Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

THƯƠNG TÌNH CA.


                           Irene.

         Tiếng đàn guitar, tiếng hát của thằng cháu dìu dặt vang lên trong đêm :
         Dìu nhau đi trên phố vắng. Dìu nhau đi trong ánh sáng. Dắt hồn về giấc mơ vảng. Nhẹ nhàng dìu nhau đi chung một niềm thương… ( Thương Tình Ca – Phạm Duy )
         Lòng tôi như lắng đọng. Thật kỳ lạ! Cứ mỗi lần nghe giai điệu của bài hát này, tôi lại nhớ quay quắt đến những con người, đến những con đường thân quen ở Qui Nhơn : Gia Long, Võ Tánh, Phan Bội Châu, Cường Để, Tăng Bạt Hổ, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn…  vào những thập niên sáu mươi, bảy mươi và rồi hình ảnh chị tôi lại hiện rõ trong tôi.
         Chị tôi hơn tôi năm tuổi. Trong ba chị em kề nhau, chị là người nhỏ con nhất. Dáng người chị mảnh khảnh, thướt tha trong chiếc áo dài trắng. Chị đi nhẹ nhàng, uyển chuyển. Khi chị cất tiếng hát, đôi mắt của chị sáng long lanh thả hồn theo giai điệu làm cho giọng hát trở nên sâu lắng, mượt mà và lôi cuốn.

Cô ơi! Chính cô…


 Giang Lam
      
Buổi sáng đến trường, tôi dắt chiếc xe đạp vào cổng và mang đến dựng bên hông hội trường rồi khóa cẩn thận vì nhà trường không có nhà để xe. Tôi băng qua một cái sân rộng trước mặt, bước lên những bậc tam cấp đi vào lớp. Không đợi tôi bước vào lớp. Ba, bốn học sinh đã tíu tít giành nhau cùng nói với cô giáo của mình,  chừng như sợ bạn nói mất điều mà mình cũng biết:
        - Cô ơi! Cô Hiệu Trưởng nói: Mời cô lên văn phòng họp.
          Thói quen của tôi là lúc nào cũng đến lớp sớm quan sát, nhắc nhở các em những công việc của lớp để kịp giờ học. Mặc dù, nhà cũng ở gần chỉ cần đi bộ mười phút là đến trường, nhưng lúc nào tôi cũng trừ hao cho mình đến ba mươi phút.
          Sau khi bước vào lớp nhắc nhở các em một số công việc đầu buổi học, tôi đến phòng Hội Đồng Giáo Viên để tham dự buổi họp.
          Trong phòng lúc này đã có một số thầy, cô cũng đến sớm. Ngồi được một lát thì tiếng trống báo hiệu giờ học vang lên và buổi họp bắt đầu. Cô Hiệu Trưởng phổ biến nội dung buổi họp:
“ Sáng nay hai tiết đầu học sinh hai khối lớp Bốn và Năm được nghỉ học, giáo viên hai khối đưa các em lên đường lê Hồng Phong (Võ Tánh cũ) làm hàng rào danh dự để tiễn đoàn của Văn Phòng Thủ Tướng Chính Phủ về thăm tỉnh ta đã mấy hôm rồi bây giờ trở về lại Hà Nội. Thôi! Các thầy, cô về lớp và đưa học sinh đến địa điểm cho kịp giờ”.
            Rời phòng họp, tôi trở về lớp mang theo nội dung vừa họp truyền lại cho học sinh. Nghe xong, các em vỗ tay rần rần làm tôi cũng buồn cười nhưng kịp chấn chỉnh học sinh ngay vì đừng làm ồn để các lớp chung quanh học. Tôi còn nhớ, ngày tôi đi học cũng vậy, dù đã lớn chúng tôi cũng từng bị Soeur Giám Thị nhắc nhở là khi nghe được nghỉ học hai tiết môn Triết vì thầy Nguyễn Mộng Giác bị ốm, tôi và cả lớp cũng vỗ tay rào rào như thế. Học sinh mà, cứ nghe nghỉ học là vui chứ không còn biết đến chuyện ốm đau của thầy cô giáo.
            Ngôi trường mà tôi đang dạy là trường Mai Xuân Thưởng. Trường nằm trên đường Nguyễn trãi, được xây trên nền cao ráo với các bậc tam cấp bước lên những dãy hành lang dẫn vào các phòng học, từ cổng chính đi vào đó là một dãy lầu, hai dãy hai bên là nhà trệt tất cả tạo thành hình chữ u, quay mặt ra hướng Nam đón ngọn gió nồm từ biển thổi vào hàng ngày quạt mát cho cô, trò chúng tôi suốt trong những buổi học, chứ thời ấy làm gì lớp học có quạt máy. Quanh năm chỉ nhờ ngọn gió trời này. Trong sân trường trồng rất nhiều loại cây: ngay trước văn phòng hai cây phượng được trồng hai bên, mùa hè hoa nở đỏ rực và những chú ve tha hồ hát hò râm ran báo hiệu mùa thi đến. Cũng là lúc cô, trò chúng tôi lại bịn rịn chia tay nhau, trong sân còn có những cây bàng xòe những tán lá như những cây dù màu xanh, ngoài ra còn có những cây me Tây to lớn tỏa bóng mát cho học sinh tha hồ nô đùa vào những giờ ra chơi.
         Ngày còn là một Giáo Sinh, tôi đã có dịp về thực tập ở trường này.Vị Hiệu Trưởng ngày đó là thầy Hồ Phú Quế, thầy cũng dạy tại trường Sư Phạm lớp chúng tôi môn Quản Trị và Thanh Tra Học Đường. Hôm lớp chúng tôi về thực tập gặp lúc trường đang chuẩn bị cho các học sinh đi thi văn nghệ, hình ảnh thầy Hiệu Trưởng ôm đàn Mandoline tập cho học sinh hát đã là một hình ảnh đẹp trong mắt tôi, để tôi còn nhớ mãi cho tới bây giờ.
Sân trường lúc nào cũng sạch sẽ, từ hành lang của các lớp cho đến những lối đi dẫn từ cổng vào. Sát cổng trường thường có những người bán quà cho học sinh. Những năm 79-80 quà vặt cũng chả có gì ngoài me, cốc, ổi, xoài, mía…Thỉnh thoảng có cà rem hoặc kẹo cà…Nhưng có mấy học sinh có tiền để mua? Vì ngay cả việc ăn sáng thì cũng đã là một vấn đề xa xỉ rồi, chứ nói gì đến quà vặt.
        Hai bên cổng trường và sát tường là những đám đất chưa được láng xi-măng, đây cũng là nơi mà những nhà dân trong xóm thường mang rác và chất thải ném ra bãi đất này để xe rác đến lấy, đây cũng là bãi vệ sinh của những chú chó thường loăng quăng dạo chơi. Khi đêm đến đèn đường không có, nơi đây biến thành địa điểm phóng uế của những khách bộ hành lỡ đường, nên lúc nào cũng nhớp nháp, hôi hám nhà trường đã nhờ Tổ dân phố nhưng được ít bữa rồi đâu lại vào đấy! Khổ thân cho cô, trò chúng tôi lâu lâu lại phải lao động vệ sinh một bửa bở hơi tai nhưng cảnh cũ vẫn tái diễn hàng ngày như thế! Còn học sinh thì vô ý cứ dẫm những chất thải tha vào lớp học và hình như sự vô ý của các em cứ tăng dần vài ba hôm lại bị như thế. Đến nỗi tôi thấy đã đến lúc phải đưa ra một biện pháp cứng rắn hơn tí nửa để đảm bảo giờ học và vệ sinh lớp. Tôi dặn cả lớp:”Từ nay khi xếp hàng vào lớp Tổ trưởng các tổ sẽ kiểm tra dép, em nào lỡ thì cho đi rửa để khỏi mang vào lớp mất vệ sinh, tổ nào có học sinh vi phạm sẽ bị mất điểm thi đua của tuần.”
         Tôi giao hai học sinh trực ở lại trông lớp rồi đưa tất cả học sinh ra sân. Chỉ một loáng những chú lính tí hon của tôi đã hàng ngũ chỉnh tề và đợi lệnh của cô giáo.Tôi tuần tự đưa các em di chuyển đến địa điểm. Thông thường khi đi cùng học sinh ra khỏi trường dù là đưa các em đi cổ động hay xem phim hoặc coi văn nghệ lúc nào người dân hai bên đường cũng đổ ra xem nên tôi ngại và thường có thói quen hay đi vào phía trong lề để tránh bị mọi người nhìn. Thời đó, chưa có xe cộ nhiều chủ yếu là xe đạp và họ sẵn sàng nhường đường cho học sinh nên cũng không sợ học sinh mình bị tai nạn, gặp như thời bây giờ thì cô giáo phải đi ngoài để bảo vệ học sinh.
          Chỉ cần năm phút là đến nơi vì trường ở gần và học sinh lúc nào cũng đi nhanh nên giáo viên phải đi theo cho kịp các em lớp của mình. Chia các em đứng hai bên đường cùng với học sinh các lớp khác và khoảng hai mươi phút sau thì phái đoàn xuất hiện. Từ xa mấy chiếc xe màu nhà binh, xe chạy ngang qua, cửa đóng nên  không thấy được ai cả? Xe chạy qua, thế là công việc đưa tiễn xong. Giáo viên lại đưa học sinh về và tôi cũng đi vào phía bên trong  như vậy.
        Về đến trường, chưa đến giờ ra chơi mà nãy giờ cô, trò đứng ngoài nắng nên cũng khát nước. Thế là tôi cho học sinh đi uống nước. Trưởng lớp điều khiển cho từng bàn các em đi vệ sinh và uống nước, lần lượt cứ hết bàn này đến bàn khác, vì lớp đông, sĩ số trên năm mươi học sinh nên không thể cho các em ra cùng một lần, nếu ra như thế các em nô đùa làm ảnh hưởng lớp khác đang học.                            
      Thời đó thì tất cả học sinh đều uống nước ở một cái giếng sát nhà Bác Cai trong khuôn viên của trường. Cứ múc một gàu lên là các em cùng nhau uống những ngụm nước trong và mát thế thôi! Chứ chẳng có thứ nước nào khác nữa.
       Trong khi đó, tôi ngồi ở bàn của giáo viên vừa nghỉ mệt và cũng vừa trông lớp. Bàn của giáo viên thì thường được đặt trên một cái bục cao khoảng ba mươi cm làm bằng xi-măng, để ở đây chúng tôi có thể quan sát cả lớp dễ dàng hơn. Lật Giáo Án ra để xem, hôm nay tôi chỉ dạy ba tiết chính là Tập Đọc, Toán, Chính Tả, còn hai tiết Thể Dục, Tập Viết tôi sẽ hướng dẫn cho các em rồi về nhà các em làm. Nhìn xuống lớp, lúc này các em đã thay phiên nhau đi cũng được khoảng hơn nửa lớp. Tôi nghỉ cho học sinh uống nước xong trước. Sau đó, tôi cũng lên văn phòng để uống nước sau. Bỗng nhiên tôi thấy những học sinh ngồi dãy bàn phía trước mặt tôi lấy tay bịt mũi, một số em thì nói nhỏ với nhau là: Hôi lắm!
         Lúc này tôi cũng đã xem xong bài nên lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ và nói:
        - Em nào dẫm phải thì Trưởng lớp cho ra ngoài đi!
        Cả lớp im lặng không em nào nói gì cả.Thấy vậy tôi ra lệnh tiếp, lần này thì có vẻ bức bách hơn, kẻo sợ những hậu quả xấu xảy ra như những lần trước.
        - Các em tự kiểm tra dép mình xem, em nào dẫm thì đi rửa nhanh!
        Cả lớp cũng im lặng, tuy nhiên các em ngồi các bàn đầu vẫn đưa tay lên bịt mũi. Lúc này tôi bắt đầu thúc giục với giọng gay gắt hơn:
       - Em nào lỡ thì ra khỏi lớp ngay!
       Cả lớp cũng vẫn lặng thinh, cái không khí im lặng bao trùm lớp học. Tôi chẳng hiểu chuyện gì? Rồi các em thầm thì to nhỏ gì đó với nhau. Em Trưởng Lớp đứng dậy nói:
      - Thưa cô! Đã kiểm tra rồi, không có bạn nào cả.
      - Không có bạn nào sao các em bịt mũi?
        Lúc này thấy bực nên tôi hỏi lại Trưởng Lớp với giọng không vui. Học sinh lại xầm xì gì đó với nhau. Cuối cùng trưởng lớp đến bên bàn cô giáo và lấy hết can đảm nói nhỏ vào tai:
        -Thưa cô! … Dép cô…
       Tôi nhìn xuống dép của mình thì ra chính là … Mặt tôi đỏ bừng, nóng ran lên... Không nói nên lời tôi đi thật nhanh ra khỏi lớp…
         Khắc phục sự cố xong tôi đến Văn Phòng. Đầu óc miên man bần thần, tự trách mình sao vô ý thế, hết giờ chơi tôi lại về lớp dạy cho kịp những tiết học.
         Từ tai nạn ấy! Tôi giữ kín trong lòng không dám nói với đồng nghiệp vì xấu hổ. Mãi đến mấy năm sau nhân một hôm sau giờ dạy vào Thư Viện trường tìm sách đọc, tình cờ tôi đọc được tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, trong đó có câu chuyện của một thầy giáo dạy lớp Đồng Ấu ở trường làng cũng gặp sự cố như tôi. Câu chuyện được tác giả viết thật vui và dễ thương đến nỗi tôi đọc say sưa, đọc đến đâu tôi tự cười một mình và nghỉ thầm may quá thế là từ nay tôi cũng có đồng minh rồi.
         Cũng từ hôm đó trở đi tôi thấy vui, mới dám đem câu chuyện gặp sự cố của mình kể cho các đồng nghiệp nghe. Nghe xong ai cũng òa lên cười vui vẻ.
         Nhiều năm trôi qua, bây giờ đôi lúc ngồi nhớ lại. Tôi vẫn thấy xấu hổ và đâu đó hiện lên hình ảnh ngô nghê dễ thương của học sinh tôi. Cô cũng có lỗi vậy, không phải lúc nào trong mắt các em cô giáo cũng là thần tượng, không bao giờ mắc sai lầm. Nhưng các em có biết không ? “ Cô cũng là người và là người thì không tránh khỏi những khuyết điểm. Cô sẽ sửa chữa.” Từ hôm đó trở đi mỗi lúc ngang qua đám đất trước trường, tôi tự nhủ phải cẩn thận hơn để tôi không rơi vào tình huống khó khăn trước học sinh tôi một lần nữa...


                                                         Qui Nhơn tháng 10/2012
                                                                 Giang Lam

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Cô Giáo.

Đặng Nam Phương

Bum bê đã mơ làm cô giáo. 
Đuôi gà thắt bím nơ xanh đỏ. 
Mơ ước làm cô vẫn dạt dào. 
Đến thời buông tóc xõa ngang vai. 
Mộng ước hình thành lòng rạng rỡ. 
Ta đã là cô... cô giáo rồi.  

    Tháng chín mùa thu, mùa tựu trường.  Đã bao nhiêu mùa tựu trường.  Bao nhiêu lần thu trôi đi biền biệt ngoài song cửa.  Nhưng nỗi xôn xao, nỗi buồn vui của quãng đời làm cô giáo ấy vẫn còn đấm nét trong tôi.   Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng . Nhà tôi ở đường Phan Chu Trinh.  Con đường thơ mộng của hoa phượng đỏ.  Của áo trắng học trò.  Bên dòng sông Hàn hiền hòa, êm ả. Tôi học tiểu học, trung học Đà Nẵng và tốt nghiệp trường sư phạm Qui Nhơn khóa bảy ngày 16 tháng 6 năm 1970.  Thoáng chốc thời tuổi nhỏ hồn nhiên.  Thời mới lớn  mộng mơ.  Thời áo trắng đã trôi qua.  Bây giờ tôi đã là một cô giáo trẻ....rất trẻ.  Hành trang vào đời của tôi là mảnh bằng sư phạm với một tí tuổi đời.

    Ngày 5 tháng 9 năm 1970, trời vào thu, gió heo may se lạnh. Tôi đến trình diện nhiệm sở đầu tiên là trường tiểu học Đức Vinh, quận Mộ Đức, tỉnh Quãng Ngãi.   Trường tôi dạy mặt tiền hướng ra quốc lộ một,  khang trang đẹp đẽ.  Trường được bao bọc bởi một dãy tường thấp.  Lác đác ven tường vài cụm hoa ngũ sắc.  Vài bụi chuối nước.  Xung quanh trường có nhiều cây bàng, cây phượng cành lá xum xuê.  Cổng trường treo tấm bảng lớn: Trường TIểu Học Đức Vinh.    Mái lợp ngói.  Bậc thềm cao. Nền xi măng. Vách tường mùa xanh dương.  Chân tường màu vàng.  Cửa chính cửa sổ  của lớp màu nâu viền trắng rất trang nhã.  Sân trường rộng.  Cát vàng đậm.  Giữa sân là trụ cờ cao với lá quốc kỳ  tung bay phất phới.  Trường có chín lớp.  Một lớp năm .  Còn lại mỗi cấp bậc có hai lớp.   Dãy ngang có văn phòng Hiệu  Trưởng.  Bên cạnh treo một cái trống lớn.  Được bác cai trường đánh ba tiếng để biết giờ học, giờ ra chơi, và giờ tan trường. Ông Hiệu Trưởng và Hiệu Phó trường là những giáo viên tiểu học thâm niên.   Vài thầy cô là giáo viên công nhật.  Còn lại là giáo viên ấp tân sinh.  Tôi là giáo viên sư phạm nên phải đứng dạy lớp năm.  

    Sau khi chào hỏi và làm quen với các thầy cô.  Tôi theo thầy Hiệu Trưởng đến nhận lớp.  Khi thầy Hiệu Trưởng giới thiệu tôi xong.  Thây vừa đi khuất là các em đã nhốn nháo la hét ầm ĩ.
- Cô nhỏ xíu..... 
- Cô xinh quá....
- Cô từ đâu tới vậy cô ....?  

Tim tôi đập thình thịch.  Năm nhị niên tôi đã đi thực tập nhiều trường.  Nhưng học sinh quậy như vầy tôi chưa găp.  Nỗi vui mừng được làm cô giáo.  Được dạy một ngôi trường khang trang.  Thay vào là nỗi lo lắng.  Tôi ngồi im nhìn các em.  Nhiều phút trôi qua.  Tôi không biết các em nghĩ gì?  Rồi lớp học trở lại sự yên lặng.  Một em nam đi lên vòng tay.
 - Dạ thưa cô em là Nguyễn Văn Thiên.  Em là lớp trưởng.  Em và các bạn chào mừng cô đến dạy chúng em .
 Rồi em dõng dạc hô lớn. 
-Học sinh đứng . 
Cả lớp đứng dậy. Một tràng pháo tay giòn giã.  Tôi sung sướng mĩm cười xoa đầu em Thiên.  Khi các em ngồi xuống, tôi thong thả đi đến từng bàn hỏi thăm các em.  Tôi rờ cái bàn, cái ghế,  Tay lau tấm bảng đen.  Tay cầm viên phấn trắng. Nhìn lên vách tôi thấy vài tấm tranh treo khá đep.   Nhìn xuống những gương mặt ngây thơ.  Những đôi mắt tròn , đen lấp lánh. Tôi xúc động nói với các em.
 - Các em thật là ngoan.  Cô sẽ dạy thật tốt để tất cả các em đều thi đậu vào lớp sáu.  
Em nào em nấy nhìn tôi đầy hớn hở.  Lòng tôi vui chi lạ.  Lòng tôi sao sao ấy.
     Một tháng sau.  Ông hiệu trưởng báo có thanh tra đến trường.  Tôi chuẫn bị bài dạy thật chu đáo.  Nhưng hú vía !  Ông thanh tra chắc thấy tôi mới ra trường, ngây thơ , non choẹt.  Nên chỉ hỏi thăm tôi vài câu thôi.
-Cô giáo dạy miền quê có thấy buồn không?
- Dạ thưa thầy con chỉ buồn khi về nhà trọ.  Còn trong lớp có các em học sinh con vui và hăng hái lắm. 
Ông thanh tra nhìn tôi cười 
 - Cô giáo giỏi lắm.  Tốt lắm. 
Tôi vui mừng lí nhí. 
- Dạ con cam ơn thầy.  
    Ngày qua ngày.  Đời sống cô giáo làng quê tưởng an bình.  Nhưng một hôm tôi đi dạy về.  Vừa ngang qua bệnh xá có hai chị chận tôi lại.  Mặt lạnh lùng và giọng nói các chị lanh lãnh.
 - Này cô kia.!  Chúng tôi muốn hỏi cô... 
Tôi dừng lai.
- Dạ.!  Mấy chị cần hỏi chi?
 - Cô là con nhà ai mà phách lối quá vậy?   Tại sao ngã trước cô không đi mà...? 
Tôi ngẫn người.  Chuyện chi lạ vầy nè.  Tôi chưa kịp trả lời thì các em lớp tôi chạy tới. 
- Cô ơi..!  Có tụi em đây cô đừng sợ, 
Nghe ồn ào.  Ông cai trường cũng đến..
 - Cô Nam Phương. 
về đi.  Để tôi nói chuyện với họ.
Khi tôi cùng học sinh bước đi. Tôi nghe vọng lại lời hăm dọa của hai chị ấy.
- Coi chừng cặp tai của cô đó.....
Về đến nhà trọ tôi vẫn chưa hết run.  Ông hiệu trưỡng nghe chuyện bảo tôi.
 - Họ là trâu già không sợ dao phay đâu. 
Và ông cho tôi nghĩ dạy một ngày để tôi về thưa chuyện với gia đình chứ nguy hiểm lắm.   Thế là tôi lên xe lam về thị xã.  Tôi kể lại sự tình cho chú tôi nghe. Chú  rầy tôi.
 - Con là cô giáo.  Đường lộ không đi.  Con đi đường hẻm làm chi.  
- Dạ thưa chú.  Đường sau gần trường hơn.
- Gần một tí nhưng phiền rồi đó con à.

 Đúng ra tôi lười, tôi vô tư. Nhà trọ của tôi chỉ cách trường có hai căn nhà thôi.  Tuy bị la rầy như rứa .  Nhưng chú tôi vẫn vào Mộ Đức gởi gắm tôi tôi.  Sáng ni đi dạy tôi đi ngã trước thì hai chị ấy đón tôi lại
 - Chúng tôi xin lỗi cô.  Còn sớm xin mời cô vô nhà uống ly nước dừa. 
Thật không ngờ, nhà hai chị đó sát bên trường tôi day.  Hai chị là thợ may.  Tôi e ngại định từ chối.   Nhưng thấy không ổn nên theo họ vào nhà.  Vừa uống xong ly nước dừa. Tiếng trống trường đã vang lên.  Tôi chào các chị và đi tới lớp dạy.  Lòng tôi vui phơi phới.  Nhưng khi tôi vừa bước vào lớp.  Các em học sinh đã nhao nhao.
 - Cô ơi...!  Em Nguyễn Bốn chết rồi....
 Tôi khựng lại.  Chết rồi... Chết rồi sao...! Ôi !   Em chỉ học cùng tôi có mấy tháng.  Tôi thật đau lòng  Nước mắt thi nhau rơi xuống má.  Tôi vội vàng tới văn phòng báo cho ông hiệu trưởng biết.  Tôi trở lại dặn dò lớp trưởng trông chừng lớp.  Rồi chọn ba em theo tôi ra quán mua nhang đèn để đến nhà em Bốn phúng điếu. Trước khi lên xe lam tôi hỏi học sinh.
- Nhà em Bốn ở đâu vậy mấy em?
 - Dạ thưa cô. Nhà em Bốn ở Quán Hồng đó cô.
 Quán Hồng ư...!  Cái tên nghe thật dễ  thương.  Tôi nghĩ chắc có nhiều hoa hồng lắm.  Nhưng khi xe lam dừng lai.  Tôi ngỡ ngàng,  Không có hoa hồng chi hết .  Mà chỉ là một cái tên địa danh thôi.
Trước mặt tôi là con đường đất lớn.   Hai bên là ruộng lúa.  Cô trò chúng tôi
 đi một đoạn đường rồi quẹo phải quẹo trái thì đến nhà em Bốn.   Một ngôi nhà tranh. Tường đất.  Đồ đạc cũ kỹ .  Em nằm bất động trên chiếc giường tre.  Nhìn thật thương tâm.  Bàn thờ để tấm ảnh của em khói hương nghi ngút.  Tôi ngỏ lời chia buồn với cha mẹ em.
     Trên đường về lại trường.  Tôi đi xe lam còn thấy đường xa.  Trong khi ngày ngày cậu bé phải cuốc bộ hàng mấy cây số đường bất kể nắng, mưa để đi học.  Lòng tôi thật chua xót, ngậm ngùi.  Tôi thầm cầu nguyện cho linh hồn em được an vui, thanh thản nơi cỏi vỉnh hằng.   Nỗi buồn chưa vơi  phiên phức lại đến với tôi .  Nhiều anh chàng cứ hay thập thò ngoài cửa lớp. 
 - Cô giáo trẻ quá...
 - Cô viết chữ đẹp quá... 
Có anh không nói chi hết,  chỉ đứng ngoài cửa sổ nhìn tôi chăm chăm.  Tôi thật là ngượng ngùng.  Nhất là những cậu học sinh lớp 11 lớp 12 Trần Quốc Tuấn học trong thị xã.  Khi về nhà cũng không để tôi yên.
- Cô ơi.!  Tôi có em học lớp cô đó..
- Cô ơi..!  Em tôi cũng là em cô giáo nghe.
- Quảng Ngãi có nhiều phong cảnh đẹp lắm.  Cô muốn biết không?  Tôi hướng dẫn nha. 
Có nhiều anh còn viết thư hồng, thư xanh gởi tới.  Ôi thôi...đủ thứ chuyện.  
Nhiều lúc tôi vừa xuống xe lam vô nhà.  Mấy ông sĩ quan đã tới đon đã.
 - Chào cô...!  Chúng tôi tưởng cô nữ sinh nào đi học về.  Không ngờ là cô giáo. 
 - Tôi có xe mời cô đi dạo.  Đi uống nước nhé. 
Tôi lễ phép từ chối. 
- Dạ cảm ơn.  Nếu tôi muốn đi đâu thì có chú tôi chở đi. 
- Cô giáo ơi..!  Chú của cô là ai vậy?
 - Dạ thưa là ông Đặng Diệu đó. 
Họ đập vai nhau.   Chết rồi...! Ổng là xếp của mình.  Và quay qua nói với tôi. 
- Cô giáo à...Xin lỗi..Cô đừng méc ổng nha. 
Cuối tuần tôi về nhà.  Chú tôi hỏi. 
- Tuần ni đi dạy con có chuyện chi vui không? 
Tôi kể chuyện cho chú tôi nghe . Chú cười toáng lên.
 -Toàn có vợ mấy con mà đi chọc con nít. 
Tôi phụng phịu.
 -Chú ơi...!  Con là cô giáo mà. 
Chú cười xoa đầu tôi 
- Ờ... Ờ...!  Con là cô giáo.
    Ngày tháng dần dần trôi.  Bao nhiêu thời gian là bao nhiêu tình cảm thân thương, trìu mến giữa cô trò chúng tôi.  Sáng nào trên bàn của  tôi  cũng đủ màu đủ vẻ .  Em thì trái mãng cầu .  Em thì trái đu đủ.  Em thì bó mía... Tôi nói với các em.
- Cô ở trọ.  Cô đem về cũng biếu bà chủ nhà.  Các em nhớ đừng như vậy nữa. 
Nhưng các em cứ nằn nì. 
- Cô ơi..! Giờ ra chơi cô ăn đi.  Ăn cho khoẻ nghe cô..
 Còn phần tôi luôn có phần thưởng cho những em ngoan ngoãn, học giỏi .  Những em trung bình hay học yếu đều được động viên khuyến khích nên lớp học rất linh động.   Tôi dạy thật kỹ lưỡng môn văn, môn toán để các em đạt được chất lượng mà đi thi lớp sáu.  Tôi mới ra trường nên rất hăng say giảng dạy. Còn các em học sinh là năm thi nên rất siêng năng chăm chỉ.  Việc học của các em càng ngày càng tiến bộ hơn.   Nhiều hôm tiếng trống tan trường vang lên nhưng cô trò chúng tôi vẫn còn trong lớp.  Kết quả năm đầu tiên làm cô giáo của tôi.  Kỳ thi tuyển vào lớp sáu.  Học sinh lớp tôi đạt kết quả rất khả quan.  Tôi rất vui mừng và rất hãnh diện.   
    Tháng chín mùa thu.  Mùa tựu trường năm 1971. Tôi được chuyễn về trường Thu Phổ Đông thị xã Quãng Ngãi .  Đây là một ngôi trường tiểu học lớn.  Khối lớp năm toàn thầy cô giáo SPQN phụ trách.  Lớp 5 B do tôi hướng dẫn luôn đạt nhiều thành tích tốt.  Hằng năm mỗi độ hè về.  Hoa phượng nở đỏ thắm trên các lối đi.  Lúc mà các chú ve sầu đang tỉ tê ca hát.  Lòng tôi lại vui mừng lại phấn khởi.  Vì các em học sinh lớp tôi đều đạt kết quả rất cao khi thi vào lớp sáu. 
     Bốn niên khóa tôi dạy ở trường Thu Phổ Đông thấm thoát qua nhanh.  Mùa tựu trường năm 1975.  Tôi được chuyển xuống dạy tài trường tiểu học Ba La Nghĩa Dõng  Quãng Ngãi .  Trường Ba La cách nhà tôi ở thị xã hơn ba cây số.   Tôi đi dạy bằng xe đạp mini.  Những chiếc áo dài xinh xinh nằm im trong tủ.   Thay vào là những chiếc áo bà ba lụa.  Cái trắng cái hồng cái xanh với quần sa tanh đen.  Trên đường đi đến trường tôi vẫn thường nghe những câu hát ghẹo.   Những buổi tan trường.  Tôi đạp xe về dưới ánh nắng lung linh.  Từng vòng bánh xe quay đều với tiếng chim ríu rít. với làn gió mơn man.   Lòng tôi thật êm đềm thật thơ thới.   Dầu đi dạy bất cứ nơi đâu.  Lòng thương yêu các em học sinh vẫn đầy ăm ắp trong tôi. 

Phấn trắng bảng đen trường lớp mới. 
Các em kháo nhau cô thật xinh. 
Ngắm các em thơ lòng êm ả     

Các em là mộng của ngày mai.  


    Nhiều năm sau này.  Tình cờ tôi và các em gặp lại .  Hình như tôi không thay đổi chi nhiều. nện các em vẫn nhận ra tôi.   Tôi hỏi thăm em nầy đã là thầy giáo cấp ba.  Em kia là cô giáo cấp một.  Em nọ là y tá....  Cô trò chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng.  Hàn huyên tâm sự.  Nhắc chuyện ngày xưa. Vui mừng tíu tít....

 Đặng Nam Phương  K7/SPQN

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...