Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Viết cho anh… Niềm Tin Vô Hình của em

                                                                                                                Kim Loan
                                               
Anh,

Hôm nay, ngày Mười tháng Tư là Sinh Nhật của em. Em chắc là anh không quên đâu, vì trong nhật ký viết trong tù anh vẫn nhớ và viết thế này : “Ngày Mười tháng Tư là sinh nhật của em, món quà sinh nhật anh định tặng em đã nằm lại trên xe ở Tuy Hòa rồi. Đó cũng là ngày đầu tiên anh đi nhổ củ mì vác về trại…”. 

Sao anh gan quá vậy, lỡ lộ ra thì anh chỉ có nước là “mọt gông” hoặc “nhừ đòn” rồi, chứ chẳng chơi đâu. Em cũng đã đọc được đâu đó nhật ký viết trong tù của các vị khác. Công nhận các anh liều thật.

Hôm tháng Hai Âm Lịch mới đây, theo lệ thường cứ mồng Một hay ngày Rằm em hay thắp nhang cầu xin Ơn Trên và quý thân nhân đã khuất phù hộ cho gia đình mình luôn an lành, may mắn… Bất chợt em rùng mình vì có cơn gió lạnh từ ngoài cửa sổ lùa vào. Rồi “Cậu Ấm” nhà mình nói : “Tivi báo cuối tuần này có nắng nhưng trời lạnh lắm, mình không thể ra đảo Catalina để mừng Sinh Nhật của má được rồi”. Vậy là gia đình mình lại hụt một chuyến đi chơi xa cho biết.

Em thoáng nghĩ chắc là quý thân nhân báo trước cho mình đây. Nói nhỏ anh nghe, đây cũng là Niềm Tin Vô Hình của em. Cái niềm tin mà anh và hai con vẫn hay chế nhạo em là… “Xẩm”, như mấy bà già Tàu ưa tin những điềm đâu đâu. 

* * *

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Hương Dủ Dẻ Quê Mình

                                                                                                 Châu thị Thanh Cảm
                        
           Những ngày nắng hanh giòn của tháng Ba cũng đã dần qua, trên những con phố dài đã rực vàng lấp lánh từng chùm Osaka hoàng yến, màu hoa thắp nắng cho những ngày tháng Tư phương Nam, tháng Tư của Sài Gòn…

      Tôi vẫn thường tự hào tôi là người Qui Nhơn, là người dân miền Trung bốn mùa mưa nắng. Mà cũng đúng thôi, tôi vốn là một người con Bình Định, vùng đất ấy tuy khô khốc và khắc nghiệt bởi nắng mưa mà tấm lòng người dân nơi đây lại chân chất thật thà. Mẹ kể, mấy năm kháng chiến ba vào bộ đội, năm 54, ba trở về mang theo trên da thịt những vết thương chưa hoàn toàn lành lặn, mỗi lúc trái gió trở trời những vết thương ấy cứ nhức nhối, cứ tê xát, xoáy buốt da thịt của ba tôi…Quê nghèo, ruộng vườn nứt nẻ khô hạn, cái đói rình rập chực chờ…lúc ấy tôi chỉ vừa biết bò lại ốm nhom ốm nhách, ba mẹ tôi dãi dầu đêm mưa ngày nắng trên đồng cạn dưới đồng sâu mà vẫn cứ thiếu ăn. Và một ngày của cái năm 54 ấy, trong đôi bầu cũ nội cho, một bên mẹ để tôi nằm, một bên là vài cái nồi đất, mấy cái chén sờn miệng, vài đôi đũa tre, một ít mắm muối cùng tay nải gạo hẩm chắt chiu nội gửi…Trên đôi vai buồn, ba mẹ tôi thay nhau gánh gồng chỉ bấy nhiêu đưa cả nhà từ Gò Bồi, một miền đất nghèo của huyện Tuy Phước xuôi về Qui Nhơn lập nghiệp. Ba nói, ngày ấy Qui Nhơn vắng vẻ và thưa thớt lắm, hút mắt chỉ là những bãi cát trắng khô chạy dài đầy xương rồng lau dại, đầy gai may cỏ ấu đâm rát cả bàn chân…

         Và thế là từ đó, tôi từng ngày lớn lên ở đây, những bước chân ngập ngừng đầu tiên tôi chập chững cũng ở đây, từng ngày tôi chứng kiến sự đổi thay của Qui Nhơn- Bình Định quê mình. Rồi từ trong tâm thức, Qui Nhơn cứ như là nơi tôi được sinh ra và lớn lên, nơi nuôi dưỡng tôi khôn lớn bằng mặn mòi mùi muối biển, nơi cho tôi biết yêu biết thương bên ngọt thơm từng cơn gió mềm mượt đuổi bắt trên những triền núi xa xa… Trên vùng đất mới, cuộc sống khó khăn, nhưng có lẽ nơi này đất lành chim đậu, các em tôi lần lượt ra đời, ba tôi sau khi ra quân lại mang thương tật nên sức khỏe không được như xưa, ba đã tìm học một cái nghề, cái nghề sửa đồng hồ ấy của ba tuy giản dị nhưng cùng với sự tảo tần sớm khuya của mẹ đã nuôi nấng chị em tôi, đã cho chị em tôi một cuộc sống tuy chưa được đủ đầy sung túc như người ta, nhưng với tôi, đó là tình yêu, là hạnh phúc của cuộc đời mình…!
       

         Tôi nhớ, những năm ấy Qui Nhơn yên bình, tĩnh lặng. Trưa chiều tôi vẫn thường một mình lang thang bên triền núi để sục sạo tìm hái những trái sim tròn căng tim tím, những quả chùm chày đo đỏ nhỏ xinh, những chùm dủ dẻ  ngân ngấn chín vàng, hay chui vào những bụi cây đầy gai nhọn để tìm ngắt cho được vài nhánh chà là với những trái chan chát nâu nâu chưa kịp chín mang về cho các em… Chiều muộn một chút là lúc hương thơm của những bông hoa dủ dẻ ngạt ngào lan man theo làn gió, không chiều nào là tôi không ngắt vài ba cánh về bỏ trong cặp sách hay để ở đầu giường. Mùi hương của bông dủ dẻ thật dịu dàng, cái mùi của nó như hương dầu chuối thơm thơm trong những ly chè ngọt lịm mà bọn con gái chúng tôi thường nhẩn nha vào những ngày nghỉ cuối tuần bên góc phố thân quen. Mà kỳ lạ, chiều muộn đêm về mới là lúc hoa dủ dẻ tỏa hương ngào ngạt, hương thơm của nó cứ nhè nhẹ, cứ mênh mang ngây ngất…Vậy nên, những cánh hoa dủ dẻ màu vàng chanh dày dày cưng cứng ấy tôi cứ khum khum trong lòng bàn tay rồi chun mũi hít từng hơi dài mà ngơ ngẩn mãi, sau đó, tôi lại mang nó để ở đầu giường cho đến lúc từng cánh úa khô, từng cánh ngã sang màu nâu sậm mà hương thơm vẫn còn vương vít vào tận trong từng giấc ngủ êm đềm của những ngày thơ ấu ấy của tôi…

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Phượng tím

                                                                                    Nhạc và Lời Cao Minh Hưng
                                                                                    Tiếng hát Huy Tâm
Hôm nao hè đến bên cổng trường
Nhìn hoa nở tím hồn vấn vương
Nơi đây không có màu phượng thắm
Xin gọi hoa này "phượng tím" thương

Phượng thắm ngày xưa giờ ở đâu
Xa em, man mác nỗi ưu sầu
Nhặt hoa phượng tím tìm bóng cũ
Ngày về gặp lại chắc còn lâu

Bé ơi ! Nhớ em anh muốn gửi
Triệu hoa phượng tím đến phương trời
Nơi em vẫn đợi bao ngày tháng
Bên gốc phượng buồn, hoa nào rơi ?

Hôm nay hè đến bên giáo đường
Nhặt hoa phượng tím tặng bé thương
Hôm nay em đến, người yêu dấu
Xin tặng hoa này, phượng tím thương

Hôm xưa hè đến tôi vẫn thường
Nhặt hoa đỏ thắm lòng nhớ thương
Em ơi, ba tháng hè xa cách
Anh gọi hoa này phượng khó thương

Phượng thắm còn đây giờ anh đâu
Anh đi, em gửi chú ve sầu
Nơi xa nếu nhớ ngày tháng cũ
Ve sầu đệm nhạc bớt buồn lâu

(Phượng thắm ngày xưa giờ lãng sâu
Bên em, từ giã chú ve sầu
Giờ đây nếu nhớ ngày tháng cũ
Anh đàn, em hát "Phượng Tím" ơi... )
                                       
( Nhân đọc bài Đà Lạt Tím của Irene, Phạm Lê Huy thân gởi đến BBT nhạc phẩm Phượng Tím ) .




Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Đà Lạt tím

                                                                                                                      Irene
                             
Ảnh tác giả 

         Đà Lạt mùa xuân. Cuối tháng ba trời nắng mênh mang …ngắm trời đất mà ngẩn ngơ với sắc màu của các loài hoa rực rỡ bên đồi, trên những con đường, góc phố hay hiên nhà.
        Mỗi lần đến Đà Lạt là mỗi lần tôi có những cung bậc cảm xúc khác nhau, một chút lắng đọng hay trầm tư, bồi hồi, nhung nhớ có lúc lại tha thiết, mơ màng …và rồi trong lòng tôi nảy sinh một tình yêu mến Đà Lạt.
        Đà Lạt giữa muôn sắc màu đậm nhạt của xanh trời, xanh lá, xanh non đồi cỏ…của hoa vàng, hoa hồng, hoa đỏ…. Dạo một vòng quanh Hồ Xuân Hương, tôi bâng khuâng bởi một màu tím của bầu trời chiều, bên khoảnh sân hoa leo tim tím buông rủ và sững sờ khi bắt gặp trên đường một góc màu tím của loài hoa phượng. Các mảng cùng tông màu hòa vào nhau tạo nên một Đà Lạt tím, tuyệt đẹp!
        Đã nhiều lần tôi biết đến hoa phượng tím qua các hình ảnh đâu đó của các nước trên thế giới…nhưng để tận mắt ngắm nhìn thì đây là lần đầu tiên. Cũng có thể mỗi lần tôi đến Đà Lạt không đúng vào dịp mùa hoa phượng nở. Bây giờ gặp mùa hoa phượng tím nở thì thích lắm!. Phượng tím trồng  nhiều quanh bờ Hồ Xuân Hương, đường Nguyễn Thị Minh Khai (đường ra chợ Đà Lạt), Thung Lũng Tình Yêu, Thiền Viện Trúc Lâm, đường vào hồ Tuyền Lâm…ngoài ra lác đác một vài cây trên những con đường phố, trường học, công viên, công sở, dinh thự…
        Tháng ba ở Đà Lạt loanh quanh với đồi thông, với con dốc…Không gian Đà lạt như thêm lãng mạn khi có một vùng tím ngập tràn. Vài làn gió nhẹ thoảng qua làm những cánh phượng tím rơi lác đác rải đầy xuống mặt đường thành một tấm thảm tím như níu kéo bước chân du khách.
        Bác tài xế taxi nhanh nhẩu cho biết : Cây phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Năm 1962 được đưa về trồng ở Đà Lạt. Người đầu tiên đem phượng tím về trồng đó là kỹ sư Lương Văn Sáu. Ông ta cũng chính là người sáng lập nên công viên hoa Đà Lạt. Nghe đâu ông còn là hội viên hội Hoa Hồng nước Pháp…
        Tôi ngước nhìn lên cây phượng, màu xanh của lá thấp thoáng bên màu tím của hoa. Lá phượng tím có dạng lá kép cũng giống như lá của cây phượng đỏ. Hoa mọc từng chùm, từng chùm khoe sắc tím. Hoa phượng tím có cánh mỏng hình ống phủ lông tơ đầu loe rộng. 
        Trong màu nắng, trong khô ráo của Đà Lạt thì màu tím của phượng không làm cho cảnh buồn, người buồn mà màu tím tạo cho cảnh vật trở nên dịu dàng, êm đềm, mượt mà…Từng chùm hoa vươn ra khoảng không gian nhuộm tím một góc trời soi bóng tím biếc xuống mặt hồ.
Màu tím rất đặc trưng chỉ dành riêng cho phượng, như Tuyền Linh mô tả trong Phượng Tím Đà Lạt:
                “…Em không là tím hoa cà
                Cũng không tím Huế mà là tím… thương
                …Chút tình lãng mạn không tên
                Cái màu dễ nhớ khó quên mất rồi…”


        Đứng dưới gốc cây, tôi không khỏi ngẩn ngơ trước màu tím của hoa phượng. Màu tím nhẹ nhàng, lắng đọng. Màu tím vừa xa lạ mà vừa thấy gần gũi. Một vùng phượng tím ở trên đầu, rơi rơi xuống vai áo, xuống thềm…màu tím vương theo từng bước chân như lưu luyến như bịn rịn. Trong chiều buông xuống, màu tím sao mà ngọt ngào, thanh thoát khiến cho lòng trong tôi chợt lắng đọng quay về trong ký ức của một thời mộng mơ.
        Người ta thường nói, màu tím u buồn, ảm đạm. Nhưng cũng có người bảo rằng màu tím thể hiện sự lãng mạn, tạo cảm giác nhớ nhung, luyến tiếc…rồi có người cho rằng màu tím biểu tượng cho sự quý phái, sang trọng…hay màu tím tượng trưng cho sự thủy chung…
Tôi cũng có một thời yêu màu tím, cũng như yêu màu tím của hoa bằng lăng. Tôi cũng thích đến trường với những chiếc áo dài màu tím. Tà áo dài tím bay bay trong nắng làm cho ngày nắng dịu dàng hơn. Áo tím trong những ngày rét mướt làm cái lạnh tê tái trở nên nồng ấm …cũng thích ngân nga giai điệu bài hát Ngàn thu áo tím,
“Ngày xưa xa xôi, em rất yêu màu tím
Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến
Chiều xuống áo tím thường thướt tha
Bước trên đường gấm hoa
Ngắm mây chiều lướt xa…” (Ngàn thu áo tím)
 

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Niệm khúc Tình hoài 2

                                                                                                             Hacngan
                                                                                                        Nhị 10 _ Khóa 8
                                                      (Tặng bà cụ thân sinh những đứa con tôi  IĨ4/K8)

                                                                      Em như quả thị vườn  đàò                            
                                                                      Lỡ tay hờ hững rơi vào tim tôi
                                                                      Thân cò bao quản nỗi trôi…  
                           
Chiều hạnh ngộ gió hiu hiu nhạt nắng
Khói lam vàng quyện lẫn ánh tà dương
Mây bâng khuâng lững lờ ôm đồi vắng
Hoa thẹn thùng trầm lặng ngát mùi hương

                          
         Nhắc khẽ tên em :Nguyễn thị Ngọc Hường
         Đôi tay ngọc mắt nai làn thu thuỷ
         Em đẹp quá-Ta mơ là thi sỹ-
         Phát hoạ chân dung phảng phất tình say

                          

Trên lầu cao thoang thoảng gió heo may
Trông xa tít mây bay về cuối phố
Ta chợt nhìn em ngẫn ngơ tình hoài cổ
Ôi bây chừ còn có Giáng Hương xưa
                           
                          
         -Ta- Tú Uyên chết lặng dưới trời mưa
          Ôm tranh vẽ mà tưởng người cổ độ
          Yêu quá đi thôi! Cô sinh viên Sư phạm
          Hồn vật vờ cứ tưởng chuyện trong mơ


Muốn nói yêu em vẫn phải đợi chờ
Vì vội quá sẽ làm em hờn dỗi
Trong cô đơn tim ta như lửa bỏng
Mơ đào viên ngọc nữ chốn thiên thai


          Ta  hôn lên suối ngọc xoã bờ vai
          Yêu đắm đuối cô sinh viên sư phạm
          Em Bắc kỳ ,ta trai làng xứ Quảng
          Hai con thuyền cập bến hẹn Quy nhơn

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

QUI NHƠN NGÀY THÁNG CŨ.

                                                                                                                    Irene.
                         

(Xin cảm ơn anh Lê Huy đã gởi Email cho biết về Hiệu xe đạp Rồng Xanh và hiệu sách Việt Long.)
       PHẦN 1.
                               ĐẤT VÀ NGƯỜI.

       Thành phố Qui Nhơn thuộc tỉnh Bình Định. Đất Bình Định chạy dài từ đèo Bình Đê (Phía Bắc) đến đèo Cù Mông (Phía Nam).  Theo Wikipedia…thì Qui Nhơn nằm ở phía Đông nam của tỉnh Bình Định, Đông giáp Biển Đông, Tây giáp huyện Tuy Phước, Bắc giáp huyện Tuy phước và Phù Cát, Nam giáp thị xã Sông Cầu của tỉnh Phú yên. Qui Nhơn có nhiều thế đất khác nhau, đa dạng về cảnh quan địa lý như núi rừng, gò đồi, đồng ruộng, ruộng muối, bãi, đầm, hồ, sông ngòi, biển, bán đảo và đảo. Bờ biển Qui Nhơn dài 42km…
        Qui Nhơn nổi tiếng với danh xưng miền đất võ nghệ với Quang Trung khí thế hào hùng nhưng có đến Qui Nhơn mới thấy nơi đây không chỉ là gươm đao, không chỉ là “…Con gái Bình Định múa roi đi quyền.” mà là non nước hữu tình với biển xanh sóng vỗ, với Ghềnh Ráng thơ mộng, Tháp Đôi bên nhau nhớ Đồ Bàn, Thị Nại mơ màng với biển cả mênh mông, Qui Hòa ôm ấp nhớ thương thi nhân Hàn Mạc Tử…như những câu thơ mượt mà của Yến Lan:
“…Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt
Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền
Tịch dương liễu không biết mình đương biếc,
Tương tư trời, tương tư nhạc triền miên…
Một vùng đất với những phong cảnh nên thơ, còn  người dân thì mộc mạc, giản dị… Cứ đến đây nghe giọng nói của họ sẽ cảm nhận ra điều này. Đất và người đã tạo cho mọi người một tình yêu quê hương tha thiết và chân thành.
Sau năm 1954, Qui Nhơn rất ít người. Sau đó, mọi người rải rác đến định cư. Lúc đầu một số người là dân địa phương Bình Định, ngoài ra còn có một số người Hoa, người Ấn Độ…Theo thời gian, mọi người đến đông dần. Số người đến Qui Nhơn thường đi từ hướng Bắc vào như một số người ở miền Bắc di cư (Bắc 54), những người từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…Họ đến đây và rồi vì cơ duyên hay vì một lý do nào đó nên ở lại sống và lập nghiệp. Chúng ta gặp những người Hoa đến đây từ rất sớm, phần đông họ mở các hãng như hãng xì dầu, các cửa tiệm bán gạo, tiệm thuốc Bắc, tiệm bánh, quán ăn…chúng ta thấy những người Ấn Độ trong các cửa tiệm bán vải ở phố Gia Long hay góc đường Võ Tánh-Tăng Bạt Hổ…một số người Bắc di cư thì mở ra buôn bán tạp hóa, bán vải… ở phố Gia Long hay chợ Qui Nhơn. Một số người Huế thì mở tiệm vàng, tiệm sách, tiệm chụp hình, tiệm may…Sau này trong việc xây dựng và ổn định thị xã, có nhiều công chức nhà nước được đổi đến Qui Nhơn làm việc trong các Nha, các Ty hay các giáo chức trong các trường học…đa số thường là người gốc Huế. 
“Đất lành chim đậu” nên càng ngày dân số Qui Nhơn càng đông dần. Vào những năm 64-65 trở về sau, chiến tranh bùng lên khắp nơi, người dân từ các vùng nông thôn, các quận huyện đổ dồn về thành thị. Lúc đó Qui Nhơn bắt đầu đông đúc. Chính phủ hay các tôn giáo dựng những trại, những nhà để cho những người định cư ở tạm rồi tìm công ăn việc làm để ổn định cuộc sống. Sau này yên ổn, có người trở về quê nhưng có người lại yêu mến mảnh đất Qui nhơn nên ở lại lập nghiệp luôn. 
      Đối với tuổi thơ tôi, giai đoạn yên ổn và thanh bình nhất của Qui Nhơn là vào những năm từ 1955 đến 1963. Cuộc sống êm đềm, con người Qui Nhơn giản dị và gần gũi. Tất cả đối xử với nhau mang đậm tình người. Cùng thương yêu nhau, chung tay cùng góp sức xây dựng miền đất Qui Nhơn mỗi ngày một hưng thịnh và phồn vinh.

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Họp mặt thường niên 2015

          Khóa 4 Sư Phạm Quy Nhơn , Thành phố Đà Nẵng gặp mặt thường niên 2015
                                                                                                       Thanh Dang
         



Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

TIN BUỒN

           Quý Thầy Cô cựu Giáo sư Trường Sư Phạm Quy Nhơn   
        Ban liên lạc cựu Giáo sinh  Trường Sư Phạm Quy Nhơn 
        Ban biên tập Trang spqn.blogspot.com
        Quý Anh Chị em Cựu giáo sinh đồng môn các tỉnh thành trên toàn quôc và Hải ngoại .
              *   Được tin : Qua Email Thanh Dang
    Chị Phan Thị Kim Cương K4 SPQN đã qua đời tại Nam Cali (Mỹ) vào ngày 19/3 sau một thời gian lâm trọng bệnh

Lễ nhập quan 9 giờ sáng chủ nhật 
13 giờ thứ hai di quan , 14 giờ 30 hạ huyệt
Chồng chị Cương là anh Phạm văn Quang
        Thành kính chia buồn cùng Tang quyến Chị Phan Thị Kim Cương , Anh Phạm văn Quang và cầu mong anh linh của Chị sớm về cõi niết bàn .

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

MƯA Ở BÊN NÀY ...

                                                                                                                Đan Thanh
                           

Mùa khắc khoải sang
Rồi bất chợt gió bấc về không báo trước.
Cây sầu đông trở mình thốn thức
Hoa tím xôn xao thương nhớ vơi đầy.
Từng cánh buồn
Rơi hờ hững qua tay
Như nắng như mây
Rưng rưng đầu ngõ
Vẫn mang mang hương sầu đông quyến rũ
em có về qua ngõ cũ
...bâng khuâng.
vệt cỏ còn in bối rối bước chân
Hoa hoài niệm đượm nồng hương thơ ấu

Mưa bên này cho nắng vàng bên ấy
Một thoáng tình cờ ta bước qua nhau
Và cũng thật tình cờ ...để lại nỗi đau
Cho mưa vu vơ
từng sợi giăng bịn rịn
Ướt đẫm câu thề
Vết tình không lành miệng
Biết nắng bên ấy có về để âu yếm hong khô

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...