Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Du Xuân

                                             Irene.

Đêm Sài Gòn vào những ngày Tết Quý Tỵ lung linh với những con đường rực rỡ sắc đèn màu thật tuyệt!
         Đường Lê Duẩn sáng rực lên bởi hàng dãy chiếc nón khổng lồ xen kẽ với những đóa hoa cách diệu bởi những dải lụa xanh nhìn từ xa  như hình các thiếu nữ đội nón lá đang thướt tha trong tà áo dài.
         Trên con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa với ánh sáng nhẹ nhàng của hàng trăm đóa hoa sen trải dài.
         Những bông mai vàng bập bềnh trên những làn sóng ánh sáng của con đường Phạm Ngọc Thạch làm cho mọi người cảm giác như đi giữa đêm Xuân.

Tản mạn về đặc sản xứ Quảng

(Tặng các bạn quê xứ Quảng và các bạn đã chọn nhiệm sở Quảng tín năm xưa)

Bạn bè Nhị Sáu muôn quê

Hôm nay tôi sẽ đi về Quảng nam

Nhiệm sở xa nhất bạn làm

Và cùng các bạn, Quảng nam quê nhà


Xứ Quảng nơi tôi đến hôm nay, có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, có dòng sông Thu bồn  và có những bãi biển đẹp mê hồn.mà biết bao thi sĩ ,nhà văn đã viết về nó. Con người xứ Quảng chân chất thật thà, nhiều tình cảm nhưng hôm nay tôi cũng chưa dám viết tới. Mà chỉ xin viết về một vài đặc sản của xứ Quảng mà tôi đã có may mắn được thưởng thức và tìm hiểu về nó ngay trên cái nôi đã sinh ra nó
        Ai đi cách trở sơn khê

Nhớ tô mì Quảng tình quê mặn nồng”(Ca dao )

Mì Quảng
 
Mì Quảng ! Ngay từ cái tên đã chỉ rõ xuất xứ của món mì đặc biệt này rồi. Món ăn dân dã đậm đà hồn quê và ngon tuyệt này, hiện diện ở khắp mọi nơi trên đất Quảng nam. Từ gánh hàng rong ta gặp nơi ngã ba thị tứ, hay bất kỳ làng quê  bình dị nào. Cho đến những nhà hàng sang trọng trong thành cổ Hội an, hay những khách sạn bên bờ biển.

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Ngày Xuân Vãn Cảnh Chùa

-->

  Mai đi chùa sớm. Tối nay tôi lại mất ngủ. Cái tâm trạng nôn nao trước mỗi chuyến đi- đến giờ đã hai thứ tóc trên đầu rồi mà vẫn
chưa bỏ được. Lại nhớ ngày bé, trước mỗi kỳ thi quan trọng, tôi thường hay gặp những giấc mơ,  gọi là ác mộng cũng đúng, khi thì trễ xe, khi quên bút, quên phiếu báo danh…Giật mình choàng tỉnh, người ướt đẫm mồ hôi, có khi mặt còn đầm đìa nước mắt!
 Tôi đi chùa cùng với gia đình, như một thông lệ hàng năm. Chùa ở miền Nam đa phần rộng rãi, thoáng mát, thờ ít tượng hơn chùa ở miền Bắc. Mỗi đầu năm, trước rằm tháng giêng, tôi hay được người cháu sùng đạo chở xe đi lễ chùa khắp đó đây. Gần thì loanh quanh trong thành phố. Xa thì xuống tận Bà Rịa, Vũng Tàu…Mẹ tôi, lúc còn sinh thời, thường gọi là đi vãn cảnh chùa, thích lắm. Cái tục lệ đi đủ mười chùa đầu năm cũng  hay hay. Có năm còn được “ khuyến mãi “ thêm vài ba nơi nữa, vì các chùa nằm san sát cạnh nhau. 
Chiều muộn, chúng tôi viếng thăm ngôi chùa cuối cùng. Thiền viện Viên Chiếu nằm thật sâu phía trong đường quốc lộ,  có khuôn viên rộng đến 5 ha. Các ni sư tự cấy lúa, trồng rau, lao động như một nông dân chính hiệu, chỉ khác với đời thường ở bộ áo cà sa. Chúng tôi mê mẩn trong khuôn viên thanh tịnh của chùa lúc chiều tà. Chỗ này, vài ni cô đang đảo thóc.  Chỗ kia, gặt lúa, tưới rau. Ai cũng cặm cụi làm việc, tôi có cảm giác như đây là một nông trang êm ả, chỉ có tiếng chuông gió loong coong làm xao động chiều tà…Vị ni sư trụ trì hóa ra lại là chỗ thân quen. Sư học trên tôi hai lớp, cùng  tại  ngôi trường nữ trung học nổi tiếng trên cao nguyên, trước giải phóng. Chúng tôi nhắc đến Thầy Cô, đến bạn bè rất thân tình, vui vẻ… Chạnh nhớ đến Chùa Hương quê mình , ngoài Bắc. Mỗi năm đến dịp khai hội lại được báo chí nêu tên, thấy mà buồn! Đã có lần tôi gửi cho bạn bè mấy câu thơ không vui vẻ gì về cảnh nhếch nhác của chùa Hương hôm nay,  bài thơ thế này:

    Trách Ông Nguyễn Nhược Pháp.

 Chỉ tại Ông làm bài thơ quá hay.
 Để bây giờ Chùa Hương mắc đọa.
 Bao nhiêu thú rừng bị phanh thây.
Treo lủng lẳng trước tam quan thơ mộng.
Hay bởi chùa có tên Thiên Trù.
Nên hàng quán bày ra la liệt!

Vẫn còn đó Suối Yến trong veo.
Con đò vẫn lướt êm trên sóng.
Nhưng… lái đò- đủ trò, đủ mánh.
Ngân hàng di động- đổi 8 ăn 10…
Tay Phật bắt ấn- kèm theo tờ tiền lẻ.
Nơi Phật tĩnh tọa- tiền cả núi trong lòng.
Kéo Chư Thiên về lại chốn hồng trần.
Đây có phải cái-  tâm người đi lễ?!...

 Chùa ở miền Nam không hề  có cảnh này. Thôi đành nhớ đến Chùa Hương thơ mộng  qua những bài thơ, bài nhạc ngày xưa vậy.
Công việc lễ bái đầu năm của tôi, coi như đã hoàn thành. Chỉ mong sao năm tới vẫn còn khỏe để lại được:
        Du xuân- thập tự bái.
        Cầu… gia đạo an vui.
        Cầu… thân quyến khỏe mạnh.
        Cầu… bạn bè bình an.


Đầu Xuân 2013
Kynguyen

Vườn Xưa Vẫn Ngát Hương - Thơ - Đan Thanh

                          Tng  Irene và Thanh Cảm
Vườn Sư Phạm ngát thơm hương
Ta về U MỘT NHÀNH XUÂN  bồi hồi
ẢNH CŨ NGƯỜI XƯA đâu rồi ?
BẠN BÈ  ĐÃ CÓ MỘT THỜI nhớ thương
THU VIỄN XỨ NHỚ QUÊ HƯƠNG
Hãy về đây dưới mái trường mến thân
Để MÃI LÀ LỜI TRI ÂM
NHỚ QUY NHƠN, nhớ DẤU  CHÂN, NGÀY VỀ
THƯƠNG TÌNH CA nhớ CHIỀU QUÊ
CHUYỆN CỦA TÔI, chuyện TRỞ VỀ - TRƯỜNG XUA
Chuyện TRẦM LUÂN, chuyện gió mưa
Mong về  GẶP LẠI BẠN XƯA  một thời
Chiều lên phố, XE ĐẠP ƠI
Qua eo Nín Thở nhớ NGÀY YÊU THƯƠNG
BUỒN VUI NỘI TRÚ còn vương
MỐI TÌNH SƯ PHẠM, NGÔI TRƯỜNG MẾN YÊU
CÓ BIỂN xanh, có nắng chiều
Có NIỀM VUI, có NGÀY THƯƠNG YÊU êm đềm
Qua rôi CƠN BÃO NGHIÊNG ĐÊM
Chỉ còn NỖI NHỚ DỊU ÊM mượt mà
Dù ngày xưa có PHÔI PHA
Chuyến đò nên nghĩa mặn mà thắm sâu
QUÊ XA. HÃY NHỚ VỀ NHAU
Nhớ ĐÔI MẮT  tiễn đưa sầu mông mênh
Bàng hoàng VÌ ĐÓ LÀ EM
Thoảng trong gió , biển gọi tên dịu dàng
TỪ MỘT CHUYẾN ĐI. VỀ NGUỒN
Mà yêu thương đẫm trong hồn lung linh
Bâng khuâng  NHỚ THỜI GIÁO SINH
Hân hoan náo nức QUY NHƠN NGÀY VỀ
CHUYỆN ĐỜI TỰ KỂ. CHIỀU QUÊ
CẢM XÚC NGÀY VỀ vẫn nhớ thương nhau
Nghe LỜI TỰ SỰ HÔM NAY
Bõng dưng nhớ TIẾNG VĨ CẦM TRONG ĐÊM
XÚC ĐỘNG đầy vơi NỖI NIỀM
Như là HẠNH PHÚC ĐẦU XUÂN thắm tình
TRƯỚC BẢNG ĐEN trải lòng mình
THÈM NGHE GIỌNG NÓI QUÊ MÌNH biết bao
Đừng bao giờ hỏi tại sao
Đôi ta TRÊN NGỌN TÌNH SẦU dịu êm
Ôi  NHỮNG KỈ NIÊM KHÔNG QUÊN
Hãy dành MỘT KHOẢNG TRỜI RIÊNG cho tình
Gửi vào TÂM SỰ NGÀY XUÂN
Tặng nhau MỘT CÕI NÀO XA tuyệt vời
THU HÀ NỘI BĂNG LĂNG ơi
Nhớ Sài gòn giữa đất trời thênh thang
Mây chiều Thị Nại bâng khuâng
Nhớ nhau xin hẹn một lần về thăm
QUAY QUẮT NHỚ sáng tháng năm  (12/5/2012)
TÌNH YÊU DANG DỞ bỗng tìm được nhau
Đẹp sao cái thưở ban đầu
                             ĐAN  THANH

Lại Giang _Tình em - Thơ

 
( Mến tặng các bạn Nhị 6 k11 SPQN quê Hoài nhơn và anh Vũ Hải Châu )
 
Tên em hợp nhất đôi lòng
Kim sơn_An lão sinh dòng lại giang
Em xanh dòng nước hè sang
Hiền hòa tưới mát tôi chàng lãng du
Tình em con nước mùa thu
Mặt sông nổi sóng...hững hờ trôi đi
Em hiền đông đến mỗi khi
Em xinh đẹp nhất xuân thì đến thăm
Tình ta bao nỗi cách ngăn
Hội yên nàng đứng dưới trăng đợi người
Trung lương anh muốn sang chơi
Vọng vang tiếng gọi đò ơi sang cùng
Đôi bờ chỉ cách dòng sông
Thì sao ngăn được đôi lòng chúng ta
Cầu tre anh bắc sang qua
Lại giang hung dữ,chia xa tình đầu
Tình nông sâu...Lại giang sâu.
Ai xây con đập ngăn màu phù xa
Để cho dòng nước hiền hòa
Vỗ về bờ bãi tình ta thêm nồng
Bồng thanh tân _ Bồng thanh tân
Nếu không lỡ hẹn...ngàn năm vẫn chờ
 
Nhưng rồi em vẫn hững hờ
Nửa dòng An dũ, nửa bờ Thanh tân
Mong em đời mãi bình an
Gió reo đưa nhẹ muôn vàn sóng xô
Còn tôi lãng tử xa quê
Đêm đêm thổn thức mơ về Lại giang
 
     Bạn Của Nhị 6

2 Đoản Văn của Nguyễn Thu Tịnh - K11



                          TẾT- TẾT
                                           Nguyễn Thu Tịnh.


Thế là đã 39 cái tết tính từ ngày rời mái trường Sư Phạm Qui Nhơn ( Tết 1975 - Tết  Ất Mẹo).
Ngày ấy với tuổi 20- thật non trẻ ngày ra trường- mỗi người một hướng. T là người độc nhất của lớp Nhị 6 K 11 vào với mảnh đất khô cằn nhất miền Trung ( Bình Thuận). Lý do sao mà lại vào tận đó mình sẽ có một bài hồi ức khác.
Cùng nhận công tác chỉ có 10 bạn. Sau khi chọn từ quận đến trường thì T thật may mắn chọn một trường tiểu học chỉ có 5 lớp với 3 phòng học nằm trong một xã rất nhỏ (như một làng) Đó là làng Nam Ninh, một làng Công giáo di cư 54 ( làng của người Hà Tĩnh).  Làng cách Phan Thiết 14 cây số về hướng Sài Gòn và cách ga Mường Mán 2 cây số về phía tây. So ra lúc đó là khá là may mắn vì làng Công giáo di cư là khá “ an ninh” mặc dù xung quanh làng đề là vùng không thể có mặt vào ban đêm trong khi mình là một công chức chế độ Cộng hòa.
Lúc ấy việc nghỉ tết không như bây giờ tùy theo người ở xa ở gần mà tự bố trí để về quê ăn tết. Gia đình T đang sinh sống tại Sài gòn nên phải xuôi về Nam đoàn tụ gia đình. Báo với các em học sinh sáng 20 tháng chạp Thầy phải về quê. Một điều thú vị và thật bất ngờ mà T không thể hình dung được.
T tính trưa hôm ấy sẽ đi xe Lam về Phan Thiết để đón xe vào Sài Gòn nên cho học sinh nghỉ học. Lúc 9 giờ, trong khi đang lúi húi sắp xếp đồ đạc vào vali thì ngoài cổng nhà trọ có tiếng láo nháo của lũ trẻ!! Nhìn ra ngoài, một đoàn học sinh khoảng 25 em ăn mặc chỉnh tề đứng sắp hàng trước cổng. Đi đầu là một cành mai tiếp đến là hai gói quà. Chúng đi hai hàng dọc chỉnh tề đi vào. Nhìn ra là toàn học sinh lớp T phụ trách!!
Thật cảm động! Gia đình nhà trọ lúng túng vì không có đủ ghế cho các em và các em phải tạm thời ngồi bất cứ chỗ nào có thể . Em lớp trưởng đứng dậy trịnh trọng thưa:
-Thưa thầy, ở đây có một cái lệ  đó là Mùng Một tết cha, Mùng Hai tết mẹ, Mùng Ba Tết thầy, nhưng vì thầy không ở lại ăn tết với chúng em và thầy chuẩn bị về nhà. Hôm nay, chúng em, toàn thể học sinh trong lớp đến chúc tết thầy. Chúc thầy năm mới dồi dào sức khỏe, sau tết thầy lại tiếp tục giảng dạy các em. Nhân dịp thầy về quê chúng em xin kính biếu thầy một ít quà về cho gia đình bao gồm một cành mai ý nghĩa ngày tết, một cây thuốc Capstan và 3 hộp bánh. 
-Các em lấy tiền đâu ra mà tặng quà cho thầy. T hỏi.
Sau một hồi ấp úng giải thích, lúc đó mới biết là các em được sự đồng ý của gia đình, tự nguyện đóng góp làm quà cho thầy giáo không hề có sự nhúng tay của người lớn. T thật sự lúng túng nhưng cũng quyết định khui ba hộp bánh , bày biện cho các em vui vẻ. Là học sinh lớp Năm nhưng các em cũng khá vô tư nhón lấy những mẫu bánh ăn ngon lành mà các em đã đem đến và bắt đầu nói chuyện với nhau thật rôm rả.
 Sau đó còn có màn văn nghệ nữa! Trên lớp T cũng thường tập cho các em các bài hát và đây là dịp kiểm nghiệm lại các giọng ca. Ở đây là làng Công giáo nên hầu hết các em đều ở trong Ca đoàn của nhà thờ, vì vậy các em hát rất hay.
 Thời gian trôi qua đã đến giờ T phải lên đường. Phải tạm biệt các em.
Ngồi trên xe về Sài Gòn, T cố ôm giữ cành mai xem như một món quà vô cùng quý giá.
Trời tháng chạp se se lạnh nhưng T cảm thấy vô cùng ấm áp với cái tình cái nghĩa thầy trò.
Bây giờ Tết đến, lại nhớ cái tết năm ấy! Sau này lại có thêm tết nhà giáo nhưng T vẫn cảm thấy không thể nào quên cái tết đúng ý nghĩa năm ấy.



NGƯỢC !

Cuộc đời mình là cả một quãng dài ngược  ( ngược với cả mọi người) với cả công việc!!
Năm 1972 chiến sự xảy ra ở quê tôi- Lúc đó đang học 12- Khi đó gọi là “chạy giặc” vào thành phố biển Quy Nhơn. Học không hết năm học nhưng vẫn đậu Tú tài toàn phần và kiến thức 12 thì trống rỗng khó mà tiếp tục lên Đại học. Gia đình ly tán, một mẹ già lại chạy tuốt vào Sài gòn. Đúng ra mình có điều kiện học ghi danh Đại học nhưng lại ngược  trở về Quy Nhơn thi vào trường Sư phạm. Mấy đứa bạn thì tiếp tục ngồi ghế đại học từ đại học khoa học đến đại học luật…
Thế là mình không có quê hương, những năm học tại trường SPQN khi tết về thì mỗi bạn lại hăm hở về quê mình thì lại đón xe ngược về Gài gòn. Những ngày tết xa xứ ấy thật buồn nhưng không thể nào khác!! Những ngày hè của 2 năm SP lại quay về Sài Gòn với mẹ già.
Lần ngược giòng này đã để lại trong tôi những buồn vui khó tả. Thời gian hai năm sống với gia đình nhị 6- phải ở trọ- phải dạy thêm kiếm sống…
Cuối khóa học (hè 1974) mình lại sống ở Sài gòn nên khi thông báo về chọn nhiệm sở thì lúc bây giờ mình đang đi làm công việc tại Đà Lạt. Khi đó mình phải quay về Sài gòn ngay để kịp về Quy Nhơn nhưng chỉ còn hơn 14 giờ đồng hồ. May là lúc ấy vé máy bay rất đắt nên cũng dễ mua. Đành bấm bụng mua vé máy bay sáng hôm sau bay về Quy Nhơn. Nhưng không may, máy bay phải ghé Liên Khương để sân bay Liên Khương có cho người quá cảnh!! Khi hạ cánh xuống phi trường Quy Nhơn thì đã gần 10 giờ. Té ra không có mình ông anh đã chọn cho nhiệm sở Bình Thuận ( vì BT dễ về SG hơn). Xuống máy bay biết như thế nên lại cầm Sự vụ lệnh tiếp tục ngược vào Nam.
Nếu nói thời điểm hiện nay thì không phải là ngược  mà là xuôi  theo thời đại!! 
Công tác tại huyện Hàm Thuận trong thời gian đầu; thường xuyên về Gài Gòn. Xuân 1975 giải phóng đất nước mình lại chạy về Sài gòn, trình diện chính quyền Cách mạng ở Sài gòn thế mà lại ngược  ra trình diện thêm ở Hàm Thuận và tiếp tục dạy ở đây. Đùng một cái năm 1976 gia đình đoàn tụ sau giải phóng và lại kéo về quê, thế là bỏ mình lạc lỏng và mỗi lần tết đến lại ngược  về quê. Thời gian sau giải phóng việc đi dạy mà xa nhà cực khổ như thế nào thì ai cũng biết. Khổ quá nên mình lại xin ngược về quê công tác. Lần ngược giòng này là hết sức phi lý vì lúc bấy giờ xu hướng Nam tiến rất mạnh!! Những người quen biết cũng như cùng công tác lúc đó mỗi lần gặp đều cho rằng mình đã ngược thời đại!! Phải hiểu rằng lý do gia đình là chính!
Về công tác ở quê mình được bổ nhiệm làm phó HT- lúc ở Bình Thuận là HT- nhưng lại chấp nhận về Phòng GD công tác- Lần ngược  này là hụt hẫng nhất. Vì hiện nay mình không còn là nhà giáo nữa. Thời gian trôi đi, công việc vẫn tiếp tục. Nhìn lại thấy mình thật ngược đời các bạn ạ! Nhưng thôi. Tâm sự như thế để biết thêm quãng đời sau khi ra trường của mình. Giờ thì đã sắp về hưu nên nhìn lại và suy ngẫm!
Nhưng dù sao đi nữa trong thời gian công tác mình vẫn luôn nhớ về những ngày ở mái trường SPQN. Cảm ơn các thầy cô của trường đã trang bị cho mình khá nhiều kiến thức từ giảng dạy, từ quản lý.. và kể cả âm nhạc, Mỹ thuật. Với những kiến thức đó mình có biệt danh là bá nghệ!! Nhưng mình cũng thường nói vui: “Bá nghệ bá tri, vị chi bá láp”

Hoài Nhơn, tháng hai 2013.
Nguyễn Thu Tịnh, nhị 6 - K11

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...