Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Học trò vùng cao Kim Bon săn chuột để thoả cơn thèm thịt

Dựng lều tạm, chiều bẫy chuột, sáng lấy chuột về làm thịt ăn… là cuộc sống hằng ngày của các em nhỏ vùng cao Kim Bon, Phù Yên, Sơn La trên con đường học chữ.


Những căn lều tạm
Đến được nơi mà các em nhỏ Kim Bon sống và học tập chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ đi từ chân núi, vượt qua nhiều dãy núi. Đường lầy lội vào mùa mưa, mùa hè thì bụi mù dày đặc. Cuộc sống của các em nhỏ nơi đây dường như bị cô lập với thế giới bên ngoài.
 Lều tạm do học sinh tự làm để ở
Lều tạm do học sinh tự làm để ở

Xã Kim Bon là một trong những xã lớn nhất ở huyện Phù Yên, xã chủ yếu có hai dân tộc sinh sống là người H’Mông và người Dao. Cư dân ở đây sống rải rác ở các ngọn núi khác nhau. Để tìm kiếm được con chữ, các em nhỏ phải vượt mấy chục cây số để đến trường.
Do trường cách quá xa nhà nên việc vận động học sinh ở bán trú để đến trường đối với các thầy cô giáo và cán bộ xã vô cùng khó khăn.
Cô Hồng, hiệu trưởng trường cấp 2 Kim Bon, cho biết: “Các thầy cô giáo trong trường phải đến tận từng nhà, từng bản cách trường mấy chục cây số để vận động các em đi học, nhưng cứ mùa thu hoạch ngô và lúa nương đến thì phụ huynh bắt con ở nhà đi làm nương, thầy cô giáo không thấy học sinh đến lớp lại đến tận nhà vận động phụ huynh cho các em đến trường”.
Chỗ trọ 70 nghìn một tháng của học sinh vùng cao
Chỗ trọ 70 nghìn một tháng của học sinh vùng cao

Cách trường mấy chục cây số, không có tiền thuê trọ, những cậu học trò người Dao phải vác gỗ, nứa từ nhà đến làm lều tạm cách trường gần 2 km. Căn lều tạm quá đơn sơ, ngoài những cây gỗ dựng lên thành khung, lấy những tấm mên làm từ tre chắn xung quanh, nền nhà bằng đất và chỉ bỏ mấy tấm gỗ làm phản để ngủ. “Lạnh buốt chân và tay mỗi khi đi ngủ vào ban đêm” – Đặng Văn Cường – một học sinh trọ học thỏ thẻ.
Còn những em nhỏ có điều kiện hơn thì thuê nhà người dân để ở, “Mỗi tháng chúng em mất 70 nghìn/người tiền chỗ ở, tiền điện tính riêng. Mà tháng này không hiểu sao lại tăng giá điện, em mất 9 nghìn đồng trong khi đó tháng trước có 7 nghìn. Mỗi tháng bố mẹ cho em hơn 100 nghìn đi học”, cậu học trò Đặng Văn Khánh kể.
Những căn nhà tạm bợ như thế này không thể che mưa, chắn gió ở nơi có thời tiết khắc nghiệt như ở vùng cao Kim Bon được. Mùa đông ở đây nhiệt độ luôn dưới 10 độ mỗi khi đêm về, kéo theo đó là sương mù dày đặc.

Săn chuột cải thiện bữa ăn
“Thèm ăn thịt” là cảm giác chung của những em học trò nơi ở nơi đây. Bởi có về nhà thì các em cũng chỉ được bố mẹ cho một ít gạo, mấy mớ rau, vài quả bí đỏ và một hộp muối để ăn với cơm.
Bạn nào sang hơn thì bố mẹ cho thêm một lọ măng muối chát đắng vì mặn. Vì vậy mà thịt chuột là món ăn được các em chọn làm thức ăn “sang” mỗi ngày và nhất là để giải tỏa cơn “khát” thịt.
Cơm trắng ăn với cá khô rang muối
Cơm trắng ăn với cá khô rang muối

Bẫy chuột là công việc hằng ngày của các em nhỏ sau mỗi giờ học. Các em chia từng tốp nhỏ, chia luôn những nương lúa, ngô, sắn để bẫy chuột. Chiều học về lúc 16h, các em lại rủ nhau đi đặt bẫy, sáng sớm tinh mơ tầm 5h sáng rủ nhau đi lấy chuột.
Đặng Văn Cường vừa mới nhập học cách đây mấy hôm mặt buồn rượi khi kể về sự thất bại liên tiếp của mình. “Em chưa quen với cách bẫy chuột ở nơi đây nên mấy hôm liên tiếp theo các bạn đi bẫy nhưng em không bắt được con nào, nên em ăn cơm rau hoặc ăn với muối”.
Về cách làm thịt chuột như thế nào Cường chia sẻ: “Em đập chết chuột, xong lột da nó ra và hơ lên bếp, rồi mổ bụng nó ra, vứt hết bộ lòng, để lại gan và xào lên ăn với cơm”.
Với những học sinh ở khu bán trú thì nếu không bắt được chuột thì các em mua cá khô để ăn cơm. Có cá khô để ăn với cơm là quá sang với các em nhỏ nơi đây, Thầu A Sếnh đang rửa cá khô cho vào nồi phấn chấn nói: “Cá này em mua 5 nghìn, cho hai người ăn với cơm, em rang với muối”.

Chân trần, áo mỏng… và rét
 Đến thăm những học sinh trường tiểu học, không ít người mủi lòng khi thấy các em mong manh trong áo mỏng, chân đất đỏ ửng. Khi được hỏi các em có lạnh không, cả nhóm xôn xao tiếng H’Mông “No no” (rất lạnh – PV) 
Những đứa trẻ chân trần, áo mỏng chống chọi với giá rét
Những đứa trẻ chân trần, áo mỏng chống chọi với giá rét

Áo ấm, tất chân… đối với các em là thứ quá xa xỉ. Một bà mẹ người H’Mông bế con trên tay, đứa bé chỉ có một cái áo, không có quần... Những đứa trẻ chân trần đỏ ửng, đứng run lên từng hồi vì lạnh. Các em vẫn đang mơ ước có một cái áo ấm chống rét.

Hồ Sỹ Anh

Một số hình ảnh xem thêm:
Nướng chuột trên bếp lửa (Ảnh: Giàng A Cối - GDVN)
Tất cả các bộ phận của con chuột còn lại sau khi mổ (chỉ vứt đi phần ruột, gan để lại) sẽ được chặt nhỏ và cho vào xoong
(Ảnh: Giàng A Cối - GDVN)


Đôi chân lấm lem bùn đất với nồi thức ăn lõng bõng nước (Ảnh: Giàng A Cối - GDVN)


Thịt chuột được Giàng A Ninh làm sạch trước nguồn nước chính của học sinh nội trú 

 

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

TẾT QUÊ TÔI.

                 Irene.

         Mấy hôm nay trời Sài Gòn như chuyển tiết lập xuân. Mưa lất phất bay, thời tiết trở nên lành lạnh giống khí hậu miền Trung quê tôi vào những ngày giáp Tết.
Ở đây, bắt đầu từ Giáng Sinh là không khí Tết như đang tràn về trên những hàng cây, trên những con đường, trên khắp phố phường… và làm nao nao lòng tất cả mọi người.
         Sáng nay, tôi vừa nhận được một thùng quà ở ngoài quê gởi vào. Nhìn những món bánh, mứt, những đặc sản riêng biệt của quê mình sao tôi cảm thấy bồi hồi trong dạ. Từ lúc tôi vào miền Nam này để ở với con cái. Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến thì bà con bên nội, bên ngoại, chị em bạn bè ngoài đó lại lần lượt gởi cho tôi những món quà quê hương đậm đà tình nghĩa…gợi lại cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm về những ngày Tết êm đềm nơi quê nhà.
         Ở quê tôi, khi mà cái giá rét của Mùa Đông vơi dần đi nhường chỗ cho những tia nắng ấm áp thì dường như đâu đó Mùa Xuân đang hiện diện. Mùa xuân về trên những bãi cỏ xanh mượt, trên những mầm non lộc biếc, trên những đóa hoa mới nở và trên những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười...
Tết đến! Rõ nét nhất là khi các chợ đã bắt đầu đông dần lên với những hàng hóa Tết tràn ngập. Từ hàng áo quần cho đến hàng tạp hóa cho đến hàng mứt bánh đến những quang gánh rau trái…rồi đến phố phường người xe rộn rịp, tấp nập.
Tôi quên sao được? Vào những năm cuối thập niên 50, lúc đó tôi còn bé lắm! Không gì vui sướng bằng những ngày Tết. Tết tôi được mặc quần áo mới. Tết sẽ được tha hồ ăn mứt bánh. Tết có tiền lì xì và Tết được đi chơi…Vì thế, tôi trông đến Tết từng ngày. Lòng tôi rộn ràng xen lẫn vui sướng từ lúc mà mẹ tôi bắt đầu may cho chúng tôi những bộ quần áo mới. Mẹ  may tay chứ hồi đó không có nhà nào có máy may. Và lại càng không đến thợ may để may như sau này. Tôi vẫn nhớ những ngày cuối đông ngoài trời rét mướt, trong gian phòng khách, tôi ngồi cạnh mẹ. Dưới ngọn đèn dầu, bên cái “tráp” bằng nhôm đựng đồ may như kim chỉ…Mẹ ngồi may áo, một tay cầm kim, một tay khẽ nâng cái áo lên, may từng mũi kim lên, xuống đều đặn, hết đoạn này đến đoạn khác. Chốc chốc mẹ tôi lại lấy cục sáp ong suốt chỉ để cho chỉ trơn không bị rối. Thỉnh thoảng bà dừng lại để xâu kim hay cắt chỉ. Các chị tôi cũng ngồi xúm xít xung quanh. Có khi, mẹ vừa may vừa kể chuyện Phạm Công Cúc Hoa. Tôi cứ ngồi xích gần, xích gần lại. Sợ nhất là khi mẹ kể đến đoạn hai chị em Nghi Xuân, Tấn Lực ra mộ và mẹ Cúc Hoa hiện về bắt chấy cho con…
Có những lúc khuya quá, tôi lại buồn ngủ và thế là tôi nằm sát vào bên chân mẹ để ngủ trong khi mẹ tôi vẫn miệt mài may áo quần…Những giây phút ấy, bây giờ nhớ lại sao nó êm đềm và ấm áp biết bao! Nó khắc sâu vào trong tâm trí tôi xâu kết thành những mảng ký ức tươi đẹp của một thời thơ ấu.
 Và rồi đến lúc ba tôi bắt đầu đem mấy cây mai ra tỉa lá là lòng tôi như rạo rực hẵn lên. Những ngày sau đó, mẹ tôi chuẩn bị làm dưa món, bánh mứt… chị em tôi lại vui như hội và tôi thấy cái Tết như đang gần kề.
Cả nhà thường ngồi bên cạnh để xem mẹ chuẩn bị làm bánh. Trước tiên là phơi bột, chị tôi hỏi:
-Mạ ơi! Sao mạ phải phơi bột vào buổi tối thế hả mạ?
-Phơi buổi tối lấy sương đêm để bột nó dịu không thì nó sẽ khô khốc không in bánh được.
Khâu phơi bột cũng rất là kỳ công. Đêm mẹ tôi không bao giờ ngủ yên giấc. Cứ chốc chốc, lại trở dậy ra xem. Có đêm sương xuống nhiều quá thì phải đậy sàng bột bằng vải thưa kẽo bột sẽ bị đẫm ướt. Có đêm bất chợt có một cơn mưa nào đó rơi xuống. Thế là phải nhanh chóng chạy ra sân đem bột vào chứ không thì bỏ luôn sàng bột…
Hết bánh in, bánh hồng đến bánh thuẩn, bánh bông lan…rồi rim mứt. Nào là mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt me, mứt chùm ruột…nhưng có lẽ thú nhất là chị em tranh nhau vét nồi. Sao mà nó ngon lạ, ngon hơn cả khi được mẹ cho mứt ăn vào những ngày Tết.
Lúc bé, tôi chưa biết gì nhiều nhưng tôi vẫn biết rằng Tết đến mẹ tôi lo toan, sắp đặt mọi việc trước sau. Rồi bỏ rất nhiều công sức ra làm bánh, làm mứt… Mẹ còn phải thức khuya dậy sớm để lo chu toàn cho ngày Tết.
Khi mẹ tôi gói bánh tét, bánh chưng là ba tôi và cả chúng tôi cùng túc trực để phụ giúp. Mẹ gói bánh rất kén chọn lá, lá chuối phải là lá chuối hột thì bánh mới xanh. Lá chuối được phân thành những loại lá đầu, lá khổ rộng thì dùng làm thân bánh, lá bên ngoài…rửa và lau lá sạch đem phơi nắng cho lá mềm. Lạt buộc phải chẻ thật mỏng, chiều dài vừa phải và phải ngâm nước một đêm cho nó mềm mại. Rồi đến khâu chọn mua nếp, mua đậu… Hình ảnh mẹ tôi ngồi nhặt từng hạt thóc, từng hạt gạo tẻ …từ trưa cho đến khi bóng mẹ mờ mờ in rõ dần trên vách trong buổi chiều tàn. 
Thường thường, mẹ tôi vừa làm vừa giải thích, như để truyền những kinh nghiệm… Năm nào cũng vậy, các chị tôi ngồi bên xem mẹ gói bánh, giúp mẹ đưa lá hoặc cột dây…Còn tôi mong sao đến khi gói gần hết nếp là tôi xin một chút nếp để gói một cái bánh nhỏ. Rồi khi bánh bỏ vào thùng để nấu, cái bánh của tôi để lên trên cùng. Trời cuối đông miền Trung rét buốt mà cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa hồng sao mà ấm áp, hạnh phúc vô cùng. Bánh chín tôi vui mừng vì mình có cái bánh nhỏ nhưng không dám ăn chỉ cầm chơi. Cũng nhờ quanh quẩn bên mẹ mà sau này khi ba chị em chúng tôi lớn lên, người nào cũng đều biết chút ít về thêu thùa may vá và làm bánh trái …
Hai ba tháng chạp cúng đưa ông Táo về trời. Không phải như bây giờ ra tiệm mua là có sẵn hết. Mẹ cúng đưa Ông Táo bằng bông chuối và nấu nồi xôi chè. Lễ cúng ông Táo rất là trịnh trọng. Mẹ tôi áo dài chỉnh tề đứng trước bàn mâm lễ khấn vái rất thành khẩn. Không biết mẹ khấn những gì nhưng đứng lâm râm lâu lắm rồi lạy mấy lạy…
Một lần nọ, tôi hỏi:
-Mạ ơi, vì sao mình phải đưa ông Táo về trời?
-Ông Táo là người trông coi bếp núc. Ông ghi chép hết mọi việc làm tốt xấu của mọi người trong nhà năm qua báo cáo lên Ngọc Hoàng. Vì vậy, hàng năm ngày hai ba tháng chạp là ông Táo về chầu trời.
-Rồi ngày mấy ông xuống lại, hả mạ?
-Ngày ba mươi Tết. Khi mà mình cúng rước tổ tiên ông bà thì mình đón ông trở lại.
Từ khi nghe mẹ nói như thế, tôi sợ lắm không dám làm gì xấu. Nhất là không dám chạy vào bếp ăn vụng như trước nữa vì sợ ông sẽ lên tâu với Ngọc Hoàng. Rồi tôi lại nghĩ mấy ngày ông lên trời ở nhà nếu có việc gì xảy ra thì làm sao ông biết? Vì vậy chắc mọi người muốn làm gì tùy thích ông đâu có mà biết mà tâu với Trời nhỉ?
Những ngày cuối năm, ai ai cũng quét dọn nhà cửa. Ba tôi nói đây là phong tục “Tống cựu nghinh tân” nói nôm na là bỏ đi những cái cũ để đón những cái mới. Nhà cửa quét dọn sạch sẽ, bàn thờ tổ tiên trang trí đẹp đẽ, bỏ đi mọi thứ rác rưởi, sắm mới chén bát, mọi vật dụng trong nhà, cắt tóc hay làm mới đầu tóc, may sắm quần áo mới…
Tôi thích nhất là buổi chiều cuối năm. Một buổi chiều bình yên lắng đọng. Mọi người đều dừng lại mọi công việc để quay về bên mái ấm gia đình. Quây quần bên bàn thờ, đoàn tụ bên mâm cơm …Trong giờ khắc này con người như trở về lại với cội nguồn, trở về lại với chính con người thật của mình…rồi ngẫm nghĩ chuyện trong một năm qua.
Năm nào cũng thế, ba tôi luôn nhắc nhở chúng tôi là sau giao thừa thì lời ăn tiếng nói phải cẩn thận. Không gây gỗ, nhăn nhó...phải vui vẻ, niềm nở với mọi người. Ngày mồng một không được bước đến nhà ai trừ nhà của ông bà, cha mẹ hay bà con… Ngày Tết không được quét nhà vì sợ quét nhầm Thần Tài ra khỏi nhà…
Ba mẹ tôi chuẩn bị lễ cúng giao thừa rất là đầy đủ. Một mâm cúng trên bàn thờ gia tiên, một mâm cúng Thiên địa ở trước sân nhà. Mẹ tôi bày mâm ngũ quả thật đẹp. Sau này vào Nam, tôi lại thấy người Nam chưng bày mâm ngũ quả theo tiếng gọi hay gọi trại như : Mãng cầu, trái sung, quả dừa, đu đủ, trái xoài ( cầu sung dừa đủ xài )… Trong lúc ba mạ tôi kính cẩn khấn vái thì tôi lại vào bàn học lấy vở ra học bài. Cái phong tục này tôi rất thích và giữ mãi truyền lại cho các con tôi rồi học trò tôi…Bây giờ cũng thế cứ giao thừa là tôi lại ngồi vào máy vi tính gõ một vài câu mở đầu cho một truyện ngắn nào đó xem như “khai bút đầu năm”.
Giao thừa thường bắt đầu trong khoảng 11g đến 1giờ sáng. Cúng xong ba tôi thường chọn hướng xuất hành đi lễ Chùa. Nhà tôi ở hướng Bắc mà Chùa thì hướng Tây. Có năm xuất hành hướng Đông, thế là cả nhà phải đi theo hướng Đông rồi vòng lại. Có năm xuất hành hướng Nam, cả nhà phải xuất hành ngõ sau…
Hình ảnh cả gia đình tôi xuất hành đầu năm để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Ba mạ tôi áo dài khăn đóng đi trước, ba chị em tôi áo dài hớn hở đi sau. Trong lòng mỗi người tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Trước bàn thờ Phật hương trầm nghi ngút, trong giây phút giao thoa giữa năm cũ và năm mới, tôi thành tâm đứng khấn nguyện mọi điều tốt lành đến với mình, với người thân, với đồng bào và với đất nước Việt Nam… Ngoài sân chùa, người người đi lễ hay đến hái lộc đầu năm càng lúc càng đông hòa với tiếng pháo nổ đì đùng vang vang rộn rã.
Ngày Mồng một tôi dậy rất sớm! Xúng xính trong bộ áo quần mới, đi đôi guốc mới. Tôi thấy mình lớn hẳn vì năm mới thêm tuổi mới. Gia đình tập họp đông đủ tại phòng khách. Ba mạ tôi ngồi ở bàn khách, chúng tôi đến bên cạnh và nói lời chúc mừng năm mới. Sau đó, ba mạ tôi lì xì cho chúng tôi.

Từ lúc ba mươi rước tổ tiên ông bà về cùng ăn Tết thì trên bàn thờ lúc nào cũng nghi ngút trầm nhang. Trong mấy ngày Tết, mỗi ngày sửa soạn ba lần để cúng. Sáng cúng bánh, cúng nước, trưa cúng cơm, chiều cúng cơm. Ròng rã từ mồng một cho đến mồng bốn. Đến mồng bốn, cúng đưa ông bà về trời thì mới thôi. Cho nên ba ngày Tết chị em chúng tôi phải lo túc trực cúng kiến không đi chơi đâu được. Thấy mọi người đi chơi mà ao ước! Tôi nói nhỏ với hai chị tôi rằng sau này lớn lên, Tết đến, mỗi ngày tôi chỉ cúng một lần thôi! Các chị tôi cũng đồng ý như vậy! Mấy năm sau khi tôi lớn lên thì tôi thấy ba má tôi đơn giản dần mọi nghi lễ, cúng giỗ không còn như xưa nữa.
Sau này, khi tôi đã trở thành thiếu nữ. Cứ mỗi độ Xuân về niềm vui vẫn thế nhưng tâm hồn tôi bắt đầu biết bâng khuâng, biết xao xuyến khi gió xuân về hay khi nhìn những nụ mai trên cành vừa hé nở và thoáng rung động khi có ánh mắt ai nhìn.
Hai năm học Sư Phạm, Mỗi lần Tết đến, thấy các bạn ở nội trú náo nức thuê xe đùm túm, tay xách nách mang đi về quê ăn Tết thì những giáo sinh ngoại trú như chúng tôi lại thấy nao nao trong lòng. Thầm mong ước rằng, giá mình cũng được về quê ăn Tết như thế?
Rồi tôi trở thành cô giáo ra dạy ở một làng quê. Tết đến lòng tôi náo nức, mong ngóng từng ngày để về nhà . Tâm trạng cô giáo trẻ hớn hở lãnh tháng lương mua sắm thật nhiều quà nào là bánh tráng dừa, bánh tráng củ lang, bánh nổ, bánh hột xoài, đường, đậu, nếp… mang về biếu bố mẹ, biếu người thân trong dịp Tết. Và hân hoan vui sướng khi về nhà nhận được rất nhiều những cánh thiệp chúc Tết của bạn bè.
Ngày Tết lại càng có ý nghĩa hơn khi tôi đã có một gia đình nhỏ. Lúc này Xuân đến lòng càng nôn nao xen lẫn những lo toan. Rồi cũng theo những phong tục của ngày Tết, tôi lo cho mái ấm của mình êm ấm đầy đủ sung túc hạnh phúc.
Bây giờ thì tuổi về hưu, đã có cháu nội, cháu ngoại. Nhìn thấy cháu chắt xum xoe quần áo mới, con cái sắm sửa chuẩn bị Tết theo phong tục cổ truyền của ngày Tết…Lòng tôi cũng nao nao, dường như trong con cháu, tôi lại bắt gặp hình ảnh mình của những ngày xưa hiện về.

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta có nhiều phong tục hay cần phải duy trì nhưng cũng phải biết chọn lọc những mỹ tục, tập quán tốt, loại đi những hủ tục không đáng có.
Tết Nguyên Đán ở quê tôi, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi vẫn mang theo cố gắng gìn giữ mãi để bây giờ truyền lại cho con cháu. Để thế hệ đi sau biết về cội nguồn, hướng về Tổ Tiên, yêu đồng bào dân tộc, tự hào với truyền thống đất nước… Làm thế nào sống tốt với mọi người, biết cách ăn ở cho có nhân, có nghĩa… thắt chặt tình cảm đối với mọi người trong gia đình tạo mối dây thân ái trong làng xóm trong cộng đồng. Nói chung là  ông cha ta mong muốn tất cả đều hướng đến chân thiện mỹ làm cho cuộc sống chúng ta mỗi ngày một tốt đẹp hơn lên.
Xuân Quý Tỵ đã gần kề, mong sao một năm mới này sẽ đem đến cho mọi người nhiều sức khỏe, ấm no, an vui và hạnh phúc như lời bài hát Câu Chuyện Đầu Năm
Mong đầu năm cuối năm gặp may, Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy. Trên bước đường danh lợi rồng mây. Duyên vừa đẹp ý đắp xây. Ôm nàng xuân đẹp vào tay…

Không biết tôi có xưa không nhỉ? Nhưng thật sự từ đáy lòng, tôi rất thích các phong tục cổ truyền ấy và cũng rất thích nhìn thấy hình ảnh mỗi nhà đều dán câu đối đỏ trong ngày Tết:
Năm mới hạnh phúc bình an đến
Ngày xuân vinh hoa phú quý về.

Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà.

Sài Gòn, Mùa Xuân 2013.
Irene.

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

NHỚ XUÂN - Thơ - Lại Giang

Lại Giang

Như sương như khói bên trời
Như hoa nở nụ đón mời Xuân sang
Qua rồi mấy độ thu vàng
Đông tàn nguyệt lạnh mơ màng nhớ xuân
Từ xưa môi mắt tươi hồng
Tung tăng áo trắng mơ lòng thủy chung
Gió về một thoáng mông lung
Lời thơ giọng hát buâng khuâng cõi đời
dáng xưa xỏa tóc buông lơi
Cho đôi mắt ước cho lời nhớ nhung
Tuổi đời như sợi tơ chùng
Vương vương chút nắng mịt mùng dấu xưa
Ngàn thơ thôi mấy cũng vừa
Tình thơ vương vấn như mưa giăng mờ
Qua rồi một thủa mộng mơ
Như ru giấc mộng tuổi thơ xa rồi
Trời Xuân một cõi chơi vơi
Nắng Xuân vời vợi giữa trời viễn phương .
                                      
                         LẠI GIANG

  Thân gửi BBT và các bạn
Mùa Xuân đến thân chúc BBT spqn và các bạn một mùa Xuân như ý
Thân.

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Thư Cảm Tạ Của Gia Đình Thầy Đặng Văn Bồn

Sài Gòn, ngày 05 tháng 01 năm 2013.

Thân ái gửi :
  • Quí anh chị em đồng nghiệp, anh chị em Giáo sư, giảng viên trường Sư Phạm Qui Nhơn , quí anh chị em trong Hội Đồng Giáo sư , nhân viên văn phòng trường Sư Phạm Qui nhơn trước năm 1975
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Sài Gòn
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Hải ngoại.
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Quy Nhơn.
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Thừa Thiên Huế
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Đà Nẵng.
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Quảng Ngãi.
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Bình Định.
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Đalat
Và các anh chị em Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  gần xa.....

Thưa quí anh chị, các bạn bè thân hữu của chồng, cha, anh, ông chúng tôi là cố Giáo sư Đặng Văn Bồn, một trong hai vị phụ trách môn Giáo dục cộng đồng từ khi trường mới thành lập, sau một thời gian dài bệnh nặng, cộng thêm những đổi thay của thời cuộc đã làm hao mòn thể chất cũng như tinh thần, mặc dù gia đình, bà con, anh em, bạn bè thân hữu  trong đó phải kể đến sự giúp đỡ tận tình và động viên an ủi rất nhiều của quí vị, nhưng vì phần tuổi cũng khá cao, bệnh đến giai đoạn cuối, nên chồng, anh, cha, ông chúng tôi đã qua đời tại thành phố Sài Gòn ngày 25 tháng 12 năm 2012 (nhằm ngày 13 tháng 11 năm Nhâm Thìn) hưởng thọ 76 tuổi.

Khi người thân của chúng tôi qua đời, chúng tôi đã nhận được nơi quí vị sự bày tỏ thương tiếc, phân ưu bằng nhiều hình thức, rất nhiều vị đã gọi điện, đã gửi vòng hoa phúng điếu, đã trực tiếp đến viếng, đã gửi tiền hỗ trợ tang lễ, nhưng trên hết là quí vị đã gửi cả tấm lòng đến với gia đình chúng tôi, chúng tôi xin tỏ lòng tri ân, ơn nghĩa này chúng tôi không biết lấy gì đền đáp, chỉ biết xin quí vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu sắc nhất của chúng tôi.

Xin chân thành chúc quí vị bình an, hạnh phúc, sức khỏe.
Năm cũ cũng sắp qua, năm mới sẽ đến, thay mặt toàn gia đình xin chúc quí vị an khang thịnh vượng.
Một lần nữa xin chân thành cám ơn quí vị.

Thay mặt gia đình:     
Bà quả phụ Đặng Văn Bồn
Nhũ danh Lê Thị Bạch Yến

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Viết cho anh… Tháng ngày lận đận


Anh…

Giờ em viết lại tháng ngày lận đận của bọn mình, nghen anh !

Những ngày cuối tháng 3/75 thật là hồi hộp, thế mà anh và em vẫn cứ tỉnh bơ. Sau tối hôm bọn mình ăn pâté chaud, sáng hôm sau em đã lãnh được lương giáo viên tháng Ba, cứ chờ anh về mà chẳng thấy đâu, sốt ruột ghê !

Đã thế chú Quốc Hưng nghe ngóng tin tức ở đâu mà 5 giờ chiều rồi còn hối em lên xe đi gấp vào Nam. Đến Sông Cầu đã tối quá rồi, đành ngủ lại mai sẽ tính tiếp… Tin giờ chót, em lại theo chú trở ra Qui Nhơn để mong gặp anh. Em đợi mãi đến 11 giờ trưa cũng không thấy anh về, mà xe chú thì sắp đi Nha Trang rồi, làm sao đây anh ? Trong khi đó thiên hạ tấp nập xuôi Nam khiến chú em rối cả lên. Chạy sang nhà anh thì thấy hai bác đang lo di chuyển đồ đạc để qua đảo Cù Lao Xanh ở Phước Châu. Em chào từ giã hai bác và mấy em để đi.

Xúc động thật nhiều khi má anh qua gởi gắm em cho chú Quốc Hưng. Buồn quá anh ơi ! Thế là em phải xa anh rồi, thông cảm cho em nhé ! Bu của em chỉ còn hai em là gái ở trong Nam. Em làm sao không đi theo Bu cho được, phải không anh ?

Giã từ phố biển Qui Nhơn em về vùng tạm ổn đó là Cam Ranh. Nhưng đúng là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa anh ạ ! Vì chính quyền cũ cố giữ Phan Rang cho nên khi Cam Ranh vừa “xong” thì bom thả đầy vùng Đá Bạc (Ba Ngòi) – nơi mà gia đình em hiện đang tá túc. Nói sao cho hết nỗi sợ hãi của Bu và hai em. Thế là bằng mọi cách gia đình em cũng phải ra lại Nha Trang. Thật may mắn, em đã gặp má anh tại đây. Bác gái đi tìm anh đó anh ạ, vì cứ ngỡ anh theo gia đình em vào Nam. Gặp bác, em vui quá, cứ tưởng anh chắc ở Qui Nhơn nên bác vào tìm em để báo tin vậy mà.  Nhưng anh có biết không, buồn cười nhất là em vì mừng quá thành ra nghe nhầm là anh đã vào đến Cam Ranh, vì thế tiện đường em trở vô Cam Ranh lấy thùng đồ để quên. Em cứ lảng vảng ở vùng Đá Bạc chờ anh, trong khi thiên hạ đi hết rồi nên vùng này vắng hoe, trên đầu thì máy bay đang lượn vòng vòng…

Nghĩ đến anh nên em chẳng sợ gì cả. Chờ đến tối mà vẫn chẳng thấy bóng anh đâu, em đành ngậm ngùi trở ra Cam Ranh ở Cây Số 9 ngủ để sáng mai tiếp tục trở lại Ba Ngòi chờ gặp anh thêm lần nữa. Thế mà cũng chẳng thấy anh đâu nên em lại trở ra Nha Trang gặp má anh để hỏi cho rõ. Thì té ra bác cũng đang trên đường tìm anh và cứ ngỡ rằng ở Cam Ranh có nhà dì Mười (em má anh) thì thể nào trên đường đi anh cũng sẽ ghé thăm gia đình dì và biết đâu lại tá túc ở đây thì sao. Nhưng vì em hấp tấp quá thành ra nghe nhầm là anh đã vào Cam Ranh tìm gia đình em…

Vậy là bọn mình chưa có “duyên” gặp nhau phải không anh. Cho nên th áng ngày lận đận của chúng mình sẽ chưa dừng lại ở đây đâu, mà sẽ còn tiếp tục nữa, nghen anh. Và em sẽ còn viết nữa, anh nhé !

Thương nhớ anh… em chỉ biết khóc thầm rồi tự hỏi : “Anh ơi… ! Bây giờ anh ở đâu ?”.

* * *
Anh… Em lại viết tiếp về tháng ngày lận đận của bọn mình nữa đây nè !

Má anh vừa về Qui Nhơn hôm qua thì đúng vào ngày Sinh Nhật của em (10/4), ở Cầu Xóm Bóng – Tháp Bà / Nha Trang lại bị thả bom vào lúc 11 giờ đêm. Lúc ấy gia đình em đang tá túc ở Cù Lao Thượng cách khoảng một cây số, kinh hoàng quá anh ơi ! Đang mơ màng ngủ thì nghe “Ầm… !” một tiếng chát tai, làm em ngỡ nhà mình bị sập rồi, thế là thi nhau ù té chạy vội vã về hướng Xóm Chài. Máy bay lượn trên đầu thả bom, lửa bốc cao ngùn ngụt ở vùng Tháp Bà. Vì lo sợ quá nên gia đình em phải ra ngủ ở bãi biển một đêm. Sáng hôm sau, gởi hàng hóa lại cho người quen, ba mẹ con chỉ khăn gói quần áo ra trú tạm trong chùa ở Lương Sơn dưới chân đèo Rù Rì Nha Trang để lánh bom. Cũng tạm yên, lúc đó lòng em hướng về Đấng Tối Cao để cầu mong được sự che chở, có thế mới an lòng vững bụng, anh à !

Vài hôm sau thấy lắng dịu, Bu và hai em lo về Qui Nhơn, thà chết ở quê mình chứ bỏ xác nơi xứ lạ thì buồn tủi lắm, anh nhỉ ! Thế là gia đình em lại trở về xứ Nẫu vào ngày 14/4/75.

Nơi nào đẹp nhất - Quê Hương nguời mình yêu !
     

Kim Loan
(Cali, tháng 1 / 2013)

TÌNH XUÂN


                                                                                             Thanh Cảm

      Vậy là những ngày đông phơn phớt lạnh ở cái nơi mà người ta nói chỉ có hai mùa mưa nắng này cũng đã dần qua. Sáng nay, cơn mưa trái mùa chợt mong manh lùa về như một lời chia tay nhẹ nhàng, tạm biệt những ngày mùa đông hây hẩy gió!
      Đưa mắt nhìn về phía xa xa bên kia con sông Sài Gòn, sương sớm vẫn lang thang lờ lững trên bầu trời thành phố còn đang ngái ngủ! Bên kia cầu, những con đường như thênh thang hơn, những hàng cây như dịu dàng hơn và những con người như hẫng nhẹ hơn trong làn gió sớm chuyển mùa mơn man gọi mùa Xuân đến!

      Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên ở một nơi mà đất trời giao thoa hài hòa của non cao biển rộng. Tuổi thơ tôi được đắm chìm bên tiếng sóng biển ru nhẹ hàng cát dài mịn mang ngày ngày thấm dấu chân tôi và gió núi hương ngàn đã xây nên trong tôi bao nhiêu là hoài bão ước mơ của thời con gái! Tôi may mắn được học và tốt nghiệp từ trường Sư Phạm Qui Nhơn vang tiếng một thời của miền Trung quê tôi, ngôi trường đã cho tôi tình yêu Sư Phạm và  cho tôi một nhân cách sống đẹp đẽ ở đời. Từ đây, tôi đã vững vàng bước vào dòng đời nhiều thác ghềnh trong đục bằng tâm thái của một người Thầy và bằng tấm lòng của một cô giáo trẻ để đến bây giờ khi tuổi đã nghiêng chiều bóng xế, nghĩ về những năm tháng đã qua tôi đã không thấy lòng mình hổ thẹn, tôi cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi mình đã hoàn thành thiên chức của một người Thầy và quanh mình hôm nay vẫn ấm áp những tình thân!
      Một năm cũ đi qua với nhiều sắc màu, nhiều hỷ- nộ- ái- ố của cuộc đời với những cung bậc cảm xúc khác nhau đã để lại trong tôi những dấu ấn khó phai! Năm 2012 đối với tôi mà nói, có lẽ là một năm đánh dấu nhiều sự kiện không thể nào quên trong những tháng ngày ngắn ngủi còn lại của cuộc sống này!
      Trước tiên, tôi muốn nhắc đến cánh chim đầu đàn của ngôi trường mà tôi được hân hạnh học làm cô giáo, thầy Hiệu trưởng Trần Văn Mẫn, thầy cùng với những cánh chim dài rộng  khác đã thật dung dị, thật tự nhiên nâng cánh cho chúng tôi bay, giũa rèn cho chúng tôi hót lên những thanh âm đẹp phát ra từ trái tim, từ tấm lòng với tất cả tình yêu và hoài bão! Sau thời gian cách xa từ cái năm bảy lăm đầy duyên nợ, thầy trò chúng tôi tưởng chừng sẽ biền biệt đôi nơi nhưng thật ơn trời ơn đời, cái duyên đã đưa đẩy, cái nợ đã níu kéo và thầy trò chúng tôi cuối cùng đã có thể liên lạc cùng nhau, đã có thể bùi ngùi gặp gỡ trong ngày về trường nhiều tiếng cười lẫn xen nước mắt hạnh ngộ sau gần bốn mươi năm không một chút tin! Tuy rằng tôi không thể nào có thể gặp lại tất cả các thầy cô kính mến của mình và những bạn bè thân yêu ngày đó, tuy rằng bây giờ người còn người mất, người đang sống ở rất xa tôi và tuy dòng đời nghiệt ngã có vô tình lấp vùi bao nhiêu phận đời… Nhưng tôi tin, bằng sự chân thành trong mỗi con tim, bằng những hoài niệm lấp đầy ký ức thì cho dù ở phương trời góc bể nào đi chăng nữa, thầy trò chúng tôi, bạn bè chúng tôi vẫn luôn nghĩ về nhau, hướng đến nhau bằng tình yêu và bằng nỗi nhớ đong đầy!
      Sau một thời gian dài công sức cộng với nhiệt tâm của các anh chị trong ban liên lạc SPQN Sài Gòn với chân lý Về Nguồn, ngày 12/5/2012, anh chị em đồng môn chúng tôi đã có một chuyến trở về trường xưa đầy ngoạn mục và hy hữu chỉ một trong đời! Hơn một nghìn cựu giáo sinh đã trở về trường Mẹ trong rưng rưng nước mắt, trong ấm áp nụ cười, trong thênh thang đón chào của vòng tay Qui Nhơn mở rộng! Trời như cao hơn, đất như rộng hơn và tình người thì như vô bờ bến! Tôi như thấy có bóng dáng Thầy Cô, như có hình ảnh bạn bè đồng môn ngày nào trên sân trường cũ và như có tiếng nói nồng nàn da diết của thầy Hiệu trưởng vang vang trong sân trường lúc lửa đã dần tàn trong đêm mãn khóa vào hạ tuần tháng sáu năm bảy tư ngày đó… khi tôi được thay mặt đọc tâm thư của Thầy gửi về trường cũ trò xưa trong chuyến Về Nguồn!
     Sau đó là kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường được tổ chức khắp mọi nơi. Từ hải ngoại xa xôi - Nam Cali, Bắc Cali...cho đến các tỉnh thành trong nước -  Sài Gòn, Đà Lạt… rồi Quảng Trị, Huế… anh chị em đồng môn chúng tôi đã có những giây phút buồn vui đan xen khó thể phai mờ!
     Từ những nối kết đẹp đẽ ban đầu ấy để đến bây giờ là một điểm hẹn thường xuyên ở Trầu Cau Gia Định- Sài Gòn vào mỗi sáng chủ nhật đầu tiên của tháng, chúng tôi sẽ có dịp cùng tìm về với nhau, ngồi gần bên nhau nhâm nhi tách trà ấm áp tình bạn, chia sẻ buồn vui bên ly café ngọt đắng tình đời!
     Sẽ thật là thiếu sót nếu tôi không chia sẻ chút tình cảm của mình đến weblog SPQN, đến BBT, đến những anh chị đã tận tụy với nhiều công sức để trang nhà chúng mình trở thành một điểm nhấn, một sợi dây vô hình quí giá nối kết tình thầy trò, thắt chặt thân tình bằng hữu của anh chị em đồng môn chúng  tôi ở khắp mọi miền! Cho tôi xin được gửi chút lòng tri ân đến quí Thầy Cô, chút tình cảm chân thành đến bạn bè gần xa đã được gặp và chưa được gặp, những thân tình đã từng nghĩ về nhau, nhắn gửi trao đổi tin nhau qua nhịp cầu giao lưu mà trang nhà chúng ta đã tận tình kết nối!
      Một năm đi qua với nhiều sự kiện khó quên đã đọng lại trong tôi những phút lắng mỗi khi lòng bỗng thấy cô đơn, một sự cô đơn cần thiết của phận người trong cuộc sống! Gần đây, vào những buổi tối, khi có dịp ngang qua trung tâm thành phố, những con đường thấy đẹp đẽ hơn, lộng lẫy hơn với nhiều sắc màu chờ đón năm mới 2013! Thương xá Tax, khách sạn Rex, Diamond, Saigon Center, Bitexco Tower… rực rỡ ánh đèn, long lanh như bầu trời đầy những ánh sao đêm! Năm cũ đi qua, một năm mới lại về mang theo bao điều muốn nói, mang theo những sự kiện, những dấu ấn khó phai của những thời khắc không quên của một đời người!

      Buổi sáng đầu năm, tôi bỗng dậy sớm hơn thường lệ. Nhìn ra khoảng trời mênh mông trước mặt còn mờ đục một màu chì! Hình như mùa đông vẫn đang chần chừ chưa muốn chia tay, cái lạnh nhẹ nhàng vẫn đang dùng dằng trong làn gió sớm làm tôi thoáng chút se lòng. Bất chợt, tôi khẽ thầm thì…
      “…Tạm biệt, tạm biệt mùa đông… Tạm biệt ánh lửa hồng… Xa rồi…”*
      Vâng, xin được tạm biệt một mùa đông! Xin được tạm biệt những ký ức nhạt nhòa của một mùa đông ở cái nơi chỉ có hai mùa mưa nắng! Xin tạm biệt một mùa đông không lạnh của tôi và xin hãy cùng tôi mở lòng chào đón tia nắng ấm áp đầu tiên của một mùa xuân chan chứa tình đang tràn về với đất trời, với muôn hoa cây cỏ!
      Nắng lên chậm, tôi pha hai ly café sữa, vặn lớn volume một chút và cùng nhà tôi nhâm nhi cái hương vị ngọt ngào tươi mới của một ngày đầu năm bên một bản nhạc hòa tấu không lời…!
      Buổi sáng đầu xuân của tôi hạnh phúc hơn khi bất chợt đón thêm niềm vui từ những người bạn không hẹn mà đến! Đó là một nhóm nhỏ bốn năm người trong số bạn thân độ hơn chục người ở thành phố này. Chúng tôi chợt gặp lại nhau, hiểu nhau và thân thiết nhau sau gần bốn mươi năm không gặp. Tuy không cùng khóa, cùng lớp nhưng chúng tôi đã xem nhau như người thân cùng sẻ chia những ngọt bùi trong cuộc sống! Không hen mà lại gặp, không rủ rê mà cuối cùng như cái nợ cái duyên, chúng tôi cùng sống trong một thành phố và dễ dàng đồng cảm nhau hơn sau những năm tháng rong ruổi rộng dài. Và chúng tôi đã có một ngày đầu năm thật trọn vẹn, rộn rã tiếng cười trong hương Xuân nồng ấm!
     Tôi vẫn thường có thói quen ngồi lục lại ký ức mỗi khi năm cũ sắp qua và mùa Xuân gần đến. Mùa Xuân hay dẫn dắt tôi về một thời đã xa nào đó, nơi có quê hương tuổi thơ đầy kỷ niệm, nơi có người cha hồn hậu của tôi bên chiếc xe đạp già nua và những ngày đón đưa tôi đến lớp, nơi mà ký ức đã lấp đầy cả một nửa cuộc đời tôi! Có những ký ức lắm lúc ta quên bẵng đi trong suốt một năm dài  bận rộn nhưng mỗi khi Xuân về lại cồn cào gặm nhấm! Ôn lại ký ức trong thời khắc này như để một nhìn lại, để ta yêu nhau hơn, để ta quí hơn những gì đã qua, tiếc nuối hơn những gì đã mất và để thấy lòng mình thênh thang nhẹ nhõm!
      Chào Xuân 2013, chào một năm mới mang đến sự đổi thay và hy vọng. Trong nhộn nhịp cuộc sống mong sao ngày sẽ dịu dàng hơn, trong tích tắc thời gian ước sao tình sẽ giá trị hơn và khi năm cũ qua đi vẫn đọng lại tiếng cười trọn ven!
      Trong hương Xuân mới, trong thời khắc chuyển giao của đất trời tôi như nghe rõ hơn nhịp đập của trái tim thời gian, nghe như yêu thêm chút nắng ấm ở thành phố này và nghe  tha thiết hơn tình yêu thiêng liêng mà mùa Xuân đã thổi hồn vào đất trời cây cỏ!
      “…Ta đi bên nhau đón xuân đang về tới
        Hồn hòa vào cùng với đất trời
        Xin nâng ly lên chúc nhau thêm hạnh phúc
        Cuộc đời mãi thắm tươi…”**
        Như vẫn còn bên tôi tiếng cười rộn ràng, lời chúc mừng hạnh phúc trong không gian ấm sực tình Xuân của các bạn sáng nay! Như vẫn còn vương quanh đây hơi ấm tình bạn và hương vị ngọt ngào của một ngày đầu năm ý nghĩa! Tôi như muốn nói với mọi người rằng: Tôi yêu tất cả mọi người! Tôi yêu tình yêu trong veo mà mùa Xuân mang lại! Xin hãy cùng tôi hân hoan cất lên lời hát chào đón một mùa Xuân đang về với tình yêu, đang về với trái đất này, các bạn nhé!
       “…Đón xuân, đang về với tình yêu, trái đất này
        Ta cùng bao người, nhìn nhau ánh mắt hân hoan
        Với bao niềm yêu thương cuộc đời…”**

       Ngoài trời, nắng Xuân đã lên cao! Từng sợi nắng bao dung và ấm áp!

                                                                                                 Thanh Cảm
                                                                                            Sài Gòn - 1/1/2013
       
     (*)   Xa rồi mùa đông – Nguyễn Nam
     (**) Khúc giao mùa – Huy Tuấn

CHO NHỮNG MÙA XUÂN PHAI


Phương Kiều.

         Bụi thời gian có thể phủ mờ tất cả nhưng có những kỷ niệm khó có thể phai nhòa vì nó đã được nằm sâu trong tâm thức…

         Năm 1973, tôi học năm thứ hai trường Sư Phạm Quy Nhơn. Một hôm tôi và các bạn nữ được nhà trường chọn đi choàng vòng hoa chiến thắng ở Pleiku.
         Thú thật nghe nói đến Pleiku là tôi thích lắm! Tôi chưa một lần đặt chân đến đây. Nhưng vùng cao nguyên đất đỏ mù sương này rất hấp dẫn đối với tôi và tôi cũng mê bài hát phổ thơ Vũ Hữu Định: “Phố núi cao phố núi đầy sương, phố núi cây xanh, trời thấp thật gần…”
         Sáng hôm đó, những chiếc GMC đón chúng tôi tại sân trường Sư Phạm rồi khởi hành. Chúng tôi ai cũng náo nức! Đi hết địa phận Bình Định xe bắt đầu lên đèo. Quãng đường đèo Mang Yang không dài nhưng có độ dốc thẳng đứng nên tôi có cảm giác như mình đang đi lên với trời xanh. Hai bên đường là đồi núi cao thấp nhấp nhô xanh mướt. Những khóm dã quỳ vàng tươi khoe sắc. Khí hậu mát mẻ dễ chịu. Càng đến gần thì trời bắt đầu se lạnh. Sương mù trăng trắng giăng giăng thật thấp.
 Đoàn chúng tôi sẽ đến Lệ Minh - Hàm Rồng choàng vòng hoa cho những người lính vừa chiến thắng trận nào đó? Pleime, Dakto, Lệ Minh, Hàm Rồng hay…tôi cũng không nhớ nỗi?
         Khi xếp hàng để chuẩn bị… vì do chỗ tôi đứng hơi hơi nắng gió cho nên tôi đã đổi chỗ cho Tâm người bạn học nhị 9 khóa 11. Trước mặt chúng tôi là những người lính, màu da sạm đen vì nắng gió, áo quần còn vương bụi đất hành quân…
         Sau khi choàng vòng hoa chiến thắng xong, bất ngờ tôi gặp anh Khánh. Anh là phóng viên chiến trường:
         -Chào Ph..! Em cũng có mặt trong đoàn người choàng vòng hoa?
         -Chào anh! Tôi ngỡ ngàng khi gặp người quen.
         -Em đã gặp Tuấn chưa?
         -Dạ chưa?
         -Tuấn cũng có mặt trong đoàn người chiến thắng đó. Thôi, em chờ ở đây! Anh sẽ đi tìm anh ấy!
         Thoáng một lát, anh Tuấn đã đến trước mặt tôi, anh cười cười lộ rõ vui mừng.
         -Gặp em ở đây, anh mừng ghê!
         -Anh cũng được choàng vòng hoa hả? Cô nào choàng cho anh vậy? Tôi vừa cười vừa nói đùa với anh ấy.
         -Cô Tâm học lớp nhị 9, anh vừa mới làm quen với cô ấy.
         Nghe anh nói xong, tôi chợt nghĩ: Nếu mình không đổi chỗ, thì mình đã là người choàng vòng hoa cho anh ấy? Lúc đó tôi chỉ nghĩ thế thôi! Nhưng sau này khi các sự việc liên tiếp xảy đến thì tôi mới thấy rõ rằng: Trong cuộc sống này tất cả mọi việc đều phải có cơ duyên của nó!

         Cách đây ba năm, tôi quen anh rất tình cờ…
         Mùa xuân năm đó tôi mười sáu tuổi, học lớp mười trường Trinh Vương Quy Nhơn. Tuổi mới lớn vô tư, hồn nhiên, nhiều mơ mộng, thích đi chơi. Một hôm, tôi và các bạn nữ rủ nhau đi du ngoạn Tu Viện Nguyên Thiều. Trong lúc chúng tôi đang tung tăng bên nhau vãng cảnh chùa, thì ở đâu không biết xuất hiện “bốn chàng ngự lâm pháo thủ”. Các anh đi theo, làm quen rồi chụp hình dùm… Cuối cùng còn đích thân lái xe Jeep chở chúng tôi về tận nhà. Tôi không biết các cô bạn của tôi sau đó thì sao? Nhưng từ đó bên tôi đã có một người. Anh tên là Ngô Đình Tuấn, Chuẩn Úy Sư Đoàn 22 Bộ binh ngành Truyền tin vừa mới ra trường được 7 tháng. Đơn vị anh đóng quân ở dưới chân Tháp Bánh Ít.
Những ngày cuối tuần hay những ngày nghỉ phép, anh thường đến đón tôi ở cổng trường Trinh Vương hoặc đến nhà thăm…
         Vào thời đó, con gái cũng còn e ấp lắm! Hơn nữa gia đình tôi người Huế nên ba má tôi rất khó khăn với con cái trong lứa tuổi còn đi học. Vì thế, anh phải đến nhà xin phép ba má thì tôi  mới được phép đi chơi. Nhưng cũng chỉ được phép đi trong khoảng thời gian ngắn. Do vậy, mỗi lần đi chơi cũng chỉ đi loanh quanh khoảng nửa tiếng hay một tiếng đồng hồ rồi về nhà đúng giờ. Nhiều lần anh đến nhà chơi nhưng người tiếp anh là ba tôi chứ không phải là tôi! Anh chỉ liếc nhìn thấy tôi, khi tôi bưng nước ra  mời. Có hôm anh lại đến rồi vui đùa với các em của tôi. Tôi là con gái đầu nên rất đông em. Tôi còn nhớ, cứ vào đầu năm học anh lại mua sách vở cho các em, có khi anh còn dạy cho chúng nó học hành…
         Và như thế anh cứ đi bên cạnh tôi. Còn tôi thì vô tư lắm! Chỉ biết chăm lo học tập, thi cử. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì nhiều về tình cảm của mình thế nào? hay về tương lai ra sao? và lại càng chẳng chú ý gì đến cuộc sống cũng như đời lính chiến nhiều gian khổ của anh cả?
         Tôi đậu Tú tài và vào Sư Phạm năm 1972…

         Đêm Cao Nguyên tối đen mịt mùng. Gió thổi lồng lộng tràn xuống những lũng thấp. Sương bắt đầu xuống nhiều. Khí trời lạnh cóng. Mùi hương thoang thoảng của núi đồi, bãi cỏ của đất đỏ Bazan nồng nồng. Đâu đây có tiếng suối chảy róc rách và có cả âm thanh réo gọi của đất trời…
         -Em mặc phong phanh thế này thì thế nào cũng bị cảm mất? Anh nhìn tôi ái ngại! Khi thấy tôi lạnh run trong chiếc áo dài trắng mỏng manh.
         -Lúc đi em đã đem theo áo lạnh nhưng không hiểu sao khi trèo lên xe, rồi xuống xe chiếc áo rơi đâu mất?
         Anh đi đâu một lát và đem ra cho tôi một chiếc áo len cổ lọ. Do quá lạnh nên tôi chẳng ngại ngần chút nào? Cầm áo mặc vào ngay! Thế mà vẫn chưa thấy ấm. Thấy vậy, anh choàng thêm cho tôi chiếc áo khoác lính của anh.
         Lửa trại được đốt lên! Ánh lửa hồng bập bùng tí tách tỏa sáng trong đêm. Tiếng đàn thùng cùng tiếng hát trầm trầm của các nữ giáo sinh Sư phạm vang vang làm ấm lòng mọi người. Chúng tôi ngồi vòng tròn gần bên nhau. Những ánh mắt sáng ngời nhìn nhau Tôi ngồi co ro bên lửa ấm bên những bạn bè vừa gần gũi lại vừa xa lạ. Ôi, Cao Nguyên đêm nay sao nghe chơi vơi, chơi vơi như say men bên hương rượu cần. Văng vẳng bên tai, từ xa có tiếng súng vọng về. Thỉnh thoảng vài đóm hỏa châu lóe sáng bùng lên giữa cao nguyên mênh mông mịt mù...
         Sau chuyến đi Pleiku, tôi mới lờ mờ hiểu rằng cuộc sống của anh là vô cùng gian khổ và hiểm nguy. Tôi cũng chưa một lần nào “tra vấn” về tình cảm của mình đối với anh ấy như thế nào? Không biết sao lúc đó tôi vô tư như thế nhỉ? Tôi chẳng hề bận tâm về điều gì cả? Và thế là tôi cứ hồn nhiên vui chơi rong ruỗi theo tháng ngày.
         Hai năm học sư phạm qua nhanh rồi ra trường. Tôi chọn về dạy ở một ngôi trường Sơ Cấp Nhơn Mỹ-An Nhơn-Bình Định. Trường có ba lớp mà có đến sáu giáo viên nên mỗi tuần tôi chỉ dạy ba buổi. Thuận lợi hơn nữa là trường lại gần nhà nên sáng đi dạy trưa về nhà.
         Khoảng thời gian này anh ấy vẫn đều đặn đến thăm. Lúc này ba má tôi dễ dàng hơn, có lẽ vì tôi đã là cô giáo!? Chúng tôi thường đi dạo phố vào quán café Lệ Đá ở đường Võ Tánh hay café Dung ở đường Phan Bội Châu-Lê Lợi…. Nhưng thú thật cũng chỉ là đi chơi, nói chuyện vơ vẩn thế thôi! Chứ chưa bao giờ anh thổ lộ tình cảm bằng lời. Anh ấy luôn quan tâm chăm sóc, nhắc nhở tôi. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ rằng hình như anh ấy xem mình như một người em gái.
         Rồi anh được cử đi học Đại Đội Trưởng ở Vũng Tàu. Một hôm, tôi dọn dẹp nhà cửa. Tình cờ tôi đọc được một bức thư anh gởi riêng cho ba tôi. Nội dung trong thư anh nói rằng, anh đã về Hội An thưa với ba má về chuyện anh với tôi và xin phép ba má tôi Mùa Hè năm 1975, anh sẽ đưa ba má anh ra thăm nhà…
         Đọc xong lá thư tôi ngạc nhiên! Bây giờ thì tôi mới biết gia đình anh ở Hội An và lại càng ngỡ ngàng khi anh thưa chuyện với ba má tôi. Tôi nghĩ : “Sao chuyện “đại sự” như thế mà anh ấy chẳng nói, chẳng rằng với tôi nhỉ?”.
         Tôi đem chuyện đó nói với ba thì ba tôi gạt phăng:
         -Nó nghĩ đến chuyện “xây dựng” điều đó cho thấy nó là đứa đàng hoàng. Nó đã thưa với gia đình rồi thì đây là chuyện “lớn”. Con không nên nói lui, nói tới!
         Tôi vẫn “hậm hực”! Nên sau đợt học anh trở về, tôi đem chuyện lá thư nói với anh, anh bảo:
         -Lúc trước thì em nói rằng để em học và thi cử xong đã. Bây giờ, em có nghề nghiệp ổn định thì anh xin phép hai bên gia đình tiến đến!
         Thấy anh nói có lý nên tôi cũng không biết phải nói làm sao? Vả lại, lúc đó tôi chẳng có khái niệm gì về việc lập gia đình? Chắc bởi vì tính tình của tôi sao cũng được nên chẳng biết đồng thuận hay dứt khoát như thế nào cả? và rồi chẳng nghĩ ngợi gì nhiều cho mệt?
        
         Cuộc chiến bùng nổ! Đầu tiên ở Cao Nguyên, anh rất bận rộn với những cuộc chiến đấu! Rồi Tây Nguyên thất thủ! Chiến tranh cứ mỗi ngày một lan rộng!
         Khoảng cuối tháng ba, một hôm anh đến nhà tôi. Khuôn mặt anh buồn buồn đầy lo lắng! Anh bảo:
         -Ph…đi lãnh lương đi!
         Anh chở tôi đến Ty Giáo Dục. Bước vào tôi thấy người đông quá! Chờ một lúc, tôi quay ra:
         -Thôi, về anh! Đông quá, chiều đến lãnh cũng được!
         Anh bảo tôi đứng chờ anh, rồi anh quay vào nộp thẻ một lát sau là đến phiên tôi.
         Tình hình Quy Nhơn bắt đầu hỗn loạn! Mọi người trong thị xã nhốn nháo! Thỉnh thoảng anh đến và bàn bạc ba tôi để đưa cả nhà đi vào Sài Gòn.
         Một buổi chiều anh đến để đưa gia đình tôi di tản bằng tàu thủy đến nơi yên bình. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy anh ấy! Ba tôi cũng theo đơn vị ở lại. Những ngày sau đó nghe đâu anh và ba tôi thường xuyên liên lạc với nhau bằng điện đàm.
         Chuyến tàu đưa gia đình tôi đi, không thể vào Sài Gòn mà phải ghé lại Nha trang. Quy Nhơn giải phóng rồi Nha Trang giải phóng… Chúng tôi đành trở về! Mới chỉ có vài ngày mà Quy Nhơn bây giờ là một thị xã tang hoang. Đường phố, nhà cửa vắng vẻ hoang tàn. Bãi biển thảm thương với xác người, xe cộ và áo quần.... Kết quả cho một cuộc chiến chấm dứt!
         Gặp lại ba tôi, ông cho biết trước một ngày Quy Nhơn giải phóng, ông còn gọi liên lạc được với anh Tuấn nhưng sau đó gọi mãi mà không ai trả lời rồi bặt vô âm tín luôn. Tôi và ba má tôi đều nghe ngóng, hỏi thăm tin tức về anh nhưng chẳng ai biết? Không biết anh còn sống hay đã chết? Nghĩ đến cảnh người chết la liệt trên bãi biển mà tôi và ba má tôi đều cầu nguyện cho anh được mọi sự an lành.
         Gia đình tôi lúc đó có ý định đưa tôi vào Sài Gòn nhưng nhìn thấy cảnh ba má, các em còn nhỏ dại nên tôi không chịu đi. Nếu lúc đó ra đi thì biết đâu tôi đã gặp anh ấy!? Âu cũng là duyên số!
         Mọi người trong thị xã vẫn cứ lo lắng, chờ đợi, trông ngóng và…Một tháng sau giải phóng Sài Gòn…
         Tôi trình diện và đi dạy lại…
Phải sau mấy năm, tôi mới biết một chút tin tức về anh qua lời bà cô của tôi ở Vũng Tàu. Bà kể :
         -Giải phóng Quy Nhơn thằng Tuấn nó chạy vào Sài Gòn. Sau đó nó xuống Vũng Tàu tìm và ở với cô. Ngày nào nó cũng hỏi thăm tin tức của gia đình mình. Nó thường ra bến tàu xem những chuyến tàu chở người di tản từ miền Trung vào có ai là gia đình mình không? Trông bộ dạng của nó thất tha thất thểu trở về! Mỗi khi chẳng thấy ? Thiệt là tội nghiệp! Sau đó, một ngày trước khi Sài Gòn… Nó tạm biệt cô và nói với cô là nó phải đi. Và đêm hôm đó, nó xuống tàu…Nghe đâu trên chuyến tàu đó còn có mấy ông Tướng của Sư đoàn 22 Bộ binh…

         Từ đó, biết bao nhiêu Mùa Xuân phai đi rồi Mùa Xuân lại quay trở lại. Một năm, hai năm…năm năm…mười năm…và cho đến bây giờ gần bốn chục năm…vẫn chẳng thấy tin tức của anh ở nơi nào!!!

         Một Mùa Xuân lại về! Cái rét nhẹ nhàng hòa quyện với cái nắng ấm của Mùa Xuân làm cho không khí trở nên tươi mát. Hương xuân như tràn ngập khắp nơi nơi. Thổi vào hồn tôi một vài hoài niệm. Nhìn những nụ mai vàng đang phô sắc tôi bâng khuâng nhớ lại chuyện xưa… Tôi nghĩ rằng mình phải viết để nói lên lời tạ ơn! Vì trong cuộc đời của mỗi người chúng ta có những người đi qua mà mình vẫn còn “mắc nợ” một lời cám ơn hay xin lỗi. Tôi xin khắc ghi và luôn trân trọng những tình cảm đẹp đẽ và trong sáng của anh ấy. Trong thời gian năm năm quen biết, anh ấy đã mang đến cho tôi và gia đình tôi những mùa Xuân vui tươi và dịu dàng những tháng ngày êm đẹp. Gia đình tôi luôn xem anh như một người thân thuộc trong gia đình. Còn riêng tôi xin mãi mãi tri ân và xin cảm tạ tấm chân tình của anh đã dành cho tôi trong cuộc đời này!

Quy Nhơn, Đầu năm 2013.
Phương Kiều.

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...