Hiển thị các bài đăng có nhãn Thời Sự. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thời Sự. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Những kỷ lục của Việt Nam

Choáng với những cái 'nhất' của VN so với thế giới

Những "thành tích kinh dị" của Việt Nam so với Thế giới khiến nhiều người phải giật mình: Tỷ lệ nạo phá thai cao nhất, giá sữa, giá đất, giá thuốc cao nhất...



Giá bất động sản Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Giá nhà đất tăng lên hơn 100 lần trong vòng 20 năm. Giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân hàng năm của người lao động. Đồng thời, giá nhà ở Việt Nam lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với nước chậm phát triển.

Giá cho thuê văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM vào hàng đắt đỏ nhất thế giới. TP.HCM đứng ở vị trí 27 (417 euro/m2/năm) và Hà Nội ở vị trí 32 (371 euro/m2/năm). Ở Đông Nam Á, Hà Nội và TP.HCM chỉ đắt đỏ sau Singapore (thứ 6).

Lãi suất Việt Nam “khủng” nhất thế giới. Kể từ năm 2011 và quý 1/2012, lãi suất cho vay thông thường tại Việt Nam lên tới hơn 20%/năm, cao hơn gấp từ 3 - 4 lần so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…

Việt Nam được xếp vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới. Tuy nhiên đây mới chỉ là bề nổi. Hiện Việt Nam vừa mới vượt qua mức thu nhập thấp để lên mức trung bình. GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo sức mua bằng 3/4 của Philippines, hay Indonesia, khoảng 1/3 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia năm.

Tỷ lệ trẻ em chết đuối ở Việt Nam cao nhất khu vực Đông Nam Á. Cứ mỗi ngày lại có 10 trẻ em tử vong vì chết đuối, độ tuổi từ 7- 15.

Việt Nam là quốc gia có tổng số phương tiện trên đầu người cao nhất thế giới, đặc biệt là xe máy. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, tai nạn giao thông ở Việt Nam được coi là cao nhất thế giới. Mỗi ngày trung bình có 31 người chết vì tai nạn.

Việt Nam là 1 trong 2 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới nhưng gạo Việt Nam lại rẻ nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, theo thứ tự là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ và Pakistan.

Cũng với sự giúp đỡ của Google Trends có thể thấy người Việt đam mê công nghệ nhất thế giới. Thử với từ khóa "3G", Việt Nam lại đứng đầu danh sách những nước tìm kiếm từ khóa này. Thử với từ khóa "Iphon" (vì người Việt viết sai tiếng Anh) thì Việt Nam đứng số 1, còn với từ khóa đúng là iPhone thì Việt Nam đứng thứ 3.

Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về nạn gian lận click chuột trong quảng cáo (Click Fraud), lượng click gian lận chiếm tới 48.3% trong tổng lượng nhấp chuột, theo khảo sát năm 2009. Con số này bỏ xa Canada với 27.7%, Hoa Kỳ thứ ba với 25.6%. Các công ty dùng dịch vụ quảng cáo mạng phải trả tiền quảng cáo theo số lượng các cú click chuột, gian lận này khiến họ phải chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Giá xe hơi ở Việt Nam đang đắt nhất thế giới, gấp hơn 2 lần so với các nước phát triển và khoảng 1,5 lần so với các nước trong khu vực. Để sở hữu chiếc Honda Civic 1.8, khách hàng Hà Nội phải bỏ ra trên 925 triệu đồng, đắt gấp 2 lần chi phí của người dân New York, Mỹ.

Giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới: giá bán lẻ trung bình là 1,4 USD/lít, trong khi Trung Quốc là 1,1 USD, Ấn Độ: 0,5 USD, các nước Âu - Mỹ từ 0,5-0,9 USD/lít. Hiện giá sữa ở Việt Nam cao gấp đôi Malaysia và gấp 1,5 lần so với Thái Lan.

Giá thuốc Tây tại Việt Nam thuộc hàng đắt nhất thế giới. Theo khảo sát năm 2010 của Tổ chức Y tế thế giới với 7 nhóm thuốc thông dụng (trong đó có kháng sinh) cho thấy, giá thuốc tại Việt Nam cao gấp từ 5 đến 40 lần so với thế giới.

Việt Nam là nơi có giá thuốc lá rẻ nhất thế giới cũng là nơi có thể mua thuốc lá dễ nhất thế giới. Hiện giá bán tối thiểu đối với mỗi bao thuốc lá điếu bao cứng là 4.050 đồng và bao mềm là 3.450 đồng. Tỷ lệ nam giới hút thuốc ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới với 47,8%. Việt Nam có hơn 40.000 người tử vong mỗi năm do thuốc lá.

Việt Nam đứng top 10 không khí bẩn nhất thế giới. Về ảnh hưởng của chất lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123 trong bảng xếp hạng, chỉ xếp trên 9 nước khác. Về tổng thể môi trường, Việt Nam đứng vị trí 79. Yếu tố thứ ba, chất lượng nước ảnh hưởng đến sức khỏe, Việt Nam được xếp hạng 80. Lượng khói bụi và mức độ ô nhiễm tại Hà Nội gấp nhiều lần cho phép.
(Theo GDVN)
Lấy từ VietNamNet

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Thương Quá Bé Ơi!

ĐẾN MANH QUẦN CŨNG THIẾU...

Chạy từ Ma Lé (Đồng Văn, Hà Giang) về Hà Nội, đến địa phận huyện Yên Minh (Hà Giang), đạp phanh gấp để ghi lại hình ảnh 2 bé trai lếch thếch cùng mẹ ven đường. Cả 2 anh em còn bé tý nhưng cu anh 3 tuổi đã phải đeo chiếc chiếu, giúp cho mẹ dắt em. Xót xa bởi cả xe quần áo đã trao đủ cho toàn bộ 202 trẻ em Mầm non - Nhà trẻ xã Ma Lé, không có cái quần dự trữ nào cả. Đành cho 2 đứa trẻ gói kẹo cuối cùng và phóng nhanh khuất 3 mẹ con, trong đầu cứ văng vẳng lời của Bác, khi trả lời các Nhà báo nước ngoài, năm 1946 , trên cương vị Chủ tịch nước VNDCCH: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Gần 70 năm trôi qua rồi, vậy mà... Tại sao đến cái quần mặc cũng không có?... (Nguồn : Blog Mai Thanh Hải http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2012/03/en-cai-quan-cung-khong-co.html)

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

MẸ ƠI, CÓ TẾT?...

 BBT: Lúc này là sáng sớm mùng một Tết, cùng với ly cafe, đảo một vòng trên mạng chợt gặp một bài viết với những hình ảnh xúc động của Bloger Mai Thanh Hải nên cóp về đây, hầu chia xẻ với tất cả những số phận còn long đong, chìm nổi trong những ngày Tết này... Những ngày đón chờ Xuân mới, chúng ta đã nghe và nói nhiều đến những hạnh phúc, no ấm... giờ xin dành một khoảng lặng để cùng nghĩ về những đồng bào của chúng ta giờ này còn đang nổi trôi trong cuộc mưu sinh...

 

MẸ ƠI, CÓ TẾT?..

Mai Thanh Hải - Hồi xưa mới đi làm báo, mình là phóng viên mới nên toàn bị sai vặt, viết những đề tài mà mọi người thường nói "khoai hơn ngô, nhục hơn trâu". Nghe nói thì vậy, nhưng mình thấy cũng bình thường.

Nhớ nhất là cứ dịp Tết, phải đi thực tế viết bài về đề tài "Những người không có Tết".

Nhân vật, rút cục cũng chỉ là Trung đoàn Cảnh sát Cơ động, Công an TP. Hà Nội và Công nhân quét rác, Cty Môi trường Đô thị Hà Nội.

Vài lần mặc rằn ri, ngồi xe Zeep lượn vòng vòng các phố từ đêm đến sáng hoặc diện đồ phản quang, đi ủng ngồi xe thu gom rác lượn vòng mấy phố, xong sang bãi rác Lam Sơn, mình mới thấy là không có Tết cũng chỉ là chuyện thường, bởi hôm nay làm thì mai nghỉ và làm ngày Tết, còn nhiều tiền hơn ngày thường.

Tóm lại, nhận lương Nhà nước thì phải làm, cũng như mình, phải làm việc ngày Tết như họ, có sao đâu?.

Nói đến những người không có Tết, chính xác phải kể đến là rất nhiều thân phận, vì mưu sinh.

Entry khai bút này, không dám nói nhiều, chỉ có vài lời kèm với hình ảnh của anh em Diễn đàn OF để nhắc đến những mẹ, già yếu rồi đấy nhưng vẫn phải vật lộn với cơm áo, để tồn tại nhiều hơn là sống.

Cuộc sống đầy đủ, "đầy màu sắc và ánh sáng" (lời của Nhà văn Trần Đăng) nơi đô thị, có khi ta vô tình lướt qua các mẹ, các chị đang bươn chải một cách vô tâm.

Ta không có lỗi, bởi đó là cuộc sống.

Khi những thứ gọi là "chế độ chính sách" vẫn còn nằm nhiều trên giấy và khái niệm "người già cô đơn, không nơi nương tựa" vẫn đầy tràn trên văn bản, Hội nghị thì khó có thể tiến tới mục đích "công bằng - văn minh", để làm được chuyện gì đó xa vơi.

Chả nói chuyện xa xôi làm gì cho nặng đầu. Chỉ tự lẩn thẩn với thời điểm hiện tại: Qua giao thừa, hết ồ à vỗ tay nhìn pháo hoa, xong cười nói chúc tụng lúc giao mùa, ta tĩnh trí, ngồi lặng và xem lại, nhìn lại những hình ảnh mà ta - bạn ta đã gặp, tự dưng cứ bật ra trong đầu: "Mẹ ơi, có Tết?"...

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Nghịch cảnh những nẻo đường đến trường

 Nghịch cảnh những nẻo đường đến trường
– Trẻ ở thành phố đi học được đưa đón chăm chút cẩn thận; còn đường đến trường của nhiều trẻ nhiều nơi khác vô cùng gian khổ, hiểm nguy.Phóng viên Lê Anh Dũng theo chân những em nhỏ trên mọi miền của đất nước cảm nhận sự khác biệt này.
Những học trò nhí của trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội) được đưa đón tận cổng trường với sự chăm chút của người thân.


Gần một trăm học sinh Trường tiểu học Tĩnh Bắc (xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) hàng ngày phải lội qua dòng sông Kỳ Cùng ít nhất 2 lần để đến trường, Vào mùa mưa, nước lên cao toàn bộ số học sinh này phải nghỉ học.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Về một phát biểu phiến diện và thiếu suy xét của Ngô Bảo Châu.

Cái Nhìn của người độc nhãn.
 BS Ngọc

Vài tuần trước đây, Tuổi Trẻ có một bài về Ngô Bảo Châu. Ít ai chú ý. Nhưng đọc qua ý kiến của NBC về công lao của các ông Phạm Văn Đồng và Tạ Quang Bửu như là những người có công khai phá nền khoa học Việt Nam, tôi thấy NBC tự biến mình thành một kẻ chỉ có một mắt.
ptt nguyễn thiện nhân ... vuốt ve ngô bảo châu (hình Internet)
Phát biểu trong buổi lễ khai giảng trường cũ, NBC nói “Cách đây một năm, khi tôi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp, ông có nói với tôi, khi ông được nhắn tin về giải thưởng Fields của tôi, điều đầu tiên ông làm là đến một góc toà nhà của Chính phủ thắp nén hương cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Điều đó với tôi rất cảm động”. Chẳng những thế, NBC còn nhắc đến công lao của các ông Phạm Văn Đồng và Tạ Quang Bửu, với huấn thị “Không có những người như các ông chúng ta không có các ngành khoa học, sự nghiệp nghiên cứu khoa học như hôm nay, cũng như không có khối chuyên Toán. Ta luôn nhớ đến điều đó”.
Thấp một nén nhang! Nhang là biểu hiện của sự liên kết giữa âm và dương. Thấp một nén nhang là một cách biểu hiện niềm tin vào thế giới âm, vào tâm linh. Hóa ra những  người cộng sản tự hào là vô thần mà cũng tin vào tâm linh. Thú thật, tôi không hiểu nổi ý nghĩa của việc thấp một nén nhang khi nghe tin một người Việt được giải Fields. Tôi càng không hiểu nổi tại sao đương sự lại cảm thấy “cảm động”. Làm khoa học mà cảm tính như thế sao? Nhưng con người thì có lúc thế này thế khác, lúc cao, lúc thấp … nên việc NBC kể chuyện ngài thủ tướng có thể là một cảm giác ngẫu nhiên trong cuộc sống đa đoan của cậu ấy. Không có gì đáng trách. Chỉ ngạc nhiên.
Nhưng khi NBC nói rằng không có ông Phạm Văn Đồng và Tạ Quang Bửu thì Việt Nam không có ngành khoa học thì có vấn đề. Ông Đồng là chính khách nhưng có quan tâm đến giáo dục. Ông Bửu là nhà khoa học nhưng sau này cũng trở thành một chính khách. Theo những gì tôi đọc và nghe, hai ông là những người đàng hoàng, có tâm huyết với giáo dục. Nhưng tôi chắc cũng có nhiều nhà giáo dục và khoa học khác trực tiếp hơn với giáo dục và khoa học. Hai vị chính khách tử tế đó không phải là cha đẻ của nền khoa học VN. Vậy tại sao NBC chỉ nhắc đến hai vị chính khách trên? Có lẽ vì NBC muốn làm thủ tướng hài lòng.
Cần nhắc lại cho rõ: hai ông PVĐ và TQB chỉ có công với giáo dục và khoa học ở miền bắc, chứ chẳng có dính dáng gì đến giáo dục và khoa học ở miền nam. Trước 1975 ở miền nam, không có (và chắc không cần đến) ông PVĐ và TQB thì miền nam vẫn có một hệ thống giáo dục tốt. Những người tốt nghiệp từ hệ thống đó khi ra nước ngoài đã gặt hái được những thành quả vang dội. Không, người miền nam như tôi hoàn toàn không mang ơn hai vị PVĐ và TQB. Thật ra, chúng tôi thấy mình may mắn vì không hấp thu nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mà hai vị đó khởi xướng ở miền bắc. Bởi vậy khi đọc thấy NBC nói rằng không có 2 vị chính khách trên thì VN không có nền khoa học tôi thấy rõ ràng cậu ta chỉ nhìn sự việc bằng một con mắt. Một mắt là vì NBC chỉ nhìn thấy miền bắc chứ không nhìn thấy miền nam. Một con mắt là vì chỉ thấy toán mà không thấy các khoa học nói chung. Khoa học lớn và rộng hơn toán rất nhiều.
Thật tiếc cho một người tài chỉ có một con mắt!

(Bài được lấy về từ Blog BS Ngọc, xem nguồn Tại Đây)

Tiện thể mời các bạn nghe bản nhạc sau đây của TCS để giải stress nhé!

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Ngài rất không bình thường, thưa Bộ trưởng!

Tiếp tục phản ứng với phát biểu của Phạm Vũ Luận rằng "... Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường."
 Mời các bạn theo dõi bài viết sau đây của bloger Bọ Lập ( nhà văn Nguyễn Quang Lập)

Trả lời pv báo Tuổi trẻ, khi nói về tình trạng có hàng ngàn điểm không môn lịch sử ở kì thi đại học vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải thích  như vầy: “Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém.“  Mình đang uống nước, đọc đến đoạn này bỗng sặc nước, phun ướt cả máy tính. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa nghe một ông bộ trưởng giáo dục nào lại phát ngôn làm mình sốc đến như vậy.
Với 98% thí sinh có điểm sử dưới trung bình, trong đó có hàng ngàn điểm không khiến thiên hạ giật mình kinh hãi thì Bộ trưởng nói tỉnh bơ, cho đó là chuyện bình thường. Thất kinh.
Chính vì “Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém”, với kết quả như vậy thiên hạ mới giật mình hoảng hốt. Bộ trưởng không hề biết đỏ mặt xấu hổ, không hề biết đau xót thì quá lạ. Nếu chỉ là cuộc chơi ” đố vui có thưởng” thôi, mà có mấy ngàn điểm không lịch sử người ta đã giật mình  lo lắng rồi, huống hồ đây là thi tuyển quốc gia, Bộ trưởng ơi là Bộ trưởng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã viết như vầy: “Lịch sử không chỉ trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới mà còn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc…”. Đại tướng viết vậy là để  tái khẳng định mạnh mẽ tầm quan trọng của việc dạy và học  sử, để cho kẻ ngu xuẩn nhất cũng phải nhớ. Chả biết Bộ trưởng đã đọc chưa. Mà chưa đọc thì cũng phải biết điều đó chứ, một ông giáo dạy sử cấp 2 còn biết nữa là Bộ trưởng.
 Chắc chắn Bộ trưởng thừa biết lứa học sinh thi đại học năm nay, dăm mười năm nữa sẽ là lực lượng nồng cốt  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thử hình dung mà xem, chuyện gì sẽ xảy ra khi lực lượng nồng cốt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ấy có 98% mù tịt về lịch sử nước nhà, trong khi Trung Quốc lúc nào cũng muốn nuốt chửng nước ta? Chuyện gì sẽ xảy ra, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng cũng thừa biết, từ  phim ” Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long”, phố đèn lồng ở Thanh Hóa, xây Vạn lý trường thành ở Đà Lạt…. đến việc mất đất ở biên giới, coi Hoàng Sa “chỉ là bãi chim ỉa”, đàn áp và khinh bỉ người biểu tình yêu nước, đục bia ở Lạng Sơn bỏ bia ở Nghệ An… có nhiều lý do, nhưng một lý do không thể bỏ qua, ấy là việc dốt sử. Không lẽ Bộ trưởng không biết xấu hổ, không biết đau, không biết lo lắng về điều đó hay sao.
Cho nên, với dự án  xây dựng bộ sách giáo khoa 70 nghìn tỉ, và với phát ngôn phi giáo dục, vô trách nhiệm như đã nêu trên, xin nói thật với Bộ trưởng như vầy: Ngài rất không bình thường, thưa Bộ trưởng!
 Tặng ngài hai cái ảnh này để ngài hiểu thêm hậu quả của việc dốt sử.




Bạn có thể xem nguồn của bài viết tại đây :http://quechoa.info/2011/07/31/th%C6%B0a-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-ngai-r%E1%BA%A5t-khong-binh-th%C6%B0%E1%BB%9Dng/

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...