Hiển thị các bài đăng có nhãn Tản Văn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tản Văn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

MỘT THOÁNG BÌNH YÊN.

     Irene.
Tiếng gà gáy vang, lan dần từ nhà này sang nhà khác rồi đồng loạt cất lên làm khuấy động sự yên tĩnh, báo hiệu một ngày mới đang đến với cái xóm nhỏ. Tôi mở cánh cửa ra nhìn nắng sớm. Tiếng chim ríu rít trong vòm lá nghe động vội bay vút lên bầu trời xanh. Trong vườn, đóa tường vi đang hé nở. Một cơn gió nhẹ thoảng qua. Không khí buổi sáng thật trong lành, mát mẻ dễ chịu.
         Tôi muốn nhớ thật nhiều về ngôi trường Sư Phạm Quy Nhơn. Nơi mà tôi và các bạn đã có một thời cùng học dưới mái trường. Thật sự mà nói, hai năm học có quá nhiều điều để nhớ! Để nói! Mỗi khi nghĩ đến khoảng thời gian đó với những khuôn mặt thân quen của các bạn nhị 6 khóa 11, tôi thấy lòng mình thật bình yên!
 Bình yên một thoáng cho tim mềm
         Bình yên ta vào đêm
         Bình yên để đóa hoa ra chào
         Bình yên để trăng cao
         Bình yên để sóng nâng niu bờ
         Bình yên không ngờ.
         Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên…( Bình yên – Quốc Bảo )
         Hai năm học, ngày ngày đến trường cùng các bạn. Đó là khoảng thời gian êm đềm và bình yên nhất! Ở đó, không có sự tranh giành, đua chen. Không có sự tị hiềm nhỏ nhen hay đố kỵ…mà chỉ sống với nhau trong sự thương yêu của tình bè bạn.
         Hôm qua, Võ Sao Tây người bạn cùng lớp nhị 6 SPQN gọi phone đến nói chuyện “ Ngày về ”. Tuy sức khỏe bạn không tốt do qua hai lần giải phẩu nhưng bạn ấy cũng quyết tâm trở về lần này để gặp bạn bè. Tôi cười trêu bạn ấy:
         -Nhớ về nghe! Để lỡ “tui” có hát bài “Còn một chút gì để nhớ” thì còn có người “đi lạc”như ngày xưa ở Tháp Bánh Ít chớ! Tây cười xòa, bộc bạch rất chân thật:
         -Ừ, về chơ! À này! Mấy đứa bạn vừa đưa cho mình tên trang Sư Phạm Quy Nhơn. Hồi hôm mình thức đến 12giờ đêm để xem mấy bài Ren viết…
         Tôi vui lắm ! Trước sự chân chất của bạn ấy và của các bạn khác nữa như Thủ Tịnh, Kim Thạch, Tự Tín, Đình Tú, Sĩ Tạo, Tâm Thanh, Ánh Tuyết, Văn Thái…hình như các bạn dành cho nhau và cho tôi những tình cảm rất ư là mộc mạc, chân thành làm tôi thấy  ấm lòng.
         Tôi không bao giờ quên! Mùa thu, mùa khai trường năm ấy! Tôi không nôn nao, rộn rịp như những mùa khai trường năm trước. Tôi lặng lẽ đến trường. Bước vào cổng trường, người đầu tiên tôi gặp là Hoài Thanh. Tôi và Thanh học cùng lớp ở Tiểu Học Ấu Triệu. Sang cấp 2, Thanh học Trinh Vương còn tôi học Nữ Trung Học. Gặp nhau cả hai đều mừng! Nhất là khi biết chúng tôi sẽ cùng học chung một lớp nhất niên 6. Tôi lại càng vui mừng khi biết Lê Sen, Vĩnh Phước, Hoàng Phượng…cũng học chung lớp.
         Buổi chào cờ đầu tiên ở sân trường. Chúng tôi lớ ngớ không biết xếp hàng như thế nào? Một bạn cầm danh sách đến hướng dẫn, sau này tôi mới biết đó là bạn Tố : Nữ đứng trước xếp thành hai hàng, nam đứng phía sau. Sau đó một bạn hướng dẫn chúng tôi lên lớp rồi đọc danh sách. Tôi nhớ như in từng chỗ ngồi của các bạn theo thứ tự từ ngoài cửa vào: Phúc, Phước, Phương, Phượng, Ren, Sen, Hoài Thanh, Tâm Thanh, Lệ Thu, Tỏi, Tuyết. Hết nữ đến nam. Bắt đầu là : Tài…Tạo…Tiến…Tín…Tình…Tịnh … Tố, Thạch…Thái…Thanh…Thành... Tuấn…Tú…Tượng.
         Có lẽ vui nhất là thành lập các ban của lớp! Tôi chẳng biết ai mà bầu nên cứ thấy khuôn mặt nào được được là bầu đại! Ban xã hội, một bạn nam giơ tay xin ứng cử.
         -Tôi là Lê xuân Thanh xin làm trưởng ban “xã họi ”. Các bạn nam cười rân lên. Tôi ngạc nhiên! Một bạn ngồi phía sau nói: Xã hội mà nói là “xã họi”. Thế là từ đó bạn ấy có thêm một tên mới là“Thanh xã họi”.
         Ban Văn Nghệ không thấy ai giới thiệu ai cả? Cuối cùng bạn Nguyễn Sĩ Tạo xung phong làm trưởng ban.
         Cuộc thi văn nghệ sắp đến, Sĩ Tạo gặp tôi: - Chị tập dùm lớp một tiết mục văn nghệ để chuẩn bị kỳ thi toàn trường. ( Chắc là thấy tướng tôi có vẻ văn nghệ?!)
         Về nhà, tôi “vắt hết óc”. Cuối cùng tôi cũng tìm được một tiết mục. Tôi chọn các bạn nam, nữ xếp đội hình và tập. Bạn Nguyễn Như Tiến ngày đêm vẽ, tô màu, mấy cái đàn Tỳ bà tuyệt đẹp. Thế là Vũ khúc Tiếng Xưa ra đời. Thêm màn hợp ca Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói. Năm ấy chẳng thấy “sáng chói” chút nào mà cả lớp “buồn xo” vì không được một cái giải nào cả! nhưng rồi cũng được an ủi, khi thầy dạy nhạc khen vũ khúc Tiếng Xưa và chọn đi trình diễn một vài nơi. Năm thứ hai, rút kinh nghiệm nên tôi chuẩn bị, tập dợt kĩ càng hơn. Miếng Trầu Duyên “trình làng” một đám cưới rầm rộ của Gia Đình Nhị Sáu. Kết quả đạt giài nhất toàn trường.
         Sau cuộc thi, chúng tôi như thân thiết nhau hơn. Noel năm đó  rủ nhau đi chơi. Cả lớp cứ đi dạo hết con đường này đến con đường khác. Hình như trong túi không một ai có tiền. Tôi nhớ khi đi đến đoạn Võ Tánh -Tăng Bạt Hổ, bạn Trần ĐìnhTín vội đi về nhà ở gần đó lấy tiền? Sau đó,  bạn ấy dẫn cả nhóm đi uống nước. Lúc đó, chúng tôi còn rất ngây thơ, chân chất …Nữ thì hiền lành, hồn nhiên. Nam thì chẳng biết “galant” là gì? Bản chất ra sao thì cứ bộc lộ như thế. Sống hiền hòa,vô tư và rất thật lòng.
         Trong các giáo sư giảng dạy lớp tôi. Nghiêm nhất là thầy Tính. Mỗi lần vào lớp là thầy lướt mắt nhìn xem nhất là các bạn nam, ngồi có đúng vị trí hoặc ngay ngắn không? Có bạn nào hồi hôm thức khuya ( Nội trú nam thường có một số bạn lén thức khuya trong phòng làm gì đó???!!!) Sáng ra, vào lớp, buồn ngủ nên tìm chỗ nấp sau lưng các bạn để ngủ? Thỉnh thoảng tôi thấy thầy gọi tên một bạn nào đó đang lim dim ngủ gật.
         Giáo sư thường xuyên dò bài là thầy Đàm Khánh Hỷ. Lúc đó cả lớp sợ môn Tâm Lý Giáo dục nhất vì đa số không thuộc bài.   Nên nghe thầy gọi tên là bạn nào cũng “thót tim” theo.
         Có lẽ dễ nhất là giờ học của thầy Kim. Suốt cả năm cứ đến giờ là thầy cho thuyết trình, hết bạn này đến bạn khác… Thầy ngồi cuối lớp nên các bạn phía trên mặc sức làm việc gì tùy ý.
         Thích nhất là giờ Nhạc. Thầy Hoàng Hy cho cả lớp xướng âm và hát (vì bạn nào cũng thích hát)  nên ai cũng thấy vui.
         Thời gian trôi qua, quen trường, mến bạn. Chúng tôi bắt đầu đến trường Sư Phạm Thực Hành tập làm cô giáo, thầy giáo. Tội nhất là bạn Lớp trưởng. Có một vài bạn nữ, mới giới thiệu tiết dạy thì sợ quá òa khóc! Thế là bạn Tuấn phải dạy thay cho bạn ấy! Rồi những ngày rộn ràng đi thực tập ở các trường. Từng nhóm các bạn giúp đỡ nhau từ khâu soạn bài, vẽ hình cho đến giảng dạy. Rồi đến ngày thi ra trường, ngày chọn nhiệm sở…Các bạn lúc nào cũng lo cho nhau, nương tựa vào nhau, giúp đỡ nhau…Thế rồi tất cả chọn nhiệm sở và lên đường dạy học. Hẹn sẽ gặp lại nhau trong một ngày rất gần. Nhưng cuộc chia tay ngày ấy sao mà kéo dài đến thế! Phải gần 40 năm sau mới tìm lại được nhau, để rồi cùng nhau hẹn một ngày trở về.
         Tuần trước cô bạn Ánh Tuyết biết được số phone nên gọi điện cho tôi, vài ngày sau Tuyết hẹn tôi bật wedcam để nói chuyện với nhau. Khi máy mở ra, tôi không nhận ra Tuyết! Hình ảnh cô bạn nhỏ nhắn trẻ trung của tuổi hai mươi in đậm trong tâm trí tôi đâu mất rồi???!!! thay vào đó là một người đã có tuổi. Tôi nghĩ : Phía bên kia chắc Tuyết cũng ngỡ ngàng khi nhìn thấy tôi!!! Tự nhiên trong tôi dâng lên một nỗi buồn. Thời gian nghiệt ngã sắp đặt cho cuộc hội ngộ khi tất cả đã ngấp nghé ở tuổi lục tuần.
         Tất cả chúng tôi tuổi cao, tóc đã bạc nhưng hình như tâm hồn vẫn trẻ. Gọi điện cho nhau, hỏi thăm, rủ nhau trở về rôm rả như thời nào. Tôi gọi điện cho một người bạn cùng lớp bây giờ đang làm ở Tỉnh Ủy Phú Yên nhở bạn ấy gọi tất cả các bạn ở Phú yên  cùng về. Bạn ấy nhiệt tình:
         -Được rồi! Mình sẽ liên lạc với Huỳnh Kim Thạch và các bạn khác nữa để rủ nhau cùng trở về!
         Tôi mừng lắm! Tất cả các bạn nhị sáu khóa 11 đều hướng về nhau. Các bạn sống rất có tình. Tuy không ít mỗi người trong số chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ai cũng có một lối đi khác nhau nhưng hình như chúng tôi đều dành một khoảng riêng nào đó trong lòng mình cho bạn bè! Riêng tôi, tôi rất quý những tình cảm ngây ngô, chân thật ngày ấy! Đó là khoảng bình yên nhất trong tâm hồn tôi mỗi khi nghĩ đến các bạn. Tôi luôn giữ mãi những kỉ niệm đẹp thấm đẫm tình bạn đích thực và là niềm vui rất lớn đối với tôi trong những ngày còn lại này.
         Ngày về không còn bao lâu nữa! Tất cả chúng tôi đang nôn nao, mong chờ! Và bắt đầu đếm từng ngày: năm… bốn… ba…hai … một …  Đi về Quy Nhơn nào, nhanh lên các bạn ơi!
         Sài Gòn, 06/05/2012.
                  Irene.

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

NIỀM VUI

 
            Tiếng ve râm ran báo hiệu mùa hạ . Những chùm hoa sứ trong sân nở rộ với đủ màu vàng , trắng , đỏ . Cơn gió nồm mát dịu từ biển thổi vào làm xua tan cái nóng nực .  Những ngày cuối năm không khí lớp học như im ắng không sôi động như mọi hôm . Trên khuôn mặt mọi người xuất hiện những sự lo lắng, ưu tư . Tôi cũng vậy buồn vì sắp xa thầy cô ,  bạn bè , mái trường thân yêu và lo lắng vì mai mốt đây tôi sẽ làm cô giáo .   
                       … Mai mốt chị em lên đường dạy học
                            Trên bản thôn xa giữa phố phường nghèo
                            Bên xóm gần hay tỉnh lỵ xa xôi
                            Em lảnh lót giảng bài như chim hót
                            Học trò em ngoan hiền hồng mộng ước
                            Nghe lời em như uống triệu lời kinh …
          Những câu thơ trên được chép trên tờ giấy học trò mà tôi nhận được vào những ngày cuối năm ấy, của một người bạn viết tặng không đề tên tác giả , đoạn thơ dễ thương và hợp với tâm trạng lúc đó nên tôi thuộc ngay . Thế rồi mùa hè năm 1973 chúng tôi hoàn tất kỳ thi ra trường , chọn nhiệm sở. Khóa mười chỉ có năm tỉnh để chọn gồm : Bình Định , Phú Yên , Phú Bổn , Quảng Ngãi và  Quảng tín . Chúng tôi rời trường và trình diện nhiệm sở mới…                                                                                       
         Thời đó , phương tiện liên lạc của chúng tôi là viết thư cho nhau . Những cánh thư đi một tháng mới đến tay người nhận , lâu lắm mới có dịp để gặp nhau, chỉ là những người bạn cùng thành phố . Biến cố năm 75 , chúng tôi mất liên lạc nhau . Một số bạn tôi không giảng dạy nữa , riêng  tôi vẫn theo nghề đã chọn.
         Thấm thoắt thời gian qua thật nhanh. Đã sáu năm tôi rời bục giảng , từ giã những cô , cậu học trò bé  nhỏ , trở về cuộc sống đời thường của một bà giáo về hưu , để rồi quên luôn cả những trang giáo án soạn hằng đêm . Tôi nghĩ :” Mình đã đóng góp công sức cho ngành nghề đã chọn nên không có gì phải buồn” . Buổi sáng , rảnh rổi tôi thường ngồi bên cửa sổ nhìn ra khoảng sân trước nhà nơi có những chú chim sẻ ríu rít chuyền cành và đợi người đưa báo đến , tôi đọc hết tờ báo rồi mở vi tính và đọc báo trên mạng , tuy nhiên không thể chối cải là khoảng lặng trong ngày làm mình cảm thấy trống vắng .
          Một hôm , cô em gái tôi giới thiệu trang SPQN vừa mới thành lập . Tôi tìm đọc và thấy mình ấm lòng hơn . Qua đó tôi biết được  tin tức thầy cô , bạn bè , những  hình ảnh , bản nhạc… Những bài viết đóng góp phong phú làm tôi thích thú . Ngày ngày tôi vẫn đều đặn là độc giả trung thành , niềm vui đến với tôi nên hôm nào máy bị trục trặc là tôi buồn , mong ngóng .   
        Đọc bài viết của Đông Oanh , Thanh Cảm , Irene , lê Huy, Lê Du Miên … Sao họ viết hay thế ! Để rồi tôi cũng tập tành viết lách , viết và tự chỉnh sửa , đọc đi , đọc lại , sao mà nó khô khan . Rồi tự nhủ chắc mình dân ban B(toán) nên khô khốc như những con số , viết mãi xóa bỏ và cuối cùng bài văn học sinh lớp 5 của tôi ra đời vào đúng dịp lễ Vu lan , lấy hết can đảm gởi về trang SPQN  thật là :
                      …Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi …
                                                                        Xuân Diệu
         Cũng không dám lấy tên thật của mình thôi thì lấy bút danh vậy , hồi hộp và chờ đợi , hôm sau mở máy ra như một điều kì diệu , bài tôi đã được đăng kèm với những hình ảnh đẹp , tôi ngây ngất đọc đi , đọc lại từng chữ , gọi điện cho con gái nói về bài viết của mình . Niềm vui đến với tôi như đứa trẻ được quà , người ta nói : Người già trở thành như  trẻ con là vậy .
          Thể rồi từ những niềm vui ấy , tôi viết tiếp và nhận được những ý kiến phản hồi dưới bài viết tôi càng vui hơn , đọc đi , đọc lại từng chữ cảm ơn các bạn đã cho tôi nguồn động viên lớn lao .
           Đến một ngày thông báo chuyến về nguồn của BTC lòng tôi như vỡ òa hạnh phúc , gần bốn mươi năm xa trường tôi chưa một lần nào được cùng các bạn nắm tay nhau trở về nơi thân yêu ấy . Đây là dịp tôi trở về thăm ngôi trường yêu dấu một thời , ngày đó sẽ đến , tôi sẽ được gặp các thầy cô , các anh chị ở các khóa trước , bạn bè … Tôi điện thoại báo tin cho các bạn , ai cũng mừng vui và hứa hẹn cùng về .  

    …Anh sẽ về em ơi anh sẽ về , về nơi  …
          Lời bài hát mà tôi đã được nghe vang lên rộn rã trong lòng tôi .
Anh tôi từ Đà Nẳng , chị tôi từ Nha Trang cũng điện báo tin sẽ cùng về vào ngày 12/5/2012 .
          Ngày về không còn bao lâu nữa , tôi sẽ được gặp lại thầy cô , bạn bè , chắc tôi sẽ khóc mất , những giọt nước mắt buồn vì thầy cô , bạn bè tôi không còn gặp lại , tất cả họ đã đi thật xa , những giọt nước mắt sung sướng được hạnh ngộ .
           Cám ơn BTC , trang SPQN đã làm nên những điều mà chúng tôi hằng ấp ủ , tổ chức chuyến về nguồn mà tôi nghỉ đầy ắp tình yêu thương .
     …    Mặt đất bao la anh em ta về , gặp nhau mừng như bão… trời rộng bàn tay ta nắm …
                                 Nối vòng tay lớn (TCS)
            
                                                    Giang Lam k10

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

ĐƯỜNG VỀ


                                                                                  Thanh Cảm k11

       Buổi sáng, những tia nắng sớm màu vàng cam ở đằng đông dần nhô lên, không gian ấm dần sau một đêm dài ngủ quên trên những hàng điệp vàng dọc theo những con đường nhỏ xinh xinh của khu dân cư nằm ven con sông Sài Gòn này. Những chuỗi bông li ti hanh vàng nhẹ lay trong gió sớm và dường như vẫn còn run rẩy nép mình dưới những tán lá còn ướt đẫm sương đêm, màng sương xám xịt lững lờ buông mình trên dòng sông còn mờ hơi nước lúc nửa đêm về sáng trông đẹp như một bức tranh thủy mạc.
       Tôi đưa mắt qua ô cửa nhỏ, lơ đãng ngắm nhìn bầu trời buổi sáng đẹp tinh khôi và lắng lòng bên giọng hát Thu Phương da diết với”Bên đời hiu quạnh”của Trịnh Công Sơn:
  “Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa
   Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì
   Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
   Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ…” Chợt có tiếng điện thoại reo,
          _A lô, xin lỗi…
          _À, anh Dũ đây…!
        Giọng anh có vẻ vui, trong sáng và hồ hởi. Thì ra anh ấy gọi để nhắc nhở mình mấy điều về chuyến về trường. Nghe anh bảo đang ở bên nhà chị Diệu Minh để bàn thêm một số việc cho chuyến về thăm trường cũ sắp đến. Hôm trước, ở nhà Chúc thầy Hy cũng có gọi điện cho mình và cũng dặn dò mấy việc trong nội dung cho chuyến về trường lần này…Thì ra, mỗi khi nhắc đến sự kiện này thì thầy trò chúng tôi ai cũng nôn nao cả lòng, nó giống như tất cả đang nóng lòng trông chờ một điều gì đó vô cùng hệ trọng, vô cùng thiêng liêng của cả cuộc đời mình vậy!
         Mà thật thế, chúng tôi sau bao nhiêu năm trễ hẹn bây giờ mới thật sự có dịp cùng  trở về trường xưa để được gặp nhau, để được nhìn nhau, để được cùng hàn huyên tâm sự sau một chặng đường  xa cách quá dài ;một chặng đường mà tất cả chúng tôi đã đi qua với biết bao vui buồn, biết bao trở ngăn trong cuộc sống và để đến hôm nay chúng tôi mới cùng được tìm về bên nhau, về bên ngôi trường của một thời yêu dấu!
        Cách đây mấy hôm, tôi có nhận được điện thoại của Thầy Hiệu trưởng. Đã lâu lắm rồi, đã ba mươi tám năm không gặp mà tôi nghe giọng Thầy vẫn thế, vẫn ấm áp như ngày nào tuy lời nói có vẻ nhẹ và chậm hơn…Lời Thầy như nghẹn lại khi nhắc đến trường xưa, giọng Thầy như chùng xuống khi kể về những kỷ niệm năm nào bên ngôi trường cũ…Thầy dặn dò tôi :
         _Thanh Cảm về trường nhớ xem  trường có khác xưa nhiều không ?Công viên có còn mấy cây hoa sứ nở muộn thơm lừng, có còn mấy khóm trúc đào nồng hương ấy không rồi kể lại cho Thầy nghe với nhé!Thanh Cảm nhớ nhìn xem ngôi nhà Thầy ở năm xưa giờ ra sao, có còn gốc ngọc lan mồ côi bên góc vườn nhà Thầy nở hoa thơm ngát mỗi tối mỗi chiều ấy không ?Có còn hàng liễu già cô đơn bên cổng trường hằng ngày đón đưa lớp lớp anh chị em giáo sinh đi về sớm tối không ?
        Ôi, nghe Thầy dặn dò mà lòng mình như muốn bật khóc!Đã xa thật xa mà Thầy vẫn luôn đau đáu nhớ về trường. Thầy nói, không sao quên được những hình ảnh thân quen của ngôi trường mà Thầy đã từng gắn bó với bao lớp giáo sinh đến rồi lại đi, để lại ngôi trường mênh mang bao nhiêu là  nổi nhớ!
        Tôi còn nhớ Thầy hỏi tôi :
         _Đêm mãn khóa năm ấy Thanh Cảm ngồi ở đâu, nghe Thầy đọc «Câu chuyện lửa tàn »có rõ không ?Bây giờ Thanh Cảm có còn nhớ hôm ấy Thầy đã đọc những gì không ?
         Không đợi tôi trá lời, Thầy đọc lại cho tôi nghe mấy đoạn trong «Câu chuyện lửa tàn » đêm hôm ấy bằng một giọng ấm trầm tha thiết, tôi nghe mà nhói buốt cả lòng, nghe mà rưng rưng nước mắt! Những lời tâm huyết này dường như đã là máu thịt của Thầy nên giờ tuy đã yếu đi nhiều lắm, vậy mà Thầy vẫn không quên một từ một chữ!
       «… Với tuổi đôi mươi, chẳng có gì là muộn. Tất cả đang chờ đón anh chị em :Tình yêu để yêu, tình bạn để thương, tình quê hương để nhớ, những nguyện vọng để thực hiện, nghề nghiệp để phụng sự…nghĩa là cả một cuộc đời để sống, để xây lên, hoặc nếu cần, để dựng lại…Khi đã dấn thân vào nghề là chúng ta phải chọn cho mình một hướng đi đầy ý thức, trên đường đời nghề nghiệp đã chọn, anh chị em hãy can đảm bước lên. Niềm tin của anh chị em ấy là niềm tin của chúng tôi và cũng là ý đợi của quê hương này… »
        Thật tha thiết và cũng thật lắng đọng với những tâm ý của một người Thầy hết lòng vì thế hệ tương lai, cho tới bây giờ Thầy vẫn vậy!Bao nhiêu câu hỏi dồn dập Thầy hỏi tôi là tôi biết bấy nhiêu nổi niềm nhớ thương chất chứa trong lòng của một người Thầy đã từng gắn bó, đã từng bên ngôi trường ấy mỗi sớm mỗi chiều mà giờ với Thầy thì muôn nẻo đường đã quá xa xăm và sẽ chẳng bao giờ có dịp để Thầy trở về thăm chốn cũ!Tôi đã cố gắng không khóc khi nói chuyện với Thầy vì tôi sợ Thầy sẽ đau lòng khi nhớ về kỷ niệm một thời, để rồi sau đó một mình tôi lại nghe sống mũi cay cay!
        « Rồi một lần kia khăn gói đi xa
          Tưởng rằng được yên thương nhớ nơi quê nhà
          Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
          Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ… »(TCS)
      
          Giờ thì đường về của chúng tôi không còn xa nữa, con đường trở về của chúng tôi đã thênh thang trước mắt, bước chân trở về của chúng tôi không còn là mơ ước, chỉ một ít thời gian ngắn ngủi nữa thôi chúng tôi sẽ lại được tay bắt mặt mừng sau bao nhiêu ngày xa cách. Không thể tưởng tượng nổi lúc ấy chúng tôi sẽ như thế nào nhỉ, chắc là sẽ ôm chầm lấy nhau mà khóc mà cười. . . và rồi thế nào nữa nhỉ ??? Ôi, sao trong lòng cứ nôn nao, cứ rộn ràng một nổi niềm khó tả! Không biết Thầy Cô tôi có ai còn ai mất ?Bạn bè tôi rồi ai có ai không ? Trường xưa tôi rồi còn lại những gì sau những đổi thay trong muôn trùng dâu bể…để tôi sẽ kể lại cho Thầy nghe như lời Thầy đã dặn dò, đã đau đáu nhớ nhung!
           Trở về lần này có lẽ sẽ là lần duy nhất và là lần cuối cùng chúng tôi tìm về bên nhau trong vòng tay bè bạn, trong nổi nhớ cồn cào!Đã qua lâu rồi và đã xa lắm rồi cái thời tuổi trẻ mà chúng tôi từng yêu từng thiết tha cống hiến!Đã đi vào ký ức lâu rồi cái thuở  chúng tôi tóc vẫn còn xanh và niềm đam mê thì cháy bỏng trong lứa tuổi đôi mươi…Thời gian trôi qua, chúng tôi già đi, tóc đã có nhiều sợi bạc nhưng tận thẳm sâu trong tâm hồn chúng tôi vẫn còn đấy một tình bạn ấm nồng, tình bạn ấy sẽ là ngọn lửa hồng đắm say trong không gian giá lạnh, sẽ mang đến cho chúng tôi những nụ cười thân thiện gần gủi và ấm áp để tình bạn thăng hoa cho tôi một ý thơ đẹp mà viết thành bài ca tình bạn bền chặt thân tình!
            Sáng nay, anh Dũ có nói với tôi :
           _ Lần này về Qui Nhơn em nhớ mang cả trường SP vào Sài Gòn nhé!
            Nghe anh nói, cả hai anh em đều cười xòa vui vẻ nhưng trong tôi thoáng chút mặn đắng xót xa…Tôi biết ý anh dùng cụm từ «  mang cả trường vào SG » là để chúng tôi có ý niệm gần hơn với ngôi trường mà chắc chắn rằng  không bao giờ chúng tôi có dịp cùng nhau trở về lần nữa!Nghĩ đến điều này, có lẽ trong chúng tôi ai mà chẳng thấy nhói đau lòng… Nhưng, cuộc sống là vậy!Có đến ắt phải có đi, có gặp tất phải có lúc chia tay từ biệt như lời ngậm ngùi thiết tha sau cùng của Thầy Hiệu trưởng đã nói với chúng tôi trong đêm lửa tàn năm ấy «Tôi thân mến từ biệt anh chị em!!! »Vậy mà với lời chào từ biệt tưởng chừng như giản đơn ấy, thầy trò chúng tôi đã phải cách xa từ sau cái đêm Thầy đọc câu chuyện khi lửa sắp tàn…Bây giờ Thầy đã già yếu lại ốm đau mà khoảng cách địa lý thì xa vời vợi nên có lẽ chúng tôi sẽ mãi chẳng có cơ hội gặp lại Thầy!Tuy vậy, trong tâm tư chúng tôi vẫn không lúc nào quên người Thầy có giọng nói ấm áp với  cái nhìn độ lượng,  mang cả tấm lòng vào những lời tình tự sâu lắng đã một lần chạm vào những trái tim non trẻ của chúng tôi ngày ấy khi « đêm đã khuya và lửa đã dần tắt » trong cái đêm không thể nào quên của tất cả giáo sinh k11 chúng tôi!
         Trường xưa ơi, có chờ tôi trở lại! 
         Thầy Cô quen bên cửa lớp mù sương…
         Và bạn xưa giờ có còn đứng đợi
         Sư Phạm buồn chiều nội trú bơ vơ…!(tc)
          
         Ngoài kia, nắng đã lên cao. Không gian đã ấm áp hơn và cuộc sống chung quanh vẫn như bao ngày…Thời gian vẫn cứ bình thản trôi trên phận người, vẫn từng bước ung dung không hề mỏi mệt và trong ta lại thầm thì nhắc nhở « Hãy yêu ngày tới dù quá mệt  kiếp người, còn cuộc đời ta cứ vui…! »Vâng, còn cuộc đời ta cứ vui cứ hy vọng cứ mến thương và trong trái tim ta sân si sẽ lụi tắt để nhường chổ cho tình người lên tiếng hát khúc nhạc yêu thương!

       « Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu
          Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau…
          Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi
          Dù mai nơi này người có xa người… »( Hãy yêu nhau đi-TCS )

Thoảng trong không gian, những giai điệu cuối trong bài hát «Bên đời hiu quạnh » của TCS đâu đó nhẹ nhàng vang xa, xa mãi mà xoáy tận vào lòng…
       « Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
          Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
          Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
          Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi! »

                                               Thanh Cảm ---Một sáng nhớ về…(!!!)

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

MÃI LÀ LỜI TRI ÂN.


                                       Irene.

          Chiều xuống chầm chậm. Nắng nhạt dần…nhạt dần trên những vòm cây cao rồi rút chạy ra xa tít về phía cuối trời. Không biết từ bao giờ, tôi lại thích vẻ tĩnh mịch của chiều về. Có thể khi con người tuổi đã cao, thích tĩnh tâm nên thấy tâm hồn mình phù hợp với khung cảnh êm ả của chiều hôm. Mỗi khi chiều về, tôi thấy lòng mình lắng xuống bình yên, thanh thản một cách lạ lùng. Tôi thường ngồi lặng im để nghe tiếng gió vờn trong lá. Lặng im để nghe tiếng chiều bước nhẹ và lặng im để hồn mình trở về lại quãng đường mà mình đã đi qua.
Năm 1972 tôi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Lúc ấy, tôi chẳng thích học sư phạm chút nào. Vì sau khi tôi đậu tú tài toàn, con đường thi cử tương đối suôn sẻ nên trước mắt tôi chỉ nhìn thấy toàn một màu hồng.
          Tôi hăm hở vào Sài Gòn thi Đại Học. Khi chạm phải thực tế mới thấy không dễ dàng như tôi tưởng. Đó là lần đầu tiên xa nhà, thiếu thốn đủ thứ, phương tiện đi lại khó khăn…Mùa hè 72 cuộc chiến khốc liệt! Chúng tôi vừa mới bước vào chương cuối của chương trình lớp 12 thì trường học đóng cửa, mọi người di tản. Vì thế, kiến thức của chúng tôi hầu hết không được trang bị đầy đủ để thi vào các trường Đại Học. Với lại trước 75, chương trình phổ thông so với chương trình thi đại học là cả một khoảng cách kiến thức. Muốn vào Dược hay Y khoa, phải học qua một năm lớp dự bị thì may ra. Cho nên thi xong thấy không hy vọng. Thôi thì ghi danh vào đại học Văn Khoa. Đang buồn, nhớ nhà thì tôi nhận được điện tín của ba tôi gởi vào báo tin tôi đậu Sư Phạm Qui Nhơn.

          Mùa tựu trường năm đó, “ tấp tễnh người đi tớ cũng đi”, tôi bước vào năm thứ nhất khóa 11.
          Vào Sư Phạm là tôi đã xác định: Đây là trường đào tạo ra những người thầy nên chắc chắn không khí rất là mô phạm và là môi trường để tu luyện chứ chẳng có gì để mà học, để mà vui cả.  
          Nhưng khi vào đây rồi, theo ngày tháng tôi bắt đầu thích khung cảnh. Ngôi trường đẹp, thơ mộng! Bình yên nằm tọa lạc trên một khuôn viên rộng. Mặt trước quay về biển quanh năm gió thổi lao xao và tiếng sóng biển vỗ rì rào. Mặt sau là dãy núi xanh thẫm bao bọc. Con đường đến trường với hàng liễu rủ. Bên trong, sân trường với những hàng hoa giấy nhiều màu sắc. Thoang thoảng mùi thơm của hoa sứ. Những dãy lầu cao của các lớp học hay những hành lang hun hút dẫn về khu nội trú…
          Bạn cùng lớp, nhất là nam, đều sinh năm 1954. Các bạn từ mọi nơi tụ hội về đây: Từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, cao nguyên…Tất cả đều xa lạ nhưng khi tiếp xúc thì   rất là chân chất. Càng ngày tình bạn bè càng thêm gắn bó. Tuổi trẻ nên chúng tôi dễ dàng hòa đồng vui vẻ.  
          Các môn học thì lạ lẫm so với ở phổ thông. Năm thứ nhất chúng tôi đã làm quen với Tâm Lý Giáo Dục, Luân lý Chức Nghiệp, Sư Phạm Lý Thuyết, Sư Phạm chuyên biệt, Giáo Dục cộng Đồng, Dụng Cụ Giáo Khoa, Y Tế Học Đường ngoài ra, còn học các môn như Việt Văn, Nhạc, Hội Họa, Hoạt Động Thanh Niên. Nữ Công Gia Chánh (dành cho nữ) v.v…
          Lúc đó tôi lờ mờ về các môn học. Ngồi trong lớp, thầy cứ giảng còn trò cứ thả hồn đi hoang ...
          Sang năm thứ hai, tôi hiểu hơn một chút về các môn học như : Kinh Tế Chính Trị, Giao Tế Xã Hội, Quản trị & Thanh Tra Học Đường, Sư Phạm thực Hành…
          Các thầy giáo, cô giáo giảng dạy, ai cũng mang một phong cách, một lối sống đạo đức chuẩn mực của một nhà giáo. Thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫn lúc nào cũng lặng lẽ nhưng ánh mắt thân thiện. Thầy thường khuyên chúng tôi rằng nếu có điều kiện nên ghi danh học thêm đại học. Các thầy cô phụ trách bộ môn. Ai cũng nhiệt tình giảng dạy. Ai cũng tâm huyết, vận dụng hết các kiến thức từ trong sách vở thành những thực tế đời thường. Các bài dạy về làm người, về giao tiếp, về nghề nghiệp…hầu hết tôi học được từ nơi đây.  Các thầy cô đã truyền hết những kinh nghiệm để mong rằng: Đó là hành trang đủ cho chúng tôi mang vào đời.
          Tôi cứ nhớ mãi câu nói của các thầy lúc chúng tôi mới vào trường : Các anh chị phải xác định là mình đã chọn nghề giáo thì tiếp tục theo nghề còn nếu mình không thích thì ngay bây giờ có thể ngừng lại cũng còn kịp. Đừng mang những điều bực bội, chán nản đem vào trường này!
          Câu nói như một lời khuyên và cũng rất chân thật vì dạo ấy cũng có nhiều bạn trong đó có tôi vì hoàn cảnh thế này hay thế nọ. Bất đắc dĩ không còn con đường nào khác đành phải vào Sư phạm và cũng nhờ câu nói này, chúng tôi xác định được tư tưởng và hướng đi của mình.
          Các thầy cô rất chú trọng đến nhân cách con người. Chú trọng đến tác phong đạo đức của nhà giáo. Chú trọng từ cách ăn mặc, lời nói, cách ứng xử… Tôi còn nhớ! Thầy Võ Sum giáo viên dạy môn Giao Tế Xã Hội thường xuyên nhắc nhở chúng tôi về cách giao tiếp : Các anh chị mỗi khi lên xuống thang lầu, các anh phải nhớ nhường phía tay vịn cho các chị. Khi lên các anh nên đi phía sau, khi đi xuống các anh phải đi phía trước các chị. Khi ra đường nếu đi với các chị thì các anh luôn đi phía bên tay trái của các chị. Các anh phải cầm dù và xách những cái túi  nặng cho các chị nhưng không phải xách hết phải để lại cho chị một cái ví nhỏ, con gái người ta còn có cái để làm duyên.v.v và v.v…Tôi nghe các chị tôi ở những khóa trước kể rằng : Vào thời đó người ta thường nói rằng nam mà vào sư phạm thì “yếu”. Vì thế thầy Mẫn Hiệu Trưởng thường nhắc nhở các giáo sinh nam là:  Chúng ta có thể chấp nhận cho các chị vì họ là phái “yếu”. Các chị mơ mộng, yếu mềm vì có thể trong số các chị ở đây có  người yêu ở xa. Trong những đêm mưa nội trú thao thức nhớ đến người yêu giờ này đóng quân ở một tiền đồn heo hút nào đó? Còn các anh là nam thì không thể có những tư tưởng yếu đuối được, mà phải mạnh mẽ lên! Đừng để mang tiếng : Trai Sư Phạm thế này? Hay thế nọ?…Cứ thế, các thầy dạy rất kỹ những vấn đề nhỏ cho đến vấn đề lớn trong giao tiếp. Mà đúng như vậy! Có những điều rất bình thường nhưng nếu các thầy cô không nhắc nhở thì ta lại không chú ý, không nhớ  hay quên đi.
          Trường Sư Phạm hàng năm tổ chức những cuộc thi văn nghệ giữa các lớp không phải chỉ là thi đua và giải trí mà qua những lần hội thi giúp chúng tôi đoàn kết, gần gũi, thương yêu nhau hơn. Rồi cũng qua những tiết mục văn nghệ thấm đượm tính dân tộc tạo cho chúng tôi tình yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào, yêu cộng đồng, yêu trường lớp, yêu nghề…
          Còn rất nhiều điều tôi được học từ các thầy cô dưới mái trường Sư Phạm mà tôi không thể kể hết được. Thế rồi, các kiến thức ấy, các điều ấy ! Cứ đọng lại trong tôi mỗi ngày một ít như  :“ Mưa dầm thấm đất”. Và rồi nó ăn sâu nảy nở trong tâm hồn tôi như những đóa hoa rực rỡ nhiều màu sắc.
          Hàng năm, từ mái trường Sư Phạm Qui Nhơn tiễn đưa lớp lớp những giáo viên lên đường đi khắp mọi miền đất nước. Từ đồng bằng đến miền núi xa xôi hay hải đảo. Các thầy cô đã trang bị cho chúng tôi quá đầy đủ nên chúng tôi không chỉ là những giáo viên dạy Tiểu Học mà còn dạy cấp hai, cấp ba…  hoăc cũng có thể  dạy các môn khác như : Nhạc, Họa, Thể Dục, Ngoại Ngữ…Nhiều người trong số chúng tôi là giám đốc Sở, Thanh Tra, Hiệu Trưởng, giáo viên dạy giỏi… Sau 1975, những giáo học Cấp Bổ Túc ngày xưa ấy lại càng phát huy năng lực. Trong ngành Giáo Dục, chúng tôi đều là những người tiên phong. Chúng tôi giữ vị trí then chốt trong chuyên môn. Trong trường học, Hiệu Trưởng, Hiệu Phó, các Tổ Trưởng Chuyên Môn đa số đều không phải là những người có bằng cấp học vị cao mà là những người chỉ có Chứng Chỉ Khả Năng Sư Phạm Ban Thường Xuyên Hai Năm. Tất cả chúng tôi giảng dạy rất vững vàng, có phong cách riêng, có lương tâm của một nhà giáo chân chính… Trường Sư Phạm Qui Nhơn nói chung và các thầy cô giáo nói riêng đã đào tạo cho chúng tôi thành những giáo viên đa năng.
          Riêng tôi, các thầy cô giáo trường Sư Phạm Qui Nhơn đã đem đến cho tôi rất nhiều: Đó là kiến thức và trải nghiệm. Đó là niềm say mê và sáng tạo. Đó là tính độc lập tự chủ để tìm hướng đi đúng đắn trong nghề. Các thầy cô là những người cho tôi những bài học đầy tính nhân văn mang đậm tình người, tình quê hương, dân tộc. Các thầy cô đã đi qua đời tôi hun đúc tính cách, con người tôi…Các thầy cô giáo âm thầm và lặng lẽ gieo vào hồn tôi những nốt nhạc trầm lắng êm đềm nhưng da diết và sâu sắc.Và điều đó đã giúp tôi suốt những năm tháng giảng dạy luôn có được phẩm chất nhân cách của người thầy. Trên bục giảng, vững vàng về kiến thức. Mẫu mực đối với học sinh và phụ huynh. Bây giờ thì tôi đã hoàn tất công việc của nhà giáo.Tuy rằng trên con đường đến bến bờ ấy không phải lúc nào tôi cũng nhận được sự êm ả. Thế nhưng mỗi khi có những sóng gió, lời thầy cô lại vang vọng giúp tôi mạnh mẽ vượt qua.  
          Xin mãi mãi tri ân các thầy giáo cô giáo! Con xin mượn lời của Carl Jung để bày tỏ lòng tri ân đến các thầy cô, một thời giảng dạy dưới mái  trường Sư Phạm Qui Nhơn :
          “Người ta hồi tưởng lại với sự cảm phục những nhà giáo lỗi lạc với sự biết ơn những người đã tác động vào xúc cảm nhân văn của ta. Chương trình giảng dạy là nguyên liệu cần thiết nhưng năng lượng ấm áp mới là yếu tố cần thiết cho cây lá phát triển và cho tâm hồn của trẻ…
          Con nghĩ rằng không thể thốt lên bằng lời mà nói hết lòng tri ân đối với thầy cô giáo. John. F. Kennedy nói rất đúng là : Khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, chắc chắn chúng ta không bao giờ quên sự tri ân cao quý nhất không phải chỉ thốt ra bằng lời, mà chính là sống theo những lời tri ân ấy”.

          Sài Gòn, 9/4/2012
                  Irene.

THÈM NGHE GIỌNG NÓI QUÊ MÌNH

                        -Tản mạn- Nguyên Đạt K5 - SPQN Bắc Cali


Hồi còn ở Việt Nam, nhân một lần cùng anh bạn đồng nghiệp vào Sài Gòn lo công chuyện. Sau khi hoàn tất, anh rủ tôi cùng đi thăm thú mấy người bạn đồng hương đang sinh sống và làm việc tại đây. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, cả bọn kéo nhau ra làng nướng miền Tây thưởng thức các món đặc sản Nam Bộ gọi là để mừng ngày gặp gỡ...
Xa ngái lâu ngày, nay được dịp “tha hương ngộ cố tri” ai cũng háo hức muốn hỏi han trò chuyện để biết chuyện quê hương, làng nước, bầu bạn nên chỉ sau mấy tuần rượu “rô-đa”, mọi người đã bắt đầu hưng phấn, nói cười rôm rả, có lúc mải mê đến độ giành nhau nói chẳng ai thèm nghe ai nhưng mọi người vẫn thấy sướng. Ngồi bên cạnh tôi ở bàn tiệc buổi ấy có một anh bạn ăn mặc khá sang trọng, khuy cài măng-sết miệng cứ ngậm tăm không dự vào câu chuyện, dáng bộ phấp phỏng đứng ngồi không yên, hình như trong bụng anh ta có gì đó không ổn. Rồi... sau cùng, có lẽ chịu đựng hết nổi, anh bực bội huơ tay ra hiệu:
-“Suỵt” Các bạn nói nho nhỏ chút chứ?
-Ủa! Đây là quán nhậu, người đông, nói nhỏ làm sao nghe đặng? Vả lại, rượu vào thì lời ra, gì đâu phải áy náy?
Câu chuyện đang vui vẻ hào hứng đột nhiên bị tắt ngang khiến mọi người hụt hẫng.
-Nhưng... “Giời ạ!”. Anh bạn “măng sết” điệu bộ khổ sở khoát tay thì thầm: -Thì cũng phải để ý canh canh nhỏ giọng chút chứ! Cái tiếng Nẫu đặc sệt như mấy người mà cứ oang oang không sợ người ta cười cho à?
-Giọng Nẫu, giọng nẫu thì đã sao hả? Tiếng quê mình thế nào ta nói zdậy, mắc mớ gì mà sợ?
Tuy mạnh miệng vậy, nhưng kể từ lúc đó dường như mọi cười đều cụt hứng, chẳng ai còn thiết chuyện trò nữa. Cuộc vui đang rộ lập tức bị chững lại bởi một quãng lặng kéo dài...
... Ngồi chứng kiến cuộc tranh cãi từ đầu tới cuối, tự nhiên tôi bỗng cảm thấy chạnh lòng khi liên tưởng tới tình huống tương tự của mình trong một lần gặp gỡ, bù khú với đám bạn bầu thời trai trẻ khi về lại quê xưa:
-Nì!... Mi nói giọng chi mô mà lạ rứa? Tau nghe dị dị khó lọt tai lắm!
-Thì tiếng Huế rặt ròng chứ Tây u gì đâu?!
-Huế mô mà Huế! - Mấy đứa bạn nhíu mày hùa nhau “vặt” tôi:
-Không phải! Mi giả giọng! Mi bán Huế mất rồi! Tiếng nớ là tiếng Huế lai! Huế lai…
Rồi có đứa bày đặt ví von:
-Một thằng Huế lai bằng mười hai thằng Huế thiệt mà lị! (Dĩ nhiên, rõ đây là một lời khen... ngược).
Những lời trách cứ không mấy nhẹ nhàng của đám bạn hữu quả có làm tôi bẽ bàng chốc lát nhưng không đến nỗi buồn lòng bởi tôi biết nhất thời họ không thể hiểu và thông cảm đó thôi. “Nhập gia thì phải tuỳ tục chứ!”. Nhớ buổi đầu tiên vào Phú Yên dạy học, tôi đem hết khả năng ra sức giảng bài, thấy học trò đứa nào cũng ngoác miệng chăm chú lắng nghe. Ngỡ sự truyền đạt của mình có hiệu quả, tôi càng khoái chí thao thao bất tuyệt, không ngờ khi hỏi lại: “Các em hiểu rõ chưa?” thì đứa này đưa mắt nhìn đứa kia vừa ngơ ngác vừa sợ sệt, rồi một đứa mạnh dạn đứng lên: -Dạ thưa thầy, thầy nói tiếng trọ trẹ gì ấy em nghe không rõ ạ!
Mấy người bạn thời Trung học ở quê có lẽ không để ý; hơn mấy chục năm ăn ở, tiếp xúc sinh hoạt chung đụng với bà con địa phương làm sao tôi không ít nhiều ảnh hưởng tới âm giọng, lời ăn tiếng nói cùng phong cách, lối sống của họ cơ chứ! Anh bạn Huế của tôi tuy có hơi khắt khe, hơi cực đoan trong nhận xét, nhưng nói cho cùng còn dễ thương hơn cái anh chàng khuy cài măng-sết sợ nói giọng Nẫu quê mình kia nhiều.
Bước chân lên nước Mỹ chưa được bao lâu mà đã cảm thấy nhớ thương quê nhà da diết. Mấy câu thơ của ai đó đã lãng quên nay bất chợt hiện về trong trí tưởng:
Khi ra đi ta mang cả hồn quê
Nơi đất khách bao đêm dài nhung nhớ
Để câu thơ trầm buồn như hơi thở
Mãi dọc dài theo năm tháng chia xa…
Hằng ngày, con cái đi làm hãng, về nhà ăn cơm, chuyện trò dăm câu ba chuyện rồi vội nhảy vào phòng nghỉ sớm, lấy sức mai làm việc tiếp; hai vợ chồng già suốt ngày quanh quẩn trong mấy bức tường tận lầu 3, nói với nhau hoài cũng hết chuyện. Ngôi nhà thuê lại nằm lọt thỏm giữa mấy gia đình người Mễ, mỗi lần ra cửa gặp, thấy họ lich sự lên tiếng “Hai! Hai”, tôi đoán ra là lời chào cũng vui vẻ đáp lại “hai” chứ nào đã kịp tra Tự điễn để biết nghĩa sao đâu.
Ôi! Thèm giọng nói quê nhà.
Đang cảm thấy bức bối và e sợ cái nguy cơ dẫn tới bệnh trầm cảm thì hôm chủ nhật rồi bỗng một anh bạn gọi điện mời cả gia đình đi dự cuộc họp mặt đồng hương mùa hè do hội Ái hữu tổ chức; và chính nhờ gặp lại mấy người bà quen, những đồng môn, đồng nghiệp và bạn bầu ngày cũ, thời còn mài đũng quần ở băng ghế trường Trung học mà tình cảm thăng hoa khiến cho mọi vấn vương hầu như tạm thời giải toả.
Gặp nhau chỗ đất khách quê người, dù lạ hay quen, thân tình hay sơ ngộ, ai cũng tay bắt mặt mừng, xoắn xuýt, tới tấp thăm hỏi, nào là chuyện nhà chuyện cửa, chuyện làng chuyện nước, ai còn, ai mất… thôi thì đủ thứ làm mình không kịp thở. Bãi bờ ký ức được dịp khơi gợi khiến lắm lúc có người chợt lặng buồn, len lén đưa tay… quệt mấy giọt nước mắt rỉ rả rơi rớt chơi vơi theo giòng tâm sự.
-Cám ơn chị. Chị vẫn còn đặc sệt giọng Phú Yên.
Một người bạn vừa thút thít, vừa nắm riết bàn tay bà xã bịn rịn trước giờ từ giã:
-Lâu… lâu lắm rồi em mới nghe lại giọng “Nẫu” thân thương quê mình đấy chị ạ!
Những người Huế xa quê như chúng tôi có cái thông lệ mỗi lần gặp nhau là bày trò thi nói giọng Huế bằng thổ ngữ cho đỡ nhớ rồi sướt mướt đọc thơ Tô Kiều Ngân:
Nếu được em ru bằng giọng Huế
Được vỗ về như mạ hát ngày xưa
Câu mái đẩy chưa chan lời dịu ngọt
Chết cũng đành chẳng nuối tiếc chi mô…
Người xa quê dẫu bất cứ lý do gì đi nữa, bao giờ cũng luyến nhớ cội nguồn, quê hương bản quán, và nếu như bất chợt ta bắt gặp đâu đó ai nói tiếng xứ mình lập tức mừng rỡ và cảm thấy thân tình ngay. Giọng Nẫu cũng dịu dàng, cũng ngọt lịm như ai miễn là lời nói của ta gói ghém đầy tình cảm làng nước xóm giềng trong đó.
Bài “Nẫu ca” Than thân trách phận đặc sệt chất giọng Phú Yên nổi tiếng khắp miền ai cũng thích, người xứ khác tập hoài mà đâu có hát hay và đúng giọng bằng những người bạn Nẫu.
Ở nước Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng gặp một vài người Việt mình hoặc là vì thói quen, hoặc là do muốn “thể hiện”, khi trò chuyện với nhau thường nói rặt tiếng nước ngoài, thậm chí ở thang máy hoặc ngay trong gia đình cũng dùng tiếng Anh đối thoại với con trẻ. Có lúc, cảm nhận ít nhiều sự bực bỏ của bạn bè khách khứa, họ thanh minh thanh nga: “Biết sao được anh. Phải “luyện” cho chúng nhuần nhuyễn chứ? Tương lai, sự nghiệp và cuộc sống của con cái đều tùy thuộc cả vào vốn liếng tiếng Anh đấy mà”. Điều đó cũng đúng nhưng nếu như các cháu biết sử dụng lưu loát cả hai ngôn ngữ thì “tuyệt vời” biết mấy? Nhiều lúc theo dõi những cuộc phỏng vấn, trò chuyện trên Đài truyền hình, một số các cháu thanh-thiếu niên đang nói tiếng Việt ngon lành, gặp chỗ “bí” bèn tiếp luôn một tràng tiếng Anh khiến các cụ nhà ta ngơ ngác, chẳng hiểu trời trăng mây nước. Nhớ hôm nào mới qua, hai đứa cháu ngoại suốt ngày líu lo hỏi han đủ thứ chuyện bằng tiếng mẹ đẻ khiến chúng tôi đôi lúc choáng tai nhức óc nhưng trong bụng thì lại rất vui, còn thấy khoái chí nữa. Thiệt tình, nếu như không “được” bận cãi cọ, giải đáp thắc mắc liên tu bất tận với mấy đứa nhỏ, chắc là chúng tôi buồn chán và nhớ quê nhà lắm lắm. Từ khi hai cháu tới tuổi đến trường, ngày càng ít được nghe chúng nói tiếng Việt, và thay vào đó bằng thứ tiếng Anh (Yes, No, You, Not) lạ lẫm khiến chúng tôi chẳng hiểu chúng nói gì và cũng chẳng biết nói gì cho nó hiểu nữa; dần dà hai đứa xa lạ với cả ông bà. Không còn được gần gũi các cháu như xưa, thâm tâm chúng tôi cảm thấy ít nhiều buồn lòng và hụt hẫng...
Ôi! Thèm sao giọng nói quê mình!
*
“Tất cả chúng ta, ai cũng có một tình yêu đầu đời để ôm ấp, mọi người đều có một góc trời quê để nhớ, để thương; có thể đó là cây đa, bến nước ven sông. Có thể quê hương là con đò nhỏ đưa khách sang sông mỗi sớm mỗi chiều đã để lại vô vàn ký ức thật êm đềm những khi ta chui vào hoài niệm”, nhưng khi nói tới hồn quê, ngoài những điều nhắc nhở trên, rõ ràng, tiếng nói với cái âm sắc, âm giọng rất riêng không lẫn vào đâu được của mỗi miền quê xứ khiến ta dễ dàng nhận ra là đồng hương của nhau. Ấy chẳng phải chính là hồn quê đó sao?

                          Thung lũng hoa vàng những ngày đầu xa xứ
                                        Tháng 9/2009

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Một cõi nào xa

( Kính tặng anh Nguyễn Dũ - Giám thị ký túc xá SPQN một thời và trìu mến tặng các “ nàng tiên” cựu giáo sinh đã từng “ ẩn dật luyện công” ở đó).
Tùy bút: Huỳnh Vô Thường
              1
Buổi chiều. Nắng dìu dịu. Biển mênh mông. Trời xanh màu ngọc bích. Những đợt sóng vỗ bờ như từ muôn đời vẫn thế. Tôi chọn một chiếc ghế xếp, đặt ở một gốc cây dương liễu, ngồi một mình và trầm tư. Trước mắt tôi. Biển vẫn vô tư vỗ sóng rạt rào, nhưng tâm hồn tôi thì lãng đãng mơ hồ quay về một cõi nào xa. Trong khoảnh khắc, tôi là khách nhàn du. Tôi muốn quên, nhưng lòng tôi ắp đầy nỗi nhớ.
             2
Có thể nào quên một thời với Qui Nhơn!
Ngôi trường Sư Phạm tôi học – thuở chuẩn bị bước chân vào đời – nhìn ra biển, muôn ngàn con sóng dập dìu. Ngồi trong phòng học khuất sau hàng cây dương liễu, tôi vẫn nghe rõ tiếng sóng ì ầm, ì ầm vỗ theo nhịp 2-2 tâm cảm.
Có thể nào quên! Ôi cái thuở:

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...