Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Thương Nhớ Mười Ba


       
Đi qua gần hết một đời, nhìn lại mình ta tự hỏi từ bao giờ ta đã già lắm vậy? Từ bao giờ tóc ta đã bắt đầu bạc thưa và trí nhớ ta đã chập chờn sáng nhớ chiều quên như thế? Có phải từ khi Ông trưởng ban Người cao tuổi trong xóm đến nhà ghi tên ta để biết ngoài ngày 20/11 hàng năm, ta còn có ngày 01/10 cho các cụ ông cụ bà như ta có thêm một ngày để a lô gọi nhau họp mặt hay để con cháu ta thì thầm bàn nhau mua quà tặng bà kính yêu?
       Vào hội cùng Người cao tuổi, ta lúc nào cũng mang vẻ trầm mặc suy tư, đi đứng thì khoan thai, đĩnh đạc, hát hò cũng chọn bài "nền nã" cho phù hợp với không khí "cao tuổi" xung quanh... Họp mặt 20/11 ở trường cũ, ta càng chững chạc, nghiêm túc hơn, dẫu trong lòng cảm xúc trào dâng nhớ những ngày xưa thân ái cùng đồng nghiệp, học trò... Nhưng phải "cầm lòng" cho nước mắt rưng rưng. Nhìn lớp giáo viên trẻ mới về trường sau này lạ lẫm mà lòng ta se lại...Duy chỉ có những buổi họp đồng môn, đồng khóa thì lúc nào cũng đầy hưng phấn.... Những năm gần đây ta có nhiều dịp hội họp  cùng với bạn bè sư phạm Quy Nhơn. Cái tình đồng môn mười ba khóa học lúc nào cũng dễ thương và cảm động. Bọn ta có người lần đầu gặp lại nhau sau một thời gian dài đằng đẵng mấy mươi năm. Biết bao đổi thay trên mỗi mặt người. Có " cụ bạn trai" háo hức muốn nhìn lại dung nhan " Nàng thơ" của mình ngày ấy bây giờ ra sao. Có "bà bạn gái" hồi hộp tìm trong rất nhiều khuôn mặt quanh mình môt hai "Cụ chàng" ngày xưa  đã từng sớm chiều "theo chân Hoàng Thị " ...? Và khi nhận ra nhau rồi lại ngỡ ngàng nhìn nhau cười phóng khoáng... Những mái đầu cụng vào nhau đau điếng mà thương...  Những cái bắt tay chặt không muốn rời, có khi ôm chầm nhau, mái đầu bạc tóc búi ngã vào  vòm ngực phẳng phiu nghe nhịp tim đập thì thòm... Ngày xưa mến nhau, thèm được như thế mà  có  dám đâu, ngượng chết đi được... Bây giờ già cả rồi, cái cảm giác run rẩy của con tim nóng hổi ngày ấy nào ai còn được, còn  chăng trong ta lòng thương mến thiết tha nỗi niềm đồng  môn sâu nặng... Gặp các anh chị khóa trên, ta mừng lắm, thầm nghĩ năm  bảy năm nữa ta có được như các anh chị bây giờ...vẫn thanh cảnh, lịch sự và  đáng  mến như thế? Thương nhiều những em khóa 12 ,13... như một bài ca dang dở. Không biết các em có khi nào nhớ đến những  câu thơ tình  của nhà thơ Hồ Dzếnh ngày xưa không? " Thư viết đừng xong / Thuyền trôi chớ đỗ / Cho nghìn sau lơ lững với nghìn xưa ..." mà tâm hồn các em cứ đau đáu luyến lưu cái "bức thư tình'' chưa viết trọn… hay một ''bến đỗ" muôn trùng xa ? ...để mỗi lần họp bạn đông môn là các em lại trở về cho tâm hồn bớt nổi "lửng lơ" ?...
          Kỉ niệm không bao giờ quên được. Ta vẫn nhớ hoài chuyện trường lớp, bè bạn, chuyện những chiều thứ bảy sân trường rợp bóng ''tình quân", chị em nội trú hồng má môi duyên dáng, chuyện những đêm dưới ánh điện sáng lòa, bên góc công viên ta cùng nhau học bài, thêu áo, móc  khăn ... trong tiếng sóng biển vỗ êm đềm và tiếng gió vi vu qua vườn dương liễu bên hông dãy phòng học đằng xa... chuyện bạn ta suýt ngất xỉu khi bắt thăm môn dạy Tâp làm văn cuối khóa... Nhắc lại kỉ niệm để cùng góp chung vào ký ức của nhau một đôi điều mà ngày xưa ta vô tình chưa gặp hay đã quên đi... Nhắc lại để thấy lòng thương ơi là thương cái thời Giáo sinh SPQN ...                                                       
         Rồi... hẹn nhau năm sau, năm sau nữa, ở nơi nầy hay nơi khác ta lại gặp nhau, sợ tuổi bọn ta rồi ai còn ai mất, Rồi... dùng dằng chia tay, hò hẹn,.
        Ta đã hát một bài ca về mùa thu trước khi từ giã bạn đồng môn như một lời chia tay ...
Ta về cùng khúc mùa thu
Lá đời đã bạc, lời ru đã già
Buồn tình ta níu ngày qua
Đừng lay ta nhé dẫu là bao dung
Mai tê mốt nọ vô chừng
Theo mùa thu cuối muôn trùng ta đi…

( Bich Liên khóa 7)

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

MÙA THU ĐÃ RA ĐI


                                    Irene.

        
Buổi sáng cuối Thu, gió mơn man nhẹ nhàng, bầu trời xanh trong, từng đám mây trắng bồng bềnh trôi. Thư bước xuống nhà dưới chuẩn bị đi học. Trong vườn, cây ngọc lan tỏa hương lan tỏa thoang thoảng trong sương sớm. Dưới gốc, cánh hoa rụng trắng cả mặt đất. Thư nhón chân, đưa tay níu lấy một cành thấp ngắt một nụ hoa vừa mới hé…hít sâu, thật sảng khoái với hương thơm dịu dàng… dừng lại trên bãi cỏ xanh tươi của lối đi, những đóa hoa tim tím bé xíu đang vươn lên xòe cánh… cúi xuống ngắt một chùm Thạch thảo rồi hớn hở đi ra khỏi nhà, tà áo dài trắng bay bay trong gió…
         Tuổi mười chín đẹp như mơ. Tuổi xuân phơi phới. Tuổi trẻ nhìn đời nhiều mộng ước…
         -Thư!
 Người con gái giật mình quay lại. Từ bên đường, một người thanh niên băng vội qua.
         -A! Anh Vinh!
         Thư mừng rỡ reo lên.  Anh tươi cười đến bên cạnh.
         -Em đi học?
         -Dạ! Anh về hồi nào?
         -Anh mới về sáng nay.
         Chiếc xe Lam trờ đến chầm chậm.
         -Thôi đã đến lúc em phải đi học rồi!
         -Cho anh đi học với!
         Không đợi Thư trả lời, anh theo nàng leo lên chiếc xe Lam. Trong xe đã đông, hai người phải ngồi sát tận cửa sau.
         -Anh vừa thi ra trường xong.
         -Vậy đã có kết quả chưa?
         -Chưa treo bảng nhưng anh biết mình đậu rồi.
         Người con gái trề môi với anh như thầm nhủ: -Xạo!
         Cả hai cùng mỉm cười rồi thoáng nhìn nhau ánh mắt rất dịu dàng...
         Chiếc xe chạy từ từ rồi dừng lại ở cổng trường Sư Phạm, mọi người xuống xe.
Nắng vàng nhạt, gió từ biển thổi vào, mơn man lan tỏa mùi nồng nồng của đất và cây cỏ. Hai người đi bên nhau trên lối đi từ cổng dẫn vào sân trường:
-Trường học của em thơ mộng ghê đi! Ồ, có cả một vườn hoa sứ.
Nhặt một bông sứ vừa mới rụng còn tươi tắn, anh trao cho Thư.
-Cám ơn anh!
Thư trao lại cho anh nhành hoa tím đang cầm :
 -Tặng anh!
Nhìn chùm hoa anh thì thầm đọc bài thơ L`adieu của Guillaune Apollinaire.
J’ai cueilli ce brin de bruyere. L’automne est morte souviens. T’en nous ne nous verrons plus sur terre odeur du temps brin de bruyere. Et souviens – toi que  je t’attends…

Đây là lần đầu tiên anh đến thị xã này và lại đến vào những ngày đầuThu, không khí mát mẻ dễ chịu…
-Thư ơi! Anh thấy Qui Nhơn đẹp và yên bình quá.
Thư mỉm cười như thầm bảo: -Đương nhiên rồi! Quê hương của em mà.
Vinh nhớ lại lần đầu tiên gặp Thư tại sân trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn số 17 đường Duy Tân, khi cô bé đang tìm cách để đăng ký ghi danh học. Thư có khuôn mặt tròn trĩnh, nụ cười hiền hậu. Cô bé còn có đôi mắt to, đen. Giọng Huế nghe như gió thoảng nhẹ nhưng mãi sau này anh mới biết cô ấy là người ở Qui Nhơn.
Còn Thư lần đầu tiên vào Sài Gòn nên ngơ ngác, sợ sệt với sự đông đúc của xe cộ và người. Gặp anh, lúc đầu Thư cũng dè dặt nhưng sau khi nói chuyện rồi nhìn khuôn mặt với giọng miền Nam tự dưng Thư cảm thấy an tâm. Cuối cùng thì Thư cũng biết anh ấy quê ở Phan Rang.
Sau khi hoàn tất xong thủ tục ghi danh, anh còn tận tình đưa Thư ra cổng trường và cùng đứng chờ cho đến khi người nhà của Thư đến đón về. Khung cảnh của trường Đại Học, những cơn mưa lất phất bay bay, những hàng me cùng những con đường ở Sài Gòn lúc đó đã in sâu vào trong tâm trí Thư cho đến bây giờ không bao giờ quên.

Chàng luật sư ra trường đổi lên Đà Lạt làm việc và thơ thẩn với thành phố sương mù, đồi thông, thác bạc, ngàn hoa…xa nhà, cảnh buồn nên những lúc nhơ nhớ hái vội cánh hoa penssé, mimosa… ép gởi về …
Thư ra trường rồi đi dạy ở một miền quê xa xôi… chiến tranh ngập tràn khói lửa …suy tư hay mơ mộng…cũng bị át đi bởi tiếng súng, tiếng đại bác ầm ì…Thỉnh thoảng có nhớ nhung vu vơ cũng chỉ thổ lộ với nhau qua một vài bức thư với hàng chữ gởi gắm nỗi niềm…
Mùa Xuân, khói lửa bùng lên…loạn lạc khắp các nơi rồi sau đó cuộc chiến chấm dứt…Tất cả có người trở về lại, có người ra đi, có người lưu lạc phương trời nào không rõ. Dường như mọi thứ đã đổi thay…

Thư và Vinh không ai biết tin tức gì nhau từ dạo đó. Có hỏi thăm nhưng chẳng ai biết ở phương trời nào …thế là biệt vô âm tín…
Lo lắng - Nghe ngóng - Chờ đợi … rồi một hôm nhận được hung tin, anh ấy đã vĩnh viễn ra đi trong một buổi chiều… tại một vùng đồi núi heo hút…
Người thân của anh trao cho Thư chiếc phong thư đựng những cánh hoa ép màu tím và lá thư viết dở dang…
Nước mắt rưng rưng…bao nhiêu kỷ niệm…bao nhiêu dự định…
Vẫn biết rằng, dù chưa một lời hứa hẹn…nhưng như thế không có nghĩa là  … Thư bàng hoàng tiếc thương, đau xót một … quá ngắn ngủi1
Mỗi lần nhớ đến anh, Thư mở hộp ra xem…chùm Thạch Thảo theo thời gian sậm dần và màu mực lá thư cũng phai mờ… duy nhất chỉ có hình ảnh của anh là vẫn sống mãi trong ký ức của Thư theo những hoài niệm…

Từ đó bao nhiêu Mùa Thu đến… nhưng đối với Thư Mùa Thu đã ra đi từ dạo ấy…
Tiếng hát nức nở của người ca sĩ vang lên trong buổi sáng yên ắng…
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho Mùa thu đã chết rồi
Mùa Thu đã chết em nhớ cho
Mùa Thu đã chết em nhớ cho
Mùa thu đã chết, đã chết rồi em nhớ cho
Em nhớ cho đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa trên cõi đời này, trên cõi đời này.
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
Từ nay mãi mãi không thấy nhau…(Mùa Thu chết-PD).

Mới ngày nào đây, mùa Thu ngấp nghé về! mà bây giờ mùa Thu lại sắp sửa ra đi…Trời cứ  chuyển mùa, chuyển tiết... cứ xoay vần theo ngày tháng…thế cũng đủ làm xao động lòng người.
Buổi sáng mờ sương, trong những ngày cuối Thu se lạnh. Bầu trời xam xám, những đám mây trắng đục bàng bạc trôi. Trên cành cây, gió vẫn mơn man đùa…lá tiếp tục cựa mình rơi rơi từng chiếc cuối cùng để lại cành cây khẳng khiu, trơ trụi. Thiên nhiên tiếp tục khoác lên mình chiếc áo mới với những gam màu u ám hơn báo hiệu cho những ngày tàn Thu.
Trong sân, một nhành lan tím vừa mới nở. Bên chậu cây, nụ thạch thảo sau cuối, cố gắng xòe cánh hoa nhỏ xíu mong manh màu tim tím chấp chới trên khóm lá xanh thẫm. Một chút lãng mạn từ sắc tím đưa lại làm cho Thư chợt bâng khuâng, thoáng chốc ngậm ngùi…nhớ!

Con tàu cuộc đời … vẫn chạy mãi miết. Cứ mỗi lần dừng lại ở sân ga, có một số người xuống…lại có một vài người lên nhưng riêng người thanh niên ra đi từ dạo mùa Thu ấy đã vĩnh viễn rời tàu và không bao giờ quay trở lại…

Sài Gòn, cuối Thu…
Irene.

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...