Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

HƯƠNG THU


              Irene.
Tặng “Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp…” khóa 11...


Trời vào Thu nhẹ nhàng, mây bồng bềnh trôi, nắng nhạt, gió mơn man, luồn lỏi qua ngọn cây, vòm lá…có những cơn mưa chiều thong dong đến muộn. Sắc Thu làm mềm cây cỏ, làm tươi tắn màu vàng của chùm hoàng yến, đậm đà màu tím biếc của khóm thạch thảo hay hòa vào làm ngòn ngọt thêm mùi hương của những nàng Nguyệt Quế trắng muốt trong vườn.
       Miền Nam tuy không thấy rõ rệt của các mùa trong năm nhưng chú ý chút xíu thì cũng có một thoáng cảm nhận… Nếu thường thơ thẩn ngắm nhìn, lắng nghe khi đất trời chuyển giao giữa các mùa rồi thả hồn theo những đổi thay của vũ trụ thì sẽ thấy được vẻ đẹp khác nhau của trời, mây, cây, lá... Mỗi mùa có những cảnh sắc và những nét đẹp đặc trưng, riêng biệt nhưng Mùa Thu thường để lại trong lòng người những niềm thổn thức hay những nỗi nhớ mênh mang.  
       Sớm tinh mơ, giữa không gian còn yên ắng, giữa se se lạnh của sương mờ, giữa không khí trong lành tinh khôi! Tâm hồn thật bình yên thanh thản đến lạ! Trong giây phút đó bỗng hoài niệm, vấn vương về một thời nào đó xa thật là xa... Thu về cũng thường làm cho tâm hồn chơi vơi rồi miên man nhớ đến những cuộc tình mong manh, mơ hồ tựa như sương khói thoảng qua rồi tan biến nhanh để lại một thoáng hương Thu trong vắt giữa thinh không .
       Khi còn là giáo sinh của trường Sư Phạm Qui Nhơn, hằng ngày theo những chuyến xe lam trên con đường đến lớp, thường vẩn vơ theo cảnh vật, hàng dương với biển xanh, cát vàng, sóng vỗ trắng xóa…rồi một hôm, tôi bắt gặp bên đường đôi bạn…
Hai người luôn đi bên nhau. Tà áo dài trắng bay bay quấn quýt trong gió. Đôi bạn hầu như chẳng chú ý những gì xung quanh vì mãi nói chuyện, vì mãi tranh luận hay vì mãi vui đùa…Có lúc, anh tinh nghịch nhảy lên gờ của lề đường đi chông chênh từng bước, chị đi bên dõi mắt theo từng bước chân… Xe lướt ngang qua, tôi chỉ nghe tiếng cười đùa vang vọng rồi để lại đằng sau lưng hai khuôn mặt hồn nhiên trẻ trung.
Bất kể mưa hay nắng họ vẫn bên nhau trên con đường đến lớp hay về nhà…Những ngày vào Thu nắng vàng trải nhẹ trên các ngọn cây, tay cầm tập vở, đôi bạn thì thầm to nhỏ suốt đoạn đường về…Có những hôm, trong cơn mưa chiều lất phất bay, lấy vạt áo dài che đầu, cả hai líu ríu, chạy vội đến đụt mưa dưới hàng dương bên đường rồi cùng ngắm nhìn mưa rơi rơi từng hạt, từng hạt…rồi lại say sưa nói cho nhau nghe chuyện đất trời...
Không gì lãng mạn cho bằng vào mùa Đông rét buốt, hai người đi sát vào nhau thì thầm nho nhỏ và cũng thật là ấm áp khi thỉnh thoảng có những ánh mắt trao nhau vội vàng trong khi ngoài trời giá lạnh căm căm.
Mùa Xuân đến, xua tan dần những ngày lạnh lẽo. Trời ấm dần lên. Cây cỏ như thay áo mới. Những chồi non lộc biếc nhú ra, hoa đơm nụ rồi khoe sắc. Gió Xuân mơn man trên từng nét mặt ngời ngời trẻ trung. Ngắm đôi bạn dạo bước nhẹ nhàng bên nhau trong buổi sớm mai mà thấy lòng rộn vui…
Tuổi hai mươi nhiều hoài bão, nhiều ước mơ. Nhìn bầu trời toàn màu xanh hy vọng. Nhìn cuộc đời toàn màu hồng tươi vui. Nhìn phía trước là một tương lai tươi sáng… Đôi bạn mạnh mẽ vững tin cùng sánh bước bên nhau trên con đường đang rộng mở thênh thang.
Mùa Thu năm đó tốt nghiệp ra trường. Cả hai đều chọn Bình Định, anh về An Nhơn, chị về An Khê. Dường như mơ hồ có một điều gì đó…? Tên địa danh hai nhiệm sở thoáng nghe hai từ đầu đó là một nơi chốn an bình nhưng hai từ sau ngẫm lại hình như thấy trắc trở và đầy nhiêu khê ?! Nhưng tuổi trẻ mấy ai quan tâm gì? Chỉ chú ý đến khoảng cách không gian, mà con đường Quốc lộ 19, đâu là bao so với :
                   mấy núi cũng trèo.
Mấy sông … cũng lội, vạn đèo… cũng qua..
Rồi một chiều Thu nắng nhạt, anh đến thăm chị …đi loanh quanh, lên xuống giữa phố huyện xa lạ. Không tìm ra nhau, anh đành mang nỗi buồn vương vấn… trầm tư suốt con đường về.
Một ngày cuối Thu, mưa lất phất bay anh trở lại. Lần này do quyết tâm nên tìm gặp được nhau. Hai người nghẹn ngào, xúc động… ánh mắt nhìn nhau chan chứa làm nhập nhoạng cơn mưa chiều.
Mùa Xuân, về bên mái ấm gia đình, đôi bạn hớn hở đến thăm nhau, phố phường Qui Nhơn rộn vui trong mấy ngày Tết …
Anh đến thăm em đêm ba mươi. Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi. Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…
Mùa xuân đem đến mọi vui tươi. Mùa xuân tràn đầy sức sống, niềm tin và hy vọng. Mùa xuân với muôn ngàn đóa hoa tươi thắm. Mùa Xuân với những mối tình vừa mới chơm chớm…
Mùa Xuân làm thay đổi vạn vật nhưng cũng có những Mùa Xuân làm thay đổi cuộc sống của mọi người… khi lịch sử nước nhà bước sang một trang khác…
Sau mùa Xuân 75, chị trở về tiếp tục công việc giảng dạy ... trong lúc, anh lao đao vất vả với những tháng ngày nối tiếp …
Cuộc sống càng ngày càng trở nên khốn khó… không còn ai dám mơ tưởng gì cho riêng tư…và cứ thế xoay vần theo tạo hóa và:
…vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở…nhưng biết bao giờ mới được nói thẳng những điều… ước mơ… (Tâm ca-Phạm Duy).
Mỗi người có một con đường mà số phận đã định sẵn. Không ai biết trước được điều gì xảy đến…nên cứ bước đi vì không còn cách nào để chọn lựa…
Anh viết bức thư vĩnh biệt mối tình. Chị quay quắt đi tìm muôn hướng…Rồi từng đợt sóng cứ ùa vào, hết trận này đến trận khác.. điên đảo, quay cuồng, hất tung mọi vật, mọi người ra xa, xa thật là xa…
Ờ, thì giờ họ chia tay nhau đã lâu… xa nhau, thì thương, thì nhớ, thì vấn vương, thì nuối tiếc, thì…nhưng trời đất còn thay đổi! Sao lại cứ phải cố giữ mãi những hoài niệm cũ! Sao lại phải thẩn thờ nhớ về một khung trời hoa mộng đã qua…Đương nhiên là không thể nào quên được vì đó là mối tình với nụ hôn đầu tiên ngọt ngào ???
Thời gian đã làm phai mờ đi tất cả, chỉ còn chăng là dư âm ngày cũ và nếu có nhớ, xin hãy nhớ đến nhau như nhớ về mùa Thu cùng với những chiếc lá vàng dội  vào trong cơn mưa chiều lướt thướt…
Bây giờ Thu lại về! Thời khắc đẹp và lãng mạn nhất trong năm. Nắng vàng dịu dàng, lá trên cành đang bắt đầu rùng mình chuyển màu, những hàng cây vươn vai để chuẩn bị thay sắc. Mây xuất hiện nhiều và gió cũng man mác  hơn…Có một chút gì đó bâng khuâng, một chút gì đó lâng lâng, xao xuyến…Hãy để cho lòng mình lắng đọng lại thật sâu … rồi ngày ngày đón chờ những thay đổi của đất trời qua từng giây phút...Lặng im nghe nhịp đập đều đặn của con tim qua từng bước đi thời gian. Thu đem đến cho mọi người nỗi nhớ và Thu cũng đem đến sự tĩnh lặng thăng hoa trong tâm hồn. Mùa Thu làm cho mọi người có những khoảng lặng bình yên…Hãy cố gắng tận hưởng những khoảnh khắc giao hòa tuyệt vời của thiên nhiên để thấy cuộc đời vẫn đẹp, vẫn đáng yêu, vẫn đáng sống…
Hãy nhắm mắt lại, lắng nghe hương Thu đang rón rén, thoảng nhẹ đến gần.

Sài Gòn, tháng 9/2013
Irene.

Gặp Thầy Pham Thâm tại Sài Gòn










Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

CÔ ĐƠN - Thơ - Huỳnh Xuân Sơn




Một cánh mây
Lững lờ trôi về nơi vô định
Không một lần tạ từ
Không một tiếng chia ly
Bởi trời xanh biết đâu là bờ bến
Đâu dễ trải lòng vì một chút tình si

Một vạt nắng chiều
Trải nhẹ trên mặt hồ lặng sóng
Mặt hồ nghiêng và đáy nước nghiêng theo
Làm sao quên
Và lòng thôi xao động?
Con thuyền xưa giờ chuyển bến về đâu?

Một giấc ngủ
Chập chờn…không trọn
Đêm quá dài…
Không ai đếm thời gian
Tiếng thạch sùng trong đêm cô tịch
Cũng dội vào lòng một nỗi cô đơn

Có một tiếng thở dài
Khi tình yêu đã mất
Đợi chờ ai khi gió đã sang cầu
Tóc đã phai và thời gian đã khuất
Không thể hỏi người
Đang phiêu bạt nơi đâu

Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Lỡ Một Ngày Về


kimloan

Sư Phạm Quy Nhơn ngày xưa


Hằng năm hội Ái Hữu Sư Phạm Quy Nhơn Hải Ngoại thường tổ chức họp mặt vào dịp hè và mình có đến dự đều đặn. Nhưng chẳng hiểu sao lòng mình vẫn cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó, mà không sao giải thích được…

À… Thì ra lòng mình đang hướng về quê nhà, nơi ấy mình có rất nhiều kỷ niệm từ thuở ấu thơ cho đến thời gian đi học rồi đi dạy.

Và thật tình cờ, mùa hè 2011 được các bạn giới thiệu mình đã vào thăm trang web Sư Phạm Quy Nhơn ở bên nhà. Ồ… Thật không ngờ mình đã đọc được bài Ngày Tháng Cũ của Irene Trần. Bài viết có nhắc đến tên mình cùng các bạn khóa 11 đã ra dạy ở thị trấn Bồng Sơn và Tam Quan vào năm 1974, gồm các cô giáo Bình, Hội, Vân, Huân, Cảm, Ren, Loan; và các thầy giáo Thanh, Rang, Dư, Trạng, Thạch…

Trời ơi… Thế là cả một vùng kỷ niệm tràn về, khiến lòng mình nao nao không thể nào tả xiết… Vậy mới thầm cảm phục kỹ thuật hiện đại của internet thật tuyệt vời đã giúp bọn mình tìm đến với nhau nhanh hơn, phải không các bạn ? Qua Nguyên (Nhị 5) mình đã có số phone của Cảm (Nhị 1), rồi từ Cảm mình lại có số phone của Ren (Nhị 6).

Chẳng hiểu có phải vì cảm động khi được Ren nhắc đến tên mình trong bài viết hay không, hay là “có duyên” với nhau sao đó mà hai đứa bắt đầu “tám” với nhau thường xuyên trên phone ngày này qua tháng nọ. Nhờ thế mình mới biết được Sư Phạm Quy Nhơn sẽ tổ chức buổi kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường vào năm 2012.
Bạn Đỗ Đăng Phúc (Nhị 5 - Khóa 11) trong ngày hội “Về Trường Xưa”…
(ảnh Thanh Cảm)

Chao ơi… Còn gì vui bằng bởi đây là dịp để mình tìm Về Nguồn, mong gặp được các Thầy Cô cùng các bạn đồng nghiệp sau gần bốn thập niên xa cách.

Có lẽ do lỗi của hai đứa cứ huyên thuyên giành nhau kể chuyện cũ mới, nên trí nhớ lộn xộn cả lên. Trong đầu mình thì cứ đinh ninh là vào dịp hè tháng 7 / 2012 sẽ về thăm nhà vì đã 5 năm rồi chưa về, tiện thể sẽ ra Quy Nhơn họp mặt luôn. Nhưng đâu ngờ vào đầu tháng 5 / 2012 thì Ren lại gọi phone hỏi mình :

- Sao… Anh Ninh và Loan đã có mặt ở Sài Gòn chưa ? Chuẩn bị bay ra Quy Nhơn để họp mặt kỷ niệm 50 năm thành lập trường vào ngày 12 / 5 / 2012 đó nhen Loan !

Nghe đến đây mình thảng thốt nói :

- Thôi… Chết rồi… Loan cứ nghĩ là tới tháng 7 kia mà ! Giờ chỉ còn 10 ngày thì làm sao bọn mình sắp xếp công việc và chuẩn bị đầy đủ cho một chuyến đi mà lâu năm rồi mới về thăm gia đình đó Ren ơi !   

Vậy là “xong” rồi… Những thôi thúc, bồn chồn của ngày Về Nguồn đã không thực hiện được, làm mình cứ tiêng tiếc vì đã bỏ lỡ một dịp hiếm có mà Nửa Thế Kỷ qua mới có một ngày đặc biệt của trường Sư Phạm Quy Nhơn đấy các bạn ạ !

Sau đó, tuy không về dự được nhưng mình vẫn liên lạc với các bạn có mặt của khóa 11 qua phone vào đúng ngày 12 / 5 / 2012 để cùng chung vui đấy. Sau đại hội mình cũng đã vào trang web Sư Phạm Quy Nhơn xem tin tức, đọc những bài viết của các bạn và gởi lời chúc mừng đến đại hội. Mình cũng đã tỉ tê với các bạn về tâm trạng hụt hẫng của mình khi đã lỗi hẹn ngoài ý muốn cho ngày Trở Về Thăm Lại Chốn Xưa.
Sư Phạm Quy Nhơn ngày nay

Thấm thoát lại đến Tết Quý Tỵ 2013. Và rồi lại nghe Ren tỉ tê với mình :

- Sau lần hội ngộ vừa rồi, tự nhiên lớp Nhị 6 của Ren ai cũng náo nức muốn họp mặt lớp mình ở Quy Nhơn để kỷ niệm 39 năm ngày ra trường và đi dạy. Đồng thời thực hiện cuốn Kỷ Yếu của lớp để đánh dấu cho một đời làm Nhà Giáo đấy Loan ơi !

Dù không học cùng lớp với Ren nhưng tự nhiên mình lại sốt sắng nói :

- Lớp Nhị 6 hãy cố gắng tổ chức đi; biết đâu mình lại được về thăm Quy Nhơn và dự ngày vui của lớp Ren nữa chứ !

Rồi ngày tháng cũng qua mau. Hè đã về… Lại bắt đầu rộn ràng cho Chuyện Ngày Về của bọn mình.

- Hoài Thanh ở Mỹ đã mua vé về Việt Nam rồi; và đang nhờ Ren mua vé để hai đứa cùng bay về Quy Nhơn ngày 26 / 7 / 2013 dự ngày họp mặt lớp đó Loan à !

- Diệu Phương ở Canada thì gởi email nói sẽ có mặt tại Sài Gòn chiều ngày 23 / 7 / 2013. Mong gặp vợ chồng Loan để cùng Diệu Phương ra Nha Trang chơi rồi mới về Quy Nhơn dự họp mặt với lớp Diệu Phương vào ngày 27 / 7 / 2013 Loan nhé !

Không chần chừ gì nữa, lần này phải về quê thôi. Đây chính là dịp để mình Trở Về Chốn Xưa cùng các bạn lớp Nhị 6 thăm lại trường cũ mà !

Thế là niềm thôi thúc cứ canh cánh bên lòng đã được “giải tỏa” khi bọn mình quyết định book vé máy bay về Việt Nam và sẽ có mặt tại Sài Gòn trưa ngày 23 / 7 / 2013. Và vì muốn dành nhiều thì giờ cho gia đình nên sáng sớm ngày 24 / 7 / 2013 bọn mình đã phải bay về Quy Nhơn rồi đấy các bạn ạ !
(? …  ? …  ? …)

kimloan
(Los Angeles, tháng 9 / 2013)

TB : Đoạn hồi ký ngắn Lỡ Một Ngày Về mình viết đến đây thì bỗng nhiên… cạn ý. Thôi thì được đến đâu hay đến đó. Khi nào viết tiếp xong thì mình sẽ gởi đến trang nhà để được chia sẻ cùng các bạn nghen !

Thân mến chào các bạn,
Bùi Thị Kim Loan (Nhị 5 – Khóa 11 SPQN)

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Cho Hạt Đời Nhân Ái Sinh Sôi…


                                           Châu Thị Thanh Cảm                                  
        
Mưa. Mưa đã vào mùa! Mưa ở đây đến và đi cứ nhẹ nhàng, cứ thênh thang, không vần vũ thét gào, không kéo dài lê thê day dứt. Mưa thường về lúc chiều muộn, nhưng thi thoảng, bầu trời cũng lạc vài cơn mưa buổi sáng cho Sài Gòn chợt thật dễ thương!
      Chia tay những ngày tháng tám giao mùa, tháng chín nhẹ nhàng đến mở toang cánh cửa mùa thu cho nắng thêm vàng, cho trời thêm xanh và cho những giấc mơ trưa thêm ngọt. Tháng chín rủ rê những giọt mưa chiều mát rụng xuống những góc phố hàng cây. Tháng chín gọi mời chút gió heo may cho se lạnh mùa thu vừa tới, cho đêm về níu bước chân quen chợt thoáng chút bỡ ngỡ ngại ngùng…!

      Chiều cuối tuần, sau những ngày mệt mỏi nằm vùi vì một trận ốm dai dẳng, tôi trở dậy, đến bên cửa sổ… Ngoài kia, gió vẫn lao xao thổi, gió như muốn cuốn đi những nỗi buồn hoang hoải mênh mang, và tôi biết, cơn mưa chiều nay đã không vội đến. Đằng xa, chân trời màu tím nhạt, trên cao mây vẫn nhẹ trôi. Tự nhiên, tôi bỗng thèm đi giữa cái không gian màu tím ấy, bỗng muốn đến một nơi nào đấy thật tịch lặng bình yên trong thành phố này để có thể tìm thấy chút lắng lòng thanh thản, và rồi, như một thôi thúc không tên, tôi lấy xe, chầm chậm thả dọc theo những con đường…

Chiều xuống thật chậm. Hoàng hôn trải nắng mềm xuống những hàng cây chênh chếch bóng. Nắng níu tay len lỏi qua kẽ lá, đuổi theo mấy chiếc lá chín đỏ xoay xoay nghiêng rớt xuống lòng đường. Nắng líu ríu trên mặt nước sông chiều, lặng lẽ trôi giữa lòng thành phố. Nắng như buông tấm tơ trời mỏng manh vừa dệt, bâng khuâng dịu dàng giữa sắc thu tím biếc của miền đất phương Nam!
      Chiều buông, những con đường với người xe vẫn ngược xuôi ồn ã…Từ Đinh Bộ Lĩnh băng qua Bạch Đằng, rẽ vào con đường Điện Biên Phủ thênh thang, chút nắng cuối ngày vẫn luyến vương trên con phố rộng. Thong thả chạy bên lề những con đường… Tuy cuối tuần nhưng thành phố vẫn tất bật như thường ngày vốn có, cuộc sống chung quanh vẫn gấp gáp vội vàng, những khúc quanh vẫn chật chội người xe, những ngã tư vẫn ken dày dòng người mỗi khi đèn giao thông bật đỏ mặc thời gian đang là ngày hay đêm, mặc không gian có là mưa hay nắng.
      Sau một hồi chầm chậm qua các ngã đường, tôi ghé vào công viên Lê Văn Tám trong một tâm thái nhẹ nhàng…Công viên gần như không một chút nắng, dưới bóng mấy hàng cây to đổ dài mát rượi là những người lớn tuổi đang thong dong tản bộ, là những em nhỏ đang vô tư đuổi bắt những bông hoa nắng thấp thoáng ẩn hiện dưới những tàng cây. Trên mấy chiếc ghế đá, nhiều bạn trẻ đang ngồi hóng mát, miên man trò chuyện…
      
      Mà thật lạ, giữa những tiếp nối hối hả ngoài kia, giữa những đan xen sáng tối của một bức tranh đời nhiều sắc màu,vậy mà, ở đây và bây giờ, sao tôi nghe bình yên quá đỗi! Thế mới biết, trong muôn vàn bon chen đời thường, trong vòng xoay cứ mãi cuồng quay ấy, điều tưởng chừng không thể vẫn trở thành có thể khi quanh ta còn đó những góc lặng bình yên, còn đó những điểm nối tâm hồn, còn đó những tấm lòng và màu xanh yêu thương của tình yêu cuộc sống.

      Màu xanh! Màu hy vọng! Màu nâng ta bay lên những đố kỵ nhỏ nhen. Màu của chiếc áo nhân ái được khoác lên vai những người tình nguyện. Màu nghĩa tình của chương trình Thứ 7 Nhân Ái mà đã đôi lần tôi tình cờ xem những clip hoạt động của các bạn ấy được giới thiệu trên truyền hình…Và chiều nay, ở công viên này, tôi có dịp bắt gặp màu xanh ấy cùng các bạn trẻ của CLB Công tác Xã hội Nhân Ái TP HCM trong công việc thiện nguyện ý nghĩa của mình!

      Trời đã nhá nhem, trước cổng công viên bỗng nhộn nhịp hẳn lên với hàng chục bạn trẻ, trên người bạn nào cũng mặc một chiếc áo màu xanh lá mạ, hình như đây là màu áo xanh đặc trưng của  tình nguyện viên Câu lạc bộ Công tác Xã hội Nhân Ái mà tôi đã từng được biết và ngưỡng mộ? Một số bạn vừa đến bằng xe máy, trên xe chở theo chiếc thùng to xếp đầy những hộp cơm và những túi canh nóng đã chuẩn bị gọn gàng. Một số bạn khác đến bằng xe đạp, có bạn lại đi bộ…có lẽ cho tiện trong việc di chuyển để trao gửi những phần cơm? Sau khi tập trung, vài ba chiếc xe máy trong số đó chạy vút đi, thùng cơm to nóng hổi phía sau đầy ăm ắp, có lẽ các bạn muốn đem những phần cơn nhân ái này đến với những hoàn cảnh khó khăn, đến với những khúc đời còn gian nan trên những con đường xa xôi hơn trong thành phố? Nhìn các bạn trẻ với nụ cười tươi tắn, nhanh nhẹn nhận những túi cơm to rồi vội vàng tỏa ra khắp các nẻo đường, tìm đến những người khó nghèo cơ nhỡ, tìm đến những phận đời còn quăng quật mưu sinh đâu đó giữa lòng thành phố để kịp gửi những phần cơm đầy tình nhân này, tôi bỗng thấy cuộc sống ôi thật đáng yêu và dòng đời dường như trôi chậm lại…
 
Đến làm quen với một bạn trong nhóm thiện nguyện, bạn Thiên Vương - trưởng ban nhân sự của CLB. Qua trò chuyện, tôi được biết chương trình Thứ 7 Nhân Ái được tổ chức từ tháng 10 năm 2011, chương trình hình thành dựa theo ý tưởng của bạn Nguyễn Văn Tiến – Chủ nhiệm CLB Công tác Xã hội Nhân Ái trước đây. Hiện nay, chủ nhiệm mới Mai Bảo Trung và phó chủ nhiệm Ngọc Huyền vẫn tiếp tục cùng các bạn trẻ trong CLB thực hiện theo quy định thường kỳ. Các bạn trẻ tham gia chương trình đa phần là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong thành phố. Với tinh thần thiện nguyện sẻ chia, với những trái tim trẻ cùng chí hướng và bằng niềm đam mê cháy bỏng của tuổi trẻ khát khao cống hiến vì cộng đồng, cộng với sự đóng góp hổ trợ tích cực của các nhà hảo tâm xa gần, đặc biệt là quán cơm chay của Làng đại học quốc gia thành phố, song song với các hoạt động thiện nguyện khác của CLB, cứ hai tuần một lần vào chiều thứ 7,  các bạn trong từng nhóm đã được phân công bắt đầu vào công việc của mình. Khoảng 13 giờ 30, nhóm nấu cơm tập trung đến quán cơm chay Làng đại học quốc gia TP.HCM ở phường Linh Trung quận Thủ Đức để chuẩn bị sơ chế các phần cơm, rồi khoảng 17 giờ 30, 200 phần cơm chay miễn phí được tập kết tại một địa điểm quen thuộc đã định trước, thường là những công viên lớn trong thành phố như công viên Gia Định, Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng…Nơi đó, các bạn trong nhóm nhận và phát cơm đang chờ đợi. Và cứ như thế, màu áo xanh nhân ái ấy rong ruổi trên các ngã đường, trong công viên, bên hè phố, dưới gầm cầu…để mong trao đến tay những người khó nghèo phần cơm chay ấm lòng bữa tối! 
     
- Dạ thưa ông, ông đã ăn tối chưa ạ? Con mời ông dùng cơm…!
      - Bà ơi…CLB tụi con có phần cơm này xin được biếu bà…Bà ăn ngon miệng nhé!
      - Chị ơi…hôm nay rác nhiều quá chị nhỉ? Chị nghĩ tay ăn cơm tối chị ạ!  
      - Em ơi...Em có sao không?  Sao lại nằm đây? Chị mang cơm đến cho em nè…Em ăn cho nóng…!
      Đó là hành đông, là ánh mắt cử chỉ, là hỏi han ân cần tử tế, là lời nói chạm đến trái tim của những con người trẻ giữa đời thường? Đó là hình ảnh xúc động và đầy ý nghĩa từ những bạn trẻ tuổi đời chỉ mười tám đôi mươi?... Trong những câu hỏi cứ lan man ấy, tôi chợt nhớ đến một câu nói của Studs: “ Don’t look back and ask why, look forward and ask why not.” ( Đừng nhìn lại và hỏi “ tại sao?”. Hãy nhìn về phía trước và hỏi “ tại sao không?”.) Vậy thì có phải, chẳng gì là không thể khi bên trong những con người ấy là những trái tim trẻ đầy tâm huyết, là niềm khát khao cống hiến vì cộng đồng, là ngọn lửa tình nguyện cháy bỏng, là lòng nhân ái tiềm tàng trong bản thiện của mỗi con người?
    
Có nhìn các bạn trẻ say mê trong công việc thiện nguyện, có bất chợt bắt gặp những nghĩa cử đẹp giữa đời, mới thấy cuộc sống này thêm phần ý nghĩa? Bỏ qua đi những con người với tâm địa nhỏ nhen, những con người còn thờ ơ vô cảm với cuộc sống chung quanh, bỏ qua đi một số ít bạn trẻ còn đêm ngày đắm mê với những trò vô bổ, thì quanh ta, vẫn còn nhiều lắm những người sống vì mọi người, còn nhiều lắm những sẻ chia ân cần cùng những bữa cơm ấm áp nghĩa tình giữa lòng Sài thành hoa lệ…
      Sau khi trao hết những phần cơm nhỏ bé mà ấm tình đến với những người thật sự cần nó, các bạn lại tập trung về nơi bắt đầu để cùng giao lưu sau một chuyến đi. Những giọt mồ hôi lấm tấm lăn dài trên má sau những giờ rong ruổi trên khắp các ngã đường vẫn không ngăn được ánh mắt  rạng rỡ cùng nụ cười mãn nguyện. Bỗng nhiên, tôi chợt thấy yêu lắm những con người trẻ này, trân quý lắm những nghĩa cử đẹp mà tôi đã vừa bắt gặp, thấy như trong các bạn ngọn lửa tình nguyện đang hừng hực cháy… Ngọn lửa xua bóng tối ghét ghen, kéo yêu thương gần lại. Ngọn lửa mang ấm áp đến với cuộc đời và thắp lên niềm tin tuổi trẻ!
     
Ngoài chương trình Thứ 7 Nhân Ái, được biết CLB CTXH Nhân Ái còn có những hoạt động thiết thực và ý nghĩa khác đóng góp cho xã hội. Với sự tham gia của hằng trăm bạn trẻ đầy nhiệt huyết, với tấm lòng của các nhà hảo tâm, CLB đã nhiều lần tổ chức những chuyến đi từ thiện, đến các bệnh viện để thăm hỏi tặng quà cho bệnh nhân nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, tổ chức những hội trại nhân ái, về với miền quê xa để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, lớp học tình thương ở 332 Phan Văn Trị phường 11 quận Bình Thạnh vẫn hoạt động đều đặn… Và chỉ ít hôm nữa thôi, ngày 15/9 tới đây, CLB sẽ cùng tham gia chương trình “Trung Thu Biên Giới” với mong muốn mang đến cho hằng trăm em nhỏ ở thị xã Tân Châu xa xôi của tỉnh An Giang những nụ cười, những niềm vui của một mùa Trung Thu ấm lòng và trọn vẹn!
      Với thông điệp “ Hãy cho đi rồi sẽ được nhận lại” mà tôi vừa nhận được từ email của một người bạn: “Cho là nhận. Cho đi yêu thương sẽ nhận lại hạnh phúc. Cho đi những điều tốt đẹp sẽ nhận được sự bình yên trong tâm hồn…” Thế nhưng, có đôi khi, cuộc đời sẽ không như những gì mình mong ước, thì vẫn xin, hãy cứ cho đi…cho đi…Bạn nhỉ?

      Chiều đã xuống và thành phố đã lên đèn. Một chuyến bay đêm ngang qua, giữa bầu trời đen, sáng lên những ánh đèn lung linh, nhấp nháy…
      Cơn mưa nhẹ về, muộn màng từng hạt ngọt…Từng hạt mưa rớt xuống đời cho hạt mầm Nhân Ái nẩy sinh, cho Yêu Thương đâm chồi, cho dòng sông Bình Yên mênh mang… lan chảy…

      Từ lối rẽ của một ngã tư, tôi về. Ở đó có một góc tĩnh lặng trong căn hộ trên cao. Có khung cửa mở nhìn ra thành phố. Có khúc hát Bình Yên líu víu mãi trong hồn…
      Bình yên một thoáng cho tim mền. Bình yên ta vào đêm
       Bình yên để đóa hoa ra chào. Bình yên để trăng cao
       Bình yên để sóng nâng niu bờ. Bình yên không ngờ
       Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên…”*

                                                      Sài Gòn, tháng chín…
                                              Châu Thị Thanh Cảm  

(*) Bình yên – Quốc Bảo

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Tin Buồn



BBT trang SPQN vừa nhận tin:

Cụ ông Đinh Văn Tuyên là nhạc phụ và thân phụ của anh Nguyễn Dũ và chị Kim Hằng K.10, do tuổi cao, sức yếu đã từ trần lúc 16 g 30 ngày 5 tháng 9 năm 2013. Hưởng thọ 84 tuổi.
Linh cửu hiện quàn tại nhà riêng số16/68 Kỳ Đồng, phường 9,  quận 3.
Lễ viếng bắt đầu ngày 6/9/2013 tại nhà riêng.
Trước tin buồn này, BBT trang SPQN xin chân thành chia buồn cùng anh chị Nguyễn Dũ – Kim Hằng; nguyện xin hương linh Cụ Ông được siêu thoát nơi miền cực lạc.

Thành kính phân ưu.

BBT trang SPQN

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

CƠN ĐAU… ĐANG QUÁ ĐAU của MỘT NGƯỜI THẦY

Thầy Lê Văn Toản trong một lần họp mặt CGS
Hôm nay 02 tháng 9, thầy Hoàng song Nhy cho dù sức khỏe có kém nhưng vẫn hăng hái cùng tôi đến thăm thầy Lê Văn Toản, nhà ở phía sau trường Hòa Bình, đường Lý thường Kiệt; TB để trao cho thầy chút quà đầy nghĩa tình mà các CGS đã gởi gắm đến người thầy kính yêu của mình qua anh Chí Thành Đầu Bạc K10 khi sang tham dự Hop mặt SPQN nam Cali ,
   Đến nhà, cả hai thầy trò phải leo lên gác vì thầy Toản không thể đi được. Trên giường, hai tay ôm lấy đầu và nhắm mắt, thầy thì thào “ xin lỗi…tôi không nói được..nói đau lắm.”…và lặng im lắng nghe thầy Nhy nói chuyện…Thầy bị viêm dây thần kinh số 7, gia đình tận tình chạy chữa nhưng không kết quả.
    Bỗng nhiên Thầy đập mạnh hai tay xuống giường, cong rướn người lên, mặt đỏ ngầu….thầy ôm cứng lấy đầu co giật. Cả thầy Nhy và tôi ôm cứng lấy thầy…cơn đau đi qua ...hai mắt đỏ hoe đầy nước mắt. Cứ năm bảy phút lại là một cơn đau…chắc chắn là Thầy đang chịu dựng một cơn đau quá sức chịu đựng …Thầy đưa cho tôi tờ giấy cam kết hiến xác và nội tạng phục vụ y học, thầy cho tôi chiếc tràng hạt đeo tay với lời khuyên “ hãy làm việc tốt, có gì sân si thì quên cả đi cho đời thêm vui..” Thú thật về nhà mới nhớ chứ lúc đó mình cũng chết điếng theo cơn đau của thầy rồi.
  Thầy cứ chờ cái chết đến sớm hơn…còn thầy Hoàng song Nhy và tôi lại chờ mong ở các bạn…ai,…ai đó…tất cả mọi người, ai biết thầy thuốc nào, bác sĩ toa thuốc nào, hay dược thảo nào đó có thể xoa dịu cho Thầy bớt những con đau…làm nhẹ nhàng hơn cho một kiếp người nghiệt  ngã…
          Các bạn ơi, hãy gởi lời nhắn…chúng tôi đang mong chờ.

                                                                  Nguyễn Chí Hải, K8
                                                                   Đt : 0905 924 689
                                                 Email : thaonguyenhtv@yahoo.com.



Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Thông Báo

Trong vài ngày tới, do phải di chuyển nhiều nên Quản Trị Trang sẽ tạm ngưng post bài mới, BBT sẽ sắp xếp để sớm trở lại làm việc khi có thể... Chúc các anh chị và các bạn vui nhiều trong phần phản hồi của các bài viết đã đăng.
Chân thành cáo lỗi.
BBT.

Còn Đây Tiếng Ve Ngày Cũ


Phạm Lê Huy

Sáng ngày 29/7/2013 chúng tôi ghé thăm Tô Bá Tùng tại shop bán áo quần khá bề thế và bề bộn của anh ấy trên đường Lê Lợi - Qui Nhơn. Còn Nguyễn Thị Vân – bà xã Tùng – đã vô Sài Gòn mấy hôm trước để chăm sóc ái nữ vừa hạ sanh cháu ngoại cho mình. Hôm nay có chúng tôi ở xa về đến thăm chơi nên Tùng vui lắm. Bạn ấy vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, sôi nổi như xưa.
Các bạn tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng, vui lắm, rộn ràng lắm. Riêng tôi thì xoay mặt đi, giả làm khách mua hàng. Tôi hỏi Tùng :
- Ông chủ ơi ! Cái quần jean này đẹp lắm, tôi thích lắm… Nhưng size 31 - 30 vừa tôi, có không ?
Có lẽ muốn dành trọn lúc này cho bạn bè nên Tùng trả lời nhát gừng, tạm lơ là chuyện bán buôn với khách :
- Thưa không… Có chừng đó thôi !
Khi chợt nhận ra tôi thì Tùng reo lên : “Ủa… Ủa… !”, rồi lao đến bắt tay tôi thật chặt, thật thân tình :
- Trời… Anh có khác đi chút ít, nhưng cái cười vẫn vậy. Sao, khỏe không ?
- Cám ơn anh… Khỏe chớ… Khỏe mới… bò về đây được để thăm bạn bè chớ !
Rồi chuyện hồi đi học chọc phá, chuyện ra đời ba chìm bảy nổi của chúng tôi được dịp tuôn ra thật sôi nổi và hào hứng trong tiếng cười giòn tan hồn nhiên như thuở nào.
Như thường “tâm sự” với các bạn trong nhóm, tôi nói với Tùng là chuyến về thăm quê nhà lần này thế nào tôi cũng tìm cho được, nghe cho được tiếng ve râm ran vào mùa hè này. Đó là mong ước của tôi mà từ rất lâu, từ gần hai mươi năm nay tôi chẳng nghe được chút nào ở xứ người. 

Tôi lại “dài dòng văn tự” : “Không như ve sầu ở quê mình, ve sầu ở Mỹ thì cứ mười bảy năm mới sinh sôi nảy nở một lần. Vào tháng Năm năm nay lại rơi đúng vào chu kỳ ấy, chúng tràn ngập các khu rừng ở Mỹ, nhất là ở vài tiểu bang miền đông bắc nước này. Chu kỳ sống và sự xuất hiện của chúng thật khác thường. Trong vòng mười sáu năm đầu đời, chúng sống dưới lòng đất, lấy dinh dưỡng từ rễ cây và lột xác vài lần. Đến lần lột xác cuối cùng, chúng sẽ ngoi lên mặt đất và bắt đầu tạo nên một “dàn đại hòa tấu” với thứ âm thanh chói tai nhức óc và kéo dài mà chúng phát ra, mong tìm kiếm "bạn tình" để giao phối. Và cũng đột ngột như khi đến, chúng sẽ biến mất vào lòng đất để rồi mười bảy năm sau lại xuất hiện” – (Theo Google).

Chính loại ve sầu “mười bảy năm ẩn mình chờ… hát” này đã làm cho nước Mỹ hầu như không có những Khúc Ca Mùa Hè hằng năm râm ran nhớ đời như ở quê nhà của chúng ta.
Với tôi thì, những Khúc Ca Mùa Hè đó giờ đây chỉ là những Tiếng Ve Ngày Cũ. Tiếng ve đó đã không ít lần tôi nghe văng vẳng đâu đây vào những ngày hè cuối tuần dạo quanh xóm dưới hàng cây rợp bóng. Nhưng đó chỉ là tiếng ve văng vẳng trong đầu mình thôi, chứ trên tàng cây kẽ lá đó có chú ve nào đâu.
- Mấy ngày về đây, chú tâm lắm mà tôi cũng chẳng nghe được tiếng ve râm ran thân thương ấy. Phải chăng cái môi trường “thành phố công nghiệp” bây giờ đã xua đuổi các chú ve bé nhỏ - bạn lâu đời của tôi - ra khỏi nơi này rồi.
Nghe tôi “tỉ tê tâm sự” vậy, Tùng chồm tới, giọng vồn vã :
- Tiếng ve hả… Thiếu gì ! Anh cứ vô hướng Eo Nín Thở, đến gần các khách sạn, nhất là ở khu trường Sư Phạm ngày xưa, tha hồ mà nghe !
- Vậy hả… Cám ơn anh !
Chuyện trò với nhau về chuyện cũ chuyện mới thấy cũng khá đủ, chúng tôi chào chia tay và chúc sức khỏe Tùng.
Chương trình sắp tới của chúng tôi là vào Tuy Hòa, Nha Trang… Trên đường đi chúng tôi rất háo hức muốn ghé thăm trường Sư Phạm Qui Nhơn - trường cũ của các bạn và bà xã tôi mà tôi là chú rể.
Dừng trước cổng trường, chúng tôi ào xuống xe. Trước mắt chúng tôi phượng ơi là phượng; phượng đỏ cả một góc trời, đỏ từ cổng vô tuốt tới sân trường phía trong. Và, hình như chúng tôi bị… hoa mắt, chẳng biết nắng chói nắng chang là gì, cứ giương máy hình lên say sưa bấm nháy liên hồi.
Chợt Diệu Phương reo lên :
- Tiếng ve kìa… Anh Huy !
Đến lúc này tôi mới nghe tiếng ve râm ran, râm ran khắp nơi mà từ khi xuống xe vì mãi lo chụp hình nên tôi có nghe gì đâu. Ren lại nói :
- Hồi nãy Ren có nhắc… Tiếng ve kìa, mà anh có nghe đâu !
- Vậy hả… Cám ơn các bạn… Chắc tôi “say” phượng vỹ mất rồi… !
Rồi tôi như lịm người đi trong tiếng ve râm ran giòn giã, râm ran không dứt từ tàng phượng phủ mát cổng trường, từ tiếng ve như rủ nhau gọi hè vang dậy khắp khu trường. Và, thật kỳ lạ tôi cảm thấy như mình cũng râm ran theo tiếng ve thân thương mà tôi bị vắng chúng từ lâu, đến giờ mới được nghe lại. Tôi vui lắm, sung sướng lắm và cảm thấy các bạn cũng cùng vui với tôi.
Trong phút chốc những âm thanh râm ran mùa hè ấy đã dắt tôi về miền thơ ấu của mình, nơi đó đến tuổi lên chín lên mười tôi mới biết say sưa lắng nghe tiếng ve râm ran vang lên rộn rã từ những tàng me tây, những tàng keo um tùm sum suê hoa trái khắp thị xã nhỏ bé của tôi.
Còn nhớ, những năm năm mươi / sáu mươi Qui Nhơn chưa có nhiều hoa phượng. Sân trường Tiểu Học Nguyễn Huệ - nơi tôi theo học trong những năm đầu đời - chỉ lưa thưa vài cây điệp và khuynh diệp nên tiếng ve không “náo nhiệt” gì mấy. Phía sân sau của trường, bên kia con đường nhỏ là khoảng sân khá rộng của trường Cường Để cũ với nhiều cây me tây cổ thụ phủ bóng mát khắp sân, nơi đó mới thật sự có “dàn đại hòa tấu” thật giòn giã. Cũng tại nơi này, cứ thứ bảy chủ nhật hằng tuần là các Ấu Đoàn, Thiếu Đoàn Hướng Đạo chúng tôi lại họp bạn hoặc cắm trại, sinh hoạt vui tươi lành mạnh trong tiếng ve râm ran gọi hè làm náo nức tuổi mới lớn của chúng tôi.
Còn nữa, cứ mỗi trưa trên đường từ trường về là chúng tôi thường hay nấn ná trên khoảng đất rộng (bây giờ là Hội Trường Qui Nhơn) có nhiều cây keo to để hái những trái keo chín hườm chia nhau ăn cho vui trong tiếng ve râm ran thật thú vị.
Ở sân sau nhà tôi, sát với cửa sổ có vài cây keo với những chùm trái chín hồng ngon mắt vào mùa hè, các chú ve con đã họp nhau tạo nên một “dàn hòa tấu xóm nhỏ” nghe thật đã tai. Mỗi lần các chú ấy cất tiếng gáy râm ran tôi lại đánh mandolin bài Hè Về của nhạc sĩ Hùng Lân, rung lên những nốt nhạc réo rắc hòa theo

Trời hồng hồng sáng trong trong
ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm gió êm êm
lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên
Đàn nhịp nhàng hát vang vang
nhạc hòa thơ đón hè sang !

Nhưng thật lạ, khi tiếng đờn tôi cất lên thì tiếng ve lại im bặt, có lẽ chúng… chê tiếng đờn dở ẹc của tôi rồi.
Đôi lần tôi cố tình rình bắt một chú ve xem sao, nhưng không tài nào bắt được trong khi tôi là một tay bắt dế đá chơi cũng “có hạng” lắm.
Tiếng ve vẫn tiếp tục theo tôi và bạn bè tôi qua những năm trung học thật trẻ trung, hồn nhiên và cũng có khi xao xuyến theo “nỗi niềm riêng” của mình. Những cánh phượng vỹ và tiếng ve râm ran đến với từng gốc cây ghế đá trong sân trường, nơi công viên là hai tín hiệu báo cho mọi người biết là hè đang về đây; đó cũng là “nhân chứng” cho những mối tình học trò ngây thơ hợp tan, tan hợp; là “nhân chứng” cho những cuộc chia tay của bạn bè thời chinh chiến mà nhạc sĩ Song Ngọc đã nói giùm chúng ta qua ca khúc Mùa Hoa Tạm Biệt

Anh hỡi anh ơi mùa phượng đến rồi
Dù rằng không nói mà tôi biết chia phôi
Anh lên đường xa xôi dốc núi chân trời
Xa cách đây rồi… còn thương còn nhớ

Đó là khi một số không ít bạn bè trong lứa tuổi chúng tôi dấn thân vào binh lửa và quên dần tiếng ve thời học trò ấy. Nhưng có lần thật là quí báu khi chúng tôi dừng quân ở Kontum năm 1971, ghé vào quán Cà Phê Phượng bên dòng Dakbla; quán được cất trên khoảng nhà sàn nhoi ra dòng suối chảy ngược với tàng phượng vỹ phủ kín mái quán thật thơ mộng. Chúng tôi gõ nhịp lanh canh trên tách cà phê thơm lừng theo tiếng nhạc trong tiếng ve râm ran giòn giã mà bất chợt chúng tôi được thưởng thức lại sau một thời gian dài quên bẵng chúng đi.
     
“Có phải là quá lời lắm không khi nói rằng, chuyến về thăm quê lần này tôi thật sự hạnh phúc vì đã được lịm người ngây ngất trong tiếng ve thân thương. Và, tôi biết rằng Tiếng Ve Ngày Cũ vẫn còn râm ran gọi hè như thuở nào trên quê tôi”.

Phạm Lê Huy
(Los Angeles, Sept. 1 – 2013)






LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...