Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Tin Buồn

Chúng tôi vừa nhận tin buồn cụ bà Lê Thị Ngoan sinh năm 1919 là thân mẫu của anh Trần Đức Lộc (CGS SPQN - K5) vừa từ trần tại Sài Gòn lúc 14 giờ ngày 11/10/2012. Linh cửu hiện quàn tại tư gia. 
Lễ động quan lúc 8:00 giờ ngày 14 tháng 10/2012, sau đó Di quan đến Đài Hóa Thân Bình Hưng Hòa.

BLL SPQN và BBT trang SPQN xin chân thành chia buồn đến anh Trần Đức Lộc cùng toàn thể tang quyến; nguyện cầu cho hương hồn Cụ Bà sớm được siêu thoát và an nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng.

Ban Liên Lạc CGS SPQN
B. Biên Tập trang SPQN

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Đôi Mắt Pleiku. (nhạc Nguyễn Cường)

 
em đẹp thế Pleiku ơi
trái tim tôi muốn vỡ tan rồi
không dám nhìn vào đôi mắt ấy
đôi mắt Pleiku biển hồ đầy

có hàng thông xanh trong đôi mắt em
có dòng Sê San trong đôi mắt em
có hương rượu cần say men say men
có ngọn lửa nào đang nhen chơi vơi

em đẹp thế Pleiku ơi
trái tim tôi muốn vỡ tan rồi
không dám nhìn vào đôi mắt ấy
đôi mắt Pleiku biển hồ đầy

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

MỘT THỜI NGHỊCH NGỢM.

-->
                 ( Tặng nhóm bạn vui tính  ngày ấy )

     Nội trú hồi đó lâu lâu lại  " cấm trại ", có nghĩa là không ai được ra khỏi trường, thế là hết xi nê, hết hẹn hò bát phố... Những hôm ấy sân trường lại dập dìu tài tử đến thăm giai nhân. Thôi thì đủ mọi sắc áo binh chủng... hải, lục, không quân. Sau này một anh bạn cũ đã trách khéo các cô hồi ấy chỉ mơ " hoa mai "  thôi, có mấy ai chịu " cộng chỉ số ", nam sinh Sư Phạm ngày ấy đành lép vế...
      Chúng tôi mới vào năm thứ nhất, còn khờ khạo, ngây thơ lắm. Nhìn cảnh các chị có người đến thăm cũng thấy buồn buồn, tủi tủi, bèn rủ nhau bày trò nghịch cho đỡ... cô đơn. Thế là cả bọn kéo ra đứng ở đầu hành lang lầu 3, gọi ơi ới xuống sân, lại còn đưa tay ngoắc ngoắc nữa chứ. Một tốp 3, 4 anh chàng xông lên ...  chúng tôi cuống cuồng chạy trốn. Phòng ở hồi ấy là lớp học dùng tạm, toàn cửa kính, cả bọn chui xuống gầm giường, chỗ cạnh cửa ra vào, nơi ấy có một khoảng tường thấp, nằm đè lên nhau, run rẩy, nín thở theo dõi từng bước chân đi lại ngoài hành lang, có cả tiếng đẩy cửa, tiếng nói, tiếng cười....Đợi mãi, đến khi tất cả đều im ắng, cả lũ mới lò dò chui ra. Mặt đứa nào cũng đỏ bừng, tóc tai lòa xòa, mồ hôi,mồ kê nhễ nhại....Chúng tôi nhìn nhau...  ôm bụng cười lăn lộn ,chảy cả nước mắt... Liều thật, các chị giám thị mà biết được chắc bị đuổi học hết. Không biết mai kia thành cô giáo có chừa được cái tính nghịch ngợm này?

Kynguyen

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

THƯƠNG TÌNH CA.


                           Irene.

         Tiếng đàn guitar, tiếng hát của thằng cháu dìu dặt vang lên trong đêm :
         Dìu nhau đi trên phố vắng. Dìu nhau đi trong ánh sáng. Dắt hồn về giấc mơ vảng. Nhẹ nhàng dìu nhau đi chung một niềm thương… ( Thương Tình Ca – Phạm Duy )
         Lòng tôi như lắng đọng. Thật kỳ lạ! Cứ mỗi lần nghe giai điệu của bài hát này, tôi lại nhớ quay quắt đến những con người, đến những con đường thân quen ở Qui Nhơn : Gia Long, Võ Tánh, Phan Bội Châu, Cường Để, Tăng Bạt Hổ, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn…  vào những thập niên sáu mươi, bảy mươi và rồi hình ảnh chị tôi lại hiện rõ trong tôi.
         Chị tôi hơn tôi năm tuổi. Trong ba chị em kề nhau, chị là người nhỏ con nhất. Dáng người chị mảnh khảnh, thướt tha trong chiếc áo dài trắng. Chị đi nhẹ nhàng, uyển chuyển. Khi chị cất tiếng hát, đôi mắt của chị sáng long lanh thả hồn theo giai điệu làm cho giọng hát trở nên sâu lắng, mượt mà và lôi cuốn.

Cô ơi! Chính cô…


 Giang Lam
      
Buổi sáng đến trường, tôi dắt chiếc xe đạp vào cổng và mang đến dựng bên hông hội trường rồi khóa cẩn thận vì nhà trường không có nhà để xe. Tôi băng qua một cái sân rộng trước mặt, bước lên những bậc tam cấp đi vào lớp. Không đợi tôi bước vào lớp. Ba, bốn học sinh đã tíu tít giành nhau cùng nói với cô giáo của mình,  chừng như sợ bạn nói mất điều mà mình cũng biết:
        - Cô ơi! Cô Hiệu Trưởng nói: Mời cô lên văn phòng họp.
          Thói quen của tôi là lúc nào cũng đến lớp sớm quan sát, nhắc nhở các em những công việc của lớp để kịp giờ học. Mặc dù, nhà cũng ở gần chỉ cần đi bộ mười phút là đến trường, nhưng lúc nào tôi cũng trừ hao cho mình đến ba mươi phút.
          Sau khi bước vào lớp nhắc nhở các em một số công việc đầu buổi học, tôi đến phòng Hội Đồng Giáo Viên để tham dự buổi họp.
          Trong phòng lúc này đã có một số thầy, cô cũng đến sớm. Ngồi được một lát thì tiếng trống báo hiệu giờ học vang lên và buổi họp bắt đầu. Cô Hiệu Trưởng phổ biến nội dung buổi họp:
“ Sáng nay hai tiết đầu học sinh hai khối lớp Bốn và Năm được nghỉ học, giáo viên hai khối đưa các em lên đường lê Hồng Phong (Võ Tánh cũ) làm hàng rào danh dự để tiễn đoàn của Văn Phòng Thủ Tướng Chính Phủ về thăm tỉnh ta đã mấy hôm rồi bây giờ trở về lại Hà Nội. Thôi! Các thầy, cô về lớp và đưa học sinh đến địa điểm cho kịp giờ”.
            Rời phòng họp, tôi trở về lớp mang theo nội dung vừa họp truyền lại cho học sinh. Nghe xong, các em vỗ tay rần rần làm tôi cũng buồn cười nhưng kịp chấn chỉnh học sinh ngay vì đừng làm ồn để các lớp chung quanh học. Tôi còn nhớ, ngày tôi đi học cũng vậy, dù đã lớn chúng tôi cũng từng bị Soeur Giám Thị nhắc nhở là khi nghe được nghỉ học hai tiết môn Triết vì thầy Nguyễn Mộng Giác bị ốm, tôi và cả lớp cũng vỗ tay rào rào như thế. Học sinh mà, cứ nghe nghỉ học là vui chứ không còn biết đến chuyện ốm đau của thầy cô giáo.
            Ngôi trường mà tôi đang dạy là trường Mai Xuân Thưởng. Trường nằm trên đường Nguyễn trãi, được xây trên nền cao ráo với các bậc tam cấp bước lên những dãy hành lang dẫn vào các phòng học, từ cổng chính đi vào đó là một dãy lầu, hai dãy hai bên là nhà trệt tất cả tạo thành hình chữ u, quay mặt ra hướng Nam đón ngọn gió nồm từ biển thổi vào hàng ngày quạt mát cho cô, trò chúng tôi suốt trong những buổi học, chứ thời ấy làm gì lớp học có quạt máy. Quanh năm chỉ nhờ ngọn gió trời này. Trong sân trường trồng rất nhiều loại cây: ngay trước văn phòng hai cây phượng được trồng hai bên, mùa hè hoa nở đỏ rực và những chú ve tha hồ hát hò râm ran báo hiệu mùa thi đến. Cũng là lúc cô, trò chúng tôi lại bịn rịn chia tay nhau, trong sân còn có những cây bàng xòe những tán lá như những cây dù màu xanh, ngoài ra còn có những cây me Tây to lớn tỏa bóng mát cho học sinh tha hồ nô đùa vào những giờ ra chơi.
         Ngày còn là một Giáo Sinh, tôi đã có dịp về thực tập ở trường này.Vị Hiệu Trưởng ngày đó là thầy Hồ Phú Quế, thầy cũng dạy tại trường Sư Phạm lớp chúng tôi môn Quản Trị và Thanh Tra Học Đường. Hôm lớp chúng tôi về thực tập gặp lúc trường đang chuẩn bị cho các học sinh đi thi văn nghệ, hình ảnh thầy Hiệu Trưởng ôm đàn Mandoline tập cho học sinh hát đã là một hình ảnh đẹp trong mắt tôi, để tôi còn nhớ mãi cho tới bây giờ.
Sân trường lúc nào cũng sạch sẽ, từ hành lang của các lớp cho đến những lối đi dẫn từ cổng vào. Sát cổng trường thường có những người bán quà cho học sinh. Những năm 79-80 quà vặt cũng chả có gì ngoài me, cốc, ổi, xoài, mía…Thỉnh thoảng có cà rem hoặc kẹo cà…Nhưng có mấy học sinh có tiền để mua? Vì ngay cả việc ăn sáng thì cũng đã là một vấn đề xa xỉ rồi, chứ nói gì đến quà vặt.
        Hai bên cổng trường và sát tường là những đám đất chưa được láng xi-măng, đây cũng là nơi mà những nhà dân trong xóm thường mang rác và chất thải ném ra bãi đất này để xe rác đến lấy, đây cũng là bãi vệ sinh của những chú chó thường loăng quăng dạo chơi. Khi đêm đến đèn đường không có, nơi đây biến thành địa điểm phóng uế của những khách bộ hành lỡ đường, nên lúc nào cũng nhớp nháp, hôi hám nhà trường đã nhờ Tổ dân phố nhưng được ít bữa rồi đâu lại vào đấy! Khổ thân cho cô, trò chúng tôi lâu lâu lại phải lao động vệ sinh một bửa bở hơi tai nhưng cảnh cũ vẫn tái diễn hàng ngày như thế! Còn học sinh thì vô ý cứ dẫm những chất thải tha vào lớp học và hình như sự vô ý của các em cứ tăng dần vài ba hôm lại bị như thế. Đến nỗi tôi thấy đã đến lúc phải đưa ra một biện pháp cứng rắn hơn tí nửa để đảm bảo giờ học và vệ sinh lớp. Tôi dặn cả lớp:”Từ nay khi xếp hàng vào lớp Tổ trưởng các tổ sẽ kiểm tra dép, em nào lỡ thì cho đi rửa để khỏi mang vào lớp mất vệ sinh, tổ nào có học sinh vi phạm sẽ bị mất điểm thi đua của tuần.”
         Tôi giao hai học sinh trực ở lại trông lớp rồi đưa tất cả học sinh ra sân. Chỉ một loáng những chú lính tí hon của tôi đã hàng ngũ chỉnh tề và đợi lệnh của cô giáo.Tôi tuần tự đưa các em di chuyển đến địa điểm. Thông thường khi đi cùng học sinh ra khỏi trường dù là đưa các em đi cổ động hay xem phim hoặc coi văn nghệ lúc nào người dân hai bên đường cũng đổ ra xem nên tôi ngại và thường có thói quen hay đi vào phía trong lề để tránh bị mọi người nhìn. Thời đó, chưa có xe cộ nhiều chủ yếu là xe đạp và họ sẵn sàng nhường đường cho học sinh nên cũng không sợ học sinh mình bị tai nạn, gặp như thời bây giờ thì cô giáo phải đi ngoài để bảo vệ học sinh.
          Chỉ cần năm phút là đến nơi vì trường ở gần và học sinh lúc nào cũng đi nhanh nên giáo viên phải đi theo cho kịp các em lớp của mình. Chia các em đứng hai bên đường cùng với học sinh các lớp khác và khoảng hai mươi phút sau thì phái đoàn xuất hiện. Từ xa mấy chiếc xe màu nhà binh, xe chạy ngang qua, cửa đóng nên  không thấy được ai cả? Xe chạy qua, thế là công việc đưa tiễn xong. Giáo viên lại đưa học sinh về và tôi cũng đi vào phía bên trong  như vậy.
        Về đến trường, chưa đến giờ ra chơi mà nãy giờ cô, trò đứng ngoài nắng nên cũng khát nước. Thế là tôi cho học sinh đi uống nước. Trưởng lớp điều khiển cho từng bàn các em đi vệ sinh và uống nước, lần lượt cứ hết bàn này đến bàn khác, vì lớp đông, sĩ số trên năm mươi học sinh nên không thể cho các em ra cùng một lần, nếu ra như thế các em nô đùa làm ảnh hưởng lớp khác đang học.                            
      Thời đó thì tất cả học sinh đều uống nước ở một cái giếng sát nhà Bác Cai trong khuôn viên của trường. Cứ múc một gàu lên là các em cùng nhau uống những ngụm nước trong và mát thế thôi! Chứ chẳng có thứ nước nào khác nữa.
       Trong khi đó, tôi ngồi ở bàn của giáo viên vừa nghỉ mệt và cũng vừa trông lớp. Bàn của giáo viên thì thường được đặt trên một cái bục cao khoảng ba mươi cm làm bằng xi-măng, để ở đây chúng tôi có thể quan sát cả lớp dễ dàng hơn. Lật Giáo Án ra để xem, hôm nay tôi chỉ dạy ba tiết chính là Tập Đọc, Toán, Chính Tả, còn hai tiết Thể Dục, Tập Viết tôi sẽ hướng dẫn cho các em rồi về nhà các em làm. Nhìn xuống lớp, lúc này các em đã thay phiên nhau đi cũng được khoảng hơn nửa lớp. Tôi nghỉ cho học sinh uống nước xong trước. Sau đó, tôi cũng lên văn phòng để uống nước sau. Bỗng nhiên tôi thấy những học sinh ngồi dãy bàn phía trước mặt tôi lấy tay bịt mũi, một số em thì nói nhỏ với nhau là: Hôi lắm!
         Lúc này tôi cũng đã xem xong bài nên lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ và nói:
        - Em nào dẫm phải thì Trưởng lớp cho ra ngoài đi!
        Cả lớp im lặng không em nào nói gì cả.Thấy vậy tôi ra lệnh tiếp, lần này thì có vẻ bức bách hơn, kẻo sợ những hậu quả xấu xảy ra như những lần trước.
        - Các em tự kiểm tra dép mình xem, em nào dẫm thì đi rửa nhanh!
        Cả lớp cũng im lặng, tuy nhiên các em ngồi các bàn đầu vẫn đưa tay lên bịt mũi. Lúc này tôi bắt đầu thúc giục với giọng gay gắt hơn:
       - Em nào lỡ thì ra khỏi lớp ngay!
       Cả lớp cũng vẫn lặng thinh, cái không khí im lặng bao trùm lớp học. Tôi chẳng hiểu chuyện gì? Rồi các em thầm thì to nhỏ gì đó với nhau. Em Trưởng Lớp đứng dậy nói:
      - Thưa cô! Đã kiểm tra rồi, không có bạn nào cả.
      - Không có bạn nào sao các em bịt mũi?
        Lúc này thấy bực nên tôi hỏi lại Trưởng Lớp với giọng không vui. Học sinh lại xầm xì gì đó với nhau. Cuối cùng trưởng lớp đến bên bàn cô giáo và lấy hết can đảm nói nhỏ vào tai:
        -Thưa cô! … Dép cô…
       Tôi nhìn xuống dép của mình thì ra chính là … Mặt tôi đỏ bừng, nóng ran lên... Không nói nên lời tôi đi thật nhanh ra khỏi lớp…
         Khắc phục sự cố xong tôi đến Văn Phòng. Đầu óc miên man bần thần, tự trách mình sao vô ý thế, hết giờ chơi tôi lại về lớp dạy cho kịp những tiết học.
         Từ tai nạn ấy! Tôi giữ kín trong lòng không dám nói với đồng nghiệp vì xấu hổ. Mãi đến mấy năm sau nhân một hôm sau giờ dạy vào Thư Viện trường tìm sách đọc, tình cờ tôi đọc được tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, trong đó có câu chuyện của một thầy giáo dạy lớp Đồng Ấu ở trường làng cũng gặp sự cố như tôi. Câu chuyện được tác giả viết thật vui và dễ thương đến nỗi tôi đọc say sưa, đọc đến đâu tôi tự cười một mình và nghỉ thầm may quá thế là từ nay tôi cũng có đồng minh rồi.
         Cũng từ hôm đó trở đi tôi thấy vui, mới dám đem câu chuyện gặp sự cố của mình kể cho các đồng nghiệp nghe. Nghe xong ai cũng òa lên cười vui vẻ.
         Nhiều năm trôi qua, bây giờ đôi lúc ngồi nhớ lại. Tôi vẫn thấy xấu hổ và đâu đó hiện lên hình ảnh ngô nghê dễ thương của học sinh tôi. Cô cũng có lỗi vậy, không phải lúc nào trong mắt các em cô giáo cũng là thần tượng, không bao giờ mắc sai lầm. Nhưng các em có biết không ? “ Cô cũng là người và là người thì không tránh khỏi những khuyết điểm. Cô sẽ sửa chữa.” Từ hôm đó trở đi mỗi lúc ngang qua đám đất trước trường, tôi tự nhủ phải cẩn thận hơn để tôi không rơi vào tình huống khó khăn trước học sinh tôi một lần nữa...


                                                         Qui Nhơn tháng 10/2012
                                                                 Giang Lam

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Cô Giáo.

Đặng Nam Phương

Bum bê đã mơ làm cô giáo. 
Đuôi gà thắt bím nơ xanh đỏ. 
Mơ ước làm cô vẫn dạt dào. 
Đến thời buông tóc xõa ngang vai. 
Mộng ước hình thành lòng rạng rỡ. 
Ta đã là cô... cô giáo rồi.  

    Tháng chín mùa thu, mùa tựu trường.  Đã bao nhiêu mùa tựu trường.  Bao nhiêu lần thu trôi đi biền biệt ngoài song cửa.  Nhưng nỗi xôn xao, nỗi buồn vui của quãng đời làm cô giáo ấy vẫn còn đấm nét trong tôi.   Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng . Nhà tôi ở đường Phan Chu Trinh.  Con đường thơ mộng của hoa phượng đỏ.  Của áo trắng học trò.  Bên dòng sông Hàn hiền hòa, êm ả. Tôi học tiểu học, trung học Đà Nẵng và tốt nghiệp trường sư phạm Qui Nhơn khóa bảy ngày 16 tháng 6 năm 1970.  Thoáng chốc thời tuổi nhỏ hồn nhiên.  Thời mới lớn  mộng mơ.  Thời áo trắng đã trôi qua.  Bây giờ tôi đã là một cô giáo trẻ....rất trẻ.  Hành trang vào đời của tôi là mảnh bằng sư phạm với một tí tuổi đời.

    Ngày 5 tháng 9 năm 1970, trời vào thu, gió heo may se lạnh. Tôi đến trình diện nhiệm sở đầu tiên là trường tiểu học Đức Vinh, quận Mộ Đức, tỉnh Quãng Ngãi.   Trường tôi dạy mặt tiền hướng ra quốc lộ một,  khang trang đẹp đẽ.  Trường được bao bọc bởi một dãy tường thấp.  Lác đác ven tường vài cụm hoa ngũ sắc.  Vài bụi chuối nước.  Xung quanh trường có nhiều cây bàng, cây phượng cành lá xum xuê.  Cổng trường treo tấm bảng lớn: Trường TIểu Học Đức Vinh.    Mái lợp ngói.  Bậc thềm cao. Nền xi măng. Vách tường mùa xanh dương.  Chân tường màu vàng.  Cửa chính cửa sổ  của lớp màu nâu viền trắng rất trang nhã.  Sân trường rộng.  Cát vàng đậm.  Giữa sân là trụ cờ cao với lá quốc kỳ  tung bay phất phới.  Trường có chín lớp.  Một lớp năm .  Còn lại mỗi cấp bậc có hai lớp.   Dãy ngang có văn phòng Hiệu  Trưởng.  Bên cạnh treo một cái trống lớn.  Được bác cai trường đánh ba tiếng để biết giờ học, giờ ra chơi, và giờ tan trường. Ông Hiệu Trưởng và Hiệu Phó trường là những giáo viên tiểu học thâm niên.   Vài thầy cô là giáo viên công nhật.  Còn lại là giáo viên ấp tân sinh.  Tôi là giáo viên sư phạm nên phải đứng dạy lớp năm.  

    Sau khi chào hỏi và làm quen với các thầy cô.  Tôi theo thầy Hiệu Trưởng đến nhận lớp.  Khi thầy Hiệu Trưởng giới thiệu tôi xong.  Thây vừa đi khuất là các em đã nhốn nháo la hét ầm ĩ.
- Cô nhỏ xíu..... 
- Cô xinh quá....
- Cô từ đâu tới vậy cô ....?  

Tim tôi đập thình thịch.  Năm nhị niên tôi đã đi thực tập nhiều trường.  Nhưng học sinh quậy như vầy tôi chưa găp.  Nỗi vui mừng được làm cô giáo.  Được dạy một ngôi trường khang trang.  Thay vào là nỗi lo lắng.  Tôi ngồi im nhìn các em.  Nhiều phút trôi qua.  Tôi không biết các em nghĩ gì?  Rồi lớp học trở lại sự yên lặng.  Một em nam đi lên vòng tay.
 - Dạ thưa cô em là Nguyễn Văn Thiên.  Em là lớp trưởng.  Em và các bạn chào mừng cô đến dạy chúng em .
 Rồi em dõng dạc hô lớn. 
-Học sinh đứng . 
Cả lớp đứng dậy. Một tràng pháo tay giòn giã.  Tôi sung sướng mĩm cười xoa đầu em Thiên.  Khi các em ngồi xuống, tôi thong thả đi đến từng bàn hỏi thăm các em.  Tôi rờ cái bàn, cái ghế,  Tay lau tấm bảng đen.  Tay cầm viên phấn trắng. Nhìn lên vách tôi thấy vài tấm tranh treo khá đep.   Nhìn xuống những gương mặt ngây thơ.  Những đôi mắt tròn , đen lấp lánh. Tôi xúc động nói với các em.
 - Các em thật là ngoan.  Cô sẽ dạy thật tốt để tất cả các em đều thi đậu vào lớp sáu.  
Em nào em nấy nhìn tôi đầy hớn hở.  Lòng tôi vui chi lạ.  Lòng tôi sao sao ấy.
     Một tháng sau.  Ông hiệu trưởng báo có thanh tra đến trường.  Tôi chuẫn bị bài dạy thật chu đáo.  Nhưng hú vía !  Ông thanh tra chắc thấy tôi mới ra trường, ngây thơ , non choẹt.  Nên chỉ hỏi thăm tôi vài câu thôi.
-Cô giáo dạy miền quê có thấy buồn không?
- Dạ thưa thầy con chỉ buồn khi về nhà trọ.  Còn trong lớp có các em học sinh con vui và hăng hái lắm. 
Ông thanh tra nhìn tôi cười 
 - Cô giáo giỏi lắm.  Tốt lắm. 
Tôi vui mừng lí nhí. 
- Dạ con cam ơn thầy.  
    Ngày qua ngày.  Đời sống cô giáo làng quê tưởng an bình.  Nhưng một hôm tôi đi dạy về.  Vừa ngang qua bệnh xá có hai chị chận tôi lại.  Mặt lạnh lùng và giọng nói các chị lanh lãnh.
 - Này cô kia.!  Chúng tôi muốn hỏi cô... 
Tôi dừng lai.
- Dạ.!  Mấy chị cần hỏi chi?
 - Cô là con nhà ai mà phách lối quá vậy?   Tại sao ngã trước cô không đi mà...? 
Tôi ngẫn người.  Chuyện chi lạ vầy nè.  Tôi chưa kịp trả lời thì các em lớp tôi chạy tới. 
- Cô ơi..!  Có tụi em đây cô đừng sợ, 
Nghe ồn ào.  Ông cai trường cũng đến..
 - Cô Nam Phương. 
về đi.  Để tôi nói chuyện với họ.
Khi tôi cùng học sinh bước đi. Tôi nghe vọng lại lời hăm dọa của hai chị ấy.
- Coi chừng cặp tai của cô đó.....
Về đến nhà trọ tôi vẫn chưa hết run.  Ông hiệu trưỡng nghe chuyện bảo tôi.
 - Họ là trâu già không sợ dao phay đâu. 
Và ông cho tôi nghĩ dạy một ngày để tôi về thưa chuyện với gia đình chứ nguy hiểm lắm.   Thế là tôi lên xe lam về thị xã.  Tôi kể lại sự tình cho chú tôi nghe. Chú  rầy tôi.
 - Con là cô giáo.  Đường lộ không đi.  Con đi đường hẻm làm chi.  
- Dạ thưa chú.  Đường sau gần trường hơn.
- Gần một tí nhưng phiền rồi đó con à.

 Đúng ra tôi lười, tôi vô tư. Nhà trọ của tôi chỉ cách trường có hai căn nhà thôi.  Tuy bị la rầy như rứa .  Nhưng chú tôi vẫn vào Mộ Đức gởi gắm tôi tôi.  Sáng ni đi dạy tôi đi ngã trước thì hai chị ấy đón tôi lại
 - Chúng tôi xin lỗi cô.  Còn sớm xin mời cô vô nhà uống ly nước dừa. 
Thật không ngờ, nhà hai chị đó sát bên trường tôi day.  Hai chị là thợ may.  Tôi e ngại định từ chối.   Nhưng thấy không ổn nên theo họ vào nhà.  Vừa uống xong ly nước dừa. Tiếng trống trường đã vang lên.  Tôi chào các chị và đi tới lớp dạy.  Lòng tôi vui phơi phới.  Nhưng khi tôi vừa bước vào lớp.  Các em học sinh đã nhao nhao.
 - Cô ơi...!  Em Nguyễn Bốn chết rồi....
 Tôi khựng lại.  Chết rồi... Chết rồi sao...! Ôi !   Em chỉ học cùng tôi có mấy tháng.  Tôi thật đau lòng  Nước mắt thi nhau rơi xuống má.  Tôi vội vàng tới văn phòng báo cho ông hiệu trưởng biết.  Tôi trở lại dặn dò lớp trưởng trông chừng lớp.  Rồi chọn ba em theo tôi ra quán mua nhang đèn để đến nhà em Bốn phúng điếu. Trước khi lên xe lam tôi hỏi học sinh.
- Nhà em Bốn ở đâu vậy mấy em?
 - Dạ thưa cô. Nhà em Bốn ở Quán Hồng đó cô.
 Quán Hồng ư...!  Cái tên nghe thật dễ  thương.  Tôi nghĩ chắc có nhiều hoa hồng lắm.  Nhưng khi xe lam dừng lai.  Tôi ngỡ ngàng,  Không có hoa hồng chi hết .  Mà chỉ là một cái tên địa danh thôi.
Trước mặt tôi là con đường đất lớn.   Hai bên là ruộng lúa.  Cô trò chúng tôi
 đi một đoạn đường rồi quẹo phải quẹo trái thì đến nhà em Bốn.   Một ngôi nhà tranh. Tường đất.  Đồ đạc cũ kỹ .  Em nằm bất động trên chiếc giường tre.  Nhìn thật thương tâm.  Bàn thờ để tấm ảnh của em khói hương nghi ngút.  Tôi ngỏ lời chia buồn với cha mẹ em.
     Trên đường về lại trường.  Tôi đi xe lam còn thấy đường xa.  Trong khi ngày ngày cậu bé phải cuốc bộ hàng mấy cây số đường bất kể nắng, mưa để đi học.  Lòng tôi thật chua xót, ngậm ngùi.  Tôi thầm cầu nguyện cho linh hồn em được an vui, thanh thản nơi cỏi vỉnh hằng.   Nỗi buồn chưa vơi  phiên phức lại đến với tôi .  Nhiều anh chàng cứ hay thập thò ngoài cửa lớp. 
 - Cô giáo trẻ quá...
 - Cô viết chữ đẹp quá... 
Có anh không nói chi hết,  chỉ đứng ngoài cửa sổ nhìn tôi chăm chăm.  Tôi thật là ngượng ngùng.  Nhất là những cậu học sinh lớp 11 lớp 12 Trần Quốc Tuấn học trong thị xã.  Khi về nhà cũng không để tôi yên.
- Cô ơi.!  Tôi có em học lớp cô đó..
- Cô ơi..!  Em tôi cũng là em cô giáo nghe.
- Quảng Ngãi có nhiều phong cảnh đẹp lắm.  Cô muốn biết không?  Tôi hướng dẫn nha. 
Có nhiều anh còn viết thư hồng, thư xanh gởi tới.  Ôi thôi...đủ thứ chuyện.  
Nhiều lúc tôi vừa xuống xe lam vô nhà.  Mấy ông sĩ quan đã tới đon đã.
 - Chào cô...!  Chúng tôi tưởng cô nữ sinh nào đi học về.  Không ngờ là cô giáo. 
 - Tôi có xe mời cô đi dạo.  Đi uống nước nhé. 
Tôi lễ phép từ chối. 
- Dạ cảm ơn.  Nếu tôi muốn đi đâu thì có chú tôi chở đi. 
- Cô giáo ơi..!  Chú của cô là ai vậy?
 - Dạ thưa là ông Đặng Diệu đó. 
Họ đập vai nhau.   Chết rồi...! Ổng là xếp của mình.  Và quay qua nói với tôi. 
- Cô giáo à...Xin lỗi..Cô đừng méc ổng nha. 
Cuối tuần tôi về nhà.  Chú tôi hỏi. 
- Tuần ni đi dạy con có chuyện chi vui không? 
Tôi kể chuyện cho chú tôi nghe . Chú cười toáng lên.
 -Toàn có vợ mấy con mà đi chọc con nít. 
Tôi phụng phịu.
 -Chú ơi...!  Con là cô giáo mà. 
Chú cười xoa đầu tôi 
- Ờ... Ờ...!  Con là cô giáo.
    Ngày tháng dần dần trôi.  Bao nhiêu thời gian là bao nhiêu tình cảm thân thương, trìu mến giữa cô trò chúng tôi.  Sáng nào trên bàn của  tôi  cũng đủ màu đủ vẻ .  Em thì trái mãng cầu .  Em thì trái đu đủ.  Em thì bó mía... Tôi nói với các em.
- Cô ở trọ.  Cô đem về cũng biếu bà chủ nhà.  Các em nhớ đừng như vậy nữa. 
Nhưng các em cứ nằn nì. 
- Cô ơi..! Giờ ra chơi cô ăn đi.  Ăn cho khoẻ nghe cô..
 Còn phần tôi luôn có phần thưởng cho những em ngoan ngoãn, học giỏi .  Những em trung bình hay học yếu đều được động viên khuyến khích nên lớp học rất linh động.   Tôi dạy thật kỹ lưỡng môn văn, môn toán để các em đạt được chất lượng mà đi thi lớp sáu.  Tôi mới ra trường nên rất hăng say giảng dạy. Còn các em học sinh là năm thi nên rất siêng năng chăm chỉ.  Việc học của các em càng ngày càng tiến bộ hơn.   Nhiều hôm tiếng trống tan trường vang lên nhưng cô trò chúng tôi vẫn còn trong lớp.  Kết quả năm đầu tiên làm cô giáo của tôi.  Kỳ thi tuyển vào lớp sáu.  Học sinh lớp tôi đạt kết quả rất khả quan.  Tôi rất vui mừng và rất hãnh diện.   
    Tháng chín mùa thu.  Mùa tựu trường năm 1971. Tôi được chuyễn về trường Thu Phổ Đông thị xã Quãng Ngãi .  Đây là một ngôi trường tiểu học lớn.  Khối lớp năm toàn thầy cô giáo SPQN phụ trách.  Lớp 5 B do tôi hướng dẫn luôn đạt nhiều thành tích tốt.  Hằng năm mỗi độ hè về.  Hoa phượng nở đỏ thắm trên các lối đi.  Lúc mà các chú ve sầu đang tỉ tê ca hát.  Lòng tôi lại vui mừng lại phấn khởi.  Vì các em học sinh lớp tôi đều đạt kết quả rất cao khi thi vào lớp sáu. 
     Bốn niên khóa tôi dạy ở trường Thu Phổ Đông thấm thoát qua nhanh.  Mùa tựu trường năm 1975.  Tôi được chuyển xuống dạy tài trường tiểu học Ba La Nghĩa Dõng  Quãng Ngãi .  Trường Ba La cách nhà tôi ở thị xã hơn ba cây số.   Tôi đi dạy bằng xe đạp mini.  Những chiếc áo dài xinh xinh nằm im trong tủ.   Thay vào là những chiếc áo bà ba lụa.  Cái trắng cái hồng cái xanh với quần sa tanh đen.  Trên đường đi đến trường tôi vẫn thường nghe những câu hát ghẹo.   Những buổi tan trường.  Tôi đạp xe về dưới ánh nắng lung linh.  Từng vòng bánh xe quay đều với tiếng chim ríu rít. với làn gió mơn man.   Lòng tôi thật êm đềm thật thơ thới.   Dầu đi dạy bất cứ nơi đâu.  Lòng thương yêu các em học sinh vẫn đầy ăm ắp trong tôi. 

Phấn trắng bảng đen trường lớp mới. 
Các em kháo nhau cô thật xinh. 
Ngắm các em thơ lòng êm ả     

Các em là mộng của ngày mai.  


    Nhiều năm sau này.  Tình cờ tôi và các em gặp lại .  Hình như tôi không thay đổi chi nhiều. nện các em vẫn nhận ra tôi.   Tôi hỏi thăm em nầy đã là thầy giáo cấp ba.  Em kia là cô giáo cấp một.  Em nọ là y tá....  Cô trò chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng.  Hàn huyên tâm sự.  Nhắc chuyện ngày xưa. Vui mừng tíu tít....

 Đặng Nam Phương  K7/SPQN

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

TRÊN NGỌN TÌNH SẦU…


Hoàng Minh Quang.

Kính thưa Ban Biên Tập trang Sư Phạm Quy Nhơn !
Tình cờ qua bạn bè tôi biết được trang này là của trường sư phạm Quy Nhơn trước 75. Tôi có đọc và biết có nhiều cô giáo học cùng thời với tôi làm việc tại QN lúc đó nên tôi mạn phép xin gởi một bài viết để tỏ rõ tấm lòng tôi.
Cám ơn Ban Biên Tập.
Thơ bất tận ngôn!
H.M.Q

Viết cho một cô Giáo sinh Sư Phạm chưa biết họ tên.

Tháng chín năm 1972, tôi có quyết định thuyên chuyển ra Trung làm việc. Cầm Sự Vụ Lệnh trên tay, tôi tạm biệt Vĩnh Long ra Quy Nhơn nhận nhiệm sở mới.
Máy bay hạ cánh xuống phi trường quân sự Phù Cát rồi xe đưa tôi về nhà ông anh họ làm ở Hải Đội 2 Duyên Phòng. Nhà của ông anh nằm ở trong khu sĩ quan Hải Quân. Phía trước nhà là biển xanh với tiếng sóng vỗ ì ầm. Bãi cát mịn màng chạy dài. Tiếng gió thổi vi vu qua hàng dương … Miền thùy dương cát trắng tràn đầy thơ mộng!
Hôm sau, tôi đi làm. Xe chạy hết con đường Nguyễn Huệ vòng qua phi trường dân sự Quy Nhơn rồi chạy một đoạn nữa là đến Quân y Viện nơi làm việc của tôi.
Tôi bề bộn với bao nhiêu công việc. Miền Trung cuộc chiến quá khốc liệt. Mùa hè năm đó được mệnh danh là Mùa Hè Đỏ Lửa. Hằng ngày, trực thăng tải thương lên xuống liên tục, Xe cứu thương tải người, hú còi inh ỏi! Thương binh nằm la liệt! Tôi vừa cấp cứu, vừa mổ liên tục rồi điều trị cho những bệnh nhân liên tục không biết bao nhiêu ca trong một ngày? Không biết bao nhiêu người còn sống? Bao nhiêu người chết? Sống trong thời chiến là vậy, biết nói sao bây giờ?
Những ngày nắng nóng qua đi. Mùa mưa lại về! Mấy ngày nay trời ở đây lại rét! Khí hậu ở cái xứ này thật là khắc nghiệt! Miền Nam quê tôi thì chỉ có hai mùa mưa nắng. Không có cái lạnh, cái rét nên tôi chẳng có cảm giác về rét buốt như thế nào? Bây giờ lần đầu tiên tôi thấy! Bầu trời lúc nào cũng đầy mây và Mặt Trời thì biến đi đâu mất. Biển mang một màu xám xịt lúc nào cũng gào thét dữ tợn với những con sóng cao ngất từ khơi xa cuồn cuộn quật vào bờ như muốn cuốn trôi tất cả. Gió thổi ào ào qua hàng dương trong sân bệnh viện. Có hôm thì mưa phùn gió Bấc, cái rét tê tái, cái lạnh căm căm. Suốt ngày, tôi khoác cái áo blue trắng mỏng manh, mỗi khi phải đi ra ngoài hành lang bệnh viện thì   hơi lạnh luồn vào cơ thể nghe rét buốt vô cùng. Nhiều đêm từ bệnh viện trở về nhà mệt mỏi rã rời, chân tay rũ rượi. Đường phố về đêm trong thị xã mùa đông vắng vẻ đìu hiu, ánh đèn đường le lói và nỗi nhớ nhà lại chất ngất dâng lên trong tôi.
Tôi cứ lao đầu vào công việc. Làm việc liên miên, đến nỗi tôi không còn biết ngày Chủ Nhật là ngày nào? Tôi chỉ được thảnh thơi là lúc ngồi trên xe đến bệnh viện và về nhà. Buổi sáng trên con đường đi làm, tôi thường lơ đễnh ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường. Các nữ sinh áo dài trắng khoác bên ngoài những chiếc áo len đủ màu… hoặc lũ lượt đạp xe trên những con đường. Những chiếc xe Lam, xe cyclo… chở khách qua lại. Tôi thích nhất là đoạn đường rẽ vào nơi tôi làm việc. Đoạn đường này vắng vẻ yên tĩnh. Hai bên những cây dương liễu xanh mướt. Những ngôi trường to lớn lặng yên thấp thoáng sau những hàng cây mang một màu xanh lục.
Tôi thường bảo anh tài xế chạy chậm lại và dừng trước cổng trường Sư Phạm … Một chiếc xe Lam trờ đến rồi dừng lại. Những người trên xe lần lượt xuống, nam sinh quần áo gọn gàng, nữ sinh áo dài trắng thướt tha… nhìn những hình ảnh đó tôi bỗng nhớ đến những ngày mình còn là sinh viên Đại Học Y Khoa Sài Gòn.
Ngày qua tháng lại, không khí lạnh lẽo của Mùa Đông trôi qua. Mặt Trời đã xuất hiện đem ấm áp trở về.
Rồi một hôm bất ngờ tôi khám phá ra rằng, sáng nào xe của tôi cũng chạy phía sau một chiếc xe Lam mà trên xe là một cô gái mặc một chiếc áo dài trắng. Cô gái có khuôn mặt tròn, đôi mắt mở to tròn xoe, mái tóc cắt ngắn ngang vai.  Cô gái ngồi đó một mình lơ đễnh nhìn về phía sau xe. Tôi đi làm rất đúng giờ! Cô ấy cũng thế! Cứ xe của tôi đến góc đường Võ Tánh là gặp xe của cô ấy. Rồi không biết từ lúc nào hình ảnh cô gái trở thành quen thuộc mỗi ngày. Một hôm nào đó đi làm mà không thấy chiếc xe Lam chở cô  ấy, tôi cảm thấy thiêu thiếu và trống vắng.
Cô gái dường như không biết và cũng chẳng quan tâm có một chiếc xe đi sau, trên xe đang có người dõi theo. Lúc đầu tôi cũng không muốn cho cô ấy biết là tôi chú ý đến cô ấy. Vì vậy mỗi khi cô ấy nhìn ra phía sau thì tôi lại tảng lờ nhìn chỗ khác. Khi chiếc xe gần đến trường Sư Phạm thì tôi bảo cậu tài xế chạy chậm và đậu cách xa cổng trường một đoạn. Từ xa tôi có thể thấy dáng cô ấy xuống xe thong thả đi vào trường.
Từ lúc gặp cô gái ấy trên đường đi làm hàng ngày, tôi bỗng thấy vui hẳn lên! lòng tôi trở nên thanh thản, an bình! Tôi quên đi phần nào cái cuộc chiến đang leo thang, cho dù chung quanh tôi lúc nào cũng nồng nặc mùi thuốc sát trùng, mùi máu… cảnh dao kéo, cảnh đau đớn rên la và chết chóc.
Vui nhất là cậu tài xế của tôi! Cậu ấy dường như biết ý tôi nên sáng nào cũng chạy chầm chậm ở đoạn đường từ ngả ba Cường Để - Nguyễn Huệ cho đến Eo Nín Thở. Đảo mắt nhìn! Thở dài khi không thấy hoặc vui mừng khi thấy bóng dáng cô ấy xuất hiện trên chuyến xe. Thái độ của cậu ấy nhiều khi làm tôi bật cười! Giống như cậu ấy đang theo cô ấy chứ không phải tôi?
Tôi thích cô ấy bởi vẻ mặt ngây thơ, nụ cười đôn hậu, đôi mắt tròn đen, ánh mắt rất hiền khuôn mặt thông minh cả cái dáng cao cao gầy gầy. Cả người cô gái toát lên một sự dịu dàng, thanh thoát, tinh khôi …một cách kỳ lạ, khiến tôi chỉ thích nhìn từ xa chẳng dám bước đến gần sợ làm động khiến nó tan biến đi... và cứ thế, tôi lặng lẽ theo cô ngày ngày, tháng tháng...
Một hôm hình như cô ấy phát hiện ra tôi theo cô ấy mỗi ngày. Cô nhìn chăm chăm vào xe tôi suốt đoạn đường. Tôi giơ tay lên chào, cô ấy mỉm cười gật đầu đáp lại. Nụ cười tươi vui, khuôn mặt như thiên thần.Thế là từ đó tôi bước hẳn ra ngoài ánh sáng để cười chào cô ấy mỗi ngày nhưng cũng chỉ là cả hai ngồi trong xe chào nhau và khoảng cách là một khoảng không gian giữa hai xe  trên đường như hai động tử cùng vận tốc cùng chiều.
Mỗi lần xuống xe, cô ấy ôm tập vở đi vào cổng trường Sư Phạm Quy Nhơn. Tà áo dài trắng bay bay trong nắng sớm. Hình ành ấy đẹp vô cùng nó cứ in đậm trong tâm trí tôi như đóa hoa hồng mới hé nụ tinh khiết vô ngần.
Cô ấy làm cho tôi có những ngày vui và tôi hăng say với công việc. Một công việc lúc nào cũng thấy nhiều cảnh khổ đau, tang thương, chết chóc của anh em đồng đội.
Cũng có nhiều lần, tôi dừng xe lại cổng trường xuống xe đến bên cô ấy. Cô ấy thường nhìn tôi mỉm cười với nụ cười hiền. Lúc đó, trái tim tôi đập nhanh. Cuối cùng tôi luống cuống không nói nên lời rồi đành lặng lẽ bước đằng sau cô ấy đến bên cổng trường nhìn theo cho đến khi bóng dáng cô khuất sau hàng cây. Đã có đôi lần tôi đứng trước cổng trường để mong gặp và nói chuyện với cô ấy nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi chẳng mạnh mẽ chút nào có thể tôi sợ làm tan vỡ giấc mơ hoa.
Mùa hè năm 74, một mùa hè nắng nóng và bận rộn với công việc. Hết hè ngôi trường Sư Phạm lại tấp nập giáo sinh nhưng tôi không gặp lại cô giáo sinh ấy nữa… Rồi tình cờ tôi biết và đoán ra cô ấy đã ra trường vì trường đào tạo trong hai năm. Tôi hỏi thăm nhiều người nhưng đều vô vọng,vì thật sự tôi chẳng biết tên và chẳng biết một tí gì về cô ấy cả? Không biết cô ra trường dạy học ở nơi đâu?
Nỗi buồn của tôi mang theo tháng ngày. Sáng sáng đi làm tôi mong ngóng được nhìn thấy cô ấy trên những chuyến xe. Dừng xe trước cổng trường tôi mong sao được nhìn cô ấy quẩn quanh đâu đó nhưng tôi chỉ thấy ngôi trường với hàng dương rì rào, xa xa tiếng sóng biển ì ầm …
Cuộc chiến lan rộng, Tây Nguyên rồi lần lượt các tỉnh miền Trung di tản, rút quân rồi Miền Nam... Thế là hết!
Ba mươi mấy năm ra nước ngoài, hôm nay trở về Sài Gòn thăm người thân. Tôi tìm cách trở lại Quy Nhơn thăm chỗ làm xưa, ngang qua trường Sư Phạm tự dưng trong tôi hiện lên hình ảnh xưa Cô gái tuổi đôi mươi tinh khôi trong sáng …tôi chưa biết tên, chưa nói chuyện một lần...Một thời đã gieo vào hồn tôi một nỗi sầu thương nhớ. Tôi ngước nhìn lên trên những ngọn cây dương liễu từng giọt nắng rơi lặng lẽ trong chiều xuống thành một mối tình sầu muôn kiếp …
                                                             
                                                             VN, 06/2012
                                                                 M.Quang.

NHỚ TRUNG THU XƯA !

                                    Irene.

Mưa vừa tạnh, bọn trẻ trong xóm đã vội vã kéo nhau ra đường tụm năm, tụm ba rước đèn Trung Thu…Con cháu bé mới lên ba cũng náo nức cầm đèn đòi ra ngoài chơi…
Trong đêm dưới ngọn đèn đường hiu hắt những chiếc lồng đèn xinh xinh đủ màu sắc rực rỡ. Đa số là những chiếc lồng đèn Trung Quốc chạy bằng pin, gọn nhẹ lại có tiếng nhạc nghe vui tai. Lồng đèn đủ mọi hình dáng từ những con thú như gà, thỏ, chuồn chuồn, bươm bướm…cho đến anh Tôn Ngộ Không hay anh siêu nhân…ánh sáng cũng đủ màu: đỏ, vàng, xanh, tím…chớp nháy liên tục. Thế nhưng bên cạnh những lồng đèn chạy bằng pin ấy, tôi vẫn thích ngắm những chiếc lồng đèn bằng giấy kiếng, thắp bằng đèn sáp của một nhóm trẻ đang đứng ở phía cuối con hẻm. Nhìn chiếc đèn ngôi sao, tôi bỗng nhớ đến tuổi thơ của mình.
Qui Nhơn những năm cuối thập kỷ 50 yên ổn và êm đềm. Tuổi thơ của tôi cũng trải qua nhẹ nhàng! Năm nào cũng vậy, cứ  vào khoảng tháng tám ta, gần đến Tết Trung Thu thì ba tôi lại ngồi chẻ những cây tre, vót thành những thanh dài ngâm vào nước cho mềm mại. Sau đó đạp xe lên phố Gia Long mua những tờ giấy kiếng đủ màu. Mẹ tôi thì lo lấy bột khuấy hồ dán. Ba tôi bắt tay vào việc làm lồng đèn. Ba cầm những thanh tre ngắm nghía, đo, cắt làm thành những thanh dài, ngắn rồi ráp thành cái khung lồng đèn…
Lúc đó tôi còn bé lắm! Tôi thường ngồi một bên xem. Tôi chỉ thấy ba tôi làm hai loại đèn đó là đèn ngôi sao và đèn bánh ú. Nhà tôi có ba chị em. Chị lớn tôi học lớp nhất, chị kề tôi lớp ba còn tôi thì đang học mẫu giáo. Vào những năm đó, Qui Nhơn chưa có điện. Đời sống cũng như hàng hóa còn rất đơn sơ. Hầu hết mọi người đều tự làm những vật dụng để phục vụ cho cuộc sống.
Khi đã có cái khung rồi, ba tôi cắt giấy kiếng để dán các mặt. Mẹ tôi thì phụ cắt. Dưới nền xi măng giữa nhà, hai người cặm cụi làm lồng đèn ròng rã suốt ngày. Khâu trang trí cũng mất một buổi. Ba tôi cắt mấy cái hoa dán ở các mặt, cắt giấy trang trí các đường diềm hay để làm những cái tua thòng xuống ở mỗi góc. Ba còn dùng thép để làm chỗ cắm đèn cầy, dùng thép để làm cái khoen móc cái cây để cầm… Xong đâu đó má tôi đem ra phơi nắng cho khô và giấy được căng thêm…
Năm nào cũng thế, chị lớn tôi là được ba làm cho chiếc đèn đẹp nhất, lớn nhất. Chị kề tôi là lồng đèn nhỏ hơn nhưng cũng đẹp còn tôi là cái lồng đèn nhỏ nhất. Thấy tôi phụng phịu ba tôi nói: - Con ở nhà chơi lồng đèn này là được rồi, mấy chị con đi học vì phải nộp lồng đèn để chấm điểm nên cần phải lấy cái đẹp… Tôi không nói gì nhưng cũng thấy buồn buồn …
Đêm Trung Thu, Mặt Trăng tròn to, sáng vằng vặc soi rõ khắp cả phố. Chị em tôi cùng với các bạn trong xóm đốt đèn. Những chiếc lồng đèn sáng lên, đủ màu vàng, đỏ, xanh …đẹp mắt. Người lớn bắc ghế ra ngồi trước hiên nhà xem con cái vui chơi. Thế nhưng trong xóm có nhiều gia đình nghèo nên không ít đứa trẻ chẳng có lồng đèn cứ chạy theo loanh quanh ngắm nghía … Một lát sau ba mẹ gọi chúng tôi, thế là cả bọn chạy đến. Quà cho chúng tôi chỉ là những viên kẹo lạc, kẹo cà…bánh in hay những trái ổi sẻ củ lang, củ mì…thế mà cả bọn trẻ vui mừng! Cùng nhau ăn ngon lành…Chúng tôi vừa ăn vừa rước đèn dưới trăng. Chỉ rước quanh quẩn đi lên đi xuống không dám đi xa… Có năm ba tôi bồng tôi và dẫn các chị tôi đi lên bây giờ là hội trường Quang Trung. Hồi xưa, nơi đây chỉ là khoảng đất xung quang nhấp nhô những mô đất ở giữa bằng phẳng để xem múa lân. Đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là múa lân! Một ông lân đầu lúc lắc gật lên, gật xuống, ngoắc qua, ngoắc lại, nghiêng qua bên này, nghiêng lại bên kia, nhảy lên, ngồi xuống…miệng hả ra rộng trống hoác, hai con mắt lồi ra trông rất dễ sợ. Tôi không dám nhìn cứ úp mặt vào người ba tôi. Rồi đến ông địa khuôn mặt bành ra cười cười, tay cầm cái quạt, quạt lia quạt lịa… mấy đứa nhỏ xung quanh khóc thét lên! Chị kề tôi cũng khóc đòi về! Thế là ba tôi dẫn chúng tôi về. Chị nói :
 - Ba ơi! Cái con gì mà đầu nó to, cái miệng rộng răng thì nhọn và lởm chởm. Nhà mình mà có con đó là con chết liền đó ba! Cả nhà cười ồ lên! Cái ấn tượng đó kéo dài và cho đến bây giờ, tôi chẳng bao giờ thiện cảm với khuôn mặt ông lân và ông địa…
Phải một thời gian sau này Qui Nhơn mới có bánh Trung Thu. Ba tôi lên tiệm Hóa Hưng ở đường Gia Long mua về, cắt ra cho cả nhà cùng ăn. Dạo đó, bánh nhỏ ít nhân chứ không lớn, nhân nhiều và đủ loại như bây giờ.
 Rồi Trung Thu qua đi, ba tôi lại treo những cái đèn lên một góc cao để dành cho năm sau.
Và cứ thế, mỗi năm khi tết Trung Thu đến ba mẹ tôi lại vẫn cứ cặm cụi làm những chiếc đèn cho con.Cho đến năm nào tôi không nhớ có lẽ khi các chị tôi đã lên bậc trung học còn tôi học lớp nhì hay lớp nhất gì đó và khi phố Gia Long bày bán những chiếc đèn thì Trung Thu. Năm đó, ba tôi ra phố mua về một chiếc đèn rất đẹp. Đó là chiếc lồng đèn hình con bươm bướm làm bằng tre. Hai cánh xòe ra, những đường vẽ cánh bướm rất đẹp lại thêm hai cái râu trên đầu rung rinh. Ban đêm thắp đèn lên màu sắc rất tuyệt…
Nhưng cũng từ đó, tôi không còn tìm lại được cái hình ảnh ba mẹ tôi bận rộn lo Trung Thu bên những nan tre để làm lồng đèn cho chúng tôi nữa!
Có một lần, ba tôi đi Sài Gòn về có mua một cái đèn. Ba nói với cả nhà đó là đèn kéo quân hay còn gọi là đèn cù. Tôi thấy chẳng đẹp vì nó giống như cái đèn măng-sông. Nhưng tối đến, khi ba tôi thắp nến lên treo ở giữa nhà. Cái đèn sáng rực lên và bên trong hiện lên mấy cái hình chuyển động xoay vòng vòng liên tục. Ngắm kỹ thì tôi thấy có hình con ngựa, hình người khiêng kiệu, hình các ông quan, hình các cô, các bà mặc áo tứ thân đội nón quai thao… thấy ngồ ngộ, lạ mắt vô cùng…
Mẹ tôi nói rằng, trong năm Mặt Trăng tháng tám là to và tròn nhất. Trung Thu lại là rằm tháng tám. Trăng lên cao, tròn và rất sáng. Trẻ em rước đèn dưới ánh trăng. Người lớn cũng ra sân ngồi uống nước nói chuyện ngắm trăng. Mẹ còn nói người ta thường ngắm trăng để dự đoán cho cuộc sống. Nếu trăng sáng vàng thì năm đó trúng mùa, trăng màu vàng cam thì đất nước yên vui thịnh trị nhưng nếu trăng có màu vàng xanh thì năm đó gặp nhiều thiên tai hạn hán, lũ lụt…
Riêng tôi mỗi lần nhìn trăng thì lại thấy một hình đen như hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc rồi cứ tưởng tượng đến chú Cuội với sự tích Chú Cuội trên cung trăng mà cô giáo thời Tiểu học đã kể và dù bây giờ biết rằng chẳng có chú Cuội nào cả nhưng cái ký ức đó nó cứ khắc sâu khó nhạt nhòa trong tâm trí.
Từ khi vào Sài Gòn đến giờ, chưa bao giờ tôi được ngắm Trăng đẹp và huyền ảo như ở Qui Nhơn. Vào những đêm trăng, khi hoàng hôn buông xuống, Mặt Trăng đã từ từ nhô lên trên dãy núi Phương Mai. Mặt Trăng tròn, to như quả bóng quét một vệt sáng vàng lấp lánh xuống một góc của mặt biển đang sẫm màu. Trời tối, trăng đã lên trên mặt biển, Trăng càng sáng soi rõ cả bãi cát, thấy rõ những chú dã tràng thập thò nơi miệng hang. Gió từ biển thổi vào mơn man đùa giỡn trên tóc. Tiếng sóng vỗ rì rầm hòa với tiếng réo gọi từ khơi xa tạo thành một bức tranh động đêm trăng trên biển đẹp tuyệt vời.
Trăng ở biển là thế! Đêm trăng ở vùng quê lại càng đẹp vô cùng. Nếu đến nông thôn vào một đêm trăng, tôi mới thấy Đêm sáng Trăng của Thạch Lam thật tuyệt vời.
Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi. Mặt trăng tròn, to và đỏ từ từ lên ở chân trời. Sau rặng tre đen của làng xa, mấy sợi mây còn vắt ngang qua, mỗi lúc một mảnh dần rồi đứt hẳn. Trên quãng đồng rộng, cơn gió nhẹ hiu hiu đưa lại, thoang thoảng mùi hương thơm ngát
Mưa bất ngờ ào xuống! Bọn trẻ tản mác ù chạy về nhà. Tôi cũng vội vã dẫn con cháu vào trong hiên. Mưa càng lúc càng nặng hạt, con bé buồn xo theo tôi vào phòng…
Ti vi phát ra bài hát Rước Đèn Tháng Tám quen thuộc:
Tết Trung Thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn ông sao với đèn cá chép. Đèn thiên nga với đèn bươm bướm. Em rước đèn này đến Cung trăng…
 Giữa cuộc sống bộn bề công việc luôn hối hả với mưu sinh ai ai cũng bận rộn nên đến Trung Thu ai cũng cố gắng ghé qua một cửa tiệm nào đó mua cho con đầy đủ không những một mà hai, ba cái lồng đèn đắt tiền. Tuy chiếc đèn đẹp nhiều màu sắc, nhiều kiểu dáng rất đẹp, rất hiện đại những ngọn nến được thay thế bằng những ánh sáng lung linh huyền ảo. rồi quẳng cho chúng tha hồ chơi. Ghé một tiệm bánh mua vài hộp. Những cái bánh nướng bánh dẻo thơm ngon…về nhà bắt chúng ăn đến phát ngán đến nỗi thấy bánh Trung Thu là thấy sợ… Rất đầy đủ về vật chất nhưng hình như tuổi thơ của chúng vẫn thiêu thiếu! Có lẽ đó là khoảng trời và ông Trăng riêng dành cho tuổi thơ.
Những khi Trung Thu đến, dù ở bất cứ nơi đâu, trong tôi vẫn có những khoảng lặng rất êm đềm, nhẹ nhàng giúp tôi hoài niệm lại những ngày xưa thân thương và cân bằng những cảm xúc hiện tại để thấy cuộc sống này vẫn đáng yêu.
Mưa vẫn tí tách rơi đều đều trên mái. Bầu trời đen thẳm, Ông Trăng trốn đâu mất tiêu chỉ để lại nỗi buồn cho lũ trẻ không được hưởng một đêm Trung Thu trọn vẹn…

Sài Gòn, Trung Thu 2012
         Irene.

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Tin Buồn

Trang SPQN vừa nhận tin buồn:

Thân phụ của bạn Đinh Thị Ái Ngâu, lớp Nhị niên 5, Khóa 12 -SPQN vừa mãn phần ngày 25 tháng 9 năm 2012 tại Sài Gòn. Linh cửu hiện quàn tại tư gia số 262 Đường Hòa Hưng, Quận 10, TP HCM. Lễ Di quan lúc 6 giờ sáng ngày 28/9/2012.
Xin thành kính chia buồn cùng bạn Ái Ngâu cùng tang quyến. Cầu cho hương hồn Cụ Ông được yên nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng.

BBT trang SPQN cùng bạn hữu.

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

TẢN MẠN VỀ HÀ NỘI.



                                     Irene.
        
Lúc còn bé, tôi đã rất thích Hà Nội qua những tác phẩm văn học :
…Trên đê Yên Phụ một buổi chiều mùa hạ. Nước sông Nhị Hà mới bắt đầu lên to, cuồn cuộn chảy…(Anh phải sống-Nhất Linh)
…Trời đông mưa phùn lấm tấm. Bên kia dãy nhà lá núp dưới chân đê Yên Phụ…nước Hồ Tây mù mịt, bát ngát mênh mông … chìm đắm trong cảnh sương mù buổi sáng.( Dưới bóng hoa đào-Khái Hưng-Nhất Linh).
         Dường như bàng bạc qua văn học đã ngấm vào trong tâm hồn tôi về Hà Nội với những hình ảnh đẹp và êm đềm: Cơn mưa phùn gió Bấc, con đê Yên Phụ, sông Nhị Hà, cái se se lạnh đầu đông với những chiếc lá bàng ngả sang sắc đỏ hay tiếng ve kêu râm ran báo hiệu hè về! Mùi hoa sữa nồng nàn, mùi cốm mới thơm thơm… Tôi đã tưởng tượng ra trước mắt một Hà Nội với Ba mươi sáu phố phường, với Hồ Gươm phẳng lặng in cảnh trời mây, Hồ Tây lãng đãng sương khói hay một phố cổ cũ xưa…Nghe đâu đây tiếng “leng keng” của tàu điện. Đường Cổ Ngư đón bước người về. Nghe thân quen các nơi như là Đống Đa – Cầu Giấy - Phố Quang Trung đường Nguyễn Du hoa sữa thơm nồng…
Rồi khi lớn lên, tôi bắt đầu thích Hà Nội qua các bài thơ :
         Tôi yêu những con đường Hà Nội
         Cuối năm cây cơm nguội lá vàng
         Những ngọn đèn thắp sáng lúc hoàng hôn
         Mái phố cũ nhấp nhô trong khói nhạt.
         … ( Những con đường tháng giêng-Xuân Quỳnh )
        
         Nhớ Tháp Rùa đứng nghiêng chờ nắng đổ
         Mặt Hồ Gươm phẳng lặng bóng chiều xiêu
        
         Nhớ Hồ Tây mưa phùn bay giăng phủ
         Bụi sương mờ lảng đảng bến bờ xa...
                               (Nhớ Hà Nội -Phố Đồng)
         Sau này khi đi dạy tôi lại thích lảng đảng cùng học sinh qua những bài giảng về Hà Nội  :
         Chiếc ô-tô-buýt chạy chậm dần rồi đỗ lại bên bờ Hồ Gươm. Hằng xuống xe rẽ về phố Bà Triệu. Chiều thu gió dìu dịu, hoa sữa thơm nồng. Chiều nào về đến đầu phố nhà mình Hằng cũng đều được hít thở mùi thơm quen thuộc ấy! Thật hiếm thấy một loài hoa nào có đủ sức tỏa hương cho cả một dãy phố dài hàng cây số như hoa sữa… Mùa hoa sữa - Mùa thu-Mùa khai trường …
Tuy không phải là người Hà Nội nhưng ai mà chẳng xao xuyến khi nghe những bài hát về mùa thu Hà Nội :
         Hà Nội mùa thu-cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thẫm nâu…(Nhớ mùa thu Hà Nội-TCS)
         Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?Từ độ người đi thương nhớ âm thầm. Có phải em là mùa thu Hà Nội…(Có phải em là mùa thu Hà Nội-Trần Quang Lộc )
         Nhiều nhiều lắm! Những bài hát về Hà Nội, bài hát nào cũng nhẹ nhàng, sâu lắng gợi cho người nghe nhiều cảm xúc.
         Rồi đến giọng nói của người Hà Nội nghe nhè nhẹ và sâu lắng. Nếu người Hà Nội vào định cư Sài Gòn lâu thì giọng nói của họ pha một chút âm hưởng miền Nam, nghe lại càng dễ thương đến lạ lùng.
         Tôi người miền Trung, mỗi khi cất tiếng nói, sao toàn những thanh nặng! Lên bổng xuống trầm nghe mệt làm sao!!! Nên tôi lại thích giọng Bắc! Nhưng mà phải là giọng Hà Nội chính gốc. Tôi cũng có nhiều người bạn nói tiếng Hà Nội, giọng nói sao mà dịu trong, nhẹ nhàng trìu mến đến lạ thường. Mỗi khi bạn tôi cất lên tiếng nói nghe rất lôi cuốn! Âm thanh nhẹ, rõ ràng, ấm áp, êm dịu vô cùng.
         Có người nói rằng : Miền Nam có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, cây trái tốt tươi nên giọng nói của người Nam rất ngọt thoải mái và bộc bạch.
         Miền Trung thì nhấp nhô núi đồi nên giọng người miền Trung lúc nào cũng trầm bổng lên xuống tha thiết.
         Còn miền Bắc pha trộn địa hình núi đồi với đồng bằng, thời tiết tạo cho người ở đây một giọng nói ấm áp, dịu dàng và sâu lắng.
         Vẫn biết rằng, giọng nói mỗi vùng miền khác nhau, tiếng nói mỗi địa phương có một nét đặc sắc riêng, một vẻ đẹp riêng. Thế nhưng ở đâu đó, một nơi nào đó, một lúc nào đó…bất chợt nghe giọng nói Hà Nội cất lên, tôi thấy lòng mình ấm áp, thân thương, nhẹ nhàng và gần gũi.
        
         Cám ơn em thầm giọng nói
         Còn trong tuổi nguyệt tây Hồ
        
         Thầm cám ơn em giọng nói
         Lay hồn ta tỉnh trong mơ…
( Giọng Hà Nội xưa-Hoàng Song Linh)

         Nghe thơ, văn, nhạc ca tụng Hà Nội như thế! nhưng mãi đến những năm cuối của thập kỷ 80, tôi mới có dịp đến thăm. Đây là lần đầu tiên đến đất Hà Thành nên tôi rất háo hức!
          Bầu trời thu Hà Nội xanh lơ với nắng nhạt, từng cơn gió heo may nhè nhẹ, những con phố tràn ngập lá vàng… Mùa Thu với  những “gam màu”: Hồ Thu xanh trong - Màu vàng cây cơm nguội - Màu lá vàng chuyển sang đỏ của cây bàng - Màu ngói nâu thẫm - Màu xanh non của cốm mới - Màu xanh của cây sấu - Màu rêu của cửa ô …tạo nên một sắc thu thật dịu dàng đầy quyến rũ. Ở miền Trung và miền Nam chỉ thấy hai mùa mưa nắng nên thật thích khi gặp bầu trời bàng bạc mây thu của Hà Nội.
          Tôi và mấy người bạn cùng nhau đi dạo quanh những con đường xem phố phường, nhà cửa, chợ búa, thắng cảnh…Vào thời gian này Hà Nội vẫn còn yên tĩnh và ít người. Đường phố Hà Nội không ồn ào, không tấp nập hay đông đúc, nhộn nhịp như Sài Gòn. Hà Nội cũng không trầm trầm, lắng đọng như Huế. Hà Nội không uốn khúc quanh co hay lên xuống như Đà Lạt mù sương …mà Hà Nội có vẻ yên ắng…mang vẻ tĩnh lặng dễ thương đến xao xuyến lòng người. Có những buổi sáng sớm trong cái se sắt lành lạnh của thu về. Tôi đi chầm chậm trên những con đường ở Hà Nội. Không khí thật bình yên, tinh khôi lạ thường. Thoang thoảng đâu đây mùi ngọc lan rất nhẹ.
         Buổi sáng chúng tôi thường đi bộ ra Hồ Gươm rất sớm. Ngồi trên những chiếc ghế đá bên bờ hồ, hít thở không khí trong lành. Ngắm Tháp Rùa rêu phong in bóng xuống mặt hồ phẳng lặng mờ mờ trong sương. Đằng xa chiếc cầu Thê Húc cong cong màu đỏ. Tôi thấy tâm hồn mình thanh thản, bình yên đến kỳ lạ! Dường như thoát khỏi cảnh phù hoa, đô hội, lùi xa mọi ồn ào, đua chen của cuộc sống.
 Hà Nội có rất nhiều hồ! Đó là đặc trưng thuận lợi tạo ra màu xanh cho những cây cối trong công viên hay hàng cây dọc theo những con đường. Ngoài ra các hồ còn làm cho khí hậu ở đây mát mẻ, dễ chịu… 
         Một cơn gió thổi qua! Một vài chiếc lá bàng rơi rơi. Tôi bỗng liên tưởng đâu đây hình ảnh hai chị em đi nhặt lá bàng trong tác phẩm Đôi bạn của Nhất Linh.
         Cơn gió thổi… lá bàng rơi lác đác,
         Cùng rơi theo loạt nước đọng trên cành.
         Những cây khô đã chết cả màu xanh,
         Trong giây phút lạnh lùng, tê tái ấy. (Thế Lữ)
Buổi sáng, không khí ở đây rất trong lành. Nhiều người đến tập thể dục. Những người bán hàng rong cũng đã có mặt. Tôi ghé đến gánh bắp của một bà cụ quấn khăn mỏ quạ trên đầu mua một trái bắp nếp dẻo còn nóng hổi. Bà cụ với giọng Hà Nội nhè nhẹ, rót mời tôi một li nước râu bắp trong veo. Uống vào thấy ngòn ngọt thơm thơm. Tôi có cảm giác như mình được sống với những con người xưa Hà Nội.
         Phở Hà Nội cũng có một đặc trưng riêng. Bánh phở tươi, thịt mềm nước đậm đà. Không có rau thơm ăn kèm như miền Trung và miền Nam. Không có phục vụ nước uống. Ăn xong, kéo nhau ra hàng nước chè trước cửa tiệm. Lúc đầu thấy hơi phiền! Nhưng thấy ai cũng vậy nên riết rồi quen. Bà cụ mở vung nồi, nước bốc khói lên nghi ngút. Vừa uống vừa thổi, cũng vui!
          Đi dạo chợ Đồng Xuân mua sắm thì rất thích! Vì hàng hóa rất nhiều. Hàng hóa hay áo quần may sẵn của Trung Quốc tràn ngập khắp chợ mà giá lại rẻ hơn hàng Việt. Bây giờ thì ta tẩy chay hàng Trung Quốc chứ vào lúc đó, nhờ những hàng này đã giải quyết được rất nhiều nhu cầu cần thiết cho mọi người trong cuộc sống thiếu thốn thời bao cấp.
Thường chúng tôi ít ăn ở khách sạn theo đoàn mà thường ra ngoài ăn. Tôi ghé vào hàng ăn ở chợ Đồng Xuân. Món bánh cuốn chả quế, chả Bắc là món ăn ngon ở đây. Chả quế ở chợ Đồng Xuân rất thơm ngon, mùi quế rất dịu còn chả Bắc thì rất đậm đà. Có lúc lại thưởng thức một bát bún thang hay một bát bún mộc…
         Buổi chiều đi dạo quanh bờ hồ, có nhiều người gánh những đôi thúng đi bán cốm vòng. Cốm được gói trong những chiếc lá sen. Mùi của cốm quyện với mùi lá sen tạo nên hương vị thơm thơm ngòn ngọt.
 Dừng chân ghé lại Hồ Tây, ngắm cảnh trời mây và thưởng thức món bánh tôm nóng giòn tuy không đặc sắc lắm nhưng cũng thú vị …
         Những buổi sáng, đứng trước cửa khách sạn, tôi thích ngắm các cô gái gánh hoa rong ruỗi khắp phố phường Hà Nội. Ở mỗi gánh đủ các loại hoa, đủ các màu sắc từ các làng hoa tỏa ra các phố. Nhìn các cô tôi liên tưởng đến cô Liên trong Gánh Hàng Hoa của Khái Hưng - Nhất Linh.   
 Thật là thích thú khi ngắm các cô quảy gánh những chùm vải thiều Hưng Yên đỏ mọng tươi roi rói mới hái còn nguyên cành lá xanh. Đi bán dạo hay ngồi dọc khắp các hè phố. Ăn những quả vải giòn giòn mọng nước ngọt lịm thơm ngon.
Tôi tìm thấy ở người Hà Nội nhất là người lớn tuổi cách đối xử và nói năng của họ rất nhẹ nhàng, lịch sự. Họ sống trong những ngôi nhà yên ắng. Đặc biệt người Hà Nội rất thích hoa sen, bên bộ bàn ghế gỗ, khắc chạm xà cừ…giữa bàn cắm một bình hoa sen màu trắng hay hồng hương lan tỏa rất nhẹ. Ta có cảm giác như lạc vào một không gian xưa.

         Sau bao nhiêu năm tháng, bây giờ, tôi lại có dịp ra thăm Hà Nội. Tôi ngạc nhiên Hà Nội bây giờ thay đổi quá! Đường phố nào cũng đông đúc người, xe cộ ồn ào, nạn kẹt xe xảy ra rất phổ biến. Chợ tấp nập người mua, kẻ bán chẳng khác gì Sài Gòn. Tôi cố đi tìm lại những nét xưa cũ nhưng cái không gian êm ả, trầm trầm lắng đọng hình như biến mất. Cái chất thanh lịch của người Hà Thành cũng nhạt dần, cảm giác như không còn nữa!
         Ba Mươi Sáu phố phường, nay dường như phố cổ. Phố xá Hà Nội khác xưa nhiều lắm. Ngày nay, phố Hà Nội thật phong phú và đa dạng nào là phố Hai Bà Trưng là phố điện tử với những cửa hàng chưng bày các đồ điện tràn lan. Phố Phùng Khắc Hoan với những cửa hàng vải chất cao ngất. Phố Trần Nhân Tông với những áo quần thời trang may sẵn treo đầy. Ẩm thực thì phải nhắc đến phố Tống Duy Tân với những hàng ăn nổi tiếng khắp mọi miền đất nước. Nếu thích ăn hải sản thì đến phố Tô Hiến Thành….
         Tôi đến thăm làng hoa Ngọc Hà. Làng hoa còn đó nhưng diện tích bị thu hẹp lùi dần vào bên trong. Trên đường cái một dãy quán với bảng hiệu cầy tơ hay nai đồng quê…chiếm hầu hết. Thoáng chút buồn buồn luyến tiếc không gian êm đềm của “Gánh Hàng Hoa”.  
          Hà Nội hiện nay được quy hoạch và xây dựng mới. Nhiều công trình kiến trúc mọc lên. Những ngôi nhà đồ sộ cao ngất. Hà Nội được mở rộng ra đến ngoại thành. Xe cộ tấp nập, nườm nượp trên đường. Cái mới đẩy lùi cái cũ có nơi xóa hết dấu vết xưa. Không gian Hà Nội như thu hẹp lại bởi cái ngột ngạt nóng bức của khói xe và bụi bặm. Người mọi nơi đổ dồn về đây. Vì vậy, giọng nói cũng pha trộn nhiều vùng miền là không thể tránh khỏi. Cho nên tìm nghe một giọng Hà Nội chuẩn thì còn đâu đó ở những người lớn tuổi hay trong những gia đình ở Tràng An vẫn giữ nét xưa. Riêng đối với đa số giới trẻ hiện nay thì thật là hiếm hoi vô cùng.
         Cái mới cũng có cái hay, cái đẹp của một xã hội tiến bộ văn minh để theo kịp thời đại. Biết là vậy, nhưng vẫn phải ngậm ngùi, vẫn phải xót xa khi dần dần mai một đi những cái cũ. Rồi đến một ngày không còn tìm lại được cái thanh lịch của người Hà Nội hay cái không gian xưa và chợt nhận ra rằng Hà Nội một thời bây giờ sẽ chẳng còn đâu??? Tôi xin mượn những dòng thơ để diễn tả tiếc nuối về sự hoài cổ :
         Hà Nội giờ chỉ còn trong ký ức
         Cảnh mưa phùn gió bấc lạnh căm căm
        
         Nhớ Gánh Hàng Hoa trên đê Yên Phụ
         Đôi vai gầy ướt đẫm bụi sương mai
        
         Nhớ ba mươi sáu phố phường xưa cũ
         Cửa đóng then cài phong kín tường rêu
         Của một thời chỉ còn qua tên gọi
         Ký ức nhạt nhòa hiện thực còn đâu.
                                    (Nhớ Hà Nội-Phố Đồng)

Sài Gòn, tháng 9/2012
          Irene.


LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...