Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

NHỚ MÃI CUỘC THI VĂN NGHỆ KHÓA 11.

                                                                                                                                     Irene.        
Vũ Khúc Hoa Hồng Nhất niên 1
             

Tháng năm về! Thỉnh thoảng có một vài cơn mưa đầu mùa xua bớt đi cái nóng nực vốn có của thành phố này. Buổi sáng, trời mát mẻ, tôi thường ra sân, ngồi xuống chiếc xích đu ngắm nhìn cây cối. Mấy chậu lan mua hôm tết, bây giờ vẫn tiếp tục nở những chùm hoa tím, vàng, trắng…Xóm nhỏ yên tĩnh. Trên cành cây xoài, cây mận… vang vang tiếng một vài con chim hót ríu rít. Tiếng gió thổi ngang qua chiếc chuông gió của ngôi nhà đối diện phát lên tiếng kêu lanh canh hòa cùng tiếng hát ngọt ngào của một ca sĩ nào đó qua bài Ngày trở về của Phạm Duy. Sao lạ ghê! Cứ mỗi lần nghe bài hát này tôi lại nhớ đến những cuộc thi văn nghệ của trường Sư phạm Qui Nhơn.  
Thật sự mà nói, tôi biết đến các cuộc hội diễn văn nghệ của trường sư phạm khi tôi còn là một học sinh trung học. Dạo đó, chị tôi thường dẫn tôi đi xem một vài lần thi văn nghệ tại trường hoặc cũng đã đến xem chị biểu diễn tại Quân y Viện…Vì thế, tôi rất thích không khí âm nhạc rộn ràng của các anh chị giáo sinh với biết bao bài hát, câu hò… êm đềm, vui tươi. 
Vào những năm 60-70 khi truyền thông chưa được phát triển, tôi chỉ biết thơ, nhạc qua những lần đi xem một vài cuộc hội diễn văn nghệ ngoài trời của ban nhạc Qui Nhơn như Bảo Tố, Xuân Điềm, Xuân Lạ, Kim Liên…hoặc qua máy đĩa, qua radio. Sau này qua các cuốn băng casette hay có khi lại nghe các điệu nhạc trong một vài bộ phim ở rạp ciné. Xem Văn nghệ là niềm khát khao của tất cả những ai yêu thích âm nhạc. 
Đến lúc học trường Sư phạm Qui Nhơn, tôi càng thấy thích các cuộc thi văn nghệ của trường.  Phong trào văn nghệ thật là sôi động, mạnh mẽ, cuốn hút tất cả mọi người cùng tham gia. Hai năm học với hai lần tham gia nhưng đã để lại trong lòng tôi biết bao nhiêu kỷ niệm khó phai mờ.
Vào năm nhất niên lúc mới bước chân vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Sau những ngày mưa qua đi, mùa đông bắt đầu đến. Bầu trời mây nhiều, nắng nhẹ. Không khí se mát, thỉnh thoảng chỉ còn lại một vài cơn mưa rây bụi…quang cảnh ngôi trường lúc đó thật là thơ mộng. Cũng vào thời gian này, cuộc thì văn nghệ của trường bắt đầu. 
Không khí văn nghệ lan tỏa rộn ràng khắp nơi. Từ lớp học ra đến công viên. Từ sân trường tỏa về hai khu nội trú. Từ hành lang lớp học dẫn đến phòng ăn ra tận ngoài cổng, ra tới trên những chuyến xe Lam…đi đến đâu cũng đều nghe bàn tán xôn xao về tiết mục của các lớp. Hình như phong trào văn nghệ chiếm lĩnh hầu hết mọi sinh hoạt của trường, len lõi vào trong suy nghĩ của tất cả giáo sinh.         
Các lớp trưởng lo phổ biến thông báo về điều lệ cuộc thi văn nghệ của trường đến lớp của mình. Trưởng ban văn nghệ của các lớp thì bận rộn chuyện dàn dựng các tiết mục dự thi cho lớp …Lúc bấy giờ, các tiết mục văn nghệ dự thi đều là “tự biên tự diễn”, xuất phát từ thực lực của lớp, tự sáng tạo, tự dàn dựng, tự suy nghĩ… chứ không nhờ cậy vào ai khác.
Một buổi sáng trên chuyến xe Lam đến trường, Lệ Thủy nhất 7 tâm sự với tôi:
-Không biết lớp mình thi văn nghệ ra sao? Sắp thi rồi mà chưa nghe động tĩnh gì cả? Chán thật!
Tôi cười:
-Không sao đâu! Lớp của mình cũng đã tập được tiết mục nào đâu?
Hầu như tâm trạng chung của chúng tôi lúc bấy giờ là lo lắng cho lớp mình về cuộc thi, rồi đi nghe ngóng xem tình hình của các lớp khác tập dợt như thế nào?.
Ban Hợp ca Nhất 5 Khóa 11

Trên hành lang giờ ra chơi, Kim Loan nhất 5 kể với tôi về việc tập văn nghệ của lớp bạn ấy:
-Mấy hôm nay, Nguyên(lớp trưởng) và Nhàn(trưởng ban văn nghệ) lo tất bật việc tập dợt văn nghệ của lớp mình.
-Lớp Loan dự thi mấy tiết mục?
-Hình như hai, ba tiết mục gì đó, thì phải?
Rồi đến Thanh Cảm cũng kể cho tôi về các tiết mục như hoạt cảnh, vũ khúc…Ngọc Hiền nhất 2 cũng cho tôi biết lớp bạn ấy đang tập hai tiết mục hợp xướng và nhạc cảnh…Tôi thấy lớp nào cũng rầm rộ chuẩn bị cho cuộc thi văn nghệ toàn trường…
Trước ngày thi, lớp trưởng các lớp đi bốc thăm để biết ngày, giờ, thứ tự các tiết mục dự thi của lớp mình. Thế rồi ngày thi đã đến!
Cuộc thi Văn nghệ hai khóa 10 và 11, do vì có quá nhiều tiết mục nên trường phải tổ chức diễn hai đêm liền.
Tôi nhớ mãi ngày hôm đó như là một ngày hội lớn của toàn trường. Tất cả các bạn đều lo lắng, chuẩn bị cho lớp của mình. Suốt cả ngày, mỗi lớp lo việc tập dợt lại, lo trang phục, phông cảnh…
Khi màn đêm vừa buông xuống, mọi người đều tập trung tại Hội trường. Tiếng đàn, tiếng trống của ban nhạc được đánh lên càng làm không khí thêm sôi động. Từ loa phát vang bài Nắng Chiều, Ngậm ngùi…càng làm cho mọi người rộn ràng hòa vào cùng âm nhạc. 
*Cuộc thi Văn nghệ đêm 16/12/1972 – Hai khóa 10 và 11.
Mở đầu buổi hội thi, thầy Hiệu Trưởng tuyên bố khai mạc cuộc thi. Sau đó vài lời của Ban tổ chức…giới thiệu chương trình…
Chưa đến tiết mục của lớp nên tôi cùng các bạn chen vào hội trường xem…
Mở màn là Hợp xướng: Trường ca Tổ Quốc Ơi Ta Đã Nghe của La Hữu Vang do lớp nhất 2 trình bày. Tấm màn nhung được kéo ra, các bạn đứng bên nhau, nữ trong tà áo dài trắng, nam áo chemise thắt caravate…cất giọng hát vang. Bài hát lúc trầm, lúc bổng, khi hùng hồn… “Ôi tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi. Trong tiếng hờn trong máu lửa ngập trời. từng giây nghe quê hương xót xa đầy trong cơn thê lương…” Bài hợp xướng chấm dứt trong tiếng hoan hô vang dội của mọi người.
Các bạn nhất 2 vội vàng vào bên trong chuẩn bị cho tiết mục tiếp theo trong tiếng hát ấm áp của anh Nguyễn Tăng Tri với bài Trở về mái nhà xưa nhạc ngoại, lời Việt của Phạm Duy.
Lớp nhất 2 trở lại với nhạc cảnh Ca dao mẹ của Trịnh Công Sơn. Tiết mục gây xúc động với giọng hát truyền cảm của bạn Phương Dung và cảnh người mẹ đưa con: “…mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn…” Một bạn nào đó thốt lên:
-Giọng hát hay quá!
-Bạn nào hóa trang người mẹ mà giống quá vậy?
Phương Dung là bạn học thời trung học với tôi. Tôi rất thích giọng hát của bạn ấy!  Bạn ấy mà hát nhạc Trịnh thì rất là tuyệt vời! Nhạc cảnh phù hợp với thời cuộc chiến tranh của đất nước lúc bấy giờ.
Sau đó là các tiết mục của các anh chị khóa 10. Mãi cho đến tiết mục thứ 7 với bài đồng ca Hát cho dân tôi nghe của Tôn Thất Lập lớp nhất 5 trình bày. Đây chỉ là tiết mục giúp vui nhưng các bạn hát rất sôi nổi, rập ràng, vang to: “Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào. Hát cho đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù. Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên…” Tôi đang say sưa với giai điệu… Th. gọi: -Sắp đến tiết mục lớp nhất 6 của mình rồi!
Tôi vội bước ra hành lang một bên hậu trường, các bạn lớp tôi đã đông đủ và sẵn sàng.
Từ loa phóng thanh, tiếng giới thiệu Vũ khúc Tiếng xưa của lớp nhất niên 6. Tôi cầm micro và hát: “Hoàng hôn lá reo bên thềm, hoàng hôn tơi bời lá thu, sương mờ. Ngậm ngùi xuân xanh…” Tôi liếc nhìn ra sân khấu, các bạn đang múa nhịp nhàng. Các bạn nam áo dài khăn đóng, các bạn nữ áo gấm khăn vành tay ôm, tay gảy đàn tỳ bà…đưa mọi người trở về với những ngày xưa ở miền đất Thần Kinh của cố đô Huế. Dưới ánh đèn sân khấu, khuôn mặt bạn nào cũng rạng ngời. Bài múa chấm dứt, tiếng vỗ tay vang dội. 
Tôi nép bên cánh gà để xem lớp nhất 4 trong hài kịch Nhổ răng tại đây. Tiết mục giúp vui nên các bạn diễn thoải mái, làm cho nhiều người cất tiếng cười vui rộn rã.
Tiết mục thứ 12 là màn hợp xướng của lớp 6, đó là bài Chờ nhìn quê hương sáng chói, nhạc và lời của Trịnh Công Sơn. Bạn Ngọc Tượng solo đoạn đầu, còn chúng tôi hát đuổi theo bè… Không biết thế nào? nhưng khi màn khép lại tiếng vỗ tay vang lên. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thế là xong phần dự thi của lớp mình.
Tôi đứng lại xem Nhạc cảnh Tình Nghèo của Phạm Duy, lớp nhất 4 trình diễn. Tôi thấy bạn Đức Lượng trưởng ban văn nghệ lớp 4 đang nhắc nhở các bạn trước khi mở màn. Tiếng nhạc vang lên, các bạn diễn nhạc cảnh rất mộc mạc đầy tình quê hương. Một điều rất hay là các bạn vừa diễn vừa hát: “ Nhớ nhớ thuở nào, Anh(lơ) cầy thuê. Em(lơ) dắt trâu. Đôi ta cùng(lơ) gặp nhau dưới cầu. Bóng mát(ý) cầu…” Kết thúc là cảnh hai bạn Bích Liên và Trần Văn Lương hạnh phúc dưới mái nhà tranh bên ruộng đồng cùng con trâu, cái cày…
Vũ khúc Một Mẹ trăm con _ Nhất niên 5


DÃ TRÀNG TÌM BẢO NGỌC

                         

                       Trăng thanh, sóng lặng, biển lắng sâu.
                        Dã tràng xe cát đã từ lâu.
                        Mải miết kiếm tìm không ngơi nghỉ.
                        Bảo ngọc thân yêu giờ nơi đâu?!
                        Quả đất tròn xoay sao chẳng gặp.
                        Duyên nặng tình sâu nhớ bạc đầu.
                        Bãi cát mênh mông buồn bất tận.
                        Trăm năm chôn kín một niềm đau.
                                                                             Tuyết Nhung _ Khóa 5

THÀNH PHỐ BIỂN , NHA TRANG


Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

KHÉP LẠI RỪNG XƯA

                                                                                          Đỗ Hướng ( Đỗ Hoài Hương )
                                                                                         Tưởng nhớ Nhạc sĩ T.C.S
                                                                                          Khóa 1 SPQN
                 Được tin anh đi!
Không hẹn . . . Chúng tôi về quán gió
hát tình ca - Ngậm ngùi tưởng nhớ
Thả tim anh hòa nhịp với tim người

Anh
hạt bụi tuyệt vời 
rong chơi hóa kiếp-dệt khúc sử tình . . .
Ngộ giữa rừng kinh
anh chạm ca từ mang thông điệp đến từng nhà gõ cửa
Mệt nhoài trên tay đóm lửa
ru mãi-ru hoài : thân phận-tình yêu
Bên anh, nữ hoàng chân đất du ca
nâng sóng nhạc thả thơ anh xuống hạ
Nghe! Lòng đá hóa ngây 
vực hồn say! Thức tỉnh
Vắt kiệt mình . . . Nối những vòng tay

Hun hút đường đêm
chờ em sâu mắt !
Từng người tình - si mê - đánh mất !
Vô vọng ! Nhạt nhòa khuôn mặt . . .
Về đâu ?
Giọt nước phân đôi . . . man man dòng sông nhỏ
Biển cả tìm người . . .
đặc quánh . . .Bóng chiều trôi !
Giờ thôi !
Rừng Xưa nay mở
đẩy cổng anh về !
khép cửa anh đi . . .
Cánh Vạc ướt đầm trong mưa
gầy guộc bốn mùa
Anh - hóa thân vào cánh Hạc
Sững sờ . . .
Bay !
quên khép lại rừng xưa .
                         Trang Nhà cảm ơn Anh Đắc Tài Trần _ Sư Phạm Quy Nhơn Cam Ranh                                                                                                                           Bay đã chia sẻ .                             

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

SƯ PHẠM QUY NHƠN Hành Khúc

                                                                 Nhạc và Lời : Thầy Hoàng Song Nhi

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

BIỂN ĐỘNG

                                                                                                                           Minh Thư
                Sau những ngày mát mẻ của những cơn mưa xuân muộn. Trời bắt đầu tạnh ráo. Mặt trời xuất hiện nhưng không khí vẫn còn se lạnh. Thời khắc giao mùa thật thú vị! Mùa xuân không muốn rời và mùa hè chẳng vội đến!
Tháng tư năm 1975, Thư vừa tròn hai mươi mốt tuổi. Sau khi trở về lại thị xã , Thư tiếp tục dạy học.
Một buổi sáng, Thư vừa ra khỏi nhà để đến trường.
-Thư ơi!
Bên kia đường, Hiền trong tà áo dài hồng, khoác ngoài là chiếc áo len trắng mỏng cánh tay. Tươi cười vừa gọi, vừa băng qua đường.
-Chiều nay Thư rảnh không?
-Rảnh, mà có chi không Hiền?
-Qua nhà mình chơi, mình có nhiều chuyện muốn kể, vui lắm!
Thư và Hiền là bạn thời Trung Học, sau đó lại học cùng khóa Sư phạm. Ra trường Hiền đổi lên miền núi còn Thư ra Hoài Nhơn. Bây giờ Hiền dạy trường Hải Cảng, Thư dạy trường Lê Lợi. Tuy là bạn biết nhau từ nhỏ nhưng thỉnh thoảng mới gặp nhau và mỗi khi gặp thì cười cười chào nhau chứ ít khi nói chuyện với nhau nhiều. Hè vừa rồi, trong khóa học chính trị, hai bạn mới có dịp nói chuyện vào những giờ giải lao. Rồi từ đó hai bạn trở nên thân thiết. Nhà Thư ở chỉ cách nhà Hiền một đoạn đường ngắn nên thỉnh thoảng có lúc chạy qua chạy lại nói chuyện vu vơ...
-Dạo này trường mình vui lắm, ban ngày dạy học trò, tối đến trường tập dợt văn nghệ...
Hiền hồ hởi kể cho Thư nghe những sinh hoạt của giáo viên trong  trường mình,
-Trường Hiền vui là phải vì đội ngũ giáo viên toàn là trẻ trung…mà đa số các thầy cô giáo đều là học Sư Phạm Qui Nhơn ra nên rất hợp nhau.
-Ừ, khóa 11 của mình có đến 5-6 người. Ngoài ra, còn nhiều các anh chị khóa 10, khóa 9, khóa 8…nữa.
Đôi bạn đi bộ bên nhau huyên thuyên chuyện trò…Đến đường Lê Thánh Tôn. Hiền dừng lại:
-Thôi tạm biệt nghe! Nhớ trưa hay chiều nay qua nhà mình chơi.
Nói xong, Hiền quay đi về hướng trường mình. Thư nhìn theo dáng Hiền gầy gầy, xinh xắn trong chiếc áo dài bay bay trong gió…xa dần cuối đường.

Buổi chiều, Thư và Hiền vừa nhâm nhi dĩa củ mì nóng hổi vừa chuyện trò. Từ chuyện dạy dỗ ở trường cho đến chuyện nhà nước như chuyện đổi tiền, chuyện siêu ngạch…rồi đến chuyện phân phối hàng hóa, chuyện thực phẩm… nhiều chuyện để nói ở cái cuộc sống mới đổi thay này.
Bỗng Hiền quay qua hỏi :
Thư ơi! Bạn có biết Toàn học sư phạm khóa tụi mình không?
-Biết, mà có chuyện gì không, Hiền?
-Ồ, không có gì. Hôm trước mình gặp Toàn hai đứa nói chuyện, nghe Toàn bảo rất thân với Thư.
-Ừ, tụi mình biết nhau từ lúc còn học trong trường sư phạm.
Thư và Hiền lại tiếp tục nói chuyện, một lát sau Hiền lại nói:
-Mình thấy ở Toàn có cái gì đó hay hay, phải không Thư?
-Ừm…
Câu chuyện như chùng xuống, mỗi đứa đeo đuổi theo sự suy nghĩ riêng … rồi Hiền lại nhắc về Toàn:
-Mình thấy Toàn rất là “Man”…
Nghe Hiền nói, Thư bỗng nhớ lại khuôn mặt dáng dấp của Toàn…
-Hiền nhận xét rất đúng! Qua tiếp xúc, mình cũng nhận thấy như thế.
Tự dưng trong đầu Thư lóe lên ý nghĩ :
“ -Sao mình không giới thiệu hai bạn với nhau nhỉ? Rất đẹp đôi! ”. Những suy nghĩ đó, nằm trong đầu Thư bắt đầu từ đó.

Chiều thứ tư, tan trường. Sau khi học sinh về hết, Thư lửng thửng đi bộ về nhà. Ngay cổng trường, bất ngờ gặp Toàn.
-Tuần này, sao ở đảo lại được về sớm vậy?
-Biển động, thay phiên dạy, chuồn về.
Giọng nói của Toàn lúc nào cũng lấc cấc, cụt ngũn…
Đi ngang qua đường Lê Thánh Tôn, một cơn gió từ biển thổi tạt vào, cả hai rùng mình vì gió mạnh. Ôm tập vở vào người, đi sát vào nhau, Toàn bâng quơ :
-Dạo này, biển lúc nào cũng động!
-Ừ, hình như chiều nào biển cũng động, Toàn nhỉ?
Bỗng nhớ đến Hiền cùng những ý định của mình, Thư hỏi:
-Toàn biết Hiền học khóa mình không?
-Biết.
-Toàn thấy Hiền thế nào?
-Thế nào là thế nào? Mới gặp Hiền tuần vừa rồi đây mà… Ừ, cô ấy cũng vui tính.
-Hiền rất xinh nữa chứ?
-Ừ, thì xinh…
-Tính tình rất dễ thương?
-Thì …dễ thương.
Cả hai cùng phá lên cười vì lối đối đáp vui vui. Đã đến nhà, Thư mời:
-Vào nhà chơi, Toàn!
-Thôi, chiều rồi, Toàn về, mai gặp lại!

Chiều hôm sau, Toàn lại đến đón Thư ở cổng trường. Hôm nay, Toàn ăn mặc rất chỉnh chu. Bên trong mặc một chiếc áo chemise trắng, bên ngoài khoác một chiếc áo vest màu  sậm…quần jean, giày bata trắng, ra dáng lịch lãm…Thư cười, thầm nghĩ : “ Phải chi có Hiền lúc này thì hay biết mấy…”.
-Thư cười gì vậy?
-Ồ, không có gì?
Về chiều trời càng se lạnh. Tà áo dài xanh của Thư bay lấn quấn quanh người Toàn. Một vài ánh mắt của đồng nghiệp, của người đi đường nhìn vào cứ nghĩ là rất đẹp…
Thật sự mà nói, người con gái nào cũng cần một sự che chở, bảo bọc của người thân, của người bạn hay của người yêu… Đối với Toàn, mỗi lần đi bên cạnh là Thư cảm nhận được sự thanh thản, bình yên đến lạ kỳ… Thư liếc nhìn Toàn thầm nhủ : - Sao mình không yêu Toàn nhỉ? Nhìn đôi bàn tay với những đường gân…- Đôi bàn tay Toàn tuy không mạnh mẽ nhưng cũng có thể bảo bọc cho một ai đó ? Nhưng mà…chợt nghĩ đến Hiền, Thư vội lắc đầu như xua tan ý nghĩ vừa lóe lên trong đầu.
-Hôm qua nay, Toàn có gặp Hiền không?
-Không.
-Toàn biết không? Trong số những người bạn nữ mình quen biết thì Hiền là người có tính tình dễ thương và tốt nhất.
-Thế hả? Toàn lơ đễnh nói.
-Toàn nên gặp Hiền, nói chuyện với Hiền, sẽ thấy Thư không nói sai đâu.
-Ừ thì để gặp…
Toàn trả lời nhanh như cho xong, rồi chuyển hướng nói qua chuyện khác. Giọng gần gũi:
-Thư dạy học có thấy mệt không?
-Mệt! do chưa quen, vả lại họp hành, công tác nhiều quá! Còn Toàn?
-Mình chắc đuối quá, những cái nguyên tắc, những điều gò bó, những sổ sách, giáo án…mình muốn bỏ cuộc!
Thư an ủi bạn:
-Thôi. Trời đang mưa, tránh sao cho khỏi ướt. Cố gắng vượt qua, rồi có một ngày “sau cơn mưa trời lại sáng”.

Sáng chủ nhật, Hiền ghé nhà Thư. Hai đứa nằm bên nhau tâm sự suốt cả buổi sáng. Càng nói chuyện với Hiền, Thư càng thấy thích và quí cô ấy. Hiền có những ưu tư, những trằn trọc…sống nội tâm, có chiều sâu nên thường đa cảm … Hiền thường quan tâm đến bạn bè hay những người xung quanh.
-Hôm kia, mình mới gặp Toàn.
Hiền nhổm dậy, hỏi:
-Toàn có nhắc gì mình không?
Thấy Hiền hồ hởi, không muốn bạn thất vọng nên Thư liến thoắng:
-Có, Toàn nói Hiền dễ thương.
Hiền cười thật tươi:
-Thật hả? Toàn còn nói gì nữa không?
-Ừ, Toàn nói tuần sau sẽ về, hy vọng gặp được Hiền.
Thư nói như thế là muốn Hiền vui. Trong lòng lúc nào cũng muốn gắn kết hai bạn lại gần với nhau.

Buổi chiều, vừa bước ra cổng trường, Thư ngạc nhiên thấy Hiền:
-Sao hôm nay lại đến trường mình!?
-Hai đứa mình ra biển chơi.
-Khùng à! Không biết chiều nay trời trở lạnh hay sao mà đòi ra biển?
-Không khùng, mà thích ra biển chơi được không?
Chìu bạn, Thư vội ríu rít theo bạn ra biển mà miệng luôn xuýt xoa vì gió lạnh.
Biển chiều, trời động, nước đục ngầu. Từng con sóng cao to cuồn cuộn thi nhau vỗ mạnh vào bờ, bọt tung trắng xóa.
Hai bạn ngồi trên chiếc ghế đá. Bãi biển vắng người. Hiền đăm đăm nhìn ra xa, đưa tay chỉ…
-Phải kia là nơi Toàn dạy không Thư?
-Ừ…
Thật ra, Thư có thấy rõ gì đâu? Biển động, khơi xa mù mịt không thấy đâu là bến là bờ.
-Tội cho các bạn dạy ở đảo quá Thư nhỉ?
-Ừ…
Hiền vẫn hướng mắt về phía ấy như muốn chia sẻ nỗi vất vả của những người giáo viên dạy ở đảo xa như Toàn…
Tuần này, biển động, gió to, sóng lớn…Toàn không về. Hiền buồn bã … chờ đợi tuần kế tiếp.

Một buổi chiều trời gió nhiều hơn mọi buổi chiều khác. Tình cờ Toàn xuất hiện ở cổng trường. Vừa thấy Toàn, Thư hỏi:
-Toàn đã gặp Hiền chưa?
-Chưa, mà gặp để làm gì?
Nghe bạn hơi gằn giọng Thư ngạc nhiên nhìn Toàn. Toàn tránh ánh mắt Thư…
Suốt đoạn đường từ trường về nhà không ai nói với ai điều gì. Đến nhà, Thư dừng lại:
-Mình thấy Hiền rất…
-Nhưng mà … Thôi Thư đừng nhắc đến nữa.
Toàn ngắt ngang, Thư ngạc nhiên :
-Sao thế?
-Không…
Toàn không nói tiếp, buồn buồn ra về. Thư cảm thấy có một điều gì đó sắp xảy đến…

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

CHÚNG TA VẪN LÀ GIÁO VIÊN

                                                                                    Thái Thị Diệu Tâm (K4)

               Nghỉ hè năm 1965, theo lời rủ rê của cô bạn thời trung học, tôi thi vào trường Sư Phạm Quy Nhơn. Kỵ thi cũng không dễ dàng gì vì suốt một dãi miền trung từ Quảng Trị đến Khánh Hòa chỉ nhận có 300 giáo sinh. Tôi không tâm đắc lắm ( vì còn nuôi mộng Đại học) thì lại đậu, còn cô bạn kia rất tha thiết thì lại hỏng. Ba tôi không muốn tôi vào SP nhưng ông nội thì rất vui vì đó là nghề “truyền thống” của gia đình. Có duyên nhà giáo của tôi là vậy.
          Sau khi vào học một thời gian, tôi đã có một niềm say mê thật sự. Tôi yêu nghề, yêu cái nghịch ngợm thơ ngây của học trò trong những buổi dạy ở trường SP thức hành.
          Trường đầu tiên tôi đến dạy là một trường nhỏ thuộc Quảng Nam. Học sinh hiền lành chất phác, vì nghèo nên đã 14, 15 tuổi mới học lớp 5. Tôi yêu thương và hết lòng dạy dỗ các em. Các em cũng quý mến cô. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của nghề thầy. Tôi vui vì tôi đã chọn đúng nghề
          Hai năm sau, tôi lập gia đình và xin chuyển về gần nhà. Tôi còn nhớ  một kỉ niệm khó quên : Một lần tôi được chọn dạy mẫu cho các thầy cô ở các huyện lân cận về dự. Tôi hơi lo lắng vì số người về dự rất đông, nhưng tôi đã chuẩn bị chu đáo nên bình tĩnh lên lớp. Tiết dạy kết thúc trong tiếng vỗ tay vui mừng của bạn bè đồng nghiệp. Tôi còn nhớ lời nhận xét của bà thanh tra tiểu học :
          _ Tâm là học sinh thời tiểu học của tôi, bây giờ được dự giờ dạy của Tâm với tư cách một thanh tra, tôi rất haì lòng. Tiết dạy rất hay, tôi khen mà không sợ cho là thiên vị. Cô thật hãnh diện vì con đó. Tâm ơi.
          Các thầy cô về dự hôm đó cũng khen ngợi, chúc mừng. Hơn 40 năm qua nhưng niềm vui sướng và xúc động ấy vẫn còn đọng lại như một kí ức ngọt ngào mà tôi không bao giờ quên
          Sau 1975, tôi không còn được đi dạy, tôi hụt hẫng vô cùng, nhưng tôi vẫn mưu sinh với nghề “gần gũi “ với nghề đã học :dạy kèm giữ trẻ
          Tôi còn nhớ một lần đi xe đạp thồ.Ngồi phía sau, tôi nghe anh hỏi
          _ Chị là cô giáo ?
          _ Vâng, sao anh biết ? nhưng bây giờ tôi không còn đi dạy nữa.
          _ Còn nhớ nghề không chị ?
          _Nhớ chứ, nhớ như nghệ sĩ nhớ ánh đèn sân khấu. Đó là lòng yêu nghề phải không anh ?
          Lúc xuống xe anh bắt tay tôi :” Tôi cũng là giáo viên,cũng không còn đi dạy nữa, nhìn chị tối biết ngay là giáo viên. Chúng ta vẫn là giáo viên mà chị
          Đúng vậy, cuộc đời biết bao đổi thay dâu bể, nhưng tôi vẫn luôn suy nghĩ và làm theo những gì tôi được học dưới mái trường SP Quy Nhơn vì tôi vẫn là giáo viên …

                                                                                                                                        Đà Nẵng tháng 9/ 2013

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

KÝ ỨC QUY NHƠN

                                                                              Lê Trầm Thanh ( K9 )
       
               

              Heo may vàng lá 

              Và em
              Tóc thu
              phai những sợi mềm nhiêu khê
              Bâng khuâng nhớ nẻo xưa về
              Mái trường Sư Phạm
              Trăng thề Quy Nhơn
              Sóng ôm Ghềnh Ráng dỗi hờn
              Thơ Hàn
              quyện khói thuốc vờn . Đêm say
              Hoàng hôn vừa chạm chân mây
              Giật mình.
              Ngày ấy rời tay xa vời
              Chỉ còn
              Kí ức đầy vơi
                  

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

TIẾNG CHUÔNG ...

                                                                                                  Irene
“...Sinh nhật lần thứ sáu mươi với một điều ước: Có những ngày thật  bình yên… Irene.”
                  Mặt Trời chầm chầm về phía tây, chiều dịu dàng xuống thấp. Một lát sau trăng đã gối đầu lên rặng cây phía xa. Thoáng chốc, trăng  nhô dần lên khỏi những ngôi nhà cao tầng. Màn đêm từ từ xỏa nhẹ xuống hòa quyện cùng với màn sương mỏng trắng đục rồi từ từ sẫm lại.
Bây giờ trăng đã lên. Hôm nay rằm, Mặt Trăng tròn, tỏa ánh sáng vàng nhạt len lỏi qua từng cành cây, kẻ lá…Ánh trăng lướt nhẹ trên những vòm lá, trên những mái nhà, chảy dài xuống con đường đẩy lùi bóng tối và mỗi lúc ánh trăng càng chiếm lĩnh, làm cho ánh điện đường mờ dần, mờ dần. Cơn gió nhẹ từ xa đưa lại thoang thoảng mùi thơm của hương chanh, hương bưởi…ngòn ngọt. Trong không gian tĩnh mịch, yên ắng đó. Bỗng một tiếng chuông chùa từ đâu vọng lại làm cho cảnh đêm về càng thêm yên bình, thanh thoát, nhẹ nhàng…âm vang man mác, vấn vương một nỗi nhớ xa xăm.
Tuổi thơ của tôi đã được sống và lớn lên trong cảnh êm đềm, hiền hòa của thị xã Qui Nhơn. Tâm hồn tôi phơi phới, dạt dào tin yêu vào cuộc sống đầy mến thương này. Vào đầu những năm sáu mươi, Qui Nhơn là một vùng đất rất ít người. Nhà cửa thưa thớt, đơn sơ. Đường sá chưa mở ra nhiều còn ngổn ngang bởi toàn là những con đường đất… Nhà tôi ở, đối diện với Chợ Lớn. Xa hơn một chút xíu là Nhà Thờ Nhọn do người Pháp xây dựng. Phía dưới nữa là Khu Một và tận cùng là bến cảng. Nhìn lên hướng phía trên là chùa Long Khánh, núi Bà Hỏa. Phía sau nhà, nhìn ra xa là hàng dừa bãi cát cùng biển xanh mênh mông. Phía trước nhà hướng bắc, phóng xa tầm mắt là Đầm Thị Nại.
Thị xã yên ắng đến lạ thường! Đêm đêm, ở trong nhà có thể nghe rõ tiếng gió thổi vi vu qua hàng dương. Tiếng sóng biển vỗ ầm ì vào bãi cát. Có thể nghe rõ mồn một tiếng chuông công phu đêm từ chùa Long Khánh vọng lại và vào mỗi chiều thứ bảy hay sáng Chủ Nhật nghe vang vang rộn rã tiếng chuông Nhà Thờ… Một thời chưa có chiến tranh. Một thời thật yên bình!
Và rồi, cứ như thế không biết từ lúc nào? Tiếng chuông…trở nên gần gụi, quen thuộc, thân thương với tôi. Sau này khi lớn lên dù bất cứ ở nơi đâu hay đang làm gì mà nghe tiếng chuông, tôi cũng dừng lại im lặng lắng nghe và trong những giây phút đó, âm thanh tiếng chuông như hòa vào nhịp thở, làm cho tâm hồn tôi trở nên an vui, cuộc sống thêm rạng rỡ, tươi đẹp một cách diệu kỳ!
Từ lâu lắm, tôi đã thích giai điệu và lời bài hát Làng tôi của cố nhạc sĩ Văn Cao:
“ Làng tôi xanh bóng tre. Từng tiếng chuông ban chiều. Tiếng chuông Nhà Thờ rung…”
Thật là thích mỗi khi nghe tiếng chuông Nhà Thờ vang vang vào những ngày Thánh lễ, vào chiều thứ bảy hay sáng chủ nhật… Không làm sao quên được tiếng chuông vào mỗi dịp lễ Giáng Sinh, nghe âm thanh mà trong lòng dâng lên niềm an vui, rộn ràng, ấm áp đầy tình yêu thương.
Những ngày còn bé, tôi thường hay theo ba mẹ, các chị đến chùa vào ngày rằm hay mồng một, để Lễ Phật trong tiếng chuông,  tiếng mõ, câu kinh…an lành.
Khi tôi là oanh vũ, những ngày cắm trại ở lại trong chùa. Đêm cùng các bạn trong đoàn nằm ngủ trước chánh điện… trằn trọc vì lạ chỗ, vì đông người…Bỗng bên tai vang lên những hồi chuông công phu đêm về sáng thật êm đềm. Trong lòng chợt bình yên và giấc ngủ tuổi thơ đến thật tròn giấc.
Rồi lúc lớn lên, tôi cảm nhận một điều rất rõ ràng mỗi khi nghe tiếng chuông là làm cho tâm thức tỉnh chuyển hóa mọi điều phiền muộn, lo toan trong lòng tôi, giúp mọi suy nghĩ lắng xuống và thân tâm tĩnh lặng. Hình như tiếng chuông đánh thức tôi trở về với chính mình, trở về với phút giây hiện tại an bình. Sau này đọc sách, tôi mới hiểu, thì ra “…tiếng Chuông là những âm thanh mang năng lượng trợ giúp con người biểu hiện lòng thành trên con đường giải thoát và giác ngộ, nhắc nhở mọi người trở về với thực tại an vui…”
Tôi thường ngồi trước sân Chùa nghe tiếng chuông từ Đại Hồng Chung đánh 108 tiếng trừ phiền não. Từng tiếng chuông ngân lên trong đêm, từng hồi chuông vang xa trong tĩnh mịch. “Thường thường đánh vào đầu hôm như nhắc nhở cơn vô thường rất nhanh chóng cho mọi người. Đánh vào cuối đêm có nghĩa là thức tĩnh để tu tâm…”
Thật là thanh thoát, bình yên…dường như quên hết mọi ưu phiền trong khi lắng nghe từng hồi chuông trống Bát Nhã vang lên trước mỗi buổi lễ.
Thật lòng mà nói, lúc trẻ tôi chẳng hiểu gì về triết lý thâm sâu của việc tu tập. Chỉ biết ăn ở làm sao cho hiếu đạo với cha mẹ, làm việc phải với mọi người…thế thôi. Nhưng thật lạ kỳ là tôi rất thích đến chùa, không phải để cầu xin hay để tụng niệm mà để được nghe tiếng chuông!
Và cứ thế, tiếng chuông đi vào tâm hồn tôi và rồi không biết tự bao giờ? Âm thanh tiếng chuông mang lại một chỗ nương tựa vững chắc, an toàn nhất cho tôi suốt cả một khoảng thời gian mà tôi đã sống trong cuộc đời này.
Tôi còn nhớ, dạo còn đi học, mỗi lần căng thẳng chuyện học hành hay lo lắng trước mỗi kỳ thi cử. Tôi lại thường đến chùa và lắng nghe tiếng chuông. Tiếng chuông như giúp tôi thêm niềm tin, thêm sức mạnh vào chính mình. Nó trợ giúp rất nhiều để sau đó, trở về nhà tôi chú tâm vào việc học hành được tốt hơn.
Những năm chiến tranh khốc liệt, tôi đi dạy ở một vùng tận đầu hỏa tuyến. Hàng ngày, tiếng súng rền vang, tiếng còi hú của xe cứu thương, tiếng động cơ trực thăng lên xuống tải thương… Cảnh bom đạn nổ, cảnh nhà cửa đổ nát, cảnh chết chóc thê lương…Sự sống và cái chết chỉ là trong gang tấc…Đêm đêm, hỏa châu soi sáng, tiếng đại bác từ xa vọng về… trong tâm trạng luôn luôn bất an! Bỗng từ đâu, tiếng chuông chùa thong thả từng tiếng ngân vang. Tự nhiên trong lòng tôi như có một điểm tựa. Đem đến một niềm tin vào sự yên ổn. Tiếng chuông như kêu gọi sự hòa bình. Tiếng chuông như xóa đi những hận thù. Tiếng chuông là một lời nguyện cầu bình yên đến với tất cả mọi người.
Có những buổi chiều đi ngang qua một ngôi làng nhỏ khi nắng vẫn còn vương nhạt trên sườn đồi. Dừng chân lại trong một không gian bao la, lắng nghe tiếng chuông nhà Thờ từng tiếng ngân vang. Tôi thấy lòng mình nhẹ tênh như bay bổng trong cảnh mênh mang của trời đất.
     

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...