quả có làm tôi bẽ bàng chốc lát nhưng không đến nỗi buồn lòng bởi tôi biết nhất thời họ không thể hiểu và thông cảm đó thôi. “Nhập gia thì phải tuỳ tục chứ!”. Nhớ buổi đầu tiên vào Phú Yên dạy học, tôi đem hết khả năng ra sức giảng bài, thấy học trò đứa nào cũng ngoác miệng chăm chú lắng nghe. Ngỡ sự truyền đạt của mình có hiệu quả, tôi càng khoái chí thao thao bất tuyệt, không ngờ khi hỏi lại: “Các em hiểu rõ chưa?” thì đứa này đưa mắt nhìn đứa kia vừa ngơ ngác vừa sợ sệt, rồi một đứa mạnh dạn đứng lên: -Dạ thưa thầy, thầy nói tiếng trọ trẹ gì ấy em nghe không rõ ạ!
Mấy người bạn thời Trung học ở quê có lẽ không để ý; hơn mấy chục năm ăn ở, tiếp xúc sinh hoạt chung đụng với bà con địa phương làm sao tôi không ít nhiều ảnh hưởng tới âm giọng, lời ăn tiếng nói cùng phong cách, lối sống của họ cơ chứ! Anh bạn Huế của tôi tuy có hơi khắt khe, hơi cực đoan trong nhận xét, nhưng nói cho cùng còn dễ thương hơn cái anh chàng khuy cài măng-sết sợ nói giọng Nẫu quê mình kia nhiều.
Bước chân lên nước Mỹ chưa được bao lâu mà đã cảm thấy nhớ thương quê nhà da diết. Mấy câu thơ của ai đó đã lãng quên nay bất chợt hiện về trong trí tưởng:
Khi ra đi ta mang cả hồn quê
Nơi đất khách bao đêm dài nhung nhớ
Để câu thơ trầm buồn như hơi thở
Mãi dọc dài theo năm tháng chia xa…
Hằng ngày, con cái đi làm hãng, về nhà ăn cơm, chuyện trò dăm câu ba chuyện rồi vội nhảy vào phòng nghỉ sớm, lấy sức mai làm việc tiếp; hai vợ chồng già suốt ngày quanh quẩn trong mấy bức tường tận lầu 3, nói với nhau hoài cũng hết chuyện. Ngôi nhà thuê lại nằm lọt thỏm giữa mấy gia đình người Mễ, mỗi lần ra cửa gặp, thấy họ lich sự lên tiếng “Hai! Hai”, tôi đoán ra là lời chào cũng vui vẻ đáp lại “hai” chứ nào đã kịp tra Tự điễn để biết nghĩa sao đâu.
Ôi! Thèm giọng nói quê nhà.
Đang cảm thấy bức bối và e sợ cái nguy cơ dẫn tới bệnh trầm cảm thì hôm chủ nhật rồi bỗng một anh bạn gọi điện mời cả gia đình đi dự cuộc họp mặt đồng hương mùa hè do hội Ái hữu tổ chức; và chính nhờ gặp lại mấy người bà quen, những đồng môn, đồng nghiệp và bạn bầu ngày cũ, thời còn mài đũng quần ở băng ghế trường Trung học mà tình cảm thăng hoa khiến cho mọi vấn vương hầu như tạm thời giải toả.
Gặp nhau chỗ đất khách quê người, dù lạ hay quen, thân tình hay sơ ngộ, ai cũng tay bắt mặt mừng, xoắn xuýt, tới tấp thăm hỏi, nào là chuyện nhà chuyện cửa, chuyện làng chuyện nước, ai còn, ai mất… thôi thì đủ thứ làm mình không kịp thở. Bãi bờ ký ức được dịp khơi gợi khiến lắm lúc có người chợt lặng buồn, len lén đưa tay… quệt mấy giọt nước mắt rỉ rả rơi rớt chơi vơi theo giòng tâm sự.
-Cám ơn chị. Chị vẫn còn đặc sệt giọng Phú Yên.
Một người bạn vừa thút thít, vừa nắm riết bàn tay bà xã bịn rịn trước giờ từ giã:
-Lâu… lâu lắm rồi em mới nghe lại giọng “Nẫu” thân thương quê mình đấy chị ạ!
Những người Huế xa quê như chúng tôi có cái thông lệ mỗi lần gặp nhau là bày trò thi nói giọng Huế bằng thổ ngữ cho đỡ nhớ rồi sướt mướt đọc thơ Tô Kiều Ngân:
Nếu được em ru bằng giọng Huế
Được vỗ về như mạ hát ngày xưa
Câu mái đẩy chưa chan lời dịu ngọt
Chết cũng đành chẳng nuối tiếc chi mô…
Người xa quê dẫu bất cứ lý do gì đi nữa, bao giờ cũng luyến nhớ cội nguồn, quê hương bản quán, và nếu như bất chợt ta bắt gặp đâu đó ai nói tiếng xứ mình lập tức mừng rỡ và cảm thấy thân tình ngay. Giọng Nẫu cũng dịu dàng, cũng ngọt lịm như ai miễn là lời nói của ta gói ghém đầy tình cảm làng nước xóm giềng trong đó.
Bài “Nẫu ca” Than thân trách phận đặc sệt chất giọng Phú Yên nổi tiếng khắp miền ai cũng thích, người xứ khác tập hoài mà đâu có hát hay và đúng giọng bằng những người bạn Nẫu.
Ở nước Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng gặp một vài người Việt mình hoặc là vì thói quen, hoặc là do muốn “thể hiện”, khi trò chuyện với nhau thường nói rặt tiếng nước ngoài, thậm chí ở thang máy hoặc ngay trong gia đình cũng dùng tiếng Anh đối thoại với con trẻ. Có lúc, cảm nhận ít nhiều sự bực bỏ của bạn bè khách khứa, họ thanh minh thanh nga: “Biết sao được anh. Phải “luyện” cho chúng nhuần nhuyễn chứ? Tương lai, sự nghiệp và cuộc sống của con cái đều tùy thuộc cả vào vốn liếng tiếng Anh đấy mà”. Điều đó cũng đúng nhưng nếu như các cháu biết sử dụng lưu loát cả hai ngôn ngữ thì “tuyệt vời” biết mấy? Nhiều lúc theo dõi những cuộc phỏng vấn, trò chuyện trên Đài truyền hình, một số các cháu thanh-thiếu niên đang nói tiếng Việt ngon lành, gặp chỗ “bí” bèn tiếp luôn một tràng tiếng Anh khiến các cụ nhà ta ngơ ngác, chẳng hiểu trời trăng mây nước. Nhớ hôm nào mới qua, hai đứa cháu ngoại suốt ngày líu lo hỏi han đủ thứ chuyện bằng tiếng mẹ đẻ khiến chúng tôi đôi lúc choáng tai nhức óc nhưng trong bụng thì lại rất vui, còn thấy khoái chí nữa. Thiệt tình, nếu như không “được” bận cãi cọ, giải đáp thắc mắc liên tu bất tận với mấy đứa nhỏ, chắc là chúng tôi buồn chán và nhớ quê nhà lắm lắm. Từ khi hai cháu tới tuổi đến trường, ngày càng ít được nghe chúng nói tiếng Việt, và thay vào đó bằng thứ tiếng Anh (Yes, No, You, Not) lạ lẫm khiến chúng tôi chẳng hiểu chúng nói gì và cũng chẳng biết nói gì cho nó hiểu nữa; dần dà hai đứa xa lạ với cả ông bà. Không còn được gần gũi các cháu như xưa, thâm tâm chúng tôi cảm thấy ít nhiều buồn lòng và hụt hẫng...
Ôi! Thèm sao giọng nói quê mình!
*
“Tất cả chúng ta, ai cũng có một tình yêu đầu đời để ôm ấp, mọi người đều có một góc trời quê để nhớ, để thương; có thể đó là cây đa, bến nước ven sông. Có thể quê hương là con đò nhỏ đưa khách sang sông mỗi sớm mỗi chiều đã để lại vô vàn ký ức thật êm đềm những khi ta chui vào hoài niệm”, nhưng khi nói tới hồn quê, ngoài những điều nhắc nhở trên, rõ ràng, tiếng nói với cái âm sắc, âm giọng rất riêng không lẫn vào đâu được của mỗi miền quê xứ khiến ta dễ dàng nhận ra là đồng hương của nhau. Ấy chẳng phải chính là hồn quê đó sao?

                          Thung lũng hoa vàng những ngày đầu xa xứ
                                        Tháng 9/2009

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

NHỚ QUI NHƠN - Thơ - Nguyễn Văn Thức


Về lại trường xưa không có em
Dặm đường thương nhớ chút hồn nhiên
Loanh quanh Gềnh Ráng say hương biển
Tưởng như em, bè bạn bên mình

Nội trú buồn ôm bao nhan sắc
Chênh vênh ghế đá bóng hình ai?
Những ô cửa nhìn nhau xa lạ
Còn đâu áo trắng em bay bay

Năm tháng qua đi không hò hẹn
Nhớ thầy cô, nhớ những bạn bè
Hoa phấn điểm màu tóc ngã bạc
Nghiêng lòng ở mãi với Qui Nhơn!

Nguyễn Văn Thức
Khóa 7 – Tel: 0904143297

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...