Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

GẶP MẶT ĐẦU XUÂN ACE CỰU GIÁO SINH SP QUY NHƠN TẠI ĐÀ NẴNG

Sư Phạm Quy Nhơn tại Thành Phố Đà Nẵng

MỘT CHÚT CỦA CUỘC ĐỜI

   
    
    Từ nhỏ, tôi đã có ước mơ làm cô giáo. Ước mơ đó lấn át cái học bổng du học ngành Y ở West Germany năm 1970. Tôi không hề hối hận vì đã chọn nghề Thầy. Những năm tháng được học dưới mái trường SPQN đã hình thành một nhân cách sống đẹp trong tôi.
Lần đầu xa nhà, xa quê, tôi bỡ ngỡ và lo sợ, may mà các bạn thời trung học như: Đồng, Hồng, Hoa Pháp đã giúp tôi yên tâm hơn ở thành phố biển xa lạ này. Rồi sau đó, nỗi buồn xa quê tan biến, tôi nhanh chóng hội nhập với tất cả bạn bè cùng trang lứa trong “Thiên đường mặt đất” của chúng tôi. Đó là khu nội trú nữ thân thương, nơi chất chứa nhiền kỷ niệm êm đềm của tuổi thanh xuân.

Khi còn trẻ, tôi đã bận rộn với những lo toan cơm áo gạo tiền của cuộc sống đời thường nên đôi lúc kỷ niệm cũ thoáng hiện, thoáng  mất…Bây giờ, khi “gió heo may đã về” thì lẫn khuất đâu đó trong tôi, những kỷ niệm của tháng ngày nội trú bỗng xôn xao réo gọi nhau về…
  Ôi cái thời nội trú! Chúng tôi một lũ đứng thứ ba sau ma quỉ, (mặc dầu đang được đào tạo để trở thành những thầy cô giáo) khi đã “quen nước, quen cái” bắt đầu “quậy”: Giả bộ đau để được xe trường đưa ra phố. Việc bại lộ, may nhờ thầy Trắc độ lượng đã không phạt mà còn mua cho tôi, Vân, Phước mỗi đứa một ổ bánh mì. Thầy ơi, chúng em không bao giờ quên lòng bao dung của Thầy. Chúng tôi bốn đứa ở 1 phòng, mỗi đứa mỗi quê, mỗi cảnh nhưng thương nhau như ruột thịt, vui buồn san sẻ cho nhau. Thư của”Fan hâm mộ” từ xa gửi đến cho tôi, cả phòng đọc chung rồi rúc rich cười. Cuộc tình của tôi và người ấy lãng đãng, bồng bềnh như mây, như khói, cho đến khi tôi ra trường thì tình yêu ấy cũng “Gone with the wind”.

Năm nhị niên thì không còn gặp hên nữa. Tôi bị giám thị bắt quả tang đang nấu chè trong phòng nội trú, bị trừ 2 điểm hạnh kiểm. Chính vì điểm trừ này mà thứ hạng ra trường của tôi, Vân, Phước bị tụt xuống mấy chục bậc. Thế là vỡ tan cái mộng chọn nhiệm sở gần nhà.
Năm 1972 tôi đến nhận việc ở trường Phú Thạnh , Quế Sơn với tâm trạng không vui. Thế nhưng hiệu trưởng trường là anh Lư học trước tôi một khóa. Chính anh làm tan đi những lo buồn vì phải dạy xa nhà trong tôi. Không biết tôi có duyên hay không mà được anh Lư đưa đón đi dạy rất ân cần chu đáo.

Tôi bắt đầu mơ mộng đến cuộc sống tươi đẹp trong tương lai nhưng đã có một sự cố bất ngờ làm đảo lộn những ước mơ, hoài bão trong tôi, đưa tôi sang một ngã rẽ khác đến một bến bờ hoàn toàn xa lạ. Gần hè năm 1973 tôi xa trường Phú Thạnh cùng các em học sinh thân yêu không kịp nói một lời từ giã khi năm học còn dở dang!!! Tôi xa thầy hiệu trưởng dễ mến của tôi đã 41 năm rồi chưa một lần gặp lại. Bây giờ hình bóng anh chỉ còn là một vệt khói mơ hồ lẫn trong mù sương ký ức của tôi.
Sau năm 1975 tôi về dạy ở Điện Bàn quê tôi. Với mức lương khiêm tốn trong bối cảnh chung của đất nước còn khó khăn nên tôi phải vừa đi dạy vừa làm nông dân để nuôi nghề tay phải của mình. Khi hai con tôi gần đến tuổi vào đại học, tôi liều mạng “Nam tiến” mong tìm một cơ hội tốt hơn để nuôi chúng ăn học đến nơi đến chốn.

  Trong 20 năm sống và dạy học ở Sài Gòn tôi không bao giờ quên sự cưu mang, giúp đỡ của Bạch Vân, Kim Trâm (SPĐN), Hoa Pháp, Hồng, Đồng, Tài, Bích Thắng, Tuyết Hoa…Các bạn đã chia sẻ ngọt bùi, yêu thương mẹ con tôi chẳng khác gì ruột thịt. Chính nhờ sự giúp đỡ đó mà tôi nuôi hai con ăn học nên người. Ân tình đó tôi không bao giờ quên. Cám ơn những người bạn trên cả tuyệt vời đã tiếp sức giúp tôi them nghị lực để chống chọi với phong ba bão táp đời tôi. Tôi tri ân Ban giám hiệu trường Trần Quốc Toản quận Tân Bình TP. HCM là cô Nguyễn Thị Nguyệt, thầy Nguyễn Nghĩa Dũng bằng tất cả tấm lòng với “người xưa” nếu có cơ duyên đọc những dòng này cho tôi gửi lời xin lỗi – Dẫu muộn màng!!!

Qua những thăng trầm, dâu bể của cuộc đời, đọng lại trong tôi vẫn chỉ là 2 năm học SPQN và khu nội trú nữ thần tiên.
Kỷ niệm cũ tưởng chừng như mất hút.
Bỗng quay về trong nỗi nhớ miên man.
Quá khứ nào đã xa, chỉ còn nuối tiếc.
Ngược thời gian, tìm lại chút đá vàng!!!
                                                 Đà Nẵng, cuối đông 2013
                                                                                     Nguyễn Thị Kim Thơ
                                                                                             Khóa 9 SPQN

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

BÂNG KHUÂNG CHIỀU

                                                                                               Ky Thinguyen                                                          BÂNG   KHUÂNG   CHIỀU

 Hiên nhà vương nắng nhẹ.
 Chiều Xuân trôi êm đềm.
 Trang sách vui câu chữ.
 Lòng người cũng mênh mang.

 Xuân nay mình sáu tám.
 Mấp mé cửa Hư Vô.
 Còn được bao Xuân nữa.
 Vui vầy bạn bè xưa  ?

  Mong đến ngày họp mặt.
 Ngắm nhau dịp đầu năm.
 Vừa mới thêm tuổi mới.
 Vui – buồn…ai hơn ai ?.

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

VỀ QUÊ ĂN TẾT

Hình ảnh Trang Vnphoto.net
Những ngày cuối tháng chạp, khắp thành phố đông đúc rộn rịp hẳn lên. Không khí đón Tết cứ đến hàng ngày. Đầu tiên là các cửa tiệm, quán… treo đèn kết hoa. Các con đường được trang hoàng lộng lẫy với các bảng hiệu mừng năm mới. Những bài hát về mùa xuân vang vang. Hàng hóa các chợ, siêu thị tràn ngập, người mua, kẻ bán tấp nập. Rồi khi Tết đã gần kề thì xuất hiện vô số sắc màu của các loài hoa từ phố chợ cho đến tận nhà nhà…
          Suốt năm xa nhà để làm việc, tìm kế mưu sinh. Thế nhưng tết đến mọi người vội vả thu xếp công việc để về quê ăn Tết bên gia đình, bên họ hàng, làng xóm. Đó là một truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay.
          Tôi cũng vậy, quanh năm sống với con cháu nơi thành phố này nhưng lúc nào lòng tôi cũng đau đáu hướng về quê cũ. Nhất là Tết đến! Phải về quê thôi. Tôi nghe ngóng chờ nhà ga, bến xe bắt đầu bán vé là nhắc mấy đứa con đặt mua vé qua mạng để có vé về. Công ty của chúng nó vừa cho nghỉ tết là cả nhà, tay xách nách mang ra xe về quê liền.

          Trước ngày về cả tháng, tôi đã chuẩn bị sắp đặt trong đầu: nào là bánh mứt để về cúng ông bà tổ tiên bên nội, bên ngoại, bên chồng. Nào là quà cho người thân, quà cho bạn bè, quà ơn nghĩa ba bên, bốn bề…Rồi thứ tự sắp xếp lịch trước, sau để khi về quê đi những đâu theo từng giờ, từng ngày. Tuổi già kể cũng lạ, hay lo…rồi mất ngủ. Mấy đứa con nó nói:
          -Mẹ muốn mua cái gì? Cho ai? Thì để tụi con sẽ sắp xếp cho. Chứ mẹ cứ lo lắng rồi ốm xuống lại càng khổ thêm.

          Biết thế! nhưng sao trong lòng tôi cứ “bồn chồn” nên mấy đêm liền không sao ngủ được.Tôi không thể nào diễn tả hết được sự mừng vui của tôi khi đặt chân lên mảnh đất Qui Nhơn thân yêu. Cho dù trong năm tôi cũng đã có về thăm vài lần. Những ngày cuối năm, miền Trung trời lạnh giá. Nhìn những con đường thân quen, những ngôi nhà, góc phố, cảnh cũ…đâu đâu cũng đều gợi nhớ những kỷ niệm một thời. Về đến nhà, chị và các cháu vui mừng ra đón. Mọi người hỏi thăm tôi. Cả nhà chuyện trò rôm rả.
          Ngôi nhà tôi ở từ thời thơ ấu, nay vẫn thế. Ngày Tết được quét vôi trông mới và sáng sủa ra. Hai cây mai tứ quí do ba tôi trồng lúc người còn sống nay vẫn còn. Gốc mai to, thân cằn cỗi, lác đác một vài búp mai đã nở vàng. Tôi nhớ mới ngày nào đây, chị em tôi cùng với ba trảy lá thế mà giờ, cây vẫn còn đó mà người đã đi đâu mất rồi? Ở sân giữa, cây hoa ngọc lan không còn nữa do trận gió mùa bão vừa rồi đã làm gãy đổ. Sát bên giếng, cây khế ngọt vẫn còn ra hoa tim tím, cành lá xanh tươi, sai quả…Căn phòng ngày xưa chị em tôi ở nay cũng vẫn vậy nhưng sao tôi có cảm giác nó như hẹp và thấp gần lại…Xung quanh tôi, tất cả đều rất quen thuộc, thân thương, gần gũi một cách lạ kỳ.
          Tôi bước ra sau nhà là đường Nguyễn Du. Trước mỗi nhà, người ta bắc bếp nấu bánh tét. Tôi ngồi xuống bên nồi bánh đang sôi sùng sục trong ánh lửa hồng và tiếng nổ tí tách của than củi. Tếng cười đùa của lũ trẻ nghe vui vui. Không khí ấm áp như lan tỏa khắp cả xóm làm xua đi cái lạnh của đêm cuối Đông.

          Đêm ấy, nằm bên chị Cả, tôi và chị nói chuyện thâu đêm suốt sáng. Tiếng gà gáy lần thứ nhất, tôi mới chợp mắt đi.
          Sáng sớm, tôi đi chợ Tết. Ngôi chợ được dời xuống cuối đường Tăng Bạt Hổ, sau vụ cháy chợ năm nào. Tôi cứ nhớ, ngày xưa những ngày gần Tết, khu Chợ Lớn Qui Nhơn thật là đông đúc. Hàng hóa bày bán rất nhiều tràn ra cả ngoài những con đường chung quanh chợ. Còn bây giờ nơi đây đã trở thành Trung Tâm Thương Mại nên không còn tấp nập như xưa.

          Tôi rất thích thú khi đi chợ Tết. Ngắm các hàng hóa từ quê chở xuống. Nải chuối, trái đu đủ, trái thơm, rổ rau sống đủ các loại tươi non…nhìn là muốn ăn. Tôi mua một ít kẹo cà, kẹo đậu phộng. bánh dừa, bánh dẻo…Tôi chọn mua trái cây làm mâm ngũ quả để cúng trong đêm giao thừa... Tất cả đều đượm hương vị quê hương miền Trung quê hương tôi.

          Chiều hôm đó, tôi cùng cả nhà đi viếng mộ…những ngôi mộ được sơn sửa, quét dọn trông mới, sáng sủa và khang trang…Trong làn hương khói tỏa của một buổi chiều cuối năm sao thấy hồn thanh thoát và mênh mang một nỗi buồn…Nhớ cảnh, nhớ người.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ…


Trở về nhà cho kịp cúng chiều ba mươi. Trước bàn thờ Tổ Tiên, khói nhang nghi ngút. Mùi trầm hương thoang thoảng…Tất cả mọi người trong nhà xếp hàng đứng trước bàn thờ trang nghiêm khấn vái với tấm lòng thành kính xin rước ông bà trở về nhà ăn Tết sum họp cùng con cháu. Không khí ngày tết thật là thiêng liêng ấm áp vô cùng. Sau đó, mọi người cùng ngồi quây quần bên mâm cơm ăn uống vui vầy trong ngày cuối cùng của một năm.
          Gia đình tôi có tục lệ là cúng giao thừa bằng nồi chè đậu xanh đánh. Lúc còn sống, mẹ tôi nấu nồi chè rất công kỹ. Chọn mua đậu thật đều. Về nhà, nhặt từng hạt và bỏ đi những hạt sâu hay lép rồi đem phơi nắng cho thật khô. Trước ngày nấu đem ngâm, đãi vỏ cho sạch. Nấu bằng lò than, khi đậu đã mềm thì chỉ để lửa nhỏ. Dùng cái vá nhẹ nhàng tán đậu, cho đến khi đậu thật nhuyễn mới bỏ đường vào, khuấy đều và liên tục trên…cho đến khi nồi chè đặc sánh lại. Bây giờ, những hình ảnh đó các chị tôi và tôi vẫn giữ mãi. Năm nào Giao Thừa cũng có nồi chè xanh đánh dâng lên ông bà.
          Đúng 12 giờ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, bàn thờ tổ tiên sáng rực ánh đèn, trầm hương khói tỏa nghi ngút. Trong nhà, mọi người khấn vái…sau đó, cùng nhau xuất hành đi lễ giao thừa.
          Đường đi đến chùa lành lạnh với sương đêm. Trên những khuôn mặt mọi người vui vẻ thư thái, trên môi nở nụ cười. Càng gần đến nơi thì người và xe cộ càng đông đúc. Bỗng thoáng vương trong ký ức của tôi nỗi luyến nhớ…rồi những hình ảnh xưa chợt hiện về… Ngày ấy, tuổi vừa đôi tám, đôi chín, tâm hồn ngây thơ…hồn nhiên trong giây phút giao thừa. Thấy rộn ràng, phơi phới trước gió xuân. Năm mới thêm tuổi mới. Lòng xao xuyến khi níu lấy một cành cây hái lộc đầu năm. Khuôn mặt ửng hồng khi thấy mình đã lớn.
          Nhanh thật! Thoắt một cái mà đã mấy chục năm trôi qua.
          Ngày xuân con én đưa thoi
          Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. (Nguyễn Du)
          Tiếng chuông chùa ngân vang báo thời khắc giao thừa, tôi lâm râm cầu nguyện sự an lành đến cho mình và cho mọi người. Ngoài kia pháo hoa cũng đang được bắn lên làm sáng rực cả bầu trời đêm.

          Sáng mồng một, không khí trong nhà rộn ràng. Bọn trẻ xúng xính ra vào trong quần áo mới. Chị tôi và tôi ngồi trên bộ ghế ở giữa nhà, trang trọng trong chiếc áo dài. Những lời chúc tụng, những phong bao lì xì trong niềm vui sướng, hân hoan, hạnh phúc của ngày đầu năm…Chị tôi căn dặn mấy đứa nhỏ, ngày đầu năm không được đến nhà ai…nào là không được quét nhà…nào là không được mắng nhau…Ôi thôi nhiều điều kiêng cử trong ngày Tết.
Ngày mồng một tôi chỉ loanh quanh trong nhà, thắp hương bàn thờ…trong tiếng nhạc mừng xuân.

          Sáng mồng hai, tôi về thăm quê chồng. Con đường về vẫn thế! Những mái nhà ẩn hiện sau lũy tre xanh. Những cánh đồng lúa xanh ngát. Những ruộng ngô, những luống rau xanh rì. Những vồng cải ngồng hoa vàng vàng…Mồng hai đã có người ra làm đồng… Quê hương bao năm vẫn thế! Vẫn mộc mạc, đơn sơ…người dân quanh năm vẫn chân lấm tay bùn.
          Bước vào cổng nhà, ông chú trong họ vui mừng ra đón. Trong sân cây cối vẫn vậy, bụi chuối với những buồng chuối oằn cả thân cây. Những giàn bầu, mướp sai trái buông thỏng xuống mơn mởn. Những vồng rau lang, rau muống, rau cải xanh tươi…giàn đậu ngự trái non xanh.
          Buổi trưa, bà con nghe tin tôi về nên đến đông đúc. Ai cũng hỏi thăm tíu tít. Bữa cơm trưa được bày ra đầy đủ hương vị Tết quê nhà. Tiếng nói chuyện, tiếng cười càng gắn bó đậm đà ý nghĩa của ngày Tết về tình bà con, họ hàng, về tình làng nghĩa xóm.
          Tạm biệt nơi này, tôi trở về lại Qui Nhơn, mọi người đưa chúng tôi ra tận bến đò…Đò ra giữa giòng, tôi ngoái đầu nhìn lại những người thân với những bàn tay vẫy bên con sông Côn nước trong ngăn ngắt, bên hàng tre cao vút xanh tươi, bên những tấm lòng chân chất thật thà, bên tình quê hương sâu nặng. Lúc xưa, tôi không cảm nhận, thế mà nay xa rồi lòng bỗng thấy rưng rưng :
          Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
          Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.

          Cứ thế, những lần về quê ăn Tết là những lần làm tôi khắc khoải với những ký ức, với vô số hoài niệm buồn vui của một thời. Mùa Xuân không chỉ làm cho cảnh vật, hoa lá khoác thêm tấm áo mới mà còn làm cho tâm hồn tôi thêm phong phú, ấm áp, tươi vui hẳn lên. Thắt chặt tình cảm của tôi với quê hương với mảnh đất hiền hòa yêu dấu này.

          Dù đi bất cứ nơi đâu hay ở phương trời nào thì ngày Tết, ai ai cũng muốn quay về quê hương, bên gia đình, bên những người thân thuộc. Những phong tục tập quán của ngày Tết luôn giúp cho mọi người sống gắn bó, đoàn tụ vui vầy bên nhau. Ngày Tết còn giúp cho sự giữ gìn, xây dựng nề nếp văn hóa gia phong cội nguồn để bản sắc dân tộc Việt Nam được lưu truyền mãi mãi từ đời này sang đời khác.
          …Và cứ như thế, năm nào cũng thế. Tết đến là tôi lại nghe tiếng gọi …Đó là tiếng gọi của quê hương tôi miền Trung.

          Ngày đầu năm.
          Irene.



Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

THƯ CHÚC TẾT


                           Kinh chúc Quý Thầy Cô                                                                                                               Thân chúc các bạn đồng môn , các bạn lớp 6 Khóa 11 ăn tết vui vẻ                                                               Cảm ơn tất cả đã gửi Thiệp , thư chúc tết Lộc-Phương .                                                                               ( Xin Chia sẻ với Quý Thầy Cô và các Bạn một số Hình ảnh Diệu Phương và Lớp Việt ngữ ăn tết và Hội Chợ Toronto ) .

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

TIN BUỒN

Trang Nhà Sư Phạm QUY NHƠN vừa nhận được Tin Buồn muộn ( Qua Email _ LocBach ) Nhạc Mẫu Bạn Tô Bá Tùng _ Thân mẫu Bạn Nguyễn Thị Vân , Lớp Nhị niên 10 _ Khóa 11 Sư Phạm Quy Nhơn . Đã tạ thế vào ngày cuối năm Quý Tỵ , Hưởng Thọ 93 Tuổi . Lễ An Táng đã được cử hành vào Ngày Mùng Hai _Tháng Giêng _ Năm Giáp Ngọ tại Nghĩa Trang Thị Trấn An Nhơn _ Tỉnh Bình Định .                                                                                                              Thành Kính chia Buồn cùng Gia đình Hai bạn Tùng Vân , cùng những nén Hương lòng và những Lời Nguyện Cầu cho Hương Linh Cụ Bà sớm về Cõi Niết bàn .                                                                                                                   Ban Biên Tập Trang Nhà                                                                                                 Kính báo

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

THƯ CHÚC TẾT


Trước thềm năm mới, BBT trang SPQN xin kính chúc quí thầy giáo, cô giáo, quí anh chị đồng môn và toàn thể các bạn đọc cùng gia quyến một năm mới sức khỏe, an bình, nhiều niềm vui và hạnh phúc. 
Xin cảm ơn đến tất cả các bạn đã gởi bài đến trang SPQN trong năm qua. Chúc các bạn luôn vui khỏe để tiếp tục đồng hành cộng tác với trang nhà trong năm Giáp Ngọ này.

BBT.



Hình Ảnh : Bình Nguyễn K 11

Hình Ảnh minh họa Trang Vnphoto.net và Xóm Nhiếp Ảnh

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

TUỔI NGỌ

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   Irene.

Thân tặng các bạn tuổi Giáp Ngọ(1954).

Trong mười hai con vật biểu tượng cho mười hai con giáp là Chuột, Trâu, Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Heo. Thì con ngựa là một con vật hiền lành gần gũi, quen thuộc, có ích với con người. Được nhiều người xem trọng và sử dụng nhiều nhất. Có người lại ca tụng tuổi ngựa:
Người ta tuổi ngọ-tuổi mùi
Riêng tôi cứ mãi ngậm ngùi tuổi thân...
Hình ảnh về con ngựa rất đẹp. Các kỵ sĩ cưỡi ngựa phi nhanh qua những cánh đồng, qua các thảo nguyên...trông rất phong độ và hùng dũng. Ngày xưa, ngựa là loài vật được dùng nhiều nhất trong các cuộc chiến. Ngựa phi ra trận trông khí phách hào hùng mạnh mẽ. Ngựa đã gắn bó với con người và lịch sử chiến tranh qua nhiều thời kỳ lâu dài. Con ngựa cũng có công lớn là đã đóng góp rất nhiều trong việc mưu sinh và phát triển của loài người.
Trong lịch sử của Việt Nam hình ảnh Thánh Gióng phi ngựa xông ra trận... phi thẳng lên trời hay hình ảnh Vua Quang Trung, Trần Hưng Đạo... trên mình ngựa...thật oai phong lẫm liệt biết bao.
Người ta cũng thường lấy tên năm tuổi đặt tên cho con như Tý, Sửu, Dần...Ngọ...Hợi. Nhờ thế Phạm Thiên Thư mới làm nên bài thơ về người con gái tên Ngọ và Phạm Duy đã phổ nhạc thành bài hát Ngày xưa Hoàng Thị:
Em tan trường về đường mưa nho nhỏ. Em tan trường về đường mưa nho nhỏ. Anh theo Ngọ về, tóc dài tà áo vờn bay...
Nói về tuổi Ngọ thì 13 khóa của trường Sư Phạm Qui Nhơn, khóa 11 (1972-1974) là khóa mà đa số giáo sinh, sinh năm 1954 tính theo dương lịch còn âm lịch là năm Giáp Ngọ hay nói chính xác là tuổi con ngựa. Năm nay là năm Ngọ, năm tuổi của chúng tôi.
Người ta thường nói tuổi Ngọ năng động. Nhiều may mắn về tài lộc cũng như về công danh sự nghiệp.  Trong cuộc sống luôn bươn chải và nhiều lo toan. Tình duyên đôi lúc trắc trở …Trung vận, hậu vận tốt. Tuổi già gia đạo an vui, con cháu đề huề.
Lúc còn nhỏ, tôi nhớ mẹ thường nói với tôi rằng: -Tuổi Ngọ phải lo tự thân lập thân, tự mà kiếm sống…nhưng được cái là nhanh nhẹn, tháo vát. Tính tình rất phóng khoáng, nhiệt tình sôi nổi, thích thoải mái tự do, thích chạy long nhong vì con ngựa là con giáp du mục trong mười hai con giáp…
Tôi không biết các bạn cùng tuổi với tôi thế nào? Chứ lúc mới lọt lòng là tôi đã bắt đầu một cuộc chạy rong rồi. Xin các bạn xem qua “lý lịch trích ngang” của tôi để biết được cuộc hành trình của “con ngựa tôi” như thế nào?
Năm 1954, tôi vừa mới sinh ra được 7 ngày thì mẹ bồng tôi lên đường đi vào Nam. Vào đến Huế. Ở Huế được vài tháng, gia đình tôi lại vào Lăng Cô (một nơi ở dưới chân đèo Hải Vân). Sau đó lại tiếp tục trèo đèo, băng núi đi qua các miền như Quảng Nam-Quảng Tín-Quảng Ngãi… Năm 1955 đặt chân đến miền đất hiền hòa Qui Nhơn và ở luôn lại đó để sống, học tập. Năm 1972 năm mùa hè lửa đạn vào Sư Phạm Qui Nhơn. Năm 1974 ra dạy ở Thị trấn Bồng Sơn, một vùng khói lửa ngập trời. Mùa Xuân năm 1975 chiến tranh bùng lên, tôi phải bỏ lại trường lớp chạy về nhà rồi theo gia đình đi vào Nha Trang rồi Cam Ranh. Khi đất nước yên bình, tôi trở về lại Qui Nhơn tiếp tục dạy học. Năm 2008 vào Sài Gòn cho đến bây giờ. Từ nay về sau không biết “con ngựa tôi” còn chạy đi đâu nữa không? 
Kể ra thì “con ngựa tôi” vẫn còn có những lúc thong dong, rong ruỗi. Chắc là do tôi ra đời đúng vào 9 giờ đêm, lúc đó con ngựa đã được vào chuồng nghỉ ngơi nên số tôi còn được giây phút rảnh rang. Chứ liếc qua, nhìn lại thấy các bạn cùng tuổi, tuy hiện nay có bạn đã có cuộc sống ổn định nhưng lúc trẻ nhiều bạn phải “lên thác xuống ghềnh” có bạn phải “trèo đèo lội suối”. Có bạn còn phải “phi” một hành trình gian khồ dài và xa hơn…có bạn chạy xa tít đến nữa vòng trái đất…Và bây giờ vẫn có bạn cũng còn phải chạy ngược chạy xuôi chưa thể dừng chân nghỉ lại…
Nam tuổi Ngọ thì còn đỡ chứ nữ tuổi Ngọ về đường tình duyên có nhiều trắc trở? Người ta nói tuổi Ngọ “yêu” sớm thì sẽ khổ. Vì vậy lúc còn trẻ, tôi đã quyết định yêu trễ. Chờ mãi cho đến  một ngày khi tuổi tôi đã “chín muồi” mới dám “thắng lại”. Thế mà bây giờ vẫn gãy…
Tuổi Ngọ tự lập. Từ lúc ra trường đi dạy là phải tự làm việc mà sống! Không nhờ cậy ai? Nhà giáo “ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch” cứ vậy mà sống cho đến bây giờ. 
Tuổi Ngọ hay đi rông? Ừ về điều này tôi công nhận là có. Lúc trẻ sao mà ham vui, thích rong chơi đi đây, đi đó cùng bạn bè nên suốt ngày tôi cứ thích đi khắp phố phường, quán xá, chợ búa… Thấy tôi hiếu động, mẹ tôi nhắc nhở: - Là con gái thì phải đi đứng dịu dàng - phải kín cổng cao tường - phải công dung ngôn hạnh - phải…v.v…và v.v…Tuy “con ngựa tôi” đã được gia đình thuần hóa nhưng đôi khi chứng nào tật nấy, nhiều phen cũng khiến ba mẹ tôi lắc đầu vì ngựa “bất kham”.
Từ xưa đến nay  trong xã hội Việt nam, thầy giáo là một nghề được tôn trọng, được ca ngợi và là một nghề cao quý nhất. Ông bà ta thường nói “Tôn sư trọng đạo”. Vì vậy, tôi chọn Sư Phạm. Các bạn cùng khóa cũng đều là giáo viên. Thế là con đường công danh sự nghiệp của chúng tôi cũng được hiển vinh !?. 
À, còn một chi tiết nữa là người tuổi Ngọ thẳng tính, luôn ngẩng cao đầu không khuất phục, lùi bước trước mọi thế lực. Tục ngữ ta có câu “Thẳng như ruột ngựa” – Còn ngựa mỗi khi chạy thì đầu luôn thẳng, hướng về phía trước… 
Năm nay là năm Giáp Ngọ, trùng với năm sinh của tôi là năm Giáp Ngọ. Tôi xem trong quyển sách “Các phong tục Việt Nam” Nghe người ta nói là “Lục Thập Hoa Giáp” tức là chu kỳ 60 năm là sự kết hợp 6 chu kỳ hàng can với 5 chu kỳ hàng chi thành hệ 60. Theo ông bà ta thì cách tính năm tháng ngày giờ đều theo hệ số đó gọi là lịch can chi. Có tất cả mười hai chi: tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi ứng với mười can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Người ta đem ráp lại với nhau, đầu tiên là giáp tý, Ất sửu, Bính dần…10 can ráp 12 chi xoay vòng. Vì số can có 10 tên, số chi 12 tên nên thứ tự chẵn sẽ ráp chẵn, lẻ sẽ ráp lẻ và xoay đủ một vòng là 60 năm rồi trở lại gọi là một hoa giáp.. 
Chẳng hạn hết một vòng 60 năm từ Giáp tý đến Quý hợi. Từ năm thứ 61 trở lại là Giáp tý. Năm 121, 181…cũng là Giáp tý.  Cũng như tôi sinh ra là năm Giáp Ngọ năm nay đủ một vòng  quay lại cũng là năm Giáp Ngọ. Trong một đời người, chúng ta chỉ bắt gặp một lần trùng với tên năm tuổi của mình sinh ra đó là năm 61 tuổi. Năm 121 tuổi cũng là Giáp Ngọ nhưng ít có ai sống được đến tuổi cao như thế . 
 Tôi vừa đọc trên báo vnexpress nói đến Vận mệnh người tuổi Ngọ trong năm Giáp Ngọ này là : 
Người tuổi Ngọ năm nay do ngũ hành vượng nên,
-Ý chí mạnh mẽ, muốn làm nhiều việc mà thực tế lại không được như ý muốn. 
-Gia đạo không yên có nhiều chuyện lo lắng. 
-Nên chú ý đến các mối quan hệ, không nên trút bực dọc lên người xung quanh, nếu không dẫn đến khẩu thiệt thị phi. 
-Tuy có nhiều sóng gió nhưng có thể vượt qua…
Từ trước đến nay tôi ít khi để ý tin đến chuyện xem tướng số hay xem tuổi…nhưng bây giờ lớn tuổi rồi, thỉnh thoảng cũng “tìm tòi” xem cho biết, cho vui. Mọi người nói rằng, năm tuổi thường hay gặp hạn…Tôi có cô bạn ở xa. Hôm qua, cô ấy gọi và nói:
-Sang năm là năm tuổi của chúng mình. Thế mà, mới chuẩn bị bước vào năm Ngọ đã gặp đủ thứ chuyện rồi. 
Tôi cũng nhận thấy thế nhưng nghĩ lại, trên 60 tuổi là tuổi đã “thọ” rồi. Đến tuổi này chắc mọi vận hạn cũng chẳng còn được quan tâm nhiều… nên sống an vui, nhàn nhã, bằng lòng với hiện tại, hạnh phúc bên gia đình vui vầy cùng con cháu. Nhẫn nhịn…Tu tâm, tích đức…và cứ thế cho đến ngày đi về cùng với ông bà, tổ tiên.
Chỉ mong sao, trong năm Giáp Ngọ này mọi thiên tai, hạn hán, gió bão, lũ lụt sẽ không xảy ra để đồng bào mình bớt khổ, có được cuộc sống an vui, yên ổn làm ăn và gặp được nhiều thuận lợi trong mọi công việc.
Năm mới kính chúc tất cả luôn dồi dào sức khỏe, an vui, hạnh phúc! 
Năm Giáp Ngọ chắc chắn rằng sẽ là một năm luôn : MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG!

Sài Gòn, 29/01/2014.
Irene.

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

TIN BUỒN

SPQN  vừa nhận được tin Cụ Nguyễn Thị Mùa là thân mẫu của chị  Trần Thị Nguyên học nhị 5 khóa 12 SPQN
Tạ thế ngày 27 tháng chạp năm Quí Tỵ ( tức 27 /01 /2014 ), tai Quảng Ngãi. Hưởng thọ 80 tuổi 
Nay Ban liên lạc SPQN và các bạn khóa 12 xin chia buồn cùng gia đình chị Nguyện. Nguyện cầu hương hồn cụ sớm về nơi tiên cảnh

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...