Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Thông Tin

Ban Liên Lạc SPQN Kính mời quí Thầy Cô, quí anh chị CGS SPQN đến tham dự buổi cafe gặp gỡ cuối năm và chúc mừng năm mới Quí Tỵ - 2013. 
Thời gian: từ 8 giờ sáng đến 11 giờ ( có thể kéo dài...) ngày Chúa nhật 3/2/2013, nhằm ngày 23 tháng chạp. 
Địa diểm: Nhà hàng Trầu Cau Gia Định, số 298 Nguyễn Văn Đậu, F11, Q. Bình Thạnh.

Để có cơ hội gặp gỡ và chúc mừng nhau trong năm mới, kính mong đông đảo quí Thầy Cô và các bạn đến tham dự. 

TM BLL 
Nguyễn Dũ

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

XUÂN ĐÃ VỀ - Trish Thùy Trang

MÙA XUÂN KỶ NIỆM.


                                    Diệu Thơ.
        
         Trời ấm dần lên! Mùa Xuân đã về! Cây cối vụt rạo rực, đâm chồi nảy lộc. Chim chóc choàng tỉnh dậy hót vang rồi ríu rít gọi nhau từng đàn bay lượn trên vòm trời xanh thẳm. Cứ mỗi lần Xuân về tôi lại nhớ những cái Tết ở quê nhà rồi lại bồi hồi nhớ đến Tết khi tôi còn học ở Qui Nhơn.
Cách đây 45 năm, năm 1968, tôi đang học năm cuối Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Còn phải hơn hai tuần nữa mới đến Tết mà các giáo sinh đã lo thu xếp, mua sắm… để về quê ăn Tết. Nội trú rộn rịp hẳn lên. Đêm đêm, các bạn không ngủ nói chuyện bàn tán xôn xao về chương trình vui Tết khi trở về nhà làm cho mọi người nôn nao xao xuyến trong lòng, mong chờ từng ngày.
Trong phòng chúng tôi hầu hết các bạn đến từ Nha Trang. Một số ít đến từ Đà Nẵng và Huế. Suốt hai năm trời, chúng tôi sống với nhau rất êm đềm , gắn bó thương yêu nhau như ruột thịt.
Các bạn tôi, ai cũng may mắn hơn tôi nhiều, vì có cha, có mẹ lo lắng gửi  tiền đề về cho sớm, sum họp cùng với gia đình.
Sau đó, lần lượt, mọi người hết tốp này đến tốp khác rời phòng trọ trở về nhà. Riêng tôi vẫn còn lại trong phỏng vì đang chờ đợi anh chị gửi tiền vào để mua vé. Tôi sinh ra vốn mồ côi cha mẹ từ bé, cho nên sống trong sự đùm bọc của các anh chị em.
Cùng lúc đó, trong trường, tôi cũng thấy có một số nam sinh vẫn còn ở lại trường, có lẽ họ cũng thiếu may mắn như tôi hay là vì một lý do nào khác…chưa về với gia đình được.
Trước Tết khoảng hơn một tuần, anh Du đến phòng chúng tôi và đề nghị rằng:
-Mấy chị nào chưa về nhà ăn Tết được, thì hãy cùng theo với đoàn lên Pleiku để úy lạo các chiến sĩ.
Tôi nghĩ, ở lại nội trú cũng buồn nên đồng ý đi.
Thế là vào một buổi sáng cuối năm, đoàn chúng tôi gồm khoảng hơn 10 người cùng đi trên chuyến máy bay quân sự lên miền đất đỏ Cao Nguyên mù sương .
Mùa Đông ở Cao Nguyên rất lạnh. Trời đầy sương mù. Xung quanh toàn là núi đồi và rừng cây trập trùng. Khi đến nơi, chúng tôi được phân chia ở trong trại của Sĩ Quan. Tôi và một số bạn nữ ở chung phòng. Căn phòng này của một sĩ quan cấp tá đã nhường lại cho chúng tôi ở tạm.
Ban ngày, chúng tôi đi tham quan chỗ này, chỗ nọ. Khi đêm xuống, ở đây, thật buồn và lạnh. Đường phố hiu hắt mù mù, những con dốc vắng vẻ, đìu hiu. Chúng tôi, co ro đi bên nhau lên xuống những con dốc…Có một đêm, chúng tôi cùng nhau đến một quán ăn trong hẻm để ăn đêm. Ngoài trời lạnh, tô bún bò nóng, cay, thơm thơm mùi sả…rất đậm đà, rất ngon đã làm tôi cứ nhớ mãi... Bây giờ, nhiều khi nghĩ lại có lẽ vì hồi đó đời sống nội trú của chúng tôi quá thiếu thốn cho nên thấy ngon tuyệt cũng nên.
Ngày tiếp theo, chúng tôi lại được mời tham dự một buổi dạ vũ. Trong buổi tối hôm đó, toàn là cấp tướng, cấp tá trở lên. Khung cảnh thật là ấm cúng! Dàn nhạc đánh lên một bản với điệu nhạc du dương. Tôi thả hồn mình trong bài : Em đến thăm anh một chiều mưa của Nhạc Sĩ Tô Vũ
“…Ta ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng, và quên đường về...”.
Trong ánh đèn màu, trong cái lạnh của Pleiku. Ôi, Thật là lãng mạn!
Nhìn xuống sàn nhảy, cô bạn gái của tôi đang nhảy cùng một anh Thiếu tá rất phong độ và đẹp trai. Hai người có vẻ tâm đắc. Thật là đẹp đôi. Tôi vốn quê mùa, không biết nhảy nhót, chỉ biết nghêu ngao những bản nhạc tình thời tiền chiến mà thôi.
Sau đêm dạ vũ trở về trại, tôi cũng háo hức cho nên cô bạn tôi đã dìu tôi những bước tập tễnh của một điệu nhảy Slow. Thật vui! Đó là lần đầu tiên tôi tập nhảy đầm. Sau đó, chúng tôi lăn ra ngủ vì quá mệt. Sáng hôm sau thức dậy, tôi không còn nhớ gì đến điệu nhảy nầy nữa.
 Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết, chúng tôi vẫn đang ở đây, nhưng trong lòng rất là nôn nóng, mong sao có máy bay để sớm được về nhà. Lúc này chiến trường nóng bỏng, phương tiện chuyên chở không còn . Chúng tôi ai cũng buồn và chờ đợi. Một, hai ngày… trôi qua. Rồi 28 tết, chúng tôi đã có phương tiện trở về nhà. Máy bay hạ cánh xuống phi trường Đà nẵng. Sau đó, tôi cùng chị tôi về đến Huế vào đúng chiều 29 Tết.
Đến nhà, mọi người đang quây quần bên nồi bánh tét, bánh chưng khói lên nghi ngút. Nồi bánh thật lớn.
Tôi lo ủi áo dài mới để mặc trong ngày mai. Gần 10 giờ đêm tôi đã vào giường nằm, trong đầu óc tôi đang tính toán là sáng mai thức dậy , tôi sẽ đi chùa, đi thăm bà con , ăn mứt bánh, hột dưa và đi gặp người bạn trai… Giấc ngủ đến với tôi lúc nào không hay....
Vào lúc nửa đêm, tiếng mọi người gọi nhau nhốn nháo ngoài đường, thay tiếng pháo giao thừa … mọi mơ ước cho ngày Tết tiêu tan.... Xuân Mậu Thân 1968, một mùa Xuân nhiều kỷ niệm về cuộc chiến về cảnh chết chóc tang thương. Cành cây cầu Tràng Tiền gãy nhịp và…. Sau gần một tháng nằm dưới hầm, tôi đã trở lại trường bình an và tiếp tục học năm học còn lại. Tôi đã gặp lại đầy đủ bạn bè thân thương.....
Sau khi ra trường, tôi đã về dạy học ở Đà nẵng. Pleiku đã xa vời vợi trong tôi, 45 năm trôi qua tôi chưa một lần trở lại thành phố này... nhưng thành phố đó đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp của một chuyến đi… thời còn là giáo sinh Sư Phạm Qui Nhơn.
Mùa xuân lại về với quê nhà! Tôi thèm một chút hương vị của ngày Tết.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Được ngắm hoa mai nở vàng, rồi xúng xính trong bộ quần áo mới,  nghe tiếng pháo Giao Thừa vang vang rộn rã cả lòng, đi lễ chùa đầu năm và quây quần bên bà con, bạn bè ăn những món ăn ngày Tết… rồi ao ước sao cho mình trở lại thời còn bé thơ…
Năm mới đến, Diệu Thơ cầu chúc các bạn trong và ngoài nước hưởng trọn mùa Xuân vui tươi, hạnh phúc và vạn sự như ý!

Úc Châu 20 tháng 1 năm 2013.

Ảnh tác giả gởi kèm bài viết.

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Tình Bạn

Hàn Diệu Phương
Thương tặng Các bạn Lớp Nhị Sáu Khóa 11 Sư Phạm Qui Nhơn

Căn villa nằm trong một xóm vắng thơ mộng với những hàng phong và thông xanh. Những tia nắng vàng lung linh nhảy múa, chói chang chiếu qua hiên, rọi vào trong căn villa thoáng có nhiều cửa rộng của tôi mọi ngày, hôm nay trốn đi đâu mất ? Qua khung cửa của các phòng nhìn ra ngoài chỉ thấy toàn một màu trắng . Tuyết ! tuyết ! tuyết ! Tuyết khắp mọi nơi trắng xóa. Tuyết trên đường phố, trên nóc những ngôi nhà quanh xóm, trên sân trước, sân sau, trong khu vườn đầy khóm hoa đủ màu sắc của tôi mấy tháng trước giờ chỉ còn thấy màu trắng của tuyết. Tuyết lấp lánh, trắng như bông bám đầy trên cành cây của hàng phong trên đường, trên hàng dậu nhà, trên hai cây thông lớn ưa thích của tôi, một nhọn, một tròn trông thật đẹp ! Đây đó có cả những người tuyết, lớn nhỏ, được đội mũ và quấn chiếc khăn quàng đỏ với cái bụng tròn có hàng nút áo và mắt, mũi, miệng gắn bằng trái cây…do bàn tay các cậu bé hàng xóm làm. Khi hai con còn nhỏ, vào mùa tuyết tôi cũng thường giúp chúng đắp người tuyết hay nắm thành những trái banh nhỏ quăng, trêu chọc nhau. Những tiếng cười rộn rã của hai đứa con yêu như vẫn còn đâu đây trong ký ức của bà mẹ “già” tuổi sắp lục tuần.
Ngắm nhìn tuyết rơi, đẩy nhẹ khung cửa slide door patio qua một bên, giơ bàn ra đón những hạt tuyết lành lạnh, mềm mại đang rơi tôi chợt nhớ lại đầu mùa cơn tuyết năm nay tôi quên múc tuyết ăn nên bị cảm lâu chăng ? Lúc còn làm trưởng phòng ở một Daycare tôi thường nghe các cô giáo Canada nói ăn tuyết đầu mùa mình sẽ không bị cảm lạnh. Tôi không biết có đúng không nhưng năm nào ngày đầu có tuyết tôi cũng múc hai tô tuyết trộn với đường để cho hai đứa con tôi ăn với ước mong hai đứa khỏi bệnh vào mùa Đông. Tôi như vẫn còn nghe  tiếng cười khúc khích, đầy thích thú với khuôn mặt láu lỉnh của Huy Đạt, đứa con trai đầu và khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương của con gái kế Thanh Trúc. Hai thiên thần bé nhỏ của tôi khi ăn tuyết hay luôn miệng khen: “Yum, yum, delicious !” Thấy tôi nhăn mặt hai đứa vội sửa: “Ngon, ngon, ngon quá má ơi ! “ ( hai đứa bị cấm nói tiếng Anh ở nhà). Mới đó mà hai cháu đã thành nhân. Huy Đạt có gia đình đã dọn ra riêng. Thanh Trúc tốt nghiệp Sư phạm và đã đi làm…
Những năm đầu xa quê hương, mỗi lần Đông về, tuyết rơi là tôi lại buồn, khóc vì da diết nhớ quê hương, gia đình và bạn bè …
Năm nay thì không còn thấy tủi buồn mà thấy lòng vui, ấm áp chi lạ. Vì sao các bạn có biết không ? Vì bây giờ tôi đã liên lạc được các bạn bè cũ ở SPQN. Thu đi, Đông về, thời gian qua mau có nghĩa là ngày hẹn họp mặt Lớp nhị sáu , khóa 11 của chúng tôi đã thu ngắn.
“Đừng thấy một mái nhà có tuyết phủ mà tưởng bên trong thiếu lò sưởi”
Vâng, bên ngoài nhà tôi tuyết phủ đầy nhưng bên trong ấm áp lắm các bạn ơi ! Ngoài cái máy sưởi gas toàn nhà mở 24/24 vào mùa Đông và lò sưởi đốt bằng củi mở thêm khi cần có không khí lãng mạn…tôi còn có một gia đình hạnh phúc mới hai đứa con ngoan và bạn bè rất đông trên 53 người.
Trời hôm nay, ở đây lạnh dưới 10 độ âm, đang bệnh mà tôi thấy lòng ấm áp và như khỏe lại vì nhận được mấy cái email của các bạn nhị sáu:
“ Chúc mừng bạn nhé Diệu Phương
Xuân về hạnh phúc dặm đường quê xa
Rập rờn bướm nở màu hoa
Nghe trong khoảng lặng lòng ta bồi hồi…’’(B.V.T.)
Vậy là một năm cũ đã qua, năm mới lại về. Mới hôm Giáng Sinh không có một hạt tuyết. Dân Canada ở Tổ Rồng To ( Toronto ) đã lo lắng kháo nhau, năm nay “Green Christmas” chắc không may như những năm có “White Christmas” rồi (Giáng sinh xanh, ý họ nói chỉ thấy cỏ và thông xanh ?). Vậy mà vài ngày sau, ngày đầu của năm mới 2013 chúng tôi đã có “ White New Year” Mình sẽ có một năm hên rồi !
Hôm Giáng sinh H.T cũng gọi điện thoại chúc Noel và nói tôi “nhõng nhẻo” với ông xã (người ta bệnh gần chết mà H.T và Dzung nói tôi nhõng nhẻo ) Bạn đã an ủi tôi với những lời lẽ rất chân tình…
Một email đầu năm khác cũng gởi tới:
“Phương ơi ! Đừng bi quan, cố gắng uống thuốc, nhớ giữ gìn sức khỏe.
Các bạn lớp 6 khóa 11 rất quí mến bạn, còn riêng mình rất yêu quí Phương…
(R. send from my ipad)
Hơn tháng nay bệnh cảm cúm của tôi cứ dây dưa hoài không hết. Hôm Noel ham vui, đến nhà con trai mở quà, về nhà bệnh nặng hơn, làm tôi trở nên bi quan, cho nên khi nhận được các email của bạn bè, tôi thấy thật là ấm lòng .
“Món quà lớn nhất của Thượng đế tặng cho con người là Tình bạn. Một Tình bạn thân thiết, dịu dàng sẽ xoa dịu cho ta nhiều nỗi lo buồn, đau khổ hay nhọc nhằn trong cuộc sống, trong tình trường” phải không các bạn ?
“Trong những hạnh phúc lớn nhất của đời sống là Tình bạn , và trong những hạnh phúc lớn của Tình bạn là có một người để gởi gắm một bí mật, một tâm tư “. (Manzôni)
“Many people will walk in and out of your life, but only true friends will leave footprints in your heart.”
Những câu nói về tình bạn trên của ai đó thật là chí lý !
Cám ơn B.V.T, cám ơn Ren, cám ơn H.T và các bạn !
Với tôi, ngoài tình quê hương, tình mẹ cha, tình con cái, tình yêu đôi lứa…Tôi nghĩ, Tình bạn cũng không kém phần quan trọng trong cuộc đời mình.
Đêm giao thừa, khu Etobicoke của tôi thật yên tĩnh, không nghe tiếng pháo nổ hay thấy mọi người ôm hôn nhau chúc Tết như ở City Hall (Tòa đô chính) hoặc đường lớn như Bloor .Cả nhà đã đi ngủ chỉ còn mình tôi thao thức. Năm nay bệnh nhiều tôi không thiết gì và cũng không còn sức để trang hoàng nhà cửa hay làm cây Noel sau những ngày mệt mỏi ráng sức đi làm... Giờ này, mọi năm nếu không qua New York sum họp Giáng sinh,Tết với Má và 10 anh em thì gia đình tôi đang ở nhà một người bạn nào đó ồn ào trò chuyện, ăn uống chờ “Countdown “ cho Năm Mới và xem văn nghệ, pháo bông toàn thế giới…
Sau tấm màn voan của phòng khách rộng, Ông xã tôi giăng một dây đèn điện dài xếp theo hình con bướm cho nhà có sinh khí, cho ra Tết, anh nói. Những ánh đèn nhiều màu sắc nhấp nháy sau tấm màn voan trông tuyệt đẹp như tấm thảm được dát ngọc minh châu. Tôi cũng đã thấy một bức tranh còn đẹp hơn nữa. Đó là lần đầu tiên thấy được cảnh đèn đêm ở  Hồng Kong khi ngồi trên chiếc thuyền vượt biển cập bến vào Tháng 10 năm 1978. Ngày kỷ niệm đại gia đình tôi đến được bến bờ tự do, cũng là ngày tôi thực sự xa quê hương, xa vĩnh viễn người cha già kính yêu và bạn bè…
Không biết từ lúc nào tôi có thói quen check email nhiều lần mỗi ngày: sáng, trưa, chiều, tối hay bất cứ lúc nào tôi rảnh ? Hình như sau khi tôi quen Anh Thơ, Kim Khánh trong phôn rồi hẹn đi Houston, Texas dự ” Đại hội 15 năm nhìn lại “, ngày họp mặt của cựu học sinh hai trường Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn ?
À, mà không, từ khi tôi liên lạc được với Ren và các bạn cùng Lớp ở Sư Phạm Qui Nhơn thì đúng hơn.
Tôi còn nhớ hôm ấy vào một ngày nắng đẹp đầu Tháng 7 năm rồi (2012) ở Toronto . Tôi nhấc phôn về VN, gọi một số phôn mới và hồi hộp chờ người bạn cũ xa cách hơn 38 năm trả lời :
“ A lô, xin lỗi có Ren ở nhà không ? Cho tôi nói chuyện với Ren”.
Một giọng Huế dễ thương trả lời :“ Vâng, Ren đây, ai đọ ? “
Tôi mừng run, mỉm cười một mình đáp: “Đoán thử xem ai đây Ren ?”
Sợ bạn không đoán được tôi gợi ý: “Một người ở xa, một bạn cũ cùng học Sư Phạm với Ren ngày xưa “
Câu trả lời như tiếng reo vui :“Ạ, Hàn Diệu Phương phải không ?”
Tôi thật ngạc nhiên không biết tại sao “ Chuông Nhỏ “ (nick name chúng tôi gọi Ren) lại nhớ và nhận ra tôi tài quá vậy ? Sau đó hỏi ra mới biết một người bạn cũ cùng học ở Nữ Trung Học QN là Kim Loan kể cho Chuông Nhỏ nghe đã gặp tôi ở Houston, Texas và cũng chính Kim Loan cho số phôn của Ren để tôi mới có cơ hội liên lạc với bạn …
Mừng quá ! chúng tôi ríu rít thăm hỏi, tha hồ tâm sự ,nhắc lại chuyện xưa thuở cùng học trường SPQN (1972 -1974).
Những ngày tiếp theo, cứ khi nào rảnh tôi lần lượt phôn thêm các bạn cùng lớp khác, ít nhất cũng hơn ba chục bạn. Những câu đối thoại đầu của chúng tôi cũng tương tự nhưng không ai đoán được ra tôi trừ Chuông Nhỏ …
Mỗi lần được nói chuyện với một người bạn – hoài niệm lại những kỷ niệm xưa tôi thấy mình như trẻ lại và vui không sao tả được. Tôi vui theo hoàn cảnh của mỗi bạn và cũng buồn theo những lận đận, khốn khó của mỗi bạn…
Không ngờ bây giờ các bạn của tôi nhiều người rất thành danh, khá giả như trưởng lớp Đào văn Tuấn làm chủ một công ty lớn. Quảng Đình Tú là một doanh nhân lớn có cả những hãng xưởng điện tử, bóng đèn… Nguyễn văn Thái làm Tỉnh ủy, Huỳnh Ngọc Tượng thành một Nhạc sĩ với những bài ca nổi tiếng được nhiều người biết đến. Anh hiện làm chủ nhà hát lớn ở Pleiku. Vương Hữu Thành làm Trưởng phòng nông nghiệp ở Đác Lắc. Huỳnh Văn Triên, Nguyễn Thu Tịnh làm ở Bộ Giáo Dục. Nhiều bạn khác làm Hiệu trưởng như Võ Thủ Tịnh, Bùi Văn Tạo, nhà thơ đồng quê làm Hiệu trưởng ở một trường ở Quảng Ngãi. Hiền Tuấn chàng giáo sinh hiền lành , búng ra sửa (nhỏ nhất lớp) nay thành phó Hiệu trưởng một trường lớn và bây giờ văn thơ đầy mình…Trần Đình Tín chủ tiệm vàng với thu nhập khá ổn định còn kiêm luôn giữ quỹ Tương tế lớp, Vậy mà lo giữ tiền quỹ cẩn thận còn hơn giữ tiền nhà. Trần Văn Thanh trở thành một kỹ sư giỏi bên Mỹ…Và rất nhiều những bạn khác trở thành những Giáo sư, Giáo viên dạy giỏi v. v…Tôi rất hãnh diện và cảm phục các bạn !
Ngoài công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, chúng tôi có được một nhân cách tốt, kiến thức cao, thành danh trên đời ngày hôm nay là nhờ Quí Thầy Cô từ Tiểu học, Trung học, Đại học và Sư Phạm Qui Nhơn đã tận tâm dạy dỗ chúng tôi… Chúng con xin ghi lòng tạc dạ công ơn của Quí Thầy Cô và kính chúc Quí Thầy Cô luôn dồi dào sức khỏe, thân tâm an lạc. Những lời dạy tâm huyết, thâm sâu của thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫn trong đêm mãn khóa năm 1974 là hành trang quí báu con mang theo trên cuộc đời xa xứ và đã áp dụng trong gần 30 dạy học ở quê nhà và hải ngoại… Con xin hẹn tâm sự với Quí Thầy Cô nhiều hơn trong bài : “Tình Thầy Trò”.
Bên cạnh nỗi vui và hãnh diện về các bạn thành đạt, giàu sang tôi cũng xin chia xẻ nỗi buồn vì cũng còn một số bạn cuộc sống vẫn còn khó khăn. Tôi chúc các bạn ấy một Năm mới 2013 sức khỏe dồi dào, hạnh phúc hơn, bớt khổ hơn và mọi sự may mắn , tốt đẹp, thành đạt hơn những năm qua…
Cứ mỗi ngày, gọi phôn và điện thư nói chuyện với các bạn, những kỷ niệm xưa lại hiện về. Tôi thấy thật vui khi hồi tưởng lại những sinh hoạt với Lớp, như cùng các bạn học ở giảng đường, dạy mẫu, cọng tác với bạn khi thuyết trình về khoa học. Những buổi đọc sách, tham khảo bài vở ở thư viện. Những lần đi cộng đồng cùng chia xẻ những quả xoài xanh khi đi qua những ruộng lúa thơm mùi quê hương với một bạn nam cùng lớp.
“Phương còn có nhớ mùa Xuân trước ?
Đường quê hương lúa nắng bên sông
Xoài xanh chia nửa từ dạo ấy
Xa người khắc khoải nỗi chờ mong “…
Những lần sinh hoạt, ca hát với các bạn ở Tu viện Nguyên Thiều, Qui Hòa, Cù Lao Xanh v. v…Nói đến Cù lao xanh lại thương Hiền Tuấn vì nghèo bụng đói, ham bơi mà suýt chết đuối ở đảo…
Những chiều cuối tuần các bạn Lệ Thu, Tỏi đến nhà tôi ngủ và mấy cô nhỏ thức suốt đêm tâm sự, kể cho nhau nghe về các cây si hay mối tình của mình. Có lần nửa đêm tôi hát một câu trong bài “Căn nhà ngoại ô” mà các bạn cười hoài:
“ Những đêm thức giấc ngỡ ngàng, nghe lòng thương nhợ biết rằng mình yêu “.
Hôm tôi phôn về Tỏi và Lệ Thu mừng quá đỗi. Tôi nhắc hai bạn về họp mặt Tháng 7/2013 Lệ Thu nói : “ Sao lâu quá vậy ? Tháng sau gặp nhau được không ?” Tôi cũng nôn như Thu vậy. Ước gì có đôi cánh tôi sẽ bay về liền chứ không cần đợi tháng sau hay tháng 7. Tiếc thay, tôi không có đôi cánh và bây giờ đang ở cách xa quê mẹ ngàn trùng…
Mỗi lần các bạn giáo sinh SPQN đến ở chơi Má thường giúp tôi làm bớt việc nhà để tôi và các bạn gái có thể đi hóng gió biển , đi dạo phố hay đi cine , ăn chè …
Những buổi tan trường cùng về với Sen nghe Sen đọc bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan :
Nàng có ba người anh đi bộ đội…”
Hoặc “Hai sắc hoa ti gôn”của TTKH một bài thơ mà thời đó các cô bé mê thơ như chúng tôi rất thích :
“Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn…”
Sen là người bạn học mà tôi thương mến nhất lớp lúc học Sư Phạm. Sen có mái tóc dài, đôi mắt to tròn với lông mi cong vút. Tính bạn rất dễ thương và chìu bạn bè, ăn nói tế nhị. Có lần Sen đến nhà tôi chơi thấy phòng tôi bề bộn Sen nói : “Phương sống nghệ sĩ ghê há ! “Tính tôi hay quên , Sen nói : “Thiên tài hay đãng trí ! “ Sen và Mẹ Sen thường khen đôi bàn tay “tháp bút” và đôi gót chân son của tôi . Bác ấy nói : “Con nhỏ có tướng sang chắc sau này sung sướng ! ” Bác có ngờ đâu từ khi xuất ngoại tôi “cày” như trâu…
Ngoài Sen ra tôi cũng chơi thân với Lệ Thu, Tỏi, Hoàng Phượng, Phượng là cô dâu của Nhị sáu trong vũ khúc “Miếng trầu duyên“ của lớp, lúc đó tôi cũng có tham gia. Lần đó lớp tham gia dự thi Văn nghệ ở trường và được hạng nhất. Hoàng Phượng có nước da trắng trẻo, khuôn mặt ưa nhìn đã làm bao nhiêu chàng giáo sinh ngơ ngẩn. Thế rồi “cô ấy theo chồng bỏ cuộc chơi”.
Lớp tôi còn có Hoài Thanh, cô bạn có dáng sang và đôi mắt rất buồn. Bạn có hôn phu là một sĩ quan Phi công như tôi nhưng Thanh ít may mắn hơn là người ấy đã vĩnh viễn ra đi trong một công vụ… Nên từ đó, đôi mắt bạn tôi đã buồn lại càng buồn hơn. Tôi biết cuộc tình buồn của H.Thanh và biết bạn vẫn thường hay đi thăm mộ chàng nhưng không bao giờ dám hỏi vì sợ chạm đến nỗi đau của bạn. Từ khi liên lạc lại với nhau, H.Thanh thường phôn và email cho tôi nhiều nhất. Bạn vẫn nhiệt tình và ngọt ngào, tốt bụng với bạn bè như xưa. Hoài Thanh ơi ! Nhớ Thanh và thèm được ăn đậu phọng da cá bạn đã làm cho lớp ăn khi xưa lắm !
Vĩnh Phước thường gởi điện thư với tôi đều từ khi liên lạc lại .Bạn ấy có chung một kỷ niệm khó quên trong một dịp chúng tôi đi “ Ủy lạo chiến sĩ “ ở Pleiku …
Tâm Thanh cô bạn người Huế tốt bụng, lí lắc, có nụ cười xinh, cũng là “bà mai” trong hoạt cảnh Miếng Trầu Duyên của lớp. Nghe bạn Võ Sao Tây kể ,Tâm Thanh là ân nhân của bạn ấy trên đường di tản năm 75 về lại quê nhà.
Cám ơn Ren, cám ơn H. Thanh, Vĩnh Phước, Triên, Tự Tín, Tịnh Võ , Hiền Tuấn, Tín, Tạo… lâu nay và hơn tháng nay thường xuyên email thăm hỏi, an ủi tôi khi tôi bệnh…Cám ơn V.T với bài “Thu Nhớ “, P.V Tấn đã thảo một kế hoạch chu đáo, đặc sắc cho ngày họp mặt và đã cảm tác bài “ Thu cảm” của tôi và tặng lại bài “Cảm Thu”.
Tôi quí mến tất cả các bạn nữ trong lớp. Phải tự hào mà nói 11 bạn nữ trong lớp Nhị sáu của chúng tôi ai cũng thân thiện, dịu dàng và chơi với nhau rất là hòa nhã … Đã gần 40 năm xa nhau tôi không hình dung ra khuôn mặt của tất cả những bạn nam trong lớp nhưng về các bạn nữ thì tôi nhớ khá rõ . Xin tặng các bạn nữ thân thương của lớp tôi một bài thơ ngắn. Những câu trong bài thơ sau đây ít nhiều đã nói lên được cá tính hay kỷ niệm xưa cùng tôi chung học:
THẬP NHẤT THƯƠNG
Nhất thương ai cũng ngợi khen,
Văn hay, hát giỏi nàng Ren ấy mà.
Nhị thương Vĩnh Phước hài hòa,
Vui buồn cũng thế chỉ là cười thôi.
Tam thương Ánh Tuyết yêu đời,
Xinh xinh, xắn xắn dáng người thon thon.
Tứ thương nàng Tỏi tròn tròn,
Yêu đương rộ nở, tình vương vơi đầy.
Ngũ thương liễu rũ tóc mây,
Lệ Thu hiền thục, dáng gầy thương thương.
Lục thương sen trắng, Sen hường,
Thi thơ đầy bụng, văn chương đầy mình.
Thất thương tình lại trói tình,
Diệu Phương trăng trắng, xinh xinh, nõn nà.
Bát thương nhớ tiếng người xa…
Hoài Thanh lắm nỗi phong ba giữa đời.
Cửu thương trà chúc, rượu mời,
Tâm Thanh miệng lưỡi, ngọt lời mối mai.
Thập thương Hoàng Phượng trên ngai,
Hoàng cung cùng bạn khảy bài “ Tiếng xưa”.
Dư thương càng ngắm càng ưa,(*)
Nàng Phúc xinh đẹp lại vừa hiền ngoan.
Ai về xứ Nẫu có còn…
Vương vương, vấn vấn “thập nhất” thương chăng là ?...
( * Dư – thứ dư – đứa con thứ 11 )
Như một phép lạ trong vòng mấy tháng chúng tôi đã liên lạc được với nhau 53 người. Trừ 4 bạn đã đi về Thiên quốc như Duy Trinh, Kim Tín , Đình Tuấn , Ngọc Thuyết .
Nói là một phép lạ cũng chưa đúng hẳn mà một phần chính là nhờ “Chuông nhỏ” đã gióng chuông hô hào, các bạn mỗi người một tay dò tìm các bạn khắp nơi từ quê nhà đến hải ngoại. Chuông nhỏ đã ra thông báo số 1, số 2 , 3, 4 , 5 ,6 rồi số 7 để chuẩn bị ngày họp mặt 39 năm, khuyến khích các bạn viết bài để làm cuốn kỷ yếu , báo cáo số bạn tìm được, đóng góp quỹ tương trợ Lớp vân vân và v.v…
Tội nghiệp Chuông nhỏ, cô bạn đa tài ,nhiệt tình, tốt bụng của lớp tôi ! Hát hay, giỏi văn chương nên cô nàng kiêm luôn làm chủ nhiệm và chủ bút, sửa bài dùm cho một số các bạn, mỗi lần các bạn cho ra đời một “ Đứa con tinh thần “.
Hi. hi. hi !...dở như tôi thì đâu có ai làm phiền phải không Ren và các bạn ?
Công lao tìm bạn lớn nhất phải nói là Huỳnh Kim Thạch, cô dâu nhị sáu dễ thương Phú Vang, Trần Trọng Thái, Trần Đình Tín, Nguyễn Sĩ Tạo, Huỳnh Văn Triên, Lê Tự Tín, Hiền Tuấn … Các bạn không ngại khó khổ băng rừng , vượt suối , đói khát nhiều ngày trên đường tìm bạn. Phú Vang, hiền thê của Kim Thạch phải phôn hàng trăm cú phôn để truy tìm địa chỉ mỗi bạn. Bạn ấy còn mang máy ảnh cùng chồng đi tới nhà những bạn nào chưa có hình để chụp cho đủ dung nhan trong cuốn kỷ yếu . Hoan hô Phú Vang ! Hoan hô các bạn đã góp công cho lớp Nhị sáu để ngày về trọn vẹn niềm vui !
Cám ơn Anh Thơ ,Thiệu Tuyết, Kim Khánh, Anh Hai, Dzung , Lê Huy- Kim Loan và các em học trò cũ của cô: Tina, Bonnie, Phát đã thường xuyên sưu tầm, gởi nhiều bài hát, bài thơ đầy ý nghĩa, tin tức hay, lạ cho tôi mỗi ngày. Đặt biệt là cám ơn Thơ, Khánh ở Houston, chưa một lần gặp mặt mà dám mời P đến ở nhà, dẫn đi chơi, đãi ăn…Anh Thơ là người chịu khó nhất mỗi ngày sưu tầm gởi hàng mười, hai chục email…Tôi đã học hỏi được rất nhiều điều về tình bạn, tình thầy trò . Kiến thức tôi mỗi ngày một tăng tiến từ ngày được quen biết với các bạn, liên lạc với các bạn. Tôi rất trân quý những tình cảm, những ưu ái mà các bạn đã dành cho tôi trước kia và bây giờ…
Bên ngoài tuyết tỏa sáng khắp mọi nơi như có lân tinh hay như có ánh trăng. Những ánh đèn màu Noel, Tết giăng đầy xung quanh nhà của những người hàng xóm vẫn tiếp tục nhấp nháy, như reo vui nói : Happy New Year ! Chúc Mừng Năm Mới ! Chúc mừng tình bạn của chúng ta đã nối kết sau gần bốn thập niên…
Tuyết vẫn rơi, lạnh lẽo và rét buốt, riêng tôi thấy ấm áp vì được sưởi bằng tình bạn...
Cầu chúc các bạn luôn sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều niềm vui trong tuổi già !
Mong thời gian qua mau để “ngày về” tôi được gặp mặt đông đủ các bạn. Mong TÌNH BẠN của chúng ta mãi mãi tồn tại với thời gian:
Tình yêu có thể mất nhưng tình bạn của chúng ta sẽ không bao giờ mất phải không các bạn Nhị sáu khóa 11 SPQN ?
Ngày đầu năm 2013
Hàn Diệu Phương

Gởi tặng các bạn vài tấm hình HDP chụp với mùa đông Canada:


 

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...