Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Viết Ngắn - BUỒN VUI NỘI TRÚ


Năm ấy, nội trú mới vừa xong, chúng tôi được hân hạnh ở trước. Phòng ốc thật khang trang, giường tầng bằng gỗ khá cao.  Cô bạn H.A, một đêm đang ngủ rớt cái bịch... ôm  vai khóc mếu, lũ chúng tôi chẳng dám cười to, hôm sau thấy xuất hiện một hàng dây kẽm giăng ngang giường, mọi người tha hồ chọc ghẹo. Thầy Hiệu trưởng thỉnh thoảng đi thăm nội trú thấy lạ đã thắc mắc... khi biết sự thật, Thầy cười bảo tôi tưởng Cu Tí, cu Hải nhà tôi còn bé mới phải làm thế chứ....
Tháng 7, nội trú vắng hoe, chỉ còn các lớp nhị niên ở lại lo thi tốt nghiệp. 9 giờ tối đèn đã tắt, chúng tôi phải dùng nến hoặc đèn dầu học khuya... Đêm khuya thanh vắng, chợt có tiếng rao lạ tai " tiểu đây, tiểu nóng dòn đây.... ", mở cửa nhìn sang dãy lầu đối diện, một nhóm năm bảy bạn dắt díu nhau  trong ánh nến chập chờn đi về  phía nhà vệ sinh ở  góc mỗi lầu, mỗi lần rao xong lại có tiếng cười khúc khích... một cánh cửa mở ra, lại có thêm một hai bạn nhập bọn... thì ra bà con sợ ma... Nhắc đến ma, phòng tôi đã đùa  phòng bên cạnh một vố thật vui, chả là các bạn hàng xóm hay đi chơi khuya, chúng tôi trèo qua tráo đổi hết cả chăn màn của mọi người... khuya lắm họ mới về, lục đục một hồi rồi la toáng lên trời ơi, không phải màn của tao, ủa sao cái gối này lạ quá... rồi tông cửa chạy hết ra ngoài... đêm ấy các bạn đi - ngủ - nhờ, còn chúng tôi im thin thít, nhét gối vào miệng để nén tiếng cười... 
 Mấy chục năm rồi tôi vẫn nhớ trò đùa và tiếng rao khuya hồi ấy... Kể lại kỷ niệm này để... may ra các nhân vật ngày ấy biết  mà liên lạc được với nhau thì thật là hạnh phúc.

Kynguyen - khóa 7

Trường Xưa - Thơ - Đặng Nam Phương


Trường Xưa  

Tôi về thăm lại trường sư phạm  
Đây mái trường xưa đã đổi tên
Đây lầu nội trú đứng chênh vênh 
Đây lối đi xưa người đâu nhỉ?

Tôi về thăm lại trường sư phạm 
Bùi ngùi đứng tựa hành lang vắng
 Bâng khuâng nhớ lại chuổi ngày thơ 
Áo trắng tung tăng giữa sân trường. 

Tôi về thăm lại trường sư phạm 
Nếp mình bên gốc phượng rưng rưng
Phượng đỏ ve rang trường vắng lặng 
Ai quay dùm lại bánh thời gian.

Đặng Nam Phương  K7  SPQN

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Thơ Áo Trắng - Thy Trang


                       
                       Tặng các sinh viên ĐH Qui Nhơn và cựu Giáo sinh SPQN


Sáng ấy mưa bay nhẹ cổng trường
Mưa về trắng áo thoảng hơi sương
Tóc mây trong gió bay nhè nhẹ
Ai hát nhau nghe khúc tựu trường ?

Bữa ấy mưa bay một góc vườn
Mây về trắng áo biển chiều vương
Lá rơi đan kín mùa thi sĩ
Áo trắng tinh mơ  trắng cổng trường

                         Thy Trang ( Võ Thị Đào )
                         Khóa XI-SPQN
                         SĐT: 0935039380
                         Gmail: vothidaotrang@gmail.com


Chào các bạn SPQN…!
Chào các bạn lớp 2 khóa XI……!

Lâu lắm rồi mình mới trở lại khu vườn xưa cũ!
Muộn màng phải không các bạn…?
Có phải như lời Trịnh Công Sơn đã hát trong bản tình ca …..
“ Sau cơn đau dài, thì tình như trút nắng. Sau cơn đau lên đầy thì tình đã mênh mông. Một người về đỉnh cao. Một người về vực sâu, để cuộc tình chìm mau như bóng chim cuối đèo…”
Gần hai tháng trời ốm nặng, thân thể hao gầy, tinh thần suy sụp, sót đau hụt hẩng.
Đôi lúc chạnh lòng đưa tay réo gọi bạn bè cầu mong một lời an ủi, chở che. Nhưng tất cả đều thinh lặng.
Đôi lúc lại tự phong tỏa mình như một hàng rào khép kín, âm u….Và những lúc bị người đời ngẫu nhiên cô lập…
Nhưng thôi! Bây giờ mọi chuyện đã qua rồi, mình tự vươn vai đứng dậy và chia sẻ cùng các bạn đây.
Hạ sắp về gần bốn mươi năm lưu lạc, trôi dạt khắp nơi, tình cờ về lại ngôi truờng xưa cũ. Ngày 12/5/2012, có phải là ngày định mệnh cho buổi tao phùng không hẹn trước cũng giống như “ Đêm mãn khóa” rồi phải ra đi. Rời trường, chia tay bạn bè, chia tay “người ấy”…Hình ảnh khuông viên, ghế đá ngày nào với câu chuyên “ Lửa tàn” của thầy Hiệu trửơng như vẫn còn hiển hiện nơi đây.
Bên khóm trúc xinh và nhành hoa sứ ngọt ngào mùi hương kỷ niệm. Các ái hữu từ mọi nơi đổ về hân hoan như đàn bướm lượn. Xúc động nhất là trong buổi giao lưu lại được nghe hát lại bài  “ Trường cũ tình xưa”.
Nhặt cành hoa sứ trên tay, mình trân trọng phút giây này.
Riêng hình bóng một người thì không hề xuất hiện. Mình đột nhiên xao xuyến, bối rối,….
Hoa sứ trường xưa cứ nở bung
Người xưa sao vắng khúc tương phùng

                 Thy Trang ( Võ Thị Đào )
                   Lớp 2 khóa XI SPQN
                   SĐT: 0935039380
                   Gmail: vodaothitrang@gmail.com

THƯ MỜI HỌP MẶT

K9 SPQN HỌP M ẶT KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY RA TRƯỜNG
(1972 – 2012)

             Ban đại diện Khóa 9 SPQN tại thành phố Hồ Chí Minh trân trọng kính mời quý   Thầy Cô, bạn hữu và các anh chị cùng khóa về tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày ra trường (1972-2012) vào chiều thứ bảy ngày 17 tháng 11 năm 2012 (nhằm ngày 04 tháng 10 năm Nhâm Thìn) tại quán Café Hương Cát số 51 Trần Bình Trọng Phường 05, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại: (08. 3885 7679)

                                                     NỘI DUNG
                     15h00 - 16h30    :   Tập trung, giao lưu, chụp hình lưu niệm.
                     16h30 - 19h00    :    Khai mạc: Ban đại diện K9 ngỏ lời chào và thông qua chương trình buổi lễ. Ôn lại ký ức K9… 40 năm qua.
                    1/ Giới thiệu thành phần tham dự, tặng hoa thầy cô.
                    2/ Phát biểu của đại diện CGS các tỉnh về tham dự.
                    3/ Phương hướng sinh hoạt của K9 (giao lưu, tương tế, gây dựng quỹ, họp mặt hàng năm…)
                    4/ Phát biểu của quý thầy cô.
                    5/ Liên hoan văn nghệ, bốc số trúng quà lưu niệm.
                    6/ Trình diện BLL và phương hướng cho lần họp tiếp theo.
                    7/ Dây thân ái… tạm biệt… hẹn ngày họp mặt năm tới…

(Ban đại diện K9 sẽ có thư mời đến quý thầy cô, bạn hữu và các anh chị K9 với ước mong có một lần họp mặt thật đông đủ… đề nghị quý anh chị chia sẻ thông báo này với các bạn cùng khóa).

Rất mong sự tham dự đông đủ của quý thầy cô, bạn hữu và các anh chị cgs K9 SPQN.

Ban tổ chức trân trọng kính mời.
                                                                    TM Ban tổ chức.
                                                                 - Nguyễn Tấn Đông
                                                                 - Đặng Lê Binh
                                                                 - Lê Bích Tuyền
-----------------------------------------------------------------------------------------
        Mọi chi tiết xin liên lạc với các anh chị sau đây:
 1- Anh Nguyễn Tấn Đông,  Phone: 0903327583, Email: dongtam4452@yahoo.com
 2- Anh Đặng Lê Binh       ,  Phone: 0907296539, Email: danglebinh51@gmail.com
 3- Chị Lê Bích Tuyền       ,  Phone: 0913677294, Email: haituyen1974@gmail.com   
                      …… ( Phí sinh hoạt: 150.000đ )              

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Quà tặng của Admin

Khi nhớ về những buổi chiều mưa kỷ niệm... bạn gái mình đã hát và gởi cho mình bài hát này... nghe thương quá đi!!!
Hôm nay cuối tuần, Admin xin gởi đến các bạn để cùng chia xẻ...
Thân ái!
Admin SPQN
(Viết thêm: Riêng tặng cho các bạn Nhị 2 - K 11 nhé!)

BÓNG CỘI CÂY GIÀ


 Bài thơ làm từ năm 2006, hôm nay xin đăng lại như một nén nhang để tưởng nhớ về một đời ghe bầu của Ba ( trước 1954) và lòng ngưỡng phục, biết ơn của con về người cha suốt đời tận tụy vì con cái. Ba ra đi nhẹ nhàng ở tuổi đời 97 vào năm 2011 trong sự tiếc thương của người vợ hiền đã gắn bó hơn 80 năm tình nghĩa cùng đàn con, cháu nội, ngoại.

Ba như bóng cội cây già
Chở che, dạy bảo : thật thà, thẳng ngay
Biển trời nào dễ đổi thay
Sinh thành dưỡng dục biết ngày nào nguôi
Chưa xa mà đã ngậm ngùi
Tuổi Ba già yếu bồi hồi lòng con
Dẫu rằng Ba đấy vẫn còn
Nhưng con cách trở nước non xa vời
Nhớ xưa Ba đã một thời
Đông, tây,nam, bắc biển khơi vẫy vùng
Trên ngàn con sóng muôn trùng
Vững tay lèo lái mịt mùng xa khơi
Thuyền buồm rẽ sóng chơi vơi
Ba lênh đênh kiếp nay mơi ghe bầu
Bán buôn xuôi ngược nơi đâu
Vợ hiền xa cách vẫn câu chung tình
Ba về sau chuyến hải trình
Lụa là gấm vóc cho người vợ yêu
Con thơ thì được Ba chìu
Đồ chơi, bánh kẹo thật nhiều lạ hay
Ba luôn dạy bảo điều ngay
Sống cho xứng đáng, có ngày vinh hoa
Bán buôn thì phải thật thà
Trời cho sẽ được nguy nga sang giàu
Cuộc đời có lúc buồn đau
Có khi tay trắng có nhau nụ cười
Bán buôn toan tính lỗ lời
Thợ thuyền Ba chẳng một lời kêu la
Mai sau dù có chia xa
Ba là bóng cội cây già đời con.

                    LẠI GIANG

CÔ GIÁO SINH NHO NHỎ



Năm sáu tám tôi vào sư phạm
Tóc còn thắt bím mặt ngây thơ
Ai cũng nhìn tôi...ai cũng ngó
Thẹn thùng bẽn lẽn dị làm sao.   

    Mùa tựu trường năm 1968. Tôi đã trúng tuyển vào trường sư phạm Qui Nhơn khóa bảy <1968-1970>. Tôi rất vui mừng, rất hãnh diện vì thuở đó miền Trung và Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam chi có một trường sư phạm ni thôi. Muốn dự thi phải có bằng Tú tài và qua một kỳ thi tuyển. Tôi nhớ hôm thi vấn đáp, vị giám khảo thứ ba hỏi tôi:
-Tại sao em muốn làm cô giáo?
- Đạ thưa thầy.  Em muốn làm cô giáo tại vì em rất yêu thích  và thương  mến các em học sinh.
Tôi thấy ba vị giám khảo nhìn tôi cười.  Linh tính cho tôi biết.  Tôi đậu rồi.

 Mẹ tôi đón tôi ngoài cổng trường thi. Tôi hớn hở khoe với mẹ.
-Mẹ ơi...! Con đậu chắc rồi mẹ à.
Mẹ cười xoa đầu tôi.
- Con nhỏ ni...!

    Kỳ tuyễn sinh này. Thí sinh dự thi rất đông.  Nhưng đậu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi đã đem vinh dự cho gia đình tôi. Nhất là cho mẹ của tôi. Măt tôi tươi sáng bao nhiêu thì măt me tôi càng vui càng rạng rở hơn. Mẹ tôi dắt tôi đi phố Đà Nẵng. Mẹ mua thưởng cho tôi cái đồng hồ đeo tay nạm vàng mười tám thật tốt, thật đẹp cùng với áo quần vở bút, vali để đi học. Tôi vừa đi vừa nhảy. Mẹ mắng yêu tôi.

- Con là nữ giáo sinh sư phạm rồi đó.  Con gái nên dịu dàng, thùy mị nghe con.
- Dạ thưa mẹ con nghe rồi. 
Nhưng thật tình tôi chỉ muốn chạy u về nhà để ngắm  nghía, để mân mê những món quà mẹ mới mua cho tôi.

    Rồi cũng đến ngày nhập học.  Lúc ở phi trường Đà Nẵng chờ máy bay đi Qui Nhơn.  Tôi thấy mấy chị cùng khóa bảy với tôi chị nào cũng nức nở, sụt sùi, đầm đìa nước mắt.  Tôi tự hỏi? 
- Được đi học sư phạm. Được ở nội trú. Trong túi rủng rỉnh tiền. Vui quá đi thôi...! Tại răng mấy chị ni buồn chi dữ rứa hé...? 

Nhưng khi tôi bước lên máy bay. Không còn mẹ bên mình nữa, tôi cảm thấy lo lo.  Lần đầu tiên tôi rời nhà đi học xa.  Trường sư phạm, thầy cô bạn bè, nội trú.  Tất cả đều mới mẻ, đều xa lạ đối với tôi.  Trí tưởng tôi đang phiêu lưu. Bỗng loa phóng thanh vang vang.
 - Máy bay sắp hạ cánh xuống phi trường Qui Nhơn.  Yêu cầu hành khách cài dây an toàn và giữ trật tự.

 Tôi tựa lưng vào ghế nhìn ra ngoài khung cứa sổ máy bay. Những áng mây trắng nối gót trôi qua. Bầu trời trong xanh.  Người tôi bồng bềnh.  Thành phố Qui Nhơn từ từ hiện rỏ trong tầm mắt tôi.  Rồi phi trường.  Chiều đã về trên phố thị Qui Nhơn. Chúng tôi đón xe lam vô trường sư phạm.   Sân trường đầy tiếng chim hót líu lo. Chú thì đậu trên cành hoa sứ.  Chú thì đong đưa trên các cành dương.  Nhiều chú chim giương mắt nhìn tôi hình như đang thầm hỏi. 
 - Này cô giáo sinh nho nhỏ kia.  Cô từ đâu đến vậy hở cô?

    Chao ôi...! lòng tôi thật háo hức, thật hồ hởi... Sau khi làm thủ tục giấy tờ.  Nhóm giáo sinh Đà Nẵng chúng tôi được xếp vào phòng sáu lầu ba nội trú.  Khi tôi rụt rè xách vali bước vào phòng.  Các chị ai ai cũng trố mắt nhìn tôi

. - Ồ...! Ồ...! một cô  bé.
 Nhiều tiếng xì xào.
-Răng nó nhỏ quá vậy...! Trời...!

Tôi luống cuống. Mặt nóng ran. Tôi quýnh quáng chưa biết làm chi thì vài chị chạy đến.  Chì thì xách vali.  Chị nắm tay chỉ giường cho tôi.  Nhiều cái đầu chụm tới bên tôi. 
- Nè...! Nè..! Nhỏ tên là chi? 
Hàng chục cái miệng xinh xinh chi choé. 
 - Trông con bé thật ngộ nghĩnh, thật đáng yêu.

 Mỗi người một câu.  Tôi chẵng biết trả lời ai.  Tôi ấp a, ấm úng vừa vui vừa then.   Chừng khoảng nữa giờ sau là tôi biết hết tên mấy chị nhất niên và nhị niên trong phòng.  Các chị nói đủ thứ giọng của các miền đất nước.  Chị nào chị nấy ai ai cũng xinh xắn, nhu mì.  Cạnh giường tôi là giường Phạm Hoa Khôi Đà Nẵng.  Tầng trên là Phạm Hương Bình Nha Trang.  Hai nàng họ phạm ni rất ư là... trìu mến tôi.

    Khóa bảy của tôi có tất cả mười lớp.  Năm lớp nam và năm lớp nữ.  Tôi vào lớp nhất niên bốn.  Lớp tôi học toàn những gương mặt lạ.  Khi thấy tôi cả lớp nhao nhao, xầm xì.  Tôi lại một phen luýnh quýnh.  Từ giây phút này trở đi.  Tôi từng bước hòa nhập vào lề lối mô phạm của trường và nếp sống tập thể ở nội trú.  Trường tôi học vừa đẹp vừa uy nghi với lối kiến trúc tân thời, hiện đại.  Trường tọa lạc trên một khu viên rộng lớn.  Cổng trường cao, oai nghiêm với hàng chữ Trường Sư Phạm đậm nét gồm có một cửa chính và hai cửa phụ bằng song sắt rất trang nhã.  Trước mặt trường là biển xanh bát ngát.  Sau lưng trường là núi đồi hùng vĩ.  Bên cạnh là trường kỹ thuật cách nhau bởi những hàng dương xanh ngắt.  Xa xa là Ghềnh Ráng mây trời nước biếc.  Đi vô cổng trường nhìn lên hành lang rộng và dài.  Nối liền dãy lầu lớp học với lầu nội trú và hội trường. Cũng có một hàng chữ Trường Sư Phạm thật to.  Phía ngoài hành lang là sân trường rộng.  Cát vàng đậm.  Có nhiều bụi hoa, cây cảnh.  Giữa sân là trụ cờ cao ngạo nghễ với lá Quốc Kỳ tung bay phất phới.  Bên trong hành lang là một công viên nho nhỏ có hoa sứ, hoa giấy, hoa cảnh quyện vào nhau trông thật nên thơ, u nhã.  Bên phải là nhà ông cố vấn Mỹ.  Nhà như đẹp hơn với giàn hoa giấy phất phơ trong gió.  Một con đường nhỏ tráng xí măng từ cổng phụ chạy thẵng và cong quẹo vào hội trường.  Phía bên trái là dãy lầu lớp học và văn phòng.  Phòng học thoáng rộng với nhiều ô cữa sổ xinh xinh.  Hội trường vừa làm phòng ăn cho giáo sinh, vừa làm sân khấu cho những ngày lễ lớn. như lễ Giáng Sinh, lễ Ra Trường.... Từ dãy lầu lớp học đều có hành lang dẫn thẳng đến lầu nội trú và hội trường.  Năm 1968 tôi ở nội trú củ.  Đầu năm 1970 tôi ở nội trú mới rất đồ sộ rất tiện nghi.

    Trường sư phạm đối với tôi là một giấc mơ tuyệt vời.   Là mục tiêu mà tôi phải đạt tới.  Là thử thách mà tôi phải vượt qua.  Một tuần sau ngày nhập học là tôi đã biết sơ qua giáo trình học nhất niên.  Tôi thật may mắn.  Phòng 10 nội trú có một chị rất dễ thương. Lúc chị cười càng xinh đáo để.  Chị tên là Phạm Thị Minh, học lớp nhị bốn khóa sáu.  Ngày đầu tiên tôi vào nội trú là chị đã đến tìm tôi.

- Nè bé ơi...!  Bé dễ thương quá. Bé đến phòng chị chơi nha. 

Tôi thường đến phòng chị Minh vừa hàn huyên, vừa tìm hiểu học hỏi những điều tôi cần biết.  Chị đãi tôi ăn đủ thứ.  Chiều chiều ăn cơm xong.  Chị em tôi đi dạo công viên hay ra bãi biển nhìn sóng biển lô xô.  Chủ nhật cùng chị đi chợ, đi xem phim.  Tôi thấy mình tự tin và dạn dĩ hơn.  Tuy vây.  Nhưng hàng ngày đếm bước từ hành lang nội trú qua lớp học là tôi êm ẫm.

- Nè...!, nè...! BABILAC thơm quá.
- GUIGOZ ơi.... GUIGOZ ơi...! 
-Co giao sinh trẻ nhất trường sư phạm đó - Ha...Ha...! 

Tôi thấy có nhiều chị nhất niên rất trẻ, nhưng khi tôi đi lướt qua là nghe các chị xầm xì.

 - Mi nhìn kia...!  Mình đã nhỏ. Nó còn nhỏ hơn.  Cái mặt non choẹt.
 - Phải...! Nội trú nó nhỏ nhất đó. 
Nhiều anh giáo sinh thấy tôi đi qua là tiếng to tiếng nhỏ.
 - Chắc nó đậu vô trường sư phạm nhờ pít tông  "T" quá...! 
-Ôi cái mặt búng ra sữa thế kia.  Không biết ra trường em dạy ai. 

Đại khái những lời chọc ghẹo như rứa mà ngày nào tôi cũng phải nghe.  Đêm ngủ tôi giật mình thức dậy còn thấy ơn ớn.  Một hôm tôi đi học về.  Trong phòng sáu nội trú thật ồn ào.  Mấy chị giáo sinh đang bàn tán về tôi.

 -  Con Phương nỗi tiếng không phải vì nó dễ thương, mà ai cũng chắc mẫm rằng nó chưa có người yêu.  Một trăm phần trăm là em chưa biết yêu. 

Tôi nóng bừng măt.  Vội thay quần áo. Lấy ca đựng nước.  Rồi rủ Hoa Khôi đi ăn cơm.  Tôi thủ thỉ với Hoa Khôi. 
- Hoa Khôi ơi...! Răng họ giỏi đoán quá hỉ !  Răng họ biết Phương chưa yêu ai...!
Hoa Khôi bẹo má tôi. 
- Mặc kệ người ta nói.  Phương lo học đi.  Đừng bận tâm.

    Từng cơn gió lạnh mùa đông đang thổi về.  Biển động.  Những đợt sóng vỗ rì rầm.  Từ nội trú đến lớp học.  Tôi phải đi ngang qua hành lang dài lộng gió. Lạnh lắm.  Tôi đem chiếc áo len mới màu xanh dương ra diện.  Các nàng giáo sinh áo len đủ màu đẹp rực rở.  Chiều tối tôi thấy mấy chị ngồi đan áo, đan khăn quàng cổ.  Tôi đứng nhìn mà thèm thuồng.  Hồi học tiểu học, trung học trường có dạy nữ công nhưng tôi chỉ biết chút chút may thêu thôi.  Tôi bắt chước mua một cuộn len với cặp que đan về nhờ Hoa Khôi dạy đan.  Chán quá đi thôi...! Tôi thấy học chữ răng thích thú hơn học đan, móc ni....Đan kiểu của tôi khi nào mới có áo mặc.  Nên chủ nhật tôi ra phố mua một cái áo len màu đỏ.  Khi mua tôi ngắm đi ngắm lại thấy đẹp lắm.  Nhưng lúc về nội trú thì ai cũng chê hết.
- Phương khờ quá.  Len ni là len gai mặc đã nhám mà giặt còn bị xễ nữa.
- Mấy bà ni sao không dẫn nó đi mua.
- Thôi chờ chủ nhật tới.  Tụi tau dẫn mi đi đổi áo khác. 

Tôi đang ngồi tiu nghỉu, buồn xo thì Lê Thị Hồng Phi chạy đến. Hồng Phi người Nha Trang, dáng cao cao, da bánh mât, vừa có duyên vừa láu lỉnh.
- Ne..! Nè...! Đừng có buồn để Hồng Phi dẫn Phương đi đổi nha...
Tôi hỏi Hồng Phi.
- Phi ơi...! Mình phải nói chi để họ đổi áo.
- Ra tiệm rồi biết.
Đến tiệm bán áo. Hồng Phi nắm tay tôi dặn dò.
- Phương nhớ đừng hó hé mình là nữ giáo sinh nha. Rồi Hồng Phi tía lia.
- Dạ thưa cô. Cô nhìn em gái con nì. Mẹ con bảo chờ con dẫn đi mua áo. Nó lanh chanh đi mua một mình. Mẹ con không vừa ý la con quá trời.  Cô ơi cô làm ơn cho em con đổi áo khác.  Hay cô cho chúng con nhận lại tiền.   Hôm khác chúng con sẽ ghé tiệm cô mua. 
 Bà chủ tiệm nhìn Hồng Phi rồi nhìn tôi.  Bà cười tủm tỉm rồi lấy tiền trả lại cho chung tôi. 
- Các con thật ngoan.  Vài hôm nữa áo lạnh về nhiều lắm.  Các con nhớ ghé tiệm cô tha hồ chọn. 
Chúng tôi vui mừng cảm ơn rối rít. 
- Dạ cảm ơn cô.... Dạ cảm ơn cô....
Ra khỏi Tiệm Hồng Phi khều tôi. 
- Tau làm bà chị oai quá phải không?
- Ờ...Ờ...! Oai chết luôn.  
Hai đứa tôi vừa đi vừa cười khúc khích.  Về tới nội trú ai ai cũng vạn tuế Hồng Phi.  Nội trú đâu đâu cũng thân thương, cũng đầy ắp chân tình.  Chỉ mới vài tuần trăng mà tôi như khác hẵn đi, tôi đã bớt ngượng ngùng khi lên lớp thuyết trình.  Bớt quê khi ai đó chọc ghẹo tôi.  Tôi học thật tốt và ăn thật khoẻ.

    Ngày từng ngày trôi qua trong sách vở, giấy mực.  tôi vừa học hành vừa mơ mộng.  Lắm khi tôi nhìn ra ngoài cửa lớp buồn vu vơ.... Sân trường ngày hôm ấy đầy ắp nắng hồng và hương thơm hoa sứ. Tôi đang lững thững từ lớp học về nội trú, trên hành lang tôi đụng phải một đôi mắt đang nhìn tôi.  Tôi ngại ngùng bối rối.  Anh chàng giáo sinh nào đây hi?  Hình như anh ta đang cười với mình nữa.  Ôi...! Mắc cở quá đi....
- Chào Nam Phương.  Anh chàng lên tiếng. 
Tôi lính quýnh.  Răng anh ta biết tên mình nhỉ. 
-  Anh là TD học nhất niên tám.  Chủ nhật ni có phim hay lắm.  Anh mời Phương đi xem phim với anh nha. 
Anh ấy nói một hơi giọng run run.  Chắc hẳn anh ta đang hồi hộp lắm.  Tôi mở to đôi mắt ngây thơ ra nhìn anh chàng.  Anh dong dỏng cao, da ngăm ngăm, mặt dễ thương.  Đôi mắt anh thật hiền hòa.  Một cảm giác an bình.  Tôi im lặng.  Anh hỏi tiếp.
-  Phương trả lời đi....Anh đợi. 

Mặt tôi nóng bừng. Tim tôi đanh lô tô.  Nhìn vẻ thành khẩn của anh tôi nghĩ mình trả lời răng đây.  Nên nhận lời hay là từ chối. Thôi...! Mình cứ nhận lời đi.  Có một anh bạn như ri cũng tốt. 
 - Dạ được....Chủ nhật Phương sẽ đi xem phim với anh. 
Tối hôm đó. Tôi băn khoăn mãi.  Trước mắt  tôi lúc nào cũng hiện lên hình ảnh của anh chàng giáo sinh ấy.  Sáng chủ nhật nắng vàng rực rở, trời trong xanh, mây trắng lững lờ trôi.  Buổi sáng êm đềm đầy tiếng chim ríu rít.  Những hàng dương lất phất lá bay. Những cây hoa sứ hương thơm thoang thoảng.  Buổi sáng đầu tiên tôi cùng anh sánh bước trên sân trường sư phạm.  Anh nhìn tôi thật trìu mến, nhẹ nắm tay tôi và dịu dàng nói.
- Phương à...!  Hồi Trung Học anh chưa có mối tình nào hết nên anh mơ, anh ước một mối tình học trò....Anh yêu em...!
Tôi làm thinh mân mê tà áo dài trắng mà lòng xúc động lẫn hân hoan.  Anh TD hay thật đó. Anh mơ, anh yêu đúng người rồi.... 
Mấy anh giáo sinh thấy tôi dung dăng dung dẽ thường chận tôi lại và trêu chọc: 
- Nho nhỏ mà ghê quá đi....
- Phương ơi...!  Đám cưới đi một đoàn xe dài như vầy nè...Hí....Hi...Hi...!

Tôi vừa ngượng ngùng vừa thấy lòng xôn xao.  Những tình cảm đầu đồi mà anh ấy dành cho tôi là những rung động chân thành, cao quý và trong sáng.  Tôi thường hay nghì vần vơ. Tôi thấy trng học, nội trú tươi đẹp vui hơn...
   
    Xuân đến, hè về, thu đi, đông tới.  Năm tháng dần dần trôi.  Bao nhiêu thời gian là bao nhiêu sách vỡ, bao nhiêu bút mưc.   Tôi đã lên đệ nhị niên.  Rồi trải qua bao lần thực tập, bao lần thi.  Thoáng chốc hai năm học đã từ từ trôi đi với biết bao khó khăn thử thách và buồn vui.  Rồi cũng tới kỳ thi tốt nghiêp.  Ôi chao...!  Bài vở nhiều ơi là nhiều.  Tôi học hoài, học riết mà vẫn chưa xong.  Mỗi lần ôn bài tôi thường tư lự.  Thi tốt nghiệp xong, bạn bè mỗi người một ngã....Răng tôi buồn quá chừng.  Hôm lớp nhị bốn của tôi chụp hình lưu niệm.  Ai cũng buồn bả khóc sướt mướt mắt đỏ hoe.  Lòng tôi thật nghẹn ngào, xót xa.... Đệ nhất niên đã về nghĩ hè hết.  Nội trú thật vắng vẻ.  Các giáo sinh đệ nhị niên lo học thi bù đầu.  Những buổi ôn bài xong.  Tôi thường xách tập lưu bút đi vòng vòng nội trú.  Chị Đỗ Thị Oanh tặng tôi một tấm ảnh với hàng chữ đầy thân thương.
- Dáng nho nhỏ của Phương làm chị Oanh nhớ hoài....

    Thế là ngày chia tay đã tới.  Chia tay các bạn tôi về nhiệm sỡ Quảng   Ngãi.  Con đường từ nội trú dẫn ra cỗng trường cũng như ngày đầu tiên tôi đến.  Sân trường đầy tiếng chim, đầy hoa, đầy bướm, đầy nắng vàng.  Những hàng dương rủ bóng.  Những cành  hoa sứ la đà.  Tất cả vẫn y nguyên như cũ.  Chỉ có tôi đi qua là khác hẳn ngày nào.  Tôi vừa đi vừa ngoãnh lai.  Cổng trường đã khép lại sau lưng.  Lòng tôi không khỏi ngậm ngùi, bịn rịn.  Tôi vẫy tay chào giã biệt ngôi trường thân yêu, lầu nội trú với biễn xanh cát trắng núi đồi cây cỏ Qui Nhơn.  Giã biệt thời giáo sinh áo trắng cùng mối tình đầu thơ mộng của tôi....Giã biệt...!

    Tôi nhìn qua song cửa.  Những chiếc lá vàng khô rơi lác đác.  Ráng chiều đã nhuộm đỏ chân trời.  Hoàng hôn...! Lòng tôi buồn man mác.  Thời gian vùn vụt trôi đi với biết bao thăng trầm, thay đổi.  Nhưng quãng đời giáo sinh hồn nhiên đầy yêu thương, đầy hoa mộng ấy vẫn mãi mãi là nỗi nhớ trong tôi. 

Đặng Nam Phương  K7/SPQN.

NHỚ BẠN - Thơ - Ky Nguyen


( Nhớ Minh Châu và bài hát Hình ảnh người em không đợi )

 
Giai điệu bài hát cũ.
Vang giữa chợ sáng nay.
Sao bổi hổi bồi hồi.
Nhớ một thời xa lắc.
Thuở học tập làm thầy.
Cũng văn nghệ văn gừng.
Trên sân khấu Sư phạm.
Mới đó mấy mươi năm....

Nha Trang chiều nhạt nắng.

Tìm đường ghé thăm mi.
Đã biệt tăm tin tức.
Tự thuở nào... Châu ơi !!!

Nhớ hôm mi trăng mật.

Vợ chồng tao ghé thăm.
Hạnh phúc chửa bao lăm.
Rủ nhau mà đi cả...
Giờ chỉ còn mình ta.
Nhớ hoài ngày tháng cũ !!!

Mỗi lần Sư phạm họp.

Vẫn luôn nhắc đến mi.
Cô bạn miền thùy dương.
Và khung trời nội trú.
Bao kỷ niệm vui buồn.
Quy Nhơn ơi, nhớ quá.

Kynguyen - Khóa 7

CHUYỆN ĐỜI TỰ KỂ


Bảo Anh

Vào năm 1964, khi quê tôi bị mất an ninh do những cuộc giao tranh khốc liệt giữa hai bên, ba mẹ con tôi dắt díu nhau lên thành phố Pleiku tá túc nhờ nhà một người chị, con thứ ba của mẹ tôi.
      Đói nghèo, thiếu thốn, anh chị tôi cũng chẳng dư giả gì. Pleiku thời đó như một vùng bán sơn địa : cỏ tranh săn mọc lút đầu người. Những con đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo vào các buôn làng của người dân tộc buồn heo hắt. Dân sống thưa thớt, tối đến nhà nhà còn  đề phòng thú dữ đi hoang
      Suốt ngày các chị em tôi chia nhau đi mót củi và làm bánh đúc, món bánh truyền thống được làm từ bột gạo của mẹ tôi để bán ở chợ và bán dạo ở các trại lính. Một thời gian sau, anh chị tôi mở một trường tư thục do anh chị phụ trách, dạy từ lớp một đến lớp năm. Cuối năm 1967 anh rể tôi có lệnh gọi nhập ngũ, đơn vì đóng tại Nha Trang. Anh phải đưa cả gia đình anh vào trong đó. Trường lớp bấy giờ rất đông học sinh. Anh rể tôi bèn thuê một thầy giáo ( rớt tú tài ) về phụ trách các lớp thay anh chị.
        Cũng trong thời gian này, thầy giáo gợi ý mẹ tôi cho tôi đi học. Tôi xấu hổ vì tuổi tôi khá lớn (14 tuổi ) mà ngồi học chung với trẻ em thì vô cùng bất tiện nên tôi từ chối. Thầy động viên tôi và hứa kèm tôi mỗi năm ba lớp sau khi phân tích cho tôi thấy học vấn đối với con người quan trọng như thế nào. Ở quê tôi chưa hề được chính thức đến trường. Tôi chỉ được học ké với những anh em họ có cha kèm cặp. Mẹ tôi gửi gắm tôi cho họ. Sơ bộ thì tôi chưa qua hết chương trình lớp ba. Trước sự thuyết phục quá nhiệt tình của thầy, lời động viên của mẹ và tính hiếu học của mình nên tôi đồng ý
         Ngồi chung với các em nhỏ, dù tôi cố tình ngồi ở cuối lớp, cố rạp người sát xuống bàn để giảm bớt đi cái chiều cao tồng ngồng của mình, tôi vấn không sao đè nén được sự xấu hổ và mặc cảm. Rồi thời gian cũng qua. Việc học hành của tôi ngày một tiến bộ
          Khi lên cấp hai, thầy cùng mẹ tôi đi làm khai sinh và đặt tên cho tôi vì tôi vốn không có tên do cha mẹ đặt. Tôi không có đầy tháng, cũng chẳng có thôi nôi có lẽ do khổ quá. Trước ngày ba tôi lên đường tập kết ra Bắc, lúc đó tôi được sáu tháng, ba nằm võng bế tôi, Người thấy trên vách có dán tấm hình ông trượng tiên bửu, nhãn của một loại thuốc bổ và ghi dòng chữ Bồ ơi …Thế là tên tôi sau sáu tháng mới được gọi chính thức là Bồ do một phút tình cờ đầy ngẫu hứng của ba tôi !
           Thầy hướng dẫn mẹ tôi khai gian tuổi để thi tú tài theo diện thí sinh tự do. Dường như thầy đã hoạch định trước con đường đi đến tương lai của tôi. Dưới sự hướng dẫn của thầy, tôi đã làm những học bạ giả để được vào học chính thức ở trường năm lớp chín, còn gọi là đệ tứ. Ban ngày tôi học lớp chín ở trường, ban đêm tôi học thêm lớp mười. Lúc này tôi cùng một người bạn gái cũng nghèo khổ như tôi tiếp tục làm học bạ giả lớp mười để hết năm lớp chín chúng tôi sẽ vào thẳng lớp mười một ở một trường khác. Chúng tôi chọn trường tư thục Bồ Đề, là một trường của Phật giáo, kỷ luật và qui chế bớt gắt gao hơn để cho chúng tôi không bì phát hiện là học sinh học nhảy lớp
         Cũng hên cho tôi hay do số phận an bài : số là anh rể tôi vốn tốt nghiệp từ trường sư phạm Qui Nhơn khuyên tôi nên đổi hội đồng thi để tránh bị phát hiện. Tôi nghe lời và xuống thi tú tài ở hội đồng thi Qui Nhơn. Nhờ thế mà tôi được trot lọt. Bạn tôi ở lại Pleiku, hồ sơ dự thi bị phát hiện và bị hủy. Buồn tình, cô ấy đi lấy chồng và lấy chính người mình yêu ( tôi sẽ viết lại chuyện tình tuyệt đẹp của họ ở một bài viết khác )
          Trong thời gian chờ nhận bằng khi  tôi biết mình đã trúng tuyển tú tài, tôi đã chịu nhiều áp lực vì bao nhiêu lời bàn ra tán vào ở Pleiku trong đám  bạn bè ( những người biết tôi học băng ). Họ bảo bằng của tôi bị treo, không được nhận. Tôi bị dao động đến thẫn thờ.
         Đến ngày đi nhận bằng, một ô cửa nhỏ chỉ đủ đưa một  bàn tay vào nhận, mắt tôi như nhòa đi khi cầm trên tay mảnh bằng đích thực tên mình và con dấu đỏ như son không phải là mơ mà là sự thật. Tôi tần ngần đứng ở đó mà không hề cảm giác có sự xô đẩy và những lời ca cẩm của những người xung quanh đang chờ đến lượt
          Thời đó dân trí còn thấp, đậu được bằng tú tài bán phần là một việc ghê gớm đối với dân xóm tôi. Mẹ tôi như trẻ ra. Ai đến chúc mừng bà cũng cười giơ hàm răng đen hín vì thuốc nhuộm. Bà cố gắng làm một bữa tiệc để đãi mọi người gọi là ăn mừng. Niềm sung sướng vỡ òa khiến cho tôi ngủ không được một thời gian dài mà người tôi vẫn cứ khỏe mạnh. Thế mới biết niềm vui tinh thần có sức mành vô biên
         Và rồi tôi muốn học tiếp lên để thi vào trường y, nhưng do hoàn cảnh nghèo khổ và mẹ tôi chỉ còn lại mình tôi nên anh rể khuyên tôi thi vào sư phạm. Tôi miễn cưỡng bằng lòng một phần vì trường sư phạm lúc đó quá đẹp : trường xây theo hình hộp chữ nhật, có hai khu nam nữ riêng biệt. Sân trường trồng đầy hoa. Sân nội trú nữ đêm về ngập tràn mùi hoa sứ. Tôi bị sức hấp dẫn tác động, một phần nữa tôi muốn có thêm thời gian để thuyết phục mẹ tôi nên tôi thu xếp ban đêm theo học các cour ở bên ngoài để thi nốt tú tài toàn phần rồi mới thưa chuyện cùng mẹ   
          Như dự tính, năm sau tôi lấy xong bằng tú tài hai nhưng mẹ tôi cương quyết không cho tôi học tiếp
          Nhìn lại chặng đường thành công đầy nổ lực của mình, trong đó có sự dẫn dắt và là điểm tựa cho tôi là NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN
          Nhớ lại những ngày tôi đang theo học cấp hai, thầy tôi có lệnh tổng động viên. Ngày chia tay thầy nhìn tôi với cái nhìn đầy ý nghĩa. Những tháng ở quân trường của thầy cũng là những ngày tháng nhớ nhung của tôi. Tôi lần giở những gì còn lưu lại của thầy để xoa đi nỗi nhớ. Bút tích chẳng có gì ngoài những điểm số thầy cho và những lời phê đầy tính động viên qua các bài tập làm văn  của tôi. Tuổi học trò với những rung động đầu đời chưa thể gọi là tình yêu, với riêng tôi nó còn thấp thoáng lòng biết ơn và trìu mến
           Rồi một ngày thật bất ngờ tôi nhận được bức hình của thầy gửi về từ chiến trường trong trang phục nhà binh, tay cầm súng ở tư thế đứng gác. Vẻ khắc khổ già nua hằn rõ trên nét mặt. Tôi thật sự bị sốc. Đâu rồi một thầy giáo phong thái lịch lãm, trắng trẻo đẹp trai…và tôi bắt đầu lảng tránh thầy từ đó  
           Giờ đây, tuy đã trải qua nhiều cuộc bể dâu nhưng những hồi ức đó luôn sống mãi trong tôi. Tôi liên tưởng đến NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN của T. Aimatov trong NÚI ĐỒI VÀ THẢO NGUYÊN thấp thoáng đâu đó có bóng dáng câu chuyện của mình, có khác chăng là hai cây bạch đàn và chức viền  sĩ của người học trò mà thôi 
           Tôi đã rời khỏi ngành giáo dục từ thời bao cấp nhưng hình ảnh của thầy vẫn theo tôi suốt  cuộc hành trình cho đến khi về cõi vĩnh hằng. Tôi luôn nghĩ về thầy với lòng biết ơn không bờ bến ! HỒNG LOAN KIM PHƯỢNG đó là bút danh của thầy. Ở nơi nào đó nếu thầy còn sống và đọc được những dòng này thay cho lòng biết ơn của tôi
                 
                    TP HCM ngày 5-9-2012                
                                        Bảo Anh

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...