Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

CHUYỆN ĐỜI TỰ KỂ


Bảo Anh

Vào năm 1964, khi quê tôi bị mất an ninh do những cuộc giao tranh khốc liệt giữa hai bên, ba mẹ con tôi dắt díu nhau lên thành phố Pleiku tá túc nhờ nhà một người chị, con thứ ba của mẹ tôi.
      Đói nghèo, thiếu thốn, anh chị tôi cũng chẳng dư giả gì. Pleiku thời đó như một vùng bán sơn địa : cỏ tranh săn mọc lút đầu người. Những con đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo vào các buôn làng của người dân tộc buồn heo hắt. Dân sống thưa thớt, tối đến nhà nhà còn  đề phòng thú dữ đi hoang
      Suốt ngày các chị em tôi chia nhau đi mót củi và làm bánh đúc, món bánh truyền thống được làm từ bột gạo của mẹ tôi để bán ở chợ và bán dạo ở các trại lính. Một thời gian sau, anh chị tôi mở một trường tư thục do anh chị phụ trách, dạy từ lớp một đến lớp năm. Cuối năm 1967 anh rể tôi có lệnh gọi nhập ngũ, đơn vì đóng tại Nha Trang. Anh phải đưa cả gia đình anh vào trong đó. Trường lớp bấy giờ rất đông học sinh. Anh rể tôi bèn thuê một thầy giáo ( rớt tú tài ) về phụ trách các lớp thay anh chị.
        Cũng trong thời gian này, thầy giáo gợi ý mẹ tôi cho tôi đi học. Tôi xấu hổ vì tuổi tôi khá lớn (14 tuổi ) mà ngồi học chung với trẻ em thì vô cùng bất tiện nên tôi từ chối. Thầy động viên tôi và hứa kèm tôi mỗi năm ba lớp sau khi phân tích cho tôi thấy học vấn đối với con người quan trọng như thế nào. Ở quê tôi chưa hề được chính thức đến trường. Tôi chỉ được học ké với những anh em họ có cha kèm cặp. Mẹ tôi gửi gắm tôi cho họ. Sơ bộ thì tôi chưa qua hết chương trình lớp ba. Trước sự thuyết phục quá nhiệt tình của thầy, lời động viên của mẹ và tính hiếu học của mình nên tôi đồng ý
         Ngồi chung với các em nhỏ, dù tôi cố tình ngồi ở cuối lớp, cố rạp người sát xuống bàn để giảm bớt đi cái chiều cao tồng ngồng của mình, tôi vấn không sao đè nén được sự xấu hổ và mặc cảm. Rồi thời gian cũng qua. Việc học hành của tôi ngày một tiến bộ
          Khi lên cấp hai, thầy cùng mẹ tôi đi làm khai sinh và đặt tên cho tôi vì tôi vốn không có tên do cha mẹ đặt. Tôi không có đầy tháng, cũng chẳng có thôi nôi có lẽ do khổ quá. Trước ngày ba tôi lên đường tập kết ra Bắc, lúc đó tôi được sáu tháng, ba nằm võng bế tôi, Người thấy trên vách có dán tấm hình ông trượng tiên bửu, nhãn của một loại thuốc bổ và ghi dòng chữ Bồ ơi …Thế là tên tôi sau sáu tháng mới được gọi chính thức là Bồ do một phút tình cờ đầy ngẫu hứng của ba tôi !
           Thầy hướng dẫn mẹ tôi khai gian tuổi để thi tú tài theo diện thí sinh tự do. Dường như thầy đã hoạch định trước con đường đi đến tương lai của tôi. Dưới sự hướng dẫn của thầy, tôi đã làm những học bạ giả để được vào học chính thức ở trường năm lớp chín, còn gọi là đệ tứ. Ban ngày tôi học lớp chín ở trường, ban đêm tôi học thêm lớp mười. Lúc này tôi cùng một người bạn gái cũng nghèo khổ như tôi tiếp tục làm học bạ giả lớp mười để hết năm lớp chín chúng tôi sẽ vào thẳng lớp mười một ở một trường khác. Chúng tôi chọn trường tư thục Bồ Đề, là một trường của Phật giáo, kỷ luật và qui chế bớt gắt gao hơn để cho chúng tôi không bì phát hiện là học sinh học nhảy lớp
         Cũng hên cho tôi hay do số phận an bài : số là anh rể tôi vốn tốt nghiệp từ trường sư phạm Qui Nhơn khuyên tôi nên đổi hội đồng thi để tránh bị phát hiện. Tôi nghe lời và xuống thi tú tài ở hội đồng thi Qui Nhơn. Nhờ thế mà tôi được trot lọt. Bạn tôi ở lại Pleiku, hồ sơ dự thi bị phát hiện và bị hủy. Buồn tình, cô ấy đi lấy chồng và lấy chính người mình yêu ( tôi sẽ viết lại chuyện tình tuyệt đẹp của họ ở một bài viết khác )
          Trong thời gian chờ nhận bằng khi  tôi biết mình đã trúng tuyển tú tài, tôi đã chịu nhiều áp lực vì bao nhiêu lời bàn ra tán vào ở Pleiku trong đám  bạn bè ( những người biết tôi học băng ). Họ bảo bằng của tôi bị treo, không được nhận. Tôi bị dao động đến thẫn thờ.
         Đến ngày đi nhận bằng, một ô cửa nhỏ chỉ đủ đưa một  bàn tay vào nhận, mắt tôi như nhòa đi khi cầm trên tay mảnh bằng đích thực tên mình và con dấu đỏ như son không phải là mơ mà là sự thật. Tôi tần ngần đứng ở đó mà không hề cảm giác có sự xô đẩy và những lời ca cẩm của những người xung quanh đang chờ đến lượt
          Thời đó dân trí còn thấp, đậu được bằng tú tài bán phần là một việc ghê gớm đối với dân xóm tôi. Mẹ tôi như trẻ ra. Ai đến chúc mừng bà cũng cười giơ hàm răng đen hín vì thuốc nhuộm. Bà cố gắng làm một bữa tiệc để đãi mọi người gọi là ăn mừng. Niềm sung sướng vỡ òa khiến cho tôi ngủ không được một thời gian dài mà người tôi vẫn cứ khỏe mạnh. Thế mới biết niềm vui tinh thần có sức mành vô biên
         Và rồi tôi muốn học tiếp lên để thi vào trường y, nhưng do hoàn cảnh nghèo khổ và mẹ tôi chỉ còn lại mình tôi nên anh rể khuyên tôi thi vào sư phạm. Tôi miễn cưỡng bằng lòng một phần vì trường sư phạm lúc đó quá đẹp : trường xây theo hình hộp chữ nhật, có hai khu nam nữ riêng biệt. Sân trường trồng đầy hoa. Sân nội trú nữ đêm về ngập tràn mùi hoa sứ. Tôi bị sức hấp dẫn tác động, một phần nữa tôi muốn có thêm thời gian để thuyết phục mẹ tôi nên tôi thu xếp ban đêm theo học các cour ở bên ngoài để thi nốt tú tài toàn phần rồi mới thưa chuyện cùng mẹ   
          Như dự tính, năm sau tôi lấy xong bằng tú tài hai nhưng mẹ tôi cương quyết không cho tôi học tiếp
          Nhìn lại chặng đường thành công đầy nổ lực của mình, trong đó có sự dẫn dắt và là điểm tựa cho tôi là NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN
          Nhớ lại những ngày tôi đang theo học cấp hai, thầy tôi có lệnh tổng động viên. Ngày chia tay thầy nhìn tôi với cái nhìn đầy ý nghĩa. Những tháng ở quân trường của thầy cũng là những ngày tháng nhớ nhung của tôi. Tôi lần giở những gì còn lưu lại của thầy để xoa đi nỗi nhớ. Bút tích chẳng có gì ngoài những điểm số thầy cho và những lời phê đầy tính động viên qua các bài tập làm văn  của tôi. Tuổi học trò với những rung động đầu đời chưa thể gọi là tình yêu, với riêng tôi nó còn thấp thoáng lòng biết ơn và trìu mến
           Rồi một ngày thật bất ngờ tôi nhận được bức hình của thầy gửi về từ chiến trường trong trang phục nhà binh, tay cầm súng ở tư thế đứng gác. Vẻ khắc khổ già nua hằn rõ trên nét mặt. Tôi thật sự bị sốc. Đâu rồi một thầy giáo phong thái lịch lãm, trắng trẻo đẹp trai…và tôi bắt đầu lảng tránh thầy từ đó  
           Giờ đây, tuy đã trải qua nhiều cuộc bể dâu nhưng những hồi ức đó luôn sống mãi trong tôi. Tôi liên tưởng đến NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN của T. Aimatov trong NÚI ĐỒI VÀ THẢO NGUYÊN thấp thoáng đâu đó có bóng dáng câu chuyện của mình, có khác chăng là hai cây bạch đàn và chức viền  sĩ của người học trò mà thôi 
           Tôi đã rời khỏi ngành giáo dục từ thời bao cấp nhưng hình ảnh của thầy vẫn theo tôi suốt  cuộc hành trình cho đến khi về cõi vĩnh hằng. Tôi luôn nghĩ về thầy với lòng biết ơn không bờ bến ! HỒNG LOAN KIM PHƯỢNG đó là bút danh của thầy. Ở nơi nào đó nếu thầy còn sống và đọc được những dòng này thay cho lòng biết ơn của tôi
                 
                    TP HCM ngày 5-9-2012                
                                        Bảo Anh

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Mối Tình Thơ - Thơ - Đặng Nam Phương

Kính chào thầy, cô.  Chào các bạn cựu giáo sinh SPQN. 

Tôi là Đặng Nam Phương, Nhị 4 Khóa 7 SPQN.  Trang SPQN là món quà tinh thần quí giá. Là gạch nối tuyệt vời của chúng ta..  Mong các bạn khóa 7 còn nhớ Nam Phương. Liên lạc với Nam Phương nha. Nam Phương đang ở 6200 Wilson Blvd #508 Falls Church VA 22044 USA.  
Home phone : 703 534 2479 Hand Phone 571 243 34 37  Email: namphuongdang11@yahoo.com

Chúc thầy cô và các bạn vui khoẻ.     Lần đầu tiên  Nam Phương gởi  bài và hình ảnh xưa của Nhất Niên 4 và Nhị Niên 4, khóa 7 của Phương đây.


Mối Tình Thơ

Phố Qui Nhơn mùa hè đang trải nắng
Tiếng ve ran inh ỏi khắp lối đi.
Em trở lại chốn xưa trường sư phạm
Trong hàng dương như có tiếng lao xao
Như có tiếng thì thầm như nhắc nhở
Bừng sống dậy cả một thời mơ mộng
Hiện hữu về trong mỗi bước em đi. 
Trường Sư Phạm anh cùng em tao ngộ
Tình học trò rộn rã tiếng reo vui 
Lớp học là nơi hò hẹn của mình. 
Sân trường kia bao lần ta sánh bước.
Tay trong tay mây trắng với trời xanh
Đây biển Qui Nhơn lô xô sóng vỗ
Em tựa đầu êm ả bờ vai anh. 
Mắt anh nhìn cho thêm hồng đôi má.
Đôi trái tim chứa tình mình đầy ắp
Tình yêu đầu dấu ái dạ ngây thơ 
Bao nhiêu hè vẫn thương nhớ vấn vương. 
Em trở lại chốn xưa trường Sư Phạm
Cảnh cũ người xưa mây hồng tuổi ngọc 
Thăm một lần rồi mãi mãi ra đi  

Đặng Nam Phương SPQN K7
Đặng Nam Phương
Đặng Nam Phương cùng bạn bè trong 1 giờ học

Tin buồn


Ban liên lạc cựu  giáo sinh SPQN Quảng Ngãi vừa nhận được tin buồn : Bạn Trần Tấn Quang nguyên giáo sinh lớp Nhị 5 – Khóa 11 vừa qua đời tại gia : Thôn Hòa Mỹ, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi lúc 15 giờ 40 ngày 30 tháng 8 năm 2012.
BLL cựu giáo sinh SPQN Quảng Ngãi nhờ trang SPQN thông báo và cầu cho hương hồn bạn Trần Tấn Quang được sớm siêu thoát nơi miền cực lạc.
Thành kính phân ưu.

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

CHUYỆN CỦA TÔI.


                           Lê Thanh.

         Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Tú Tài, tôi thi đậu vào trường Sư Phạm Qui Nhơn.
         Một buổi sáng đẹp trời, nắng vàng nhẹ, tôi rời Phú Yên đến Qui Nhơn nhập học.
         Với nỗi “hân hoan” khi đậu vào trường Sư Phạm, một ngôi trường bề thế, đẹp nhất miền Trung và Cao Nguyên Trung Phần. Với niềm “bỡ ngỡ” khi bước vào lớp nhìn thấy năm mươi lăm gương mặt xa lạ…
         Qua thời gian học tập, tôi quen dần các bạn. Tôi thường tham gia vào các công tác xã hội, làm cổng trại, chơi đèn màu trong các buổi văn nghệ của trường…

Chuyện của tôi là một ngày nắng ấm.
Chuyện của tôi là một ngày mưa rơi
Chuyện của tôi là một ngày ngóng đợi
Đợi hoa tươi và đợi em…(Chuyện của tôi-Lê Quang)

         Chuyện của tôi bắt đầu…
         Tôi đã sống với bạn bè nơi đây trải qua những ngày nắng ấm, những ngày mưa rơi, những cơn gió chuyển mùa… và ngóng đợi!
         Tuổi trẻ rất tự nhiên, những rung động đầu tiên đến…trong số mười một bạn nữ trong lớp, tôi để ý đến “Một gương mặt” với nét “buồn vời vợi”. Đôi mắt “xa vắng” hàng mi u buồn. Nàng như một người từ “cõi mộng” bước ra! Hình ảnh nàng đã làm cho lòng tôi”nao nao” xao xuyến.
         Ngày qua ngày, tháng tiếp tháng… cứ thế mỗi ngày một ít, từng bước, từng bước xâm chiếm tâm hồn tôi, ngấm sâu vào tim tôi rồi không biết từ lúc nào và từ bao giờ đã hình thành trong tôi “Một Giấc Mơ Hoa”.
         Những ngày ấy, tôi thấy trước mắt tôi luôn là một màu hồng tươi đẹp! Tâm hồn tôi tươi sáng như ánh bình minh soi rọi và lòng tôi rộn rã như Mùa Xuân đến! Mỗi khi bất chợt đôi mắt ấy nhìn tôi u uẩn” tôi thấy tim tôi “thót” lại và choáng ngợp. Tôi thấy mình nhẹ nhàng như bay bổng…
 Người ta thường nói: Tình yêu đem đến cho ta sự thăng hoa, cho ta nhiều điều kỳ diệu! Vì thế, tôi thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn! Tự nhiên thấy mình mạnh mẽ hơn! Tự tin hơn!
Rồi tôi tự dệt mộng? Thêu hoa? Cứ thế, và cứ thế diễn ra trong âm thầm và lặng lẽ…
…Tình yêu của tôi là trong tiếng hát
   Tình yêu của tôi là trong mắt người
   Tình yêu của tôi dịu dàng như em
   Tình yêu của tôi lung linh đêm nay…(Chuyện của tôi)
Hai năm trôi qua nhanh! Tôi sống với “nét buồn” của người ấy. Vẫn biết rằng rằng đôi mắt ấy nhìn tôi “buồn xa vắng” và mặc dầu trái tim ấy dường như nguội lạnh từ lâu rồi…
 Ngày ra trường, Tạm thời tôi rời xa nàng trong luyến nhớ… Nhưng nào ngờ đâu cuộc chia tay ngày ấy đã đẩy tôi rời xa “Giấc mơ hoa”, cuốn phăng tôi đi mất hút và vĩnh viễn…

Bây giờ, gần bốn mươi năm! Lớp bụi thời gian đã phủ dày tuy thế vẫn không che mờ tất cả. Thỉnh thoảng một giây phút nào đó trong hồi ức thoáng qua làm cho tôi quay nhìn lại! Như một tấm gương phản chiếu! Từng kỷ niệm ùa về! Chợt nhận ra rằng lúc ấy sao mà mình ngây thơ và ngốc nghếch quá! Một nhà thơ nào đó đã nói:
…Anh khờ khạo quá, ngu ngơ quá!
   Chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì?...

Đặc biệt! Hôm nay cùng bạn bè lên Đắc Lắc tìm bạn Mai Trọng Tài gọi điện nói chuyện với Hàn Diệu Phương và biết tin vừa mới tìm lại được “người ấy”!!! …Chuyện cũ như “tro tàn” được bùng lên thành “bếp lửa hồng”. Tôi mất ngủ suốt một đêm. Ký ức như khơi gợi và tôi muốn ghi lại một lần với kỷ niệm xưa! Biết đâu “Trái tim hóa đá” ngày xưa ấy bây giờ sẽ rung lên…?
Tất cả giờ chỉ là “Dĩ vãng” nhưng nó có một chút gì “ Để nhớ…! Để…!” Mỗi người một phương, một công việc. Ai cũng lo “vun vén” cho cuộc sống của mình nhưng nếu cho được gặp lại nhau dù chỉ một lần thôi thì chắc không gì vui bằng! Tôi mong được gặp lại để nghe tôi…
…Người ơi về đây để nghe tôi hát
   Hát cho cuộc đời còn lắm âu lo
   Người ơi về đây! Để nghe lời ru
   Ru những yêu thương bên em bên em...(Chuyện của tôi)

Xin cầu chúc tất cả các bạn lớp 6 khóa 11 Sư Phạm Qui Nhơn “ VUI-KHỎE-HẠNH PHÚC”!
Những lời bộc bạch chân thật, ý tứ vụng về thô thiển của tôi, một thuở dại khờ như được trỗi dậy! Phải chăng cuộc đời là “Giấc mơ hoa”. Chuyện của tôi là thế đó!

Xin được gặp mặt đầy đủ năm mươi sáu gương mặt của một thời “áo trắng”, một thời là giáo sinh dưới mái trường Sư Phạm Qui Nhơn.
Tôi xin được ôm chặt các bạn tôi một lần với bao nỗi niềm thân thương nhất.

Phú Yên, tháng 8 năm 2012.
         Lê Thanh.

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Thông Báo : Gặp gỡ hàng tháng.



Theo sáng kiến của anh Nguyễn Dũ, trưởng ban LL cựu GS SPQN tại Sài Gòn, cùng một số anh chị em, kể từ tháng 9 năm 2012; cứ vào mỗi Chủ nhật đầu tháng… xin mời quí Thầy Cô cùng quí anh chị cựu GS SPQN dành thời giờ đến Nhà hàng Trầu Cau, số 298 Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh vào buổi sáng trong khoảng từ 8 giờ đến 11 giờ để uống café hầu có thể gặp gỡ trò chuyện cùng nhau…
Hy vọng cùng với thời gian, địa điểm này sẽ là một địa chỉ quen thuộc, giúp thầy trò chúng ta có cơ hội gặp gỡ nhau thường xuyên hơn.
Chủ nhật đầu tiên của tháng 9 sẽ nhằm vào ngày 2/9 tới đây, kính mong quí Thầy Cô cùng các bạn hưởng ứng và tham dự…

BLL SPQN 

Nhắn Tìm Bạn Cũ.



Tôi tên Huỳnh Kim Thạch, cựu GS lớp nhị 6 / k11  SPQN
Tập thể lớp tôi có nhu cầu liên lạc với các bạn lớp 6 / k11 sau:

-Trịnh công Tùng đ/c cũ: 223 Lê Lợi, Tuy Hòa, Phú Yên
-Trần Vĩnh Tuấn (Tuấn Huế) đ/c cũ: 34 Hoàng Diệu, Qui Nhơn (ra trường Tuấn dạy học ở Tu Bông, Nha Trang)
-Trần Văn Thanh(QN) đ/c cũ: 114b Trần hưng Đạo Quảng Ngãi
-Dương Đông Thành đ/c cũ: 216 Huỳnh Thúc Kháng Tam kỳ Quảng nam

Sau 2 tháng tìm kiếm,bằng nhiều cách khác nhau đến nay chúng tôi vẫn chưa có tin về 4 bạn trên.
Nay chúng tôi kính nhờ các anh,chị đồng môn nếu có tin tức gì về 4 bạn trên, xin thông tin cho chúng tôi theo đ/c sau:
-đt (84)906863279 hoặc (84)916863278

Xin cảm ơn!

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

NỤ CƯỜI CỦA MẸ.

 Giang Lam


            Buổi sáng, tôi thường được mẹ tôi đánh thức bằng một nụ cười. Ngày xa xưa ấy còn bé quá đôi lúc buồn ngủ, nên tôi vẫn thường mè nheo để được ngủ nướng thêm tí nữa. Nhưng mẹ tôi không nói gì chỉ cười và dỗ dành để tôi dậy. Khi lớn hơn, tự biết lo giờ giấc cho mình thì mỗi buổi sáng thức dậy, mẹ tôi thường đón tôi bắt đầu một  ngày mới với nụ cười hiền hậu, như  thành thói quen, sáng ra nhìn thấy là mẹ tôi thường cười cười khuôn mặt bà vui vẻ và nói: Con dậy rồi à…Cứ như thế mỗi buổi sáng, không thể hiện nét buồn rầu mẹ tôi thường nói: Cuộc sống có lúc vui, lúc buồn, vui nhiều thì buồn nhiều, đừng để chuyện  buồn của mình lây sang người khác là phải tội .
           Đều đặn như thế và hình ảnh ấy đã  lớn dần trong tôi theo ngày tháng, in đậm trong trí nhớ của tôi, khuôn mặt mẹ tôi cười cười để lộ hàm răng nhuộm màu đen đều đặn mà người xưa thường gọi là răng đen hạt huyền. Khuôn mặt mẹ tôi vui vẻ và ít khi bà cau có với chị em chúng tôi, mặc dù trong cuộc đời mẹ tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Bà không biết hoa hòe trong từng câu nói, mà chỉ muốn tạo cho không khí trong nhà luôn vui vẻ.             
  Mẹ tôi là một người phụ nữ thuần nông chất phác, không được đến trường lớp để học hành. Theo lời mẹ tôi kể thì ngày xưa ông ngoại tôi là một cụ đồ nho, nhưng chỉ dạy cho các cậu tôi học, còn mẹ tôi là con gái lớn trong nhà phải theo bà ngoại tôi đi chợ học buôn, học bán để lo cho gia đình. Những gì mẹ tôi học được thì chỉ là học lóm, khi ông ngoại dạy các cậu vào những ngày mưa gió rảnh rỗi mà mẹ tôi được bà ngoại cho ở nhà không phải đi chợ . 
              Lập gia đình với ba tôi, thì ba tôi lại là người theo Tây học, ông thường đi làm xa từ Thượng Hải (Trung Quốc) rồi sang Pháp. Dù có con nhỏ nhưng sau một ngày vất vả buôn bán nuôi con một mình, đêm đến khi đã xong công việc nhà và ru các con ngủ, mẹ tôi bên ngọn đèn dầu vẫn học chữ Quốc Ngữ để có thể tự đọc và viết thư cho ba tôi mà không phải nhờ đến người khác .
               Mẹ tôi thích đọc truyện viết theo lối văn vần của dân gian như: Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương lễ và thích đọc nhất là truyện Lục Vân Tiên và Truyện Kiều, bà thường để ở đầu giường đọc đi, đọc lại không biết chán đến nổi thuộc lòng cả hai cuốn. Ngày Tết mẹ tôi thường hay bói Kiều rồi kể lại cho chúng tôi nghe, những năm về sau mắt mẹ tôi bị mờ không đọc được, hai cô con gái tôi lúc rảnh rỗi thường thay nhau đọc truyện cho ngoại nghe, đọc đến đâu thì được ngoại giải thích những điển tích và điển cố cho cháu một cách rõ ràng mạch lạc, bà đã truyền niềm đam mê của mình đến cho hai cô con gái nhỏ của tôi lúc nào không biết …
                Nhà tôi có bốn chị em gái, lại thêm một cô cháu gái con của chú tôi và một chị bà con phía ba tôi từ  Pleiku  xuống trọ học, vì nhà tôi rộng lắm tới hai căn nhà liền kề nhau, tôi lại chỉ có một anh trai  mà anh tôi thì theo học nội trú một trường Dòng ở Huế, nên Tết hoặc nghỉ hè anh tôi mới về nhà, mẹ tôi muốn nhà thêm đông,  thêm vui nên gọi con cháu đến ở. Chị em chúng tôi chỉ hơn kém nhau từ hai đến ba tuổi, cái tuổi ăn, tuổi lớn nhiệm vụ của bà càng khó khăn hơn để rồi bà phải thốt lên: Có con gái lớn trong nhà hồi hộp thật… Sự chỉ dạy của mẹ tôi giành cho chị em tôi và hai người cháu thật cẩn thận, ngoài kiến thức văn hóa được học ở  trường về nhà từ cách ăn, nói,đi, đứng, may vá thêu thùa, nấu nướng… Chúng tôi đều nhận được sự chỉ dạy tận tình của mẹ tôi. Bây giờ mỗi khi làm bánh hay nấu nướng hoặc may vá, hình ảnh của mẹ tôi ẩn hiện đâu đó như bà đang chỉ dạy cho tôi dù bây giờ tôi cũng đã đến tuổi là mẹ, là bà rồi… Sau mỗi giờ cơm vào buổi tối, có lúc thì vào ngày chủ nhật cả nhà tôi quây quần bên ván cờ Domino, hoặc những hôm  ngoài trời mưa rả rích cả nhà cùng nhau bên lò lửa để nướng những trái bắp, tiếng nổ tí tách của than hồng nghe vui tai cộng với mùi thơm của bắp đã nướng chín, mọi người ngồi bên nhau hơi  ấm như lan toả cả căn nhà, chúng tôi cùng bàn luận hoặc bày tỏ quan điểm của mình, mẹ tôi thường lấy kinh nghiệm đã trải qua để dạy cho chị em chúng tôi và lúc nào cũng mong ước chúng tôi trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Nhưng vẫn có lúc cả hai thế hệ không đồng quan điểm, chị em chúng tôi thường đùa là: Phải viết biểu ngữ, biểu tình phản đối (Chính phủ) của gia đình nhà tôi… Chỉ nói đùa cho vui vậy thôi, chứ anh chị em tôi luôn  tâm niệm một điều là: Không làm gì để mẹ tôi buồn. Cho dù khoảng cách giữa  hai thế hệ có những điều khác nhau đi nữa: Chúng tôi vẫn là con của mẹ…                                                                                  
              Đôi lúc tôi cũng tự cảm nhận đã làm khổ mẹ nhiều... Còn nhớ ngày ra trường tôi chọn nhiệm sở Quảng Ngãi, về nhà thấy tôi cứ buồn buồn mẹ tôi an ủi:” Không sao đâu con, họ đi được mình cũng đi được”. ý mẹ tôi trấn an để tôi mạnh mẽ hơn tuy vậy, đây là lần đầu tiên tôi xa nhà, đến một nơi dầu sôi lửa bỏng nên nói vậy nhưng  mẹ tôi vẫn lo lắng cho tôi mà bà không nói ra và để rồi sau đó, khi tôi đến Quảng Ngãi, mới chỉ dạy được nửa tháng, thì một hôm từ trường về nhà, tôi đã thấy bà đứng ở cổng nhà trọ cười cười đón tôi đi dạy về, tôi ngạc nhiên đến nổi chỉ thốt được tiếng: …Mẹ …! và ùa đến ôm chầm lấy bà, hạnh phúc ngập tràn rồi quên mất tôi đã là một cô giáo (đã lớn rồi) và cũng quên mất những ánh mắt ngạc nhiên của những người đi đường. Sáng hôm sau, mẹ tôi dậy sớm mặc áo dài và bảo là sẽ cùng tôi đi xuống trường. Mặc dù phải đi đoạn đường năm cây số bằng xe Lam, rồi đi bộ một đoạn dường đất đỏ mất khoảng ba mươi phút nữa nhưng bà vẫn nở nụ cười. Đến trường mẹ tôi đến gặp thầy Hiệu Trưởng nói chuyện gửi gắm, giống như phụ huynh gởi con đi học, rồi về ngồi cuối lớp( dự giờ con gái) suốt một buổi sáng hôm ấy, học sinh tôi lúc đầu thấy là lạ nhưng rồi lát sau chúng cũng quen dần. Mẹ tôi chu đáo thế đấy, bà muốn tận mắt nhìn thấy nơi tôi đến dạy mới yên lòng.                      
                 Thương mẹ tôi nhất là sau ngày ba tôi mất, lúc này các anh chị em tôi đã có gia đình ra ở riêng, mẹ tôi chỉ ở một mình, căn nhà rộng rãi, đông vui ngày nào giờ lại trở nên trống vắng, thế là tôi về ở với mẹ cho vui cửa, vui nhà và hôm sớm với bà. Có hôm đi dạy về thấy bà mái tóc bạc phơ mang kính, ngồi chẻ mía cho các cháu hình ảnh ấy in đậm mãi trong tôi, thương con lo cho con rồi giờ đến cháu. Tuy nhiên  cũng có lúc mẹ tôi quặn đau với những nổi buồn ập đến, khi chị kề tôi mất, chị tôi mất vì bệnh lúc mới chỉ hơn bốn mươi tuổi, lúc này mẹ tôi bị bệnh huyết áp cao nên không thể cho mẹ tôi biết hung tin ngay liền được mà phải đợi ma chay cho chị tôi xong và lựa lúc để nói, lúc nghe tin dữ mẹ tôi im lặng lát sau bà nói: “Trời Sao không để mẹ chết thế thay con vì mẹ già rồi, con còn trẻ  sống mà nuôi các con cho đến nơi đến chốn”. Tôi lặng đi sau câu nói ấy, cứ thế mẹ tôi ngồi im trong bóng tối và những giọt nước mắt lăn dài trên má. Thương con bà đau buồn trong im lặng, để rồi sau đó mẹ tôi lại bị ốm nặng không ngồi dậy được. Thương mẹ tôi chỉ muốn làm những điều tốt nhất, hay ho nhất để mẹ tôi vui là mãn nguyện lắm rồi .
                   Hai cô con gái tôi quí bà ngoại lắm, cho dù đến nay mẹ tôi mất đã lâu, nhưng  mỗi khi nói về ngoại, các con tôi vẫn nhắc đến kỉ niệm về những  năm tháng sống bên bà với những lời yêu thương và trân trọng. Bây giờ mỗi khi nhớ đến mẹ tôi, tôi vẫn nhớ nhiều đến nụ cười mà theo tôi là đẹp nhất, trên khuôn mặt bà với làn da nhăn nheo. Tôi cũng không thể có lời nào để nói hết hoặc diễn tả hết, hình ảnh mẹ tôi với nụ cười đã thấm đẫm vào tâm hồn tôi .
                     …  Ước gì và ước gì có một khoảnh khắc nào đó, thời  gian quay ngược trở lại để tôi biến thành cô bé ngày xưa ấy có mẹ ở bên cạnh… Được âu yếm nép đầu vào lòng mẹ, mẹ tôi nở nụ cười trên môi, tôi sẽ nũng nịu nói với mẹ rằng: Mẹ ơi! Con thương mẹ nhất trên đời !!!
                                  Giang Lam k10

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Tin Buồn

Chiều nay, 28/8/2012, Ban Liên lạc SPQN Sài Gòn thay mặt quí Thầy Cô và Cựu giáo sinh SPQN đã đến viếng tang bà Bùi Thị Thúy Hồng là hiền thê của thầy Đặng Văn Tháo vừa mới từ trần tại nhà riêng, số I 1, đường Châu Thới, phường 15, quận 10.
BBT SPQN xin chia buồn cùng thầy Đặng Văn Tháo và gia đình; cầu chúc cho hương hồn của bà  Bùi Thị Thúy Hồng được siêu thoát và sớm an nghỉ trong cõi Niết Bàn.


Chiều ơi , nhớ Mẹ ! - Thơ - Lại Giang


Hoàng hôn nhẹ gió sang mùa
Vi vu gió thổi bên bờ quanh hiu
Giọt buồn như lắng nghe chiều
Chiều thương, chiều nhớ Mẹ yêu vô cùng
Nhớ về những sáng mùa xuân
Những đêm mùa hạ, những mừng thu, đông
Nhớ lời Mẹ dạy ân cần
Hiếu, trung, hạnh, nghĩa nên thân làm người
Nhớ sao những lúc Mẹ cười
Nhìn đàn con trẻ vui vầy bên nhau
Anh em nhường nhịn trước sau
Bánh ngon của Mẹ sau ngày chợ phiên
Đông con cũng lắm ưu phiền
Mẹ toan tính giỏi truân chuyên của đời
Nợ cơm, nợ áo ôi thôi
Nợ đôi mắt nhỏ đua đòi trẻ thơ
Thương chồng quảy gánh đôi bờ
Thương con Mẹ hát ầu ơ ví dầu
Dạy con nghĩa nặng, tình sâu
Dạy con Việt sử qua câu bài chòi
Tuổi thơ quấn quít Mẹ thôi
Kề bên gối Mẹ theo lời hát say
Mẹ cười ru  gió heo may
Ru đời mật ngọt, ru hồn chơi vơi
Nhưng mà nhớ nhé con ơi
Trời cho chỉ để làm đời con vui
Mai sau sẽ lắm ngọt bùi
Lời ca giọng hát sẽ nguôi tấc lòng
Đời người bến đục bến trong
Bến nào cũng giữ một lòng sắt son
Cuộc đời Mẹ cũng vuông tròn
Bên Ba, Mẹ dạy đàn con nên người .
                         LẠI GIANG

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Thơ - Trần Quốc Dõng


Gửi em
(Người tôi yêu Khóa 12)

Đêm nay ngồi đọc bài thơ
Của em “Hoa cúc”* bỗng mờ đôi mi.
       Phải chăng nhớ tuổi xuân thì,
Phải chăng nhớ lại những gì trao nhau…
Đã hai thứ tóc trên đầu,
              Còn ngồi luyến nhớ những ngày rong chơi:
                      Cùng em ngắm cánh chim trời,
Lắng nghe sóng biển ngoài khơi vỗ bờ…
       Tiếng sóng vỗ tự bao giờ,
Nghe như than thở đợi chờ dáng ai…
       Dường như sắp hết đêm dài,
Sao không ngủ được vì ai hỡi người.
       Phải chăng tại cánh chim trời,
Phải chăng “Hoa cúc” đã rơi mất rồi…
       Thôi thì thôi, thế đành thôi,
Thời vàng son đã qua rồi còn đâu.
       Những gì thuở ấy trao nhau,
Hãy cùng giữ lấy, kiếp sau lai hồi.

* Tên  bài thơ của Xuân Quỳnh mà "người ấy" chép tặng
                      Trần Quốc Dõng 6/11


Như thuở ban đầu

Mỗi lần anh về quê
Ngang qua trường em dạy
Anh như người thuở ấy
Lòng xao xuyến bồi hồi.

Nhớ lại thuở thiếu thời
Đôi ta cùng sánh bước
Với bao lời hẹn ước
Trong ánh mắt tròn xoe.
Những chiều nắng vàng hoe
Cùng ngồi trên bãi cát
Lắng nghe lời biển hát
Bài ca của muôn đời.
Tiếng hát tự xa khơi
Vỗ về bờ cát trắng
Xua tan từng hạt nắng
Mờ dần bóng hình em…

Muốn ghé vào thăm em
Cho vơi đi nỗi nhớ…
Nhưng vẫn còn bỡ ngỡ
Như cái thuở ban đầu…

              Trần Quốc Dõng 6/11

      
      

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...