Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Thông Tin Xa Gần

Ban BT SPQN vừa nhận thông tin sau:

- Bạn Nguyệt, cựu giáo sinh SP khóa 11, là vợ của bạn Hoàng Văn Nam cũng khóa 11; đang mắc bệnh hiểm nghèo; sau thời gian chữa bệnh bằng xạ trị tại BV Chợ Rẫy hiện đã về lại Qui Nhơn với tình trạng không khả quan cho lắm...

Xin thông báo cho bạn bè xa gần được biết và nếu có thể xin các bạn có lời thăm hỏi hoặc trực tiếp thăm viếng, hầu có thể nâng đỡ tinh thần của bệnh nhân cùng những người thân.

BBT SPQN xin cầu chúc cho bạn Nguyệt gặp nhiều thuận lợi và may mắn trong việc điều trị để có thể sớm vượt qua cơn bệnh này.

* Cám ơn Thầy Hoàng Hy đã gởi thông tin.

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

CHIỀU QUÊ.

                      Irene.


          Có một lần trên chuyến tàu xuôi về Nam. Buổi chiều, bên cửa sổ, tôi phóng tầm mắt nhìn ra xa. Những cánh đồng lúa xanh rì, dòng sông uốn lượn, những mái nhà khuất sau lũy tre xanh, hàng cau, núi đồi… Bất chợt trong khung cảnh đó có một làn khói lam nhẹ bay lên rồi cuộn vào không trung. Khói lam lan tỏa ra từ các mái nhà tranh giữa một khoảng không gian rộng bao la. Khói lam tạo cho cảnh vật một sự sống động nhẹ nhàng trong cái bảng lảng của chiều quê. Cảnh chiều về, làm cho tôi nhớ nhung tha thiết đến thắt cả lòng. Vùng ký ức như được trỗi dậy, thảng thốt với những hoài niệm xưa cũ nơi quê nhà…
          Lúc còn rất bé, cứ vào dịp hè, chị em tôi thường lên nhà vợ chồng thằng em con ông chú trong họ ở cầu Bà Di chơi. Nói là em vì vai vế bà con chứ thật ra nó lớn tuổi hơn chúng tôi nhiều! Nhà vợ chồng nó chỉ là một ngôi nhà thuê. Phía trước mặt là cánh đồng rộng bát ngát, xa xa là con đê, dòng sông và chiếc cầu tre...
 Từ bé đến lớn ở thành phố, nay được về đồng quê nên chị em chúng tôi thích lắm! Suốt ngày ba chị em tha hồ chạy nhảy. Lúc thì đi ra cánh đồng phía trước xem cảnh gặt lúa. Khi thì đi vào trong xóm chơi. Có khi theo thằng em đi bắt cá, bắt cua…Riêng tôi, tôi thường thơ thẩn ngắm cảnh đồng ruộng, dòng sông. Cảnh Mặt Trời lên, cảnh buổi trưa yên ắng hay cảnh chiều về. Thế nhưng cảnh chiều về đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất!
          Không gì đẹp và yên bình của vùng quê khi Mặt Trời đã khuất sau dãy núi! Không khí lúc này dịu dần. Từng cơn gió thổi từ xa đưa lại thoang thoảng  mùi thơm của hương lúa chín. Gió chiều đùa giỡn trên những cánh đồng rồi đuổi nhau tạo thành những gợn sóng xô chạy ra xa tít về cuối chân trời. Bầu trời quang đãng. Từng đàn chim  nhịp nhàng tung cánh rủ nhau bay về tổ. Giữa không trung, những cánh diều tung tăng bay lượn theo chiều gió. Tiếng sáo diều vi vu nghe êm êm. Trên đường làng, các mục đồng thong thả từng bước dẫn trâu bò về chuồng… Dưới ruộng, các bác nông dân vội vàng làm nốt cho xong công việc. Trên những mái nhà, khói lam chiều là là bay lên như một tấm lụa mỏng mềm mại, uốn lượn rồi lan tỏa hay quyện vào nhau tạo thành một mảng màu lam như ôm ấp, như quyến luyến, như bịn rịn như gọi mọi người quay về nhà, về bên mái ấm gia đình, sau một ngày vất vả, bận rộn với công việc.
Chiều dần dần trôi, thoang thoảng trong gió mùi ngai ngái của rơm rạ, mùi bùn đất của đồng quê quen thuộc…Hoàng hôn buông xuống. Cuối chân trời xa, một màu tím nhạt hình rẽ quạt hắt chéo lên một góc trời. Bức tranh chiều về ở nông thôn với những mảng màu dịu mát đẹp nhẹ nhàng và thanh bình.
          Có những hôm, bất chợt có một cơn mưa rào nào đó. Thì cảnh đồng quê như khởi sắc, tươi tắn hẳn lên! Đồng lúa, cây cỏ, mọi vật… như được tắm gội sạch sẽ và không khí trở nên mát mẻ dễ chịu.
          Đứng trước khung cảnh chiều về giữa một cánh đồng lúa bao la, tâm hồn tôi như được hòa vào cùng với thiên nhiên và cũng từ đó tôi yêu cảnh chiều về! Chiều về làm cho tâm hồn tôi như lắng lại dịu dàng, yên vui đến bất ngờ!
          Chiều ơi! Lúc chiều về là lúc yên vui. Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều. Chiều ơi! Chiều ơi! Chiều ơi!..”(Nương Chiều-Phạm Duy)
          Sau này, khi tôi đã là cô giáo. Ra trường, tôi đổi về một vùng quê dạy học. Thời gian này quê hương không yên bình như những năm trước đây, vì lúc đó chiến tranh bùng phát dữ dội! Thế nhưng ở vùng quê ấy, mỗi khi chiều về, tôi vẫn tìm được cho mình một khoảng lặng êm ả của tâm hồn.
 Tôi rất thích ra phía sau nhà  ngắm cảnh chiều về. Buổi chiều, Bồng Sơn thường trở về với một vẻ yên tĩnh đến lạ thường, đến nỗi tôi có cảm giác như có một cái gì đó đang trầm lắng xuống thêm một chút nữa trong cái thị trấn luôn ì ầm với tiếng súng, tiếng bom đạn. Mà cũng lạ thật đó nghen! Cứ mỗi khi chiều về là hình như chiến sự có vẻ lắng lại. Hai bên ngừng tiếng súng! Quê nhà chiều về có vẻ yên ắng hơn so với những thời khắc khác trong ngày. Cũng có thể cả ngày hai bên chiến đấu mệt mỏi nên lúc chiều về nghỉ ngơi một chút chăng???
 Buổi chiều trên sông Lại Giang thật êm đềm và cũng thật là hiền hòa. Dòng nước lững lờ trôi một cách phẳng lặng. Mặt nước phản ánh cảnh mây trời. Chiếc đò của ai gác mái đứng chơ vơ bên hàng lau lách… Trong màn sương mỏng mờ mờ, nhìn qua bên kia sông, những hàng dừa lặng lẽ xỏa bóng, những lũy tre như đang từ từ xanh sẫm lại. Những mái nhà tranh tỏa khói bếp chiều. Những làn khói lam mỏng manh uốn lượn, bay lên rồi vẩn vơ vương lại từng chùm quanh quẩn bên những hàng cây hay là đà quyện vào với núi đồi. Trong mây trời, non nước bao la, chiều như nhẹ nhàng bước khẽ. Khung cảnh thật đẹp, thật nên thơ! Đâu đây man mác vương vương một nỗi buồn. Làm cho tôi nhớ nhà đến mềm cả lòng!
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây,
Ngỡ lòng mình là rừng,
Ngỡ hồn mình là mây…(Chiều-Hồ Dzếnh)
Cảnh chiều về ở Trung Lương-Phụ Đức đẹp và buồn đến “mụ mẫm” cả người. Chiều về nắng nhạt dần trên những khóm cây. Trên con đường vào làng, tiếng gió thổi xào xạc qua hàng tre xanh hai bên đường. Tiếng chim ríu rít trong những cây bòng đang gọi nhau rồi cất canh bay về tổ ấm…  Khuất sau những vườn cây, làn khói bếp từ những mái nhà tranh đang cuộn bò nhẹ rồi tỏa lan vương vấn bảng lảng trong chiều. Thanh bình và êm ả quá!
Không gian sẫm dần lại trong màu tím của hoàng hôn. Trong không gian trầm lắng đó, một tiếng chuông của ngôi chùa trong làng ngân vang như kéo hồn mình thoát tục…Thật hiếm có cái khoảnh khắc nào như thế! Ta như tìm cho tâm hồn mình những giây phút thanh thản, yên bình ở một nơi được mệnh danh là “tận đầu hỏa tuyến”. Tôi bỗng nhớ lại một bài hát mà tôi rất thích :
Có một lần tôi về qua nơi đó, tiếng chuông chùa ngân báo tin đêm về. Tôi gặp bà mẹ quê, dìu tôi theo lối về, rặng tre thưa dưới đê…” (Đêm này nghỉ đỡ chân-Tuấn Khanh).
Chiều về, luôn làm cho tôi bình yên và hình ảnh khói lam trong chiều luôn gợi cho tôi một sự đoàn tụ gia đình ấm áp, bên bữa cơm chiều đơn sơ, ấm cúng sau những bộn bề, vất vả, lo toan. Hình ảnh khói lam chiều còn làm cho tâm hồn tôi như trở về lại với những gì thân thuộc và được sống những tháng ngày vui vẻ bên gia đình thân yêu .
Thời gian trôi, tôi về làm dâu An Vinh-Tây Sơn. Bây giờ thì chiến tranh đã chấm dứt! Làng quê rất yên bình nhưng người dân quê  lúc này rất nghèo và rất vất vả.
“…Ruộng khô có những ông già rách vai. Cuốc đất bên đàn trẻ gầy. Có người bừa thay trâu cày…” (Quê nghèo-Phạm Duy)
Một năm tôi về quê vài lần. An Vinh nằm bên bờ sông Côn trong xanh hiền hòa. Mùa hè nước trong như lọc. Mỗi khi chiều xuống lung linh vạt nắng cuối ngày trên mặt nước huyền ảo. Bác lái đò gác mái trở về nhà để lại con đò nằm lặng yên trên bến đậu. Dòng sông này, đã để lại trong tôi bao kỷ niệm êm đềm bên người mẹ già tảo tần, vất vả hôm sớm và những người dân quê nghèo khó, những họ hàng làng xóm chân chất thật thà ...
Tôi thường đứng trước hiên nhà ngắm cảnh chiều về. Tiếng hót của con chim chiền chiện trên cành cây nhãn sau nhà như lọt thỏm và rơi vào không gian tĩnh mịch. Những con chim khác cũng vội vã ríu rít rủ nhau bay về tổ như mang cả chiều đi. Vạt ngô xanh tươi trong vườn khẽ lay động theo gió chiều. Dưới ruộng rau muống, mẹ chồng tôi đang lom khom cắt rồi bó thành từng bó để sớm mai đi cho kịp chợ phiên. Chiếc áo nâu sờn ôm lấy đôi bờ vai gầy gầy của mẹ. Nón trắng nhấp nhô theo với đôi bàn tay gân guốc chai sạn vì công việc ruộng đồng.
Bước ra phía trước, cả một cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt thoang thoảng đưa hương. Trên con đường làng, hai bên hàng tre vắt ngang qua xào xạc theo gió. Những người nông dân gầy guộc trong manh áo cộc vác cuốc, vác cày trở về! Những mục đồng lùa đàn trâu bò cũng đang lục đục kéo nhau về chuồng, tiếng rục mõ khua vang... Mùi bùn đất rơm rạ bốc lên sau cái nắng oi bức của ngày hè. Khói bếp tỏa lên từ các mái nhà tranh trong xóm. Khói lam chiều như ôm ấp lấy xóm làng như dòng sông bạc hiền hòa giữa không gian tím thẫm của hoàng hôn.
Tuy cuộc sống rất vất vả nhưng khi chiều xuống, mọi người vứt bỏ sau lưng bao lo toan để trở về bên mái ấm gia đình, bên mâm cơm chiều đầy ắp tiếng cười.
Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm chạy dài trên khóm tre, đàn chim ríu rít ca. Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm… (Chiều Quê – Hoàng Quý).
Chiều về! Trong lòng tôi luôn có cái cảm giác êm đềm, an vui, cuộc sống trở nên bình yên và thanh thản.
Tôi như say say trong nhập nhoạng của chạng vạng. Mơ mơ màng màng trong cái hương nồng nhừa nhựa của cây cối,
  Trong nhà, mẹ chồng tôi đã chuẩn bị bữa cơm chiều. Mâm cơm rau mắm. Rất đơn sơ và đạm bạc! Dưới ngọn đèn dầu, mọi người ngồi quây quần bên nhau ăn uống, chuyện trò vui vẻ trong không khí yên bình đầy tình thương yêu. 
Ngoài vườn, những mảng tối dần dần tiến đến rồi lan nhanh. Bóng tối như một lớp bụi mờ, đen dần phủ đều lên mọi vật. Trong những lùm cây Dạ lý, cây bưởi… nàng hương đang rón rén bước ra. Tiếng ễnh ương, tiếng dế, tiếng côn trùng…hòa vào nhau tạo nên một dàn đồng ca cho những cô nàng đom đóm say sưa trong vũ khúc đón chào đêm xuống!
Chiều về! Bao giờ cũng tạo cho tâm hồn tôi nhiều cảm xúc đẹp! Tôi yêu những gì xung quanh nơi quê hương tôi như dòng sông, bến nước, con đò, cánh đồng lúa, con đê, cây đa, mái nhà tranh, lũy tre...xóm làng. Ở đó, là quần tụ của những người thân thuộc, của những họ hàng, làng xóm… những người quanh năm tay lấm chân bùn nhưng họ sống với nhau trong tình làng nghĩa xóm.
Chiều về, Tôi như tìm lại được tuổi thơ tôi. Một thời thơ ấu hồn nhiên, vô tư, trong trẻo…Không vướng bận với những lo toan, muộn phiền…
Chiều về! Tôi như tìm được cho mình một khoảng bình yên cân bằng trong tâm hồn sau những gì xảy đến với tôi làm cho tôi cảm thấy ít nhiều chông chênh trong cuộc sống.
Bây giờ tôi đã bước vào tuổi xế chiều! Một giai đoạn tôi cho là đẹp và bình lặng nhất của một đời người. Theo tôi, bây giờ tôi như cảnh chiều về. Yên bình nhưng luôn mang nỗi buồn hoài niệm. Tuổi về chiều, tôi bỏ lại phía sau tất cả những bon chen vất vả của cuộc sống để sum vầy bên con, bên cháu, bên những người thân. Rồi sống an lạc, thanh thản và hạnh phúc.
Sài Gòn chiều nay mưa. Cơn mưa trái mùa kéo qua thành phố. Mỗi lần mưa, tôi rất thích đến bên cửa sổ nhìn ra vườn sau. Ngắm những cây ổi, cây xoài, cây bưởi… cành lá sũng nước. Từ trong các bụi chuối, những con gà đang ẩn nấp kêu “chiếp! chiếp!”. Trên mái nhà bếp một làn khói lam bay lên! Hình ảnh làm cho tôi gợi nhớ! Tự nhiên, tôi thấy tâm hồn mình trở nên bình yên, thanh thản đến nhẹ nhàng. Trong không gian vườn chiều như thoảng hương thơm. Mùi cây cỏ mục, mùi đất…rất quen thuộc! Không thể lẫn vào đâu được. Tôi chợt nhận ra rằng: Dù ở bất cứ đâu? Ở bất cứ miền nào trên quê hương mình? Tôi vẫn tìm thấy và nhận ra được lúc chiều về, một mùi vị rất quen thuộc đó là :
-          Mùi vị của chiều quê!

Sài Gòn, Tháng 12/2012.
Irene.

Thư Ngỏ của Ban Liên Lạc CGS SPQN tại Dalat



                                      THƯ NGỎ

                          Về việc ra mắt Tập san
              “ GIA ĐÌNH SƯ PHẠM QUI NHƠN”
                     sẽ được phát hành tại Đà Lạt.

Kính gởi : Quý Thầy cô giáo cũ và bạn bè cựu GSSPQN .      

        Tập thể Thầy cô giáo cũ và cựu GS Sư phạm Qui Nhơn Việt Nam là một tập thể lớn qui tụ hàng ngàn thầy cô giáo xây dựng nên rất nhiều mẫu hình gia đình SP rất đáng trân trọng .
        Nhân kỷ niệm 50 năm, ngày thành lập trường xưa, trường SPQN thân yêu của chúng ta. Ban LLCGS SPQN tại Đà Lạt dự kiến sẽ phát hành Tập san đặc biệt với tiêu đề “ Tập san gia đình sư phạm Qui Nhơn ”, dự định sẽ ra mắt quí bạn đọc trong và ngoài nước cũng vào tháng 12 năm 2013, với lễ họp mặt và ra mắt Tập san tại Đà Lạt.
              Mục tiêu chính của Tập san là lưu giữ lại càng nhiều càng tốt các hình ảnh quí có giá trị nhiều mặt về ngôi trường SP QN cũ cùng các bài vở (đa thể loại) sáng tác do Quí thầy cô và bạn bè cựu GSSPQN trong và ngoài nước gởi về .
              Trong điều kiện còn hạn chế về nhiều mặt, song chúng tôi không chịu cảnh “lực bất tòng tâm” nên vẫn hạ quyết tâm phát hành bằng được Tập san Gia đình SPQN  của chúng ta.
           Tha thiết kính mong Quý thầy cô và bạn bè cựu GSSPQN  nhiệt tình hưởng ứng đóng góp ý kiến và gởi hình ảnh, bài vở do chính quí vị có hoặc sáng tác chỉ cần nội dung có liên quan đến SPQN .
           Dĩ nhiên chúng tôi có Ban Biên tập và phát hành tập san theo đúng pháp luật qui định. Các chi tiết khác chúng tôi sẽ đăng rộng rãi trên website mang tên :
“ WWW.giadinhsuphamquinhon.vn ”
Bước đầu xin được phép kính gởi thư ngỏ này đến Quý vị và mong mỏi có sự động viên giúp đỡ các mặt .
          Trân trọng ./-

                             Ban LLCựu GSSPQN tại Đà Lạt.

Ghi chú : Thư từ, hình ảnh, bài vở xin gởi về trước ngày 12/9/2013. xin chân thành cảm ơn và mong mỏi sự hợp tác của Qúy vị .

MỘT CHUYẾN ĐI


                                                Diệu Thơ.

Bây giờ, các bạn đang ở khắp 5 châu. Đời sống đã ổn định. Con cái đã thành danh. Trong chúng ta, rất nhiều người đã trải qua ít nhất là một chuyến đi. Có người đi bán chính thức , lại có người đi theo diện HO hay diện đoàn tụ. Còn có những người đã đi, nhưng không đến được bến bờ!!!
 Tôi ra đi không nằm trong các trường hợp trên. Tôi đã trốn chạy.... Sau bao nhiêu năm trôi qua , có nhiều lúc hồi tưởng lại chút kỷ niệm đó cứ vương vấn trong lòng mình mãi khôn nguôi? Xin hãy cùng tôi tìm lại chút dư âm ngày xưa ấy.
         
          Sydney bây giờ đang là Mùa Hè. Khí hậu nhiều hôm rất nóng lên đến 40 độ C. Thỉnh thoảng có một vài cơn mưa đá hay có lúc còn có nạn cháy rừng.
          Một mình ngồi bên cửa sổ nhìn ra vườn, lòng man mác buồn.
Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về. Gọi hồn liễu rủ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya…”
Tiếng hát Khánh Ly trong bài Biển nhớ của Trịnh Công Sơn từ máy hát nhỏ trong phòng vang lên càng làm cho tôi hoài niệm về một thời ở quê nhà! Rồi gợi lại cho tôi nhớ về một chuyến đi mà đã nhiều năm tôi cứ ngỡ rằng nó đã ngủ yên trong lòng mình.
Vào cuối năm học, trong buổi dự Tổng kết cuối năm để phát thưởng cho các em học sinh giỏi đang diễn ra trên sân khấu của trường. Cô  Hiệu trưởng đang khen ngợi các học sinh xuất sắc và cả giáo viên giỏi nữa.
Ngồi ở cuối góc sân khấu , tôi mơ hồ nghe tiếng chị đang nói nhiều lắm, nhưng tôi không nghe được gì liền mạch vì tâm trí tôi đang tính làm cách nào để trốn ra khỏi hội trường. Chuyến xe hàng đang chờ đưa gia đình tôi rời Sài Gòn để đi xuống Cần Thơ. Hồi còn nhỏ tôi đã nghe tiếng về thành phố có nhiều người đẹp và bến Ninh Kiều thơ mộng. Nhưng lần này, tôi đến Cần Thơ không phải đi du lịch mà là để chờ đợi chuyến tàu đưa tôi rời xa Sài Gòn thân thương.
Một buổi trước ngày đi tôi đã theo một cô bạn dạy cùng trường dẫn đi coi bói. Khi ông thầy bói nhìn thấy mặt tôi. Ông lắc đầu và nói.:
-         Bà đi sẽ bị mắc cạn, hay chết chìm!
Tôi nghĩ có lẽ hồi đó do mặt mày tôi tại mét vì đạp xe mệt mỏi, ăn uống thiếu dinh dưỡng thêm vào đó là sự lo lắng nên mặt tôi khó coi.
Ai trong chúng ta, khi nghe câu nói đó chắc cũng sẽ suy nghĩ lại, hay có thể không đi nữa. Nhưng hồi đó tôi lại nghĩ :
- Không đi cũng không được? Thôi kệ! Đời người chỉ có một lần chết! Chết trên biển hay chết một nơi nào đó cũng thế thôi! Âu cũng là số mệnh?
Cuối cùng tôi vẫn không thay đổi ý định. Quyết định ra đi!
Khi đến Cần Thơ, gia đình tôi gồm 5 người. Chúng tôi được chia làm 2 nhóm. Tôi cũng ba đứa nhỏ cùng một nhóm.
Chúng tôi chờ tại Cần Thơ. Tôi nhớ mãi, cái đêm hôm ấy thật là dài vô tận! Chúng tôi đứng trên đường nào đó?? Không biết tên gì? và chờ đợi! Tôi một tay thì ẵm đứa con, tay dắt hai đứa nhỏ luấn quấn bên chân. Không biết chờ như thế đến bao lâu. Trăng đã lên đỉnh đầu, sương xuống lạnh. Không biết lúc đó là mấy giờ? Tôi nghĩ là khuya lắm rồi! Nhìn ra đường xe cộ qua lại thưa dần. Nỗi thất vọng trong lòng càng tăng. Các con tôi vừa đói lại vừa mệt. Trong túi không có tiền! Do thiếu kinh nghiệm nên khi rời Long Xuyên tôi đã để toàn bộ số tiền còn lại cho người cậu.
Đang đúng lớ xớ bên đường, bỗng bất ngờ xuất hiện một anh cán bộ đi đến và hỏi tôi:
-Sao giờ này bà không đem con về nhà?
Tôi vội vã trả lời một cách thật thà:
-Tôi đứng đây chờ người ta đến để đón đi. May sao cho tôi anh ta đã bỏ đì và không nói gì? Thật là hú vía!.
Thế rồi bốn mẹ con tôi vẫn tiếp tục chờ. Trên đường thỉnh thoảng có một chiếc honda chạy qua. Lấy can đảm, tôi đã chận lại một chiếc xe nào đó. Xe dừng lại, anh ta chào tôi. Tôi nghe phảng phất hình như có mùi rượu? Chắc có lẽ anh ta vừa mới đi dự đám tiệc trở về.
Tôi được anh ta đưa ra bến xe đò. Tôi định cám ơn anh! Nhưng anh rồ ga chạy mất tiêu?
Đêm ở bến xe, trời tối nhập nhoạng chỉ có vài ngọn đèn dầu leo lét của những người bán hàng. Tôi muốn mượn một chiếc chiếu để cho các con ngủ qua đêm chờ ngày mai sẽ trở về Sài Gòn. Nhưng ngặt một nỗi trong túi không tiền. Trong lúc lo lắng trong trí tôi đã nhớ ra nhà của anh dẫn đường. Thế là, bồng ẵm, dẫn dắt con tôi lần mò đi trong đêm khuya đến xin ở tạm.
Sáng sớm hôm sau mẹ con tôi thất thểu mò ra lại bến xe. May thay anh dẫn đường thông báo: - Phải trở về lại Long Xuyên vi tàu đang còn ở đó.
Anh ta đã xin cho tôi một chỗ đứng trên xe. Tôi đã bồng con vịn thành xe để đứng. Hai đứa nhỏ thì ôm chặt hai chân tôi. Bây giờ nghĩ đến vẫn thấy thật tội nghiệp!
Chúng tôi đã lên tàu. Đêm hôm sau, tàu rời bến. Lúc này tôi không biết chồng tôi đang ở đâu? Trong lòng buồn vô hạn!
Đêm trên biển, cả một màn đen bao trùm. Ngước lên nhìn, bầu trời đầy sao lấp lánh. Sau khi dọn một vài chỗ cho các con nằm…Tôi bỗng nghe giọng nói quen thuộc của ông xã hỏi đứa cháu: - Có thím trên tàu không?
Tôi mừng quá ! Lên tiếng, thế là gia đình đoàn tụ! không còn lo lắng gì nữa.
Sau mấy ngày lênh đênh trên biển. Có một đêm, trời chuyển mưa, mưa to lắm! Nước đầy tràn cả vào ghe. Ghe như sắp chìm! Thật là kinh khủng! Tất cả mọi người trên ghe thay phiên nhau tát nước liên tục. “Không lẽ ông thầy bói đoán đúng?”. Tôi vừa múc nước vừa cầu nguyện cho đừng có gì xảy đến! Thế rồi mưa tạnh, trời êm trở lại.
Mấy ngày sau, chúng tôi đã đến được Bidong, là một đảo nhỏ thuộc Mã Lai.
Vừa đến đảo, chúng tôi được phân chia từng khu trại để ở. Gia đình tôi được phân ở trên núi. Nghe tới núi, có lẽ mọi người cho là thơ mộng. Những hồi đó tình trạng ăn ở rất tệ. Chúng tôi không được may mắn như những người đến sau năm 80. Hằng đêm, nằm ngủ trên giường. Gọi là giường nhưng thật tệ hại, đó chỉ là  mấy nhánh cây ghép lại. Có một đều gia đình chúng tôi không bị đói. Gạo phát rất nhiều, chỉ có đồ ăn thiếu thốn vì không tiền để mua.
Đêm đêm khi đèn trên trại sắp tắt. Tiếng hát Khánh Ly cất lên vang vọng khắp đảo. Bài hát Biển Nhớ đã đi vào lòng mọi người và đã để lại trong lòng tôi một nỗi buồn xa xứ không bao giờ quên! Mỗi khi tiếng ca cất lên tôi đã nghĩ: “Ngày mai sẽ có một đoàn người rời trại để đi định cư ở một quốc gia nào đó???
...May mắn là gia đình chúng tôi chỉ ở Bidong vỏn vẹn hai tháng.

Gia đình của chúng tôi được Nước Úc nhận theo diện nhân đạo và đã cho chúng tôi một cuộc sống êm đềm đến ngày nay.
Bây giờ sau bao nhiêu năm nhìn lại, tôi thấy rằng có những chuyến đi “định mệnh” làm thay đổi cả cuộc đời mình. Có những chuyến đi mà cho đến khi xuôi tay nhắm mắt mình cũng chưa biết được chuyến đi đó có mang đến cho mình niềm hạnh phúc đích thực hay không?
Khánh Ly vẫn nức nở : “…Ngày mai em đi, cồn đá rêu phong rũ buồn. Đèn phố nghe mưa tủi hờn nghe ngoài trời giăng mây luôn…”

Úc Châu, tháng 12 năm 2012.
Diệu Thơ.

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Vài hình ảnh của Qui Nhơn 1965

Hình xin từ Facebook của http://www.facebook.com/dungxdang
Tác giả ảnh: Tim Wright

Nhà thờ Chính Tòa và đường Lê Thánh Tôn

Cửa tiệm trên đường Gia Long

Đường Nguyễn Huệ, bên phải là bờ biển...   
Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn.

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Cách làm bánh bèo chén Quy Nhơn

Xin chào SPQN!
Khi mình làm bài thơ vui về bánh bèo Quy Nhơn có lời còm đề nghị viết về Cách làm bánh bèo! Xin gởi SPQN những gì mình biết và đã làm về bánh bèo QN. Mong có thêm ý kiến từ các" bậc tiền bối " về bánh bèo, một món ăn quê hương của chúng ta.
Chúc BBT SPQN nhiều sức khoẻ, tinh thần an lạc!
ĐO.





Nguyên liệu:

- 1 kí gạo loại nở xốp, hoặc 1kí lô bột gạo khô.
- 100g tôm khô loại ngon, hoặc ½ kí tôm  đất tươi.
- 100g hành tím.
- Hẹ Quy Nhơn xắt nhỏ.
- Bánh mì lạt cắt hạt lưu ( 1 ổ ).
- Ớt ( tuỳ khầu vị ), tỏi ( 1 củ ), đường, chanh để làm nước chấm.
- Nước mắm ngon ( 1 chén ).
- Dầu ăn ( 1 chén )
Vật liệu;

- Chén bánh bèo ( 50 cái ).
- Xửng hấp bánh.

Cách làm:

Pha bột:
 _ Cách truyền thống: 1 kí gạo loại nở xốp ( không phải loại gạo dẻo ngon ) ngâm nước lạnh khoảng 6 tiếng. Thường  khi mình định làm bánh bèo thì tối trước khi ngủ ngâm gạo đến sáng dậy vớt gạo mang đi xay. Pha thêm 1,5 lít nước ấm và 1 muỗng cà phê muối bột. Để khoảng 1 tiếng nữa cho bột nở mới bắt đầu đổ bánh.
  _ Cách hiện đại: Dễ hơn nhưng không ngon bằng cách truyền thống. 1 kí bột khô hoà với 2 lít nước ấm và 1 muỗng cà phê muối bột. Để khoảng 1 tiếng sau mới đổ bánh.
  _ Bánh bèo Huế : có pha thêm 100g bột năng nhưng bánh bèo chén Quy Nhơn thì chỉ với bột gạo nguyên chất.
 Trong khi chờ bột nở làm các khâu sau:

1.   Chiên bánh mì:
Đun nóng khoàng 1 chén dầu ăn. Bỏ bánh mì đã xắt hạt lưu vào, đảo đều tay. Bánh mì vừa đổi màu dùng vợt vớt ra liền. Bỏ trên giấy thấm cho ráo dầu.

2.   Phi hành tím và hẹ:
Hành tím xắt mỏng phơi nắng. Hẹ Quy Nhơn ( cọng rất nhỏ mà rất thơm ) xắt nhỏ. Chảo dầu sau khi vớt bánh mì ra, bỏ hành tím vào, đảo đều tay, khi hành vừa đổi màu bắt chảo xuống, vớt hành ra giấy thấm cho ráo đầu. Hành phi có màu vàng và dòn rụm là đạt yêu cầu. Phần dầu còn nóng bỏ hẹ đã xắt nhỏ vào.

3.   Tôm chấy:
_ Tôm khô: ngâm nước khoảng 2 tiếng cho nở mềm. Bỏ tôm vào cối giã nhuyễn ( hoặc xay bằng máy xay sinh tố loại cối nhỏ để xay tiêu ). Cho vào ½ muỗng cà phê hạt nêm và ½ muỗng tiêu sọ. Bỏ vào chảo đã rửa sạch, nhớ không được cho dầu vào, bắc lên bếp chấy với lửa nhỏ khoảng 10 phút  tôm tơi xốp xốp như  bông là được.
     _ Tôm tươi: Hấp chín, lột vỏ, bỏ vào cối giã nhuyễn. Cho thêm vào ½  muỗng cà phê hạt nêm và ½ cà phê tiêu sọ. Cách chấy tôm tươi giống như tôm khô. Tuy tôm tươi không được tơi xốp như tôm khô nhưng ngon ngọt hơn.
 
4.    Nước chấm:
  Môt chén nước mắm ngon, một chén đường cát trắng( có thể nhiều hoặc ít hơn tuỳ khẩu vị từng nhà ), 2 chén nước sôi để nguội, 1 trái chanh vắt lấy nước cốt. Hoà chung tất cả và bỏ 1 củ tỏi, ớt đã băm nhỏ vào.

Đổ Bánh:
Đổ nước vào xửng hấp bánh khoảng 2/3 nồi. Bắc lên bếp để nước thật sôi . Xếp chén vào xửng. Để thêm khoảng 2 phút cho chén nóng đều. Bột phải quậy thật đều không được để phần lắng bột đặc ở dưới. Dùng bình nước hoặc ca có vòi để dễ chế bột vào chén.  Khi chén đã nóng chế bột đã quậy đều vào từng chén khoảng ½  chén bột, đừng đổ đầy quá bột còn nở ra thêm là vừa. Đậy kín nắp. Khoảng 5’ là bánh chín. Tiếp tục đổ bánh cho đến hết bột.


Ăn Bánh:
Bánh đã chín và các phần đã chuẩn bị xong, ta bắt đầu ăn khi bánh còn nóng. Thoa một lớp dầu hẹ trước rồi đến một lớp tôm chấy. Sau đó rắc hành phi và  bánh mì chiên lên trên. Chan nước chấm vào dùng phi đao tre ( nếu có ) hoặc muỗng cà phê để xắn bánh ra làm tư và … ùm,… ùm,…Ái chà! Quá đã! Quá đã!!!

Ghi Nhớ:
Bánh  chín phải xoáy tròn ở giữa mới đạt.
Dùng đồ gắp để gắp chén bánh ra chứ đừng dùng tay mà phỏng tay và làm bể chén! ( Mình đã bị phỏng rồi Hihihi! ). Bánh vớt ra cho úp mặt chén xuống mâm để bánh ráo mặt.
Thường xuyên canh chừng mực nước phải nhớ châm thêm cho đủ nước ( Mình cũng đã bị quên rồi! Hihihi )
Có thể làm sẵn bỏ tủ lạnh để ăn sáng! Khi ăn bỏ vào lò vi sóng hâm nóng lại ăn rất ngon!
Nếu thích loại bánh khuôn nhỏ như đồng xu thì dùng loại chung nhỏ ( loại mấy ông uống rượu ) để đổ bánh. Loại bánh này mình đặt tên là bánh bèo đồng tiền, vì nó nhỏ và xoáy tròn ở giữa như đồng tiền, ăn cũng rất ngon! ( xem hình ).

Chúc các bạn thành công và hứng thú khi làm món bánh dân dã đậm đà hương vị Quy Nhơn này!

Trần Đông Oanh

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...