Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Ở NƠI ẤY … MÙA XUÂN !

                                                                                             Thanh Cảm

     Mấy hôm nay trời chuyển gió, buổi sáng không gian đầy sương và se lạnh, hơi hướng của mùa Xuân như đang dần rõ nét hơn qua những cơn mưa xuân sáng sớm khe khẽ lùa qua ô cửa cao, từng hạt mưa lắc thắc rơi trên ban công nhà, tiếng mưa nhẹ như thì thầm, thủ thỉ: Này bạn ơi, mùa Xuân đến rồi đấy!
     Là cư dân ở thành phố này thế mà thấm thoát đã được mười hai năm sau những chặng đường nhiều trôi nổi. Mỗi khi mùa về, trong cái khoảnh khắc giao thoa của hạ đi thu đến của đông qua xuân lại, tôi nghe chút gì đó bâng khuâng, chút gì đó ngỡ ngàng và rồi cứ thế  tuổi đời chồng chất heo may cả thời gian và trắng thêm những sợi tóc cuộc đời.
     Một mùa xuân ấm áp nữa lại về với nhân gian. Mùa đem nắng mới sưởi ấm đất trời, đem những cơn mưa nhẹ phủ tươi xanh lên hoa cỏ và đem những yêu thương chan ngọt lòng người… Có biết bao mỹ từ dệt cho mùa xuân tấm áo choàng rực rỡ, có biết bao lời ca tiếng hát thêu hồn cho mùa xuân thêm xinh đẹp đắm say…Nhưng, trong cái không khí nhộn nhịp chờ đón Xuân về ấy, trong cái tất bật nôn nao của những ngày cuối cùng của một năm cũ sắp qua ấy và trong những lung linh sắc màu trên những con đường thênh thang trong thành phố này với những chiếc xe bóng nhẫy nối đuôi nhau bên những nhà hàng, cao ốc xa hoa lộng lẫy, ta có băn khoăn và chạnh lòng không khi còn nhiều lắm những người vô gia cư, những mảnh đời bất hạnh, những cụ già em bé đang co ro bên hiên lạnh, trong lều chợ vắng, trong những mái lán đơn sơ tạm bợ trên những vùng cao heo hút gió giữa cái rét se cắt cuối đông!
     Qua báo đài, qua những thông tin trên các trang mạng và qua những gì tôi đã thấy quanh tôi, trong cuộc sống này, còn nhiều lắm những mảnh đời lầm lũi, những thân phận đơn côi, những người vô gia cư không nơi nương tựa. Tôi đã thật sự thấu hiểu và vô cùng khâm phục sức mạnh phi thường và sự bền bĩ vượt qua nghịch cảnh, đương đầu với thử thách với khó khăn tột cùng của những con người tuy nghèo nhưng không hèn kém. Tôi trân quí tinh thần vượt khó để vươn lên của học trò vùng cao trên con đường đi tìm con chữ, tìm sự tươi sáng hơn ở một chân trời mới!  
     Không thể chối cải được sức hút làm mê đắm lòng khi ta đứng trước khung cảnh hùng vĩ của một vách núi sừng sững, của từng thửa ruộng bậc thang, của một cánh rừng hoang sơ bao phủ mây trời. Không thể nào xóa nhòa được nụ cười như tỏa nắng mang chút thẹn thùng đến ngất ngây của các cô sơn nữ giữa màu hồng ấm áp hoa đào, nét hồn nhiên trong trẻo giữa nguyên sơ núi rừng của các em bé vùng cao bên màu trắng tinh khiết hoa ban hay giữa cái roi rói đến ngẩn ngơ của màu vàng hoa cải bên sườn dốc bìa rừng. Trên những sườn dốc mù sương ấy, trên những đường đèo quanh co nối tiếp nhau bên vách núi cheo leo đầy gió ấy đã gian nan đưa bước những em bé vùng cao đến trường cách nhà hàng chục cây số trong cái buốt thấu thịt da của những ngày rét đậm, trong phong phanh quần áo giữa những ngày gió bấc mưa phùn!
     Gần đây, báo đài và các trang mạng cũng như trên trang nhà đưa tin và hình ảnh  những học sinh nhỏ của các trường học vùng cao thiếu thốn và tím bầm trong giá lạnh. Tôi cũng đã đọc, đã biết sự khó nghèo cùng nỗi vất vả  của trẻ em xã Kim Bon huyện Phù Yên hay ở xã Háng Đồng huyện Bắc Yên – Sơn La thuộc vùng Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc. Người dân ở Đồng Cao xã Thạch Sơn huyện Sơn Động - Bắc Giang, ở bản Láy xã Tân Xuân huyện Mộc Châu – Sơn La… vô cùng khó nghèo vì đông con nên thiếu cái ăn cái mặc, trẻ em thì thiếu thốn trong việc học hành!
       Vùng cao với những cung đường quanh co dốc đồi, những căn nhà sàn trống hoác đón gió trước sau lại thấp lè tè chìm khuất dưới những tán cây rừng. Vẫn biết đằng sau những quả đồi xanh um ấy, đằng sau những vách núi cheo leo phủ đầy mây trời và dưới những thung sâu heo hút ấy là cuộc sống cơ cực, là những mảnh đời vất vả thiếu thốn trăm bề chìm trong tăm tối, là những em bé thiếu ăn thiếu mặc chứ đừng mơ chi đến chuyện học hành. Vẫn biết cái nghèo mà những cư dân rẻo cao đeo mang đã rất lâu rồi nhưng sức người có hạn, lực bất tòng tâm, mà khí hậu thì lại khắc nghiệt nên cuộc sống người dân ở núi rừng Tây Bắc thường xuyên chìm trong nghèo khó, vậy mà những trẻ em ở đó với đôi chân trần cứ mặc nhiên sống, mặc nhiên lớn lên trong đói nghèo, tự chống chọi với cái rét lạnh 4-5 độ C của vùng đất quanh năm sương phủ mây giăng !
      Không băn khoăn sao được khi những em học sinh bán trú người Mông, người Dao ở Háng Đồng, ở Kim Bon vì đèo dốc xa xôi mà khí hậu thì nghiệt ngã nên các em phải trú lại trường trong những lán trại đơn sơ tạm bợ ven rừng. Nằm ở độ cao gần 2000m so với mặt nước biển nên nhiệt độ trung bình luôn dưới 10 độ C, có thời điểm chỉ còn 2 – 3 độ C mà các em thì ngày ngày chống chọi với giá rét chỉ bằng những manh áo mỏng manh và đêm đêm đắp bằng những tấm chăn không đủ ấm. Thức ăn chủ yếu là cơm với nồi canh măng muối ớt rừng lỏng bỏng. Thịt cá với các em nhỏ ở đây là điều quá xa xỉ. Lắm khi hết thức ăn, các em lại đi bẫy chuột, mà nhiều nhặn gì cho cam, giỏi lắm thì mỗi tuần cũng chỉ bẫy được vài ba con là đã mừng lắm rồi!
      Không chạnh lòng sao được khi chỉ cần một phần nhỏ trong những món tiền lớn bị thất thoát,lãng phí…thì các em bé vùng cao này có thể sẽ có một đời sống tốt đẹp và no đủ nhiều hơn. Tuy vẫn được sự quan tâm của xã hội, học sinh ở đây vẫn được hổ trợ hằng tháng, nhưng vẫn là quá ít để các em trang trải trong cuộc sống còn nhiều tạm bợ và việc học hành còn quá gian nan!
     Vẫn biết đâu đó trên quê hương mình còn nhiều lắm những phận đời khó khăn lầm lũi. Dưới mái hiên khuya, dưới gầm cầu vắng vẫn còn những người vô gia cư trú ngụ lúc đêm về. Trong hoa lệ Sài Gòn vẫn còn đôi vợ chồng già gần ba mươi năm trèo me rồi hàng ngày bày ở ngã ba Ngô Văn Năm – Tôn Đức Thắng bán cho người qua lại để mưu sinh kiếm sống bằng chính sức lao động còm cỏi của mình!
      Vẫn biết, và tôi biết bên cạnh những mảnh đời cơ cực ấy, những số phận đeo mang ấy là sự chung tay sẻ chia của cả một cộng đồng. Là những san sớt yêu thương của những nhóm người thiện nguyện, là những bình nước miễn phí giữa trưa hè nóng bức, những bếp ăn từ thiện đầy nhân nghĩa giữa lòng thành phố, là những đồng tiền xởi lởi kèm theo nụ cười tươi tắn của những bạn trẻ khi mua những quả me chín của đôi vợ chồng già. Là nữ giảng viên trẻ Hoàng Thảo giỏi giang xinh đẹp đã cùng những người bạn nhỏ, những tình nguyện viên trong nhóm Ấm lặng lẽ thâu đêm đi san sớt yêu thương cùng những sẻ chia ấm áp đến những người vô gia cư cô đơn trên những vỉa hè lều chợ, trong công viên lạnh giá giữa đêm đông Hà Nội bằng những gói xôi nóng, những chiếc bánh mì giòn tan và những tấm chăn ấm áp tình người!
       Những mái tóc vàng hoe và làn da cháy nắng, những đôi mắt trong sáng hồn nhiên pha chút hoang dã của núi rừng, những đôi chân tím bầm trong giá rét của những em bé vùng cao là sự thôi thúc, là động lực cho nhiều nhóm thiện nguyện mang hơi ấm đến với các bản làng xa xôi. Là câu lạc bộ Niềm Tin Ánh Sáng của bạn Phạm Quang Tuấn mang đến cho các em những chiếc áo, đôi tất, chiếc mũ len… ấm lòng trong mùa đông giá lạnh, quyển vở cuốn sách…để các em thêm điều kiện đến trường. Là chương trình “ Vui đón Tết ấm – Nhận lấy yêu thương” của câu lạc bộ Different Life với mong muốn đem đến cho người dân và các em bé vùng cao một cái Tết đủ đầy trong tình thương yêu và đùm bọc.
      Vẻ đẹp hồn nhiên của trẻ thơ đã mang những trái tim hướng thiện đến với vùng cao, đến với những miền quê nghèo khó. Hoạt động vì cộng đồng của các bạn trẻ ở câu lạc bộ Vì sự Phát triển Bền vững thuộc trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững đã hiện thực hóa rất thành công, của nhóm Trekking Fan và Amita đã tổ chức quyên góp tiếp sức cho các em nhỏ vùng cao vững bước đến trường. Là hôi chợ từ thiện Unique Market ở đại học Y Hà Nội với tiêu chí “ Vì học sinh dân tộc miền núi” do ca sĩ Thái Thùy Linh chủ nhiệm dự án đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Là những tủ sách mang tri thức đến với các điểm trường xa xôi nhất ở Mường Ảng – Điện Biên của nhóm Trái tim Nhân ái do chị Lê Phương Liên khởi xướng. Là câu lạc bộ thiện nguyện Lá Me Xanh với mục đích giúp đỡ những em bé nghèo bị ung thư thêm ấm lòng khi bệnh tật… Là những bữa ăn tươm tất chỉ hai nghìn đồng trên đường Hồ Xuân Hương quận 3 của nhà báo Nam Đông cùng những người bạn và là quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm trên đường Hoàng Sa quận 3 của chú Lê Công Thượng đã làm ấm lòng bao khách nghèo thành phố mỗi lúc ghé chân…!
     Còn và còn nhiều lắm những tấm lòng như thế, những tấm lòng từ tâm mang yêu thương kết nối những yêu thương, còn nhiều lắm những trái tim rộng mở sẻ chia như thế giữa cuộc đời này để những mảnh đời cơ nhỡ, kẻ vô gia cư, những em bé nghèo từ miền quê xa xôi đến vùng cao đèo heo hút gió cảm thấy ấm lòng và không thấy mình đơn độc!                                               
Dẫu rằng trong cuộc sống này vẫn còn những tâm hồn vô cảm, những con tim chai sạn, những ánh mắt nhìn hờ hững và vẫn còn những kẻ mang tâm địa thấp hèn, nhưng tôi vẫn luôn tin thiện tâm rồi sẽ quay về và nhịp đập của những trái tim đầy tình yêu thương sẽ cùng hòa nhịp đem đến cho thế giới này, cuộc sống này một bài ca chan hòa tình nhân ái!

     Mùa Xuân đang về trên quê hương và một cái Tết cổ truyền nữa đang đến! Lòng của những người vô gia cư, của những trẻ em nghèo lại đau đáu nỗi buồn! Cho dù vẫn biết sẽ là không đủ để lấp đầy nỗi cơ cực của những phận đời lầm lũi ấy, nhưng, với những sẻ chia đầy ý nghĩa của cộng đồng, những hoạt động lành mạnh và thiết thực của các bạn trẻ trong các câu lạc bộ thiện nguyện, của những tấm lòng và những trái tim hướng thiện trong cuộc sống, hy vọng Tết này tất cả sẽ no đủ hơn, ấm áp hơn trong vòng tay san sẻ và yêu thương của cả một cộng đồng cùng góp sức và chung tay đùm bọc!
    Mong sao nơi ấy, những cụ già neo đơn, những mảnh đời bất hạnh, những người vô gia cư không nơi nương tựa sẽ ấm lòng hơn khi mùa xuân mang tia nắng mới trở về, mang tình yêu đến từ những trái tim nhân ái!
    Mong sao nơi ấy, các em bé vùng cao sẽ vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn trên đường đến trường. Một cái Tết sẽ đủ đầy hơn và phần nào chống chọi được những đợt giá rét ở núi rừng khi được ân cần trao tay những đôi tất, đôi giày, những chiếc áo, chiếc mũ, những gói quà Tết thiết tha tình từ những tấm lòng miền xuôi gửi đến!
     Xin đừng để và xin không phải là một giấc mơ xa vời cho những “ Bữa cơm có thịt”, cho một mái trường kiên cố, cho tiếng cười khúc khích của các em thơ…mà sẽ là một giấc mơ có thật giữa đời thường sẽ về với những rẻo cao heo hút gió!
     Và mong sao,
     Ở nơi ấy, sẽ luôn mãi ấm áp cho những mùa Xuân !

Sài Gòn - Những ngày đầu Xuân 2013
Thanh Cảm

MÙA XUÂN YÊN BÌNH.

                                    Phương Uyên.

         Bây giờ vừa sang tháng chạp ta là đã nghe không khí Tết lao xao lùa trong gió. Mùa Xuân trở về mang theo hơi thở ấm áp, xua dần đi cái lạnh lẽo của núi đồi, xua tan cái băng giá Mùa Đông. Nàng xuân trẻ trung, tươi tắn, mát mẻ xuất hiện khắp mọi nơi đem đến cho vạn vật một sức sống mới. Đánh thức cả cái xóm nhỏ của cái làng heo hút ở vùng cao này.
         Tối đến, con nít lại tụ tập nô đùa vui vẻ. Người lớn thì bắc ghế ra trước hiên nhà  tụm ba, tụm bảy ngồi quây quần bên nhau uống trà chuyện trò. Quanh đi quẩn lại cũng là những chuyện về ngày Tết…
         Thời tiết dần dần thay đổi mỗi ngày. Ngày không mưa cũng không nắng. Chỉ thấy trời râm mát hơi se lạnh càng làm cho mọi người cái cảm giác nao nao trong lòng, chờ mong từng ngày.
         Sáng nào cũng vậy Hiền có thói quen thức dậy sớm. Ngủ nướng thêm một lát rồi mới ngồi dậy bước xuống giường. Cô khoác vội cái áo len, quấn thêm mấy vòng chiếc khăn quàng cổ cho ấm rồi mới mở cửa bước ra phía sau nhà.
 Trong làn sương sớm lành lạnh của Cao Nguyên. Có ai đó thấp thoáng trong màn sương bên những luống rau? Thì ra Huy chồng của Hiền đang lúi húi chăm sóc, tưới bón…
         -Anh đang làm gì đó? Sửa soạn đi dạy đi kẽo trể, để đó em làm nốt cho!
         -Sáng nay anh nghỉ hai giờ đầu cho nên thong thả rồi đi cũng được.
         -Nhưng mà anh cũng phải nghỉ tay đi, để vào ăn sáng!
         - Ừ, chờ một chút, anh tưới nốt mấy luống rau nữa là xong thôi mà!
         Huy năm nay cũng gần sáu mươi tuổi, còn hơn một năm nữa là đến tuổi hưu rồi. Hai vợ chồng sống với nhau trong căn nhà  nằm dưới chân đồi sát bên ngôi trường Tiểu học. Quê anh ở Phú Yên. Ba mẹ anh bị bệnh rồi lần lượt qua đời trước năm 75. Sau này lập gia đình, anh theo vợ về lập nghiệp ở đây luôn. Hằng ngày, Huy đi dạy, sau giờ dạy về nhà làm vườn trồng rau trái, nuôi mấy con gà, có lúc lại nuôi một vài con heo để tăng thu nhập cho đời sống. Thời gian còn lại rảnh rỗi anh lại viết lách cho các tờ báo. Lâu lâu cũng có chút ít tiền nhuận bút. Với số tiền đó anh lại mua thêm giống cây trồng hay mua vài con gà nuôi. Nhờ vậy quanh năm có rau trái ăn và còn có trứng, có thịt gà…Ngày Tết để dành được con heo bán lấy tiền mua sắm. Anh siêng năng lắm! Đi dạy thì thôi, còn về nhà thì làm việc luôn tay. Anh cũng thường làm giúp cho các người dân trong xóm mấy việc lặt vặt. Thấy vườn rau của ông Tư trồng sát bên thế là anh cũng bắt sâu, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước dùm. Tính tình thì hiền hậu cho nên mọi người ai cũng quý mến anh.
         Hiền ngồi xuống bậc thềm, lơ đãng nhìn những luống rau lang tươi tốt. Luống cải xanh non. Những cây cà chua trĩu quả, có chùm trái đã hườm hườm. Giàn mướp với những bông hoa vàng vàng, trái thì mới chòi ra, trái thì lủng lẳng dưới cành. Những cây ớt trái xanh, trái đỏ đan xen nhau…Thoang thoảng trong gió đưa lại hương thơm ngan ngát của hoa chanh, hoa bười. Huy và Hiền thích ngồi bên nhau ở đây để ngắm khu vườn với màu xanh tươi mơn mởn chạy dài xuống tận dưới chân đồi…có lúc mơ màng Huy lại lãng đãng theo những vần thơ của Nguyễn Đình Toàn.
         Khi em về trời xanh và gió mát
         Con đường mòn thơm lá mục quê hương
         Vườn cải ngồng dỗ ong bướm về sân
         Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng…
        
         -Anh ơi! Anh hái mấy trái mướp để trưa nay nhà mình nấu canh ăn kẽo để nó già đi mất!
         -Ừ, anh thèm rau lang luộc nên anh có hái một bó, trưa em nhớ luộc nghen!
         -Dạ, nhớ hái cho em mấy trái chanh, mấy trái ớt nữa! Hiền nói vói xuống.
         Lát sau, Huy đưa cái rổ đựng mấy trái mướp non còn phấn trắng, nắm ớt, vài trái chanh tròn tươi xanh mọng nước có cả lá cho Hiền.
         -Hôm nay em không có giờ dạy à?
         -Chiều em mới có giờ.
Hiền đã về hưu nhưng vì cô có chút vốn liếng ngoại ngữ, bằng B Anh văn nên trường đã đề nghị với cô đảm nhận một tuần vài tiết dạy cho học sinh hai khối lớp 4 và 5. Nhờ vậy Hiền cũng cảm thấy vui vì vẫn còn ở bên học sinh.
         Huy ngồi xuống bậc thềm sát bên vợ rồi đưa mắt nhìn những màu xanh ngút ngàn phía trước mặt. Không khí buổi sáng ở đây rất thoáng đãng trong lành. Xa xa là núi đồi trập trùng. Mấy cái nhà sàn của những người dân tộc khi ẩn, khi hiện trong màn sương trắng đục. Tiếng chim chóc hót véo von trong các vòm lá vang vang dội vào trong vách núi. Những con ong, con bướm đủ màu sắc đang chập chờn bay lượn trên những đóa hoa mướp vàng vàng. Không gian trầm lắng yên bình. Huy thấy tâm hồn mình thanh thản nhẹ nhàng một cách kỳ lạ.
         -Anh nè! Mấy cây vạn thọ, mấy cây cúc ra hoa có kịp Tết không anh? Hiền nhìn những luống cây hoa quay lại hỏi chồng.
         -Chắc là kịp! Bây giờ nó đã ra nụ nhiều rồi. Nhưng mà nó ra không kịp thì ra giêng mình vẫn cứ ăn Tết, phải không em? hì hì! Vừa nói anh vừa cười.
Hiền không nói gì. Mỗi khi ngồi ở đây là Hiền thường thả hồn mình về với ngày cũ…
         Hiền mồ côi cha khi còn rất bé. Nhà nghèo, mẹ Hiền phải buôn bán tảo tần hôm sớm nuôi con ăn học. Đậu Tú tài xong Hiền thi và đậu vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Hai năm sau, ra trường Hiền lên dạy Phú Bổn. Mẹ Hiền cũng theo con. Hai mẹ con thuê nhà ở. Hàng ngày Hiền đi dạy còn mẹ thì buôn bán tạp hóa lặt vặt. Cuộc sống của mẹ con Hiền cứ thế tạm gọi là ổn định.
         Hai năm học trong trường Sư Phạm ở Qui Nhơn, Hiền và Huy quen nhau. Huy học trên nàng một khóa. Cuộc thi văn nghệ của lớp, qua một người bạn trong lớp giới thiệu. Huy đến tập dợt, đệm đàn cho Hiền hát. Bài hát Tình Quê Hương của Đan Thọ Hiền hát đơn ca rất thành công trong đêm diễn. Và cũng từ đó hai người yêu nhau.
Huy tốt nghiệp ra trường đổi về dạy ở quê là Phú Yên. Hồi đó chiến tranh nên đường sá xa xôi, cách trở…Thỉnh thoảng nghỉ lễ, anh vội vàng ra Qui Nhơn, vào nội trú thăm Hiền. Hai người lại tay trong tay đi trong sân trường hay đi dạo dọc theo những con đường phố ở Qui Nhơn có lúc ra ngắm biển. Đó là những ngày thơ mộng của một thời giáo sinh.
         Năm sau, Hiền ra trường đi dạy. Với vị thứ đậu ra trường, Hiền chọn lên Phú Bổn. Lúc Hiền mới lên đây, anh cũng thường xuyên lên thăm cô. Phú Bổn một huyện lỵ nhỏ. Khí hậu gần giống Đà Lạt nên mát mẻ dễ chịu. Ở đây, người dân còn rất ít,  phố xá thì chỉ có một vài con đường nhỏ lèo tèo vài ba hàng quán. Hiền có cảm giác như mình đang sống ở một cái ốc đảo nào đó biệt lập. Buồn hắt, buồn hiu!
         Huy và Hiền chưa kịp hứa hẹn gì nhiều cho tương lai thì mùa Xuân 75…
Theo đoàn người di tản Hiền và mẹ chạy theo Tỉnh Lộ 7 xuống Tuy Hòa và tìm gặp được Huy. Anh đưa Hiền về nhà giới thiệu với anh chị và bà con. Sau khi đất nước yên ổn, Hiền và mẹ trở lại Phú Bổn. Hiền tiếp tục đi dạy lại. Rồi mẹ con Hiền dành dụm tích góp mua được đám đất cất nhà.
Mùa Xuân sau anh và Hiền đám cưới. Anh xin đổi lên trên này dạy để được gần Hiền.
Cuộc sống cứ phẳng lặng trôi như dòng sông. Hiền và Huy có được hai con. Bây giờ thì chúng nó đã đi làm. Cô con gái đã có gia đình. Hai vợ chồng đều làm việc tại Phú Bổn và đã cho vợ chồng Hiền một đứa cháu ngoại. Cuối tuần chúng nó lại bồng bế nhau về thăm ông bà`. Còn cậu con trai chưa vợ thì đang làm việc tại Sài Gòn.
Hiền sống êm đềm bên mẹ và chồng con trong cái xóm nhỏ lặng lẽ yên tĩnh này. Cuộc sống giáo viên ngày xưa thì vất vả, cơ cực. Thời bao cấp ai cũng thế nhưng đối với vùng sâu vùng xa như nơi đây thì lại càng khổ sở trăm bề. Vợ chồng phải trồng trọt chăn nuôi thêm. Hiền thì ngoài giờ dạy phụ chồng, phụ mẹ làm vườn rồi mang ra chợ bán.  Khi thì mớ rau, khi thì trái cà, trái mướp…kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Cuộc sống đạm bạc, giản dị nhưng hạnh phúc và an bình.
Bây giờ thì kinh tế khấm khá lên rồi. Tháng nào cũng dư giã chút ít nên hè vừa rồi hai vợ chồng mới sửa lại cái nhà. Nhà cửa giờ đã rộng rãi, khang trang. Mẹ Hiền cũng đã tám mươi tuổi. Thế nhưng nhờ trời cụ vẫn khỏe mạnh.
Hiền quay vào nhà, chế café, nấu bữa ăn sáng. Hiền bưng cháo vào cho mẹ rồi hai vợ chồng vừa ăn sáng vừa nhâm nhi hương vị café Tây Nguyên.
Có một năm cũng vào dịp Xuân về Tết đến. Huy bảo với vợ:
-Em ơi, anh định Tết này mình gói thật nhiều bánh chưng, bánh tét?
-Chi vậy anh?
-Năm nay nhà mình cũng đỡ, con cái hai đứa thì đã ổn định. Nhưng nhìn xung quanh, anh thấy còn rất nhiều người nghèo khổ ở trong xóm mình. Nhiều nhà lại gặp hoàn cảnh cơ cực! Nên anh bàn với em, nếu được thì mình đem một chút bánh biếu Tết cho những gia đình khó khăn đó.
-Đúng đó! Em thấy mình cũng nên đem vào vùng trong cho các đồng bào dân tộc nữa anh à!
-Ừ.
-Em định ra giêng, mỗi tuần em bỏ ra vài ba buổi tối dạy dùm con em những người trong xóm mình học yếu kém như cháu ông Hoành ở sau nhà mình…
-Cũng được nhưng em phải nhắm sức khỏe của mình vì bây giờ tuổi đã lớn, em lại hay đau lưng…
-Dạ, em biết rồi!
Hai người mỉm cười nhìn nhau với ánh mắt đồng thuận. Trong lòng như ấm áp hẳn lên! Mặc dầu hôm nay rất lạnh vì ông Mặt Trời trốn biệt đi đâu mất.

Những ngày sau đó, nhà của vợ chồng Hiền tấp nập, kẻ ra người vào. Huy và cánh đàn ông tất bật lo hái lá chuối sau đồi chất đầy nhà rồi hì hục chẻ lạt…Hiền và các bà trong xóm vút nếp, ngâm nếp, đãi đậu, ướp thịt…Xong đâu đó, tất cả xắn tay áo lên gói bánh. Người biết gói thì ngồi gói người không biết thì xếp lá, cột bánh…mỗi người một tay. Ròng rã thâu đêm suốt sáng bánh đã được gói xong. Các ông nhanh chóng bắc bếp nấu bánh. Mọi người cùng nhau xúm xít têm nước, chụm củi…Lửa các thùng nấu bánh cháy hừng hực khiến cho khuôn mặt ai ai cũng đỏ bừng. Hòa lẫn trong tiếng củi cháy tí tách là  tiếng nói, tiếng cười… làm cho cái xóm nhỏ như nhộn nhịp hẳn lên.
Sáng hai tám, mọi người phân thành từng tốp. Mỗi tốp vài ba người mang bánh đến cho những hộ dân nghèo trong làng. Hiền còn kèm thêm mỗi phần bánh là một bì thư vài ba trăm nghìn để họ sắm Tết. Nhìn nét mặt vui mừng, hớn hở của bà con nhất là những đồng bào người dân tộc, mọi người cảm thấy rộn lên niềm sung sướng. Riêng vợ chồng Hiền thì rạng rỡ hẳn lên. Và cũng từ đó, “tiếng lành đồn xa”, một số người nghe vậy cũng đến đóng góp “của ít lòng nhiều” và thế là “… Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Những tấm lòng đã đem đến Mùa Xuân cho những người nghèo ở vùng cao này mỗi năm thêm ấm cúng no đủ hơn. 
Cứ thế ngày qua tháng lại, vợ chồng Hiền sống chan hòa gần gũi với bà con làng xóm. Chạy qua chạy lại tâm sự cùng nhau. Tối lửa tắt đèn có nhau. Đêm đêm căn nhà lại vang vang tiếng giảng của Hiền, tiếng đọc bài của các em học sinh nghèo.
Và cứ thế, hàng năm khi Đông tàn, Xuân đến! Huy và Hiền cùng bà con trong xóm lại tất bật với công việc giúp đỡ người nghèo…đem đến cho họ một niềm sẽ chia ấm áp. Tuy bận rộn như thế nhưng hai vợ chồng Hiền cảm thấy cuộc đời đáng yêu và  cuộc sống này có ý nghĩa vô cùng.

Buổi chiều của những ngày cuối năm. Một buổi chiều thật yên bình. Hàng cây sau nhà đứng lặng im chờ gió. Không gian như lắng đọng. Một chút nhàn nhạt nắng của cuối chiều còn rơi lại vương vấn trên ngọn cây, trên đồi nương … Xa xa, những mái nhà nằm rải rác dưới lũng thấp tỏa khói bữa cơm chiều. Những làn khói lam mỏng manh quyện vào với đồi núi như ôm ấp, như quyến luyến, như bịn rịn…Hiền bỗng nghĩ đến cuộc sống của những người dân miền núi, muôn đời vẫn thế! Sướng ít khổ nhiều. Thiếu trước hụt sau. Quanh năm lam lũ cùng sương gió. Thế nhưng họ sống với nhau bằng tấm lòng thật thà, có tình, có nghĩa… Hiền yêu mảnh đất này vô cùng! Hiền thương những con người vất vả, nghèo khó ở đây biết bao! Mong sao cho ngày mai cuộc sống của họ càng ngày càng được sung túc và ấm êm hơn!
Ngoài sân, mai đang đơm nụ, cúc chúm chím điệu đàng với những búp nõn xanh, vạn thọ đã hé nở vàng vàng tươi tắn, mấy khóm dã quỳ sắp khoe sắc trong mùa Xuân…Mùa Xuân thật đẹp và cũng thật là yên bình.
Tiếng hát trong trẻo vang lên một bài nhạc xuân làm cho Hiền xao xuyến cả lòng.
Xuân đã đến rồi, reo rắc ngàn hồn hoa xuống đời…(Đón Xuân).

Sài Gòn, Vào Xuân 2013.
Phương Uyên.

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Thư Cám Ơn


                                    CÁM ƠN!

Chúng tôi là cựu giáo sinh lớp 6 khóa 11 Trường Sư Phạm Qui Nhơn niên khóa 1972-1974, xin cám ơn:
         -Trang spqn.blogspot.com
         -Trang lientruongqn.wordpress.com
         -Trang cdnth 68-75
Cùng các bạn đồng môn gần xa, trong nước, ngoài nước bằng mọi cách, mọi phương tiện đã giúp đỡ cho lớp chúng tôi tìm kiếm bạn.
Đến ngày hôm nay 16/01.2013, chúng tôi đã tìm được người bạn cuối cùng; tổng cộng đã tìm được tất cả 53/57 bạn( 4 bạn vĩnh viễn ra đi).
Vậy là lớp chúng tôi đã hoàn thành tâm niệm đi tìm lại bạn xưa để cùng nhau chia sẻ buồn vui trong khoảng thời gian còn lại của cuộc đời.
Một lần nữa xin thay mặt tập thể lớp 6 khóa 11 xin chân thành cảm ơn đến tất cả!
Xin chúc các bạn mọi sự may mắn, sức khỏe, an vui!

Sài Gòn, 16/01/2013.
TM. Cựu GS lớp 6k11.
Huỳnh Kim Thạch.

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ!!!


                                                      Võ Sao Tây.

Tối nay, khi đọc bài “Đời dạy học” của Thủ Tịnh lòng Tây dâng lên một nỗi buồn man mác. Tây cố gắng hồi tưởng lại những kỉ niệm đã qua về bạn bè, về trường lớp và cuộc đời đi dạy của mình. Kể lại để cùng các bạn chia sẽ, dù văn chương chữ nghĩa của mình còn hạn hẹp.
 Ngôi trường Sư Phạm Qui Nhơn đối với Tây đã gắn bó một thời gian rất dài. Nơi đó, có thầy Phan Thâm, thầy Bùi Thường. Những người thầy đã dạy Tây trong nhiều năm về môn Mĩ Thuật và Hội Hoạ ở trường Kĩ Thuật Qui Nhơn và nhiều Thầy Cô giáo đã dạy Tây nên người. Ở trường Sư Phạm Qui Nhơn còn có các anh, các chị Tây cùng bạn bè thân thiết khác nữa cũng học ở đây .
         Năm 1972 Tây đang học lớp 10 (Đệ tam) trường Kĩ thuật Qui Nhơn thì bị động viên. Lúc đó, Tây rất ham học cho nên không còn con đường nào khác là phải làm thí sinh tự do để thi Tú tài1. Đậu Tú tài 1 Tây thi  vào Sư Phạm Qui Nhơn và đậu thế là Tây vừa học Sư Phạm vừa học luyện thi Tú tài 2. Năm học thứ nhất Tây thi và đậu Tú tài 2. Sau đó, ghi danh học thêm Đại học Văn khoa Sài Gòn. Nói chung con đường thi cử đến với Tây thật suôn sẽ và nhiều may mắn.
         Trong 2 năm học Sư Phạm có rất nhiều kĩ niệm về thầy cô và bạn bè làm sao kể xiết! Ở lớp Nhị 6, Tây ngồi sau lưng các bạn nữ. Trong những giờ học bạn nào ở hàng sau vuốt tóc, cột áo dài, dán quảng cáo, viết thư….??? Chọc ghẹo các bạn nữ ? Lần này về gặp nhau phải tự thú đi nhé!. Tây phải làm cho ra lẽ. Chớ hồi đó thấy Tây ít nói rồi cứ đổ thừa cho Tây thì oan cho Tây lắm đó! Vì “Có tiếng mà không có miếng” ai mà chịu đựơc phải không các bạn? Nói vậy cho vui thôi, chứ đó là những kỉ niệm đẹp đẽ đáng nhớ của thời son trẻ phải không các bạn?
         Sau khi tốt nghiệp Tây chọn nhiệm sở ở Phú Bổn. Vì không quen biết, lại không có tiền?! nên bị đày một mình lên dạy ở Buôn Huing ở một buôn làng xa nhất (Thuần Mẫn).
Buồn quá! Thấy cuộc đời mình sao kém may mắn nên viết đơn khiếu nại lên chánh Sở, Tỉnh. Bị thanh tra Sở hăm dọa, sa thải…Thế rồi, không ngờ! Hôm sau, Tây có quyết định về truờng Trung Tiểu học Yasol huyện Phú Thiện và đuợc thầy Hiệu truởng Nayhot (lúc đó làm ở Hạ Nghị Viện) đùm bọc cưu mang. Tây được phân công dạy lớp 5, học sinh của Tây là dân tộc ÊĐê, đứa nào đứa nấy da đen nhem nhẻm người thì to đùng. Ngày bị pháo kích Thầy trò kéo nhau xuống giao thông hào quanh truờng. Đó cũng là lần đầu tiên Tây chứng kiến tận mắt cảnh học sinh chết rất là thảm khốc!
Ra trường dạy học được vài tháng chưa hết niên học thì chiến trận Tây Nguyên bùng nổ, Tây theo dòng nguời di tản trên tỉnh lộ 7. Đoàn xe hàng vạn chiếc nối nhau đi. Dọc đường xác chết la liệt! Nhìều nguời động lòng thương cảm đã lấy đá đè lên từng thây chết ghi vội mấy dòng chữ bằng than để lại cho thân nhân người xấu số biết rồi vội vã bỏ đi.
Đến ngày thứ 10 thì giao chiến rất ác liệt! Xe tăng thiết giáp chạy dọc ven đường bắn phá dữ dội! Đoàn nguời di tản thì đói khát, áo quần rách rưới dơ bẩn, tả tơi. Mọi người tìm kiếm bất cứ thứ gì có trên đường chạy để ăn. Họ hái những đọt cây non ăn qua ngày… Rồi trên bầu trời, máy bay trực thăng thả bánh mì cứu đói, dưới đất đoàn người đang đói trông thấy như thế hoảng loạn chạy túm lại đông như kiến giành giựt thức ăn. Nhìn thấy cảnh tượng ấy thật là đau xót trong lòng!
Còn Tây may thay thấy một chiếc Xinúc ( sâu róm) đang bắn pháo báo hiệu đằng xa ở trong rừng. Với sức trẻ và dốc hết sức lực của mình Tây vượt qua lau lách. Nhảy được vào đầu tiên cùng với một vị tuớng lĩnh. Máy bay đóng nắp cất cánh bay về Tuy Hoà. Đến Tuy Hòa, không có người thân, trong túi không có một đồng. Không biết làm thế nào để về với gia đình? Trong lúc đang lang thang trên đường phố thì bất ngờ gặp được Tâm Thanh. Tâm Thanh là nguời bạn cùng học chung lớp Nhị 6 khóa 11 Sư Phạm Qui Nhơn. Vẫn với khuôn mặt rạng rỡ, mái tóc đuôi gà, dáng người nhỏ nhắn, thân thiệt, hoạt bát…Thanh mời Tây về nhà.
Sau khi biết được tình cảnh của Tây, bạn ấy không ngần ngại dốc hết tiền trong túi áo, rồi tế nhị bỏ vào trong quyển sách đưa cho Tây với mục đích giúp Tây có tiền xe về với gia đình. Tây xúc động nghẹn ngào không nói nên lời. Tình bạn, tình đồng môn thật chân thành, đẹp đẽ và quý biết bao! Có lẽ suốt đời này Tây không bao giờ quên!
         Cũng nhờ số tiền cô bạn cùng học Sư Phạm giúp đỡ trên con đường chạy loạn đó, Tây về được với gia đình. Về đến Quy Nhơn thì mọi người trong thị xã nhốn nháo di tản. Gia đình Tây thuê tàu đánh cá ở eo Nín Thở đi Nha Trang vì đường bộ bị cắt. Nửa đêm đến Vũng Rô tàu bị thủng nước, ngập cả khoang thuyền. Đồ đạc mang theo đành vứt xuống biển. May thay tai nạn qua khỏi! Đến Nha Trang thì Nha Trang cũng vừa giải phóng. Gia đình Tây tiếp tục đi bộ 100km đến Phan Rang. Dọc đường bị cướp giật mất hết tài sản. Giải phóng Phan Rang, cả nhà quay trở về quê. Ba Tây đi học tập cải tạo, anh chị em mất dạy vì lí lịch không tốt. Tây bỏ vào Cam Ranh xin làm công nhân ở Đoàn điều tra lâm nghiệp khu Trung Trung Bộ, đi công tác các huyện miền núi, các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, KonTum, Đaklak, Phú yên, Khánh Hoà…). Với chiêc ba lô và cây súng Aka có lúc đánh nhau với Fullrô, cảnh chết chóc thật là ghê rợn!
         Năm 1977 cơ quan cho Tây đi học chuyên tu tại đại học Lâm nghiệp Hà Nội. Tưởng cuộc đời mình đã chuyển sang trang mới tốt đẹp, huy hoàng hơn! Nào ngờ biến cố lại ập đến với gia đình! Anh ruột bị tù .
Thế là Tây bỏ học đại học Lâm Nghiệp. Rời Hà Nội trở về! Xin thôi việc!
Tây theo gia đình vào Đồng Nai, cũng là cái “nghiệp” quanh quẩn rồi cũng  trở lại nghề giáo! Tây xin dạy học ở phân hiệu thuộc chiến khu cũ. Dạo đó Giáo viên lương “ba đồng ba cọc” nhưng vẫn cố gắng theo nghề. Được đề bạt làm quản lý nhưng không làm. Gần 30 năm làm khối trưởng khối lớp 5. Cuộc sống cứ bình bình, không lên cũng không xuống cho đến ngày về hưu.
         …Dòng suy nghĩ cứ tuôn chảy dào dạt, viết sao cho xuể, nói sao cho hết. Cuộc đời người quá nhiều thăng trầm, có nhiều sóng gió, có nhiều ngã rẽ…Tây xin tặng các bạn 4 câu thơ để kết thúc bài viết:
                           Lệ tôi đã cạn hềt rồi
                  Còn đâu để khóc cuộc đời hôm nay.
                           Tim đà khô héo thế này
                  Vắt ra để viết những ngày đau thương.

 Đồng Nai, Đêm 18/12/2012
VÕ SAO TÂY NHỊ 6 KHÓA11

Đời dạy học.



                  Thủ Tịnh.



         Năm 1974 ra trường, sau khi chia tay bạn bè, xa ngôi trường Sư Phạm mến yêu! Theo người anh thứ ba vào Nha trang, tưởng rằng tốp giáo sinh Sư Phạm Qui Nhơn chọn nhiệm sở trước, ai dè các bạn học ở Nha Trang được ưu tiên hơn, lòng thấy buồn, thôi chọn nơi nào cũng được … Trường Tiểu Học Cộng Đồng Phú Cốc, nằm bên bờ sông Đồng Dài, thuộc xã Diên Lâm, huyện Diên khánh, ngôi trường đầu đời Tôi làm thầy…. Bản tính rụt rè, ít nói vì mang thân phận nghèo… Hai giáo sinh ra trường, một Nha trang, một Qui nhơn, Tôi chỉ được phân dạy lớp 4, còn lớp 5 dành cho anh bạn Nha trang. Dạy hơn tuần, Ông thanh tra lù lù vào dự giờ, cảm ơn Thầy, cảm ơn các bạn lớp nhị 6, tiết dạy địa lý, bài sông Sài Gòn được trình diễn ấn tượng… sau 30 năm, tôi về thăm lại Ông  bộc bạch – Hồi đó, tôi định phân Thầy vào tổ chuyên môn giáo dục cộng đồng của huyện, sau tiết dự giờ đó nhưng…Thầy đi đâu, làm gì nay mới trở về thăm?

         Rồi tháng 4 năm 75, trở về Qui nhơn, cả thành phố đang rần rần ra đi.Tôi và gia đình xuống tàu xuôi nam, dạt ra đảo phú Quốc, ở trại tù bỏ trống, ăn cơm, nước cấp phát, hai tuần sau lại lên tàu lênh đênh về lại Cát Lái, xem mọi người xuống tàu đi xa, cả đại gia đình trên 30 người ở lại, xây dựng quê hương …

         Sau 1 tuần học tập ở Sài gòn, trở lại  Nha trang trình diện, lại học tập tiếp … làm thầy giáo có 1 tí hài học sinh khoái …câu chuyện thầy giáo trẻ dạy trường Nữ trung học Nha trang trong giờ giải lao, Tôi nhớ mãi …Truyện kể : Tốt nghiệp đại học sư phạm Sài gòn  sau 4 năm học, phân về dạy lớp 12 trường Nữ trung học. Mới 22 tuổi, học trò toàn tuổi trăng tròn, khí hậu Nha trang mát, người nào cũng đẹp, cũng xinh… khi đứng giảng, một tay lúc nào cũng cho vào túi quần… sau, cho cả hai tay vào túi, chỉ giảng không thôi, miễn viết… sau, ngồi tại bàn, vừa giảng, vừa kiểm tra, suốt tiết dạy…sau, 1 tháng phải xin thầy Hiệu trưởng cho em chuyển sang trường Nam  em chịu hết nổi rồi…cả khán phòng từng tràng pháo tay, rải rác, dồn dập, rồi vỡ òa …

         Chưa nhận trường, về lại Đồng nai thăm gia đình, sao mà bi đát, cha, mẹ, anh, em, một đàn cháu dại cha cải tạo, nhà không, tiền không, gạo không, quần áo vài bộ rách … Ở chái bếp, chuồng heo cũ, những gia đình thương người …Sao đành bỏ ra đi làm thầy cho riêng mình. Làm đủ việc, gánh nước tưới rau, dẫy cỏ đồng xa, vào rừng hái măng, vắt bám, máu chảy không cầm, sau  mới biết lấy lá nón cũ đắp vào cầm ngay! Thấm thía cảnh làm thuê, sao chủ hay bóc lột người làm công thế! làm bao nhiêu cũng không vừa lòng, thời trẻ vừa đi học, vừa phụ mẹ khiêng heo, mổ lợn, lúc rảnh tập tạ, múa vài đường quyền võ Bình Định, nên người cũng khỏe, cũng biết lao động chân tay, nhưng tiếng chửi rủa của người làm chủ lúc nào cũng vang lên, không phải một mà nhiều người như vậy …Cũng từ cảm nghiệm này, trong suốt cuộc đời làm thầy, làm hiệu trưởng Tôi rất thương học sinh nghèo, càng nghèo càng thương, thương thật lòng …Không thể làm mướn, nghe chửi hoài nên quyết đi phá rừng, làm chủ. Mật khu Tam Bung cách nhà trọ 10 km, Ba anh em sáng vác 20 lít nước, mớ khoai mì, vào rừng hạ cây, cây nào cây ấy to ơi là to, chiều lếch thếch ra về.  Sáng sáng ngang qua một ngôi trường, nghe tiếng ê a, chân tôi không bước được, lòng sao trống vắng, vu vơ nhớ … Sau đó, cất chòi ở lại, tuần về một lần, bị sốt rét, nước độc, rừng thiêng,  kiến thức lúc nhỏ đọc trong sách, giờ cảm nghiệm, rửa mặt nước suối : sốt, tắm nước suối : sốt, đành nhịn tắm, hết tuần về nhà tắm …Cả nhà hàng xóm, 8 con người không còn ai tồn tại : sốt rét. Cũng từ bệnh sốt rét kinh niên Tôi gặp bà xã, y sĩ, chữa trị cho tôi. Ơn nghĩa nặng tình và…rồi Tôi mềm lòng  …rồi có bốn con, một trai ba gái, hiện nay đã có một cháu ngoại gái 4 tuổi, một cháu nội trai 3 tháng …gia đình cũng hạnh phúc …

         Thanh niên phải làm nghĩa vụ, mời khám sức khỏe, loại A, nhưng không chọn, lí lịch không tốt! Phát hiện Thầy giáo, dạy bình dân, cùng 4 cô bạn, dạy cả năm, không ai nói  cảm ơn, bụng đói cồn cào, dạy …sợ. Ôm hồ sơ lên Tỉnh, đương sự có tấm lòng, dạy 1 năm không đòi hỏi thù lao, dù lí lịch không tốt lắm!1 tháng học NQ TW 4 tại Vũng Tàu, nửa tháng bồi dưỡng chuyên môn tại Biên Hòa, cầm quyết định dạy Văn cấp 2 tại Phú Túc, nằm quốc lộ 20, cách nơi gia đình  sống 10 km, xin dạy lớp tiểu học  thôi!..

         Một tình huống không bao giờ quên,  Tôi xin kể : - Đang dạy, một tiếng quát kèm theo một vật cứng xỉa vào hông …lành lạnh …mau về trụ sở …mầy ăn trộm cái rựa của thằng dân tộc nầy? Quay lại, nhìn súng AK, nhìn Bác An ninh, nhìn anh dân tộc người Kờ -ho ngỡ ngàng... Vận dụng hết trí khôn, vận dụng hết mọi kiến thức, nhớ lại tất cả những bài học của biết bao người Thầy, nhớ lại trên 4 năm luyện truyện chưởng của Kim Dung, nhớ lại Tam quốc chí, Thủy hử, ba mươi sáu  chước, 1 năm học hàm thụ luật khoa sài gòn, có nghĩa rằng lúc sinh tử, con người mới thấy cái học là cực kì quí, có thể cứu tính mạng, danh dự … lấy lại bình tĩnh, xin Bác cho con nói vài lời : - nói đi? Anh mất cái rựa ở đâu, lúc nào? - Ở rẫy cách đây 3 km, lúc sáng sớm, tao mới bỏ cái rựa xuống đất, quay lại thấy mầy lấy, tao chạy theo vào đây, chính mầy? …bàng hoàng, sao số mình bi đát cỡ này!!! Chợt sáng lên, sau than thân cùng thượng đế!  …quay sang phía học trò nhỏ lớp hai, Tôi hỏi : Thầy dạy em lúc mấy giờ : - Dạ lúc 7 giờ, cả lớp đồng thanh. Thưa bác an ninh, con đâu phải Tề thiên đại thánh mà biết biến hóa, phân thân làm 2, vừa đi ăn trộm, cùng lúc là thầy giáo  thưa bác? à…, giống, giống, cũng ôm ốm, cũng đen đen …không phải? đi!…lòng nhẹ nhõm, tự khen cũng thông minh!!!...

         Là vùng giãn dân, vùng kinh tế mới, trùng trùng rừng, nai chạy từng đàn, voi tranh ăn bắp với Ông thầy giáo làng, ngày dạy, tối vào rẫy canh voi, đèn pin hết điện, mờ, nghe tiếng động, mắt mở, mắt nhắm,xách đèn chạy đến đám bắp trái đang vào hạt, té ngửa một chú voi mẹ ốm trơ xương,cao bằng nóc chòi, người chạy, thú chạy, hú vía, thoát chết, miếng ăn cơ cực …Một năm sau làm Hiệu Trưởng, chẳng có quyết định? ờ làm thì làm! không có …bắt mèo …Tôi lao vào dạy như điên, sáng dạy,chiều dạy, lớp nào cũng dạy, môn nào cũng dạy, biết chữ nào dạy chữ đó, các bạn cần xem học bạ học trò lứa đầu của tôi : Từ lớp 1 đến lớp 8, là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tất cả các môn, Hiệu Trưởng cũng chỉ là 1, 1 tên, 1 chũ kí …nghĩ cũng vui …không còn gì để mất …có cái gì trong đầu thì truyền hết lại cho các em, chết cũng thanh thản …lứa học trò ấy,hàng năm đều họp mặt. Chúng nó nói : Thầy chết chúng em sẽ để tang? Chết rồi, làm sao thấy chúng có thực hiện hay không? Trời biết!.

         Sau 38 năm làm Thầy, làm quản lý  ở một  trường, sao thấy mình không giống ai? Nhìn xung quanh không ai làm giống mình? Mình sai chăng? Các Thầy, Cô trường Sư Phạm Qui Nhơn, Các bạn bè lớp nhị sáu 6, khóa 11, cho tôi lời khuyên … Cầu nguyện cho Tôi, còn một năm nữa  là hết nghiệp … Đời làm Thầy …Gần hết tháng 12, bạn Kim Thạch, bạn Ren, bạn Tấn, bạn Diệu Phương, bạn …hối thúc viết bài, đăng kỉ yếu, để cuối đời, buồn buồn mở đọc, móm mém cười …Thân, văn chương,chữ nghĩa không đầy lá mít …Đọc bạn Ren viết, đọc bạn Diệu Phương viết, đọc bạn Tấn viết, còn làm thơ nữa …phục lăn …mình viết …xấu hổ chết!…nhưng biết làm sao! …nhớ bạn …thương bạn …muốn hàn huyên với bạn …muốn tâm sự với bạn …chỉ còn cách viết nhăng …viết cuội …xin các bạn thông cảm cho ông thầy giáo làng không vượt qua khỏi …Hẹn ngày 20 tháng 7 năm 2013 …Chờ cháy bỏng …chờ từng ngày …chờ như chưa bao giờ được chờ …

         Cảm ơn đời! Cảm ơn Thầy, Cô, bạn đồng môn, bạn nhị 6 k11 SPQN, cảm ơn bà xã! đã cho Tôi 1 đời làm Thầy …



Suối Nho, chiều 18 tháng 12 năm 2012.

Võ Thủ Tịnh, nhị 6 khóa 11 SPQN.

        

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Học trò vùng cao Kim Bon săn chuột để thoả cơn thèm thịt

Dựng lều tạm, chiều bẫy chuột, sáng lấy chuột về làm thịt ăn… là cuộc sống hằng ngày của các em nhỏ vùng cao Kim Bon, Phù Yên, Sơn La trên con đường học chữ.


Những căn lều tạm
Đến được nơi mà các em nhỏ Kim Bon sống và học tập chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ đi từ chân núi, vượt qua nhiều dãy núi. Đường lầy lội vào mùa mưa, mùa hè thì bụi mù dày đặc. Cuộc sống của các em nhỏ nơi đây dường như bị cô lập với thế giới bên ngoài.
 Lều tạm do học sinh tự làm để ở
Lều tạm do học sinh tự làm để ở

Xã Kim Bon là một trong những xã lớn nhất ở huyện Phù Yên, xã chủ yếu có hai dân tộc sinh sống là người H’Mông và người Dao. Cư dân ở đây sống rải rác ở các ngọn núi khác nhau. Để tìm kiếm được con chữ, các em nhỏ phải vượt mấy chục cây số để đến trường.
Do trường cách quá xa nhà nên việc vận động học sinh ở bán trú để đến trường đối với các thầy cô giáo và cán bộ xã vô cùng khó khăn.
Cô Hồng, hiệu trưởng trường cấp 2 Kim Bon, cho biết: “Các thầy cô giáo trong trường phải đến tận từng nhà, từng bản cách trường mấy chục cây số để vận động các em đi học, nhưng cứ mùa thu hoạch ngô và lúa nương đến thì phụ huynh bắt con ở nhà đi làm nương, thầy cô giáo không thấy học sinh đến lớp lại đến tận nhà vận động phụ huynh cho các em đến trường”.
Chỗ trọ 70 nghìn một tháng của học sinh vùng cao
Chỗ trọ 70 nghìn một tháng của học sinh vùng cao

Cách trường mấy chục cây số, không có tiền thuê trọ, những cậu học trò người Dao phải vác gỗ, nứa từ nhà đến làm lều tạm cách trường gần 2 km. Căn lều tạm quá đơn sơ, ngoài những cây gỗ dựng lên thành khung, lấy những tấm mên làm từ tre chắn xung quanh, nền nhà bằng đất và chỉ bỏ mấy tấm gỗ làm phản để ngủ. “Lạnh buốt chân và tay mỗi khi đi ngủ vào ban đêm” – Đặng Văn Cường – một học sinh trọ học thỏ thẻ.
Còn những em nhỏ có điều kiện hơn thì thuê nhà người dân để ở, “Mỗi tháng chúng em mất 70 nghìn/người tiền chỗ ở, tiền điện tính riêng. Mà tháng này không hiểu sao lại tăng giá điện, em mất 9 nghìn đồng trong khi đó tháng trước có 7 nghìn. Mỗi tháng bố mẹ cho em hơn 100 nghìn đi học”, cậu học trò Đặng Văn Khánh kể.
Những căn nhà tạm bợ như thế này không thể che mưa, chắn gió ở nơi có thời tiết khắc nghiệt như ở vùng cao Kim Bon được. Mùa đông ở đây nhiệt độ luôn dưới 10 độ mỗi khi đêm về, kéo theo đó là sương mù dày đặc.

Săn chuột cải thiện bữa ăn
“Thèm ăn thịt” là cảm giác chung của những em học trò nơi ở nơi đây. Bởi có về nhà thì các em cũng chỉ được bố mẹ cho một ít gạo, mấy mớ rau, vài quả bí đỏ và một hộp muối để ăn với cơm.
Bạn nào sang hơn thì bố mẹ cho thêm một lọ măng muối chát đắng vì mặn. Vì vậy mà thịt chuột là món ăn được các em chọn làm thức ăn “sang” mỗi ngày và nhất là để giải tỏa cơn “khát” thịt.
Cơm trắng ăn với cá khô rang muối
Cơm trắng ăn với cá khô rang muối

Bẫy chuột là công việc hằng ngày của các em nhỏ sau mỗi giờ học. Các em chia từng tốp nhỏ, chia luôn những nương lúa, ngô, sắn để bẫy chuột. Chiều học về lúc 16h, các em lại rủ nhau đi đặt bẫy, sáng sớm tinh mơ tầm 5h sáng rủ nhau đi lấy chuột.
Đặng Văn Cường vừa mới nhập học cách đây mấy hôm mặt buồn rượi khi kể về sự thất bại liên tiếp của mình. “Em chưa quen với cách bẫy chuột ở nơi đây nên mấy hôm liên tiếp theo các bạn đi bẫy nhưng em không bắt được con nào, nên em ăn cơm rau hoặc ăn với muối”.
Về cách làm thịt chuột như thế nào Cường chia sẻ: “Em đập chết chuột, xong lột da nó ra và hơ lên bếp, rồi mổ bụng nó ra, vứt hết bộ lòng, để lại gan và xào lên ăn với cơm”.
Với những học sinh ở khu bán trú thì nếu không bắt được chuột thì các em mua cá khô để ăn cơm. Có cá khô để ăn với cơm là quá sang với các em nhỏ nơi đây, Thầu A Sếnh đang rửa cá khô cho vào nồi phấn chấn nói: “Cá này em mua 5 nghìn, cho hai người ăn với cơm, em rang với muối”.

Chân trần, áo mỏng… và rét
 Đến thăm những học sinh trường tiểu học, không ít người mủi lòng khi thấy các em mong manh trong áo mỏng, chân đất đỏ ửng. Khi được hỏi các em có lạnh không, cả nhóm xôn xao tiếng H’Mông “No no” (rất lạnh – PV) 
Những đứa trẻ chân trần, áo mỏng chống chọi với giá rét
Những đứa trẻ chân trần, áo mỏng chống chọi với giá rét

Áo ấm, tất chân… đối với các em là thứ quá xa xỉ. Một bà mẹ người H’Mông bế con trên tay, đứa bé chỉ có một cái áo, không có quần... Những đứa trẻ chân trần đỏ ửng, đứng run lên từng hồi vì lạnh. Các em vẫn đang mơ ước có một cái áo ấm chống rét.

Hồ Sỹ Anh

Một số hình ảnh xem thêm:
Nướng chuột trên bếp lửa (Ảnh: Giàng A Cối - GDVN)
Tất cả các bộ phận của con chuột còn lại sau khi mổ (chỉ vứt đi phần ruột, gan để lại) sẽ được chặt nhỏ và cho vào xoong
(Ảnh: Giàng A Cối - GDVN)


Đôi chân lấm lem bùn đất với nồi thức ăn lõng bõng nước (Ảnh: Giàng A Cối - GDVN)


Thịt chuột được Giàng A Ninh làm sạch trước nguồn nước chính của học sinh nội trú 

 

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

TẾT QUÊ TÔI.

                 Irene.

         Mấy hôm nay trời Sài Gòn như chuyển tiết lập xuân. Mưa lất phất bay, thời tiết trở nên lành lạnh giống khí hậu miền Trung quê tôi vào những ngày giáp Tết.
Ở đây, bắt đầu từ Giáng Sinh là không khí Tết như đang tràn về trên những hàng cây, trên những con đường, trên khắp phố phường… và làm nao nao lòng tất cả mọi người.
         Sáng nay, tôi vừa nhận được một thùng quà ở ngoài quê gởi vào. Nhìn những món bánh, mứt, những đặc sản riêng biệt của quê mình sao tôi cảm thấy bồi hồi trong dạ. Từ lúc tôi vào miền Nam này để ở với con cái. Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến thì bà con bên nội, bên ngoại, chị em bạn bè ngoài đó lại lần lượt gởi cho tôi những món quà quê hương đậm đà tình nghĩa…gợi lại cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm về những ngày Tết êm đềm nơi quê nhà.
         Ở quê tôi, khi mà cái giá rét của Mùa Đông vơi dần đi nhường chỗ cho những tia nắng ấm áp thì dường như đâu đó Mùa Xuân đang hiện diện. Mùa xuân về trên những bãi cỏ xanh mượt, trên những mầm non lộc biếc, trên những đóa hoa mới nở và trên những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười...
Tết đến! Rõ nét nhất là khi các chợ đã bắt đầu đông dần lên với những hàng hóa Tết tràn ngập. Từ hàng áo quần cho đến hàng tạp hóa cho đến hàng mứt bánh đến những quang gánh rau trái…rồi đến phố phường người xe rộn rịp, tấp nập.
Tôi quên sao được? Vào những năm cuối thập niên 50, lúc đó tôi còn bé lắm! Không gì vui sướng bằng những ngày Tết. Tết tôi được mặc quần áo mới. Tết sẽ được tha hồ ăn mứt bánh. Tết có tiền lì xì và Tết được đi chơi…Vì thế, tôi trông đến Tết từng ngày. Lòng tôi rộn ràng xen lẫn vui sướng từ lúc mà mẹ tôi bắt đầu may cho chúng tôi những bộ quần áo mới. Mẹ  may tay chứ hồi đó không có nhà nào có máy may. Và lại càng không đến thợ may để may như sau này. Tôi vẫn nhớ những ngày cuối đông ngoài trời rét mướt, trong gian phòng khách, tôi ngồi cạnh mẹ. Dưới ngọn đèn dầu, bên cái “tráp” bằng nhôm đựng đồ may như kim chỉ…Mẹ ngồi may áo, một tay cầm kim, một tay khẽ nâng cái áo lên, may từng mũi kim lên, xuống đều đặn, hết đoạn này đến đoạn khác. Chốc chốc mẹ tôi lại lấy cục sáp ong suốt chỉ để cho chỉ trơn không bị rối. Thỉnh thoảng bà dừng lại để xâu kim hay cắt chỉ. Các chị tôi cũng ngồi xúm xít xung quanh. Có khi, mẹ vừa may vừa kể chuyện Phạm Công Cúc Hoa. Tôi cứ ngồi xích gần, xích gần lại. Sợ nhất là khi mẹ kể đến đoạn hai chị em Nghi Xuân, Tấn Lực ra mộ và mẹ Cúc Hoa hiện về bắt chấy cho con…
Có những lúc khuya quá, tôi lại buồn ngủ và thế là tôi nằm sát vào bên chân mẹ để ngủ trong khi mẹ tôi vẫn miệt mài may áo quần…Những giây phút ấy, bây giờ nhớ lại sao nó êm đềm và ấm áp biết bao! Nó khắc sâu vào trong tâm trí tôi xâu kết thành những mảng ký ức tươi đẹp của một thời thơ ấu.
 Và rồi đến lúc ba tôi bắt đầu đem mấy cây mai ra tỉa lá là lòng tôi như rạo rực hẵn lên. Những ngày sau đó, mẹ tôi chuẩn bị làm dưa món, bánh mứt… chị em tôi lại vui như hội và tôi thấy cái Tết như đang gần kề.
Cả nhà thường ngồi bên cạnh để xem mẹ chuẩn bị làm bánh. Trước tiên là phơi bột, chị tôi hỏi:
-Mạ ơi! Sao mạ phải phơi bột vào buổi tối thế hả mạ?
-Phơi buổi tối lấy sương đêm để bột nó dịu không thì nó sẽ khô khốc không in bánh được.
Khâu phơi bột cũng rất là kỳ công. Đêm mẹ tôi không bao giờ ngủ yên giấc. Cứ chốc chốc, lại trở dậy ra xem. Có đêm sương xuống nhiều quá thì phải đậy sàng bột bằng vải thưa kẽo bột sẽ bị đẫm ướt. Có đêm bất chợt có một cơn mưa nào đó rơi xuống. Thế là phải nhanh chóng chạy ra sân đem bột vào chứ không thì bỏ luôn sàng bột…
Hết bánh in, bánh hồng đến bánh thuẩn, bánh bông lan…rồi rim mứt. Nào là mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt me, mứt chùm ruột…nhưng có lẽ thú nhất là chị em tranh nhau vét nồi. Sao mà nó ngon lạ, ngon hơn cả khi được mẹ cho mứt ăn vào những ngày Tết.
Lúc bé, tôi chưa biết gì nhiều nhưng tôi vẫn biết rằng Tết đến mẹ tôi lo toan, sắp đặt mọi việc trước sau. Rồi bỏ rất nhiều công sức ra làm bánh, làm mứt… Mẹ còn phải thức khuya dậy sớm để lo chu toàn cho ngày Tết.
Khi mẹ tôi gói bánh tét, bánh chưng là ba tôi và cả chúng tôi cùng túc trực để phụ giúp. Mẹ gói bánh rất kén chọn lá, lá chuối phải là lá chuối hột thì bánh mới xanh. Lá chuối được phân thành những loại lá đầu, lá khổ rộng thì dùng làm thân bánh, lá bên ngoài…rửa và lau lá sạch đem phơi nắng cho lá mềm. Lạt buộc phải chẻ thật mỏng, chiều dài vừa phải và phải ngâm nước một đêm cho nó mềm mại. Rồi đến khâu chọn mua nếp, mua đậu… Hình ảnh mẹ tôi ngồi nhặt từng hạt thóc, từng hạt gạo tẻ …từ trưa cho đến khi bóng mẹ mờ mờ in rõ dần trên vách trong buổi chiều tàn. 
Thường thường, mẹ tôi vừa làm vừa giải thích, như để truyền những kinh nghiệm… Năm nào cũng vậy, các chị tôi ngồi bên xem mẹ gói bánh, giúp mẹ đưa lá hoặc cột dây…Còn tôi mong sao đến khi gói gần hết nếp là tôi xin một chút nếp để gói một cái bánh nhỏ. Rồi khi bánh bỏ vào thùng để nấu, cái bánh của tôi để lên trên cùng. Trời cuối đông miền Trung rét buốt mà cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa hồng sao mà ấm áp, hạnh phúc vô cùng. Bánh chín tôi vui mừng vì mình có cái bánh nhỏ nhưng không dám ăn chỉ cầm chơi. Cũng nhờ quanh quẩn bên mẹ mà sau này khi ba chị em chúng tôi lớn lên, người nào cũng đều biết chút ít về thêu thùa may vá và làm bánh trái …
Hai ba tháng chạp cúng đưa ông Táo về trời. Không phải như bây giờ ra tiệm mua là có sẵn hết. Mẹ cúng đưa Ông Táo bằng bông chuối và nấu nồi xôi chè. Lễ cúng ông Táo rất là trịnh trọng. Mẹ tôi áo dài chỉnh tề đứng trước bàn mâm lễ khấn vái rất thành khẩn. Không biết mẹ khấn những gì nhưng đứng lâm râm lâu lắm rồi lạy mấy lạy…
Một lần nọ, tôi hỏi:
-Mạ ơi, vì sao mình phải đưa ông Táo về trời?
-Ông Táo là người trông coi bếp núc. Ông ghi chép hết mọi việc làm tốt xấu của mọi người trong nhà năm qua báo cáo lên Ngọc Hoàng. Vì vậy, hàng năm ngày hai ba tháng chạp là ông Táo về chầu trời.
-Rồi ngày mấy ông xuống lại, hả mạ?
-Ngày ba mươi Tết. Khi mà mình cúng rước tổ tiên ông bà thì mình đón ông trở lại.
Từ khi nghe mẹ nói như thế, tôi sợ lắm không dám làm gì xấu. Nhất là không dám chạy vào bếp ăn vụng như trước nữa vì sợ ông sẽ lên tâu với Ngọc Hoàng. Rồi tôi lại nghĩ mấy ngày ông lên trời ở nhà nếu có việc gì xảy ra thì làm sao ông biết? Vì vậy chắc mọi người muốn làm gì tùy thích ông đâu có mà biết mà tâu với Trời nhỉ?
Những ngày cuối năm, ai ai cũng quét dọn nhà cửa. Ba tôi nói đây là phong tục “Tống cựu nghinh tân” nói nôm na là bỏ đi những cái cũ để đón những cái mới. Nhà cửa quét dọn sạch sẽ, bàn thờ tổ tiên trang trí đẹp đẽ, bỏ đi mọi thứ rác rưởi, sắm mới chén bát, mọi vật dụng trong nhà, cắt tóc hay làm mới đầu tóc, may sắm quần áo mới…
Tôi thích nhất là buổi chiều cuối năm. Một buổi chiều bình yên lắng đọng. Mọi người đều dừng lại mọi công việc để quay về bên mái ấm gia đình. Quây quần bên bàn thờ, đoàn tụ bên mâm cơm …Trong giờ khắc này con người như trở về lại với cội nguồn, trở về lại với chính con người thật của mình…rồi ngẫm nghĩ chuyện trong một năm qua.
Năm nào cũng thế, ba tôi luôn nhắc nhở chúng tôi là sau giao thừa thì lời ăn tiếng nói phải cẩn thận. Không gây gỗ, nhăn nhó...phải vui vẻ, niềm nở với mọi người. Ngày mồng một không được bước đến nhà ai trừ nhà của ông bà, cha mẹ hay bà con… Ngày Tết không được quét nhà vì sợ quét nhầm Thần Tài ra khỏi nhà…
Ba mẹ tôi chuẩn bị lễ cúng giao thừa rất là đầy đủ. Một mâm cúng trên bàn thờ gia tiên, một mâm cúng Thiên địa ở trước sân nhà. Mẹ tôi bày mâm ngũ quả thật đẹp. Sau này vào Nam, tôi lại thấy người Nam chưng bày mâm ngũ quả theo tiếng gọi hay gọi trại như : Mãng cầu, trái sung, quả dừa, đu đủ, trái xoài ( cầu sung dừa đủ xài )… Trong lúc ba mạ tôi kính cẩn khấn vái thì tôi lại vào bàn học lấy vở ra học bài. Cái phong tục này tôi rất thích và giữ mãi truyền lại cho các con tôi rồi học trò tôi…Bây giờ cũng thế cứ giao thừa là tôi lại ngồi vào máy vi tính gõ một vài câu mở đầu cho một truyện ngắn nào đó xem như “khai bút đầu năm”.
Giao thừa thường bắt đầu trong khoảng 11g đến 1giờ sáng. Cúng xong ba tôi thường chọn hướng xuất hành đi lễ Chùa. Nhà tôi ở hướng Bắc mà Chùa thì hướng Tây. Có năm xuất hành hướng Đông, thế là cả nhà phải đi theo hướng Đông rồi vòng lại. Có năm xuất hành hướng Nam, cả nhà phải xuất hành ngõ sau…
Hình ảnh cả gia đình tôi xuất hành đầu năm để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Ba mạ tôi áo dài khăn đóng đi trước, ba chị em tôi áo dài hớn hở đi sau. Trong lòng mỗi người tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Trước bàn thờ Phật hương trầm nghi ngút, trong giây phút giao thoa giữa năm cũ và năm mới, tôi thành tâm đứng khấn nguyện mọi điều tốt lành đến với mình, với người thân, với đồng bào và với đất nước Việt Nam… Ngoài sân chùa, người người đi lễ hay đến hái lộc đầu năm càng lúc càng đông hòa với tiếng pháo nổ đì đùng vang vang rộn rã.
Ngày Mồng một tôi dậy rất sớm! Xúng xính trong bộ áo quần mới, đi đôi guốc mới. Tôi thấy mình lớn hẳn vì năm mới thêm tuổi mới. Gia đình tập họp đông đủ tại phòng khách. Ba mạ tôi ngồi ở bàn khách, chúng tôi đến bên cạnh và nói lời chúc mừng năm mới. Sau đó, ba mạ tôi lì xì cho chúng tôi.

Từ lúc ba mươi rước tổ tiên ông bà về cùng ăn Tết thì trên bàn thờ lúc nào cũng nghi ngút trầm nhang. Trong mấy ngày Tết, mỗi ngày sửa soạn ba lần để cúng. Sáng cúng bánh, cúng nước, trưa cúng cơm, chiều cúng cơm. Ròng rã từ mồng một cho đến mồng bốn. Đến mồng bốn, cúng đưa ông bà về trời thì mới thôi. Cho nên ba ngày Tết chị em chúng tôi phải lo túc trực cúng kiến không đi chơi đâu được. Thấy mọi người đi chơi mà ao ước! Tôi nói nhỏ với hai chị tôi rằng sau này lớn lên, Tết đến, mỗi ngày tôi chỉ cúng một lần thôi! Các chị tôi cũng đồng ý như vậy! Mấy năm sau khi tôi lớn lên thì tôi thấy ba má tôi đơn giản dần mọi nghi lễ, cúng giỗ không còn như xưa nữa.
Sau này, khi tôi đã trở thành thiếu nữ. Cứ mỗi độ Xuân về niềm vui vẫn thế nhưng tâm hồn tôi bắt đầu biết bâng khuâng, biết xao xuyến khi gió xuân về hay khi nhìn những nụ mai trên cành vừa hé nở và thoáng rung động khi có ánh mắt ai nhìn.
Hai năm học Sư Phạm, Mỗi lần Tết đến, thấy các bạn ở nội trú náo nức thuê xe đùm túm, tay xách nách mang đi về quê ăn Tết thì những giáo sinh ngoại trú như chúng tôi lại thấy nao nao trong lòng. Thầm mong ước rằng, giá mình cũng được về quê ăn Tết như thế?
Rồi tôi trở thành cô giáo ra dạy ở một làng quê. Tết đến lòng tôi náo nức, mong ngóng từng ngày để về nhà . Tâm trạng cô giáo trẻ hớn hở lãnh tháng lương mua sắm thật nhiều quà nào là bánh tráng dừa, bánh tráng củ lang, bánh nổ, bánh hột xoài, đường, đậu, nếp… mang về biếu bố mẹ, biếu người thân trong dịp Tết. Và hân hoan vui sướng khi về nhà nhận được rất nhiều những cánh thiệp chúc Tết của bạn bè.
Ngày Tết lại càng có ý nghĩa hơn khi tôi đã có một gia đình nhỏ. Lúc này Xuân đến lòng càng nôn nao xen lẫn những lo toan. Rồi cũng theo những phong tục của ngày Tết, tôi lo cho mái ấm của mình êm ấm đầy đủ sung túc hạnh phúc.
Bây giờ thì tuổi về hưu, đã có cháu nội, cháu ngoại. Nhìn thấy cháu chắt xum xoe quần áo mới, con cái sắm sửa chuẩn bị Tết theo phong tục cổ truyền của ngày Tết…Lòng tôi cũng nao nao, dường như trong con cháu, tôi lại bắt gặp hình ảnh mình của những ngày xưa hiện về.

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta có nhiều phong tục hay cần phải duy trì nhưng cũng phải biết chọn lọc những mỹ tục, tập quán tốt, loại đi những hủ tục không đáng có.
Tết Nguyên Đán ở quê tôi, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi vẫn mang theo cố gắng gìn giữ mãi để bây giờ truyền lại cho con cháu. Để thế hệ đi sau biết về cội nguồn, hướng về Tổ Tiên, yêu đồng bào dân tộc, tự hào với truyền thống đất nước… Làm thế nào sống tốt với mọi người, biết cách ăn ở cho có nhân, có nghĩa… thắt chặt tình cảm đối với mọi người trong gia đình tạo mối dây thân ái trong làng xóm trong cộng đồng. Nói chung là  ông cha ta mong muốn tất cả đều hướng đến chân thiện mỹ làm cho cuộc sống chúng ta mỗi ngày một tốt đẹp hơn lên.
Xuân Quý Tỵ đã gần kề, mong sao một năm mới này sẽ đem đến cho mọi người nhiều sức khỏe, ấm no, an vui và hạnh phúc như lời bài hát Câu Chuyện Đầu Năm
Mong đầu năm cuối năm gặp may, Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy. Trên bước đường danh lợi rồng mây. Duyên vừa đẹp ý đắp xây. Ôm nàng xuân đẹp vào tay…

Không biết tôi có xưa không nhỉ? Nhưng thật sự từ đáy lòng, tôi rất thích các phong tục cổ truyền ấy và cũng rất thích nhìn thấy hình ảnh mỗi nhà đều dán câu đối đỏ trong ngày Tết:
Năm mới hạnh phúc bình an đến
Ngày xuân vinh hoa phú quý về.

Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà.

Sài Gòn, Mùa Xuân 2013.
Irene.

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...