Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

BỮA CƠM NHÀ NGHÈO



 Ky Nguyen

   Cơm dọn ra, vẫn như mọi ngày: nồi cơm gạo ít , khoai nhiều. Canh , vẫn một dạng  toàn quốc, lửng lơ vài cọng rau muống làm duyên, một đĩa cà quả thâm  đen quả trắng muốt… Bố ngán ngẩm:  lại học ôn , cô chị cả quay sang thằng em lớn mắng to:  đã bảo chịu khó ra chợ mua lấy cân giò mà cứ lười chảy  thây, giờ thì ráng mà nuốt nhé … Mẹ cười rưng rưng:  thôi ăn chay cho nhẹ bụng .  Cả lũ nhao nhao: đúng đấy, ăn mãi món cà ri gà, rửa bát cực thấy mồ, rồi còn cái món Công Tằng Tôn Nữ Thị thịt kho này nữa,  ngán đến tận cổ rồi, cá thì gỡ xương miệt mài, mất cả hứng!  Chị kế đùa tiếp: một thố chè hạt sen đang để trong tủ lạnh,  ăn xong tha hồ mà tráng miệng… Thằng út vừa vét nồi kêu sồn sột, vừa cười sằng sặc văng cả cơm lẫn khoai… Cứ thế, bữa cơm nào cũng toàn những “ sơn hào hải vị “, cả nhà vừa ăn vừa pha trò rôm rả… Ngày qua ngày, chúng cũng lớn phổng phao. Nay , tất cả đã có công ăn việc làm ổn định. Mỗi lần gia đình quây  quần bên mâm cơm bày biện đủ món, lại nhắc chuyện ngày xưa rồi than: ngán thịt cá quá, chỉ thèm ăn rau luộc với dưa chua , cà muối thôi… Ôi! Cuộc sống sao mà đầy mâu thuẫn! Mà cũng lạ ghê, bây giờ vào nhà hàng sang trọng, gọi một đĩa rau muống xào tỏi, hay món rau khoai lang luộc chấm nước mắm kho quẹt, giá tiền ngang ngửa với thịt cá đấy…Không hiểu được!
   Chuyện thật của một thời. Có lẽ… không ít người đã cùng chung cảnh ngộ.

NGÀY SÁU MƯƠI - Thơ - Bạn của Nhị 6

(Thân tặng các bạn Nhị 6K11 SPQN và các bạn đồng môn đã và sắp về hưu )

Ngày sáu mươi mấy ai từng nghĩ tới???

Ngày sáu mươi
Nhìn mình qua khung cửa
Chợt giật mình
Bóng nắng đã xiêu
Anh cũng biết mình không còn trẻ nữa
Để đắm say
Bao vóc dáng yêu kiều

Ngày sáu mươi
 Buồn vương trên mái tóc
Sợi bạc bạc nào anh buộc lại tuổi xuân
Những sợi tóc xanh
Như từng sợi nắng
Đã bay đi không vướng lại một lần

Ngày sáu mươi
Nhìn anh qua đôi kính viễn
Đường nét nào... vóc dáng ngày xanh?
Đã có lần
Đôi mắt ấy nhìn anh
Cháy bỏng
Và hồn anh bay tận cõi mênh mông

Ngày sáu mươi
Sao môi không còn thắm
Nụ hôn đầu đời
Theo với tháng năm
Lời hẹn hò xưa
Bờ môi nào còn đọng?
Lời tình nào như giọt nắng cuối đông


Ngày sáu mươi
Bờ vai nào còn rộng
Che chở đời em
Để được an lành
Em biết đấy
Mùa xuân đâu dài hơn giấc mộng
Dù biết rằng mộng thực mong manh

Ngày sáu mươi
Đôi chân còn rảo bước
Cùng em qua
Những con phố thân quen
Gót chân son
Đôi hài sũng nước
Vội vã tìm nhau mưa ngập cả con đường

Ngày sáu mươi
Cầm tay em rất nhẹ
Anh giật mình nhớ thuở hai mươi
Vẫn bàn tay này
Một lần vụng dại
Chỉ chạm nhẹ thôi mà run bắn một đời...

Ngày sáu mươi anh quay tìm thời trẻ dại
Để một ngày được sống tuổi hai mươi

10/4/2013
Bạn của Nhị 6

Phút 89...



   Ông yêu bà và cưới bà, còn bà đến cuối đời vẫn là dấu chấm hỏi. thỉnh thoảng ông cũng nhìn thấy vẻ nhần nhục, chịu đựng ở bà. Nhưng bà hiền lành chung thủy và nhất là bà đã chìu theo tấy cả những gì ông muốn, kể cả những chuyện vô lý…
    Sau chiến tranh.mọi vất vả,khó nhọc đè nặng lên đôi vai gầy,nhưng bà chưa hề than van hay bực mình vì ông. Bà đúng là người vợ hoàn hảo.
          Con cái đã trưởng thành ,đã ra riêng nên căn nhà như rộng thêm ra. Ông lúc naò cũng ở cạnh bà, ngay cả khi ông ngồi trước hiên nhà đọc báo,cũng có bà bên cạnh dù không để làm gì cả, có lúc bà đứng lên để làm một việc gì đó, ông cầm tay bà lại,thế là bà hiểu ý ngoan ngoản ngồi xuống
          Ông mãn nguyện vì lấy được người ông yêu làm vợ và bà là người vợ tốt. Ông ít khi nhắc chuyện ngày xưa, dù là họ có với nhau biết bao kỷ niệm một thời…
          Ôi cái thuở học trò sao mà êm ái dịu ngọt đến thế
          Thành, Vũ, Nguyệt Thi thân nhau lắm, họ vào và ra trường cùng một năm. Học chung suốt bảy năm ở trường Phan Châu Trinh ,tình cảm của họ thật đậm đà. Và một chuyện gần như là quy luật, cả hai đều yêu Nguyệt Thi.Nhưng quả là khó xử. Bà không đẹp lắm nhưng thật duyên dáng dịu dàng
          Thời trung học cũng có khối “ thằng” chạy theo Thi ,nhưng ai cũng phải giạt ra khi thấy bốn con mắt gườm gườm của Thành  và Vũ. Họ chỉ có một,  nhưng phe  ta thì có hai nên lúc nào cũng thắng thế. Có người chơi trội, dùng quan hệ “cấp cao” của hai bên cha mẹ ,nhưng Thi từ chối  
          Chưa ai nói gì với Thi và Thi cũng chưa nói với cả hai điều gì. Vũ nghèo hơn ,lại mồ côi cha mẹ nên Thi chăm sóc thương yêu Vũ thật nhiều, Thành không ganh tị vì Thành cũng cảm thông và chân thành với Vũ…Bạn bè thường gọi bộ ba này là “ông Táo”…
          Rồi thời gian cứ trôi đi, trôi đi. Cây sao trẻ thơ chứ đã thành cổ thụ và phượng cũng đã bao lần ra hoa,
          Và chiển tranh đã cuốn Vũ về một nơi xa lắc xa lơ nào đó. Cuộc sống thăng trầm ,đổi thay dâu bể ,Họ bặt tin nhau gần nửa thế kỉ. Thành và Thi thành vợ thành chồng cũng gần chừng ấy năm rồi.Thi nghĩ, tuy không gần nhau nhưng chắc là khi Thi  buồn khổ thì lòng Vũ cũng quặn đau và lúc Vũ gặp bão giông,  Thi cũng rối bời đòi đoạn
            Đúng là duyên, thật bất ngờ, một hôm Thành nhận được điện thoại của Vũ .Sau một lúc chuyện trò vui vẻ rôm rả “ngộ cố tri”  mà . Ông chuyển máy cho bà:
-         Vũ đó,mình thăm hỏi vài câu cho vui
Bà nghĩ, cái ông này lặn đâu mà mất tăm không thấy “sủi bọt”Bất ngờ quá và chưa biết phải nói gì bà đọc luôn hai câu thơ của Hàn Mặc Tử:
         Sao anh không về chơi thôn Vỹ
          Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Giọng bà lúc nào cũng dịu dàng, thiết tha và truyền cảm (bà từng là MC trong những năm học Sư phạm Quy Nhơn mà)
          Bà mĩm cười nhìn ông định nói tiếp ,bà hoảng hốt thấy ông tái nhợt, nằm dổ nghiêng trên gối
          Đưa ông vào bênh viện thì ông tắt thở. Bệnh án ghi :
          -Nhồi máu cơ tim…
                                                          ĐAN  THANH
                                                (Mùa mưa năm  2000)

Thương Tiếc - Thơ - Thiên Ân



Từ dạo ấy em đi không trở lại
Anh bồi hồi luyến nhớ tuổi đôi mươi
Tuổi mộng mơ cứ ngỡ nét môi cười
Là xóa hết bao nhiêu điều hờn dỗi.

Nhưng đời thường lắm điều không hiểu nỗi
Em ra đi, không một tiếng giã từ
Em đi rồi, em đi thật rồi ư!
Lòng tự nhủ nửa mảnh đời còn lại.

Bỗng một thóang niềm vui như trở lại
Nét yêu kiều, dòng thơ ấy của em
Nói với anh, nói những lời "êm ái"
Mà lâu nay vẫn giữ kín trong tim.

Em hỏi chi đến thượng đế trên cao
Nào thấu hiểu được trái tim chết lặng
Bởi vì ta đã cùng nhau ước hẹn
Mà nghìn trùng xa cách. Hỏi vì sao?

Thiên Ân

Tản Mạn



               Huỳnh Văn Triên.

ngày đến

Lần đầu tiên tôi “xuất dương” - Hồi đó đi từ Quảng Ngãi đến Quy Nhơn hầu hết chỉ đi bằng tàu thủy loại nhỏ- là đi Quy Nhơn để thi vào Sư Phạm. Đó là lần tôi đi xa nhất  từ khi còn nhỏ. Sau này và cho mãi đến bây giờ, không còn nhớ là đã bao lần ra đi nhưng  chuyến đi đó vẫn mãi là chuyến đi còn đọng lại trong trí nhớ của tôi. Điều gì ư?
Vốn là anh học trò trường làng, mãi đến lúc hơn 10 tuổi tôi vẫn sáng chiều quanh quẩn ở thôn quê chưa ra khỏi huyện. Thấy súng đạn, xe tăng và máy bay trước khi thấy đèn điện. Vì vậy, mà khi được ra phố thấy quạt trần chạy xè xè cứ đứng nhìn mãi trầm trồ với mẹ rằng nhà họ có chong chóng trực thăng! Sau này khi kể lại cho các con, chúng nó cứ cười khúc khích. Đến khi học cấp 2 được lên phố huyện, cấp 3 lên phố tỉnh đã mở mang dần cho tôi hiểu biết được nhiều điều mới mẻ và cũng hình thành nên biết bao nhiêu ước mơ hoài bão. Thế rồi những ngày hè năm 1972 đỏ lửa đành phải từ giã mái trường phổ thông Trần Quốc Tuấn thân yêu rẽ bước sang một trang mới mà chưa kịp chuẩn bị điều gì…

NHŨNG THÁNG NGÀY ĐI DẠY



                                                                             Trần Đình Tín.

          Tháng tư đã về! Miền Trung bắt đầu nắng. Bầu trời thì trong xanh mênh mông. Thỉnh thoảng cũng có một vài ngày trời dìu dịu nhờ xuất hiện một vài đám mây trắng bồng bềnh trôi kèm theo những cơn gió mát từ biển khơi thổi vào.
          Tôi không có thói quen uống café sáng. Hôm nay thức dậy, tự nhiên tôi muốn đến một cái quán nào đó thật yên tĩnh để ngồi một mình.
Đường phố Qui Nhơn sáng sớm như còn ngái ngủ. Khi tôi bước vào Tiếng Thời Gian dường như chỉ có một mình. Tôi chọn một cái  bàn nằm ở góc khuất. Trong khi chờ… tôi lơ đễnh nhìn ra ngoài. Xe cộ đã bắt đầu qua lại. Học sinh tung tăng đi học. Đã bao lâu rồi, tôi không còn nhớ một thời nào đó mình đã từng là thầy giáo, đã từng đứng trên bục giảng và mùa khai trường cũng rộn ràng, nôn nao đến trường dạy học.  
           Tôi còn nhớ! Năm 1974 tốt nghiệp Sư Phạm ra trường đi dạy
học. Nhiệm sở của tôi lúc đó là Ty Giáo Dục Quảng Tín nay thuộc tỉnh Quảng Nam. Tôi dạy khoảng 6 tháng thì đất nước Giải Phóng. Tôi khăn gói trở về quê. Quê tôi thuộc Bình Tường-Tây Sơn-Bình Định. Lúc đó tôi định tiếp tục dạy ở quê. Ở đó sẽ thuận tiện hơn vì tôi có ông anh rễ là Chủ Tịch Xã. Nhưng suy nghĩ mãi có nên ở lại quê hay xuống Qui Nhơn. Cuối cùng, tôi quyết định xuống Qui Nhơn dạy học.

Một Số Hình Ảnh Của Buổi Cafe Tháng Tư

Nguyễn Chí Hải









Xuân Trong Tôi với Ly Cafe Valentine



Phạm Lê Huy

Thật khó cho tôi khi muốn viết về Mùa Xuân sao cho hết lời tận ý vì gần hai mươi năm lăn lóc ở xứ người, tôi nào thấy Mùa Xuân thật sự đến với mình; cũng như tôi chưa khi nào được hưởng một Mùa Xuân thật trọn vẹn, thật đầy đủ ý nghiã.
Hồi mới sang Mỹ năm 1994, vài tháng sau là Tết đến, vợ chồng tôi cũng hăm hở đón Tết trong hoàn cảnh hoàn toàn mới mẻ và bối cảnh “hạn chế” của mình. Tôi đã kể về chuyện gia đình tôi vui Xuân đón Tết ra sao trong bài Lần Đầu Đón Tết Nơi Xứ Người.
Tết năm đó, gia đình tôi đi xem Hội Chợ Tết trong khuôn viên trường Golden West College ở thành phố Westminster.

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...