Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

LỖI CỦA AI

                                                                                                                                Đan Thanh




                                     





Một ông tây hẳn hoi. Mắt xanh , mũi cao, tóc vàng hoe, lẽ ra phải có cái tên : Hen ri , Rô be, Đờ Gôn gì đó . Nhưng không, ông này có  tên : Cậu ba , già trẻ lớn nhỏ , bé choi cùng gọi là Cậu ba . Thế thôi.
Ông cùng vợ, mợ ba giạt đến vùng này sau 75, Chẳng ai hỏi họ từ đâu đến , ai cũng nghèo hơi đâu mà hỏi . Một cái chòi lá lè tè ,dựng cạnh miếu thổ thần , dựa vào gốc cây bồ đề là nhà của họ. Gốc bồ đề xưa nay là nơi tụ hội của ông táo , bình vôi,nồi hương , chai lọ và vô số những vật dụng đã qua thời già nua điếc lát từ lâu . Mùa mưa thì quá khổ , còn mùa hè đủ tiêu chuẩn ánh sáng và thoáng mát . Nhiều đêm mưa họ vào miếu thổ thần , một khoảng nhỏ đủ cho hai người ngồi tựa vào bức tường , không xoay trở được nhưng không bị ướt , Miếu thổ thần linh thiêng , trong xóm trẻ con người lớn hễ chặp tối là không dám bén  mãng , theo lời họ thì nơi này không thiếu loại ma nào . Từ ngày có người ở , miếu bớt đi vẻ trầm mặc u uất
Kiếp trước người xóm núi ăn ở ra sao mà kiếp này chịu tội , hai vợ chồng nhà Tây này giạt tới và chịu  tội cùng họ
Sau 75 , người , đất đai, trâu bò , hoa lá... cùng vào hợp tác xã . Họ đi làm theo kẻng và nhận công điểm . Tiếng kẻng mở đầu và kết thúc mọi thứ .  Hồi trước họ cũng nghèo nhưng không đói rách thảm hại như tá điền của Bá Kiến, Cửu Hội của ông Ngô Tất Tố . Nay thì những nhà đông con đói  vàng mặt , tình cũng cạn như gạo trong hủ. Cha mẹ già ăn xong lưng chén , cố đưa cái chén sạch trơn về phía con dâu, khi nào mỏi tay thì bỏ đũa đứng lên, anh con trai cúi gằm nhai nuốt trệu trạo không nói một lời
Mùa hạ , trời không mây, không có gió chỉ có một khối cầu lửa treo lơ lửng trên đầu , nắng trút xuống chói chang , oi bức . Trên nhưng thửa ruộng khô quánh , họ đứng thành hàng ngang không ngừng bập những lưỡi  cuốc mạnh mẽ vào đất . Mồ hôi đổ ra thành dòng , mồ hôi đổ ra từ thịt từ da có khi từ xương , nhễ nhại ướt đẫm .
Ông Kiểm tuy già mà cuốc nhanh nhất ,đã tới đầu bờ, ông ngồi bệt xuống, mắt hoa,  tai ù ông nhớ mang mang lời của chủ nhiệm hợp tác xã , lặp đi lặp lại trong hội trường thôn, cái ưu điểm của xã hội : làm việc tuỳ sức ăn tiêu tủy cần . Ông chửi mẹ cái ưu điểm đó rồi vấn thuốc
- Phong kiến , đế quốc đã cút đã nhào rồi hả cháu
   - Bác nói gì ?
- Thì tao nói bọn bóc lột, đàn áp đã tiêu rồi
Chưa biết nói sao thì bác hỏi tiếp :
- Sao mày bỏ học , nghe nói mày thi đậu rồi , sao bỏ học con ?
_ Lý lịch có vấn đề bác ạ
- Vấn đề, vấn đề gì
Giọt mồ hôi chảy vào mắt cay xè, cô gái nhắm mắt lại , ánh sáng biến mất nhưng có vô số đốm nhỏ lập loè bay loạn xạ trước mặt
Một con chim dang rộng đôi cánh chao nghiêng, chừng như không tìm thấy gì nó bực tức , giận dữ lao vút lên như muốn đâm thẳng vào khối lửa trên cao kia
Cùng với mọi người cậu mợ Ba ngồi chen nhau trong bóng mát lưa thưa của bụi tre đầu bờ . Lá queo lại rủ xuống , kiệt sức dưới cái nắng như nung . Cả hai đều kiệm lời . Cậu Ba ngu ngơ ,ai nói gì cũng cười , nhưng rất tốt bụng cậu sẵn sàng giúp mọi người . Có lần cậu bớt lúa công điềm của mình cho dâu nhà bác Kiểm mới sinh con . Không hiểu sao chủ nhiệm biết được , họ gọi cậu Ba lên viết kiểm điểm , câu không biết viết thế là họ phạt bằng cách trừ công điểm .
Chỉ có bác Kiểm đến hỏi ông chủ nhiệm lý do bị phạt , chủ nhiệm trả lời :
- Việc này của lãnh đạo , không phải là việc của bác
Ông quay đi và chữi thầm .
- Bác chữi ai ?
- Tao chữi mẹ cái thằng Tây Cậu Ba , đói mà còn bày đặt cho lúa người khác .
Cậu Ba có những cử chỉ , việc làm giúp đỡ mợ Ba nơi đông người , mợ Ba đã quen nhưng với bà con xóm núi thì thật lạ lẫm , cái gene văn minh trở thành trò cười . Họ cười , cậu Ba cũng cười
- Sao không về Tây ?
- Tây gì , tây đui thì có
- Ừ thì tây đui, tui đây cũng đủ rồi
Không máu mũ ruột rà nhưng ai cũng thương hai vợ chồng nhà Tây này .
Cuộc sống cơ cực tưởng sẽ trôi đi ...

Một hôm, chừng đã khuya, có một nhóm người đến lều Cậu Ba , họ la mắng nạt nộ rồi lôi cậu Ba đi , mợ Ba chạy theo van xin, họ gạt ra đuổi về nhưng mợ cứ chạy theo.
Mợ Ba ngồi bệt xuống thềm , nghe tiếng được tiếng mất : gián điệp, cài cắm , khảo cho ra ...
Mợ ngồi suốt đêm ở ngoài cổng và cả ngày hôm sau không ăn, không uống , khóc lã người ,
Lúc gần chiều  mợ hé mắt nhìn một bóng người xiêu vẹo bước ra, áo quần rách bươm, mặt mày sưng húp ...lúc đầu mợ Ba ngờ ngợ nhưng kịp nhận ra mái tóc vàng , mợ nhào tới vừa lúc câu Ba khuỵ xuống ,
Không bước đi được họ ngồi tựa vào nhau bên đường . Cũng may gần một tiếng đồng hồ sau, có một chiếc xe bò chở rơm ngang qua :
- Trời ơi, Cậu Ba
Bác Bốn cùng cậu con trai bỏ hết rơm xuống chỉ lót một lớp trên xe , họ khiêng cậu ba lên và giục mợ Ba đi về ...
Xóm núi xơ xác phủ một màu vàng , rớt xuống từ đám mây cháy xém trên bầu trời . Những mái nhà bạc phếch, hàng rào đổ nghiêng, những cái tơi , cái nón buồn bã không biết mắc vào đó tự bao giờ . Mấy đụn rơm vàng vọt, những người đàn bà lam lũ trên đường diễu qua trước mắt , tất cả đều thê lương .
Cả người Cậu Ba bầm tím , hai mắt cá chân sưng to . Vệt máu bên khoé miệng khô lại đen xỉn . Đến khi đút cho Cậu  Ba muỗn cháo , mợ Ba mới thấy hai cái răng cửa không còn , mợ khóc nấc lên. Cậu Ba khó nhọc đưa cánh tay quàng lấy mợ


- Hay là mình tìm một nơi khác .
Mợ Ba hơi bất ngờ vì lần này cậu Ba nói nhiều , nói dài , mợ hiểu
Đi đâu ,ở đâu cũng cơ cực cũng đói nghèo , xóm núi này mình đã quen rồi .
Mợ Ba chỉ còn biết khóc ,hai mảnh đời đau khổ tìm đến nhau tưởng cái khổ sẽ vơi đi , ai ngờ lại tăng lên ngùn ngụt , không có điểm dừng .
Bóng tối đặc quánh nuốt chửng  cả cây cối nhà cửa. Họ ngồi im mắt mở to mà không trông thấy gì .

If you born poor , it's not your mistake
But if you die poor, it's your mistake ( Bill Gates )
Có khi trật lất .


P/S Ông Bill Gates có nói câu này không , tui chưa biết rõ

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

TỰ TÌNH

TỰ TÌNH
Phạm Mộ Đức
Sư phạm Qui Nhơn Nha trang _ Khánh hòa .


Tôi tận hưởng những giây phút ấy :
Những phút - giây - sống - giữa - bạn -bè
Cùng đùa cợt như thuở còn trẻ dại
Thèm chuyện trò như một nỗi đam mê !
Tôi sẽ nói những điều mình muốn nói
Để được nghe bao nhiêu chuyện bất ngờ
Dù sau đấy trên đường về thui thủi
Lòng chợt buồn và nghĩ vẩn suy vơ ...
Rồi mai mốt cây - đời - tôi héo úa
Tôi xa bầy đi làm " kẻ - nghìn - xưa "
Thân thành Đất ...sớm chiều hong nắng - lụa
Hồn lên Trời ...thao thức giọt - sao - khuya !
Xin Đa Tạ kẻ thương , người ghét
Kẻ hửng hờ , đồng cảm , tin , nghi ...
Tôi vẫn sống như - trước - giờ - ly - biêt
Trải lòng mình theo mỗi bước chân đi ....

Thơ & Nhạc : Pham Mộ Đúc
Biểu diễn : Thái Hòa
NGUỒN VIDEO : AN HUU TRAN
NGUỒN : MP3 : Pham Mo Duc gửi qua Mail SPQN 1962

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

BAN LIÊN LẠC SƯ PHẠM QUINHON THÀNH PHỐ HUẾ

                                                                                                                    CHỊ TRẦN THỊ TRÂM
                                                                                                                                Khóa 7



                                             







BAN LIÊN LẠC SƯ PHẠM QUI NHƠN THÀNH PHỐ HUẾ _ Tỉnh Thừa Thiên - Huế .
Chị : Trần Thị Trâm
Qua trang : chuyển tải đến Ban liên lạc Suphamquinhon Tỉnh Bình Định _ Thành phố Qui Nhơn ( Hon Quach , Thanhtuyen Le , Châu Hải Vũ , Thanhnhan Ho , Nguyễn Dũng .......
NỘI DUNG :
" Tôi Khóa 7 , ở trong ban liên lạc Huế nhờ An đăng ki cho Đoàn Huế : 2 tiết mục văn nghệ tại buổi họp mặt kỉ niệm 55 năm thành lập trường SPQN 
1- Tiếng Sông Hương( hợp ca)
2- Thương quá Việt Nam(hợp ca+ hoạt cảnh)nếu có thời gian Nguyễn Đình Niêm khóa 3 và là nhạc sĩ : sẽ đơn ca.Cám ơn An. " .
Trân trọng cảm ơn Quý vị

BAN LIÊN LẠC SƯ PHẠM QUI NHƠN BÌNH ĐỊNH

                   

                                   













Kính thưa quí thầy cô cùng các đồng môn SPQN
Như đã thông tin ,ngày 12/8/2017 tới đây sẽ là ngày Hội họp mặt " Về thăm trường cũ" của cựu Giáo Sinh SPQN trên khắp mọi miền đất nước ,nơi đây năm 1962 khóa học đầu tiên được khai giảng -Nhân sự kiện đặc biệt này ,những giáo sinh SPQN đang sinh sống trên mảnh đất được xem là cái nôi của Sư Phạm Quinhon xin được vinh hạnh đứng ra thực hiện sự kiện này với tiêu đề "HỘI NGỘ - 55 NĂM TÌNH ĐỒNG MÔN SPQN " , bên cạnh đó với tấm lòng hảo tâm cùng chung tay góp sức của quí đồng môn về vật chất cũng như tinh thần là một khích lệ rất lớn để ngày Hội được hoành tráng ,thành công mỹ mãn
Theo đó
-Đón tiếp ,bố trí chổ nghỉ , làm thủ tục tham dự ,liên hoan tiếng hát giáo sinh SPQN (tùy thuộc số lượng tham gia ) : ngày 11/8/2017
- Sinh hoạt chính thức tại Hội trường ĐHQN ( thực hiện các nghi lễ của buổi họp mặt -có văn nghệ xen kẻ)-Tiệc liên hoan tại Nhà hàng Trầu Cau 2 (cách 300m ): 13h30 ngày 12/8/17
-Tham quan du lịch ( phương tiện Ô tô) 3 địa điểm : Đàn Tế Trời ,Bảo Tàng Quang Trung ,Khu du lịch Sinh Thái Hầm Hô ,dùng cơm trưa tại Nhà hàng Hiếu Ngọc-Chia tay và hẹn ngày gặp lại - xe chở G/s về lại vị trí xuất phát : 07h30 =>14hoo ngày 13/8/2017
Thành phần nhân sự của ngày Hội :
- Phụ trách chung :
Lê Thanh Tuyến - 0984338198
-Thường Trực :
Quách Văn Hớn - 0935107779
- Phụ trách Văn Nghệ - Truyền Thông
Vũ Hải Châu - 0914218416
-Tiểu ban Tham quan -Du lịch :
Hồ Quang Trí - 0975069686
Lê Văn Dưng - 01667537593
- Tiểu ban tiếp tân và tài chính :
Nguyễn Dũng - 0913439336
Đinh Khoa - 0913422678
Hồ Thị Thanh Nhàn - 0903188528
cùng nhiều thành viên khác
- Tài khoản sử dụng cho ngày Hội : 1901000028799000
Chủ TK : Quách Văn Hớn
Tại : Ngân hàng VIỆT Á -Quinhon
Kính mong quí thầy cô và anh chị em cựu giáo sinh SPQN cùng về tham dự
Trân trọng .
,
TM Ban Tổ Chức
Lê Thanh Tuyến

KỈ NIỆM THI Ô - RAN VÀO TRƯỜNG SƯ PHẠM QUY NHƠN NGÀY ẤY.

                                                                                                                Nguyễn Thị Minh Tân



                     








     Đỗ Tú tài II, tôi xin ba mẹ cho thi vào trường Sư phạm Quy Nhơn Khóa 73- 75 vì tôi luôn ước mơ trở thành cô giáo và cũng bởi gia đình con đông, khó khăn, tôi không thể xin ba mẹ cho đi thi ở các nơi xa khác!
     Qua khỏi đợt thi kiến thức khá dễ dàng nhưng tôi rất lo lắng cho đợt thi ô -ran sắp tới vì nghe qua thông tin từ các anh chị đi trước: " Khó lắm em ơi! Nhiều người đỗ đợt đầu điểm rất cao nhưng vào ô - ran vẫn rớt đó em!v.v.. và v.v..." Mang tâm trạng như thế, trong lúc ngồi trong phòng chờ giám khảo đến, tim tôi gõ trống thình thình trong lồng ngực! Nhỏ Thanh, bạn rất thân từ hồi học trường Nữ, ngồi bên động viên tôi:" Chắc không khó lắm đâu, đừng sợ!" Nhìn sang, thấy mặt bạn ấy cũng " xanh lè", tôi phì cười...
Lát sau, hai thầy giám khảo vào phòng. Mọi người đứng dậy chào mà vẻ lo lắng, hồi hộp chan chứa trong ánh mắt... Có lẽ vì hoảng quá nên tôi không còn nhớ tên vị giám khảo ngồi gần cửa ra vào, chỉ nhớ có thầy Anh ( sau này thầy hướng dẫn lớp Nhất 7 chúng tôi), ngoài ra, cũng vì thầy có vẻ mặt thật hiền hòa lúc ấy, làm chúng tôi bớt sợ...
Các thầy đã gọi từng thí sinh lên bảng, yêu cầu họ đi qua đi lại, viết lên bảng đen 1 câu ca dao, tục ngữ mình thích, trả lời thầy 1 vài câu hỏi hoặc hát múa v.v... Ngồi bên dưới, chúng tôi thỉnh thoảng phải che miệng cười vì cái tính hồn nhiên của tuổi trẻ làm cho nỗi lo sợ biến mất trong chốc lát khi thấy một vài bạn trai cố lấy dáng vẻ đạo mạo, chững chạc, các bạn gái thì gắng sao cho dịu dàng, yểu điệu thục nữ hơn trong từng bước đi... Hoặc có bạn viết 1 câu mà như sóng biển lượn trên bảng, hát thì như "vịt cồ" gọi mái... Nhưng cũng công nhận có khá nhiều bạn thực hiện các yêu cầu của thầy giám khảo rất tốt, điều ấy khiến tôi lại càng lo âu vì cuộc thi cũng là cuộc chơi mà sẽ có kẻ đỗ ở lại trong vui sướng, người hỏng sẽ vô cùng xót xa...
     Đến phiên tôi, sau khi đã đi qua đi lại một vòng, tay cố giữ tà áo dài trắng đang cứ muốn bay lên theo gió của chiếc quạt trần lúc này được tăng số vì trời nóng, thầy Anh đã yêu cầu tôi:
- Chị viết lên bảng 1 câu ca dao hay tục ngữ mà mình thích!
Tôi lượm viên phấn lên bảng mà tay run tưởng như không giữ được nó! Tôi cố nắn nót viết câu tục ngữ ngắn nhất: " Có học phải có hạnh"(Một câu tục ngữ ấn tượng làm tôi nhớ mãi của năm tôi thi vào Đệ thất trường Nữ Trung Học phải bình giải mà bao nhiêu bạn đã bị lạc đề vì nhầm với "có hành"!) May mắn là hàng chữ viết trên bảng của tôi nhìn cũng thẳng hàng, chữ rõ nét không run lắm! (Tôi thầm cảm ơn ba, người đã thường cho tôi chép đề toán lên bảng cho học trò của ba làm bài khi chúng học thêm ở nhà nên tôi cũng khá quen khi viết bảng!) Vị giám khảo ngồi gần cửa gật gật đầu bảo tiếp:
- Cô hiểu thế nào về câu tục ngữ này?
Tôi đã cố gắng bình tĩnh trả lời thầy sao cho mạch lạc nhất và chú ý nhấn mạnh " người có học cần phải có ý thức giữ gìn hạnh kiểm tốt và sống có đạo đức ở đời..." Lần này, tôi len lén quan sát và phát hiện cả hai thầy đều gật gù, tôi thầm thở phào nhẹ nhõm... Chưa thoải mái được vài giây, thầy Anh lại yêu cầu tôi:
- Giờ chị hát 1 bài hoặc 1 đoạn của bài hát nào chị thích cho mọi người nghe đi!

                            



     Trời ạ! Với tâm trạng thế này mà hát thì có mà... đổ nợ! Tôi than thầm trong lòng nhưng đành phải thực hiện yêu cầu của giám khảo thôi, làm sao được! Vậy là ... sau vài giây " bắt ấn tay" cho đỡ run, tôi giới thiệu và hát bài " Con bướm vàng"! Có tiếng các bạn bên dưới cười ồ, tôi càng mất bình tĩnh hơn! Chắc các bạn cười vì từ sớm tới giờ chưa có bạn nào hát nhạc thiếu nhi như tôi!
Hát xong, tôi lại thấy thầy Anh cười, nụ cười của thầy hiền hòa làm sao! Chính nụ cười đó đã mở cửa cho hồn vía của tôi quay về! Chưa ổn, thầy cười xong thì bảo:
- Chị có biết múa minh họa cho bài hát ấy không? Nếu biết thì thực hiện tiếp đi!
Tôi kêu khổ trong lòng nhưng cố nhoẻn nụ cười méo mó và vừa hát vừa " múa" minh họa! Không biết tà áo tôi có bay bay theo cánh bướm vàng tay tôi hay không, chỉ biết rằng vừa dứt là không những các bạn vỗ tay mà hai thầy giám khảo cũng vỗ tay cười... Tôi cảm thấy mình nóng ran cả mặt, chắc bây giờ thành " con bướm hồng" rồi chứ vàng gì nữa!...
     Vậy là đợt thi ô - ran đó có lẽ tôi đạt điểm cũng không tồi nên tôi đỗ trọn kì rất cao! Hú hồn! Những diễn biến của kì thi hôm ấy đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn quay về trong giấc mơ đẹp đẽ của tôi các bạn ạ!...
                                                                   Tháng 6/ 2017.
                                                                       Minh Tân

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

GIA ĐÌNH SPQN K9 _ 45 năm ngày ấy .

GIA ĐÌNH SPQN K9 _ 45 năm ngày ấy .

                                                                                                                Nguồn : Sâm Bùi
     Thời gian quá ngắn không đủ xẻ chia và nhắc nhớ những khuôn mặt ngây ngô ngày ấy... 45 năm một thời giáo sinh với bao ước vọng "Nghề Thầy" Một nghề cao quí. Thời gian, rồi chiến tranh, mỗi bạn một nơi. Gặp lại nhau trong bùi ngùi, xúc động - Những đứa con của GIA ĐÌNH SPQN K9. 
     Một số hình ảnh ghi lại những dấu chân kỷ niệm và nhớ mãi những đồng môn thân thương. ·



                                     


                           






NHƯ KHÚC RU MÙA HẠ...

                                                                                                                Châu Thị Thanh Cảm



                         





      Tôi trở lại Quảng Ngãi vào một ngày cuối tháng Năm. Mùa hạ ấm nồng chan nắng cả một vùng quê hương của khúc ruột miền Trung yêu dấu, miền quê hương mà suốt 20 năm dài đã đỡ nâng tôi đi qua gian khó một đoạn đời.
Quảng Ngãi, cái nắng đầu hạ cứ tưởng sẽ nóng rát, cứ tưởng sẽ chói chang oi ả, mà không, trời tháng Năm vẫn thật dịu dàng, dịu dàng như những tà áo dài tha thướt của những nữ cựu giáo sinh chúng tôi bay bay giữa Sa Huỳnh gió lộng.
      Thật ra, mỗi năm tôi đều có dịp trở về nơi này, trở về cái nơi tôi đã từng một quãng thời gian dài gần gủi và gắn bó, nhưng trở lại họp mặt cùng đồng môn thân yêu thì đây là lần đầu tiên. Một cảm xúc khó tả đan xen khi taxi đưa tôi đến khách sạn Ninh Thọ, nơi anh chị em chúng tôi lưu trú trong suốt thời gian trở về. Đón tôi là nụ cười tươi tắn rạng rỡ của quý đồng môn trong BLL. SPQN/Quảng Ngãi, là cái ôm thật chặt của Chị, là cái nắm tay thân thiết của Anh, là ánh mắt nồng nàn của Em của Bạn và là cái không gian ấm cúng đầy những yêu thương của đất Quảng quê mình!
Trở lại Quảng Ngãi tôi như được trở về nhà, trở về nơi đã cho tôi lãng đãng một miền hoài niệm. Quảng Ngãi, nơi các con tôi sinh ra và lớn lên, nơi tuổi thơ chúng vẫy vùng bên dòng sông bến nước, nơi mỗi chiều bên triền đê cánh diều no gió cứ liện chao, nơi mà nhiều thế hệ học trò đi qua đời tôi đã từng bước trưởng thành... và cũng là nơi ôm lấy mộ phần ba mẹ chồng tôi bao năm rồi yên nghỉ!
Đêm tháng Năm ở đây yên bình đến lạ! Cái gió nhè nhẹ mang theo mùi hương của những bụi hoa ven đường xõa dài theo những bước chân. Chúng tôi, một nhóm đến trước của đoàn SPQN/ Sài Gòn cứ thế lang thang và cuối cùng ghé vào một quán don nhỏ nép sâu trong một con đường vắng, yên bình... Những tô don bốc khói, mùi ớt xanh nồng cay, tiếng bánh tráng bẻ vui rộn ràng, món ăn tuy dân dã đơn sơ mà ôm trọn tình quê, ôm trọn vị nhớ vị thương, vị đậm đà của một miền quê hương khúc ruột.
Nhẹ nhàng đêm và một giấc ngủ sâu êm ái, buổi sáng trở dậy với không gian trong trẻo dịu dàng. Vẳng lên, có tiếng cười nói, có lẽ các anh chị trở về đã nhiều hơn hôm qua. Trong bình yên buổi sáng, thời gian như lặng im, tình yêu len lỏi qua từng ngóc ngách tâm hồn, thấm đậm ngọt ngào qua từng giọt cà phê tình bạn...!
8 giờ sáng ngày thứ hai tôi đến, tour ra đảo Lý Sơn của nhóm hơn 50 anh chị em cựu giáo sinh chúng tôi khởi hành đến cảng Sa Kỳ, một cảng biển cách thành phố Quảng Ngãi 20km. Cách bờ biển 30km và gần một giờ trên con tàu cao tốc Biển Đông, chúc tôi bước chân lên hòn đảo được ví như đảo tiên giữa biển đông xanh màu ngọc bích. Một cảm giác vô cùng dễ chịu khi được hít thở cái không khí mang hơi ấm của biển, thoảng mùi muối thơm tho mằn mặn của huyện đảo quê hương. Những bãi cát trắng phau, những núi đá hang động hùng vĩ, camhr thiên nhiên ở hòn đảo này như một bức tranh đẹp đã níu hồn du khách khi lần đầu đặt chân lên đảo.


                                    





      Buổi chiều, chúng tôi được đưa đi thăm thú những di tích lịch sử cùng cảnh cảnh đẹp ở hòn đảo còn đậm nét nét hoang sơ này.
Đây là Hải đội Hoàng Sa, nơi lưu giữ những kỷ vật của Hải đội, một địa điểm văn hóa lịch sử thiêng liêng của tổ quốc, với cột mốc chủ quyền được khắc bằng chữ Hán Nôm " Vạn Lý Hoàng Sa ".
Đây là Chùa Hang, một ngôi chùa ngự ở lưng chừng ngọn núi Thới Lới, một ngọn núi lửa im lìm ngủ quên hàng ngàn năm trên hòn đảo Lý Sơn. Cảnh chùa u tịch, tiếng kinh trầm buồn mỗi chiều của những người vợ có chồng đang lênh đênh trên biển cứ buồn trôi theo gió, tràn qua những ngọn bàng vuông, len lỏi qua những hàng cây phong ba sừng sững che chắn giông gió giữa trời.
Kia là Hang Câu, một địa điểm tham quan lý thú. Nằm dưới chân núi Thới Lới, hang được sóng và gió biển bào mòn khoét sâu vào lòng núi và hình thành từ hàng ngàn năm trước. Xung quanh hang là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, giữa một bên là biển, một bên là núi, tuy tĩnh lặng nhưng Hang Câu đã hút hồn bao du khách đến thăm.
      Và kia, Cổng Tò Vò... một cổng đá trầm tích núi lửa tự nhiên mà chưa sự tác động nào của bàn tay con người, một điểm đến không thể bỏ qua khi ta có dịp du lich đến huyện đảo Lý Sơn. Cổng Tò Vò có thể nói là một kiệt tác hiếm có mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho đảo tiên, cho vùng biển còn hoang sơ mà đầy sức quyến rũ và huyền bí!


                        






Lý Sơn, bước chân lên đảo, lưu lại đó chỉ đôi ngày thôi, tuy ngắn ngủi, nhưng tôi cảm nhận được nét đơn sơ bình dị mà vô cùng hấp dẫn của đảo, cảm nhận được một sống thanh bình an nhiên mà vùng biển này mang lại. Lý Sơn, tôi yêu vùng biển này không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, bởi ánh mặt trời đỏ rực chìm dần xuống biển qya Cổng Tò Vò, cảnh u tịch đến nao lòng khi hoàng hôn xuống ở Chùa Hang, tiếng gió thét gào xiết quất vào lòng Hang Câu huyền bí, sự uy nghiêm của tượng đài Hải đội Hoàng Sa khẳng định cột mốc chủ quyền kiêu hãnh sừng sững trước sóng biển và nắng gió... mà còn là bởi nụ cười ấm nồng hơn nắng, là ánh mắt thân thiện, là giọng nói mộc mạc chân thành của người dân bản xứ và cả lòng hiếu khách của cư dân trên hòn đảo Lý Sơn đầy sức quyến rũ này.
      Trở về từ Lý Sơn sau hai ngày rong ruỗi, chiều, bạn cùng lớp lại rủ nhau về với Mỹ Khê, ghé thăm nhà đồng môn, rồi cùng ra biển, ngồi dưới hàng dương xanh rì, nhìn ngắm từng lớp sóng xô bờ mà vui buồn câu chuyện cuộc đời bể dâu, dâu bể...
Chiều xuống, mảnh sân rộng trước khách sạn Ninh Thọ bỗng vui và rộn ràng hơn hẳn. Anh chin em chúng tôi trở về đã đông hơn để chuẩn bị cho đêm giao lưu thân mật trước ngày họp mặt chính thức. Thật vui và cũng thật ấm cúng trong một không gian đầy tình như thế. Tôi thấy trên môi những anh chị lấp lánh nụ cười. Tôi thấy trên mắt các bạn các em thoáng những niềm vui và tôi thấy trên gương mặt đồng môn tôi nét rạng rỡ yêu thương của một lần gặp lại.
Rồi tiếng hát tiếng đàn, rồi những lời tâm sự cũng dần trôi vào đêm. Một đêm đầy yêu thương nhẹ nhàng mang theo vào giấc ngủ!
Buổi sáng ngày thứ tư, đón chúng tôi đến họp mặt là một Sa Huỳnh đầy nắng và gió, một Sa Huỳnh thơ mộng còn đậm nét hoang sơ, một Sa Huỳnh với những triền cát vàng óng mịn ôm bờ biển vào lòng, với những hàng phi lao đỗ dài in bóng!
Sa Huỳnh sáng hôm ấy đón gần 300 anh chị em cựu giáo sinh chúng tôi. Sa Huỳnh hôm ấy ôm vào lòng gần 300 con tim nôn nao nhịp đập... Mặc cho naengs gió nơi này, mặc cho thời gian vô tình lặng trôi, thì nơi này, hôm ấy, vẫn rộn rã tiếng cười, vẫn xiết nóng những cái ôm, vẫn chặt tình những cái nắm tay chưa buông vội. Tôi như nghe môi mắt mặn cay. Mặn vù vị nồng của biển hay cay vì nước mắt chực ứa cho một lần hội ngộ vội vàng rồi lại rời xa...?
Sài Gòn mấy hôm nay mưa hoài.... từng cơn mưa kéo dài tận đêm... mưa mùa này cứ rả rích làm tôi nhớ lắm miền Trung quê tôi mỗi khi mùa mưa quay trở lại, làm tôi nhớ lắm cái buổi chiều chúng tôi vượt đèo Eo Gió để lên Minh Long tham quan Thác Trắng cũng một chiều mưa... Và, làm tôi nhớ cái đêm cuối cùng chúng tôi còn lưu lại Ninh Thọ, cũng thoáng một cơn mưa, nhẹ nhàng thôi... nhưng đã làm tôi bật khóc ngon lành khi bước ngang qua khu sảnh vắng im lìm, nơi mà mới đêm trước ấy thôi, chị em chúng tôi còn rộn ràng tập luyện để góp vui cùng đồng môn, để ấm lòng thêm cho cái tuổi về chiều...!
      Bây giờ xa rồi... xa rồi để tôi nhớ hoài đảo nhỏ Lý Sơn, xa rồi để tôi mơ về một Sa Huỳnh nắng gió với những cánh đồng muối ngời ngời in bóng đôi quang gánh tảo tần của diêm dân ở đó. Và tôi nhớ, nhớ bạn bè tôi, nhớ học trò cũ của tôi, nhớ cái cảm giác ngày bạn bè cô trò gặp lại sau từng ấy năm dài... Và nhớ lắm, nhớ quý anh chị SPQN/Quảng Ngãi đã rất nhiệt tình và lo lắng để anh chị em đồng môn chúng tôi có được những ngày họp mặt ý nghĩa, đông vui, mang nhiều kỷ niệm!
      Tạm biệt nhé Quảng Ngãi! Tạm biệt nhé một Quảng Ngãi bình dị chân tình! Tạm biệt một miền quê hương chân chất góp đầy yêu thương, nơi bạn bè đồng môn tôi đôi ngày gặp gỡ, tay bắt mặt mừng rồi vội vã chia tay...!
Tạm biệt nhé! Tạm biệt những buổi trưa dịu dàng như khúc ru mùa hạ, tạm biệt một miền quê mà tôi đã yêu thương gắn bó một đoạn đời...!
      Không hẹn, nhưng nhất định tôi sẽ trở về, tôi sẽ trờ về Quảng Ngãi, của tôi...!
                                             Sài Gòn, một chiều mưa tháng Sáu...
                                                       Châu Thị Thanh Cảm

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...