Hiển thị các bài đăng có nhãn Irene. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Irene. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

DÙ CHỈ ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI...

           Irene.


         Chiều buông khi nắng vừa tắt, bầu trời xanh nhạt với những mảng hồng phai pha một chút tim tím. Từng cơn gió thổi dịu mát, Thành phố như lắng xuống thêm một chút nữa, một sự yên ắng của cảnh cuối chiều. Chiều về thường gợi trong lòng tôi một điều gì đó sắp tàn, một nỗi buồn man mác…
         Từ lúc, lớp tôi tìm gặp lại tất cả bạn bè của ngày xưa ấy. Tôi vui mừng nhưng rồi lại thoáng ngậm ngùi khi biết hoàn cảnh khó khăn của một số bạn hay nghe tin sức khỏe vài bạn không được tốt. Vợ chồng bạn tôi có mấy thang thuốc Nam nghe tin người bạn bịnh nặng đã mấy năm nay nên vội vàng gởi thuốc cho bạn. Sau đó, nghe bệnh của bạn thuyên giảm. Mừng quá, vì sự hiệu nghiệm của thuốc, nên gọi về quê nhờ người mua tiếp để dự trữ vì nghe đâu có một vài người bạn cũng bị bịnh như thế.
         Viết ra đây như thế này, chắc chắn rằng bạn ấy chẳng bằng lòng đâu vì các bạn tôi thường nói rằng, bạn bè đối với nhau là ở tấm lòng, đâu cần phải phải nói ra hay phô trương cho mọi người biết.

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

TẾT QUÊ TÔI.

                 Irene.

         Mấy hôm nay trời Sài Gòn như chuyển tiết lập xuân. Mưa lất phất bay, thời tiết trở nên lành lạnh giống khí hậu miền Trung quê tôi vào những ngày giáp Tết.
Ở đây, bắt đầu từ Giáng Sinh là không khí Tết như đang tràn về trên những hàng cây, trên những con đường, trên khắp phố phường… và làm nao nao lòng tất cả mọi người.
         Sáng nay, tôi vừa nhận được một thùng quà ở ngoài quê gởi vào. Nhìn những món bánh, mứt, những đặc sản riêng biệt của quê mình sao tôi cảm thấy bồi hồi trong dạ. Từ lúc tôi vào miền Nam này để ở với con cái. Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến thì bà con bên nội, bên ngoại, chị em bạn bè ngoài đó lại lần lượt gởi cho tôi những món quà quê hương đậm đà tình nghĩa…gợi lại cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm về những ngày Tết êm đềm nơi quê nhà.
         Ở quê tôi, khi mà cái giá rét của Mùa Đông vơi dần đi nhường chỗ cho những tia nắng ấm áp thì dường như đâu đó Mùa Xuân đang hiện diện. Mùa xuân về trên những bãi cỏ xanh mượt, trên những mầm non lộc biếc, trên những đóa hoa mới nở và trên những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười...
Tết đến! Rõ nét nhất là khi các chợ đã bắt đầu đông dần lên với những hàng hóa Tết tràn ngập. Từ hàng áo quần cho đến hàng tạp hóa cho đến hàng mứt bánh đến những quang gánh rau trái…rồi đến phố phường người xe rộn rịp, tấp nập.
Tôi quên sao được? Vào những năm cuối thập niên 50, lúc đó tôi còn bé lắm! Không gì vui sướng bằng những ngày Tết. Tết tôi được mặc quần áo mới. Tết sẽ được tha hồ ăn mứt bánh. Tết có tiền lì xì và Tết được đi chơi…Vì thế, tôi trông đến Tết từng ngày. Lòng tôi rộn ràng xen lẫn vui sướng từ lúc mà mẹ tôi bắt đầu may cho chúng tôi những bộ quần áo mới. Mẹ  may tay chứ hồi đó không có nhà nào có máy may. Và lại càng không đến thợ may để may như sau này. Tôi vẫn nhớ những ngày cuối đông ngoài trời rét mướt, trong gian phòng khách, tôi ngồi cạnh mẹ. Dưới ngọn đèn dầu, bên cái “tráp” bằng nhôm đựng đồ may như kim chỉ…Mẹ ngồi may áo, một tay cầm kim, một tay khẽ nâng cái áo lên, may từng mũi kim lên, xuống đều đặn, hết đoạn này đến đoạn khác. Chốc chốc mẹ tôi lại lấy cục sáp ong suốt chỉ để cho chỉ trơn không bị rối. Thỉnh thoảng bà dừng lại để xâu kim hay cắt chỉ. Các chị tôi cũng ngồi xúm xít xung quanh. Có khi, mẹ vừa may vừa kể chuyện Phạm Công Cúc Hoa. Tôi cứ ngồi xích gần, xích gần lại. Sợ nhất là khi mẹ kể đến đoạn hai chị em Nghi Xuân, Tấn Lực ra mộ và mẹ Cúc Hoa hiện về bắt chấy cho con…
Có những lúc khuya quá, tôi lại buồn ngủ và thế là tôi nằm sát vào bên chân mẹ để ngủ trong khi mẹ tôi vẫn miệt mài may áo quần…Những giây phút ấy, bây giờ nhớ lại sao nó êm đềm và ấm áp biết bao! Nó khắc sâu vào trong tâm trí tôi xâu kết thành những mảng ký ức tươi đẹp của một thời thơ ấu.
 Và rồi đến lúc ba tôi bắt đầu đem mấy cây mai ra tỉa lá là lòng tôi như rạo rực hẵn lên. Những ngày sau đó, mẹ tôi chuẩn bị làm dưa món, bánh mứt… chị em tôi lại vui như hội và tôi thấy cái Tết như đang gần kề.
Cả nhà thường ngồi bên cạnh để xem mẹ chuẩn bị làm bánh. Trước tiên là phơi bột, chị tôi hỏi:
-Mạ ơi! Sao mạ phải phơi bột vào buổi tối thế hả mạ?
-Phơi buổi tối lấy sương đêm để bột nó dịu không thì nó sẽ khô khốc không in bánh được.
Khâu phơi bột cũng rất là kỳ công. Đêm mẹ tôi không bao giờ ngủ yên giấc. Cứ chốc chốc, lại trở dậy ra xem. Có đêm sương xuống nhiều quá thì phải đậy sàng bột bằng vải thưa kẽo bột sẽ bị đẫm ướt. Có đêm bất chợt có một cơn mưa nào đó rơi xuống. Thế là phải nhanh chóng chạy ra sân đem bột vào chứ không thì bỏ luôn sàng bột…
Hết bánh in, bánh hồng đến bánh thuẩn, bánh bông lan…rồi rim mứt. Nào là mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt me, mứt chùm ruột…nhưng có lẽ thú nhất là chị em tranh nhau vét nồi. Sao mà nó ngon lạ, ngon hơn cả khi được mẹ cho mứt ăn vào những ngày Tết.
Lúc bé, tôi chưa biết gì nhiều nhưng tôi vẫn biết rằng Tết đến mẹ tôi lo toan, sắp đặt mọi việc trước sau. Rồi bỏ rất nhiều công sức ra làm bánh, làm mứt… Mẹ còn phải thức khuya dậy sớm để lo chu toàn cho ngày Tết.
Khi mẹ tôi gói bánh tét, bánh chưng là ba tôi và cả chúng tôi cùng túc trực để phụ giúp. Mẹ gói bánh rất kén chọn lá, lá chuối phải là lá chuối hột thì bánh mới xanh. Lá chuối được phân thành những loại lá đầu, lá khổ rộng thì dùng làm thân bánh, lá bên ngoài…rửa và lau lá sạch đem phơi nắng cho lá mềm. Lạt buộc phải chẻ thật mỏng, chiều dài vừa phải và phải ngâm nước một đêm cho nó mềm mại. Rồi đến khâu chọn mua nếp, mua đậu… Hình ảnh mẹ tôi ngồi nhặt từng hạt thóc, từng hạt gạo tẻ …từ trưa cho đến khi bóng mẹ mờ mờ in rõ dần trên vách trong buổi chiều tàn. 
Thường thường, mẹ tôi vừa làm vừa giải thích, như để truyền những kinh nghiệm… Năm nào cũng vậy, các chị tôi ngồi bên xem mẹ gói bánh, giúp mẹ đưa lá hoặc cột dây…Còn tôi mong sao đến khi gói gần hết nếp là tôi xin một chút nếp để gói một cái bánh nhỏ. Rồi khi bánh bỏ vào thùng để nấu, cái bánh của tôi để lên trên cùng. Trời cuối đông miền Trung rét buốt mà cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa hồng sao mà ấm áp, hạnh phúc vô cùng. Bánh chín tôi vui mừng vì mình có cái bánh nhỏ nhưng không dám ăn chỉ cầm chơi. Cũng nhờ quanh quẩn bên mẹ mà sau này khi ba chị em chúng tôi lớn lên, người nào cũng đều biết chút ít về thêu thùa may vá và làm bánh trái …
Hai ba tháng chạp cúng đưa ông Táo về trời. Không phải như bây giờ ra tiệm mua là có sẵn hết. Mẹ cúng đưa Ông Táo bằng bông chuối và nấu nồi xôi chè. Lễ cúng ông Táo rất là trịnh trọng. Mẹ tôi áo dài chỉnh tề đứng trước bàn mâm lễ khấn vái rất thành khẩn. Không biết mẹ khấn những gì nhưng đứng lâm râm lâu lắm rồi lạy mấy lạy…
Một lần nọ, tôi hỏi:
-Mạ ơi, vì sao mình phải đưa ông Táo về trời?
-Ông Táo là người trông coi bếp núc. Ông ghi chép hết mọi việc làm tốt xấu của mọi người trong nhà năm qua báo cáo lên Ngọc Hoàng. Vì vậy, hàng năm ngày hai ba tháng chạp là ông Táo về chầu trời.
-Rồi ngày mấy ông xuống lại, hả mạ?
-Ngày ba mươi Tết. Khi mà mình cúng rước tổ tiên ông bà thì mình đón ông trở lại.
Từ khi nghe mẹ nói như thế, tôi sợ lắm không dám làm gì xấu. Nhất là không dám chạy vào bếp ăn vụng như trước nữa vì sợ ông sẽ lên tâu với Ngọc Hoàng. Rồi tôi lại nghĩ mấy ngày ông lên trời ở nhà nếu có việc gì xảy ra thì làm sao ông biết? Vì vậy chắc mọi người muốn làm gì tùy thích ông đâu có mà biết mà tâu với Trời nhỉ?
Những ngày cuối năm, ai ai cũng quét dọn nhà cửa. Ba tôi nói đây là phong tục “Tống cựu nghinh tân” nói nôm na là bỏ đi những cái cũ để đón những cái mới. Nhà cửa quét dọn sạch sẽ, bàn thờ tổ tiên trang trí đẹp đẽ, bỏ đi mọi thứ rác rưởi, sắm mới chén bát, mọi vật dụng trong nhà, cắt tóc hay làm mới đầu tóc, may sắm quần áo mới…
Tôi thích nhất là buổi chiều cuối năm. Một buổi chiều bình yên lắng đọng. Mọi người đều dừng lại mọi công việc để quay về bên mái ấm gia đình. Quây quần bên bàn thờ, đoàn tụ bên mâm cơm …Trong giờ khắc này con người như trở về lại với cội nguồn, trở về lại với chính con người thật của mình…rồi ngẫm nghĩ chuyện trong một năm qua.
Năm nào cũng thế, ba tôi luôn nhắc nhở chúng tôi là sau giao thừa thì lời ăn tiếng nói phải cẩn thận. Không gây gỗ, nhăn nhó...phải vui vẻ, niềm nở với mọi người. Ngày mồng một không được bước đến nhà ai trừ nhà của ông bà, cha mẹ hay bà con… Ngày Tết không được quét nhà vì sợ quét nhầm Thần Tài ra khỏi nhà…
Ba mẹ tôi chuẩn bị lễ cúng giao thừa rất là đầy đủ. Một mâm cúng trên bàn thờ gia tiên, một mâm cúng Thiên địa ở trước sân nhà. Mẹ tôi bày mâm ngũ quả thật đẹp. Sau này vào Nam, tôi lại thấy người Nam chưng bày mâm ngũ quả theo tiếng gọi hay gọi trại như : Mãng cầu, trái sung, quả dừa, đu đủ, trái xoài ( cầu sung dừa đủ xài )… Trong lúc ba mạ tôi kính cẩn khấn vái thì tôi lại vào bàn học lấy vở ra học bài. Cái phong tục này tôi rất thích và giữ mãi truyền lại cho các con tôi rồi học trò tôi…Bây giờ cũng thế cứ giao thừa là tôi lại ngồi vào máy vi tính gõ một vài câu mở đầu cho một truyện ngắn nào đó xem như “khai bút đầu năm”.
Giao thừa thường bắt đầu trong khoảng 11g đến 1giờ sáng. Cúng xong ba tôi thường chọn hướng xuất hành đi lễ Chùa. Nhà tôi ở hướng Bắc mà Chùa thì hướng Tây. Có năm xuất hành hướng Đông, thế là cả nhà phải đi theo hướng Đông rồi vòng lại. Có năm xuất hành hướng Nam, cả nhà phải xuất hành ngõ sau…
Hình ảnh cả gia đình tôi xuất hành đầu năm để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Ba mạ tôi áo dài khăn đóng đi trước, ba chị em tôi áo dài hớn hở đi sau. Trong lòng mỗi người tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Trước bàn thờ Phật hương trầm nghi ngút, trong giây phút giao thoa giữa năm cũ và năm mới, tôi thành tâm đứng khấn nguyện mọi điều tốt lành đến với mình, với người thân, với đồng bào và với đất nước Việt Nam… Ngoài sân chùa, người người đi lễ hay đến hái lộc đầu năm càng lúc càng đông hòa với tiếng pháo nổ đì đùng vang vang rộn rã.
Ngày Mồng một tôi dậy rất sớm! Xúng xính trong bộ áo quần mới, đi đôi guốc mới. Tôi thấy mình lớn hẳn vì năm mới thêm tuổi mới. Gia đình tập họp đông đủ tại phòng khách. Ba mạ tôi ngồi ở bàn khách, chúng tôi đến bên cạnh và nói lời chúc mừng năm mới. Sau đó, ba mạ tôi lì xì cho chúng tôi.

Từ lúc ba mươi rước tổ tiên ông bà về cùng ăn Tết thì trên bàn thờ lúc nào cũng nghi ngút trầm nhang. Trong mấy ngày Tết, mỗi ngày sửa soạn ba lần để cúng. Sáng cúng bánh, cúng nước, trưa cúng cơm, chiều cúng cơm. Ròng rã từ mồng một cho đến mồng bốn. Đến mồng bốn, cúng đưa ông bà về trời thì mới thôi. Cho nên ba ngày Tết chị em chúng tôi phải lo túc trực cúng kiến không đi chơi đâu được. Thấy mọi người đi chơi mà ao ước! Tôi nói nhỏ với hai chị tôi rằng sau này lớn lên, Tết đến, mỗi ngày tôi chỉ cúng một lần thôi! Các chị tôi cũng đồng ý như vậy! Mấy năm sau khi tôi lớn lên thì tôi thấy ba má tôi đơn giản dần mọi nghi lễ, cúng giỗ không còn như xưa nữa.
Sau này, khi tôi đã trở thành thiếu nữ. Cứ mỗi độ Xuân về niềm vui vẫn thế nhưng tâm hồn tôi bắt đầu biết bâng khuâng, biết xao xuyến khi gió xuân về hay khi nhìn những nụ mai trên cành vừa hé nở và thoáng rung động khi có ánh mắt ai nhìn.
Hai năm học Sư Phạm, Mỗi lần Tết đến, thấy các bạn ở nội trú náo nức thuê xe đùm túm, tay xách nách mang đi về quê ăn Tết thì những giáo sinh ngoại trú như chúng tôi lại thấy nao nao trong lòng. Thầm mong ước rằng, giá mình cũng được về quê ăn Tết như thế?
Rồi tôi trở thành cô giáo ra dạy ở một làng quê. Tết đến lòng tôi náo nức, mong ngóng từng ngày để về nhà . Tâm trạng cô giáo trẻ hớn hở lãnh tháng lương mua sắm thật nhiều quà nào là bánh tráng dừa, bánh tráng củ lang, bánh nổ, bánh hột xoài, đường, đậu, nếp… mang về biếu bố mẹ, biếu người thân trong dịp Tết. Và hân hoan vui sướng khi về nhà nhận được rất nhiều những cánh thiệp chúc Tết của bạn bè.
Ngày Tết lại càng có ý nghĩa hơn khi tôi đã có một gia đình nhỏ. Lúc này Xuân đến lòng càng nôn nao xen lẫn những lo toan. Rồi cũng theo những phong tục của ngày Tết, tôi lo cho mái ấm của mình êm ấm đầy đủ sung túc hạnh phúc.
Bây giờ thì tuổi về hưu, đã có cháu nội, cháu ngoại. Nhìn thấy cháu chắt xum xoe quần áo mới, con cái sắm sửa chuẩn bị Tết theo phong tục cổ truyền của ngày Tết…Lòng tôi cũng nao nao, dường như trong con cháu, tôi lại bắt gặp hình ảnh mình của những ngày xưa hiện về.

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta có nhiều phong tục hay cần phải duy trì nhưng cũng phải biết chọn lọc những mỹ tục, tập quán tốt, loại đi những hủ tục không đáng có.
Tết Nguyên Đán ở quê tôi, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi vẫn mang theo cố gắng gìn giữ mãi để bây giờ truyền lại cho con cháu. Để thế hệ đi sau biết về cội nguồn, hướng về Tổ Tiên, yêu đồng bào dân tộc, tự hào với truyền thống đất nước… Làm thế nào sống tốt với mọi người, biết cách ăn ở cho có nhân, có nghĩa… thắt chặt tình cảm đối với mọi người trong gia đình tạo mối dây thân ái trong làng xóm trong cộng đồng. Nói chung là  ông cha ta mong muốn tất cả đều hướng đến chân thiện mỹ làm cho cuộc sống chúng ta mỗi ngày một tốt đẹp hơn lên.
Xuân Quý Tỵ đã gần kề, mong sao một năm mới này sẽ đem đến cho mọi người nhiều sức khỏe, ấm no, an vui và hạnh phúc như lời bài hát Câu Chuyện Đầu Năm
Mong đầu năm cuối năm gặp may, Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy. Trên bước đường danh lợi rồng mây. Duyên vừa đẹp ý đắp xây. Ôm nàng xuân đẹp vào tay…

Không biết tôi có xưa không nhỉ? Nhưng thật sự từ đáy lòng, tôi rất thích các phong tục cổ truyền ấy và cũng rất thích nhìn thấy hình ảnh mỗi nhà đều dán câu đối đỏ trong ngày Tết:
Năm mới hạnh phúc bình an đến
Ngày xuân vinh hoa phú quý về.

Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà.

Sài Gòn, Mùa Xuân 2013.
Irene.

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

MÙA XUÂN ĐANG TRỞ LẠI.

                                                Irene.
 
         Huyền xuống xe, bước vào cổng trường thì gặp ông Hiệu Trưởng :
         -Cô Huyền! Đầu giờ dạy, cô vào gặp tôi một chút, có một vài việc cần trao đổi!
         -Vâng!
         Huyền dắt chiếc xe đạp vào nhà xe rồi bước ra sân trường hướng về phòng Hiệu Trưởng.
         Ông mời cô ngồi xuống chiếc ghế đối diện và rót chén trà rồi nói luôn.
         -Tình hình kết quả Kiểm tra học kỳ 1 trong khối lớp 5 của cô thế nào?
         -Dạ! Khối chưa tổng kết điểm, nhưng qua kết quả chấm thi thì môn Tiếng Việt hơi thấp.
         -Sao vậy?
         -Có lẽ do các em còn bỡ ngỡ và thiếu thực tế quan sát khi làm văn tả cảnh. 
         -Vậy thì bước sang học kỳ 2 cô cho giáo viên trong khối tăng cường bồi dưỡng và phụ đạo thêm môn Tiếng Việt nhất là phân môn Tập Làm Văn!
         -Dạ!
         -Cô Huyền này! Nhà trường vừa nhận được một lá thư nói về cô Quỳnh…
         Vừa nói ông vừa kéo hộc tủ lấy ra một lá thư trao cho cô. Liếc sơ bì thư…
         -Thư nặc danh?
         -Ừ, cũng vì thư nặc danh và đây cũng là vấn đề tế nhị nên tôi không muốn nhà trường tham gia vào. Vì vậy, tôi giao cho cô với tư cách là Trưởng ban Thanh tra làm giúp việc này. Vả lại, cô là nữ, nữ với nữ dễ nói chuyện với nhau hơn!
         Huyền đang phân vân thì tiếng trống vang lên báo hiệu giờ vào lớp!
         -Thôi, cô lên lớp, cô tìm cách nào đó cho khéo để nói với… Nhớ báo cáo lại cho tôi biết nghen!
         -Chào thầy!
         Rời phòng Hiệu trưởng Huyền bước ra sân. Học sinh lớp Huyền đang xếp hàng cùng học sinh cả trường chuẩn bị tập bài thể dục buổi sáng.
         Mùa xuân lại về! Gió Xuân man mác lùa trong nắng. Cây cối trong sân trường như cựa mình tỉnh giấc, những lộc non hé mắt ra nhìn. Giữa sân, trên cành cây bàng vẫn còn lơ lững lại một vài chiếc lá đỏ úa quắt queo từ mùa Đông. Thế mà trong các cành cây ấy những búp non đã chòi ra mạnh mẽ tràn trề nhựa sống. Cây phượng với những chiếc lá non đầu tiên xếp lại e ấp, non nớt mềm mại…Chim chóc ở đâu bay về đua nhau hót vang …Huyền thấy mình vui vui như hòa vào với cảnh sắc Xuân.

         Huyền rủ Quỳnh vào sáng Chủ Nhật đi uống café và ăn sáng ở một cái quán nằm dọc theo bờ biển. Huyền chọn một chiếc bàn quay mặt ra phía biển. Mưa xuân lất phất bay. Mặt biển phẳng lặng mờ mờ trong sương sớm. Xa xa, những chiếc thuyền chài khuất lấp trong màn hơi trắng đục. Trên bãi, những chiếc thuyền nằm yên lặng lẽ …Cảnh biển sáng Mùa xuân vắng vẻ, yên bình. Huyền và Quỳnh đều kiệm lời như để thả hồn về tận nơi đâu… Quỳnh nhìn đăm đăm ra biển với đôi mắt xa xăm. Bỗng Quỳnh quay lại giọng buồn buồn.
         -Chị Huyền!  Mấy hôm nay em không muốn đi dạy, em mắc cỡ với các chị trong trường!
-Sao vậy? Có chuyện gì vậy Quỳnh?
-Em gặp chuyện chẳng vui… Nói đến đó Quỳnh rươm rướm nước mắt! - Có người nào đó không thích em viết thư nặc danh bôi nhọ em…
         -Mà sao em biết?
         -Hôm qua, thầy Hiệu Trưởng nói với em.
         Thì ra thế! Hiệu trưởng đã làm việc với Quỳnh rồi… Huyền nhìn Quỳnh, khuôn mặt bơ phờ, hai con mắt thâm quầng, nước da nhợt nhạt vì biếng điểm trang. Dấu thời gian như đã in rõ trên khuôn mặt của  người phụ nữ …

         Huyền gặp Quỳnh lần đầu tiên trong một lần đi học lớp Tự làm đồ dùng dạy học do Phòng Giáo dục tổ chức. Lúc đó Quỳnh và Huyền đều còn trẻ lắm chưa đến ba mươi. Quỳnh kém Huyền bốn tuổi. Quỳnh có nét đẹp như Tây. Nhìn xa xa giống như tài tử của Pháp Brigitte Bardot. Dáng người cao, mắt to, sâu, mũi cao thẳng, mái tóc nâu uốn xỏa dài từng lọn ngang vai. Quỳnh mặc một cái áo pull và một cái quần jean…trông Quỳnh tràn đầy sức sống, trẻ trung. Vừa nhìn thấy Quỳnh là Huyền và chị Nguyệt đều bị cuốn hút bởi sức tươi mát, khỏe mạnh của cô ấy. Hai người đến làm quen. Biết Quỳnh đang dạy ở đảo nên rủ, khi nào hết thời hạn dạy ở đảo thì xin về dạy trường tụi mình.
         Không ngờ, năm học sau, Quỳnh có quyết định về đất liền và lại về  giảng dạy ngay trường với Huyền. Thế là từ đó chị em dạy cùng trường và thường đi chơi chung với nhau.
         Quỳnh rất thích thể thao. Cuộc thi cầu lông hay thi bóng rổ do phòng Giáo Dục tổ chức đều có Quỳnh tham gia và đem giải thưởng về cho trường. Tham gia Văn nghệ với học sinh…Nói chung do Quỳnh nhanh nhẹn xốc vác nên Quỳnh thường xuất hiện trong mọi phong trào của nhà trường. Sau này khi có thời gian rỗi rảnh, sau giờ dạy Quỳnh đi đánh tenis. Thỉnh thoảng cuối tuần theo bạn bè đi nhảy đầm ở các hội quán…
         Cũng có nhiều người đến với Quỳnh nhưng rồi như những mùa Xuân. Xuân đến! Xuân đi! Xuân mang đến niềm vui rồi lại đem theo nỗi buồn? Nhưng tuổi xuân thì cứ chồng chất theo năm tháng! Cuộc sống độc thân cũng lắm nhiêu khê! Độc thân thì vui tính! Nhưng vui tính quá thì nhiều khi cũng đem lại nhiều rối rắm, phiền toái cho Quỳnh, như bức thư nặc danh hôm nay… Biết vậy, nhưng cô ấy vẫn không sao tránh khỏi? Nhờ sự lạc quan nên thời gian vẫn cứ trôi đi và Quỳnh vẫn cứ sống, cứ vui chơi với cuộc đời.
         Một lần nọ, vào một buổi chiều cuối năm. Huyền lên nhà rủ Quỳnh đi chợ Tết. Vào nhà Quỳnh đang lúi húi bên nồi bánh tét. Bên cạnh là một thau mứt gừng đang rim trên bếp.
-Chưa nghỉ Tết mà đã tranh thủ làm mứt bánh?
-Chị nghĩ coi, hai mươi tám mới được nghĩ Tết mà năm nay không có ba mươi nên em phải gói bánh sớm, sáng mai hai tám vớt để rồi còn kịp ngày cúng ông bà…
Đó cũng là lần đầu Huyền biết được cảnh nhà của Quỳnh. Một căn nhà tôn lụp xụp nền xi măng. Mẹ mất sớm, mấy đứa em trai có vợ ở riêng. Quỳnh là chị lớn nên chăm lo cha già và một đứa em gái bị tâm thần…Mọi chuyện lớn bé trong nhà Quỳnh đều lo toan. Không hiểu với đồng lương giáo viên ít ỏi như thế mà Quỳnh xoay sở như thế nào cho đủ? Huyền thầm phục Quỳnh gia cảnh như thế, mà Quỳnh lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan yêu đời. Phải là người có nghị lực mới không than thân trách phận, mới vượt lên chính mình để sống…

Thấy Huyền nhìn đăm đăm mình, Quỳnh nói:
-Em không có lỗi trong chuyện này. Cách đây một năm, tình cờ em gặp lại anh ấy nhân một chuyến anh trở về Việt Nam. Anh ấy quen em trước khi anh ra nước ngoài. Bây giờ gặp lại, anh kể với em rằng anh ấy đã li hôn với vợ và muốn làm bạn với em. Em cũng đang lưỡng lự chưa biết thực hư ra sao? Thì đùng một cái có thư đến trường nói em… Chị ở trong ban Thanh Tra chị có biết nội dung thư đó ra sao không?
Thật sự bức thư đó viết từ Việt Nam. Nội dung thư là một người nào đó xưng là người yêu của anh ta tố cáo Quỳnh với những lời xúc phạm hơi nặng nề…nhưng trước tình cảnh của Quỳnh, Huyền không biết mình có nên nói thật về lá thư không nhỉ? Hơn nữa Hiệu Trưởng cũng đã nói sơ qua với Quỳnh rồi. Với lại thấy Quỳnh buồn và lo lắng quá. Cho nên Huyền nhẹ nhàng nói với Quỳnh như một người chị nói với người em:
-Chị cũng biết như em vậy thôi! Không có gì to tát lắm đâu? Theo chị em cứ sống, đi dạy bình thường đừng suy nghĩ nhiều. Em độc thân thì chuyện quen biết bạn bè là bình thường…Nhưng chị chỉ khuyên em nên suy nghĩ thật cẩn thận khi quen biết một ai đó để khỏi mang tiếng…
Rồi chuyện đó cũng qua đi và Huyền cũng không nghe ông Hiệu Trưởng nhắc đi nhắc lại hay hỏi han gì nữa?
Huyền về hưu, cô vào Sài Gòn. Từ biệt mái trường , xa rời tập thể đồng nghiệp… cho nên ít gặp Quỳnh…Thỉnh thoảng về lại Qui Nhơn, mới có dịp gặp nhau rồi lại rủ nhau cùng đi ăn, đi uống café, tâm sự…
Trong một lần về! Huyền nghe tin ba Quỳnh mất. Gặp Quỳnh, Quỳnh gầy rộc hẳn đi! Cô ấy lo tang chay. Một mình chạy ngược chạy xuôi với bộn bề công chuyện.
Quỳnh đã về hưu, một hôm, Huyền nhận được điện thoại của chị Nguyệt ở Bình Thạnh rủ đến nhà chơi. Hôm đó, có Quỳnh từ Qui nhơn vào. Gặp Quỳnh, Quỳnh bây giờ khác xưa nhiều. Cô ấy vui vẻ tươi tắn trở lại…Nghe đâu Quỳnh đã có người yêu? Mọi người đều vui mừng cho Quỳnh…

  Có phải mùa xuân sắp sửa về
Hay là gió lạnh giữa đêm khuya
   Hay là em chọn sai màu áo?
Để nắng thu vàng giữa lối đi…(Tương Tư – Nguyên Sa)

Không biết sai hay đúng? Có mấy ai biết trước điều gì xảy đến cho những lựa chọn của mình đâu? Nhưng chắc chắn một điều là hiện tại Quỳnh đang hạnh phúc và đang vui đón Mùa Xuân đầu tiên ở Cali!

Bây giờ, Mùa Xuân đang trở lại! Hương xuân đang tràn ngập khắp nơi nơi! Xuân thổi vào những luồng gió tươi mát. Mùa Xuân là mùa của niềm vui và hạnh phúc. Mùa Xuân làm cho tâm hồn người người trở nên tươi trẻ tràn trề sức sống. Xuân không của riêng ở lứa tuổi nào?  Cho dù Xuân đến với Quỳnh có hơi muộn!

Tháng một, năm 2013.
Irene.

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

NOEL MỘT MÌNH.

                                    Irene.
        

Mùa đông lại về! Từng đợt gió Mùa len lõi qua từng góc phố chênh vênh, qua từng tâm hồn quạnh hiu để lại những sự giá buốt và lạnh lẽo. Mấy hôm nay đi dạy Uyên phải thắt khăn quàng mặc áo ấm choàng ngoài chiếc áo dài mà vẫn thấy cái rét len vào cơ thể. Càng đến gần Noel thì trời lại càng băng giá hơn.
Giờ chơi, ngồi một mình trong lớp học, Uyên lơ đễnh nhìn xuống sân trường. Trong sân, mấy cây me tây rụng gần hết lá, cành trơ ra nứt nẻ, khẳng khiu. Mấy cây bàng, màu vàng của lá đã chuyển sang sắc đỏ. Cây sứ cũng chỉ còn sót lại một vài cái lá nằm chót vót ở đầu cành…
-Chị Uyên ơi! Uyên quay lại. Thì ra Hạnh, cô giáo dạy cùng khối.
-Gì vậy em?
-Chị qua lớp em chơi! Có các thầy cô đang chờ ở bên đó!
Uyên vội vã theo Hạnh. Ngoài hành lang, một luồng khí lạnh thổi tạt vào làm Uyên run lên cầm cập. Nhìn vào bên trong phòng học của lớp Hạnh đã có đầy đủ các thầy giáo, cô giáo trong khối lớp 5. Không khí bên trong thật ấm áp. Hạnh nói:
-Ngày hôm qua, về giỗ ba em. Em  đem xuống ít quà quê mời các anh chị cùng vui.
Uyên thấy trên bàn bánh, trái cây dọn ra. Rất đầy đủ như là cho một bữa tiệc. Mọi người vừa ăn vừa  bàn đến chuyện đi chơi Noel. Không khí giáng Sinh tràn ngập và rộn ràng.
-Tối nay, mời các anh chị đến nhà em dự Christmas Party! Thanh Trúc đứng lên mời. Trúc và Hạnh là hai cô giáo trẻ trong khối.
Khối lớp 5 của Uyên có đến 13 lớp, có 13 thầy cô giáo chủ nhiệm và một số giáo viên chuyên trách các bộ môn như Nhạc, Họa, Thể Dục, Anh Văn. Các thầy cô giảng dạy chính đa số là Giáo học bổ túc được đào tạo trong trường Sư Phạm Qui Nhơn trước 75. Người lớn nhất là khóa 5, người nhỏ nhất là khóa 11. Tất cả đều giảng dạy và chủ nhiệm lớp rất tốt. Đến trường bao giờ Uyên cũng thấy vui và ấm áp vì tình cảm chân thành của đồng nghiệp vì tình yêu thương, kính mến, lễ phép của học trò.
Hai mươi phút ra chơi nhanh chóng. Mọi người quay trở lại lớp của mình để dạy tiếp những tiết cuối trong ngày.
Uyên thu xếp sách vở trên bàn ra về vì được nghỉ tiết cuối. Học sinh của Uyên hôm nay học tiết Thể dục với giáo viên chuyên trách.
Ngoài đường trời lạnh. Uyên đạp xe chầm chậm trên đường ngang qua Nhà Thờ, Nhà Thờ treo cờ, trang trí nhiều màu sắc…Bây giờ chưa đến 4giờ chiều mà trước cổng những người bán hàng với những chiếc  bong bóng xanh, đỏ, vàng, tím… đủ hình các con thú. Người người xe cộ  qua lại đông vui. Vì hôm nay là Noel mà…
Về đến nhà, mở cửa ra là Uyên thấy lòng mình dâng lên một nỗi buồn, một cảm giác trống vắng! Vì hôm qua đi dạy về thấy mảnh giấy của ông xã để trên bàn, vỏn vẹn vài chữ :
 Má đau, phải về quê!”.
 Chồng Uyên người Bình Định mà người Bình Định thì thường nói năng nghe “cộc lốc”! Câu cán thường dùng là những câu rút gọn hay lược bỏ bớt chủ ngữ và vị ngữ và có khi bỏ luôn trạng ngữ? Không cần dài dòng văn tự. Nghĩ sao nói vậy! Ai muốn hiểu sao đó thì hiểu? Lúc đầu nghe thật khó chịu nhưng ở lâu riết rồi cũng quen. Được cái là tính tình sống với nhau rất chân chất, thật thà…
Uyên đóng cổng lại, nhìn vào bên trong căn nhà vắng vẻ và nói một mình :
-       Đêm nay Noel mình lại một mình!
Cứ theo thói quen, Noel năm nào Uyên cũng chuẩn bị một chút thức ăn gì đó? Cả nhà đi chơi rồi về quây quần bên nhau nhâm nhi. Từ khi hai đứa con đi học Sài Gòn thì hai vợ chồng cũng vẫn giữ cái thói quen ấy. Chiều xuống, chồng Uyên chở đi dạo các con đường phố, ghé vào Nhà Thờ Qui Đức, Nhà Thờ Hòa Ninh, Nhà Thờ Chánh Tòa…đến khuya mới  về nhà. Sau đó, bày ra ăn uống xem như bữa tiệc Reveillon. Không khí gia đình thật ấm cúng và hạnh phúc.
         Bây giờ, không có anh ấy nên Uyên chẳng buồn nấu nướng. Ăn một chút gì đó lót lòng rồi bưng li nước ra phòng khách ngồi vừa uống vừa nhìn ra khoảng sân nho nhỏ trước hiên nhà. Mấy chậu Hồ Điệp đã lác đác ra hoa. Phía bên góc tường có chậu Vanda nở một chùm hoa tím trắng thật đẹp…
         Chiều xuống thấp dần và nhường cho những mảng tối lan tràn. Căn phòng chìm trong ánh sáng mờ mờ. Uyên vói tay thắp một cây nến. Ánh nến vàng sáng lên, làm cho mọi vật như xích gần lại và ấm áp hơn. Uyên ngồi bó gối một góc trên chiếc ghế salon trong căn nhà rộng thênh thang.
         Cho tới lúc này, Uyên chưa bao giờ có khái niệm về cô đơn. Bởi vì từ bé chung quanh Uyên bao giờ cũng có gia đình, họ hàng thân thuộc. Khi lớn lên lập gia đình thì bên cạnh lúc nào cũng có chồng, có con…Đến trường thì xung quanh có đồng nghiệp, có học trò… có khi nào một mình đâu mà suy nghĩ? Rồi đến một ngày khi con cái lớn, ngôi nhà trở nên vắng lặng vì chúng đi học xa. Lúc đó,  thì Uyên mới thoang thoáng một chút gì đó về sự trống vắng nhưng vẫn không thấy buồn chán vì những khi một mình sau những giờ dạy bận rộn ở trường Uyên thấy thời gian vô cùng có ý nghĩa bởi đó là khoảng lặng của tâm hồn để Uyên được sống trong thế giới của riêng mình hay có khi nó làm cho Uyên đối diện với chinh bản thân để rồi xem xét và tự hoàn thiện mình.
Một lần nọ, Uyên đọc một câu chuyện gì đó quên mất tên của Marguerite Dumas tác giả có nêu lên một quan niệm làm Uyên suy nghĩ mãi :
“…Chính khi ở trong nhà là lúc người ta cảm thấy cô đơn. Và không phải ở ngoài mà ở trong nhà. Trong công viên có chim, có mèo. Và một lần còn có cả một con sóc, một con chồn hương. Người ta không cô đơn khi ở trong công viên. Nhưng khi ở trong nhà, người ta cô đơn đến nỗi đôi khi người ta lạc lối…”
         Và bây giờ, tối nay, Uyên rơi vào tình huống một mình, có trải nghiệm thì mới thấm thía, hiểu ra… và Uyên thấy mình lại cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
         Để đừng suy nghĩ nhiều về việc Uyên đang là một mình vì như thế vô tình Uyên đã làm cho khoảng trống cô đơn trong tâm hồn mình như rộng thêm ra và để gạt ngang những suy nghĩ không vui đó, Uyên vội đứng dậy bước vào phòng trong sửa soạn và đi ra khỏi nhà.
         Ngoài đường trời quá lạnh! Nhưng đâu đâu cũng có người. Uyên đi qua những con đường ánh đèn vàng hiu hắt, những dãy phố nhập nhoạng sáng tối... Những cặp tình nhân hạnh phúc tay trong tay, tiếng nói, tiếng cười vang vọng. Từ những cô cậu trẻ đến những người lớn, hình như ai ai cũng rạng ngời niềm vui.
Mọi người vui, tự nhiên Uyên cũng vui lây. Uyên tìm vui với cảnh vật xung quanh. Nàng thấy rằng, tối nay mình đi một mình giữa phố của một đêm đông giá buốt mà vẫn thấy lòng mình ấm biết bao. Một mình không có nghĩa là cô đơn. Cô đơn chỉ là do tự mình nghĩ, tự mình tạo ra mà thôi. Cô đơn thường lấy đi sức mạnh của con người và làm cho mình cảm thấy mềm yếu, buồn chán có thể đưa đến tuyệt vọng…cho nên hãy bỏ nó ra khỏi tư tưởng của  mình…Uyên quyết định đến nhà Trúc!
Khi Uyên đến nhà Trúc dự tiệc thì mọi người đã đến đông đúc. Tiếng nói, tiếng cười hòa với tiếng nhạc Giáng Sinh…làm cho không khí nhộn nhịp vui vẻ. Ai ai cũng hớn hở, vui vẻ đón chào đêm Giáng Sinh.
-Chị đi một mình? Còn anh đâu? Phượng đến bên và kéo Uyên ngồi xuống chiếc ghế gần đó.
-Ừ, ảnh đi về quê.
Phượng là người bạn dạy cùng trường. Cô ấy chỉ thua Uyên hai tuổi mà vẫn còn độc thân vui tính. Nghe đâu lúc trước Phượng cũng có vài mối tình nhưng trắc trở sao đó và cô ấy ở vậy luôn. Tiền lương giáo viên ít ỏi như vậy mà Phượng một mình nuôi người cha già và một đứa em bị tâm thần. Thế mà Phượng luôn vui vẻ lạc quan yêu đời. Phượng thích thể thao, thích văn nghệ…Sau giờ dạy, Phượng đi đánh tenis, thỉnh thoảng đi hát karaoke. Cuối tuần đi nhảy đầm hay đi chơi với bạn bè…
Trúc đem hai ly rượu vang nhẹ đến mời Uyên và Phượng, tươi cười:
-Chúc hai chị Giáng Sinh vui vẻ !
-Chúc Giáng Sinh an lành!
Mọi người đến bên nhau chúc tụng rồi lần lượt hát cho nhau nghe. Giọng hát Phượng nồng ấm thiết tha…
“Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa Sinh ra đời…Rồi mùa đông trước qua mùa Đông tiếp theo sau này…” (Mùa sao sáng-Nguyễn Văn Đông).
Tiệc tan, cũng đã gần mười hai giờ đêm. Ngoài đường sương xuống lạnh. Gần đến khu vực Nhà Thờ Chánh Tòa người người càng đông vui, Từ già cho đến trẻ, ai cũng hân hoan chào đón giây phút Chúa ra đời!  
Một tốp các em nhỏ đi ngược chiều trông thấy Uyên : - Em chào cô! Uyên mỉm cười với chúng. Có một vài người lớn cũng gật đầu chào Uyên. Hình như họ là phụ huynh học sinh?
Khu vực nhà thờ Lớn là nơi địa bàn của trường Uyên nên đa số học sinh ở đây đều học trường của Uyên đang giảng dạy. Có em học từ đời cha, mẹ rồi sang đời con…Nhiều khi cũng buồn cười, người cha dẫn con đến gặp cô giáo chủ nhiệm lớp con mình thì mới biết đó là cô giáo khi xưa dạy mình. Người cha chào cô, người con cũng chào cô… Dạy từ đời cha đến đời con mà không biết có “nên” không?  Uyên bỗng bật cười với ý nghĩ của mình.
Khoảng sân phía trước Nhà Thờ, mọi người đang đứng lễ rất đông, Uyên chọn một chỗ sát hàng rào, vòng tay rồi đưa mắt nhìn quang cảnh xung quanh. Tiếng hát thánh ca vang lên rồi bài giảng của Đức Cha…Trong giờ phút thiêng liêng của đêm Giáng Sinh Uyên bỗng thấy mình chẳng đơn độc. Uyên nghĩ đến những người thân thuộc, những người ở quanh mình, những người sống khắp mọi nơi trên hành tinh này…

Những mùa Giáng Sinh nối tiếp sau đó, Uyên vẫn đón Noel một mình, nhất là từ khi chồng Uyên đã vĩnh viễn nằm lại ở quê nhà. Cuộc sống thì vẫn luôn trôi đi và Uyên cũng đã quen dần theo năm tháng vì không có một khoảng lặng nào mà Uyên lại thiếu đi những giây phút một mình. Nhưng Uyên không còn mang nỗi niềm bi lụy hay buồn bã mà xem cô đơn là chuyện bình thường của một kiếp người.

Tiếng hát Mỹ Tâm nhẹ nhàng:
“ Mùa Đông vừa sang sáng nay, chợt thấy cô đơn ùa về…Mùa Đông qua cơn gió lạ, tình đôi ta như chiếc lá. Nhẹ rơi xuống rơi lững lờ, cùng dòng sông biết về đâu?...”

Bao mùa Giáng Sinh đến rồi đi! Đi rồi đến! Vẫn cái rét, vẫn cái lạnh giá, vẫn cái không khí tấp nập ngoài phố… Bao Mùa Giáng Sinh vẫn thế! Uyên vẫn vui vẻ khi Noel chỉ có một mình. Và Uyên luôn mang cái thông điệp ở bên mình :
Khi mình muốn hạnh phúc thì cách tốt nhất là mang hạnh phúc đến cho mọi người - Hãy gởi yêu thương và thiện ý đến với họ!”
Tiếng chuông Nhà Thờ vang vang! Một mùa Noel nữa lại về! Uyên ấm áp, an lành biết bao khi bên cạnh mình có những người thân thuộc, có những bạn bè…và Uyên hạnh phúc trong tình cảm thương yêu của tất cả mọi người dành cho mình.
Uyên ngước nhìn lên bầu trời đêm:
 -Chúc tất cả mọi người một Giáng Sinh an lành, vui vẻ và hạnh phúc!

Mùa Noel năm 2012.
Irene.

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

GIÁNG SINH ẤM ÁP


                                   Irene.

         Thời gian trôi thật nhanh, mới đó mà đã gần bốn mươi năm rồi. Cứ mỗi lần Giáng Sinh đến thì tôi lại bồi hồi nhớ đến bạn bè tôi. Những người bạn một thời đã cùng tôi học dưới mái trường Sư Phạm…
Noel năm đó, Qui Nhơn trời rét! Từng cơn gió Mùa Đông Bắc tràn về mang theo cái lạnh và khô. Những cơn gió rít, lùa qua khe cửa lớp học, rồi vốc những luồng khí lạnh thả vào trong phòng làm cho mọi người xuýt xoa, ngồi sát vào nhau vì giá rét.
Hôm nay là Noel rồi! Không khí Giáng Sinh như tràn ngập khắp nơi. Giáng Sinh về trên những con đường phố tấp nập, trên những hàng cây reo vi vu và trên cả những khuôn mặt của mọi người rạng ngời niềm vui.
Cứ mỗi lần Giáng sinh về, tuy không khí ngoài trời lúc nào cũng lạnh lẽo nhưng trong lòng tôi lại thấy ấm áp, an vui vô cùng vì bên cạnh luôn có những người thân trong gia đình và những bạn bè xung quanh… Đang suy nghĩ vẩn vơ, cô bạn ngồi bên cạnh “huých” tay vào tôi, làm tôi giật cả mình!
-Tối nay, Noel có đi chơi đâu không?
-Chưa biết?
Trong lớp học im ắng, tất cả mọi người chăm chú nghe bạn lớp trưởng đang thuyết trình về đề tài gì đó? Đang là giờ học của thầy Đinh Kim… Một mảnh giấy từ dãy bàn phía bên kia chuyền sang cho tôi :
R..ơi! Noel lại về! Cứ mỗi lần Noel mình lại buồn! Và nhớ anh Thanh quá! ... H.Thanh”.
Tôi nhìn sang phía  Hoài Thanh, cô nàng ngước nhìn tôi với một khuôn mặt buồn buồn.
Hoài Thanh và tôi cùng tuổi với nhau và là đôi bạn học với nhau từ thời Tiểu học. Từ lúc còn bé, Thanh đã thông minh, nhanh nhẹn, dạn dĩ và ra vẻ “chững” hơn tôi nhiều. Còn tôi thì “khờ” lắm! Tính tình lại hiền, nhút nhát nên không bao giờ dám mạnh dạn trước đám đông.
Nhà tôi ờ đường Tăng Bạt Hổ, nhà của Thanh ở đường Phan Bội Châu đều gần Chợ Lớn. Má Thanh là người cùng quê với ba má tôi nên rất thân quen. Lúc còn học với nhau, mỗi khi tôi bị ốm không đi học được, sau khi khỏi bệnh là ba tôi thường chở tôi qua nhà Thanh để mượn vở về nhà chép bài. Cho nên tình bạn của chúng tôi càng  trở nên thân thiết.
Sang Trung học, Thanh học trường Trinh Vương. Tôi học Nữ Trung Học. Thỉnh thoảng, chúng tôi có gặp nhau trên đường hay ở đâu đó? Hai đứa tôi thường dừng lại hỏi thăm nhau hay chuyện trò với nhau vui vẻ.  
Năm 1972, cả hai cùng đậu vào trường Sư Phạm và một điều bất ngờ là được phân vào học chung một lớp.
Hôm khai trường, khi biết được cùng học một lớp. Thanh mừng lắm! Cô nàng cười tươi. Tôi nhớ mãi câu nói đầy cảm xúc của Thanh:
-Th mừng quá R ơi! Không ngờ vào đây có R bên cạnh. Mình cứ sợ lạc lõng một mình!
Tôi cũng vui lắm! nhưng chẳng biết nói gì? Tính tôi là vậy, luôn luôn ngại ngần nên dấu đi những cảm xúc!
Thế là từ đó hai đứa tay trong tay như hình với bóng. Hàng ngày đi học hay ra về cùng trên những chuyến xe Lam. Cùng nhau tâm sự những buồn vui. Cùng nhau chia sẽ những thầm kín trong lòng. Qua đó, tôi biết được Thanh vừa trải qua một mối tình đau buồn.
Thanh đã có “fiancé” rồi. Đó là một phi công. Anh ấy cũng tên Thanh. Chắc ai ở Qui Nhơn cũng đều biết đến ở góc đường Lê Lợi-Phan Bội Châu sát bên tiệm vàng Mỹ Phụng đối diện xeo xéo với rạp ciné Lê Lợi có quán café ThanhThanh đó là nhà của anh ấy. Thanh Thanh là tên ghép của hai người.
Dạo ấy, cuộc chiến bùng phát khốc liệt ở Miền Nam. Cũng giống như bao cuộc tình trong thời chiến, những người “có người yêu là lính mấy người đi trở lại…”. Thế rồi, một hôm nhận được “hung tin”, trong một chuyến bay, anh ấy đã vĩnh viễn ra đi, không bao giờ trở về nữa!
“…Bạn bè còn đó anh biết không anh?
Người tình còn đó anh nhớ không anh?
Vườn cỏ còn xanh, Mặt Trời còn lên!
Khi bóng anh như cánh chim chìm xuống…”
                           (Cho Một Người Nằm Xuống-TCS).
Thanh lịm người đi khi nghe tin “dữ”. Làm sao không buồn được trước nỗi đau mất mát quá to lớn! Tình yêu đầu tiên với một kết cuộc không được trọn vẹn. Từ đó, đôi mắt Thanh trở nên u uẩn. Khuôn mặt Thanh vốn đã có nét buồn buồn nay lại càng buồn vời vợi.
Khi vào học Sư Phạm, hàng ngày đến trường, bên cạnh các  bạn bè nỗi buồn của Thanh có phần nào vơi đi. Thỉnh thoảng vào buổi chiều cuối tuần hay những buổi chiều có giờ trống Thanh thường mang hoa đến nghĩa trang viếng mộ người yêu. Hôm qua, tan học Thanh nói:
-Noel đến là mình lại nhớ anh Thanh. Noel mọi năm anh đều xin phép đơn vị, về đưa mình đi chơi. Thế mà Giáng Sinh năm nay…
Thanh nghẹn ngào, đôi mắt rưng rưng ngấn lệ…Tôi chỉ biết cầm tay bạn bóp nhẹ:
-Thôi! Thanh đừng buồn nữa!
-Ừ, R về trước nhen! Thanh đi thăm anh ấy đây!
Tôi nhìn theo, cho đến khi bóng Thanh khuất cuối con đường đi về nghĩa trang, tà áo dài trắng bay bay trong gió chiều…
“… Em đi qua cầu, chở chiều trên vai, ngậm buồn trên môi, trái tim u hoài. Một người nằm xuống. Một người nơi đây…”  (Em đi trong chiều-TCS).
Tôi thấy thương cho Thanh quá!
Hôm sau, đến trường, tôi thấy đôi mắt Thanh có quầng thâm. “ – Hồi hôm, cô bạn của tôi lại mất ngủ nữa rồi!” Bây giờ, lại nhận được tờ giấy này của Thanh. Tự nhiên trong lòng tôi dâng lên một niềm xót xa, thương cảm vô hạn!
 Thú thật là vào lúc đó, tôi chưa có người yêu và lại càng không có người yêu là lính. Nhưng những năm đầu của thập kỷ 70 đó, khi mà chiến tranh lên đến đỉnh điểm, tôi đã chứng kiến chung quanh tôi những cái chết thương tâm: Những giọt nước mắt, những mất mát, những cuộc chia ly, những vành khăn sô chít vội vàng …cho nên tôi rất cảm thông trước những số phận của những cuộc tình!
Nghĩ đến đó, tôi vội quay sang cô bạn ngồi bên cạnh, nói nhỏ rồi hai đứa bắt đầu viết những mảnh giấy chuyền đi cho các bạn trong lớp hẹn tối nay đi chơi Giáng Sinh. Những ánh mắt lướt nhẹ lên những tờ giấy, những nụ cười tươi vui, những cái gật đầu đồng ý…
Chiều hôm đó, không có giờ học. Tôi qua nhà Thanh. Cô nàng còn nằm cuộn tròn trong chăn như một con mèo ốm. Tôi báo cho Thanh rằng tối nay bạn bè sẽ đến nhà Thanh vui Giáng Sinh. Nghe tôi nói như thế. Thanh ngồi bật dậy!
-Thiệt hả! Các bạn đến nhà mình hả?
-Ừ!
-Vậy thì để mình sẽ chuẩn bị trang hoàng nhà cửa và cả bữa tiệc Reveillon nữa!
Thanh mừng lắm! Thanh ríu rít nói chuyện với tôi. Cả người Thanh như linh hoạt hẳn lên. Tôi theo Thanh đi ra phòng khách. Hai đứa vội dọn dẹp, trang trí… Thanh bàn với tôi chuẩn bị một vài món ăn nhẹ…
Hoàng hôn vừa xuống, như đã hẹn, tôi đi qua nhà Thanh thật sớm! Khi đường phố chưa kịp lên đèn.
Từ xa, tôi đã thấy Thanh đứng chờ tôi ở nơi cửa. Thanh nở nụ cười tươi vui:
-Nhanh lên! Hai đứa mình đi vào trường để đón các bạn nữ ở nội trú chở ra nhà mình!
Nói rồi, Thanh kéo tay tôi lên chiếc xe Jeep trắng đang đậu trước hiên nhà. Tôi leo lên ngồi một bên còn Thanh cầm chiếc volant và rồ “ga”. Chiếc xe chạy đi nhẹ nhàng. Tôi đã nghe Thanh biết lái xe hơi nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy tận mắt cô bạn tôi lái xe một cách thành thạo.
Xe chạy xuống đường Lê Thánh Tôn vòng lên đường Nguyễn Huệ qua Eo Nín Thở rồi dừng lại trước cổng trường Sư Phạm.
Buổi chiều trời lạnh, gió từ biển thổi vào mang theo cái rét buốt. Các bạn từng tốp từ trong trường đi ra. Tiếng nói tiếng cười lao xao. Các bạn lớp tôi: Lệ Thu, Ánh Tuyết, Tỏi, Kim Phúc, Tâm Thanh… cũng vừa ra tới cổng định đón xe Lam. Thấy tôi và Thanh đến! Thế là các bạn vui mừng leo lên xe. Chiếc xe Jeep chở tất cả các bạn nữ  ở nội trú của lớp tôi. Trên xe chúng tôi chuyện trò với nhau rôm rả.
Trời tối dần, những con đường dẫn đến Nhà Thờ đã rộn rịp đông đúc hơn. Trước Nhà Thờ Hòa Ninh nằm trên con đường Nguyễn Huệ tấp nập người đi. Đèn điện sáng rực. Những dây đèn xanh đỏ vàng tím đủ màu, nhạc Giáng Sinh vang vang…Lòng của chúng tôi cũng rộn ràng theo.
Càng gần xuống con đường Lê Thánh Tôn dẫn đến nhà thờ Chánh Tòa thì người người càng đông hơn. Thanh cho xe chạy chầm chậm! Tôi quay qua Thanh nói:
-Đường đông người quá, Thanh!
-Ừ, Không sao đâu? Thanh mỉm cười trấn an tôi.
Chúng tôi đến nhà Thanh thì đã thấy có một số bạn nam đứng chờ ở trước nhà tự bao giờ. Thế là tất cả bước vào phòng. Thanh bật đèn lên! Ánh sáng xanh tím dìu dịu. Chiếc bàn ăn được trải khăn . Giữa bàn là bình hoa glaieul đỏ nổi bật. Một cây thông lớn đặt ở giữa nhà trang trí với những quả chuông đủ màu, những tấm thiệp với hình ông già Noel hay những con tuần lộc kéo xe trên tuyết…. Tôi bước ra phía sau bếp chào mẹ Thanh. Thì ra bác ấy đã chuẩn bị tất cả đâu đó rồi.
Thức ăn dọn lên! Chúng tôi ngồi vào bàn. Tiếng nhạc từ dàn máy Akai vang vang giai điệu dễ thương của bài ca Giáng Sinh quen thuộc : Jingle Bells.
Dashing through the snow
In a one horse open sleigh
O’er the fields we go
Laughing all the way
Bells on bob tails ring
Jingle bells, jingle bells
Jingle all the way
Oh, what fun it is to ride
In a one horse open sleigh…
Trong bầu không khí ấm cúng của căn phòng, bên cạnh những người bạn lớp 6 khóa 11 thân thương, Thanh như xúc động đứng lên mời các bạn cùng nâng một ly rượu vang thơm thơm…Thanh cắt chiếc bánh pudding…
Từng miếng bánh được chuyền đến cho mỗi bạn. Tôi thầm thì:
-Oh, bring us a figgy pudding! (Ôi, Hãy mang đến cho chúng tôi một chút bánh pudding may mắn!)
 Những khuôn mặt của mọi người ẩn hiện, lung linh trong ánh đèn nhấp nháy. Dường như tất cả chúng tôi không phải chỉ là vui với không khí lễ Giáng Sinh rộn ràng hay ngây ngất bởi cái nồng nồng của rượu, cái ngọt ngào của bánh mà là rất ấm áp vì quây quần bên nhau trong tình thân yêu, trong vòng tay của bè bạn.
Khuôn mặt Thanh rạng ngời niềm vui nhìn tôi và các bạn nói khẽ:
-Th cám ơn R và các bạn đã đem đến cho mình một đêm Giáng Sinh thật ấm áp!
Tất cả chúng tôi vỗ tay, nói lớn:
-Merry Christmas!
Tiếng cười, tiếng nói chuyện râm ran vang vang rộn rã cả căn phòng.
Khi chúng tôi bước ra khỏi nhà Thanh thì trời đã khuya. Sương xuống nhiều! Trời càng lạnh giá! Ngoài đường mọi người vẫn còn đông. Các bạn đi theo từng tốp, Thanh đi bên tôi. Chúng tôi co ro trong những chiếc áo ấm, những chiếc khăn quàng cổ… tiến về hướng Nhà Thờ.
Nhà Thờ Chánh Tòa Qui Nhơn rực rỡ ánh đèn. Mọi người nói cười rộn ràng. Chúng tôi len lõi giữa dòng người đông đúc đang tiến vào bên trong Thánh đường…
Bàn tay Thanh ấm áp trong bàn tay tôi :
-Chúc Giáng Sinh an lành!
Tôi mỉm cười với Thanh và thấy lòng rộn vui, ấm áp trong đêm Giáng Sinh, mặc dù ngoài trời đêm Đông lạnh giá. Đúng như ai đó đã nói:
“Đừng đóng chặt trái tim mình. Hãy mở cửa trái tim để biết rằng giữa Mùa Đông mình vẫn thấy ấm áp”
Tôi và Thanh cùng hát nho nhỏ:
We wish you a merry Christmas
We wish you a merry Christmas
We wish you a merry Christmas
And a happy New Year…
Tuy tôi là người ngoại đạo nhưng tôi cảm nhận được sự mầu nhiệm trong giờ phút thiêng liêng này. Tiếng chuông Giáng Sinh ngân vang, ngân vang...
Tôi ngước nhìn lên tượng Chúa Jesus và nói vào tai Thanh:
-I wish you Merry Christmas and happy New Year!
Bây giờ,  Những bạn bè năm xưa ấy, người còn? Người mất? Người trôi dạt khắp nơi?…Nhưng rất mừng là chúng tôi đã tìm gặp lại nhau hay liên lạc được hầu hết các bạn. Tôi và Hoài Thanh lại cùng nhau tâm sự những vui buồn trong đời thường sau bao nhiêu năm xa cách. Không ngờ rằng thời gian qua, mỗi chúng tôi đều có những chông chênh, những thăng trầm, những khúc rẽ…
Giáng Sinh năm nay lại về! Tôi xin gởi đến Hoài Thanh, các bạn và mọi người lời chúc chân thành nhất:
-Chúc tất cả bạn bè tôi và mọi người trên thế giới này một Mùa Giáng Sinh ấm áp, vui vẻ, may mắn, an lành và hạnh phúc.

Sài Gòn, Mùa Giáng Sinh 2012.
Irene.

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...