Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

HỒI KÝ

     
                                                                                 Trịnh thị Phượng           Ngày đó tôi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn với biết bao nỗi bỡ ngỡ và thán phục. Trường Sư Phạm Qui Nhơn đẹp quá! Hoa giấy đỏ rực trải đầy trên khắp lối đi. Hành lang rộng đón chào giáo sinh từ mọi miền trên đất nước.
Trường có hai khu nội trú nữ và nam thật đẹp. Hàng bạch đàn cao vút tỏa bóng rợp mát sân trường. Những tà áo dài phất phơ của nữ giáo sinh cùng tiếng cười nói râm ran làm cho khu nội trú vui hẳn lên. Nội trú giờ tan học vui vẻ nhộn nhịp bao nhiêu thì giờ tới lớp nội trú lại yên ắng buồn hắt hiu.
Tôi ở nội trú cùng phòng với M. Thanh, Thêm, Tân. Chúng tôi mỗi đứa mỗi quê nhưng yêu nhau như ruột thịt, vui buồn đều san sẻ cho nhau. Tôi thích nhất là giờ học Vẽ và giờ Thể dục vì những môn này không căng thẳng. Đến cuối năm, lớp tôi tham gia tiết mục văn nghệ do nhà trường tổ chức. Trưởng ban là Bích Tuyền dễ thương với mái tóc dài xõa kín bờ vai, trong nhóm còn có cô bạn “xinh như gái Nhật” đó là Kim Thơ (người Vĩnh Điện) mà tôi còn nhớ mãi…
Trường của tôi nằm dọc theo bờ biển Qui Nhơn. Mỗi chiều về, hàng dương reo vi vu, hòa với tiếng sóng biển rì rào làm tôi nhớ nhà vô kể, nhớ ông bà nội, nhớ mẹ, nhớ em. Tôi không thể nào quên những năm tháng xa nhà này. Mỗi lần tôi về nghỉ hè, nghỉ Tết là ngày hội của gia đình. Ông tôi ra tận cổng đón tôi, cô cháu gái mà ông thương quý nhất.
Rồi tôi lại phải vào Qui Nhơn để học tiếp năm thứ hai. Xe qua khỏi Sa Huỳnh, tôi biết là mình đã thật sự xa nhà rồi. Lòng tôi bùi ngùi, mắt tôi nhòa lệ. Tôi nhớ da diết những bữa cơm đầm ấm của gia đình. Nhớ ánh mắt mẹ tiễn tôi đi. Nhớ đứa em nhỏ lần đầu xa chị…không biết vắng tôi, nó có tự lo cho mình được không?
Năm thứ hai bắt đầu. Tôi khuây khỏa nỗi buồn xa nhà khi gặp lại bạn bè, sân trường, nội trú…Năm nay bận rộn hơn vì tôi phải lo học bài dạy để đi thực tập, chúng tôi cũng được trường cho đi du ngoạn Cù lao Xanh. Lần đầu tiên được đi tàu biển, ở lại trên đảo sinh hoạt văn nghệ lửa trại, tôi không bao giờ quên.
Cuộc đời giáo sinh lo lắng nhất là lúc chuẩn bị ra trường. Chúng tôi không còn dung dăng dung dẻ đi dạo dọc theo bờ biển nữa mà chuẩn bị chú tâm vào bài vở để “trả nợ bút nghiên”.

Rồi ngày ra trường cũng đến, thấm thoát hai năm học đã kết thúc. Chúng tôi ra trường chia tay mỗi người mỗi ngã.
 Sau năm 1975, gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Mãi đến năm 2000 tôi mới tình cờ gặp lại Dung, Thu, Huy, rồi M.Thanh, Kim Thơ, Phước Bùi, Phước Nguyễn, Chị Hãng…Chúng tôi vui mừng khôn xiết, mấy mươi năm chia lìa mới gặp được nhau. Quả đất tròn thật! Vẫn “mi, tau” như ngày nào mặc dù thời điểm đó chúng tôi đã ngoài năm mươi, có bạn đã có cháu nội, cháu ngoại rồi. Thời gian trôi nhanh quá!
“Hợp rồi tan” chúng tôi lại chia tay lần nữa. Tôi ra đi lần này xa bạn, xa quê hương đến nửa vòng trái đất. hai chữ quê hương nghe thiêng liêng quá! Chưa bao giờ tôi yêu quê hương đến thế! Mỗi chiều về, trên xứ lạ quê người, tôi nhớ về Việt Nam quay quắt…Đâu rồi lũy tre xanh. Đâu rồi tiếng xào xạc của bụi chuối sau hè, con đường cát trắng dẫn về quê mẹ…Nhìn ra biển Thái Bình Dương ở California, tôi hình dung bên kia là quê hương mình, mắt tôi nhòa đi…
Nhịp sống ở đây hối hả, bận rộn “chưa đi đã chạy” cho kịp giờ đến sở. Không còn thong dong để “Một chiều lang thang bên giòng Hương Giang…” nữa. Đường sá ở đây là một kỳ quan, hằng trăm chiếc cầu vượt vắt ngang, vắt dọc, uốn lượn quanh co. Tôi cũng đã đến được nhiều nơi mà hồi còn ở Việt Nam tôi chỉ biết trên sách vở. Mùa thu lá vàng ngập cả lối đi. Mùa xuân hoa anh đào rực rỡ cả một góc trời…để xiêu lòng người…thế nhưng trong tôi chứa đầy hình ảnh của quê hương và không nơi nào đẹp bằng Việt Nam quê hương tôi!

Sanjose, tháng 10 năm 2013.
Trịnh Thị Phượng.
K9 – SPQN.


Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

ĐÂU RỒI ...

                                                           

                                                                                     tặng HKT

                     đâu rồi chim hót vang sân
                     đâu rồi những đóa hoa xuân khoe màu
                     đâu rồi vướng bận lòng nhau
                     đâu rồi những khúc nhạc sầu đêm trăng

       đâu rồi một ánh sao băng
       xẹt qua giữa dải ngân hà đêm thu
       đâu rồi những tảng sương mù
       mờ mờ diễm ảo tịnh tu khó tường

                     đâu rồi một đoá tư tương
                     nở trên Ghềnh Ráng sân trường năm xưa
                     đâu rồi những hạt mưa thưa
                     như màu ngọc phách đong đưa cổ nàng

       đâu rồi thi bá bóng chàng
       thuỳ dương sóng biển réo vàng câu thơ
       thơ rằng mãi mộng mãi mơ
       người xưa đâu tá thẫn thờ ai trông

                                                                                  miên
                                                                                  2/14




Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

XUÂN ĐẾN RỒI ĐI




       Tết qua nhẹ nhàng như khi nó đến, bởi chẳng mong nên thấy Tết thật bình
  thường. Năm nay Sài gòn se lạnh, khác hẳn mọi năm  khiến  nhiều người cảm cúm, tôi cũng thế, “ngọc thể bất an” nên chẳng hứng thú gì, mặc kệ Nàng Xuân…đến rồi đi,  theo quy luật của  muôn đời. Ôm mớ báo Xuân đọc miệt mài, lúc nào mắt mỏi quá thì nhâm nhi miếng mứt chua chua ngọt ngọt, công sức của nàng dâu đảm, lo mua sắm tất bật để đón Xuân…Nhớ ngày nào còn ở nội trú, được  nghỉ Tết, ai cũng  náo nức mua vé tàu xe về quê, căn phòng cứ thưa dần, thưa dần…Có cô bạn ở Huế mua không được vé để về cùng chuyến với bạn bè đã khóc vang  cả  dãy lầu…Sao ngày ấy các nàng dễ khóc quá, người yêu đến thăm cũng khóc, không có thư nhà cũng khóc…(Có lẽ hồi đó khóc nhiều, nên nước mắt đã cạn, để rồi  sau biến cố, mắt ai cũng ráo hoảnh,  chẳng còn  thì giờ để than thở... nàng nào  cũng phải  lao đi kiếm sống, nuôi chồng, nuôi con…) Hết Tết, ai cũng lủ khủ khuân vào trường đủ thứ bánh trái của quê mình, tối nào cũng hát hò, ăn uống linh đình. Nhớ có lần Thầy giáo đã nhắc khéo rằng con gái ăn quà nhiều, lại  ít vận động, mặc áo dài chả thấy eo ót đâu, xấu quá…tụi mình chỉ biết  cười  và…lại tiếp tục ăn Tết muộn. Nhờ đi học xa nhà, có được 2 năm háo hức về quê, còn trước đó Tết đến , thấy bạn bè, người thân  xôn xao “ về xứ ăn Tết" mà thèm. “ Xứ” của tôi mãi tận ngoài Bắc – lúc đó chỉ là “ quê hương trong nỗi nhớ” của cả gia đình, nhất là với mẹ và các anh chị lớn. Nhớ mọi người thường kháo nhau khi nào thống nhất, mẹ sẽ về quê trước…bọn trẻ con chúng tôi cũng  háo hức xen vào: cho con về với…Quê tôi gần Chùa Hương, nghe mẹ kể chuyện Chùa  Hương thích mê mẩn, lại thêm những bài thơ, bài nhạc nữa chứ, càng khiến tôi ao ước... một ngày về quê xưa.
Mãi sau này, có lần tình cờ  tôi kiếm được cuốn sách Thung Mơ Hương Tích,  chỉ cho mẹ xem những hình  ảnh của Chùa trong, Chùa ngoài…Mẹ lắc đầu bảo mắt mờ  lắm rồi, nhìn chả rõ gì cả… Tôi xót lòng quá, mà sao hồi đó không nghĩ ra sắm cho mẹ một cái kính lão nhỉ ?! Phải rồi, ở vào  cái thời điểm khốn khó ấy, lo chạy miếng ăn đã mụ cả người rồi, có nghĩ ngợi gì đến những thứ “ xa xỉ” ấy…
   Các con tôi giờ đây, mỗi lần ra Hà Nội công tác đều ghé về thăm quê đôi ngày, không còn cảnh “ hai phương trời cách biệt” nữa, tin tức vào ra cũng thường xuyên hơn, và tôi, đôi ba năm một lần về quê, mỗi lần đi đều ngậm ngùi nhớ mẹ, nhớ anh - giờ đã ra người thiên cổ cả rồi!!!
   Tết này, chỉ ngắm cô cháu bé tung tăng áo dài vàng, chân mang hài đỏ, vô tư đùa giỡn với anh em  đồng trang lứa trong ngày họp mặt đại gia đình đầu Xuân là thấy vui rồi…Mình  già thật rồi chăng?!
                                                                                Kynguyen

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...