Hiển thị các bài đăng có nhãn Viết ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Viết ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

MẸ VÀ CON.



 Ky Nguyen


     Từ khi được lũ nhỏ dạy cho cách sử dụng máy vi tính, mẹ già vui hẳn lên. Nhớ dạo đầu, học trước quên sau, mỗi khi bí mẹ lại " bớ thầy ", con cái đứa nào ở gần lúc đó vội chạy lại cứu bồ ngay. Khi đã khá thành thạo, mẹ đòi học cách " chat - chit "... Thằng  út gạt phăng  Mẹ không được học cái đó. toàn lũ nhí nhố, không hợp với mẹ đâu.... Mới ngày nào cu cậu bé tí, mỗi lần mẹ ôm về chồng sách mới, mượn ở tiệm sách quen gần nhà, hai đứa vội nhào đến hỏi rối rít quyển này con đọc được không hả mẹ ? Được mẹ gật đầu, chúng ôm sách chạy tới góc nhà đọc ngấu nghiến, say mê... vậy mà giờ đã biết lựa từng trang web cho mẹ vào xem...
      Sách, con đọc ban ngày, sau khi đã xong bài vở. Còn mẹ, xong hết việc nhà, việc trường... phải đến 9, 10 giờ đêm mới được lên giường, vừa đọc sách, vừa đan. Nhất cử... tam tứ tiện. Đan, để có thêm thu nhập. Đọc, để giết thời gian trống trải, để quên đi cái cảm giác " láng giềng lạnh ít, sao tôi lạnh nhiều... " Từ khi bố mất, mẹ rất sợ những đêm dài trằn trọc, suy nghĩ muốn vỡ cả đầu, vì thế sách là người bạn tốt nhất...
      Đến lúc bé biết bi bô, nhà mình càng thêm hương vị. Chỉ cần nghe điệu nhạc " Kìa con bướm vàng... " là bé nhún nhảy, đong đưa. Bà và bố mẹ múa phụ họa theo đủ mọi thể loại : hip hop, rock, chachacha... Bé làm theo  được tất. Rộn rã tiếng cười. Rộn rã niềm vui. Một ngày vất vả... như tan biến.






Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

MỘT THỜI NGHỊCH NGỢM.

-->
                 ( Tặng nhóm bạn vui tính  ngày ấy )

     Nội trú hồi đó lâu lâu lại  " cấm trại ", có nghĩa là không ai được ra khỏi trường, thế là hết xi nê, hết hẹn hò bát phố... Những hôm ấy sân trường lại dập dìu tài tử đến thăm giai nhân. Thôi thì đủ mọi sắc áo binh chủng... hải, lục, không quân. Sau này một anh bạn cũ đã trách khéo các cô hồi ấy chỉ mơ " hoa mai "  thôi, có mấy ai chịu " cộng chỉ số ", nam sinh Sư Phạm ngày ấy đành lép vế...
      Chúng tôi mới vào năm thứ nhất, còn khờ khạo, ngây thơ lắm. Nhìn cảnh các chị có người đến thăm cũng thấy buồn buồn, tủi tủi, bèn rủ nhau bày trò nghịch cho đỡ... cô đơn. Thế là cả bọn kéo ra đứng ở đầu hành lang lầu 3, gọi ơi ới xuống sân, lại còn đưa tay ngoắc ngoắc nữa chứ. Một tốp 3, 4 anh chàng xông lên ...  chúng tôi cuống cuồng chạy trốn. Phòng ở hồi ấy là lớp học dùng tạm, toàn cửa kính, cả bọn chui xuống gầm giường, chỗ cạnh cửa ra vào, nơi ấy có một khoảng tường thấp, nằm đè lên nhau, run rẩy, nín thở theo dõi từng bước chân đi lại ngoài hành lang, có cả tiếng đẩy cửa, tiếng nói, tiếng cười....Đợi mãi, đến khi tất cả đều im ắng, cả lũ mới lò dò chui ra. Mặt đứa nào cũng đỏ bừng, tóc tai lòa xòa, mồ hôi,mồ kê nhễ nhại....Chúng tôi nhìn nhau...  ôm bụng cười lăn lộn ,chảy cả nước mắt... Liều thật, các chị giám thị mà biết được chắc bị đuổi học hết. Không biết mai kia thành cô giáo có chừa được cái tính nghịch ngợm này?

Kynguyen

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Món Quà


Chồng tôi hay cười, ăn nói nhẹ nhàng và thích đùa tếu. Đối với anh chuyện gì cũng nhẹ như bông. Tôi thì khác hẳn,  dù cũng giống anh, ăn nói nhẹ nhàng nhưng việc gì  vào tay tôi thì cũng phải cho đàng hoàng và chỉn chu.  Anh hay nói tôi quan trọng hoá vấn đề.
Hai đứa quen nhau sau năm 75 khi cùng dạy một trường. Tôi hơn anh hai tuổi nên ngày ấy nói chuyện với nhau đều xưng tên và tôi đã không hề ngờ rằng anh chàng nhỏ tuổi hơn này sau đó là chồng tôi.
Đến một ngày, anh mời tôi đi uống cà phê và nói:
-         Ba Xuân biết Thu. Ba nói ba má Xuân biết gia đình Thu rất rõ.
Tôi ngạc nhiên:
      - Vậy à?
Anh cười cười nói tiếp:
-         Ba còn nói ba má Xuân muốn làm sui với ba má Thu đó!
Tôi tiếp tục ngạc nhiên:
-         Hả?  Thiệt hông? Đừng có giỡn chuyện này à nghen!
-         Thiệt mà! Hổng tin bữa nào Thu hỏi ba Xuân coi!
Tôi nghĩ thầm hổng biết anh chàng này đang nói giỡn hay là đang tỏ tình với mình đây.  Làm sao dám đem người lớn ra mà nói giỡn, còn tỏ tình mà kiểu này thì thiệt là…kì cục!Tôi ngồi im không trả lời. Chặp sau anh hỏi, giọng có phần bối rối:
-         Thu…Thu…thấy sao? Xuân đang chờ Thu trả lời!
Tôi đáp nhanh:
-         Bất ngờ quá. Thu cũng không biết nói sao!
Bỗng nhớ ra một điều quan trọng, tôi nhìn thằng vào anh. Lúc ấy mặt anh đỏ như  gấc. Tôi cũng thấy mặt mũi mình nóng ran lên. Tôi ngập ngừng hỏi nhỏ:
-         Đó là …ý của ba má Xuân! Thu…Thu…muốn biết  còn ý của Xuân thì  sao kìa!
Hình như chỉ chờ có câu hỏi đó. Anh chàng vội vàng trả lời và tự nhiên bị…cà lăm:
-         Ồ! Xuân…Xuân…muốn Thu…muốn Thu…từ…từ…lâu rồi!
Tôi bật cười. Anh cũng cười. Rồi cả hai cùng cười to. Tôi hẹn một tuần sau trả lời! Và thế là sau đó chúng tôi thành vợ chồng!

Sau này tôi mới biết được đó là lần đầu tiên và duy nhất anh tỏ tình và cầu hôn theo kiểu ấy. Anh bạo gan ngỏ ý với tôi đúng là nhờ sự động viên và cố vấn của cha chồng tôi. Trước đó cũng có nhiều cô thích anh, trong số đó có một cô tên Sa rất yêu anh và tấn công anh bằng cách lấy lòng má anh. Hằng ngày cô đến phụ má anh dọn hàng ra chợ bán. Hồi đó má anh có gian hàng bán đồ khô ở Chợ Lớn. Ngày Chợ Lớn Quy Nhơn bị cháy, cô chạy đến khóc với má anh và cùng ngồi với má anh ở chợ để bươi lại đống tro than của gian hàng hầu kiếm lại chút gì còn sót! Anh kể lúc ấy anh cũng cảm động lắm nhưng chẳng thấy thích Sa có lẽ vì anh nghĩ ai lại cọc đi tìm trâu! Tính anh cũng nhút nhát. Bông lơn là vậy nhưng khi đụng tới chuyện con gái là im thin thít. Nghe nói sau này cô Sa có chồng và cùng chồng vượt biên sang Mỹ, hai vợ chồng không có con và họ đã li dị.

Chúng tôi có hai con trai. Cuộc sống của vợ chồng tôi nói chung cũng ổn, dù rất nhiều khi tôi  thấy mệt mỏi vì tính vô lo của chồng. Có khi tôi có cảm giác mình là người mẹ đơn thân có ba người con trai. Sau giờ dạy anh không bao giờ từ chối những chầu cà phê hay những cuộc vui lai rai với bạn bè. Vì anh vui tính nên anh có rất nhiều bạn bè. Những việc trong ngoài gia đình đều do một tay tôi bươn chải, từ việc dạy học, kiếm sống cho đến việc quán xuyến trong nhà. Những khi tôi phàn nàn thì anh  không giận mà chỉ nói vì em lo ngon lành hơn anh nên anh để cho em lo luôn! Chán thật! Nhưng cũng may là tôi luôn tự an ủi mình, thôi kệ, dù sao anh cũng không có thói trăng hoa và vũ phu như một số chồng của bạn tôi. Anh cũng không khó chịu xét nét bắt bẻ mà hay chọc cho tôi cười xoà mỗi khi tôi bực mình. Dù sao anh cũng là một người chồng chung thuỷ và là một người cha dễ chịu và yêu con hết mực!

Một hôm, sau khi uống cà phê với bạn bè, anh hí hửng về nhà xoè ra trước mặt tôi hai tờ giấy 100USD ( lúc ấy tương đương khoảng  bốn chỉ vàng ). Anh nói:
-         Em cầm tiền này muốn mua sắm gì trong nhà thì mua.  Anh thấy mình chưa có máy giặt và đầu máy video đó!
Tôi ngạc nhiên:
-         Tiền đô-la ở đâu anh có vậy?
Anh cười hể hả:
-         Tiền đô-la thì là ở Mỹ chớ ở đâu!
Tôi cau mày:
-         Thôi đừng giỡn nữa Tiền này ai đưa cho anh?
Anh ngập ngừng một hồi rồi nói:
-         Anh mới gặp Sa. Cổ mới ở Mỹ về và tình cờ gặp anh ở quán cà phê. Cổ nói muốn tặng anh một món quà mà lâu quá rồi nên không biết anh thích gì! Cô bảo đưa món tiền này về đưa em nhờ em mua sắm giùm cổ món  gì còn thiếu trong nhà mình. Coi như là tấm lòng của cổ!
Tôi sững sờ, cảm thấy người lạnh ngắt! Và đó là lần đầu tiên tôi to tiếng với chồng:
       - Nhà này nghèo thiệt, còn thiếu nhiều thứ thiệt. Nhưng tôi không cần món quà này! Anh cầm tiền này đi làm gì đó thì tuỳ anh, tôi không cần biết! Thật không thể hiểu nỗi! Anh nghĩ sao mà cầm món tiền này từ tay cô Sa , mà lại còn đem về đưa cho tôi nữa!!!

Trần Thảo Nguyên ( 26/3/2012

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Người thầy dấu yêu !


          Trí nhớ của Con thuộc dạng không tốt lắm ! Chỉ còn nhớ tên Thầy , Thầy Nở dạy môn Sư Phạm lí thuyết , Thầy không được cao lắm , như hầu hết các Thầy trường SP dạo ấy đều có dáng như thầy  , nhưng sao thật tuyệt vời , một vầng trán rộng ,  một trí tuệ tuyệt hảo , một tâm huyết người Thầy rạng sáng , một hình ảnh suốt đời Con nguyện noi theo . “Không phải mèo khen mèo …” Nhờ Thầy khó (… Cúa 1 ) , Con nhớ như in , bài kiểm tra viết con 18,5 ( điểm 20 ) , Thầy cũng không tin , gọi lên bàn , đứng xuôi tay , đọc trình tự các môn dạy làu làu , Thầy gật đầu mỉm cười , cho về chỗ . Bạn nào hơi vấp , a lê hấp về chỗ ngay , cho nợ , lần sau, liệu hồn , nếu 3 lần không thuộc , cơ may xách gói ra trường sớm , mất dạy cả đời !
          Nhờ vậy 40 năm giảng dạy , 36 năm làm quản lí , kiến thức Thầy dạy , Con nhớ như in , bí chỗ nào , kiến thức xưa soi sáng chỗ ấy , thật tuyệt vời ! Làm hiệu trưởng tiếp nhận hàng trăm giáo sinh ,ra trường trình diện , điều đầu tiên Con trao đổi là :  Anh , chị trình bày  sơ nét về trình tự bài dạy , các em đều chữ thầy trả cho Thầy , lơ mơ câu được câu mất . Bài học tiếng Anh ngày xưa  con còn nhớ … : -Thầy giáo là một nghệ sĩ , nghệ sĩ đứng trên sân khấu thế nào , Thầy giáo đứng trên bục giảng cũng vậy . Kịch bản không thuộc  thì làm sao diễn  tốt được ! làm sao thu hút được khán giả ! Thầy thật chí lí khi yêu cầu giáo sinh phải thuộc nằm lòng trình tự các môn dạy tiểu học .
          Cách đây 5 năm , có dịp trở về Nha Trang thăm trường cũ ngày xưa mình dạy . Tình cờ ,Thăm Thầy Tiền , Chánh thanh tra giáo dục tỉnh Khánh hòa ngày ấy , mới biết Thầy hiện sống tại Thành ,huyện Diên Khánh ,  gần chợ Thanh Minh , nơi ở trọ của Tôi ngày đầu đi dạy .Gặp Thầy một buổi chiều ,Thầy đang tưới cây kiểng , với bước đi khó khăn , Thầy bị tai biến ! Sau trên 30 năm gặp lại , Thầy vẫn như xưa , vẫn ánh mắt như hút hồn người người tiếp xúc , Thầy ân cần hỏi thăm , Thầy rất vui khi nghe tin Tôi còn dạy học , dù tai biến đi lại khó khăn , nhưng Thầy vẫn  nhận dạy phụ đạo  học sinh gỏi tiếng Anh của huyện ( hình như Thầy đã từng du học trời Tây … )
          Hôm nay, qua thông tin của bạn  Thạch , Thầy đã vĩnh viễn ra đi …( hẹn gặp Thầy cõi vĩnh hằng ) …nhưng Thầy vẫn còn in dấu mãi mãi trong con . Suốt đời con không quên công ơn của Thầy . Để trả nợ  ơn Thầy , Con chỉ biết làm tốt nhiệm vụ của mình , mặc dù rất gian nan , nhưng không khác được vì là học trò của thầy ! hai năm nữa , con đường phục vụ sẽ kết thúc , mong sao giữ trọn lời Thầy !!! 

.Suối nho , 27/3/2012.
Võ Thủ Tịnh người học trò của Thầy .

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Hương xưa


Bốn mươi hai năm qua rồi mới liên lạc được với các bạn Sư phạm Quy Nhơn, cùng lời hẹn về thăm lại trường xưa.
Bốn mươi hai năm, khoảng thời gian quá dài cho một đời người truân chuyên, nhưng nhìn lại như mới thoáng hôm qua.
Vẫn còn đâu đó những mùi hương, một chuỗi những mùi hương đã trót gắn bó với ta những năm tháng tóc còn xanh.
Những ngày đầu tiên lạ lẫm đặt chân đến trường, ta như choáng ngợp trong hương thơm của gió biển, của thông xanh bát ngát.
Nội trú năm nhất niên với một hành lang dài, để đêm đêm từ đó, ta có thể ngắm nhìn ánh đèn máy bay chớp sáng từ dãy núi xa, hít thở mùi hương của đêm, nồng nàn, tĩnh lặng.
Ta nhớ mùi hương của Mẹ, vòng tay ấm của Cha và khóc một mình.
Nỗi nhớ rồi cũng vơi, những bạn bè đã trở nên rất đỗi thiết thân.
Ta nhớ mãi những buổi Thầy hiệu trưởng lên thăm phòng nội trú, Thầy hiền từ là thế mà sao ta vẫn cứ sợ sợ là, nỗi sợ hãi xem lẫn niềm kính yêu của tất cả giáo sinh thơ ngây như ta ngày ấy. Thầy bảo “hãy học thêm lên, nếu em nào đã có tú tài bán thì học thi toàn, nếu có tú tài toàn thì học thêm đại học, sao cả ngày cứ mãi đan với lát thế”. Các thầy cô mãi mong muốn học sinh mình hoàn thiện hơn.
Những mùi hương quyến rũ của đời làm giáo sinh còn là mùi hương của những mái tranh, mùi rơm rạ, mùi hoa đại của những chuyến đi công tác văn chính xã về các miền quê xa xôi trên những chuyến xe lam khét nghẹt mùi xăng, mùi hương nông nàn của gió biển Cù Lao Xanh.
Lên nhị niên, cuộc sống đã tất bật hơn với những bài vở, với những buổi đi thực tập.
Khu nội trú mới tiện nghi hơn, nhưng ngột ngạt như một hộp diêm khổng lồ. Ta không còn được ngắm biển, ngắm thông vì phòng ta ở tầng thấp nhất, chỉ còn được nghe tiếng sóng biển gầm thét mỗi đêm.
Ta cùng bạn ta đã nhiều lần lén ra khu vườn cổ tích (là nhà thầy hiệu trưởng), lượm những cánh hoa vàng cài lên tóc và ngỡ như được tắm đẫm trong vô vàn hương hoa.
Ngày thi ra trường sắp đến, ta và các bạn vùi đầu vào học thi, có những bạn học ở các cột điện cao áp, ta và các bạn khác vào giảng đường học. Khi điện tắt, đèn dầu được thắp lên. Cần mẫn chăm chỉ như những chú ong thợ, sao mà dễ thương đến vậy, các bạn ta ơi.
Những ngày tháng cuối cùng còn được ở trường, ta vẫn thơ thẩn một mình dọc hành lang giảng đường, những phòng học tối om, những tấm bảng đen câm nín, ta khẽ nói: “tạm biệt, tạm biệt trường ơi, lớp ơi”, lòng rưng rưng muốn khóc.
Không được may mắn như các bạn cùng khóa, vì thời cuộc, ta không còn được tiếp tục đi dạy nữa. Nhưng cho dù năm tháng đã đi qua và bể dâu cuộc đời cùng bao thăng trầm của cuộc sống đã cho ta lắm nổi đa đoan, ta vẫn không thể nào quên chút hương xưa của một thời học làm cô giáo.

Kim Liên
Sư phạm Quy Nhơn khóa 7

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Nơi những dòng sông gặp lại

Nơi những dòng sông gặp lại , đó cũng là nơi mà từ đó những dòng sông đã chia xa , rẽ nhánh . Rồi cứ thế mỗi dòng sông lớn dần lên , chảy xa hơn . Trên quãng đường đi qua , sông lại mang theo từ hạt cát nhỏ , rồi lá vàng rơi từ nhánh cây ven đường , cũng có thể là xác một con vật nào đó ...tất cả đã quyện lại thành dòng phù sa và sông để lại hai bên bờ rồi cứ thế sông tiếp tục đi , mặc cho lòng sông có đau xót bởi vết xước của đá sỏi , mặc cho vẩn đục bởi sự tan rữa của xác vật làm ô nhiễm nhưng dòng sông vẫn thong thả trôi qua , êm ả như từng tờ lịch bị xé rách , bị bỏ quên khi hôm qua đã không còn là hôm nay .
Những dòng sông kia đã đi nhưng phù sa vẫn còn đó , ở đó đời vẫn thấy những cây non lớn lên mỗi ngày . Có những dòng sông chưa kịp về lại nơi bắt đầu đã vội qua đời - có ai biết không (?)- một khoảng trống ghi dấu chỗ ngồi hay bước chân , hay chỉ là tiếng cười , hay vẫn chỉ là khoảng không gian yêu thương ...
Câu chuyện về những dòng sông là một chuỗi những bãng lãng như khói mây , có khúc quanh dằng dặc muộn phiền , nhưng làm sao quên phù sa kia đã nuôi lớn những con người hiện hữu trên đời có phần xương thịt được mang hồn của những dòng sông xưa . Sông đã để lại tất cả cho đời .
Để có một ngày gặp lại ,vỡ òa trong nỗi nhớ một tình yêu bao la , rộng lớn như bầu trời , một gần gũi bình thường như cái bắt tay ... chúng tôi đó , cười nói như trẻ thơ , bao dung bác ái như người già ,mạnh mẽ oai dũng như tuổi thanh xuân ...Ôi ! những dòng sông không bao giờ có tuổi .

( Nghĩ về chuyến đi Về thăm trường cũ )
Thanh Bình K11

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Truyện cực ngắn

Cám ơn bạn Trần Đức Lượng - Nhị 4, K11 - đã gởi những truyện này về cho chúng tôi.
BBT SPQN
Chung Riêng- Nga Miên

Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên…

Uống chung một ly rượi mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…

Bàn tay
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.

Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.

Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.
 
Vòng cẩm thạch  - Jang My

Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường… Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo.
Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười:
-Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.
Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Như một lời hẹn ước...


*Riêng tặng các bạn II/5, k11,SPQN.

Như một lời hẹn ước, anh đã đi một chặng đường hơn năm trăm cây số để đến với em, đến với thành phố đầy ắp những kỉ niệm của chúng mình.
Cơn mưa về từ đêm qua làm anh chợt tỉnh giấc, chút cảm giác se lạnh len vào khung cửa sổ. Từng giọt mưa vẫn thánh thót rơi hoài, rơi hoài trong khoảng không gian tĩnh lặng, nhớ em! Đã bao lâu  rồi chúng mình chưa gặp lại nhau, em nhỉ? Hai năm rồi, ba năm rồi gì đó, dẫu biết thời gian có thừa lạnh lùng để làm nguôi đi tất cả, nhưng thời gian không là gì đối với chúng mình, phải không em ?
Buối sáng, không có em, bên chiếc bàn nhỏ, nơi mà hai đứa thường ngồi ăn sáng, chỉ còn mỗi mình anh. Tô mì Quảng nghe chừng nhạt thếch, lát ớt đỏ bỗng cay sè đầu lưỡi, cọng giá cũng buồn nằm co quắp trong tô. Trên vòm lá dày còn ướt đẫm sương đêm, tiếng hót của con chim họa mi nào đó hót vang: quạnh quẽ.
Buổi sáng, không có em, nhìn từng giọt café nhỏ giọt. Không gian của quán Du Miên chừng như rộng thêm ra. Giữa những bức tường đá vô tri, anh ngồi và nghĩ về tình yêu của đôi ta: “rồi như đá ngây ngô”…
Buổi chiều, không có em. Buổi họp mặt SPQN vẫn tổ chức hàng năm. Anh đến đó sớm hơn mọi lần. Chọn cho mình một chiếc ghế. Ngồi đếm thời gian, đếm từng người đến dự họp như đếm từng nỗi nhớ để lấp đầy khoảng trống vắng trong anh. Giờ khai mạc, anh Nguyễn Dũ đọc báo cáo, ngoài kia, nắng chiều xuống thấp, người đến cũng thưa dần, sao em không đến? Gặp nhau, các bạn cùng lớp, cùng khóa, hàn huyên tâm sự. Chiếc bàn vụn vỡ tiếng nói cười… Anh vẫn dành cho em một chiêc ghế cạnh kề, sao em vẫn chưa đến? Trên bục diễn, một giọng hát vang lên: “Một lần yêu em, một đời bão nổi, giã từ, giã từ, chiều mưa giông tới, em ơi, em ơi”. Thôi thì: “một…hai…ba…dzô !” một ly cho vơi bớt nỗi buồn em nhé.
Tiệc tan. Ra về, mỗi người mỗi ngã. Cùng nhắc nhau về một lần gặp lại: “Kỉ niệm 50 năm thành lập trường”. Sao em không đến để mang cho anh một lời hẹn: “năm sau ”?
Buổi tối, anh rời Sài Gòn, không có em đưa tiễn, sân ga buồn tênh. Bước lên tàu, cố ngoái đầu nhìn lại, ngỡ bóng dáng em vẫn còn hiện hữu đâu đó, ở cuối đường thênh thang…
                                                                       
Sài Gòn 3 /7/2011
            Nhàn Du

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Viết Ngắn - cho ngày họp mặt

Choáng ngợp những cảm xúc .
                                            Irene.

Xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi vội vã đến nhà hàng Bích Câu để họp mặt truyền thống cựu giáo sinh Sư Phạm Quy Nhơn.
Đây là lần đầu tiên tôi đi họp mặt, thoáng chút bối rối, ngỡ ngàng khi nhìn những khuôn mặt lạ - quen .
Chị Trâm, đã từng dạy cùng trường Lê lợi QN, sau thời gian dài gặp lại tôi cũng bỡ ngỡ .
Nghe cái giọng Bắc âm ấm, quen quen từ micro nhưng phải một lúc sau tôi mới nhận ra anh Chúc nhị 2 khóa 11, một thời là phát thanh viên  Đài Truyền Hình Quy Nhơn.
Thoáng thấy Quảng Đình Tú, anh bạn cùng lớp tôi vội đến bên cạnh và từ giây phút này về sau tôi choáng ngợp trong những cảm xúc từ một thời dưới mái trường Sư phạm hiện về. Các bạn nhị 2 k11 : Anh Hải từ Quy Nhơn vào …Các bạn nhị 6 k11 : Võ Thủ Tịnh từ Đồng Nai về, Quảng Đình Tú, Huỳnh Kim Thạch, Phan Văn Thanh đang ở Sài gòn, Nguyễn Sĩ Tạo từ Quy Nhơn vào, Bùi Văn Tạo từ Quảng Ngãi đến. Anh Trần Minh Triền khóa 7 cũng đến, phải trên mấy chục năm anh em mới gặp lại mừng mừng, cầm tay nhau. Anh Trần Đức Lượng nhị 4 K11, nghe anh đã lâu nay tôi mới gặp, tay trong tay không muốn rời, còn nhiều anh chị các khóa mà tôi không thể kể hết được…Tất cả chúng tôi như đều trẻ lại như tuổi đôi mươi.
Nhìn thấy các thầy Đặng Văn Tháo, thầy Hoàng Hy, Thầy Linh, Thầy Dũ …các thầy đều khỏe và vui trong cái tình cảm ấm áp của các anh chị dành cho nhau.
Anh Thành giọng hát vẫn khỏe như dạo nào, các chị K8,K9… hát rất hay .
Các bạn nhắc lại những kỷ niệm xưa, những khuôn mặt bạn bè cùng cuộc sống hiện tại. Mừng người có mặt nhưng cũng không quên các bạn ở xa và lại càng không thể quên các bạn đã vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống này. Sĩ Tạo khẽ hát nho nhỏ : Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi…( Một cõi đi về - Trịnh Công Sơn) .
Chúng tôi mỗi lớp dăm ba người nhưng sao tôi cảm giác như cả lớp đang cùng họp mặt. Bàn bạc với nhau, cuối cùng chúng tôi phân nhóm anh Nguyễn Sĩ Tạo Quy Nhơn, anh Huỳnh Kim Thạch Tuy Hòa , anh Bùi Văn Tạo Quảng Ngãi… sau cuộc họp mặt hôm nay, các anh sẽ liên lạc tìm lại các bạn  ở từng địa phương và tạo mọi điều kiện để có mặt trong cuộc họp 2012. Thoáng chốc tôi thấy trước mắt tôi cuộc họp mặt Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường Sư Phạm Quy Nhơn (1962-1975) vào năm 2012 sẽ đông đủ các bạn bè hơn, không khí đầm ấm vui vẻ tràn đầy tình thân.
                      
 Kỷ niệm cuộc họp cựu GSSP Quy Nhơn lần thứ 13.
 Irene Khóa 11.

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...