Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Viết tiếp cho anh… Chuỗi ngày gian nan

-->kimloan


Anh thương…

Về đây vắng bóng anh rồi em lo sợ làm sao, sợ lại phải chia cắt thêm hai miền Trung – Nam. Đôi khi thầm nghĩ, nếu anh đã vào được Sài Gòn còn em lại ở Qui Nhơn thì… trời ơi… buồn nẫu ruột, phải không anh.

Tâm trạng chung lúc này ai cũng nghĩ là “xong” cho rồi… để mọi gia đình được gặp nhau vì ai cũng có người nhà vào được trong Nam cả.

Thế rồi mọi chuyện cũng đã kết thúc… Ai nấy thở phào nhẹ nhỏm và bọn mình sẽ được gặp nhau anh nhé ! Nhưng không ngờ, ngày này qua tháng nọ tin tức về anh vẫn bặt âm vô tín. Em lo sợ thật rồi, không biết bây giờ anh ở đâu, anh ơi… Nhớ sớm báo tin cho gia đình nhé ! Đôi khi em nghĩ biết đâu anh đã ra nước ngoài rồi thì sao.

Viết đến đây lòng em buồn rười rượi… Vậy anh có hiểu cho tâm trạng em lúc này như thế nào không, hả anh ?

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

TỰA ĐỀ NHỮNG BÀI VIẾT TRÊN TRANG SƯ PHẠM 2012 (P2)


Bạn của Nhị 6

Tân niên Quí Tỵ đã đến rồi đây
Ngắm hoa đua nở nhớ “Xuân kỳ”
“Thơ thầy Đàm Khánh Hỷ” luôn còn trên trang
Thầy ơi ! Thầy “Tặng con rồng” giáo sinh
Lời thầy dạy chúng con ghi nhớ:
“Nhỏ không học lớn đi dạy” làm sao?

Thầy ,cô “Bóng cội cây già” chở che
“Trầm luân” một biển bao la... qua rồi
Giờ đây khóa cuối cũng đà sáu mươi
Gặp nhau là miệng nhoẻn cười
Mang đôi “Guốc mộc” “Nhớ thời giáo sinh”

“Về tấm bằng chứng chỉ khả năng sư phạm”
(Tịnh ơi giữ nhé,giữ Danh trường mình
Dù phải lấy hết bình sinh  gìn giữ
thì ta vẫn cứ vững tin về mình phải không?)

“Lời tự sự hôm nay” Với “Nhật ký ngày về”
Cảm,Ren ghi lại “Cảm xúc ngày về” tháng năm
“Xúc động” “Về lại mái trường xưa” lưu dấu
Mỗi bài viết “Như tia nắng mặt trời”
 Như làn gió gọi bạn bè về đây
Ta cùng cất tiếng lên ca bài ca “Sư phạm hành khúc”

“Về thăm trường cũ” còn “Dấu chân”Xưa
“Tìm bạn” “ở hai đầu nỗi nhớ” “Trở về”
“Hình ảnh đồng môn gặp gỡ” “Hình ảnh xưa”
Gợi bao nỗi nhớ  về thời giáo sinh
“Người thầy dấu yêu” như có ở quanh mình
Hàng sứ già lặng đứng thoảng “Hương xưa”

“Tháng năm lại về_ thơ Xuân đài” gợi nhớ
“Qui nhơn tôi yêu _thơ Đông Oanh” “Bánh bèo”...
 Về “Ngày hội ngô _thơ Vũ Hải Châu” còn:
“Chùm thơ Võ Ngọc Lam “ có “ Thơ Bích Tuyền”
“Thơ Bạch Xuân Lộc” bên “Chùm thơ Đinh Khoa k mười”
“Thơ Phạm Mộ đức” trải dài trên  mạng
“Chiều ơi nhớ mẹ_thơ Lại Giang” hiếu hòa...
“Mối tình thơ _thơ đặng Nam Phương”
Và còn nhiều nhiều nữa bài thơ trang nhà
Các anh chị đã gửi tình vào thơ ca
Tình thầy, tình mẹ, tình đồng môn
Tình yêu trường lớp, tình yêu cô trò
Bồi hồi xúc động khi gặp lại chia xa
Bao nhiêu tình ấy thiếu tình yêu xưa.

“Vô cớ” để thiếu thơ tình giáo sinh
Thơ này tôi thấy bạn mình làm hay
“Chùm thơ _Trần Hiền Tuấn k mười một”
“Chùm Thơ _Trần Quốc Dõng”
Hồi ức tình xưa chảy bằng lời vào thơ bạn
Quốc Dõng ( Hiền Tuấn ) đã kỳ công
Lật từng Viên cát trắng của biển đông
để “Tìm em” mà nào thấy phải không?
Lẽ nào “Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi” sao
“Hàn Diệu Phương_Tình xa” rồi Tuấn biết không?
Thấp thoáng bóng ai “Trên thành phố mù sương”
“Màu tím bằng lăng” đẹp mà buồn Tuấn nhỉ !


“Đôi mắt” nào hay “Đôi mắt Pleiku”
Khiến Ren nghĩ tới “Thời con gái đã xa”
Có phải bạn mới nghe “Bài ca sinh nhật”
Hay bạn mới đọc ”Viết cho anh...Kim Loan”

Ren ơi ! “Mùa đông dịu dàng” lắm
Sẽ không phải “Noel một mình” nữa đâu
Bên Ren có nhiều bạn muốn sẻ chia
“Sự tình tháng chạp” đã qua lâu rồi
“Hạnh phúc đầu xuân” không đến muộn
Bạn “Đón tết đầu xuân nơi xứ người” mà:
Không phải hỏi: “Tết này anh ăn tết ở đâu”
đó ! Hạnh phúc đã gõ cửa rồi
Và nụ cười sẽ nở trên môi “ ông già mù và tiếng sáo”
“Gợi giấc mơ xưa” sẽ vỗ về bạn
“Anh đi rồi” ôi ! “Nỗi nhớ dịu êm”

Nhớ “Ngôi trường mến yêu”,nhớ “Căn nhà xù xì”
Nhớ “Trung thu xưa” bên gia đình sum họp
Nhớ lời cha : “Đừng để buồn lên mắt mẹ”
Nhớ rất nhiều nhưng đau đáu nhất
Bạn bè xưa,người cũ phiêu bạt nơi đâu
Chẳng thể gặp nên: “Nhắn tìm bạn cũ”
“Quà tặng của Admin” là quà tặng đặc biệt
Sau mỗi ngày “Thư của ban biên tập” gửi đi
Là thêm nữa những người bạn được kết nối
Dẫu xa xôi hay cách trở cũng tìm về...

“Cuộc phiêu lưu của đàn kiến” còn tiếp diễn
“Những chuyến đi ấm áp” sẽ nhân lên
Để họ hàng nhà kiến mãi sum vầy hạnh phúc
Và thế nhé vui đường đời ta bước...
Thời gian trôi không chờ đợi bao giờ.

Bạn của Nhị 6 

THẦY TÔI

                                               Thanh Cảm

        Mùng 9 Tết, Sài Gòn đã trở về nhịp sống bình thường dù hương xuân vẫn còn thoảng vương đâu đó. Nhóm bạn k11 chúng tôi cùng hẹn nhau đến thăm thầy Hoàng Hy, thầy giáo dạy nhạc của chúng tôi, một trong những người thầy mà chúng tôi yêu kính từ thời là giáo sinh của trường Sư Phạm Qui Nhơn.
        Chiều xuống thấp, vài tia nắng nhạt lướt thướt bên triền sông xa xa…Đợi tôi và một bạn lóp nhị 10 dưới chân cầu vượt Bình Triệu là bạn Thạch cùng cô bạn đời nhỏ nhắn của bạn ấy. Bốn chúng tôi hòa vào dòng người xuôi ngược trên những con phố đông đúc vào giờ tan tầm. Thành phố sau một kỳ nghĩ Tết dài đã trở lại nhịp sống nhộn nhịp vốn có của một Sài Gòn trẻ trung và năng động. Buổi sáng, những dòng xe nối đuôi nhau từ Thủ Đức qua quốc lộ 13 đổ về trung tâm thành phố, khởi đầu cho một năm làm việc và học tập mới. Chiều về, những con đường lại hối hả tất bật với người xe chen chúc dù hôm nay vẫn còn là một ngày “mùng” của những ngày Tết cổ truyền!
       Những con phố chúng tôi đi qua vẫn còn vẹn nguyên hương vị của ngày Tết. Sắc Xuân vẫn còn vấn vương trên những góc phố, hàng cây. Bến xe Miền Đông với từng  chuyến xe khách nối đuôi nhau vào bến mang những người con rời quê trở lại nơi này để học tập và để mưu sinh. Những con đường Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng rồi Phan Đăng Lưu, Huỳnh Văn Bánh….đưa chúng tôi đến nhà thầy nắng đã lưa thưa và chiều đã dần tắt!
      Vào một con hẻm sạch bong và yên tĩnh trên đường Hồ Biểu Chánh, chúng tôi rẻ vào nhà thầy. Ngôi nhà khang trang nép mình ở cuối con hẻm vắng yên bình. Đón chúng tôi ở đầu hè là nụ cười nhân hậu của cô cùng nét rạng rỡ hân hoan của thầy. Ngỡ ngàng giây lát, tôi bỗng ôm chầm lấy thầy, tình thầy trò sao mà lung linh quá! Trong vòng tay của thầy tôi như vẫn là cô giáo sinh mười tám được sự chở che và dìu dắt của những người thầy, người cô đáng kính ngày nào, cho dù bây giờ tôi đã vào cái tuổi sáu mươi và thầy cô tôi thì sương trắng đã bạc cả mái đầu!
       Nhà thầy bài trí đơn giản nhưng thật ấm cúng và sang trọng. Phòng khách với chiếc đàn dương cầm màu đen quen thuộc của thầy bên lọ hoa hồng đỏ còn e ấp nụ ở góc phòng. Chúng tôi vừa ngồi xuống bộ xô pha màu đỏ thẩm tinh tế đặt ở giữa nhà thì bạn Lượng lớp nhị 4 cũng vừa đến cùng cô bạn đời xinh xinh của bạn ấy. Vậy là buổi viếng thăm và chúc Tết thầy của chúng tôi lại thêm rôm rả đông vui và rộn ràng tiếng nói cười đàn hát. Cô ân cần đưa tận tay và nhắc chúng tôi dùng những bánh mứt do chính cô và các em làm, cô nhắc lại những nỗi cơ cực của gia đình bạn Thạch, của anh Thành k10, của những học trò xưa…cùng những sẻ chia ấm áp trong tình thầy trò lúc khó khăn vất vả. Khi nghe tôi tâm sự về cuộc sống của mình trong thời gian qua, tôi thấy trong mắt thầy cô như đang rơm rớm! Cô nói :“ Cô nghe thầy nhắc đến T.C nhiều lần, nhưng cho đến hôm nay mới có dịp gặp em!”. Tôi nghe mà thấy lòng mình thật ấm!
       Thầy nói tôi hát lại cho thầy nghe bài “ Xuân Ca” của Phạm Duy, rồi “ Hoài Cảm” của Cung Tiến… Cũng như ngày nào thầy đệm đàn cho tôi hát, tiếng kèn Melodica dìu dặt của thầy hòa lẫn tiếng guitar ấm áp của Lượng của Thạch làm không gian buổi chiều xuân ở nhà thầy thêm phần ấm cúng. Tuy bây giờ trông thầy có vẻ già hơn trước nhiều, tóc thầy đã bạc, da thầy đã phai, nhưng tôi vẫn nhận ra thầy từ giây phút đầu tiên sau hơn ba mươi chín năm thầy trò không gặp mặt. Vẫn cái dáng dong dỏng cao cao ấy, vẫn nét mặt và ánh mắt nghiêng nghiêng ấy mỗi khi thầy thả hồn theo từng phím nhạc mà những giáo sinh chúng tôi ngày đó vô cùng ngưỡng mộ!
       Tôi còn nhớ, những năm học Sư Phạm, mỗi lần đến giờ học nhạc là lớp lại vui như Tết. Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng xướng âm của thầy và trò cứ vang vang cả một khán phòng dạy nhạc rộng thênh thang. Tôi vốn là một trong những học trò mà thầy gần gủi và yêu thương dạy dỗ tận tình, có lẽ vì thầy dạy nhạc mà tôi là thành viên trong đội văn nghệ của trường nên mỗi lần đội đi diễn kết nghĩa các nơi là thầy lại cẩn thận tập cho chúng tôi từng bài ca, từng lời hát. Tiếng dương cầm ngọt ngào của thầy cùng những câu dân ca êm ái, những bài tình ca thấm đẩm yêu thương cứ thế nhẹ nhàng đi vào tâm hồn, nuôi dưỡng cảm xúc của một cô giáo sinh trẻ chớm bước chân vào vòng xoay ngiệt ngã của cuộc đời. Cái cảm xúc như sợi dây vô hình liên kết giữa cuộc sống muôn màu với thế giới chung quanh, cái cảm xúc cho tôi biết lắng nghe biết chia sẻ, biết mở rộng lòng mình và để tâm hồn không trơ lì và cạn kiệt niềm tin giữa dòng chảy đầy thác ghềnh của cuộc sống!
       Năm nhất niên, trong đêm văn nghệ truyền thống của trường tôi hát bài “ Chiều làng em” của Trúc Phương, may mắn tôi lại được giải và từ đó thầy quan tâm dìu dắt tôi trong những hoạt động của trường cũng như trong việc nuôi dưỡng tâm hồn qua âm nhạc! Bước qua năm nhị niên, được sự tin tưởng của bạn bè, được sự động viên khuyến khích của thầy, tôi đảm nhận nhiệm vụ “ Phó trưởng khối văn nghệ” của trường rồi cùng với thầy và anh Trưởng khối ở k12 từng bước xây dựng và đưa đội văn nghệ trường đi biểu diễn ở nhiều nơi từ Hải Minh, Cù lao Xanh bao la biển nước cho đến vùng đồi núi Hàm Rồng xa xôi…Ngày qua ngày, với sự ân cần chỉ dạy của thầy qua cách thổi hồn vào từng lời hát tôi thấy lòng mình thêm rộng mở, càng thêm yêu kính thầy cũng như thầy luôn xem tôi là một trong những giáo sinh mà thầy quan tâm dạy dỗ! Tôi nhớ mãi những lần thầy nóng giận khi tôi hát sai nhịp, sai bè bài hát “Chiều tím” của Đan Thọ, “Tiếng đàn tôi” của Phạm Duy…để cho đến bây giờ từng câu chữ, từng nốt nhạc trong những bài hát ấy dường như tôi đã thuộc nằm lòng!
     Tháng sáu năm bảy tư, chúng tôi chia tay nhau và nói lời tạm biệt mái trường Sư Phạm ghi dấu nhiều kỷ niệm vào một đêm mãn khóa ngập tràn cảm xúc! Chúng tôi tạm biệt thầy cô với bao tháng năm ân cần dạy dỗ và hẹn ngày cùng nhau trở lại! Vậy mà bẳng đi mấy mươi năm có lẻ, dòng đời đưa đẩy đẩy đưa, bước chân trên đường đời của chúng tôi với bao chông chênh và chực chờ vấp ngã, để rồi tháng 5 năm 2012 vừa qua, sau ba mươi tám năm chia xa với biết bao thay đổi giữa dòng đời, chúng tôi mới có dịp trở về trường xưa với nghẹn lòng bao nỗi buồn vui! Thầy cô, bạn bè của chúng tôi bao người còn kẻ mất? Đã mấy ai được trùng phùng sau bấy nhiêu dâu bể đục trong? Riêng tôi, cho mãi đến hôm nay tôi mới có cơ duyên gặp lại người thầy mà tôi từng một thời yêu kính!
      “… Người thầy, vẫn lặng lẽ đi về dưới mưa
      Dòng đời, từng ngày qua êm đềm trôi mãi
      Chiều trên phố bao người đón đưa
      Dòng sông vắng bây giờ gió mưa
      Còn ai nhớ, ai quên con đò xưa…”*
      Có còn ai nhớ, ai quên con đò xưa… Những con đò đưa chúng tôi đến bờ bến lạ của cuộc đời!
      Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, rồi cũng trở thành quá khứ. Nhưng có quá khứ sẽ mãi là kỷ niệm in hằn trong ký ức khó thể nào quên! Với tôi, có quá khứ là bóng hình, là ân tình của những người thầy người cô đã góp phần dạy dỗ tôi thành người, góp phần dưỡng nuôi tâm hồn tôi rộng mở và thăng hoa cảm xúc, là lối đi dắt dẫn tôi trở về miền ký ức đầy những kỷ niệm tưởng đã ngủ yên trong sâu kín của một thời dĩ vãng đã qua!

      Đêm nay và bây giờ tôi ngồi đây để nhớ về một thuở nào xa và để thấy lòng mình chợt ấm! Chiều nay, cô bạn đời của Thạch có chụp cho thầy trò chúng tôi mấy tấm hình, cô ấy có nói: “ Trông chị và thầy như là hai bố con vậy!”, tôi hạnh phúc lắm! Ba tôi đã mất cách đây không lâu nên khi thầy Trần Văn Mẫn xem tôi là con gái, tôi vui vô cùng! Giờ tôi được gặp lại thầy Hoàng Hy, một trong những người thầy tôi tôn kính! Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm nhận được sự yêu thương và lòng cảm thông chia sẻ từ tấm lòng của một người thầy. Vẫn như ngày nào thầy đàn cho tôi hát rồi lại khen ngợi, động viên! Bên thầy, hai mái đầu tóc đã phai màu, một của trò chớm bạc và một của thầy màu tóc đã như sương!
      Chúng tôi tạm biệt thầy cô khi thành phố đã lên đèn! Con hẻm vắng hắt ánh đèn vàng từ bậc thềm nhà thầy dường như ấm lại! Thầy cô lại một lần nữa ôm tôi vào lòng và tôi chợt khóc, những giọt nước mắt tủi mừng của ngày hạnh ngộ sau bao nhiêu năm thầy trò cách xa! Nắm chặt tay, tôi như thấy ánh mắt người thầy hiện rõ nét bao dung và trìu mến!

      Con đường trở về nhà như nở thêm hoa và lòng bỗng dưng vui! Mùng 9 Tết, đêm dịu dàng và ấm áp hơn nhiều!                
      Trên cao, mảnh trăng khuyết nghiêng treo đẹp đến lạ lùng!

                         Sài Gòn, đêm mùng 9 Tết
                                     Thanh cảm

(*) Bài hát: Người thầy ( Nguyễn Nhất Huy) 

Một vài hình ảnh:






 

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Chúc Mừng

Được tin anh Võ Ngọc Chuyển (Chu Uyên), cựu GSSPQN khóa 12, Phó ban Liên Lạc SPQN, Trưởng ban Đại Diện Cựu GSSPQN các khóa 11,12,13 vừa trải qua phẫu thuật thành công chứng thoát vị dĩa đệm đốt xương sống ngày 19/02/2013 tại bịnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh, quận 10, Tp HCM.
Hiện sức khỏe của anh đã phục hồi tốt và đang điều trị dưỡng thương ở phòng 318, BV Vạn Hạnh, Q. 10, Tp HCM.
Ban Liên Lạc SPQN và BBT trang SPQN cùng bạn bè đồng môn xin chúc mừng sức khỏe của anh, chúc cho anh thêm khỏe và sớm bình phục.
Xin thông báo đến bạn bè gần xa để tiện thăm hỏi.

BLL SPQN
BBT trang SPQN

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Tiếng Cười Đầu Xuân

-->
Ky Nguyen
Chơi Bài Chòi ngày Tết

   Đại gia đình của tôi xấp xỉ 50 người. Mỗi năm cũng dăm bảy lần họp mặt, vào những dịp giỗ chạp, nhưng … đông vui, ồn ào nhất… chỉ có buổi họp mặt  chiều mồng một Tết. Sau tiết mục chúc tết, ăn uống, dọn dẹp.
Lũ con cháu thành đạt, mỗi đứa kè kè cái túi tiền bên người đi mời các vị “ bô lão” ngồi vào từng vị trí thích hợp với số tuổi của mình… rồi đến các  thế hệ tre trẻ, be bé, nhi đồng…Từng phong bao lì xì được phân phát… Bà chị dâu cả đã trên 80 mươi, năm nay “ chơi nổi”, ôm  một cái bao nilon to tướng trước ngực  để… hứng tiền… Bao lì xì đủ cỡ tới tấp rơi vào đều lọt thỏm xuống đáy túi, bà cứ kêu lên sao mãi chưa đầy… Con cháu cũng kêu lên:  bao của U mà đầy thì chúng con cháy túi mất thôi! Tiếng cười cứ vỡ ra từng chặp, vài đứa vội  lấy điện thoại ra chụp hình tí tách, ghi lại khoảnh khắc đáng yêu này…  Mẹ già đung đưa cái bao nilon, cười tít mắt. Đến lượt lớp trẻ thì không còn gì là trật tự nữa. Chúng đưa tay nhao nhao: con chưa có, con chưa có… Thế hệ nhi đồng thì cứ tròn mắt ngẩn ngơ, không hiểu người nhớn làm gì mà nhốn nháo thế. Năm nay lại thêm tiết mục “ mượn con”:  Một thằng bác gầy gò, đen thui, ôm vội thằng cháu bé tí đi xin tiền, giống hệt cảnh hành khất ngoài đường phố… Lại đến một thằng bác mập thù lù, ôm thằng cháu tròn quay cũng  làm vẻ mặt thiểu não… cả  nhà cùng cười đến đau cả miệng, khô cả cổ họng… Rồi, lập tức  sòng bầu cua mở ra, người lớn đặt to quá khiến lũ nhỏ kêu oai oái… Nhóm các bà đang họp mặt bàn tròn dưới bếp, chốc chốc lại thấy “ thằng bố trẻ “ đi xuống,  hai tay quơ quơ, nói ngọng nghịu:  ết rồi… thua  ết rồi… các bà chị lại dúi cho vài tờ tiền lẻ, cười rũ rượi với nhau...
  Tiệc tan, ai về nhà nấy để gia chủ nghỉ ngơi. Chia tay trong tiếng cười hỉ hả, tôi cũng nôn nao mở phong bì … đếm tiền…May quá, đủ một chuyến đi chơi  gần gần, hưởng nắng gió miền biển, cho bõ những ngày tất bật dọn nhà, sắm tết. Dù không được đi  tour  xa -  lên tận thiên đình-  như cô giáo táo quân SPQN nọ, tôi cũng  thấy hạnh phúc rồi, chỉ nghĩ đến đi là đã phẻ- cả- người. Biết đủ là đủ. Trời cho bao nhiêu, cứ tận hưởng bấy nhiêu, có lẽ nhiều người cũng nghĩ như thế.

Mồng một tết Quý tỵ

MÙA XUÂN VÀ TUỔI TRẺ

                                                      Irene.

         Xuân về! Cây đâm chồi nẩy lộc, hoa đua nhau khoe sắc, vạn vật như hồi sinh, người người như trẻ lại. Trẻ em vui mừng hớn hở, thanh niên nam nữ phơi phới xuân thì, người già trở lại tuổi thanh xuân…trong không khí xuân tươi, tôi bồi hồi nhớ lại một thời tuổi trẻ của mình.
 Xuân sáu mươi nhớ xuân mười lăm”.
Mùa Xuân năm đó, tôi bước vào tuổi mười lăm. Tôi không nhớ mình bước vào tuổi mười lăm như thế nào? Nhưng có một điều chắc chắn rằng khoảng thời gian ở lứa tuổi này với tôi là rất đẹp và thơ mộng. Tuổi mười lăm của tôi vô tư, trong trèo, hồn nhiên êm đềm bên gia đình, ngày ngày cắp sách đến trường, vui chơi cùng bạn bè.
         Người ta thường nói “con gái có thì…” bây giờ thì tôi thấy rất đúng. Có lẽ trong suốt cuộc đời tôi thì năm tôi tròn mười lăm tuổi là tôi đẹp nhất (So với tôi thôi nhé!). Vì dạo đó tôi đang học trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, vào mỗi giờ ra chơi tôi thường thấy các chị ở các lớp trên, qua lớp tôi chỉ trỏ nhìn tôi. Lúc đó tôi cũng chẳng hiểu các chị nói gì nhưng rồi một hôm, nhà trường bảo tôi xuống văn phòng nhà trường gặp cô Tùng. Cô nói: Nghe các em ở các lớp bảo em xinh, có thể đóng một vai trong cảnh hóa trang văn nghệ của nhà trường. Cô giao cho tôi đóng vai tiếp viên hàng không. Thú thật tôi sợ lắm! Tôi rất nhát! May sao khi thử áo dài thì tôi không mặc vửa một cái áo nào… vì cơ thể tuổi mười lăm của tôi chưa phát triển đầy đủ ra dáng một cô thiếu nữ đúng nghĩa…
         Thế nhưng, tuổi mười lăm là lứa tuổi thần tiên. Tôi đã bắt đầu biết soi gương, biết làm duyên, biết bâng khuâng nhìn ngắm trời mây, biết xao xuyến khi có làn gió thoảng đến, biết rộn rã khi hoa Xuân khoe sắc và biết rung động trước những lá thư đầu tiên…
         Ôi chao lứa tuổi mười lăm
         Biết làm duyên chút âm thầm trước gương…(Trầm Thiên Thu).
         Tuổi mười lăm, hàng ngày đi học hay tan trường về, thỉnh thoảng cũng có một ai đó bám theo sau như “kiểu” Ngày Xưa Hoàng Thị.
…Em tan trường về, mưa bay mờ mờ, anh trao vội vàng chùm hoa mới nở…”
 Trong lòng tôi thoáng dậy lên một chút bối rối.
         Rồi một hôm, vào buổi sáng Chủ nhật, trời trong xanh, nắng đẹp, chim chóc ca vang đón chào ngày xuân sắp gần. Những ngày cuối năm lòng ai cũng rộn ràng vì sắp đến Tết. Tâm trạng tôi lại nôn nao vì chỉ còn vài ngày nữa thôi là tôi đã bước đến ngưỡng cửa của tuổi mười lăm.
         -Dì ơi! Có ai hỏi dì? Thằng cháu bước vào phòng nói với tôi.
         -Ai vậy?
         -…
         Tôi vội vàng tung chăn bật dậy, chạy ào xuống lầu ra phòng khách. Tôi sựng người lại! Thế mà tôi cứ nghĩ đứa bạn nào đến mượn vở hay… Không ngờ! Người tìm gặp tôi là anh Thái!?
         Lúc này, tự dưng tôi lúng túng chẳng biết phải làm sao? Tay chân thì thừa thải. Tim đập rộn ràng. Tôi đứng bất động! Chẳng biết nói gì? Sau này tôi cố nhớ lại nhưng cũng chẳng nhớ rõ anh ấy nói gì? Chỉ biết rằng anh trao cho tôi một cái thiệp Xuân.
         Anh ấy về rồi! Tôi chạy ù lên lầu. Soi gương thấy tóc mình rối bù, mặt mày xấu xí, áo quần nhăn nhó lại còn đi chân đất nữa chứ!!! Tôi “quê” quá trời! Thôi kệ! Tôi vội mở tấm thiệp ra xem. Đó là một tấm thiệp tự tay anh làm. Bên ngoài, hình vẽ một thiếu nữ mặc áo dài đứng bên nhánh mai…lật vào bên trong không phải lời chúc Xuân mà là một bài thơ:
        
         Nói với tuổi mười lăm.
Em nhỏ nhắn trông em xinh xinh lạ.
         Em vô tư, mơ mộng với cuộc đời.
         Em luôn cười, luôn nói đến chuyện vui,
         Em hay giận hay hờn hay làm nũng.

         Anh thích nhìn làm cho em lúng túng
         Anh khen em khen cái tính thật thà
         Anh thương em không có tật nói ngoa
         Anh yêu mến yêu bước đi tha thướt.
        
         Với tà áo nàng nữ sinh trong trắng
         Với tâm hồn con gái tuổi mười lăm
         Với nỗi buồn ấp ủ kín trong lòng
         Với hiện tại tim anh, em chế ngự.
        
         Có những lúc anh nhìn em cười nụ
         Có những khi nghe em hát ngọt ngào
         Có nhiều lần anh nằm mộng chiêm bao
          hai đứa chúng mình chung lối bước.
                                             Trần Ngọc Thái.
Thú thật tôi không biết bài thơ có hay không? nhưng lời thơ đã làm cho tôi một cảm xúc khó tả. Tôi không biết dùng thêm từ nào để diễn tả tâm trạng của mình lúc bấy giờ. Tâm trạng của lứa tuổi chưa đủ lớn và cũng chẳng phải bé, lần đầu tiên nhận được một bài thơ của một người khác phái tặng mình. Hình như nó lâng lâng làm sao ấy?!
         Anh Thái học ở trường Trung Học Cường Để, trên tôi hai, ba lớp gì đó. Anh ấy là bạn với chị kề tôi. Dạo trước hai người sinh hoạt ở trong Ban Văn Nghệ Thiếu Nhi của thầy Như Vinh-Nguyễn Văn Xứng. Cứ vào chiều thứ bảy mỗi tuần anh Thái thường đến nhà rủ chị tôi cùng đi thu âm ở đài Phát Thanh Qui Nhơn. Có lúc thì đến nhà tôi anh và chị tôi tập hát. Những lúc như thế, tôi thường theo đứng bên cạnh để nghe anh chị tập dợt. Những bài hát tuổi thiếu nhi ấy đã nhẹ nhàng đi vào tâm hồn tuổi thơ tôi một cách êm đềm. 
         Ông tiên vui, ông có cái râu dài. Đêm ông về nằm yên trên đỉnh mây. Ông tiên vui, ông thường hay nói đến. Chốn Thiên Đình không có tháng ngày trôi….(Ông Tiên Vui-Trịnh Công Sơn).
         Hay:
         Còn chi thú bằng vào chiều mưa xếp thuyền. Ngồi bên hiên cùng chờ mong nước lớn. Rồi buông những thuyền hồng, vàng, xanh, tím huyền. Thuyền mang đi mộng đẹp thắm tâm hồn…(Chiều Mưa        Thả Thuyền).
         Anh Thái người Bắc. Anh nói chuyện nghe ấm và nhẹ. Tôi rất ngưỡng mộ giọng hát trầm trầm của anh. Tôi khâm phục tài kể chuyện vui của anh. Khi tôi biết anh thì tôi chỉ là cô bé lớp nhất (Lớp 5) nên cứ vô tư mà chạy theo bên anh, bên chị tôi để nghe hát, nghe kể chuyện hay cười đùa .
         Theo thời gian, tôi là Nữ sinh Nữ Trung Học Qui Nhơn. Dạo đó lớp Đệ Thất là đã phải mặc áo dài trắng đi học. Tôi lại cao nên trông tôi ra dáng thế thôi. Chứ tôi chỉ là một cô bé nghịch ngợm. Hồi nhỏ, ở nhà chỉ có ba chị em gái thì tôi là hiếu động nhất. Thích hát những bản nhạc vui của ban AVT như bài Em tập vespa, Chúc xuân… hay thích nghe những điệu nhạc Twist mới thịnh hành như bài Let’s twist again… còn theo mấy anh ở sát nhà như anh Huyên, anh Triền…hát “chế” mấy bản nhạc vui vui. Có khi chạy ra phía sau nhà, sát bên nhà anh Sanh để hái trứng cá hay khoèo keo…Ba má tôi la hoài vì cái tội con gái mà nghịch ngợm!?
         Không hiểu sao? Lúc nhỏ tôi thích bỏ dép đi chân đất. Nhà tôi rất dài, hai mặt đường. Tôi thường chạy từ phía nhà sau ra nhà trước ra đến ngoài đường Tăng Bạt Hổ(chạy chứ không đi) . Rồi không hiểu như thế nào mà có hôm tôi đâm sầm vào anh Thái đang đứng làm gì đó ở trước hiên nhà tôi? Thế là tôi mất hồn dừng lại “cười trừ” rồi bẽn lẽn quay vào trong nhà trốn biệt! Tôi đã bắt đầu biết “mắc cỡ” biết “e ngại”. Thế rồi không biết anh ấy để ý tôi từ lúc nào? Tôi cũng chẳng rõ? mà đợi cho đến mùa Xuân năm tôi bước vào tuổi mười lăm thì làm thơ tặng tôi!
Tôi đọc đi, đọc lại bài thơ, đọc kỹ từng câu thơ anh viết, tôi cũng thấy bâng khuâng xen lẫn một chút “thẹn thùng”. Có lẽ tôi thẹn thùng vì đây là lần đầu tiên tôi nhận được những lời “thì thầm ngọt ngào” như thế. Tôi cất tấm thiệp vào một chỗ thật kỹ. Thỉnh thoảng chờ khi nào hai chị tôi đi học, tôi mới len lén đem ra đọc. Do đọc nhiều lần cho nên thuộc lòng bài thơ. Nhờ vậy mà bây giờ sau mấy chục năm mà tôi vẫn nhớ và viết lại vanh vách không sót một câu, một từ nào.
         Tuổi mười lăm của tôi với bài thơ tình đầu tiên ấy một thời xa thật là xa. Bây giờ xem lại thấy bài thơ ý tứ ngô nghê, vui vui làm sao?!  
         Nhưng tuổi mười lăm của tôi chỉ là tuổi mộng mơ, vơ vẩn cùng trăng sao mây gió mà thôi. Tuổi của một cô bé mới bắt đầu lớn, chứ chẳng hiểu gì cả? Vì tôi vẫn cứ vô tư chạy nhảy và hồn nhiên đạp xe tung tăng trên phố:
         Mùa Xuân đến đạp xe trên phố, tóc xỏa vai mềm
         Mùa Xuân hái nụ hoa thơm ngát nở trên môi hồng.
         Mùa Xuân rất hiền lặng yên ngồi nghe tôi hát…(Lời tỏ tình của .Mùa Xuân).
         Hàng ngày đi học, lúc nào bên tôi cũng có các bạn Thanh Thủy và Ngọc Hiền. Tôi không bao giờ đi một mình. Từ xa tôi đã thấy anh đứng chờ ở bên đường. Chân tôi bắt đầu hơi líu ríu nhưng cố trấn tĩnh, tự nhiên đi ngang qua anh. Nhiều lần như thế, Ngọc Hiền phát hiện:
         -Nè, anh chàng kia hình như để ý một trong ba đứa mình.
         -Ừ, ngày nào cũng thấy anh ta đứng ở đó. Thủy nói.
         -Ừ. Tôi cũng ậm ự cho xong. May sao hai bạn của tôi cũng chẳng để ý thái độ của tôi.
         Thỉnh thoảng tan trường, từ trong sân trường Nữ Trung Học từng đàn học sinh áo dài trắng thướt tha bay bay trong gió. Tôi thấy anh ấy có mặt hay thấp thoáng đâu đó trong những nam sinh đứng trước cổng trường Nữ. Rồi sau đó trên con đường về lại thấy anh đi theo sau, đưa về đến ngõ nhà.
         Một lần nọ trên đường đi học, anh đến làm quen và chụp hình cho cả ba đứa. Tôi đứng giữa, Ngọc Hiền, Thanh Thủy đứng hai bên. Lâu ngày quá nên tấm hình thất lạc đâu mất chứ nếu còn xem lại lúc tôi ở tuổi mười lăm như thế nào nhỉ?
         Cũng năm đó, trường Nữ Trung Học của tôi tổ chức đi cắm trại. Trong lúc chúng tôi nhập trại và say sưa nghe cô Tôn Nữ Thanh Tùng đang công bố nội qui trại và hát những bài Tâm Ca của Phạm Duy:
         “…Ngồi gần ngồi gần nhau, vai sát vai nhau tựa đầu. Ngồi gần ngồi gần nhau, tay nắm tay cho thật lâu…”
         “…Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai…”
Rồi không biết làm thế nào? mà anh lọt được vào trong trường. Đến đúng ngay lớp tôi để rồi anh là người cắm trại giúp. Thủy phát hiện:
         -R, H… ơi! Anh chàng theo ba đứa mình kìa!
         Tôi và Hiền nhìn, anh nhìn lại mỉm cười với chúng tôi. Sau khi cắm trại cho lớp tôi xong, anh tìm tôi và còn trao cho tôi mấy “lon” đồ hộp. Thế là từ đó Hiền, Thủy và các bạn tôi biết được, cứ trêu tôi. Tôi mắc cỡ vô cùng!
         Năm lớp chín, lớp của tôi có ra một đặc san. Chúng tôi chia nhau đi bán báo cho lớp. Tôi và một số bạn đến các trường để bán. Khi vào  trường Cường Để, chúng tôi đứa nào cũng “run” vì vào các lớp toàn là Nam. Bất ngờ tôi gặp anh trong một lớp học. Thế là anh kêu gọi các bạn của anh mua giúp. Hôm đó, chúng tôi bán gần hết. Khi chúng tôi đi qua lớp khác rồi mà anh vẫn còn chạy qua mua thêm nữa. Tôi thầm cám ơn anh.
         Từ đó tôi bắt đầu có thiện cảm đối với anh. Tức là gặp anh tôi bẽn lẽn cười cười nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó thôi vì tôi nhớ là hình như chưa bao giờ dám đứng lại nói chuyện với anh dù chỉ là một vài câu thăm hỏi.
         Ba má tôi rất khó. Vì nhà có ba cô con gái nên ngày nào cũng có những câu Nhật Tụng. Trong những câu đó tôi nhớ nhất là câu:
-Có con gái trong nhà như “hủ mắm” treo đầu giàn
         Ba má tôi ra nghị quyết là: Đi học là không được có “bồ bịch” gì hết! Lúc nào học hành xong có nghề nghiệp hẳn hoi rồi thì sẽ tự do “yêu đương” không cấm đoán.
         Tính tôi thì nhát gan nên vâng theo lời ba má tuyệt đối. Nhưng tâm hồn thì khó kiểm soát được nên thỉnh thoảng cũng bỏ đi hoang, thoang thoáng bâng khuâng hay vu vơ buồn chút chút mộng mơ. Anh Thái thấy tôi rụt rè, ngô nghê, khờ khạo như “con nai vàng ngơ ngác …” nên cứ để “yên” cho tôi trong khung trời “hoa mộng của tuổi mười lăm”.
         Tuổi mười lăm của tôi như một bức tranh đẹp. Một bức tranh toàn những gam màu sáng với một vài nét chấm phá tươi tắn đan xen, pha thêm vào đó là những mảng màu hồng làm cho người nhìn thấy trẻ trung và dễ thương.

         Em bước vào tuổi mười lăm
         Bao mới lạ êm dần theo năm tháng
         Bao ước vọng và mộng mơ
Nhẹ nhàng như những vần thơ…
Em giã từ tuổi ngây thơ
Xao xuyến rộn trong lòng bao ước mơ
Em đến trường rao rực vui…(Tuổi mười lăm)

         Tôi hiền lành và có vẻ “con nít” cho nên anh ấy chẳng tiến mà cũng không lùi. Ngày qua ngày tôi vẫn thấy anh xuất hiện ở đâu đó. Hình như anh vẫn theo bên tôi, hướng về tôi và vẫn giữ một khoảng cách đã định sẵn. Sau này khi tôi học các lớp đệ nhị cấp rồi vào Sư Phạm Qui Nhơn, tôi vẫn thường gặp anh đâu đó trên con đường tôi đến trường. Lần nào gặp, tôi cũng thấy anh nhìn tôi và nở nụ cười tươi vui. Nhiều lúc tôi nghĩ, anh và tôi như hai đường thẳng song song tiến đều đặn bên nhau và chỉ gặp nhau ở vô định.
         Sau75 cho đến nay, tôi không bao giờ gặp lại anh nữa!

         Bây giờ Mùa Xuân lại về! Vạn vật như khởi sắc, như thay chiếc áo mới xinh đẹp tươi tắn. Khắp nơi nhạc Xuân vang vang làm lòng người nao nao rộn rã. Mỗi lần nghe lại bài hát Hoa Xuân, Tôi lại thấy Mùa Xuân tuổi mười lăm của tôi hiện về và hình ảnh anh với cây đàn Guitar, anh cất giọng hát trầm ấm vang lên nhẹ nhàng:
         Xuân vừa về trên bãi cỏ non. Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn. Hoa cười cùng tia nắng vàng son. Lũ ong lên đường cánh tung tròn…”
         …Vẫn mong gặp lại anh một lần để cảm tạ người đã tặng bài thơ đầu tiên cho tuổi mười lăm của tôi.
          
Sài Gòn, tháng hai 2013.
Irene.
        
        

TỰA ĐỀ NHỮNG BÀI VIẾT TRÊN TRANG SƯ PHẠM 2012



Một mùa xuân đến .Tiễn một năm đi
Trang nhà sư phạm đã đăng bao bài
Văn, thơ, ký, truyện ,vui buồn bốn phương
Tôi xin một chuyến ngược dòng bài đăng
Nguyên một năm cũ với bao nhiêu điều
Tâm tư, tình cảm, chuyện vui, nỗi buồn
Của Thầy, của anh chị, bạn đồng môn
Gửi vào trang mạng mang bao tâm tình

Anh gửi vào bài kỷ niệm ngày xanh
Tình xưa anh Cát “Xa rồi”nhưng anh
Vẫn còn đau đáu nhớ người năm xưa
Giờ đây viết lại Cát Bỗng dưng vui

Chiều quêrộn rã tiếng cười,tiếng ca
Bao nhiêu lời nói trao nhau mới vừa..
Cùng nhau ôn lại bao giờ mới quên

Thì “Tìm em “ ở chốn xa Trở về
Hạnh ngộ”đâu dễ với đời dâu bể
Và kìa Giang Lam Cô ơi chính cô

Kỷ niệm đời dạy dễ gì chị quên
Nhiều đêm thao thức với “Mẹ và con
Và nghe “Tiếng vĩ cầm trong đêm” vắng
Lòng ai thổn thức với chuyện tình xưa
Đà lạt bây giờsao quá đổi thay
Không còn thơ mộng như ngày có anh
Tặng nhau “Hoa hồng vàng cho tình bạn
để cùng lưu luyến tháng ngày bên nhau

Qui nhơn tôi yêu” ngày tôi trở lại
Thăm lại trường xưa”cảnh cũ không còn
Người thầy học trò và ngôi trường”lạ
ôi “Nỗi nhớ dịu êm”trong ký ức
Ngôi trường mến yêu” “Buồn vui nội trú
Bóng cội cây già” “Nhớ bạn” “Trường xưa
Người xưa cảnh cũ” đâu ?đâu hết rồi

Tháng năm lại về” mang bao hồi ức
Hẹn nhau “Nơi những dòng sông gặp lại
Ngày yêu thương”Chan chứa ân tình
Mừng họp mặt” “Đôi mắt” rưng rưng lệ
Năm mươi năm mới có một ngày thôi
Về thăm trường mẹ trùng phùng bên nhau
Với “Chùm thơ kỷ niệm năm mươi năm
Hồi ức về thời hoa mộng vỡ òa trong thơ
Đường về có “Những kỷ niệm không quên
( Nghĩa cử cao đẹp của thầy Tuấn mang
Bao năm lưu lại trong lòng...viết ra)
Nhẹ nhàng hưởng trọn”Một thoáng bình yên
Trong lòng luôn có “Một khoảng trời riêng

Qui nhơn ngày về” “Niềm vui” khôn xiết
Trở về” “Có biển” có bạn ,thầy cô
Bên  bờ ghềnh ráng ...như còn người xưa
Hình ảnh cũ...”những kỷ niệm cũ về
Qui nhơn ơi mãi không thể “Phôi pha
Nhớ qui nhơn “sẽ “Mãi là lời tri ân
Nhớ “Ngôi trường làng” nuôi giấc mơ lớn
được trở thành: Cô giáo sinh nho nhỏ
Cũng như ”Giấc mơ sư phạm“ hay là:
Cô giáo” với Giấc mơ làm cô giáo
 Cô giáo rồi vẫn “Chiều ơi nhớ mẹ
Nhớ dáng đi nhớNụ cười của mẹ
Rồi cùng hát”Bài tình ca tặng mẹ”
Cô giáo gì nhõng nhẽo quá đi thôi
Vậy mà nay tóc đã điểm bạc rồi

ôi nhớ quá thuở vụng dại chút tình đầu
Hoa tháng baHôn ước của tình yêu
Hai đóa hồng” anh trao thầm lặng
Em nhận rồi “Có phải tình yêu không nhỉ
  ai đã định nghĩa được tình yêu
để trả lời thỏa đáng cho em đây
Hãy “Níu một nhành xuân” em nhé
Vì đó là em nên nhành xuân thắm mãi

Nếu em viết “Thơ tình tuổi bốn mươi”
Em hãy viết về tình ta đẹp mãi
Tuổi hai mươi nghờ nghệch với tình đầu
Không sóng gió mà vui bằng phẳng mãi
Chứ không phải cách xa như vậy nhé
để bây giờ đôi ngả mãi chia ly...
“Quay quắt nhớ một tình yêu dang dở”

Chuyện của tôi” là “Chuyện đời tự kể
Bao thăng trầm khốn khó tôi đã qua
Nhiều lúc “Thèm nghe giọng nói quê mình
Xuân về nhớ tết”Quê xa”Bạn bè
đôi lúc reo như trẻ “Mẹ ơi có tết”
Thật ấm lòng một chút “Quà quê nghèo
Hạnh phúc đầu xuânÔi nhớ” Quê tôi

Chuyện bây giờ tôi kể” Của Thanh Cảm
Tình yêu, tình bạn,tình thầy bằng thơ

Niềm tin ,tình bạn sáng trong qua lời
Chùm thơ của khóa mười hai” nữa kìa
Bao nhiêu nỗi nhớ đong đầy thành thơ
Minh Đề bạn gửi thơ về tâm thư
Buổi chia xa ấy là từ bẩy tư
Ba tám năm mà như mới đây thôi

Giữa Sài gòn mùa xuân”Nhớ qui nhơn”

Tâm sự ngày xuân” “Mười ba năm trước
Anh giáo sinh già đến thăm trường cũ
Anh mang nó trịnh trọng như báu vật
Tần ngần anh đứng “Trước bảng đen”cũ
Mà như “Một cõi nào xa”,xa lắm
Và bất giác anh hát ”Thương tình ca
Hòa cùng với “Trên ngọn tình sầu
 Rồi ”Thu viễn sứ nhớ quê hương

Tản mạn về Hà nội”xưa và nay
Cảm “Những mùa đông không lạnh
Sẽ thấy “Bãng lãng thu Hà nội “đẹp
Ấm tình người ấm cả tình quê hương


Bạn ơi !”Những khoảnh khắc đáng nhớ”ấy
Ghi dấu nhé  trên đường đời ta bước
Hãy nhớ về nhau Nhớ thầy nhớ bạn
Ta đang đi “Bên kia dốc cuộc đời

                                    Bạn của Nhị 6

(BBT sẽ bổ xung thêm những liên kết còn thiếu sau...)

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...