Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

QUI NHƠN NGÀY THÁNG CŨ.

                                                                                                                    Irene.
                         

(Xin cảm ơn anh Lê Huy đã gởi Email cho biết về Hiệu xe đạp Rồng Xanh và hiệu sách Việt Long.)
       PHẦN 1.
                               ĐẤT VÀ NGƯỜI.

       Thành phố Qui Nhơn thuộc tỉnh Bình Định. Đất Bình Định chạy dài từ đèo Bình Đê (Phía Bắc) đến đèo Cù Mông (Phía Nam).  Theo Wikipedia…thì Qui Nhơn nằm ở phía Đông nam của tỉnh Bình Định, Đông giáp Biển Đông, Tây giáp huyện Tuy Phước, Bắc giáp huyện Tuy phước và Phù Cát, Nam giáp thị xã Sông Cầu của tỉnh Phú yên. Qui Nhơn có nhiều thế đất khác nhau, đa dạng về cảnh quan địa lý như núi rừng, gò đồi, đồng ruộng, ruộng muối, bãi, đầm, hồ, sông ngòi, biển, bán đảo và đảo. Bờ biển Qui Nhơn dài 42km…
        Qui Nhơn nổi tiếng với danh xưng miền đất võ nghệ với Quang Trung khí thế hào hùng nhưng có đến Qui Nhơn mới thấy nơi đây không chỉ là gươm đao, không chỉ là “…Con gái Bình Định múa roi đi quyền.” mà là non nước hữu tình với biển xanh sóng vỗ, với Ghềnh Ráng thơ mộng, Tháp Đôi bên nhau nhớ Đồ Bàn, Thị Nại mơ màng với biển cả mênh mông, Qui Hòa ôm ấp nhớ thương thi nhân Hàn Mạc Tử…như những câu thơ mượt mà của Yến Lan:
“…Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt
Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền
Tịch dương liễu không biết mình đương biếc,
Tương tư trời, tương tư nhạc triền miên…
Một vùng đất với những phong cảnh nên thơ, còn  người dân thì mộc mạc, giản dị… Cứ đến đây nghe giọng nói của họ sẽ cảm nhận ra điều này. Đất và người đã tạo cho mọi người một tình yêu quê hương tha thiết và chân thành.
Sau năm 1954, Qui Nhơn rất ít người. Sau đó, mọi người rải rác đến định cư. Lúc đầu một số người là dân địa phương Bình Định, ngoài ra còn có một số người Hoa, người Ấn Độ…Theo thời gian, mọi người đến đông dần. Số người đến Qui Nhơn thường đi từ hướng Bắc vào như một số người ở miền Bắc di cư (Bắc 54), những người từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…Họ đến đây và rồi vì cơ duyên hay vì một lý do nào đó nên ở lại sống và lập nghiệp. Chúng ta gặp những người Hoa đến đây từ rất sớm, phần đông họ mở các hãng như hãng xì dầu, các cửa tiệm bán gạo, tiệm thuốc Bắc, tiệm bánh, quán ăn…chúng ta thấy những người Ấn Độ trong các cửa tiệm bán vải ở phố Gia Long hay góc đường Võ Tánh-Tăng Bạt Hổ…một số người Bắc di cư thì mở ra buôn bán tạp hóa, bán vải… ở phố Gia Long hay chợ Qui Nhơn. Một số người Huế thì mở tiệm vàng, tiệm sách, tiệm chụp hình, tiệm may…Sau này trong việc xây dựng và ổn định thị xã, có nhiều công chức nhà nước được đổi đến Qui Nhơn làm việc trong các Nha, các Ty hay các giáo chức trong các trường học…đa số thường là người gốc Huế. 
“Đất lành chim đậu” nên càng ngày dân số Qui Nhơn càng đông dần. Vào những năm 64-65 trở về sau, chiến tranh bùng lên khắp nơi, người dân từ các vùng nông thôn, các quận huyện đổ dồn về thành thị. Lúc đó Qui Nhơn bắt đầu đông đúc. Chính phủ hay các tôn giáo dựng những trại, những nhà để cho những người định cư ở tạm rồi tìm công ăn việc làm để ổn định cuộc sống. Sau này yên ổn, có người trở về quê nhưng có người lại yêu mến mảnh đất Qui nhơn nên ở lại lập nghiệp luôn. 
      Đối với tuổi thơ tôi, giai đoạn yên ổn và thanh bình nhất của Qui Nhơn là vào những năm từ 1955 đến 1963. Cuộc sống êm đềm, con người Qui Nhơn giản dị và gần gũi. Tất cả đối xử với nhau mang đậm tình người. Cùng thương yêu nhau, chung tay cùng góp sức xây dựng miền đất Qui Nhơn mỗi ngày một hưng thịnh và phồn vinh.

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Họp mặt thường niên 2015

          Khóa 4 Sư Phạm Quy Nhơn , Thành phố Đà Nẵng gặp mặt thường niên 2015
                                                                                                       Thanh Dang
         



Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

TIN BUỒN

           Quý Thầy Cô cựu Giáo sư Trường Sư Phạm Quy Nhơn   
        Ban liên lạc cựu Giáo sinh  Trường Sư Phạm Quy Nhơn 
        Ban biên tập Trang spqn.blogspot.com
        Quý Anh Chị em Cựu giáo sinh đồng môn các tỉnh thành trên toàn quôc và Hải ngoại .
              *   Được tin : Qua Email Thanh Dang
    Chị Phan Thị Kim Cương K4 SPQN đã qua đời tại Nam Cali (Mỹ) vào ngày 19/3 sau một thời gian lâm trọng bệnh

Lễ nhập quan 9 giờ sáng chủ nhật 
13 giờ thứ hai di quan , 14 giờ 30 hạ huyệt
Chồng chị Cương là anh Phạm văn Quang
        Thành kính chia buồn cùng Tang quyến Chị Phan Thị Kim Cương , Anh Phạm văn Quang và cầu mong anh linh của Chị sớm về cõi niết bàn .

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

MƯA Ở BÊN NÀY ...

                                                                                                                Đan Thanh
                           

Mùa khắc khoải sang
Rồi bất chợt gió bấc về không báo trước.
Cây sầu đông trở mình thốn thức
Hoa tím xôn xao thương nhớ vơi đầy.
Từng cánh buồn
Rơi hờ hững qua tay
Như nắng như mây
Rưng rưng đầu ngõ
Vẫn mang mang hương sầu đông quyến rũ
em có về qua ngõ cũ
...bâng khuâng.
vệt cỏ còn in bối rối bước chân
Hoa hoài niệm đượm nồng hương thơ ấu

Mưa bên này cho nắng vàng bên ấy
Một thoáng tình cờ ta bước qua nhau
Và cũng thật tình cờ ...để lại nỗi đau
Cho mưa vu vơ
từng sợi giăng bịn rịn
Ướt đẫm câu thề
Vết tình không lành miệng
Biết nắng bên ấy có về để âu yếm hong khô

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

CHO YÊU THƯƠNG TRỌN VẸN

                                       (Viết tặng những người phụ nữ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2015)                     
                                                                                                                            Thanh Cảm

      
        Mấy ngày Tết cổ truyền đã qua, trời đất như vẫn còn chìm sâu trong giấc ngủ dài của đêm mùa xuân ngọt lịm. Sáng sớm, ánh nắng hồng ấm áp vươn vai ôm lấy bầu trời còn mát lạnh hơi sương và những con đường thơm hương của từng chuyến xe đầy hoa tỏa về mọi ngả!
      Tháng ba, tháng của những ngày xuân chín với sắc hồng phai của Sen, trắng muốt mỏng manh của những chùm Sưa, đỏ rực của Gạo hay đậm đà vàng cam của những cánh Vô Ưu! Tháng ba về với những chồi non biêng biếc xanh, chúm chím bên những nụ hoa  bung nở trên cành sau những e ấp dịu dàng của những ngày đầy lộc biếc. Và, những ngày tháng ba ngọt ngào hơn, đáng yêu hơn khi chị em phụ nữ chúng tôi đã có một ngày đặc biệt để được yêu thương và trân trọng!

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

HOA THÁNG BA.

                                                                         Thanh Cảm

        Tháng ba về!Tháng ba đong đưa vài sợi nắng cuối chiều rơi trên từng con đường nhỏ,nắng khẽ hôn vào những chiếc lá vàng xao xác trên đường,tiếng lá đuổi chạy trong gió lao xao một âm thanh gợi nhớ xa xôi…
        Tháng ba với những mảng trời đầy mây xanh nắng xanh,với những trưa vàng hanh hao đợi gió,với từng góc phố nhỏ chờ mưa về tưới mát ngọt lành và tháng ba gợi ta nhớ về những câu hát ngày xưa trong trẻo…
       “Mùng 8 tháng 3 em ra thăm vườn
        Chọn một bông hoa xinh tươi tặng cô giáo…”

       Thế là cũng đã hơn mười năm,từ ngày tôi vào Sài Gòn sống cùng gia đình thì hầu như mùng 8 tháng 3 năm nào cũng mang lại cho tôi những cảm xúc rưng lòng!Những lời chúc thương yêu, những dòng tin nhắn thân thiết,những bông hoa xinh xắn đến với tôi trong ngày này bằng những tấm chân tình của những người thân yêu nhất.
       Tháng ba về để tôi nhớ đến tháng ba quê tôi đẹp mỏng manh với những cánh hoa điệp vàng nhẹ nhàng đuổi bắt nhau trên con đường ven biển sóng sánh nắng chiều,để tôi nghe thoảng đâu đây mùi hương ngọc lan nở muộn thơm lừng trong công viên sân trường đầy gió,để tôi thấy dáng ai dịu dàng bên gốc trúc đào đỏ rực e ấp,bâng khuâng…Và,tháng ba về để tôi nhớ mẹ tôi giờ tóc đã bạc trắng cả mái đầu!
       Từ ngày ba tôi từ giã mẹ để đi về nơi xa,dáng mẹ đã gầy nhiều hơn trước,tóc mẹ đã bạc lại càng bạc thêm.Tuy không nói ra nhưng tôi biết trong tâm thức mẹ tôi hình bóng ba vẫn còn như thuở nào,ba vẫn bên mẹ sẻ chia đỡ đần,ba vẫn nhìn mẹ ấm áp bao dung. Ngày ba mất,mẹ không khóc nhưng sâu thẳm trong lòng tôi biết mẹ đau đớn vô cùng!Các em tôi hầu hết đều có gia đình riêng và đếu sống gần mẹ nên tôi cũng thấy yên tâm hơn mỗi khi trái gió trở trời,mà mẹ tôi thì đã già yếu lắm rồi.Vậy đấy,tuy không còn khỏe nhưng bà vẫn cứ muốn vào thăm chúng tôi và rất thích tham gia các cuộc hành hương về chùa đầu năm để cầu nguyện bình an cho con cháu.Mỗi năm,vào những ngày đáng nhớ,vợ chồng cậu con trai của tôi đều đến chào thăm và không quên tặng bà những món quà nhỏ,vậy mà mẹ tôi vui lắm,cứ có ai đến là bà lại mang chúng ra khoe với nụ cười rạng rỡ ấm nồng.

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

TÌNH LỠ

                                                                                                                                           Ngô Bình
                           

             Da diết nhớ mối tình đầu dang dở
             Bao nhiêu năm xa cách gọi tìm nhau
             Về đây anh biển nhớ vẫn xanh màu
             Hè vẫn chảy trong tim màu phượng đỏ
                        Đường Nguyễn Huệ kỷ niệm xưa còn đó
                        Bước chân ai về nội trú xôn xao
                        Có phải anh là sao sáng đêm thâu
                        Để em được tựa song mà tình tự
             Ghềnh Ráng dặm dài âm vang tiếng gọi
             Dốc Mộng Cầm còn mơ bóng trăng xưa
             Qui Nhơn buồn ray rứt những chiều mưa
             Ai đưa đón? Ai chờ nhau? Ai lỗi hẹn?
                        Nhớ nhau nhiều như thuyền xa nhớ bến
                        Chuyến tàu Cù lao xao xuyến trời mây
                        Sóng vỗ rì rào biển hát chiều nay
                        Chờ anh đến gặp nhau cầu Nhơn Hội
             Muốn thì thầm cùng anh đêm trăng Đầm Thị Nại
             Đón gió về nhắc lại tuổi đôi mươi
             Trăn trở, nhớ thương , sâu lắng, ngậm ngùi...
             Thời gian trôi âm thầm nghe tình lỡ!
                



                                                               Qui Nhơn, tháng 12/2014

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Tin Buồn

        Quý Thầy Cô cựu Giáo sư Trường Sư Phạm Quy Nhơn   
        Ban liên lạc cựu Giáo sinh  Trường Sư Phạm Quy Nhơn 
        Ban biên tập Trang spqn.blogspot.com
        Quý Anh Chị em Cựu giáo sinh đồng môn các tỉnh thành trên toàn quôc và Hải ngoại .
              *   Được tin : Qua Trang Facebook của Anh Phan Cu
        Nhà thơ Lê Văn Ngăn, Khóa 3 Sư Phạm Quy Nhơn đã mất vào lúc 10g40 ngày 27.2.2015 tại nhà riêng 138 Hai Bà Trưng, Quy Nhơn sau một thời gian lâm trọng bệnh, hưởng thọ 72 tuổi. Lễ an táng tổ chức vào ngày 4.3.2015(14.1 Â L)

        Thành kính chia buồn cùng Tang quyến Anh Lê Văn Ngăn và cầu mong anh linh của Anh  sớm về cõi niết bàn .
        Trang Bình Định thông tin :

Vĩnh biệt nhà thơ của "sóng vẫn đập vào eo biển"
        Nhà thơ Lê Văn Ngăn 
Sinh năm 1943 tại Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế 
Từ trần vào lúc 10 giờ 40 phút ngày 27/02/2015 (nhầm ngày 9/1 năm Ất Mùi) tại TP. Quy Nhơn. 
Hưởng thọ 73 tuổi
       Lễ viếng nhà thơ Lê Văn Ngăn từ lúc 17giờ ngày 27 tháng 02 năm 2015 (9/1 năm Ất Mùi) 
       Lễ Di quan vào lúc 7giờ ngày 4 tháng 3 năm 2015 (14 tháng 1 năm Ất Mùi) 
       Tại Nghĩa trang Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn. 
Cầu chúc Anh về miền cực lạc

          

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

                                                          

                                             Thư chúc Tết                                                                                    Trước thềm năm mới, BBT trang nhà xin gửi đến quý Thầy Cô, quý anh chị bạn hữu đông môn một năm Ất Mùi 2015 nhiều niềm vui và may mắn. Chúc một năm mới hạnh phúc an khang đến với mọi nhà...
    Nhân đây, BBT cũng xin được cảm ơn các bạn cộng tác và bạn đọc xa gần đã gửi bài cũng như đã yêu mến trang nhà trong thời gian qua. Trong năm mới này, BBT mong được đón nhận tình cảm yêu thương hơn nữa và sự đóng góp của quý Thầy Cô và các bạn...
   Chúc một mùa xuân an vui và một năm mới an khang, tràn đầy hạnh phúc...!
                                                                               TM . BBT/SPQN
                                                                          Châu Thị Thanh Cảm
                                                                          Trần Hữu An

                                                                                             Trần Thị Ren

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Mùa xuân còn đó

                                                                                                                                                  Irene                
                     
         Tôi đến thăm chị Diễm vào một ngày cuối năm. Buổi sáng trời miền Trung rét buốt, sương mù giăng thấp phủ khắp phố phường…Gọi cửa, có tiếng trả lời nhưng cũng khoảng năm, mười phút sau, chị mới ra mở cổng. Thấy tôi, chị ngạc nhiên: 
-Ủa! Em về hồi nào?
-Dạ, em mới về!
Chờ chị đóng cổng, tôi theo chị vào bên trong. Chưa kịp ngồi xuống chiếc ghế thì bóng chị đã khuất vào nhà sau, tôi đoán là chị đi lấy nước.
Tôi nhìn căn phòng, giữa nhà là bàn thờ với tấm hình chân dung người đàn ông…ba cây nhang mới thắp, mùi nhang khói làm cho căn phòng ấm cúng hẳn lên.
-Em về ăn Tết hả? Vừa nói chị vừa đặt bình trà lên bàn rồi chậm rãi chờ trà ra…mở tách rót nước…
-Dạ không, em về thăm mộ, ngày mốt em vào lại Sài Gòn.
Lúc này tôi mới nhìn kỹ chị. Mái tóc bạc đã gần hết chị không buồn nhuộm. Đôi mắt quầng thâm, nước da xanh tái, khuôn mặt ốm quắt lại. Bình thường chị đã thấp người nay gầy nên càng nhỏ con. 
Chị vốn dĩ là người ít nói nay lại càng kiệm lời. Cho nên hỏi thăm tôi vài ba câu. Sau đó, chị đắm chìm trong im lặng. Tự nhiên tôi thích không gian yên ắng nên cũng không nói thêm gì, miên man hồi tưởng những ngày đã qua…
Chị Diễm dạy cùng trường với tôi, chị hơn tôi khoảng một con giáp nhưng ít ai đoán được tuổi của chị bởi vì người chị nhỏ nhắn, khi chị mặc áo dài vóc người chị rất gọn. Mỗi khi chị nở nụ cười, khuôn mặt chị tươi vui, rạng rỡ nên trông chị rất trẻ. Dạo đó, do trường thường họp hành nên chúng tôi thường xuyên gặp gỡ nhau. Chúng tôi chơi một nhóm hầu hết là khối trưởng chuyên môn. Thân đến nỗi chẳng phân biệt tuổi tác, đi đâu cũng có nhau. Hàng tuần, lại tổ chức đi chơi hay nấu nướng ăn uống ở nhà một người nào đó…Tính tình chị Diễm dịu dàng. Chị nói năng nhỏ nhẹ, đi đứng chậm rãi, ăn uống từ tốn khoan thai…Nói chung chị là mẫu người con gái “công dung ngôn hạnh” của thập kỷ năm mươi, sáu mươi ngày trước. Mọi người và ngay cả chúng tôi đều thắc mắc là không biết sao chị xinh và khéo như vậy mà đến tuổi tứ tuần chị vẫn thờ “chủ nghĩa độc thân”? Nhiều lần có người trong chúng tôi tò mò tra gạn hỏi, chị chỉ cười cười thôi chứ chẳng trả lời. 
Trong trường có nhiều người mến chị nhất là giáo viên nam nhưng ai cũng đã có gia đình. Vì vậy các thầy lớn tuổi, giới thiệu chị cho những người thân hay người quen biết của họ nhưng rồi tất cả lặng lẽ đến và nhẹ nhàng đi lúc nào không biết? 
Thế rồi một hôm, chúng tôi nghe tin chị sắp lấy chồng!? Năm đó chị khoảng năm mươi lăm tuổi! Tôi biết đích xác như vậy là vì chỉ còn khoảng vài tháng nữa là chị về hưu. Tin chị lấy chồng làm cho cả trường xôn xao hẳn lên! Giờ chơi đi đâu cũng thấy đề cập đến chị. Có nhóm thì ủng hộ, nhất là các giáo viên trẻ và giáo viên nam. Có nhóm không ủng hộ, đó là nhóm các chị có gia đình rồi nhưng cuộc sống gia đình chẳng mấy hạnh phúc hay kinh tế gia đình khó khăn vất vả nên họ chắc lưỡi phán một câu xanh rờn – “ Tội gì mà rước họa vào thân, đã ở vậy đến tuổi đó rồi thì ở luôn cho khỏe…”. Những giáo viên nữ lớn tuổi độc thân thì giữ thái độ im lặng, không bàn ra tính vào…
   

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...