Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

XE ĐẠP ƠI!


                Irene.

          Khi tôi bước ra khỏi Tứ Bửu Quán, lúc đó khoảng mười giờ. Đêm Quy Nhơn tháng năm trở nên dịu mát. Những cơn gió nhè nhẹ từ biển thổi vào mang theo cái vị mằn mặn và cái man mác của đại dương.
          Tôi đang loay hoay định gọi taxi hay phone để mấy đứa cháu đến chở. Thì Tín nói:
          -Để tôi chở về!
          Nghe tin tôi từ Sài Gòn mới về nên các bạn gọi và hẹn tôi đến để gặp. Cuộc gặp mặt thật đầm ấm gồm các bạn Sĩ Tạo, Bồng ở Quy Nhơn, Thông ở Sài Gòn mới ra, Bùi Văn Tạo, Hiền Tuấn từ Quảng Ngãi mới vào. Tín đang đi đánh tennis cũng vội vàng đến. Tôi rời Quy Nhơn cũng chỉ mới vài năm đây thôi nhưng lúc trước sống trong cùng một thành phố, thường xuyên thấy nhau nhưng dạo đó, ai cũng bận rộn với công việc nên chưa bao giờ bạn bè có một khoảng riêng nào dành cho nhau cả. Bây giờ khi tuổi đã lớn, cái tuồi về hưu, công việc bình ổn, con cái tương đối ổn định… Lúc này lại nghĩ đến thời trẻ! Nghĩ về bạn bè!
 Gặp nhau chuyện trò tâm tình vui vẻ, thân thiết. Suốt mấy giờ liền chúng tôi chỉ xoay quanh những hoài niệm của tháng ngày học sư phạm, cuộc sống khó khăn sau 1975 rồi đến cuộc sống hiện tại… bộc bạch và chân thành. Chúng tôi như tìm lại được chính mình và những niềm vui của thời còn đi học.
          Do là về cùng đường và cũng muốn tâm sự với bạn thêm một chút nữa nên tôi không ngại ngần leo lên chiếc xe đạp và cũng vì thế, hôm đó tôi mới hát bài hát “ Xe đạp ơi!” với những cảm xúc trong tình thân bè bạn.
          …Quay đều! quay đều! quay đều! nhớ hoài những vòng xe
          …Quay đều! quay đều! quay đều! thương hoài những vòng xe…(Xe đạp ơi-Ngọc Lễ)   
 Khi ngồi lên xe rồi mới biết là bagare không có nệm lót, không có chỗ gác chân mà chân tôi thì hơi dài, thôi chịu khó co chân lên! Xe không có chỗ tay vịn, thôi thì lấy hai tay vịn hai bên eo của bạn. Thoáng một chút “ngại ngần” nhưng rồi nghĩ với tuổi này, phải có chỗ tựa lỡ… thì biết làm sao đây?!
Chiếc xe sau phút “chao đảo” lúc đầu. Sau đó, bình yên quay đều chầm chậm trên đường, lướt qua từng hàng cây, ngôi nhà trên phố… Tôi nhớ câu thơ của ai đó rất dễ thương:
Anh chở em đi bằng xe đạp
Thấy phố hôm nay đẹp lạ thường!
          Tôi ngước nhìn lên trên cao, bầu trời có muôn ngàn vì sao nhấp nháy như chứng minh cho tình bạn của chúng tôi. Gió thổi nhè nhẹ đưa hương ngọc lan của nhà ai thoang thoảng dễ chịu. Chiếc xe vẫn quay đều trên con đường Trần Quang Diệu. Con đường này không phải đường phố chính nên hơi tối. Ánh đèn đường vàng leo lét làm cho con đường như dài và sâu hun hút .Tôi bỗng nhớ lại chuyện chiếc xe đạp cách đây mấy chục năm:

          Tôi và Tín học cùng lớp nhất niên 6 khóa 11 Sư Phạm Quy Nhơn. Tôi biết bạn ấy bắt đầu từ cuộc thi văn nghệ. Tôi tập vũ khúc Tiếng Xưa cho lớp, Tín trong đội múa. Một bữa nọ, do mãi mê tập văn nghệ nên ra về thì trời đã chiều tối. Đứng trước cổng trường chờ xe Lam một lúc lâu. Hoàng hôn xuống. Mặt Trăng đã nhô lên trên đỉnh Phương Mai xa xa mà chẳng thấy bóng dáng chiếc xe nào. Không thể chờ thêm được nữa nên tôi quyết định đi bộ. Tôi đi chầm chậm bên lề đường dưới những hàng dương liễu. Tà áo dài trắng bay bay trong chiều. Bỗng Tín rà rà chiếc xe đạp đến bên cạnh, cũng câu nói cộc lốc như hôm nay:
-Để tôi chở về!
Vì mặc áo dài nên tôi phải ngồi một bên. Chiếc xe lại cũ, cứ mỗi vòng xe thì lại phát ra nhiều những âm thanh “vui nhộn” suốt con đường về. Lúc đó tuổi trẻ nên Tín “cầm tay lái” vững vàng đưa tôi về nhà an toàn. Khi xưa chưa có bài Xe đạp ơi! Cho nên, hôm nay nhớ lại, tôi mới hát:
          Nhớ khi xưa anh chở em trên chiếc xe đạp cũ, dưới trăng khuya… áo ướt đẫm mồ hôi…

          Vòng xe vẫn quay đều trên đường phố và giọng Tín đều đều mang nỗi niềm : “ Lúc còn  đi học Sư Phạm, nhà  mình rất nghèo. Đến nỗi không có tiền để đi xe Lam. Mượn ông chú chiếc xe đạp để đi học. Một hôm, không biết ai lẻn vào nhà lấy trộm đi chiếc xe “cà tàng”. Đã nghèo lại gặp cái eo. Thế là từ đó, suốt cả năm học nhị niên mình phải cuốc bộ đến trường”.
          Tín vẫn hì hục đạp xe. Bây giờ tuổi đã cao cho nên không biết bạn ấy có đưa tôi về bình yên không? Tôi nghe hình như có tiếng thở gấp:
          -Bạn có mệt không? Tôi hỏi.
          -Ồ! Không sao đâu! Mình đạp xe là để tập thể dục mà.
          Hết con đường Trần Quang Diệu, xe vòng qua đường Trần Phú. “Con đường này tôi đã quen đi lại nhiều lần nhưng hôm nay bỗng dưng thấy lạ? Cảnh vật chung quanh tôi như có sự thay đổi lớn. Vì hôm nay, cả hai đã ở tuổi sáu mươi mà vẫn còn chở nhau bằng xe đạp.” (Ý của Thanh Tịnh)
          Đường Trần Phú có nhiều cửa hiệu nên ánh điện từ các shop sáng rực cả con đường. Mùi hoa sữa nồng nàn bay suốt cả dãy phố dài, quyện cả vào áo quần, sộc cả vào mũi chúng tôi. Trên đường, Xe ô tô, xe máy vẫn còn qua lại đông đúc. Nhưng khi thấy có sự xuất hiện chiếc xe đạp của” người cao tuổi” nên xe cộ vội tấp vào lề như để nhường đường. Vì thế, vòng xe vẫn quay đều đặn trên đường đêm và Tín lại bộc bạch:
          -R… biết không? Sau 75 mình tưởng đâu cuộc sống mình khá hơn vì mình thuộc gia đình liệt sĩ. Ai có ngờ đâu mình cũng gặp không ít thăng trầm! Dạy mấy năm ở thành phố rồi bị đổi qua đảo dạy. Những năm bao cấp ở đảo thật là khổ sở thiếu thốn đủ thứ. Cuối cùng trụ không nỗi với nghề, mình bỏ dạy. Mình lập gia đình rồi theo con đường mua bán…
          Tín nhắc lại làm tôi nhớ lại khoảng thời gian đó. Tôi rưng rưng:
          -T… ơi! Mình còn nhớ mỗi lần đi dạy gặp Tín là không lúc nào mình không ngùi ngùi thương cảm. Lúc đó cả hai chúng mình đều đã lập gia đình. Mình nhớ thời bao cấp cuộc sống mọi người đều rất khổ. Dạo đó Tín đã nghỉ dạy. Hàng ngày, trên con đường Tăng Bạt Hổ mình thường đi bộ đến trường, mình gặp Tín ngồi bên lề đường bán áo quần. Ngày nắng thì không nói gì. Những ngày mưa nhất là vào những lúc mưa phùn gió bấc, thêm cái rét buốt ở miền Trung. Thấy bạn mà mình ngậm ngùi. Đi qua không dám ngoảnh đầu nhìn lại…
          -Ừ! Hồi đó đời sống khó khăn ghê R nhỉ?
          Đến ngả tư Tín dừng xe lại! Tôi thầm cám ơn “đèn đỏ”giúp  bạn của tôi nghỉ mệt được một lát rồi chở “ nửa tạ” tiếp tục cuộc “hành trình”.
 Vòng xuống con đường Tăng Bạt Hổ ngang qua Sân Vận Động. Con đường này đa số là những hiệu giày, đèn điện sáng trưng. Bỗng bên đường một phụ huynh cũ nhận ra tôi (hình như quen cả Tín nữa). Cô ấy reo lên:
          -Cô về hồi nào?
          -Mới về sáng nay! Tôi nói vói lại rồi lẩm bẩm với bạn:
- Thành phố nhỏ xíu, đi đâu cũng gặp người quen.
-Ừ, nhỏ xíu xìu à!
          Vòng xe vẫn quay đều, tiếng bánh xe lạo xạo trên đường khuya.
-Tín có nhớ dạo Tín dạy đảo Cù Lao Xanh không? Tuần nào Tín cũng về đất liền. Và Tín thường đến trường mình, chờ tan học.  Rồi hai đứa đi bộ thong thả bên nhau trên con đường về nhà .
-Ừ, mình nhớ!  
Dạo đó, Tín có điều gì đó muốn nói với tôi nhưng e ngại nên để nằm yên luôn trong lòng mà có lẽ như thế lại hay! Bây giờ mới có dịp chở nhau trên xe đạp…
Nghĩ đến đó tôi bật cười. Tín ngạc nhiên:
-Cười gì vậy?
-Ồ không có gì! Tín cho mình xuống đây!
Chúng tôi chia tay ở ngả tư Lê Lợi-Tăng Bạt Hổ và hẹn gặp nhau vào chiều mai trong cuộc về thăm trường xưa.
 Đêm đó, tôi trằn trọc không ngủ được. Đến gần sáng mới chập chờn. Trong mơ, tôi thấy những vòng xe vẫn cứ quay đều, quay đều lăn cả vào trong giấc ngủ .
           
Cuộc sống luôn có nhiều thay đổi. Tín người bạn nhị 6 của tôi, sau khi bỏ dạy, chọn con đường kinh doanh và đã rất thành công. Bây giờ anh đã có những ngôi biệt thự sang trọng ở bên Mỹ. Chuyện lái xe hơi chở bạn đi là chuyện thường vì anh có thể mua cả máy bay nữa kìa!?
Nói vui thế thôi! Chứ với tôi, Tín lúc nào cũng giản dị như thời còn hàn vi cái thời đi học trong túi rỗng tuếch và tôi thích như vậy! Vẫn thích bạn ấy chở tôi trên chiếc xe đạp “trành trành” để tôi có những giây phút bên bạn bè đúng nghĩa. Tín vẫn mãi là người bạn rất chân thật, ít nói. Trải qua mấy chục năm mà bạn ấy vẫn thế! vẫn giữ được cái bản chất cố hữu của mình là với bạn rất chân chất, không xa cách, hòa đồng, đơn giản không phô trương.
 Riêng đối với bạn bè từng học dưới mái trường Sư Phạm Quy Nhơn khi gặp nhau thì giữa chúng tôi lại càng không có ranh giới của sự giàu nghèo, chức tước hay địa vị… Nhờ thế, tình bạn của chúng tôi trong veo như pha lê, dịu dàng như dải lụa, mềm mại như áng mây chiều…
Bây giờ thì cuộc sống của chúng tôi không biết còn lại được bao nhiêu “vòng xe” nhưng tôi mong rằng: Chung quanh tôi lúc nào cũng có nhiều người bạn chân thành luôn nghĩ về nhau với những tình cảm rất thật, rất tha thiết.
Sài Gòn chiều nay mưa. Ngoài trời lành lạnh còn trong lòng tôi thì ấm áp khi nghĩ đến những người bạn. Ngồi bên cửa sổ ngắm mưa! Những giọt mưa rơi đều đều tí ta tí tách trên lá và tôi hát một mình:
          Xe đạp ơi! Đã xa rồi còn đâu….

Sài Gòn, 15/06/2012
          Irene.

BBT: Nhân có bài "Xe đạp ơi" của bạn Irene, BBT xin tặng thêm bạn Tín và bạn Irene 2 hình ... nữa!!! với chủ đề: "Ngày ấy... Bây giờ..."

Ngày ấy...

Bây giờ...

Chùm Thơ của Trần Hiền Tuấn - K11

Lắng sâu
Hôm nay trời trở gió…
Cái lạnh se se người
Thấm vào hồn tê tái
Nhớ lại chuyện năm xưa.
Chuyện một buổi chiều mưa
Muời tám năm về trước
Bên bãi biển Quy Nhơn
Từng giọt mưa thấm ướt.
Một buổi chiều kỷ niệm
Ta bên nhau êm đềm
Vọng lên lời từ biệt
Của sóng biển ru êm.
…Người xưa nay còn nhớ
Những buổi chiều hẹn hò
Những Chủ nhật rong chơi
Ta cùng nhìn biển khơi
Bên bờ eo Nín Thở
Chân mộ Hàn Mặc Tử
Hay ghế đá sân trường
Tất cả còn vấn vương.
…Mười tám năm qua rồi
Có còn mơ, còn nhớ
Cũng chỉ để mơ thôi
Còn lại gì trong tôi
Hai tiếng “Cộng Quỳnh ơi!!!”
                 


Qua rồi
                   Qua rồi cái tuổi ngây thơ,
          Qua rồi cái tuổi mộng mơ thuở nào.
                   Qua rồi tuổi ngắm trăng sao,
          Qua rồi cái tuổi uước ao đủ điều.
                   Qua rồi tuổi ngắm mây chiều,
          Vầng trăng lơ lững, cánh diều hoàng hôn.
                   Qua rồi lữ khách cô thôn,
          Bước từng bước một ru hồn về đâu.
                   Qua rồi tuổi ngắm mưa ngâu,
          Chờ xem Ngưu-Chức gặp nhau Ngân Hà. . .
                   Bây giờ còn lại mình ta,
          Nhớ nhung cảnh cũ cho qua tháng ngày.
                   Rượu không uống, thế mà say,
          Say cho quên hết những ngày đã qua.

                                      Trần Quốc D õng
                             (Trần Hiền Tuấn – Nhị 6-K 11)

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Thông Báo

Kính thưa quí bạn đọc, trong một tuần nữa sau ngày hôm nay, BBT trang vì lý do riêng phải vắng mặt, không thường xuyên post bài... do vậy xin quí bạn đọc thông cảm, và nhất là những thành viên gởi bài về trong dịp này sẽ thấy chậm trễ để lên trang. Và để tạ lỗi cùng tất cả, xin gởi tặng các bạn một bài hát của Minh Kỳ do Bảo Yến hát, bài hát "Chuyến Tàu Hoàng Hôn"... Hẹn gặp lại các bạn sau.

Thân ái.


Chúc Mừng

Nhận được tin tập thể các anh chị CGS vùng Bắc Cali đã tổ chức thành công đại hội Kỷ Niệm 50 năm ngày thành lập trường SPQN, BLL CGS SPQN tại Saigon xin gởi lời chúc mừng đến quí Thầy Cô cùng quí anh chị đồng môn vùng Bắc Cali và cầu chúc tinh thần SPQN sẽ mãi đồng hành cùng tất cả anh chị em chúng ta.

Chân thành chúc mừng.

BLL CGS SPQN

* Đặc biệt ngày hội năm nay của vùng Bắc Cali đã có sự tham dự của Thầy Cô Trần Văn Mẫn. BBT xin gởi vài hình ảnh để thông tin cùng tất cả...





Hình ảnh cũ của lớp 8 - K11













Những hình ảnh này được scan từ Album ảnh của bạn Lê Thị Xuân Đài, lớp 8 - K11
Cám ơn Xuân Đài đã gởi những hình ảnhnày cho SPQN.

… NHƯ TIA NẮNG MẶT TRỜI


                                                                                Thanh Cảm

      Chiều buông xuống,mặt trời dần chếch về hướng tây,những ánh nắng cuối ngày như vẫn còn lưu luyến nhẹ xuyên qua từng hàng cây kẻ lá.Nắng nhạt dần,hoàng hôn mang một không gian màu tím quét ngang chân trời như báo hiệu những cơn mưa chuyển mùa sắp tới.
      Vào mỗi tuần trăng,Sài Gòn nhiều nơi lại dập dềnh nước triều cường.Trên con đường dẫn vào nhà bạn tôi bì bõm nước,chiếc xe chạy nửa chừng bỗng chết máy đứng khựng lại ở đầu ngõ,không còn cách nào khác tôi phải cùng cô bạn ì ạch đẩy chiếc xe và lội bộ trên con ngõ nước đã ngập tràn trề .Bạn tôi vội vàng chạy ra đón và đưa xe vào nhà bằng cử chỉ ân cần,thân thiện. Các bạn tôi là vậy,lúc nào cũng ấm áp,gần gũi và dễ mến như thế đấy… Chiều cuối tuần,các bạn thường hẹn nhau đến nhà ai đấy để lại cùng được nhâm nhi tách trà thơm bên bạn bè thân thiết để lại cùng nhỏ to tâm sự và cùng hát cho nhau nghe những bài hát một thời!
    Nhóm bạn Sư Phạm Qui Nhơn xa quê chúng tôi cuối cùng đã không hẹn mà gặp ở vùng đất phương Nam hiếu khách này thuộc nhiều lớp khác nhau, nhiều khóa học khác nhau nhưng có lẽ vì mối đồng cảm từ ngôi trường chung từng một thời đèn sách nên cái tình của chúng tôi gắn kết với nhau,đến với nhau đẹp như một trang thơ và da diết như một khúc nhạc xưa sâu lắng.Từ các anh chị khóa trên như chị Trâm,chị Tuyền,anh Sanh,anh Hải,anh Thành… cho đến Đ.Oanh khóa nhỏ nhất và nhóm bạn cùng khóa như An, Thạch, Việt, Lượng, Trung, Chúc, Bình, Ren…cùng với anh Dũ, một người anh thân thiết ngày xưa ở trường SP,chúng tôi vẫn thỉnh thoảng hẹn gặp nhau và cùng ngồi bên nhau tâm tình bao chuyện buồn vui.Các bạn ở xa thì vẫn thường xuyên gọi đến tỉ tê những điều muốn nói:Vân-Tùng-chị Nguyệt ở Qui Nhơn, Thanh ở Tuy Hòa, Nguyễn Bình ở Phan Rang,Loan-Nguyên-Vượng ở Cali…Bởi, cách xa đâu phải là quên lãng nên mỗi khi phone về là ôi thôi cứ như đó là lần sau cùng được nói vậy.Đáng yêu vô cùng mà cũng thật sự thấy day dứt cả lòng!
      Sau chuyến về thăm trường cũ vừa qua tình thân bạn bè như càng níu chặt hơn,đằm thắm và gần gủi hơn.Trở lại Sài Gòn cũng đã lâu vậy mà tôi vẫn còn ngẩn ngơ mỗi khi chợt nhớ…Thân tình bè bạn cùng những níu giữ yêu thương bên ngôi trường xưa ấy cứ như những thước phim quay chậm đầy cảm xúc trôi qua cuộc đời,đẹp sáng trong và thân quí vô cùng!Dường như mỗi chúng tôi không ai bảo ai nhưng tất cả đều muốn gìn giữ và níu kéo về gần bên mình những hoài niệm dấu yêu không dễ phôi phai ấy,có phải chăng vì vậy mà từ sau ngày trở về thăm trường xưa chúng tôi thường xuyên liên lạc nhau hơn và gặp gỡ nhiều hơn?Sau một khoảng thời gian cách xa dài lăng lắc ấy,để một ngày,giữa phố biển thân yêu,trong sân trường xưa cũ,chúng tôi gặp nhau,ngỡ ngàng nhận ra nhau và mừng vui khi bàn tay nắm chặt bàn tay mà lòng thì dâng trào bao nỗi niềm bấy lâu khắc khoải để rồi phút chốc ùa vỡ ra như hằng ngàn,hằng triệu bọt sóng nhỏ yêu thương tan chảy rồi vỗ về,ôm ấp bờ cát ngọt ngào.
      Sài Gòn vào những sáng cuối tuần long lanh nắng,bạn bè chúng tôi thường hẹn nhau bên tách trà nóng,bên ly café ấm nồng tình bằng hữu trong không gian ấm áp lãng mạn của “Một thuở”ở quận ba hay rộn ràng tiếng nói cười ở quán café xinh xắn trong khuôn viên một sân trường Đại học trải vàng lá me bay bên quận một …
        Những chiều chủ nhật với cơn mưa sóng sánh chợt đến chúng tôi lại gặp nhau ở nhà một ai đó để cùng râm ran chuyện trò hay thủ thỉ những điều chưa nói.Còn nhớ một chiều,trong lần gặp mặt gần đây ở nhà chị bạn học khóa sáu,chúng tôi như trút hết mọi nỗi lòng mọi trăn trở để hiểu nhau hơn,cảm thông và thương quí nhau hơn.Những giận hờn nghi ngại có đấy,những nỗi đau đời thường cũng có đấy nhưng sớm bay đi như cơn gió thoảng qua cuộc đời,như một lẽ vô thường của kiếp nhân sinh.Chúng tôi an nhiên ngồi gần bên nhau bằng lắng nghe chia sẻ bên tình bạn chân thành,bên những ân cần bình dị,bên tiếng đàn tiếng hát ấm áp ân tình của tất cả mọi người.Có quên được đâu hình ảnh bạn tôi ôm đàn da diết với “Nguyệt ca” thật nồng nàn,“Như cánh vạc bay”sâu lắng,xa xăm hay ru lòng  khi“Còn chút gì để nhớ”…!!!
      Chiều nay,chúng tôi lại cùng bên nhau trong không gian ấm cúng và bên tai dìu dặt những giai điệu trữ tình của những bài tình ca trong CD“Có nhau trong đời”của thầy Hoàng Song Nhi.Ngoài trời,cơn mưa đầu mùa cũng vừa chợt đến nhẹ nhàng,quyến rũ… Bên nhau,cũng những khuôn mặt thân ái ấy,cũng những môi cười xinh xắn ấy,cũng những ánh mắt tươi tắn ấy nhưng tôi nghe ấm áp,gần gủi hơn rất nhiều khi cô bạn ôm đàn tha thiết “Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời...Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây…Dù có ước,có ước ngàn lời có trách một đời cũng đã muộn rồi…Dù sao…dù sao đi nữa...”(*)
      Vâng,dù sao đi nữa chúng tôi cũng vẫn sẽ sống với nhau thật lòng trong chặng đường không còn dài trước mặt,sẽ nở nụ cười để được nhận những nụ cười,sẽ yêu mến để được mến yêu và cũng sẽ quên đi nỗi xót xa thân phận để thấy trân quí tình người khi bạn chân tình tỏ bày những nỗi niềm trăn trở đã cất giữ trong lòng bấy lâu,khi tôi nhẹ nhàng những giai điệu của Vũ Thành An trong “Bài không tên số  bốn”…!
      Tôi vẫn không quên khuôn mặt dễ mến của chị Bích Liên tìm đến tôi trong đêm hôm ấy sau khi tôi đọc lá thư của thầy hiệu trưởng.Chị em tôi tuy chưa một lần gặp gỡ,chưa có cơ hội trò chuyện cùng nhau mà bỗng như là thân thiết lắm.Tôi chỉ từng biết chị qua “Thương nhớ ngọc lan”trên weblog/spqn và có lẽ cái nghĩa ân của  vành nôi Sư Phạm,  cái thương quí của tình bạn đồng hương và nhất là qua mối đồng cảm sâu xa của hai chị em đối với người Thầy kính mến đã mang tâm hồn chị em tôi đến gần nhau và hương ngọc lan dịu dàng trong góc sân nhà thầy ngày nào đã đưa chị em tôi trở về nơi bắt đầu với bồi hồi bao nhiêu hoài niệm!
      Tôi còn nhớ một câu danh ngôn của Oliver Wendell Holmes:“Tình bạn là đóa hoa hồng đầy sức sống,từng cánh mỏng đều tỏa hương thơm ngát…!”Và quả thế,đó là những đóa hồng vàng ngát thơm hương của tình bạn trong sáng,những bông hồng tươi tắn mang thông điệp yêu thương của tình bạn chân thành đến với mọi người…Và với chúng tôi,xin luôn hướng về nhau,xin luôn gửi cho nhau những bông hoa hồng vàng tươi thắm và xinh đẹp nhất mang trọn vẹn ý nghĩa của tình bạn thật thà:“A yellow rose for you…To say…  Friend,you are dear to me!”
      Newell D.Hiller đã nói“Tình bạn reo vui như tia nắng,quyến rủ như một câu chuyện hay,chỉ lối như một ảo ảnh thiên đường!”.Mà đúng vậy,“Cuộc đời mất đi tình bạn như thế giới mất đi mặt trời”(Cicero).Không gì đáng giá bằng tình yêu thương bạn bè dành cho nhau.Khoảnh khắc có thể đổi thay số phận nhưng một tình bạn chân thành là bất biến. Hãy tin rằng ta sẽ hạnh phúc khi trong trái tim ta đầy tình yêu thương,hãy tin rằng ta sẽ hạnh phúc khi tâm hồn ta tình bạn là vĩnh cửu,hãy đem giận hờn gặp gỡ yêu thương và đem sự thứ tha thay lòng đố kỵ và hãy thôi đừng xót xa cay đắng khi cất lên câu hát nghìn trùng “…Triệu  người quen có mấy người thân,khi lìa trần có mấy người đưa…!!!”(**)
     Đã biết sinh rồi diệt đều do nhân duyên,mọi vật đều biến thiên vô thường,vạn vật chuyển hóa thay đổi từng phút giây.Đã biết “Người ta không bao giờ tắm trên cùng một dòng sông”như lời một triết gia Hy Lạp cổ đại đã nói,vậy sao ta không nâng niu trân quí và giữ gìn tình bạn chân thật cho nhau để khi chia tay ta thấy lòng thanh thản?
     Cuộc sống thì luôn hướng về phía trước như hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời.Vạn vật sẽ ra sao khi thiếu ánh nắng sưởi ấm của buổi bình minh mà tình bạn lại như tia nắng reo vui rộn rã ? Sẽ là vô cùng bất hạnh nếu trên đời này ta không có bạn để chia sớt nỗi niềm,để lắng nghe thông cảm?Sẽ là vô cùng thiệt thòi nếu cuộc đời này ta không có bạn để gửi trao niềm tin cậy,để san sẻ một bờ vai và cũng thật đau lòng khi ta dễ dàng vô tình chối bỏ một người bạn tốt trong đời…?
      “…Lời ca còn mãi cho bạn cho tôi,tình yêu còn mãi trong trái tim này…Để cuộc đời còn mãi bao nhiêu niềm vui…”(***)Lời ca sẽ còn mãi,tình yêu sẽ còn mãi trong mỗi chúng ta khi nụ cười tình bạn vẫn tỏa nắng và trong tim mình tình bạn chân thiết vẫn đong đầy!
      Cho tôi xin một ý thơ ngọt ngào,cho tôi mượn những gam màu trong sáng để viết nên bài ca hay,vẽ lên bức tranh đẹp cho tình bạn.Cho tôi được nhẹ nhàng ngắt những bông  hồng vàng tươi tắn nhất trong vườn hoa đầy sắc màu để riêng tặng bạn tôi,những người bạn mà tôi không thể thiếu trong đời!
    
                                                                                      Sài Gòn 3-6-2012
                                                                                          Thanh Cảm11


(*)Lời bài hát  “Niệm khúc cuối”(Ngô Thụy Miên)
(**)Lời bài hát  “Bài không tên số 4”(Vũ Thành An)   
(***) Lời bài hát “Cho bạn cho tôi”(Lam Trường)

Hình ảnh cũ của lớp 8, khóa 10 .


Chào các bạn!
Tôi là Tạ Ngọc Thưởng, trưởng lớp 10, Khóa 10, Sư Phạm Quy Nhơn.
Hiện đang sinh sống tại 07 Hồ Tùng Mậu, Buôn Ma Thuột, Dak Lak.
Trong không khí phấn khởi, hân hoan của ngày về thăm trường cũ, bao nhiêu kỷ niệm xưa tràn về, cảnh cũ còn đây, thầy cô, bạn bè người còn người mất. Tôi xin gửi lên đây những tấm hình, lưu lại một thời hoạt động, học tập, văn nghệ của lớp 10 nói chung và gia đình tôi nói riêng , để chúng ta cùng ôn lại một thời không thể nào quên các bạn nhé!








Hợp xướng Thiên Thai của lớp 10 - K10

Về thăm bạn bè K10 tại Phú Yên


Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Thư của bạn Trần Thiên Ái gởi BBT SPQN



Kính thưa Ban Biên Tập (BBT) và tất cả anh chị cựu giáo sinh (CGS) của trường Sư Phạm Qui Nhơn

Em cảm thấy xúc động khi nhận được lời chia vui và chúc mừng của Ban BTT và các anh chị CGS của Sư Phạm Qui Nhơn (SPQN). Em cũng cảm thấy rất xúc động khi nhận được nhiều điện thoại và điện thư từ các anh chị CGS từ Việt Nam, Hoa Kỳ và các nơi khác gởi về nhân dịp em được vinh dự là người Việt Nam đầu tiên tại Canada được bình chọn là một trong những người thắng giải "25 Người Di Dân Gương Mẫu Hàng Đầu của Canada".  Em xin chân thành cảm ơn tất cả quí vị.

Trường SPQN là nơi em đã lớn lên và sống trọn môt quãng đời ấu thơ bình yên, dù khi ấy quê hương vẫn còn đang bị dằn xé trong chiến tranh.   SPQN cũng là ngôi trường thân yêu mà đã cho em sự giáo dục chính qui đầu đời. Sau hơn 40 năm dài xa cách, em đã lần đầu tiên được nghe lại giọng nói của cô Hiếu, người Thầy đầu tiên trong đời của mình.  Năm nay cô đã hơn 70 tuổi, nhưng giọng của cô vẫn còn trong trẻo và em vẫn cảm nhận tâm tình gần gũi của người cô giáo SPQN kính yêu, tận tụy năm xưa. Em chợt nhớ đến câu ca dao trong dân gian:

"Muốn sang phải bắt cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy"

 Em thật xúc động khi biết rằng ý nghĩa thiêng liêng về lòng biết ơn đối với Thầy Cô của người Việt Nam đã được biểu lộ rực rỡ qua chuyến hội ngộ về trường Mẹ Qui Nhơn rất qui mô và vĩ đại vào ngày 12 tháng Năm, 2012, vừa qua, do anh chị CGS của SPQN tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường. Em được cho biết rằng mọi người đều cảm thấy rất phấn chấn khi biết số CGS tham dự có hơn 1000 người, đến từ các tỉnh thành trong nước cũng từ nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng với Bố Mẹ em, ông bà cụ cảm thấy thật vui vì biết rằng các anh chị đã tổ chức rất thành công chuyến về trường hy hữu này. Bố Mẹ em cũng rất vui khi lá thư ngõ của Bố em được chị Thanh Cảm (cựu sinh viên khóa 11) đọc trước tất cả anh chị CGS trong dịp hội ngộ ấy. Em và gia đình thật ngưỡng mộ Ban Tổ Chức chuyến về trường đã bỏ nhiều công sức và thời gian quí báu, đặc biệt là Thầy Dũ và các anh chị CGS mà em chưa được biết tên, để tổ chức thành công lần về trường vĩ đại ấy. Hy vọng cho đến hôm nay, Thầy Dũ và các anh chị CGS trong Ban Tổ Chức đã có được sự nghỉ ngơi đầy đủ.

Khi trang mạng SPQN đươc thành lập từ năm ngoái đến nay trong tinh thần nối kết trở lại tình SPQN của mọi người sau 40 năm biệt ly, Bố Mẹ em rất xúc động khi biết rằng tất cả anh chị CGS vẫn lúc nào cũng nghĩ đến Thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫn năm xưa với tất cả những chân tình hết sức  gần gũi, như đã được diễn đạt qua nhiều bài viết và những dòng nhật ký  thật xúc động và thiết tha của anh chị CGS. Em nghĩ rằng đối với một người thầy/cô, có lẽ sẽ không còn hạnh phúc nào lớn lao hơn niềm hạnh phúc này, khi biết rằng những học trò cũ, dù nay “tóc mây một mái đã đầy tuyết sương” (Thơ Tản Đà), vẫn nghĩ đến thầy/cô với một nỗi niềm tin yêu, dù bao năm dài cách xa nhau hơn 40 năm... Đó cũng là niềm hạnh phúc mà Bố Mẹ em đã và đang cảm nhận được, qua tất cả những tình cảm cao quí, mộc mạc, và thiện tâm mà anh chị CGS đã dành cho ông bà.  Bố Mẹ em vẫn thường nói với nhau rằng tình cảm quí gia vượt thời gian và không gian giữa Thầy Trò ấy là món quà tinh thần quí giá nhất đối với Bố Mẹ em trong những năm tháng cuối đời của ông bà.

Trong "Thư Ngỏ của Thầy Trần Văn Mẫn gởi ACE CGS SPQN nhân chuyến Về Thăm Trường Cũ 12/5/2012", Bố em có nhắc đến "những hàng dương liễu trầm lặng đã từng chứng kiến bao bước chân ACE đi về, những dãy hành lang hun hút gió đông hay phơi phới gió hè dẫn vào những căn phòng nội trú rộn ràng bao buồn vui đèn sách và tình bạn ý quê". Lời trong thư ngõ của Thầy làm em bùi ngùi nhớ lại thời ấu thơ của mình - mấy anh em trong gia đình đã thường chạy nô đùa hàng giờ bên những hàng liễu vương mùi hương biển ấy, và đã từng được Bố em dẫn xuống những phòng nội trú "rộn ràng bao buồn vui đèn sách và tình bạn ý quê" ấy, nơi các anh chị - như Bố em vẫn thường nói - “luôn rất chăm chỉ với đèn sách”. Thuở ấy em còn quá nhỏ dại và bé thơ để nhớ nhiều. Nhưng có một điều mà em không bao giờ quên và đó là hình ảnh một cô giáo Hiếu tận tụy và ngọt ngào đã ân cần dạy dỗ em thuở mẫu giáo đầu đời êm ả ấy.

Về giải thưởng "25 Người Di Dân Gương Mẫu Hàng Đầu Canada" mà em vừa được nhận lãnh, em biết rằng mình đã không thể nhận được vinh dự này nếu như không có những ủng hộ nhiệt thành, cảm tình đặc biệt, và sự hỗ trợ tinh thần của quí bác, quí cô chú, quí anh chị, và các bạn khắp nơi. Phần thưởng này không những là điều vinh dự của cá nhân của em và gia đình nhưng còn về sự đóng góp chung trọn ý nghĩa của một tập thể và từ những cộng đồng. Em biết rằng có rất nhiều người Việt di dân tại Canada và trên khắp thế giới cũng hết sức xứng đáng để được nhận giải thưởng cao quí này.  Họ là những thiên thần trong bóng tối đã và đang quên mình hy sinh thầm lặng cho con cháu, gia đình, những người yêu thương của mình và luôn cố gắng để đóng góp phần mình vào sự phồn vinh và bình yên của đất nước họ đang sống.

Trong tinh thần ấy, em mong muốn được chia sẻ giải thưởng và niềm tự hào hôm nay với tất cả người Việt khắp nơi nói chung và người Việt sống tại Canada nói riêng. Em đặc biệt muốn chia sẻ niềm vinh dự chung này với những thuyền nhân đã từng sống lưu lạc vô vọng tại Phi Luật Tân.

Một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn BBT và tất cả anh chị CGS SPQN đã lúc nào cũng chân tình và thương mến em.

 Kính,

Trần Thiên Ái
Con trai của Thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫn và Bà Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Hồng

 BBT: Dưới đây là một số hình ảnh chụp T.T.Ái trong ngày vinh danh Top 25 tổ chức tại Toronto - Canada, 29/5/2012
 
T.T.Ái chụp cùng bà Thượng Nghị Sĩ Linda Frum, đại diện Văn phòng Thủ Tướng Canada.
Chụp cùng ông Gautam Sharma, chủ bút tạp chí Canadian Immigrant Magazine.


Chụp cùng BTV Thanh Tâm của đài SBTN Canada sau buổi phỏng vấn.
Chụp cùng các bạn trẻ VN trong dạ tiệc gây quỹ cho Viva Gala và tuyên dương những người gốc Việt đã có nhiều đóng góp cho Canada được tổ chức tại Toronto.

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Tin Vui


Như trong một bài đăng trước đây, SPQN có thông tin về bạn Trần Thiên Ái, là thứ nam của Thầy Trần Văn Mẫn (vị Hiệu trưởng cuối cùng của trường SPQN); anh đang định cư tại Canada; và theo thông tin BBT vừa nhận được thì bạn Trần Thiên Ái đã chính thức dành được danh hiệu là một trong 25 người di dân hàng đầu của Canada năm 2012.

Canada’s Top 25 Immigrants 2012

Kết quả này của bạn Thiên Ái là vinh dự cho cộng đồng Người Việt ở Canada và cũng là niềm vui lớn cho tập thể những giáo sinh từng học với thầy Trần Văn Mẫn.

Nhân dịp này, BBT SPQN xin chia vui cùng Thầy Cô và gia đình; cùng xin chúc mừng với bạn Trần Thiên Ái về thắng lợi này. Xin chúc bạn sức khỏe và mong rằng trên cương vị cũng như danh hiệu mới, bạn sẽ đóng góp hiệu quả hơn trong các hoạt động xã hội mà bạn đang theo đuổi...
BBT SPQN

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Thư Cám Ơn của Gia Đình Thầy Võ Sum

Kính thưa BBT con là Võ Tuyên con út của Ba Sum cùng mẹ là Hà Thị Ngọc Diệp kính cảm ơn BBT và các thầy cô đã quan tâm an ủi và giúp đỡ gia đình cháu trong khi Ba Sum mất. Nhân đây con nhờ BBT đăng thư cảm ơn của gia đình và ảnh mộ của Ba Sum cho gia đình SPQN. Gia đình con một lần nữa không biết nói gì hơn ngoài tấm lòng cảm ơn quý thầy cô. 



LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...