Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

THƯƠNG NHỚ TRƯỜNG XƯA

.




                                         








      Tôi đến trường Sư Phạm Qui Nhơn vào một buổi chiều thu nắng nhạt. Ôi chao ơi ! Trường tôi học đây sao . Ngôi trường với lối kiến trúc tân thời , hiện đại vừa hoành tráng vừa uy nghiêm . Phong cảnh trường thật hữu tình và thơ mộng với non xanh , nước biếc. Đẹp như một bức tranh.
      Hành trang vào trường của tôi là một chiếc va li đơn sơ . Trong đó có ít tiền , vài bộ quần áo , sách vở và bút mực . Rồi cứ thế.... Tôi , cô giáo sinh nho nhỏ , tóc bím , cài nơ từng bước , từng bước một đi qua hai năm học dưới mái trường Sư Phạm với biết bao kỷ niệm vui buồn , êm ái , thân thương
Nhớ trường xưa Sư Phạm là tôi nhớ lại một thời áo trắng . Thời giáo sinh trong sáng , hồn nhiên , thời của nhiều mơ , nhiều mộng. Một thời đầy ắp tình thầy cô , bạn bè cùng những vui , buồn sách vở hay những mối tình lãng đãng thơ ngây. 
Kìa là chiếc huy hiệu và cái bảng tên nho nhỏ , xinh xinh mà lần đầu tiên tôi cài trên áo dài trắng khi tôi đi học làm cô giáo. Lòng tôi thật rộn ràng và phấn khởi , tay tôi cứ mân mê hoài , nhìn chúng sao đáng yêu chi lạ . Hàng ngày chúng theo tôi đi học ngang qua một hành lang rộng và dài , nối liền nội trú với lớp học và giảng đường. Hành lang là nơi đã từng in hằn bao bước chân của các nam , nữ giáo sinh với tiếng nói , tiếng cười giòn giã .
Phía ngoài hành lang là sân trường với lá quốc kỳ tung bay phất phới , với những hàng dương rũ bóng hai bên lề đường. Phía trong hành lang là một công viên nho nhỏ toàn hoa sứ , hoa giấy đủ màu xanh tươi trông rất nên thơ , u nhã. Mỗi khi chiều về khi ánh tà dương đã khuất từ phía núi xa xa. Tôi và các bạn , từng nhóm dạo bước trong sân trường , trong công viên với tiếng chim ríu rít , tiếng sóng biển rì rào , tiếng thông reo vi vu với gió mát , hương hoa mà lòng thật nhẹ nhàng , thơ thới. Và chốn ni cũng là nơi đã ghi dấu biết bao nhiêu hình ảnh của một thời giáo sinh hoa mộng .
Nhớ trường xưa Sư Phạm là tôi nhớ nội trú. Nội trú đông đúc cả mấy trăm nữ giáo sinh , nhưng chúng tôi luôn thương yêu , đùm bọc , giúp đở nhau từ đi học , đi ăn hay đi bát phố 
Sau chín giờ tối là nội trú cúp điện , những ánh đèn dầu le lói , lấp lánh , lung linh . Nhiều chị chụm lại trên giường xem thư , đan thêu , rầm rì to nhỏ.... Còn tôi thì cuộn tròn trong mền thiu thiu ngủ 
Nhốn nháo nhất là những ngày nội trú bị cúp nước , tôi và các bạn phải ôm thau qua tận giếng nước dưới những hàng thông gần trường Kỷ Thuật để lấy nước dùng. Bất tiện là thế , nhưng chúng tôi vẫn chạy nhảy , cười đùa vô tư.
      Chủ nhật nào tôi cũng đi dạo phố , dạo biển có ai nói chi mô . Không biết răng hôm đó ba chị trong phòng 315 A của tôi thêm một chị từ phòng khác tới , bốn chị chụm lại nói chuyện trên giường của chị Ngân , thấy tôi bước ra cửa có chị la lên
--- Con nhỏ kia , chủ nhật mô mi cũng đi , coi chừng con thằn lằn bò vô bụng mi đó !
Rồi họ cười ròn rã . Tôi bước ra khỏi cửa vẫn còn nghe tiếng cười vọng theo , tôi vừa đi vừa ngẫm nghĩ
--- Thằn lằn là loài bò sát , nó chỉ bò trên tường , trên trần nhà răng có thể bò vô bụng mình được hỉ ? 
Tức quá tôi quanh lại hỏi cho ra mới được Tôi mở cửa bước vào , mấy chị nhìn tôi
--- Sao mi chưa đi , không sợ trể giờ à 
--- Trể thì trể nhưng Phương muốn biết tại sao con thằn lằn lại bò vô được bụng Phương , trong khi con thằn lằn thì bò trên tường
Bốn người cười vang , Chị Ngân vỗ vai tôi
--- Trêu chọc Phương tí thôi mà . Phải con thằn lằn chỉ bò trên tường thôi. Phương đi dạo vui , nhớ chiều về sớm nghe .
Gần tới ngày nộp tranh vẽ chân dung cho thầy Phan Thâm , tôi lon ton chạy nhờ anh Trương Đê , anh ấy hứa sẽ có tranh vẽ cho tôi. Chiều chủ nhật anh Trương Đê hẹn tôi lên phòng học đưa tranh. Khi tôi về nội trú mấy chị dành xem , ai cũng ồ lên
--- Ôi ! Đẹp quá !
Đẹp vì đó là tranh vẽ tôi với hai bím tóc xinh xinh , cài nơ thật là đẹp . Mấy chị khều tôi
--- Mi nộp cho thầy Thâm để lấy điểm sao ?
--- Nếu là tau , tau thà chịu con Zero , tau cất để làm kỷ nệm !
Nhưng tôi vẫn đi nộp cho thầy Phan Thâm lấy điểm. Thế rồi tôi bị một phen xỉa xói
--- Mi đúng rặt là con nít
--- Hèn chi ai cũng gọi mi là Babilac .
Nhớ nội trú là tôi nhớ chị Đào lớp nhị 3 . Tôi thấy bụng chị to lắm , tôi hỏi thì chị Đào nói
--- Chị bị bệnh trương nước
Tôi rờ , rờ cái bụng to của chị , tôi chặc lưỡi
--- To vầy chị Đào đau lắm hỉ ?
Tôi thấy chị cười nhưng điệu cười nhìn sao , sao ấy . Cho đến một buổi tối. Cả nội trú nữ ầm ầm là có người sinh con trong phòng tắm . Mắt nhắm. mắt mở ai cũng chạy ra khỏi phòng Tới giờ đó tôi mới biết cái bụng trương nước mà chị Đào nói với tôi là cái bụng bầu trời ạ !
      Và tôi cũng chưa quên chuyện ăn lấy hương , lấy hoa . Chuyện như ri . Tôi đi chợ thấy người ta bán xoài cát , trái mô , trái nấy tròn vo , vàng ươm , chín mọng . Tôi nghĩ ngon rứa , chắc mắc lắm ! Nhẫm lại túi tiền , thế là tôi về nội trú thảo một tâm thư gởi nhanh về Đà Nẵng. Vài hôm sau tôi nhận Măng - Đa. Trước tiên tôi đi ăn phở , ăn chè. Sau là tôi đi chợ mua xoài . Và tôi đã đau bụng ! Tôi hành mấy chị bạn phòng 315 A của tôi , một chị mắng yêu tôi
--- Người ta ăn lấy hương , lấy hoa. Ai như mi ăn cho cố vô , Kinh chưa hỉ ?
      Lắm khi nhớ lại những kỷ niệm xưa , tôi lại cười vu vơ . Cười cho sự ngây ngô , thuần khiết của tôi thuở ấy Hai năm nội trú là thời gian vui nhất , yêu dấu nhất mà tôi luôn trân quí !
Nhớ trường xưa là tôi nhớ các thầy cô và bạn bè . Khi tôi mới vào học nhất niên . Mỗi lần thuyết trình tôi rất nhút nhát , nhưng thầy Đinh Thành Bài không la rầy mà nhìn tôi rất chân ái . Và từ ánh mắt thầy , tôi đã từ từ mạnh dạn lên. Dạ con xin cảm ơn thầy .
Tôi rất thích những giờ học cộng đồng thật sôi nổi và hào hứng của thầy Đặng Văn Bồn . Lúc tôi thi vấn đáp thầy Bồn đã hỏi tôi câu 
--- Tại sao em muốn làm cô giáo ?
Tôi đậu vấn đáp chắc nhờ câu hỏi ni quá . Vì tôi đã yêu thích làm cô giáo từ thuở tóc còn bum bê lận ! 
Đã bao năm lời thầy Nguyễn Văn Tôn vẫn còn vang vọng . 
--- Tôi thấy có người nên đi về nhà. Hai năm nữa trưởng thành hãy vào học Sư Phạm 
Hôm ấy là ngày đầu tiên hoc giờ thầy , tôi đã giật thót mình và hình như bao cặp mắt đang hướng về tôi. 
Tôi ngồi bàn nhất , đối diện với bàn thầy cô nên chụp ảnh kiểu chi cũng dính mặt tôi . Những tấm ảnh một thời giáo sinh hoa mơ thật là đẹp , thật là rạng rỡ và xinh tươi quá chừng ! Thầy Lê Văn Toản nói số tôi sung sướng lắm cả một đời luôn . Dạ thầy đoán đúng thật là đúng thầy ơi !
Tôi nhớ cô Nguyễn Thị Kim Hưng , giáo sư cố vấn lớp tôi . Mỗi lần đi thực tập cô luôn cho tôi điểm thấp nhất , dầu tiết dạy của tôi có hay tới đâu. Nếu không có chị Đỗ Thị Oanh phản ảnh , chắc tôi khỏi ra trường luôn. Và đến tận bây giờ trong đầu tôi vẫn là một dấu hỏi ?
Còn thầy Đinh Kim nữa , cứ thấy tôi là thầy bảo tôi về ăn nhiều muối vô
Thầy Kim có một biệt danh mà tôi theo chị Hoa Khôi hỏi miết mà chị không trả lời , sau này tôi hỏi anh Lê Xưỡng , anh ấy viết vào tấm giấy và tôi đoc.... thật là mắc cở quá đi thôi !
Nhắc đến anh Lê Xưỡng , tôi lại nhớ tới anh Trương Đê , anh Đào Văn Chơi , anh Nguyễn Văn Châu. Cảm ơn tâm ý của mấy anh với thân tình Sư Phạm. Và tình thân thương ấy vẫn như sóng biển Qui Nhơn rì rào theo năm tháng .
Mùa hè năm 1990 , trước khi lên đường viễn xứ , tôi đã trở lại trường xưa Sư Phạm và lòng những ngậm ngùi . 
Ngày trở lại Phương không còn thắt bím
Và trường xưa nay đã đổi thay rồi
      Bụi thời gian đã phủ dày theo năm tháng và dòng đời với biết bao thăng trầm thay đổi nhưng tôi vẫn luôn nhớ thời áo trắng ,thời giáo sinh hồn nhiên . Một quãng đời hoa mộng dấu yêu cho dù bao mùa Xuân , mùa Hạ , mùa Thu , mùa Đông đã trôi đi .... trôi đi....
                             Trường xưa thương nhớ ơi !!!
                             ( DC 28 / 9 / 2017 ) -- Đặng Nam Phương

Thương tiếc bạn Nguyễn Thị Vĩnh- Bài của Trần Thị Diệu Minh Khóa 4 SPQN

.



                                                   







Thương tiếc 
bạn Nguyễn Thị Vĩnh,
Người bạn cùng K4 SPQN niên khóa 65-67

Alo! Thu Cúc ha? Từ bên kia đầu giây, giọng Cúc run run đầy xúc động:
“Minh ơi Vĩnh mất rồi, đêm qua sau bửa cơm chiều cùng chồng. Anh Quyền
và gia đình vừa báo tin cho bạn bè.
-Sao Vĩnh ra đi rồi sao? Đã vội vã ra đi rồi sao?
Tôi bàng hoàng sửng sốt quá, có lẽ nào, có lẽ nào? Mới hôm nào đây, ngày Chủ Nhật trước hôm đi mổ tim, mình và Vĩnh đã nói chuyện cùng nhau vui vẻ lắm mà!
Thấy Vĩnh nói chuyện với một giọng trong trẻo lắm mà, thấy Vĩnh vẫn lạc quan yêu đời. Mình rất yên tâm và tin tưởng, nhất là tin vào nền y khoa tân tiến và tiện nghi của nước Mỹ, mình tin vào bác sĩ giỏi, thầy thuốc hay. Nhưng rồi tại sao hôm
nay các bạn cựu giáo sinh Sư Phạm Quy Nhơn lại tề tựu về đây để tiễn biệt Vĩnh lần cuối hả Vĩnh?
Sự thật quá phủ phàng Vĩnh ơi! Trong niềm đau xót tận cùng và thương tiếc ngậm ngùi, từ Nam Cali Diệu Minh và Thu Cúc cùng lớp với Vĩnh đây và tất cả chị em bạn cùng trường đã ngậm ngùi nhớ thương Vĩnh vô vàng.
Hôm nay ngày 13 tháng 12 năm 2013, ngày lễ tang của bạn Vĩnh. Lời nói đầu tiên 
của chúng tôi, các cựu giáo sinh SPQN cùng các đồng môn K4 ở khắp nơi xin gởi
đến Anh Quyền, các cháu cùng tang gia lời chia buồn sâu xa tha thiết, ngậm ngùi nhất của chúng tôi và xin nguyện cầu hương linh Tâm Huệ sớm tiêu diêu miền cực
lạc. Sự ra đi đột ngột của chị Vĩnh là một mất mát quá lớn với gia đình, bạn bè cùng người thân và cả của chúng tôi nữa.
Xin quý vị cho phép tôi được nói đôi lời với bạn tôi, được tạ từ bạn Vĩnh thân yêu của tôi lần cuối. Bạn Vĩnh thương yêu ơi! Hôm nay bọn mình đến với Vĩnh nè! Về đây để tiễn đưa vĩnh lần cuối sao? Cali đã bắt đầu vào đông chưa mà trời lạnh quá! Nhìn thấy bạn nằm đó còn lạnh lùng với bọn mình hơn mỗi lần gặp mặt trước đây. Chung quanh bạn đầy hoa thơm tươi đẹp, bạn cũng vậy vẫn tươi tắn nằm an nhiên bình thản, càng làm mình đau đớn chua xót quá! Sao bạn nở bỏ ra đi vội vàng thế, giữa lúc bạn đang có một hạnh phúc êm đềm nhất, mà Thượng Đế đã đặt dành cho
bạn bên người chồng yêu thương vợ hết long và con cái đã trưởng thành, các cháu nội ngoan ngõan dễ thương và bà con bạn bè đều quý mến Vĩnh. Quanh đây mắt ai cũng đỏ hoe nhưng đều là Phật tử, cũng đều ngầm bảo nhau phải kiềm nén nỗi đau thương, tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt nước mắt tưởng thành giòng phải chảy ngược về tim, để Vĩnh có được giấc ngủ bình an thảnh thơi, không vướng bận hồng trần để sớm siêu sanh miền Phật Quốc. Mà đâu có cần vướng bận với cỏi trần này
nữa làm gì đâu Vĩnh.
71 năm cuộc đời buồn nhiều hơn vui, với ý chí và nghị lực nhiều hy sinh chịu đựng
cùng luôn đầy bao dung tha thứ: Vĩnh đã cố vượt qua tất cả để hoàn thành trách nhiệm một cách tốt đẹp. Vai trò làm người: Là con hiếu thảo, làm vợ chu toàn,
nuôi con trưởng thành khôn lớn. Và bây giờ đối với mọi người xung quanh ở bất
cứ nơi đâu và lúc nào trong gia đình lẫn ngoài xã hội Vĩnh vẫn luôn là người phụ nữ mềm mỏng tế nhị duyên dáng luôn được mọi người yêu thương và nể trọng. Là
một Phật tử thuần thành với một đạo tâm hiếm quý, Vĩnh cũng đã từng là một nhà giáo luôn yêu nghề mến trẻ tận tụy nhiệt tình để dạy dỗ các em thành người hữu dụng cho xã hội lúc bấy giờ. Đến nay dù các em đã trưởng thành vẫn dành cho cô giáo Vĩnh những yêu kính đậm đà khi có dịp gặp lại cô và cả phụ huynh các em cũng vậy. Ngày trước khi mới đặt chân vào trường Sư Phạm Vĩnh là một cô giáo sinh còn trẻ duyên dáng và bọn mình đã có cơ duyên cùng khóa 4 của nhà trường, cùng ăn một mâm nằm một phòng. Trong suốt 2 năm cùng học tập, sinh hoạt  đùa nghịch cùng nhau. Sau mỗi bửa cơm chiều cùng nắm tay dạo mát hay đứng tựa bao
lơn nội trú để ngắm trăng khuya trên biển xanh trước trường hay cùng lắng nghe
tiếng phi lao thì thào than thở. Ôi đẹp làm sao tuổi học trò! Chúng ta yêu thương nhau như đàn gà cùng một mẹ. Ngày tốt nghiệp chúng mình ra trường mỗi đứa dạy một nơi. Rời xa nhau từ đấy.
Sau 75 theo mệnh nước nỗi trôi. Biết bao gian truân ập đến trên đôi vai gầy mỏng
manh của Vĩnh. Chúng ta cùng một lứa bên trời lận đận. Thật đúng “thuở trời đất nỗi cơn gió bụi, khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”. Đắng cay quá phải không
Vĩnh? Nhưng rồi trời cũng không phụ kẻ có lòng. Cuối cùng cũng có được tia sáng ở cuối đường hầm. Chúng ta lại có cơ may gặp lại nhau nơi miền đất hứa. Qua những kỳ Hội Ngộ SPQN Hải Ngoại ở Nam Bắc Cali lại được gặp nhau tay bắt mặt mừng, lại mi tau ríu rít như đàn chim tìm về lại tổ ấm. Hình ảnh Vĩnh với tà áo xanh vẫn tươi tắn duyên dáng, giọng nói nhỏ nhẹ xứ Huế thương lắm làm các bạn
nhiều luyến lưu khi chia tay.
Diệu Minh vẫn còn nhớ hôm nào ở tiệm ăn Song Long Vĩnh thật rực rỡ với chiếc áo đỏ, 4 đứa tụi mình Vĩnh, Thoa, Thu Cúc, Diệu Minh chuyện trò với nhau. Bọn mình cười khúc khích khi thấy Vĩnh tình tứ chọn miếng ngon nhất bỏ vào chén cho anh, lúc ấy bọn mình thấy Vĩnh đỏ mặt mà thương quá. Nào ngờ mới đó mà nay Vĩnh đã bỏ cuộc chơi, bỏ lại chúng mình với bao thương tiếc ngậm ngùi. “Người
đi một nữa hồn tôi mất, một nữa hồn tôi bỗng dại khờ”.
Một lần nữa xin anh Quyền và các cháu cùng tang gia nhận nơi đây lời chia buồn
Thương tiếc chị Vĩnh sâu xa nhất, ngậm ngùi nhất của chúng tôi, những người bạn đồng môn của chị tại Trường SPQN. Nguyện xin hương linh Tâm Huệ siêu sanh miền Phật Quốc. Xin Thành Kính Phân Ưu.

Trần Thị Diệu Minh Khóa 4 SPQN




LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...