Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Còn một chút gì...

                                                                     Đan Thanh
     
        Chiếc xe đò dừng lại gần đầu cầu,mọi người hối hả ,nháo nhào xuống. Thanh nghĩ, có lẽ đường từ đây , cũng bằng từ bến cuối về nhà ,thế là Thanh vội vàng bước theo.Chiếc xe ù chạy để lại một đám bụi vàng là là bay trên mặt đường
           Chỉ gần 20 km mà chiếc xe cà tàng đi hơn một tiếng đồng hồ, trả khách đón khách , bắt hành khách xuống xe đi bộ qua trạm…nhiêu khê như thế mà phải chấp nhận vì đây là phương tiện duy nhất nối thành phố với quê Thanh
         Dân hai xã đi “ké”trên chiếc cầu kiên cố được quân đội Mỹ xây để phục vụ mục đích quân sự. Không có thành cầu nhưng hai bên cũng có lối dành cho người đi bộ.Cầu bắc qua chỗ khúc quanh của dòng sông, nước từ đầu nguồn đổ về đã có Giăng Đá chắn lại nên không chảy xiết mà trôi lờ đờ chầm chậm
          Chiều đã xuống dần trên bãi ngô bên kia sông. Thanh bước thong thả trên cầu, gió nhẹ xua tan cái nóng bức chật chội mà Thanh phải chịu đựng trên chiếc xe đò có cái tên Mỹ Lệ. Còn chiếc xe nữa chạy cùng tuyến, bệ rạc hơn mà tên gọi thì  giàu sang phách lối :Kim Hoàn “Túy Loan có chiếc Kim Hoàn, Mỗi ngày bốn chuyến Chợ Hàn xuống lên” Không hiểu sao người chủ xe lại đặt cho nó cái tên trái ngược với cái xe thế không biết.
            Qua khỏi cầu, Thanh rẽ vào con đường đất chạy giữa những vườn cây xanh um ,rồi băng qua nghĩa địa của làng. Cái nơi này không u ám lạnh lẽo như những nghĩa địa khác. Những ngôi mộ, đa số là mộ đất nằm lặng dưới những bụi cây ,những đám móc mèo, những cây sim,cây hoa giẽ …
       Trên các bụi cây đó có cơ man nào là  dây leo có hoa trắng ,tên địa phương là hoa giành giành nhưng lũ học trò đặt cho nó một cái tên đẹp đẽ :hoa trinh tâm. Hoa có năm cánh dài ,nở vào lúc hoàng hôn, ngát thơm cả một vùng. Thời tiểu học Thanh  thường chơi trốn tìm , chơi “U” hay vài trò chơi thú vị ở đây. Không khí mát mẻ như trong một vườn cây chứ không buồn tẻ nặng nề như trong nghĩa địa.
          Qua cái ngõ ngói cũ kỉ , cái sân gạch quen thuộc Thanh thấy lòng mình ấm áp và thanh thản ,mọi ưu phiền lo lắng bị bỏ lại phía sau…
          Thanh lớn lên trong sự bình yên ,giản dị ,trong sự yêu thương âu yếm của gia đình ,trong ngôi nhà cổ thân thương ,nơi Thanh dễ dàng đi lại trong đêm tối mà không hề vấp vào bất cứ một cái cột, cái ngạch cửa hay đồ vật nào    

          Sau khi tốt nghiệp sư phạm ,Thanh lấy chồng , cuộc đời Thanh bình dị như được lập trình theo khuôn mẫu : học hết cấp ba, học xong sư phạm, ra trường có việc làm và lấy chồng.
          Nhưng từ đây cuộc đời Thanh đã rẽ sang một hướng khác, người chồng lớn hơn Thanh mười tuổi ,là cháu chít của một ông nghè ông phủ gì đó ở tận La Qua,đã thừa hưởng cái chất gia trưởng hết sức nặng nề từ tổ tiên đã làm cho không khí gia đình lúc nào cũng đặc quánh ,nghiêm cẩn như trong phòng xử,  lúc quan tòa tuyên án.
         Người chồng tuân thủ quy luật “phu xướng phụ tùy”với quy ước bất thành văn: Điều một : chồng lúc nào cũng đúng. Điều hai : Khi thấy chồng không đúng, hãy xem lại điều một. Rồi những cái tát, cái đá khi nóng giận ,những câu chửi rủa khi bực mình đã biến cái gia đình ấy thành địa ngục.Thanh không né đòn, cũng không phản kháng mà cứ im lặng khinh khỉnh nhìn chồng , có thể vì thế mà nhận thêm vài cái tát nữa cũng nên.
         Cuộc sống cứ tiếp diễn như vậy hơn mười năm.  Những vết rạn đã thành rãnh, thành khe sâu
          Một chút mơ mộng , một chút vẩn vơ không còn có chỗ để cựa quậy .Cái mơ mộng nằm bẹp dúm ở một nơi nào đó trong trái tim thỉnh thoảng cũng quẫy đạp đôi lần nhưng không còn đủ sức để ngoi lên , có lẽ chính vì thế mà lúc nàoThanh cũng thấy có một vật nặng đè lên ngực…
          “Từng năm, từng đứa con con, Nàng cười vá mãi vết thương chẳng lành” Nhưng thật là may mắn, chồng Thanh đã quen biết và đi lại với một người đàn bà khác nên cuộc chia tay tưởng như sẽ “ghê gớm” lắm mà hóa ra lại thật nhẹ nhàng, với một điều kiện nhỏ được thỏa thuận ngầm : tất cả tài sản của gia đình người chồng được toàn quyền sử dụng.       
            Thanh muốn giữ chiếc xe Honda cũ để đi lại,nhưng ông ta bảo: Khi nào thằng con lớn đủ mười tám tuổi, ông sẽ giao xe lại.Thanh nhếch mép cười khi nghĩ đến việc mình sẽ bán cái mớ sắt ấy cho bà ve chai sau mười mấy năm nữa. Con cái do Thanh nuôi vì khi Thanh nêu ý kiến ấy trước tòa thì ông ta đồng ý liền. Đây là lần đầu tiên Thanh thấy sự hòa nhã, lịch sự  của chồng sau hơn mười năm chung sống :  Ông không đòi quyền được nuôi con của người cha.
           Mọi cam chịu đã được rủ bỏ.Thanh không tha thiết gì đến của cải được tích cóp bấy lâu. Không biết có quá đáng khi Thanh nghĩ là mình vừa được …ra tù
          Một hôm đi làm về, Thanh thấy căn nhà thuê trống hươ. Mọi thứ đồ dùng đã biến mất . Giường, tủ, bàn ghế…không còn, Căn nhà  trống rỗng. Mấy đứa con ngồi cạnh đống áo quần được lôi ra khi lấy tủ, mỗi đứa ôm khư khư một chồng sách vở .
           Thanh  nghĩ của cải là xe, là nhà, là…,chứ Thanh đâu có ngờ mọi thứ vật dụng tầm thường ấy cũng là của cải và cũng bị lấy đi .
           Tối nay sẽ ngủ ở đâu ? con sẽ ngồi học chỗ nào ? Suýt chút nữa Thanh đã òa khóc nhưng đã kịp giữ lại…
          Thanh cười bảo con: Son nồi, chảo quánh ,và cái tủ lạnh hãy còn.May quá. Hôm nay thứ bảy, cả nhà mình đi ăn bún bò…     
                      
          Thời gian lặng lẽ trôi với cuộc mưu sinh vất vả sau chiến tranh. Thanh cắm đầu cắm cổ kiếm cơm ,để nuôi con ăn học. Khi ngẩng lên thì tóc đã thay màu.
   

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Chút Tình Xin Gửi Gió…

                                                                                      Châu Thị Thanh Cảm  
       
               
               Mấy hôm nay trời bỗng nắng như đổ lửa, cái nắng gay gắt như thiêu đốt mang theo làn gió nóng xát vào da thịt cái cảm giác bức bối khó chịu. Chiều xuống, ánh nắng cuối cùng của ngày đã khép lại nhưng cái nóng vẫn còn hầm hập bủa quanh. Trong cái chập choạng của hoàng hôn, những con đường thành phố lại càng đông đúc, người xe càng hối hả như muốn mau chóng trở về nhà sau một ngày tất bật…  
       Kể từ sau cái ngày con đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài chính thức được thông xe, vì sống gần đó nên mỗi chiều, khi nắng dần phai và thành phố bắt đầu lên đèn, tôi thường một mình dạo bộ bên cây cầu rộng thênh thang trên con đường đep nhất nội đô này. Cũng bởi mấy hôm nay trời nắng nóng nên người đến bên cầu hóng mát nhiều hơn mọi ngày. Ngoài những người lớn tuổi kết hợp đi bộ và hóng gió như tôi còn có rất nhiều bạn trẻ từng nhóm bên thành cầu thảnh thơi thư giản…Ngày đã tắt, gió từ mặt sông thổi lên man mát, có mùi hương hoa nào quyện tròn trong không gian… lan man…nhẹ nhỏm…
                                                 

       Tôi vẫn thường trở về khi trời đêm đã bắt đầu trở gió và mặt sông thẫm lại. Và, hôm nào cũng vậy, cứ đều đặn vào tầm giờ này, phía dưới chân cầu lại chầm chậm nhô lên một chiếc xe nhỏ với ngồn ngộn những giấy vụn, bao bì, chai lọ… bên trên được phủ một tấm vải bạt nhàu nhĩ và cáu bẩn. Chiếc xe và cái mớ hỗn độn ấy che khuất tầm nhìn của một bà cụ gầy còm còng lưng ở phía sau, đang cố đẩy cho chiếc xe nhích lên từng chút một. Trên đầu bà cụ đội một chiếc mũ vải rộng vành đã trở màu đen nhẻm, phía sau xe lủng lẳng một chiếc nón lá rách tươm, chiếc nón có lẽ để bà đỡ ướt lúc trời chợt đổ mưa hay dịu bớt cái nắng gắt trưa hè?
        Bà cụ già chậm chạp đẩy chiếc xe ì ạch từng bước lên cầu…Cứ tưởng bà sẽ phải vất vả với chiếc xe đầy phế liệu ấy, nhưng hôm nào cũng vậy, lúc thì chàng trai trẻ, lúc cô gái trên đường…Họ dừng lại và rồi tận tình giúp bà đưa xe sang đường hay đẩy nó leo lên con dốc nhỏ qua phía bên kia đường ray xe lửa.
       Lần này, tôi đến bên bà cụ và bắt chuyện làm quen...
       -  Bà ơi, cho con cùng đẩy giúp bà… - Gọi là bà nhưng nhìn bà cụ tôi nghĩ chắc chỉ trạc tuổi mẹ tôi thôi. Bà chậm rãi:
       -  Vâng, nhờ cô... - Bà nói mà không nhìn tôi, một giọng Bắc khàn khàn. Chầm chậm, tôi cùng bà vừa đẩy chiếc xe, vừa trò chuyện…
  -  Bà ơi, con có thể gọi tên bà là gì ạ?
       -  Tôi tên Cao Thị Thành, tám mươi hơn rồi cô ạ, nhưng đời tôi sao khổ mãi thế này…! - Giọng bà như ngấn nước.
  -  Thế bà có chồng hay con cháu gì ở đây không?- Tôi hỏi.  
       -  Ông nhà tôi mất đã lâu. Tôi có hai người con gái, một đứa cũng mất rồi, đứa còn lại 52 tuổi rồi đấy cô, nó tên Hường, nhưng khổ thân… nó bị bệnh tâm thần… - Bà ngập ngừng - Mười mấy năm rồi nó vẫn ở Bệnh viện Tâm thần Thủ Đức. Hằng ngày tôi phải đi nhặt ve chai để kiếm cái ăn qua ngày và cũng để gom góp mà vào thăm con…- Bùi ngùi một lúc, bà tiếp tục kể -  Cô biết không? Nó có chịu vào bệnh viện tâm thần đâu, phải nhờ mấy ông nhà nước dụ dỗ mãi nó mới cho chở đi đấy! Ngày còn ở nhà, mỗi khi lên cơn là nó xé rách áo quần, đổ cả cơm canh…Có nhiều lần nó còn đuổi đánh luôn cả tôi cơ… Nhưng biết sao được cô ơi, nó là con của tôi mà…! - Bà đưa cánh tay áo ngắn ngủn quệt ngang, có lẽ mắt bà đang rơm rớm.
       Nhìn bà, ngại ngần tôi hỏi:
  -  Bà đi từ lúc nào mà bây giờ mới về vậy?
       -  Từ sáng sớm, sau khi đã bán cái ngày hôm qua…- Bà mộc mạc trả lời, giọng khàn đục.
  -  Vậy mỗi ngày bà bán được bao nhiêu? Có đủ chi tiêu không?
       -  Dăm ba chục nghìn là nhiều. Hôm nào có người cho lon bia, thùng giấy…thì bán được nhiều hơn…Nhưng cô ạ…- Giọng bà chầm chậm, đứt quảng-  Ngày nào cũng có người gọi cho, có khi cho cả tiền, cả cơm…Có lẽ họ thương cho hoàn cảnh khốn khổ của tôi…
       Quay lại nhìn, ánh mắt ấy hấp háy và đôi môi thâm nâu thoáng một nụ cười, nét cười buồn trên khuôn mặt nhăn nhúm, đen đủi. Rồi bà tiếp tục với giọng trầm đều như  muốn trút cạn nỗi lòng u ẩn:
       - Tôi quê ở Thái Bình, vào Nam từ năm năm tư cơ cô ạ. Hai đứa con, một đứa mất đã lâu, một đứa thì bệnh tâm thần bao năm nay…Thật khốn khổ cái thân tôi…! Già rồi, chết đi đã là cái nhẽ… nhưng con tôi…nó dở khóc dở cười, không biết sau này phải làm thế nào? Tội nó lắm cô ơi…!- Giọng bà buồn thiu, từng câu… từng câu một như cắt cứa cả lòng. Ánh mắt đùng đục của bà nhìn ra xa xăm, khắc khoải những nỗi niềm… Bà khóc, tiếng khóc nhỏ cuộn tròn âu lo, cả hai chúng tôi chợt lặng im suốt một đoạn đường.
                                               

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...