Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Đi Trong Miên Man Ký Ức

                                                                                                                          Châu thị Thanh Cảm

          Tháng Mười lại về! Tháng Mười cho mây trời thênh thang dang vòng tay rộng ôm trời đất vào lòng. Tháng Mười cho cơn gió heo may khẽ khàng rơi êm sợ làm đau chiếc lá. Tháng Mười để dùng dằng, để luyến lưu những ngày thu ngọt nắng nhẹ đến vội đi, để ngẩn ngơ giữa những con đường chiều lao xao sắc lá nhuộm tím, nhuộm vàng. Tháng Mười lang thang hoài niệm, thả hồn miên man về miền ký ức nhạt nhòa xưa, để ta nhớ ta thương về những ngày mùa đông hắt hiu gió lạnh… 

         Sài Gòn mấy hôm nay trời cứ mưa, những cơn mưa muộn cuối mùa có hôm lại rả rich kéo dài đến tận nửa đêm về sáng. Thành phố mưa đêm nghe buồn thỉu buồn thiu nhưng dịu dàng quyến rũ, dễ níu chân dặm đường cô khách. Những con đường ướt nước. Những hàng cây im lìm. Những cây cột điện chơ vơ lặng lẽ, úp mặt soi nghiêng dưới ánh đèn vàng. Những chiếc xe âm thầm lao nhanh giữa làn mưa mỏng…
        Bây giờ có lẽ cũng vào độ nửa khuya. Tiếng mưa đêm rơi nhẹ nghe thấm buồn hơn lúc nào hết. Chung quanh yên lặng đến lạ kỳ, yên lặng đến nổi tôi nghe rõ cả tiếng của từng giọt nước lách tách vỡ nhẹ trên ô cửa nhỏ. Tiếng tí tách nghe đến tê xát cả lòng của chiếc kim đồng hồ nhẫn nại gõ nhịp thời gian. Rồi cả tiếng con thạch sùng cô đơn tặc lưỡi giữa đêm khuya nghe mà xa xót. Trong tiếng mưa rơi, lạc lõng tiếng gõ lóc cóc rao đêm của thằng bé bán hủ tiếu từ góc phố vắng vọng xa…Tất cả những âm thanh ấy cứ từng nhịp đều đều rớt buồn lặng lẽ, nó đều đặn, nó thì thầm như một khúc nhạc trầm hư ảo vọng về từ quá khứ…nhẹ hẫng… xa xăm…
        Tôi có một cô bạn nhà văn nhỏ, tuy mới quen thôi mà như đã từng thân thiết lâu rồi. Chúng tôi thường online chuyện trò, tâm sự. Cô bạn nhỏ dễ thương ấy nhiều lần đề thơ tặng tôi mỗi khi thấy tôi buồn… những vần thơ ân cần và thấu hiểu. Nếu như cậu con trai tôi thường cho rằng, tôi là “người đi tìm hoài niệm”, cô bạn ấy lại gọi tôi là “người lưu giữ ký ức” đời mình. Các bạn tôi thì vẫn thường nhận xét: tôi bây giờ trầm ngâm, lặng lẽ, ít cười ít nói lại hay buồn…Mà cũng lạ, có đôi khi, giữa một không gian ồn ã tôi lại bỗng nghe len lỏi một nỗi buồn, một nỗi cô đơn...? Mới hôm qua đây thôi, có cô bạn gọi điện hỏi thăm, cả hai kể cho nhau nghe mọi điều, sẻ chia mọi thứ, sau cùng cũng lại là câu hỏi của bạn ấy, một câu hỏi đặc sệt âm giọng của người miền Trung: “Nì…ngày xưa, mi sôi nổi, hay cười hay nói…thời nữ sinh và cả lúc mới ra trường làm cô giáo, mi là số một đùa giỡn, vô tư chọc phá bạn bè…Bây chừ, sau mấy mươi năm gặp lại, tau thấy mi lại là một con người khác, hoàn toàn khác, răng rứa mi…?” Bao nhiêu lần rồi bạn hỏi, tôi vẫn cứ tần ngần, vẫn chưa có câu trả lời nào thích đáng…! Ừ, sao vậy nhỉ…? Rồi, tôi bỗng chạnh nhớ đến mấy câu trong bài thơ “Trông về quê ái ngại” mà cô bạn nhỏ đã viết tặng tôi, bài thơ mà bao nhiêu lần đọc nó là bấy nhiêu lần tôi rơi nước mắt ngậm ngùi…
      “Từ trên tầng mười ba trông về quê ái ngại
      Nơi ba đã nằm lại…
      Mẹ cười mỏi mòn mỗi sáng, mỗi chiều nhìn lên di ảnh của ba
      Con gái ở nơi xa
      Ngày của mẹ, âm thầm rớt đôi dòng nước mắt
      Cho một đời mẹ nặng nhọc vì con…
      Mẹ sinh con, đôi gót chân son
      Nhưng nhọc nhằn theo chồng về miền viễn xứ
      Mỗi lần về quê mẹ gội đầu cho con bằng nước đầm Thị Nại…
      Thẩn thờ mẹ thốt lên: tóc con lấp lóa màu mây
      Mấy mươi năm mẹ cánh én mảnh mai
      Gởi xuân bốn mùa cho con
      Rung nắng mai rụng xuống ô cửa chung cư nơi con đang sống…
      Mắt con rợp khoảng xanh của dòng Hà Thanh thăm thẳm
      Nhưng lòng mẹ đã rộng…hơn sông
      Trong cái nắng tháng Năm
      Sài Gòn chắt chiu từng cơn gió mát
      Ở nơi mình, mẹ ơi, biển rì rào sóng hát
      Con về quê gội đầu…
      Mẹ cười: tóc mình gần trắng như nhau…”*
          Có thể chăng? Có thể những tháng năm nhọc nhằn theo chồng về miền viễn xứ ấy đã cho tôi cái nhìn về cuộc đời bằng ánh mắt tự ti? Có thể “mẹ sinh con, đôi gót chân son”, nhưng mấy mươi năm rồi gót chân ấy đã nứt màu ruộng mạ? Có thể, những mỏi mòn xa hút khi “trông về quê ái ngại”, “nơi ba đã nằm lại” ấy đã cấy vào mắt tôi thêm những sợi buồn?

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...