Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Cuộc phiêu lưu của đàn kiến

Thanh Bình
Có một buổi sớm tinh mơ , khi ông mặt trời còn ngái ngủ , những tia nắng yếu ớt cố len qua đám mây xa cùng làn sương mỏng , chúng tôi rồng rắn kéo nhau lên đường , nghe nói ở nơi xa kia có đồi núi , có rừng thông ,có nhiều hoa và lá , thế là chúng tôi đi .

Ngày đầu :Điểm lại quân số gồm vợ chồng Kiến càng , hai bác Kiến già và hai Kiến sắp già , chúng tôi lên đường . Lúc này lòng đầy nhiệt huyết , nên mồm luôn hoạt động ( nói , hát , cười ...cả ăn nữa ). Nhà Kiến chúng tôi có rất nhiều đề tài để "mất thì giờ "từ Giết người trong mộng và tại sao giết hoài mà người trong mộng vẫn hiện về ...vv...Đồi thông hai mộ là vô lý hay là thơ mộng ...vv...đến cả Khi lính đã yêu rừng tàn núi lở ...( có một Kiến nói rằng nếu hắn gặp lính như thế hắn sẽ yêu nhưng ...nay hết rồi tiu nghỉu .
Khoảng hơn 13g chúng tôi tìm đến nhà Kiến Di Linh vì ...đói bụng mà . Và nơi đây rôm rả cười nói với cháo gà , bánh mì chả , cá hấp cuộn bánh tráng với rau xanh ...sau khi no nê , Kiến Di Linh còn cho chúng tôi thưởng thức món khoai nướng nóng hổi ( lại tranh nhau ăn không biết xấu hổ gì cả ) ngày xưa mẹ hay mắng thế ,sau đó chúng tôi lại thương nhau ngay ấy mà .
Chiều nhạt nắng cái lạnh cao nguyên se se , cùng nhau đến quán cafe Thành phố buồn ( sau được biết cái tên đó mọi người đặt cho vì nhìn ra trước mắt là một nghĩa trang ) ý tưởng đó cũng hay nhỉ . Chiều dần xuống thấp , vợ chồng Kiến Di Linh bịn rịn nhưng chúng tôi phải lên đường thôi .
Kiến càng chở chúng tôi qua những con đường quanh co , đồi dốc , hoa dã quỳ vàng rực từng mảng trên màu xanh của lá , và tôi với một chút mơ mộng bị sức hấp dẫn của màu khói xám của trời chiều , bầu trời rộng lớn quá sao tôi không là họa sĩ để được gom hết cả vào bức tranh và giữ riêng cho mình ( có lẽ vì ích kỉ thế nên tôi không là họa sĩ ) . Tôi nhìn thấy hàng thông xanh , ở thông có nét của một người đàn ông kiên quyết nhưng lãng mạn...giật mình vì đàn kiến ồn ào quá , cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi , thôi vậy .
Này nhé , xe chúng tôi vừa dừng trước nhà nghỉ Thế Vinh , có một Kiến già trai đứng đợi ( chẳng biết tự bao giờ ) ôm chầm lấy Kiến già gái từ trên xe vừa bước xuống , cả đám hét lên vì ( nam nữ thọ thọ bất thân , má vẫn dạy thế )làm cặp Kiến già hơi e thẹn một chút thôi , các bạn thông cảm vì vợ chồng già đã lâu ( mấy ngày ) không gặp nhau . Một bữa cơm nóng bên tô canh cá , ớt cay và rau xanh ...Ôi tuyệt vời .
Chúng tôi về phòng , có lẽ do mỏi mệt nên đêm đầu tiên tạm ổn .

Ngày thứ hai : 6g sáng , có thêm hai Kiến Quy Nhơn bổ xung vào ,đội quân của chúng tôi tăng lên thành tám , con số thật đẹp nhỉ . Các bạn biết rồi đấy , quân số tăng thì tiếng cười nói cũng tỉ lệ thuận nên chúng tôi cũng lo ( nhỡ vỡ bụng thì gay go ) .
Buổi sáng điểm tâm bánh canh , bánh hỏi , bánh bèo , bánh ướt ...Chúng tôi thực hiện cuộc hành trình .
Nhà Kiến chúng tôi bị lôi cuốn bởi cái gió se lạnh trong nắng thật vàng , ôi thật tuyệt , có kiến nào đó đang hát khe khẽ Đà Lạt ơi ru lòng người lữ thứ ...chúng tôi ghé vào quán , ngồi bên tách ca phê nóng nhìn ra hồ Xuân Hương , thiên nhiên ưu đãi đã đặt một hồ nước trong veo vào giữa lòng thành phố cao nguyên này , mặt hồ lăng không gợn tí sóng , bên hồ là những con thiên nga gỗ ( xe đạp trên nước ) hình như để dành cho những cặp tình nhân đạp nhẹ dạo quanh hồ , ôi giá như tôi còn trẻ nhỉ ( nói nhỏ ) . Ơ mà không trẻ thì đã sao , thì ta vẫn có thể ngồi nhìn ngưởi trẽ vui , người già mình ngồi cười và hát cuộc đời vẫn đẹp sao .
Chúng tôi dành nguyên buổi chiều cho Thung lũng tình yêu , thật đúng như tên gọi , khung cảnh êm đềm quá . Các bạn kiến tôi cười tươi như hoa vàng , hoa trắng , hoa tím , từng mảng màu cứ vây lấy quanh ta , ai cũng xúc động bởi màu sắc và chủng loại các loài hoa , nhất là hai Kiến Quy Nhơn ...chụp một pô đi ,chụp chỗ này nè , hoa trắng kìa chụp chị một cái nha , còn cẩm tú cầu nữa ... còn anh Kiến già thì thích tạo dáng bên cây cầu gỗ mắt nhìn xa xa ...Hôm nay trời rất đẹp nắng ấm khi trời đã vào đông .

Hai chân đã mỏi nhừ , các kiến tôi ngồi bệt xuống đất , ôi cái chân tôi ...tiếng ai vừa than ( không dám nói to vì sợ lần sau không được đi ) thế đấy, khi đời đã xanh rêu thì thế đấy .

Ngày thứ ba : Sáng đó đoàn có thêm Kiến Quảng Ngaĩ vượt quãng đường dài tít tắp , nhưng nơi nào có SP vui thì Kiến Quảng Ngãi cũng có mặt ( mặc kệ công việc chất như núi cũng bỏ sau lưng )cùng ngồi cà phê ở Thủy Tạ . Lại ôm cây guitar gỗ Kiến Càng say mê với giai điệu , chẳng lúc nào thấy anh ấy mệt vì hát . Còn có thêm anh Kiến Già nhạc sĩ lúc nào cũng lơ mơ , hay là anh ấy đang muốn sáng tác một bài hát nào đó chăng ?mặc kệ lũ em lao nhao cười nói , Kiến Già ngồi trầm ngâm , chẳng bao giờ la mắng dù chúng cũng có nhiều lỗi sai .
Buổi tối , sau khi ăn bánh mì xíu mại , nhìn sang bên kia đường thấy cà phê Gia Nguyễn trông hay hay thế là chúng tôi kéo nhau sang , ngồi bên nhau đàn hát còn gì bằng khi giáng sinh đang về ngoài kia trên thành phố thơ mộng này ,mặc kệ những cặp mắt ngạc nhiên pha chút tò mò ...già còn lãng mạn dữ ,già hồi xuân ...( nghĩ lại thì cũng vô duyên nhỉ ) nhưng mặc ai nghĩ gì , chúng tôi vui là được .
 Đàn Kiến phụ nữ có tiết mục biểu diễn thời trang bỏ túi , áo này thì quàng khăn màu gì ? màu này đen quá , màu này sáng quá ...khăn hoa nhiều màu không hợp với váy . chời ơi sao mặc áo veste với đầm dài , mặc áo khoác màu tím được đó ...còn giày thì ...ôi gót cao quá nhưng mình mang được mà ...chương trình chúng tôi cuối cùng kết thúc khi mỗi nhân vật cũng chọn được cho mình 1 bộ vía được tập thể đồng ý . Loài Kiến chúng tôi lúc nào cũng phát huy tính tập thể ( bầy đàn) cao .
Đến chiều viếng cảnh chùa Trúc Lâm Thiền Viện , ngôi chùa nằm trên lưng chừng núi , chung quanh là thông , thật nhiều thông , nhìn các bạn quỳ xuống với nén hương và lời cầu nguyện tôi thấy các bạn tôi thật đẹp .
Buổi tối , hình như mùa đông đang về ngoài kia mà chúng tôi ngồi trong xe nên đâu có hay , bờ hồ ban đêm dưới ánh đèn xa xa thật quyến rũ , nhà Kiến chúng tôi vội vã tràn xuống dự tính cho 1 đêm nhạc trữ tình , Kiến Già ôm tấm bạt , Kiến Quảng rít vội mấy hơi thuốc lá mà môi răng cứ không chịu yên , những Kiến phụ nữ thì khư khư khăn áo mà vẫn không thể nào đứng vững , chỉ một lúc cả đàn kiến vội chui vào xe và nghe tim mình loạn xạ , Kiến Già bỗng thốt lên lời ca Đà Lạt wu..ơi...cả bọn cười xòa và thế là hết lạnh .

Ngày thứ tư :Chúng tôi đến Bích Câu thăm các anh chị SPQN đơn vị Đà Lạt .Sau đó ,tranh thủ  chúng tôi vội mua sắm ít quà mang về vì hôm sau chúng tôi phải tạm biệt thành phố hoa rồi . Tối đó có them người khách lạ , sau khi biết qua gia cảnh ( bạn đời khuất núi )thế là anh Kiến già xúc động vì cùng cảnh ngộ ôm cây đàn rồi cứ thế lien khúc bắt đầu , anh Kiến già đôimắt  lim dim sau cặp mắt kính , măc cho lũ em lao nhao bấm lia lịa những tấm ảnh , vợ Kiến Càng chớ ai khác ( hay là cô ấy muốn săn những tấm ảnh đẹp bổ sung cho bải thơ Tình già của Phan Khôi ( đó là tôi chỉ đoán thế thôi )một đêm nhạc diễn ra  hoàn hảo đến không tưởng , vợ chồng Kiến Di Linh cùng Xuân Đài đến định rủ chúng tôi đi chơi nhưng đã bị chương trình ca nhạc này cuốn hút đành bỏ ý định và tham gia cùng chúng tôi , tuyệt vời nhất là tiết mục hát tập thể bài Ai đưa em về của Nguyễn Ánh 9 được hát trọn bài ( chúng tôi chuyên hát nhạc đứt ( có nghĩa là mỗi bài chỉ hát 1 khúc ) chỉ duy nhất bài hát ấy chúng tôi thuộc trọn cả bài ( thế mới lạ )  , anh Kiến già có lẽ phải 1 đêm mất ngủ , và người khách bất ngờ ấy chắc cũng ca bài Anh ơi suốt đêm thao thức vì anh …Thì đã sao , tuổi già mà được 1 đêm sinh hoạt vui vẻ sẽ tăng tuổi thọ đó ( lời của anh Kiến già)

Ngày thứ năm : trên đường về , chúng tôi ghé vào ăn trưa ở khu du lịch Madagui , dự định tham quan khu rừng nhưng khi nhìn thấy cái xe địa hình Kiến Già không bằng lòng , hơn nữa ai cũng mỏi mệt quá rồi , chỉ muốn về thôi .
Xe về đến SG thì phố đã lên đèn , chia tay nhau nhà Kiến chúng tôi lại về với tổ ấm riêng của mình , cái bắt tay , cái ánh mắt …chúng tôi trao cho nhau kèm lời hẹn cho những chuyến đi sau . Tính kết đoàn , thương yêu , gắn bó chẳng có gì sánh bằng loài kiến chúng tôi  phải không các bạn ?

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Viết Cho Anh...


Giáng Sinh lẻ bóng
Bùi Thị Kim Loan

Thắm thoát lại đến mùa Giáng Sinh – mùa của bọn mình như… “sam”.

Nhớ gì không anh ? Tối hôm ấy, lần đầu em “trình diện” anh chị Hai cùng các em các cháu nên khớp quá đi thôi. Sau đó hai đứa mình lang thang mãi đến quá nửa đêm mới chia tay.

Năm 75 này buồn quá anh ạ… Tại vắng anh đó ! Thiên hạ vẫn tấp nập nhưng sao em lại thấy chả vui gì, anh có biết không ? Buồn quá chẳng biết làm gì, thôi thì viết để nhớ đến anh vậy.

Chẳng biết đêm nay anh có ngủ được không nhỉ ? Chắc là không anh há ! Vì trời lạnh quá em đắp hai tấm mền mà vẫn còn lạnh. Trời ơi… Vậy thì làm sao anh chịu nổi ? Thương cho anh quá đi thôi… Hôm lên thăm, thấy anh có vẻ vững lòng tin, em yên tâm lắm. Mong chờ ngày anh về.

* * *

Ba em mất rồi anh ạ ! Mất sáng 25/12, đúng vào ngày Giáng Sinh đó anh. Có lẽ năm hạn hay sao mà hai gia đình gặp nhiều chuyện buồn quá anh ơi !

Nghĩ con người sống chết đều có số hết đó anh. Ba em lâu nay không ra Qui Nhơn, bỗng ngày giỗ anh Nhân năm nay, ba lại ra, có lẽ để từ giã má và hai em lần cuối. Em đi thăm anh về được mấy hôm thì có điện tín báo tin ba mất. Em thật không ngờ mau quá anh ạ ! Hôm ba ra Qui Nhơn vẫn còn khỏe mạnh và vui vẻ lắm. Em có đưa ba qua nhà thăm hai bác; rồi ba anh cũng qua lại thăm ba má em. Hai ông bố chuyện trò tâm đắc lắm. Thế mà ba em đã ra đi. Buồn quá phải không anh ?

Đừng nghĩ gì hết nghe anh, em có đại tang rồi đó. Nếu anh được về sum họp với gia đình là em mừng lắm rồi. Còn chuyện em về với gia đình anh mà có trễ hai / ba năm cũng chẳng sao. Do lòng hai đứa mình mà thôi. Chờ em anh nhé !

Anh còn nhớ gì không nào ? Ngày em dạy học ở Bồng Sơn anh cứ nhất định đòi “bắt” em về với gia đình anh trong năm 75. Không ngờ biến cố bảy-lăm đến, giờ thì ba em mất… Âu đó cũng là cái điềm, vì em bảo đừng cho em làm “bổn phận” sớm, vì em mới ra đời còn khờ lắm. Hai năm nữa nha anh. Không ngờ lời em nói giờ thành sự thật. Chẳng những hai năm mà còn hơn nữa nếu anh chưa về. Vững lòng chờ nhau anh nhé ! Em tin anh lắm. Thế anh có tin em không ? Thôi thì để thời gian trả lời mình vậy, chứ biết sao hơn.

Anh đã tin số phận chưa ? Anh và em, số hai đứa còn gian nan và lận đận quá. Có lẽ tại em đó, số em khổ lắm anh ạ ! Ai bảo anh quen em làm chi cho bị lây cái khổ. Giờ muốn sướng không, em nói cho nghe: “Đừng thèm chơi thân với em nữa là xong ngay. Một… Hai… Ba… Bằng lòng nhé… Gật đầu đi, em làm chứng cho… ”.

Viết đến đây tự nhiên buồn quá. Tính em hay nói đùa, rồi tự đem cái buồn vào người, đúng là lẩm cẩm. Xí xóa nghe anh ! Đừng bỏ em anh nhé, bọn mình đã từng nói: “Hợp lại để khổ chung mà, anh còn nhớ không ?”.

Thương anh nhất nhất !

Bùi Thị Kim Loan
(Giáng Sinh 2012)

GIÁNG SINH ẤM ÁP


                                   Irene.

         Thời gian trôi thật nhanh, mới đó mà đã gần bốn mươi năm rồi. Cứ mỗi lần Giáng Sinh đến thì tôi lại bồi hồi nhớ đến bạn bè tôi. Những người bạn một thời đã cùng tôi học dưới mái trường Sư Phạm…
Noel năm đó, Qui Nhơn trời rét! Từng cơn gió Mùa Đông Bắc tràn về mang theo cái lạnh và khô. Những cơn gió rít, lùa qua khe cửa lớp học, rồi vốc những luồng khí lạnh thả vào trong phòng làm cho mọi người xuýt xoa, ngồi sát vào nhau vì giá rét.
Hôm nay là Noel rồi! Không khí Giáng Sinh như tràn ngập khắp nơi. Giáng Sinh về trên những con đường phố tấp nập, trên những hàng cây reo vi vu và trên cả những khuôn mặt của mọi người rạng ngời niềm vui.
Cứ mỗi lần Giáng sinh về, tuy không khí ngoài trời lúc nào cũng lạnh lẽo nhưng trong lòng tôi lại thấy ấm áp, an vui vô cùng vì bên cạnh luôn có những người thân trong gia đình và những bạn bè xung quanh… Đang suy nghĩ vẩn vơ, cô bạn ngồi bên cạnh “huých” tay vào tôi, làm tôi giật cả mình!
-Tối nay, Noel có đi chơi đâu không?
-Chưa biết?
Trong lớp học im ắng, tất cả mọi người chăm chú nghe bạn lớp trưởng đang thuyết trình về đề tài gì đó? Đang là giờ học của thầy Đinh Kim… Một mảnh giấy từ dãy bàn phía bên kia chuyền sang cho tôi :
R..ơi! Noel lại về! Cứ mỗi lần Noel mình lại buồn! Và nhớ anh Thanh quá! ... H.Thanh”.
Tôi nhìn sang phía  Hoài Thanh, cô nàng ngước nhìn tôi với một khuôn mặt buồn buồn.
Hoài Thanh và tôi cùng tuổi với nhau và là đôi bạn học với nhau từ thời Tiểu học. Từ lúc còn bé, Thanh đã thông minh, nhanh nhẹn, dạn dĩ và ra vẻ “chững” hơn tôi nhiều. Còn tôi thì “khờ” lắm! Tính tình lại hiền, nhút nhát nên không bao giờ dám mạnh dạn trước đám đông.
Nhà tôi ờ đường Tăng Bạt Hổ, nhà của Thanh ở đường Phan Bội Châu đều gần Chợ Lớn. Má Thanh là người cùng quê với ba má tôi nên rất thân quen. Lúc còn học với nhau, mỗi khi tôi bị ốm không đi học được, sau khi khỏi bệnh là ba tôi thường chở tôi qua nhà Thanh để mượn vở về nhà chép bài. Cho nên tình bạn của chúng tôi càng  trở nên thân thiết.
Sang Trung học, Thanh học trường Trinh Vương. Tôi học Nữ Trung Học. Thỉnh thoảng, chúng tôi có gặp nhau trên đường hay ở đâu đó? Hai đứa tôi thường dừng lại hỏi thăm nhau hay chuyện trò với nhau vui vẻ.  
Năm 1972, cả hai cùng đậu vào trường Sư Phạm và một điều bất ngờ là được phân vào học chung một lớp.
Hôm khai trường, khi biết được cùng học một lớp. Thanh mừng lắm! Cô nàng cười tươi. Tôi nhớ mãi câu nói đầy cảm xúc của Thanh:
-Th mừng quá R ơi! Không ngờ vào đây có R bên cạnh. Mình cứ sợ lạc lõng một mình!
Tôi cũng vui lắm! nhưng chẳng biết nói gì? Tính tôi là vậy, luôn luôn ngại ngần nên dấu đi những cảm xúc!
Thế là từ đó hai đứa tay trong tay như hình với bóng. Hàng ngày đi học hay ra về cùng trên những chuyến xe Lam. Cùng nhau tâm sự những buồn vui. Cùng nhau chia sẽ những thầm kín trong lòng. Qua đó, tôi biết được Thanh vừa trải qua một mối tình đau buồn.
Thanh đã có “fiancé” rồi. Đó là một phi công. Anh ấy cũng tên Thanh. Chắc ai ở Qui Nhơn cũng đều biết đến ở góc đường Lê Lợi-Phan Bội Châu sát bên tiệm vàng Mỹ Phụng đối diện xeo xéo với rạp ciné Lê Lợi có quán café ThanhThanh đó là nhà của anh ấy. Thanh Thanh là tên ghép của hai người.
Dạo ấy, cuộc chiến bùng phát khốc liệt ở Miền Nam. Cũng giống như bao cuộc tình trong thời chiến, những người “có người yêu là lính mấy người đi trở lại…”. Thế rồi, một hôm nhận được “hung tin”, trong một chuyến bay, anh ấy đã vĩnh viễn ra đi, không bao giờ trở về nữa!
“…Bạn bè còn đó anh biết không anh?
Người tình còn đó anh nhớ không anh?
Vườn cỏ còn xanh, Mặt Trời còn lên!
Khi bóng anh như cánh chim chìm xuống…”
                           (Cho Một Người Nằm Xuống-TCS).
Thanh lịm người đi khi nghe tin “dữ”. Làm sao không buồn được trước nỗi đau mất mát quá to lớn! Tình yêu đầu tiên với một kết cuộc không được trọn vẹn. Từ đó, đôi mắt Thanh trở nên u uẩn. Khuôn mặt Thanh vốn đã có nét buồn buồn nay lại càng buồn vời vợi.
Khi vào học Sư Phạm, hàng ngày đến trường, bên cạnh các  bạn bè nỗi buồn của Thanh có phần nào vơi đi. Thỉnh thoảng vào buổi chiều cuối tuần hay những buổi chiều có giờ trống Thanh thường mang hoa đến nghĩa trang viếng mộ người yêu. Hôm qua, tan học Thanh nói:
-Noel đến là mình lại nhớ anh Thanh. Noel mọi năm anh đều xin phép đơn vị, về đưa mình đi chơi. Thế mà Giáng Sinh năm nay…
Thanh nghẹn ngào, đôi mắt rưng rưng ngấn lệ…Tôi chỉ biết cầm tay bạn bóp nhẹ:
-Thôi! Thanh đừng buồn nữa!
-Ừ, R về trước nhen! Thanh đi thăm anh ấy đây!
Tôi nhìn theo, cho đến khi bóng Thanh khuất cuối con đường đi về nghĩa trang, tà áo dài trắng bay bay trong gió chiều…
“… Em đi qua cầu, chở chiều trên vai, ngậm buồn trên môi, trái tim u hoài. Một người nằm xuống. Một người nơi đây…”  (Em đi trong chiều-TCS).
Tôi thấy thương cho Thanh quá!
Hôm sau, đến trường, tôi thấy đôi mắt Thanh có quầng thâm. “ – Hồi hôm, cô bạn của tôi lại mất ngủ nữa rồi!” Bây giờ, lại nhận được tờ giấy này của Thanh. Tự nhiên trong lòng tôi dâng lên một niềm xót xa, thương cảm vô hạn!
 Thú thật là vào lúc đó, tôi chưa có người yêu và lại càng không có người yêu là lính. Nhưng những năm đầu của thập kỷ 70 đó, khi mà chiến tranh lên đến đỉnh điểm, tôi đã chứng kiến chung quanh tôi những cái chết thương tâm: Những giọt nước mắt, những mất mát, những cuộc chia ly, những vành khăn sô chít vội vàng …cho nên tôi rất cảm thông trước những số phận của những cuộc tình!
Nghĩ đến đó, tôi vội quay sang cô bạn ngồi bên cạnh, nói nhỏ rồi hai đứa bắt đầu viết những mảnh giấy chuyền đi cho các bạn trong lớp hẹn tối nay đi chơi Giáng Sinh. Những ánh mắt lướt nhẹ lên những tờ giấy, những nụ cười tươi vui, những cái gật đầu đồng ý…
Chiều hôm đó, không có giờ học. Tôi qua nhà Thanh. Cô nàng còn nằm cuộn tròn trong chăn như một con mèo ốm. Tôi báo cho Thanh rằng tối nay bạn bè sẽ đến nhà Thanh vui Giáng Sinh. Nghe tôi nói như thế. Thanh ngồi bật dậy!
-Thiệt hả! Các bạn đến nhà mình hả?
-Ừ!
-Vậy thì để mình sẽ chuẩn bị trang hoàng nhà cửa và cả bữa tiệc Reveillon nữa!
Thanh mừng lắm! Thanh ríu rít nói chuyện với tôi. Cả người Thanh như linh hoạt hẳn lên. Tôi theo Thanh đi ra phòng khách. Hai đứa vội dọn dẹp, trang trí… Thanh bàn với tôi chuẩn bị một vài món ăn nhẹ…
Hoàng hôn vừa xuống, như đã hẹn, tôi đi qua nhà Thanh thật sớm! Khi đường phố chưa kịp lên đèn.
Từ xa, tôi đã thấy Thanh đứng chờ tôi ở nơi cửa. Thanh nở nụ cười tươi vui:
-Nhanh lên! Hai đứa mình đi vào trường để đón các bạn nữ ở nội trú chở ra nhà mình!
Nói rồi, Thanh kéo tay tôi lên chiếc xe Jeep trắng đang đậu trước hiên nhà. Tôi leo lên ngồi một bên còn Thanh cầm chiếc volant và rồ “ga”. Chiếc xe chạy đi nhẹ nhàng. Tôi đã nghe Thanh biết lái xe hơi nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy tận mắt cô bạn tôi lái xe một cách thành thạo.
Xe chạy xuống đường Lê Thánh Tôn vòng lên đường Nguyễn Huệ qua Eo Nín Thở rồi dừng lại trước cổng trường Sư Phạm.
Buổi chiều trời lạnh, gió từ biển thổi vào mang theo cái rét buốt. Các bạn từng tốp từ trong trường đi ra. Tiếng nói tiếng cười lao xao. Các bạn lớp tôi: Lệ Thu, Ánh Tuyết, Tỏi, Kim Phúc, Tâm Thanh… cũng vừa ra tới cổng định đón xe Lam. Thấy tôi và Thanh đến! Thế là các bạn vui mừng leo lên xe. Chiếc xe Jeep chở tất cả các bạn nữ  ở nội trú của lớp tôi. Trên xe chúng tôi chuyện trò với nhau rôm rả.
Trời tối dần, những con đường dẫn đến Nhà Thờ đã rộn rịp đông đúc hơn. Trước Nhà Thờ Hòa Ninh nằm trên con đường Nguyễn Huệ tấp nập người đi. Đèn điện sáng rực. Những dây đèn xanh đỏ vàng tím đủ màu, nhạc Giáng Sinh vang vang…Lòng của chúng tôi cũng rộn ràng theo.
Càng gần xuống con đường Lê Thánh Tôn dẫn đến nhà thờ Chánh Tòa thì người người càng đông hơn. Thanh cho xe chạy chầm chậm! Tôi quay qua Thanh nói:
-Đường đông người quá, Thanh!
-Ừ, Không sao đâu? Thanh mỉm cười trấn an tôi.
Chúng tôi đến nhà Thanh thì đã thấy có một số bạn nam đứng chờ ở trước nhà tự bao giờ. Thế là tất cả bước vào phòng. Thanh bật đèn lên! Ánh sáng xanh tím dìu dịu. Chiếc bàn ăn được trải khăn . Giữa bàn là bình hoa glaieul đỏ nổi bật. Một cây thông lớn đặt ở giữa nhà trang trí với những quả chuông đủ màu, những tấm thiệp với hình ông già Noel hay những con tuần lộc kéo xe trên tuyết…. Tôi bước ra phía sau bếp chào mẹ Thanh. Thì ra bác ấy đã chuẩn bị tất cả đâu đó rồi.
Thức ăn dọn lên! Chúng tôi ngồi vào bàn. Tiếng nhạc từ dàn máy Akai vang vang giai điệu dễ thương của bài ca Giáng Sinh quen thuộc : Jingle Bells.
Dashing through the snow
In a one horse open sleigh
O’er the fields we go
Laughing all the way
Bells on bob tails ring
Jingle bells, jingle bells
Jingle all the way
Oh, what fun it is to ride
In a one horse open sleigh…
Trong bầu không khí ấm cúng của căn phòng, bên cạnh những người bạn lớp 6 khóa 11 thân thương, Thanh như xúc động đứng lên mời các bạn cùng nâng một ly rượu vang thơm thơm…Thanh cắt chiếc bánh pudding…
Từng miếng bánh được chuyền đến cho mỗi bạn. Tôi thầm thì:
-Oh, bring us a figgy pudding! (Ôi, Hãy mang đến cho chúng tôi một chút bánh pudding may mắn!)
 Những khuôn mặt của mọi người ẩn hiện, lung linh trong ánh đèn nhấp nháy. Dường như tất cả chúng tôi không phải chỉ là vui với không khí lễ Giáng Sinh rộn ràng hay ngây ngất bởi cái nồng nồng của rượu, cái ngọt ngào của bánh mà là rất ấm áp vì quây quần bên nhau trong tình thân yêu, trong vòng tay của bè bạn.
Khuôn mặt Thanh rạng ngời niềm vui nhìn tôi và các bạn nói khẽ:
-Th cám ơn R và các bạn đã đem đến cho mình một đêm Giáng Sinh thật ấm áp!
Tất cả chúng tôi vỗ tay, nói lớn:
-Merry Christmas!
Tiếng cười, tiếng nói chuyện râm ran vang vang rộn rã cả căn phòng.
Khi chúng tôi bước ra khỏi nhà Thanh thì trời đã khuya. Sương xuống nhiều! Trời càng lạnh giá! Ngoài đường mọi người vẫn còn đông. Các bạn đi theo từng tốp, Thanh đi bên tôi. Chúng tôi co ro trong những chiếc áo ấm, những chiếc khăn quàng cổ… tiến về hướng Nhà Thờ.
Nhà Thờ Chánh Tòa Qui Nhơn rực rỡ ánh đèn. Mọi người nói cười rộn ràng. Chúng tôi len lõi giữa dòng người đông đúc đang tiến vào bên trong Thánh đường…
Bàn tay Thanh ấm áp trong bàn tay tôi :
-Chúc Giáng Sinh an lành!
Tôi mỉm cười với Thanh và thấy lòng rộn vui, ấm áp trong đêm Giáng Sinh, mặc dù ngoài trời đêm Đông lạnh giá. Đúng như ai đó đã nói:
“Đừng đóng chặt trái tim mình. Hãy mở cửa trái tim để biết rằng giữa Mùa Đông mình vẫn thấy ấm áp”
Tôi và Thanh cùng hát nho nhỏ:
We wish you a merry Christmas
We wish you a merry Christmas
We wish you a merry Christmas
And a happy New Year…
Tuy tôi là người ngoại đạo nhưng tôi cảm nhận được sự mầu nhiệm trong giờ phút thiêng liêng này. Tiếng chuông Giáng Sinh ngân vang, ngân vang...
Tôi ngước nhìn lên tượng Chúa Jesus và nói vào tai Thanh:
-I wish you Merry Christmas and happy New Year!
Bây giờ,  Những bạn bè năm xưa ấy, người còn? Người mất? Người trôi dạt khắp nơi?…Nhưng rất mừng là chúng tôi đã tìm gặp lại nhau hay liên lạc được hầu hết các bạn. Tôi và Hoài Thanh lại cùng nhau tâm sự những vui buồn trong đời thường sau bao nhiêu năm xa cách. Không ngờ rằng thời gian qua, mỗi chúng tôi đều có những chông chênh, những thăng trầm, những khúc rẽ…
Giáng Sinh năm nay lại về! Tôi xin gởi đến Hoài Thanh, các bạn và mọi người lời chúc chân thành nhất:
-Chúc tất cả bạn bè tôi và mọi người trên thế giới này một Mùa Giáng Sinh ấm áp, vui vẻ, may mắn, an lành và hạnh phúc.

Sài Gòn, Mùa Giáng Sinh 2012.
Irene.

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Tuyết Rơi - Lâm Nhật Tiến

Những bông hoa tuyết đã rơi đầy trên giao diện mới của Blog SPQN - bắt đầu cho mùa Noel cùng đón chào Năm Mới - Nhân dịp này BBT xin thân tặng các bạn đọc cùng các bạn cộng tác món quà âm nhạc cuối năm gồn hai nhạc phẩm:
- Tuyết rơi với tiếng hát của Lâm Nhật Tiến (video)
- Bài thánh ca buồn với tiếng hát của Trần Thái Hòa (audio)
Xin chúc cho quí Thầy Cô, Các Bạn cùng toàn gia quyến một mùa Noel an lành và nhiều hạnh phúc...

BBT SPQN




Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Thông Tin Xa Gần

Ban BT SPQN vừa nhận thông tin sau:

- Bạn Nguyệt, cựu giáo sinh SP khóa 11, là vợ của bạn Hoàng Văn Nam cũng khóa 11; đang mắc bệnh hiểm nghèo; sau thời gian chữa bệnh bằng xạ trị tại BV Chợ Rẫy hiện đã về lại Qui Nhơn với tình trạng không khả quan cho lắm...

Xin thông báo cho bạn bè xa gần được biết và nếu có thể xin các bạn có lời thăm hỏi hoặc trực tiếp thăm viếng, hầu có thể nâng đỡ tinh thần của bệnh nhân cùng những người thân.

BBT SPQN xin cầu chúc cho bạn Nguyệt gặp nhiều thuận lợi và may mắn trong việc điều trị để có thể sớm vượt qua cơn bệnh này.

* Cám ơn Thầy Hoàng Hy đã gởi thông tin.

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

CHIỀU QUÊ.

                      Irene.


          Có một lần trên chuyến tàu xuôi về Nam. Buổi chiều, bên cửa sổ, tôi phóng tầm mắt nhìn ra xa. Những cánh đồng lúa xanh rì, dòng sông uốn lượn, những mái nhà khuất sau lũy tre xanh, hàng cau, núi đồi… Bất chợt trong khung cảnh đó có một làn khói lam nhẹ bay lên rồi cuộn vào không trung. Khói lam lan tỏa ra từ các mái nhà tranh giữa một khoảng không gian rộng bao la. Khói lam tạo cho cảnh vật một sự sống động nhẹ nhàng trong cái bảng lảng của chiều quê. Cảnh chiều về, làm cho tôi nhớ nhung tha thiết đến thắt cả lòng. Vùng ký ức như được trỗi dậy, thảng thốt với những hoài niệm xưa cũ nơi quê nhà…
          Lúc còn rất bé, cứ vào dịp hè, chị em tôi thường lên nhà vợ chồng thằng em con ông chú trong họ ở cầu Bà Di chơi. Nói là em vì vai vế bà con chứ thật ra nó lớn tuổi hơn chúng tôi nhiều! Nhà vợ chồng nó chỉ là một ngôi nhà thuê. Phía trước mặt là cánh đồng rộng bát ngát, xa xa là con đê, dòng sông và chiếc cầu tre...
 Từ bé đến lớn ở thành phố, nay được về đồng quê nên chị em chúng tôi thích lắm! Suốt ngày ba chị em tha hồ chạy nhảy. Lúc thì đi ra cánh đồng phía trước xem cảnh gặt lúa. Khi thì đi vào trong xóm chơi. Có khi theo thằng em đi bắt cá, bắt cua…Riêng tôi, tôi thường thơ thẩn ngắm cảnh đồng ruộng, dòng sông. Cảnh Mặt Trời lên, cảnh buổi trưa yên ắng hay cảnh chiều về. Thế nhưng cảnh chiều về đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất!
          Không gì đẹp và yên bình của vùng quê khi Mặt Trời đã khuất sau dãy núi! Không khí lúc này dịu dần. Từng cơn gió thổi từ xa đưa lại thoang thoảng  mùi thơm của hương lúa chín. Gió chiều đùa giỡn trên những cánh đồng rồi đuổi nhau tạo thành những gợn sóng xô chạy ra xa tít về cuối chân trời. Bầu trời quang đãng. Từng đàn chim  nhịp nhàng tung cánh rủ nhau bay về tổ. Giữa không trung, những cánh diều tung tăng bay lượn theo chiều gió. Tiếng sáo diều vi vu nghe êm êm. Trên đường làng, các mục đồng thong thả từng bước dẫn trâu bò về chuồng… Dưới ruộng, các bác nông dân vội vàng làm nốt cho xong công việc. Trên những mái nhà, khói lam chiều là là bay lên như một tấm lụa mỏng mềm mại, uốn lượn rồi lan tỏa hay quyện vào nhau tạo thành một mảng màu lam như ôm ấp, như quyến luyến, như bịn rịn như gọi mọi người quay về nhà, về bên mái ấm gia đình, sau một ngày vất vả, bận rộn với công việc.
Chiều dần dần trôi, thoang thoảng trong gió mùi ngai ngái của rơm rạ, mùi bùn đất của đồng quê quen thuộc…Hoàng hôn buông xuống. Cuối chân trời xa, một màu tím nhạt hình rẽ quạt hắt chéo lên một góc trời. Bức tranh chiều về ở nông thôn với những mảng màu dịu mát đẹp nhẹ nhàng và thanh bình.
          Có những hôm, bất chợt có một cơn mưa rào nào đó. Thì cảnh đồng quê như khởi sắc, tươi tắn hẳn lên! Đồng lúa, cây cỏ, mọi vật… như được tắm gội sạch sẽ và không khí trở nên mát mẻ dễ chịu.
          Đứng trước khung cảnh chiều về giữa một cánh đồng lúa bao la, tâm hồn tôi như được hòa vào cùng với thiên nhiên và cũng từ đó tôi yêu cảnh chiều về! Chiều về làm cho tâm hồn tôi như lắng lại dịu dàng, yên vui đến bất ngờ!
          Chiều ơi! Lúc chiều về là lúc yên vui. Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều. Chiều ơi! Chiều ơi! Chiều ơi!..”(Nương Chiều-Phạm Duy)
          Sau này, khi tôi đã là cô giáo. Ra trường, tôi đổi về một vùng quê dạy học. Thời gian này quê hương không yên bình như những năm trước đây, vì lúc đó chiến tranh bùng phát dữ dội! Thế nhưng ở vùng quê ấy, mỗi khi chiều về, tôi vẫn tìm được cho mình một khoảng lặng êm ả của tâm hồn.
 Tôi rất thích ra phía sau nhà  ngắm cảnh chiều về. Buổi chiều, Bồng Sơn thường trở về với một vẻ yên tĩnh đến lạ thường, đến nỗi tôi có cảm giác như có một cái gì đó đang trầm lắng xuống thêm một chút nữa trong cái thị trấn luôn ì ầm với tiếng súng, tiếng bom đạn. Mà cũng lạ thật đó nghen! Cứ mỗi khi chiều về là hình như chiến sự có vẻ lắng lại. Hai bên ngừng tiếng súng! Quê nhà chiều về có vẻ yên ắng hơn so với những thời khắc khác trong ngày. Cũng có thể cả ngày hai bên chiến đấu mệt mỏi nên lúc chiều về nghỉ ngơi một chút chăng???
 Buổi chiều trên sông Lại Giang thật êm đềm và cũng thật là hiền hòa. Dòng nước lững lờ trôi một cách phẳng lặng. Mặt nước phản ánh cảnh mây trời. Chiếc đò của ai gác mái đứng chơ vơ bên hàng lau lách… Trong màn sương mỏng mờ mờ, nhìn qua bên kia sông, những hàng dừa lặng lẽ xỏa bóng, những lũy tre như đang từ từ xanh sẫm lại. Những mái nhà tranh tỏa khói bếp chiều. Những làn khói lam mỏng manh uốn lượn, bay lên rồi vẩn vơ vương lại từng chùm quanh quẩn bên những hàng cây hay là đà quyện vào với núi đồi. Trong mây trời, non nước bao la, chiều như nhẹ nhàng bước khẽ. Khung cảnh thật đẹp, thật nên thơ! Đâu đây man mác vương vương một nỗi buồn. Làm cho tôi nhớ nhà đến mềm cả lòng!
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây,
Ngỡ lòng mình là rừng,
Ngỡ hồn mình là mây…(Chiều-Hồ Dzếnh)
Cảnh chiều về ở Trung Lương-Phụ Đức đẹp và buồn đến “mụ mẫm” cả người. Chiều về nắng nhạt dần trên những khóm cây. Trên con đường vào làng, tiếng gió thổi xào xạc qua hàng tre xanh hai bên đường. Tiếng chim ríu rít trong những cây bòng đang gọi nhau rồi cất canh bay về tổ ấm…  Khuất sau những vườn cây, làn khói bếp từ những mái nhà tranh đang cuộn bò nhẹ rồi tỏa lan vương vấn bảng lảng trong chiều. Thanh bình và êm ả quá!
Không gian sẫm dần lại trong màu tím của hoàng hôn. Trong không gian trầm lắng đó, một tiếng chuông của ngôi chùa trong làng ngân vang như kéo hồn mình thoát tục…Thật hiếm có cái khoảnh khắc nào như thế! Ta như tìm cho tâm hồn mình những giây phút thanh thản, yên bình ở một nơi được mệnh danh là “tận đầu hỏa tuyến”. Tôi bỗng nhớ lại một bài hát mà tôi rất thích :
Có một lần tôi về qua nơi đó, tiếng chuông chùa ngân báo tin đêm về. Tôi gặp bà mẹ quê, dìu tôi theo lối về, rặng tre thưa dưới đê…” (Đêm này nghỉ đỡ chân-Tuấn Khanh).
Chiều về, luôn làm cho tôi bình yên và hình ảnh khói lam trong chiều luôn gợi cho tôi một sự đoàn tụ gia đình ấm áp, bên bữa cơm chiều đơn sơ, ấm cúng sau những bộn bề, vất vả, lo toan. Hình ảnh khói lam chiều còn làm cho tâm hồn tôi như trở về lại với những gì thân thuộc và được sống những tháng ngày vui vẻ bên gia đình thân yêu .
Thời gian trôi, tôi về làm dâu An Vinh-Tây Sơn. Bây giờ thì chiến tranh đã chấm dứt! Làng quê rất yên bình nhưng người dân quê  lúc này rất nghèo và rất vất vả.
“…Ruộng khô có những ông già rách vai. Cuốc đất bên đàn trẻ gầy. Có người bừa thay trâu cày…” (Quê nghèo-Phạm Duy)
Một năm tôi về quê vài lần. An Vinh nằm bên bờ sông Côn trong xanh hiền hòa. Mùa hè nước trong như lọc. Mỗi khi chiều xuống lung linh vạt nắng cuối ngày trên mặt nước huyền ảo. Bác lái đò gác mái trở về nhà để lại con đò nằm lặng yên trên bến đậu. Dòng sông này, đã để lại trong tôi bao kỷ niệm êm đềm bên người mẹ già tảo tần, vất vả hôm sớm và những người dân quê nghèo khó, những họ hàng làng xóm chân chất thật thà ...
Tôi thường đứng trước hiên nhà ngắm cảnh chiều về. Tiếng hót của con chim chiền chiện trên cành cây nhãn sau nhà như lọt thỏm và rơi vào không gian tĩnh mịch. Những con chim khác cũng vội vã ríu rít rủ nhau bay về tổ như mang cả chiều đi. Vạt ngô xanh tươi trong vườn khẽ lay động theo gió chiều. Dưới ruộng rau muống, mẹ chồng tôi đang lom khom cắt rồi bó thành từng bó để sớm mai đi cho kịp chợ phiên. Chiếc áo nâu sờn ôm lấy đôi bờ vai gầy gầy của mẹ. Nón trắng nhấp nhô theo với đôi bàn tay gân guốc chai sạn vì công việc ruộng đồng.
Bước ra phía trước, cả một cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt thoang thoảng đưa hương. Trên con đường làng, hai bên hàng tre vắt ngang qua xào xạc theo gió. Những người nông dân gầy guộc trong manh áo cộc vác cuốc, vác cày trở về! Những mục đồng lùa đàn trâu bò cũng đang lục đục kéo nhau về chuồng, tiếng rục mõ khua vang... Mùi bùn đất rơm rạ bốc lên sau cái nắng oi bức của ngày hè. Khói bếp tỏa lên từ các mái nhà tranh trong xóm. Khói lam chiều như ôm ấp lấy xóm làng như dòng sông bạc hiền hòa giữa không gian tím thẫm của hoàng hôn.
Tuy cuộc sống rất vất vả nhưng khi chiều xuống, mọi người vứt bỏ sau lưng bao lo toan để trở về bên mái ấm gia đình, bên mâm cơm chiều đầy ắp tiếng cười.
Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm chạy dài trên khóm tre, đàn chim ríu rít ca. Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm… (Chiều Quê – Hoàng Quý).
Chiều về! Trong lòng tôi luôn có cái cảm giác êm đềm, an vui, cuộc sống trở nên bình yên và thanh thản.
Tôi như say say trong nhập nhoạng của chạng vạng. Mơ mơ màng màng trong cái hương nồng nhừa nhựa của cây cối,
  Trong nhà, mẹ chồng tôi đã chuẩn bị bữa cơm chiều. Mâm cơm rau mắm. Rất đơn sơ và đạm bạc! Dưới ngọn đèn dầu, mọi người ngồi quây quần bên nhau ăn uống, chuyện trò vui vẻ trong không khí yên bình đầy tình thương yêu. 
Ngoài vườn, những mảng tối dần dần tiến đến rồi lan nhanh. Bóng tối như một lớp bụi mờ, đen dần phủ đều lên mọi vật. Trong những lùm cây Dạ lý, cây bưởi… nàng hương đang rón rén bước ra. Tiếng ễnh ương, tiếng dế, tiếng côn trùng…hòa vào nhau tạo nên một dàn đồng ca cho những cô nàng đom đóm say sưa trong vũ khúc đón chào đêm xuống!
Chiều về! Bao giờ cũng tạo cho tâm hồn tôi nhiều cảm xúc đẹp! Tôi yêu những gì xung quanh nơi quê hương tôi như dòng sông, bến nước, con đò, cánh đồng lúa, con đê, cây đa, mái nhà tranh, lũy tre...xóm làng. Ở đó, là quần tụ của những người thân thuộc, của những họ hàng, làng xóm… những người quanh năm tay lấm chân bùn nhưng họ sống với nhau trong tình làng nghĩa xóm.
Chiều về, Tôi như tìm lại được tuổi thơ tôi. Một thời thơ ấu hồn nhiên, vô tư, trong trẻo…Không vướng bận với những lo toan, muộn phiền…
Chiều về! Tôi như tìm được cho mình một khoảng bình yên cân bằng trong tâm hồn sau những gì xảy đến với tôi làm cho tôi cảm thấy ít nhiều chông chênh trong cuộc sống.
Bây giờ tôi đã bước vào tuổi xế chiều! Một giai đoạn tôi cho là đẹp và bình lặng nhất của một đời người. Theo tôi, bây giờ tôi như cảnh chiều về. Yên bình nhưng luôn mang nỗi buồn hoài niệm. Tuổi về chiều, tôi bỏ lại phía sau tất cả những bon chen vất vả của cuộc sống để sum vầy bên con, bên cháu, bên những người thân. Rồi sống an lạc, thanh thản và hạnh phúc.
Sài Gòn chiều nay mưa. Cơn mưa trái mùa kéo qua thành phố. Mỗi lần mưa, tôi rất thích đến bên cửa sổ nhìn ra vườn sau. Ngắm những cây ổi, cây xoài, cây bưởi… cành lá sũng nước. Từ trong các bụi chuối, những con gà đang ẩn nấp kêu “chiếp! chiếp!”. Trên mái nhà bếp một làn khói lam bay lên! Hình ảnh làm cho tôi gợi nhớ! Tự nhiên, tôi thấy tâm hồn mình trở nên bình yên, thanh thản đến nhẹ nhàng. Trong không gian vườn chiều như thoảng hương thơm. Mùi cây cỏ mục, mùi đất…rất quen thuộc! Không thể lẫn vào đâu được. Tôi chợt nhận ra rằng: Dù ở bất cứ đâu? Ở bất cứ miền nào trên quê hương mình? Tôi vẫn tìm thấy và nhận ra được lúc chiều về, một mùi vị rất quen thuộc đó là :
-          Mùi vị của chiều quê!

Sài Gòn, Tháng 12/2012.
Irene.

Thư Ngỏ của Ban Liên Lạc CGS SPQN tại Dalat



                                      THƯ NGỎ

                          Về việc ra mắt Tập san
              “ GIA ĐÌNH SƯ PHẠM QUI NHƠN”
                     sẽ được phát hành tại Đà Lạt.

Kính gởi : Quý Thầy cô giáo cũ và bạn bè cựu GSSPQN .      

        Tập thể Thầy cô giáo cũ và cựu GS Sư phạm Qui Nhơn Việt Nam là một tập thể lớn qui tụ hàng ngàn thầy cô giáo xây dựng nên rất nhiều mẫu hình gia đình SP rất đáng trân trọng .
        Nhân kỷ niệm 50 năm, ngày thành lập trường xưa, trường SPQN thân yêu của chúng ta. Ban LLCGS SPQN tại Đà Lạt dự kiến sẽ phát hành Tập san đặc biệt với tiêu đề “ Tập san gia đình sư phạm Qui Nhơn ”, dự định sẽ ra mắt quí bạn đọc trong và ngoài nước cũng vào tháng 12 năm 2013, với lễ họp mặt và ra mắt Tập san tại Đà Lạt.
              Mục tiêu chính của Tập san là lưu giữ lại càng nhiều càng tốt các hình ảnh quí có giá trị nhiều mặt về ngôi trường SP QN cũ cùng các bài vở (đa thể loại) sáng tác do Quí thầy cô và bạn bè cựu GSSPQN trong và ngoài nước gởi về .
              Trong điều kiện còn hạn chế về nhiều mặt, song chúng tôi không chịu cảnh “lực bất tòng tâm” nên vẫn hạ quyết tâm phát hành bằng được Tập san Gia đình SPQN  của chúng ta.
           Tha thiết kính mong Quý thầy cô và bạn bè cựu GSSPQN  nhiệt tình hưởng ứng đóng góp ý kiến và gởi hình ảnh, bài vở do chính quí vị có hoặc sáng tác chỉ cần nội dung có liên quan đến SPQN .
           Dĩ nhiên chúng tôi có Ban Biên tập và phát hành tập san theo đúng pháp luật qui định. Các chi tiết khác chúng tôi sẽ đăng rộng rãi trên website mang tên :
“ WWW.giadinhsuphamquinhon.vn ”
Bước đầu xin được phép kính gởi thư ngỏ này đến Quý vị và mong mỏi có sự động viên giúp đỡ các mặt .
          Trân trọng ./-

                             Ban LLCựu GSSPQN tại Đà Lạt.

Ghi chú : Thư từ, hình ảnh, bài vở xin gởi về trước ngày 12/9/2013. xin chân thành cảm ơn và mong mỏi sự hợp tác của Qúy vị .

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...