Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Thăm Thầy Nhạc Sĩ Dương Minh Ninh

Phạm Lê Huy

Ngày 3/8/2013, từ Đà Lạt về Sài Gòn trời mưa dầm, thấy mà thương cho chiếc xe của anh Huỳnh Kim Thạch (Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn) chở chúng tôi phải vượt qua đoạn đường dài gập ghềnh ổ gà ổ trâu, dằn xóc rêm mình rêm mẩy từ thị trấn Đạ Rim đến thị trấn Tân Phú để thăm Thầy Dương Minh Ninh và gia đình.


Từ trái sang (hàng đứng) : Tỏi, Ren, Thạch, Thu (Cựu Giáo Sinh SPQN)

Và chúng tôi đã gặp được Thầy. Nói sao cho hết nỗi vui mừng của Thầy Trò chúng tôi.

Cách nay chừng một tháng, Thầy đang đi bộ bị xe gắn máy tông, phải nằm suốt trên giường, chẳng đi đứng gì được, chỉ nằm và xoay trở một chỗ thôi. Giờ thì Thầy đã đi lại được quanh nhà rồi, rất mừng cho Thầy và gia đình. Chúng tôi hỏi, vậy người gây ra tai nạn có lo lắng gì cho Thầy không, Thầy nói đó là lỗi nơi mình, thế mới biết Thầy nhân từ và đức độ dường nào.

Thăm hỏi và trò chuyện với Thầy chừng một tiếng đồng hồ, chúng tôi xin chào chia tay với tâm trạng bùi ngùi xúc động. Bất chợt tôi ôm hôn Thầy như hôn thân phụ mình – “Xin phép Thầy chúng con phải về Sài Gòn sớm vì đường đèo trời mưa. Xin kính chúc Thầy sớm bình phục và gia quyến luôn an khang”.



Thầy năm nay 92 tuổi và đây là lần đầu tiên chúng tôi xưng con với Thầy. Giọng Thầy bùi ngùi xúc động :  “Các anh chị đến thăm như đem cho tôi một liều thuốc bổ. Cám ơn các anh chị nhiều”.

Ra xe, chúng tôi ngoái đầu nhìn lại, gia đình Thầy tựa cửa trông theo… 

"Biết đến khi nào mới được gặp lại Thầy đây, Thầy ơi… !?".     

Phạm Lê Huy
(Los Angeles, Aug. 12 – 2013)

NHỮNG MÙA HOA PHƯỢNG ĐI QUA ĐỜI TÔI

Tháng năm, hương sen đã  thoảng nhẹ trong gió. Tiếng ve đã râm ran trên từng tán cây, suốt dọc đường đến trường và ngược lên phía công viên. Tiếng ve kêu khắp nẻo, như nhắc nhở với mọi người rằng mùa hạ đã về, về thật rồi...
 Và đối với tôi, mùa hạ vẫn có điều gì đó rất riêng, không lẫn với bất kỳ mùa nào khác được, dù mỗi sáng nắng vẫn lên và chiều hoàng hôn vẫn xuống.
 Ở tuổi 14, 15 tôi là một cậu bé đánh giày ở một thị xã nhỏ của miền trung. Năm 1965 chiến tranh bắt đầu lan rộng. Gia đình tôi phải chạy về thành phố  để tránh đạn bom. Bỏ lại sau lưng mọi thứ tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, mỗi người chỉ kịp mang theo mình túi quần áo nhỏ.
Đất chật người đông, không việc làm nơi phố thị, mẹ  đau yếu  luôn và các anh em thì còn đi học.  Tôi phải hy sinh: bỏ học. Hằng ngày theo lũ bạn cùng trang lứa đi đốn củi ở núi Chóp Chài về bán. Nhưng rồi có người bạn gần nhà, thấy tôi đi đốn củi khổ sở, không được bao nhiêu tiền nên dẫn tôi đi đánh giày để mưu sinh…
Người bạn này  đánh giày đã lâu nên  tôi đi  theo để không bị bắt nạt.
Hàng ngày cứ vào buổi trưa rảnh việc, tôi lại đến tiệm giặt ủi Tân Lai ở đường THĐ để vừa tìm khách vừa được nghe nhạc.(Dạo ấy tiệm giặt ủi này có cô chủ thích nghe nhạc và họ cũng có một dàn máy  hiện đại vào bậc nhất thời bấy giờ.)
 Với tuổi 15 tôi cũng không rành về nhạc, nhưng có một bài hát tôi đặc biệt thích nghe không chán (thường thì tôi xin cô chủ cho nghe lại, cô thấy tôi thích và cũng ngoan nên cô chiều ý). Sau này tôi mới biết đó là bài: Nỗi buồn hoa phượng của nhạc sỹ Thanh Sơn:
“ Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi
Phút gần gũi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi...” (Nỗi buồn hoa phượng _Thanh Sơn)

Lời nhạc nhẹ nhàng, ray rứt của tuổi học trò. Tôi không biết  người ca sỹ thể hiện bài hát tên gì, là ai, nhưng mỗi ngày qua đi, sau khi được nghe chị hát tôi lại lẩm nhẩm hát theo và cam đoan rằng tôi thuộc lời và cả từng luyến láy của câu hát. Và bây giờ, nếu ai đó hát sai dù chỉ một nửa tông trong một nốt nhạc là tôi phát giác ngay. Và cũng mãi sau này tôi mới biết đó là ca sĩ Thanh Tuyền.
Khi gia đình tạm ổn định, tôi bắt đầu đi học trung học trở lại. Năm 1965 tôi đang học lớp Đệ ngũ TH SC thì phải nghỉ học. Vì  giấy tờ thất lạc và tuổi đã lớn, tôi phải làm giấy tờ nhỏ tuổi lại mới đi học tiếp được. Từ đây, cứ mỗi mùa hè đến tôi lại phải chuyển trường và học nhảy lớp cho kịp thời gian.
Nhìn những cành phượng vỹ nở đỏ ối và tiếng ve rộn rã mỗi lúc hè về, tôi thấy thời gian qua nhanh quá. Theo lẽ tự nhiên, đứa con trai mới lớn trong tôi bắt đầu ý thức được sự chia ly của tuổi học trò. Những rung động đầu đời dần hình thành, một nỗi buồn vô cớ, man mác len nhẹ vào hồn qua những lần phượng nở:

“Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng
Biết ai còn nhớ đến ân tình không
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu
Những chiều hẹn nhau lúc đầu...
Giờ như nước trôi qua cầu...”(Nỗi buồn hoa phượng -Thanh Sơn)

Lời bài hát sao mà chứa chan tình cảm.  Hình như có một sự tiếc nuối đến nghẹn ngào. Dù tôi chưa từng hẹn hò với cô bạn học nào cả. Có chăng chỉ trong tâm tưởng. Tôi bắt đầu tập tành làm thơ  để tự thỏa những rung động trong lòng:
“...Sau mùa xuân,ấy là mùa hạ
Trời trong veo và nắng cháy da
Có hương sen nhẹ bay theo gió
Níu chân ai áo trắng học trò...”*
Mỗi đêm về trên căn gác nhỏ, tôi nghe tiếng gió thầm thì qua khung cửa sổ như những lời hẹn hò, những âu lo cho nhau. Chỉ chừng đó thôi, canh dài khắc khoải, những trăn trở hiện về. Tôi như lắng nghe tiếng thời gian ngừng chảy:
 Gĩa biệt bạn lòng ơi
Thôi nay xa cách rồi
Kỷ niệm mình xin nhớ mãi
Buồn riêng một mình ai...
Chờ mong từng đêm gối chiếc
Nỗi u hoài này ai có hay?...(NBHP- Thanh Sơn)

Niềm vui ngắn ngủi,nghe tiếng ve kêu sao mà buồn thảm.Từ trong thẳm sâu của ký ức,những nỗi nhớ nhung nhỏ nhoi,những lần hẹn hò tiếp nối hiện về.Biết nói với nhau điều gì dù sân trường giờ đây chỉ còn hai đứa:.
“...Tiếng ve nức nở chan chứa
Sân trường còn lại hai đứa
Cầm tay nhau nói nhiều cũng buồn....” (Thương ca mùa hạ- Thanh Sơn)

Thời gian dần trôi qua, tôi ngày một lớn, tình học trò tình như gió thoảng, như mây bay. Xốn xang chỉ riêng một góc trời nhỏ bé của mình. Để rồi mỗi lần vào  hạ, tiếng ve kêu cũng làm thức giấc bao mộng ước trong lòng, một thứ tình cảm mới mẻ nhẹ len vào hồn. Tôi vẫn không định hình được ấy là tình yêu hay là tình bạn:

Tuổi mười lăm
Với những nụ phượng hồng vừa hé
Bâng khuâng những dòng nhật ký
Viết cho nhau
Mơ hồ nghe những rung động ban đầu
Không hẳn chỉ là tình bạn
Để mỗi đêm hè tâm trí lại xôn xao...*
Vâng,ấy chỉ có thể là tình yêu của đôi trai gái, trong sáng và không một chút bận lòng về những bất trắc có thể xảy ra:
 “...Nếu ai đã từng rung cảm
Đôi lần nhặt màu hoa thắm
Lòng bâng khuâng biết mình đã yêu...”  (Thương ca mùa hạ_ Thanh Sơn)

Tình đầu đời của mỗi chúng ta sao đẹp quá, với những suy nghĩ vu vơ, những bàn tay vụng dại nắm lấy nhau run rẩy.Trước mắt tôi chỉ thấy màu xanh, màu của hy vọng chứa chan:
Tuổi mười tám
Tay vin cành phượng vỹ
Trao nhau nụ hôn đầu
Nghe lòng thấy lâng lâng
Tay cầm tay mong thời gian ngừng lại
Để trái tim non xao động... ngại ngần...*
Cả hai cùng đón nhận ân sủng của đất trời, không so đo, không toan tính. Trái tim chưa kịp lớn của tôi đập rộn ràng,những mong thời gian ngừng chảy. Đời học sinh sắp qua đi,đường đời muôn nẻo,biết ngày mai sẽ về đâu? Mùa hạ này cũng là mùa của chia ly lần cuối. Nhìn cành phượng đã nở rộ, lòng tôi trĩu nặng bao ân tình với những dòng lưu bút. Ngôi trường thân yêu, với tường rêu ngói đỏ của thời cắp sách:
“...Nhưng bao  nhiêu yêu dấu đã phai mờ
Thời gian đã vùi chôn tuổi học trò
Người em gái mến thương nơi chốn nào
Bao giờ mình gặp  nhau....” (Lưu bút ngày xanh- Thanh Sơn)

Để mỗi chiều hè, thơ thẩn trong sân trường cũ, nhặt  từng cánh phượng rơi mà tiếc nhớ những ngày qua, và   thấy lòng sao quạnh vắng:
“...Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương
Màu hoa phượng thắm như máu con tim
Mỗi lần hè sang... kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm “ (NBHP-Thanh Sơn)
 Từ giã tuổi học trò, những cánh chim bắt đầu tung cánh bay về muôn hướng, bỏ lại sau lưng (có thể nhớ, có thể quên) những ngày xưa thân ái. Tôi vào học ngành sư phạm,người xưa cũng đã chọn cho mình một hướng đi, cả hai cùng mong ngày tái ngộ để nối lại mối tình thơ.
Thời gian vẫn cứ trôi đều đặn, xuân sang hè đến. Dòng đời nghiệt ngã,chiến tranh ngày càng khốc liệt, chúng tôi lạc mất nhau vì nhiều lẽ. Lắm khi chợt giật mình nhớ đến mối tình thơ của tuổi học trò, không biết giờ đây, người xưa phiêu bạt nơi nào. Có còn lại chăng là những tiếc nhớ buồn thương của thời áo trắng:
Tuổi ba mươi
Hàng phượng buồn đu đưa theo gió nhẹ
Từng cánh phượng cuối mùa,
Rơi rụng... nhớ thời gian
Tiếng sáo diều vi  vu... hờ hững
Thời học sinh xa lắc...vọng buồn,*
Dòng sông qua bao nhiêu thác ghềnh vẫn chảy xuôi về biển,Cũng như dòng đời đôi khi vật vã, đôi lúc lặng yên trôi theo bóng thời gian. Thi thoảng vô tình, tôi bắt gặp lại những kỷ vật xưa, lòng chợt nghĩ sao ta quá vô tình, dẫu rằng bụi thời gian có thể đã phủ mờ bao kỷ niệm.
Tuổi bốn mươi
Lật từng trang lưu bút
Cánh phượng khô ép  giữ những vần thơ
Từng khuôn mặt thân quen
Lâu rồi quên liên lạc
Bụi thời gian
Phủ che bao hẹn ước... đợi chờ*
Bây giờ tuổi đã về chiều, bao mùa hoa phượng vẫn nở rồi tàn, bao lần tiếng ve râm ran rồi nín lặng. Tôi thầm trách mình sao ngày ấy ngu ngơ?. Sao dòng thời gian ta không buồn níu lại? Để dòng đời nghiệt ngã nổi trôi?
Tuổi xế chiều
Nhìn xác phượng tàn khô dưới nắng
Nghe đâu đây tiếng hát ngày xanh
Tiếng hát học trò
Một thời xa vắng
Vẫn vang lên khi phượng đỏ trên cành*

Chiều nay, nghe lại bản nhạc buồn năm nào mà đầu đời cảm nhận được,lòng chợt bồi hồi xúc động.Giọng nữ ca sỹ Thanh Tuyền vẫn như ngày xưa, trầm ấm, thiết tha. Có lẽ không ai thể hiện bài hát này thành công như chị, dù có qua bao nhiêu năm tháng. Xin cảm ơn nhạc sỹ Thanh Sơn, người nhạc sỹ tài hoa của tuổi học trò, lứa tuổi mà tất cả chúng ta ai cũng từng trải qua. Thời gian có thể phủ mờ tất cả, nhưng không thể xóa nhòa những rung động đầu đời của con tim một thời hoa niên,nhiều mộng mơ và tươi đẹp nhất.

*Thơ Những mùa hoa phượng – HKT

Sài Gòn tháng 5 năm 2013
Huỳnh Kim Thạch

Những Mùa Phượng Vỹ - Thơ - HKT-Bạn Của Nhị 6


HKT-Bạn Của Nhị 6 


Tuổi mười lăm
Với những nụ phượng hồng vừa hé 

Bâng khuâng những dòng nhật ký
Viết cho nhau
Mơ hồ nghe những rung động ban đầu 

Không hẳn chỉ là tình bạn
Để mỗi đêm hè
Tâm trí lại xôn xao...


Tuổi mười tám
Tay vin cành phượng vỹ
Trao nhau nụ hôn đầu
Nghe lòng thoáng lâng lâng
Tay cầm tay mong thời gian ngừng lại 

Để trái tim non xao động ...ngại ngần

Tuổi hai mươi
Cành phượng đà đỏ ối
Những lời hẹn hò cuống quýt sợ chia tay 

Sợ thời gian không bao giờ chờ đợi
Sợ giòng sông theo ngả rẽ dòng đời


Tuổi ba mươi
Hàng phượng buồn đu đưa theo gió nhẹ 

Từng cánh phượng cuối mùa
Rơi rụng nhớ thời gian
Tiếng sáo diều vi vu hờ hững
Thời học sinh xa lắc... vọng buồn


Tuổi bốn mươi
Lật từng trang lưu bút
Cánh phượng khô ép giữ những vần thơ
Từng khuôn mặt
...Lâu rồi quên liên lạc...
Bụi thời gian khuất che bao hẹn ước, đợi chờ


Tuổi về chiều
Nhìn xác phượng tàn khô dưới nắng 

Nghe đâu đây tiếng hát ngày xanh 
Tiếng hát học trò của thời xa vắng
Lại vang lên khi phượng đỏ trên cành...


Ai cũng sẽ có lần nhớ tuổi mười lăm

TRỞ LẠI CHỐN XƯA


                             Irene.
       
  Khi người ta vui, sung sướng hay xúc động...và khi mà tất cả những cảm xúc trong ta tràn dâng lên tới tột đỉnh thì không còn có ngôn từ nào mà diễn tả cho hết được.
         Thật vậy, chuyến trở về Qui Nhơn gặp lại bạn bè sau 40 năm xa cách. Đối với tôi, có lẻ đây là cuộc gặp mặt tuyệt vời nhất, có một không hai của một đời người và những lời viết của tôi bây giờ cũng không làm sao mà diễn đạt được hết niềm hạnh phúc trong tôi giây phút đó .
         Khi biết ngày về của tôi thì bạn tôi ngỏ ý muốn ra đón tại phi trường... nhưng tôi lại muốn một mình. Vì khi một mình, thì mình mới có thể cảm nhận được hết tất cả những suy nghĩ, những cảm giác trong lòng một cách đầy đủ mà không bị một tác động nào ảnh hưởng đến.
         Thế nhưng nhận hành lý xong bước ra khỏi...tôi lại mong có ai đó đón mình như mỗi lần trở về...lại mâu thuẫn nữa rồi! Tâm lý con người thật phức tạp, các bạn nhỉ?
         Bình Định trời nắng nhẹ. Theo chiếc xe car dọc theo Phù Cát-Gò Găng-An Nhơn-Tháp Bánh Ít-Tuy Phước...mọi nơi, chỗ nào cũng thân thuộc, cũng gần gũi đối với tôi.
         Xe dừng, tôi lặng người khi nhận ra Kim Loan trong đoàn người ra đón. Kim Loan từ Mỹ về...ngạc nhiên chưa! Từ Mỹ về mà đi đón người bạn ở trong nước. Tôi cảm động lắm! Kim Loan học lớp 5 khóa 11, không phải lớp của tôi. Thế nhưng khi nghe tôi rộn ràng chuyện họp lớp, bạn ấy cũng thu xếp công việc để trở về Việt Nam trong dịp này chung vui cùng với tôi.
         Hai đứa ôm choàng lấy nhau, 40 năm rồi mới gặp nhau, Loan theo về nhà. Trên xe, Loan gọi cho anh Cát Bá, thế là hai đứa tíu tít chuyện trò qua phone, Loan còn đùa để cho anh ấy tiếc nuối là không về trong đợt này.
         Tôi xuống 75 Tăng Bạt Hổ. Mỗi lần đi đâu xa khi trở về, tôi đều thích ghé lại nơi đây, để nghe lòng mình man mác nhớ về những kỷ niệm, về một nơi chốn mà tuổi thơ  đã sống êm đềm.
         Tôi và Loan thi nhau ‘tám” đủ chuyện. Hai đứa còn được cô cháu cho thưởng thức tô bún cá Qui Nhơn đậm đà rồi bánh hồng dừa đặc sản Bồng Sơn, kẹo đậu phụng quê hương...ăn xong, leo lên lầu nằm bên nhau nói tiếp mà vẫn không hết chuyện. Thỉnh thoảng chúng tôi bị cắt ngang bởi những cuộc điện thoại, đại loại:
         -Ren về chưa? Loan về chưa? Khỏe không? Hiện ở đâu? Chừng nào lên khách sạn ?..
       
Trong khi đó, các bạn Quảng Ngãi đã vào. Xe Huỳnh Kim Thạch cùng nhóm Long Khánh-Đồng Nai và xe của nhóm Phú Yên đang trên đường tiến vào Bình Định nhưng các bạn còn đi đến thắp nhang và thăm hỏi gia đình các bạn trong lớp đã vĩnh viễn ra đi. Sau này nghe các bạn kể lại rằng khi đến nhà bạn Duy Trinh thì mới biết gia cảnh bạn ấy thật đau lòng nên các bạn tự nguyện góp nhau lại để giúp đỡ cho vợ con bạn ấy. Các bạn còn ghé ra Bồng Sơn để thăm một bạn trong lớp bị bệnh nặng...Các bạn của tôi là thế đó, sống có tình có nghĩa với bạn bè nhất là những người đã khuất, những người bệnh tật, ốm đau hay những bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Ninh đến đón Loan và đem cho tôi hai cuốn truyện Quán Café Tulip và Như Những Giọt Sương của nhà văn Mang Viên Long (cũng là người anh đồng môn) gởi tặng tôi. Tôi thật cảm động trước món quà này.
         5giờ chiều các bạn đến đón tôi về khách sạn. Xe vừa dừng lại, tôi có cảm nhận rằng, từ bây giờ tôi bắt đầu được trở về lại chốn xưa, được sống lại những giây phút  mà cách đây 40 năm trước mình đã sống ở lứa tuổi hai mươi. Chúng tôi nhận phòng, ríu ra ríu rít xách hành lý vào phòng, râm ran nói chuyện, cười đùa không ngớt...Những căn phòng nam nữ chúng tôi ở sát nhau như những phòng nội trú Sư Phạm ngày nào. Phòng nào cũng rộn rã tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau...Xếp hàng tắm rửa chưa xong đã nghe tiếng gọi nhau í a í ới đi ăn tối, đi chơi, đi uống café...
         Các bạn trong phòng tôi rề rà thế nào mà khi ra khỏi phòng lại là những người cuối cùng. Bạn Trần Đình Tín đón và đưa chúng tôi đi ăn. Bản tính vẫn vậy! Rất chân chất, các bạn không chịu vào các nhà hàng sang trọng mà cứ đòi ra quán ”cóc” nhưng rồi cũng chìu theo ý người mời. Vừa ăn vừa hỏi thăm nhau... Tạo, Triên, Tú, Tượng đến rủ đi uống café Gia Nguyễn. Trong quán anh Lê Huy và Kim Loan cũng đang hội ngộ với nhóm Hương Xưa.
         Chúng tôi chọn ngồi ngoài trời. Thế là cả nhóm có một buổi tối êm đềm bên nhau...Tâm Thanh, Lệ Thu, Sen, Phước, Ánh Tuyết, Diệu Phương, Tỏi, Lan, Hiền Tuấn, Tín, Triên, Thu Tịnh, Tú, Tượng, Tình... Đêm Qui Nhơn như gần lại. Ngồi trong đêm nghe tiếng đàn, tiếng hát của Tượng sao mà nhẹ nhàng thân thương đến kỳ lạ! Bốn mươi năm trước vẫn thế! Bây giờ có phần chững hơn, điêu luyện hơn, ngọt ngào hơn, lên xuống trầm bỗng, cách nhả chữ bài bản, chuyên nghiệp hơn...  Hiệu Trưởng trường Văn hóa- Nghệ thuật có khác. Tôi có cảm giác như bạn ấy hát dành riêng cho bạn bè trong đêm nay. Tượng hát lôi cuốn đến nỗi các cô cậu tuổi teen ngồi uống café trong quán gần đó cũng im lặng lắng nghe...tiếng hát chấm dứt rồi mà vẫn còn bàng bạc đâu đây... yên lặng...rồi tiếng ai đó vói sang yêu cầu hát tiếp. Thời gian cứ trôi, và chúng tôi cứ muốn ngồi bên nhau như thế mãi. Sương đêm bắt đầu xuống lành lạnh. Không gian im ắng, quán vắng thưa người, đèn đường hiu hắt... chúng tôi mới ra về... vẫn lặng lẽ đi bên nhau, tiếng giày lạo xạo xuống mặt đường và bóng người đổ dài bên hè phố.
         Về phòng lại nói chuyện suốt đêm, giấc ngủ đến chập chờn...
Sáng sớm, Triên và Tín điện thoại rủ ăn sáng, uống café. Chúng tôi ghé đến Nhà hàng Hoàng Hậu xem sơ lại các khâu chuẩn bị lần cuối cùng và dặn dò đôi điều. Chúng tôi yên tâm, trở lại khách sạn cùng các bạn tập hát.
         Không khí tập văn nghệ chẳng khác khi xưa chút nào. Cũng bao nhiêu khuôn mặt đó, cũng chăm chú theo sự hướng dẫn của Ngọc Tượng. Bốn mươi năm trước vẫn vậy và bây giờ vẫn thế! Hát vào nhịp tùy tiện, lên xuống cao thấp tùy hứng...Thôi kệ, ngày hôm nay tất cả đã là sáu mươi thì hát là cho vui mà, đâu có thi cử gì mà lo, miễn sao tất cả chúng tôi tìm lại được cái không khí ngày nào.
         Tôi nhìn từng khuôn mặt sao mà thân thương đến thế! Chị Tỏi nông dân, Tâm Thanh thương gia, Ánh Tuyết, Sen giáo viên về hưu, Diệu Phương cô giáo, Như Tiến, Thủ Tịnh hiệu trưởng, Triên giám đốc Thủy lợi, Đình Tín chủ tiệm vàng, Thu Tịnh chuyên viên phòng Giáo dục, Sĩ Tạo chủ tiệm khung ảnh, Tự Tín giáo viên dạy nhạc, Ngọc Tượng hiệu trưởng kiêm nhạc sĩ... Thế nhưng hôm nay, không cần biết bạn làm gì trong xã hội? Chỉ biết chúng ta là bạn bè. Đến với nhau bằng tấm lòng. Và ngày hôm nay, tất cả hầu như bỏ lại sau lưng mọi công việc hằng ngày, để mà quay trở lại sống với ngày xưa, vẫn vô tư, trẻ trung, hồn nhiên đùa giỡn với nhau như một thưở nào.

         Trưa hôm đó, chẳng ai chịu đi ăn nên cùng nhau ăn cơm hộp. Chẳng ai yên ổn tâm hồn để mà nghỉ trưa...tất cả đều chờ đến giây phút họp mặt! Chưa đến giờ mà tất cả chúng tôi ra khỏi khách sạn, chỉ một khoảng đường ngắn là đến nơi ...
         Nữ thướt tha với những chiếc áo dài. Nam áo sơ mi cà vạt...Trên cổ áo mang những sợi dây đeo họ và tên mà bạn Lê tự Tín đã cất công làm cho mỗi người trong ngày về vì sợ rằng có người không nhận ra nhau.

         Tôi nhìn thật kỹ từng khuôn mặt với những nét rất gần gũi, thân thương. Ánh mắt chúng tôi nhìn nhau chan chứa thâm tình. Miệng luôn nở nụ cười thương yêu. Thoáng thấy Công Tình ngồi một mình, tôi đến gần bên, đưa tay ra :
         -Tình phải không? Mới đến hả? Ra chụp với mình một tấm hình, bốn chục năm, trông bạn vẫn vậy.
         Công Tình vui mừng đứng dậy, cầm lấy tay tôi, bên tôi, trước các máy ảnh...
         Một số các bạn nam hớn hở bước đến, đi bên cạnh là những người vợ xinh xắn...các bạn ấy muốn giới thiệu với người bạn đời niềm tự hào về bạn bè lớp 6 của mình hay chia xẻ những khoảnh khắc niềm vui đáng nhớ trong ngày hạnh ngộ...

         Chiều Ghềnh Ráng nắng dịu, những hàng cây xanh tươi rì rào cùng với gió. Ngoài kia, biển vẫn mang một màu xanh lục hiền hòa. Trong căn phòng họp mặt, tất cả chúng tôi choáng ngợp trước sự có mặt đông đủ quây quần của các bạn, bồi hồi trong tình cảm dành cho nhau quá đỗi chân tình...có người ngồi lặng yên để nghe lòng rưng rưng... có người lại nghẹn ngào xúc động... người muốn nói... người muốn bộc bạch...có người lại muốn hét to lên...muốn hát vang...có một vài người không chịu nỗi đẩy cửa bước ra ngoài châm điếu thuốc, khói thuốc hay lòng mình đang bay bổng, chơi vơi... tôi bước đến bên bạn Đỗ Thanh Tùng người bạn sau 75 lui về quê ẩn dật tu hành:
         -Vui quá! R ơi, tất cả các bạn như trẻ lại tuổi hai mươi còn riêng Tùng như trở lại tuổi mười mấy...
         Tôi mỉm cười, bạn ấy cũng cười với nụ cười hiền hậu của một nhà tu hành.
         Bạn Trịnh Công Tùng ở Mỹ cũng thao thức không ngủ gọi phone tha thiết nói vài lời với bạn bè cả lớp.
         Tất cả chúng tôi rất tự nhiên biểu lộ cảm xúc. Bởi vì khi mà hạnh phúc đến một cách đích thực không ai có thể kềm nén lại được...
         Tôi, Sĩ Tạo, Kim Thạch, Diệu Phương, Hiền Tuấn, Ngọc Tượng, Tự Tín, Thu Tịnh, Văn Tạo, Văn Thái... Có lẻ chỉ có Ngọc Tượng là giọng ca chuyên nghiệp còn tất cả chúng tôi hát theo cảm xúc! Giọng ca sáu mươi sao bằng lúc hai mươi về âm vực hay trường độ nhưng sâu lắng, cảm xúc thì có thừa. Hát như chưa bao giờ được hát. Hát như trải lòng, hát để trút hết nỗi niềm sau gần bốn mươi năm dồn nén...
         Anh Vũ Hải Châu rất tha thiết trong bài Trả Nợ Tình Xa làm cho các bạn tôi lặng yên theo từng lời anh hát.
         Rất vui trong buổi họp mặt là sự xuất hiện Bạn của Nhị sáu đó là Huỳnh Kim Thạch, một người bạn nhiệt tình vì lớp 6 và lúc nào cũng thích vui cười.
         Thu Tịnh MC với chương trình chuẩn bị bài bản soạn trước cả tháng. Thế nhưng  điều khiển được lúc đầu còn lúc sau vui quá! Bốc quá! Phiêu quá! Như đi trên mây nên thích gì làm nấy...

         Sau này khi gặp lại anh Vũ Hải Châu, một trong những khách mời, chúng tôi hỏi cảm nhận của anh về cuộc họp mặt lớp 6. Anh cười và nói:
         -Rất ngẫu hứng! Rất tự nhiên! Và nhờ thế... nên...Rất dễ thương!
         Trong cuộc sống vô thường, trong kiếp người hữu hạn! Ta còn lại gì nhiều với nhau đâu? Gặp nhau đây rồi biết khi ”mô” gặp lại? Vì thế, trong giây phút hội ngộ này, chẳng còn nghĩ gì về quá khứ hay tương lai. Chỉ có hiện tại và hiện tại... Thấy vui cứ vui, muốn nói cứ nói, thích đùa cứ đùa...Cảm nhận thế nào thì hãy sống cho thật sự! Hãy sống hết mình! Không giữ kẻ, không ngại ngần, không lo lắng... và sống trọn vẹn cho tình bạn giây phút này...
         Qui luật vẫn là qui luật...rồi phải chia tay. Quyến luyến hay bịn rịn! Bắt tay nhau, ôm nhau hay hôn nhau...mắt nhìn nhau nhưng không muốn rời...tay sắp xa nhưng tim không xa...Cố níu kéo nhưng  cũng phải đến lúc tạm biệt nhau thôi!
         Huỳnh Kim Thạch, Lan, Anh Ninh, Kim Loan, Diệu Phương, chị Tỏi và tôi... những người rời Qui Nhơn cuối cùng. Đáng lẽ ra theo kế hoạch là sau hôm họp mặt, chúng tôi trở lại thăm trường xưa nhưng vì các bạn không nở rời nhau nên cứ bịn rịn hoài. Vì thế, không còn thời gian nữa...và rồi chỉ có nhóm tôi là trở lại thăm trường...
         Bước vào cổng trường Sư Phạm, đầu tiên là tiếng ve kêu râm ran như gợi nhớ mùa hè năm xưa...cây hoa giấy xưa nay đã thành từng vòm trên cao, những cội hoa sứ, những cội dương già...hành lang vẫn hun hút dẫn về khu nội trú hay những bậc thang bước lên các lớp học...công viên ghế đá xanh tươi hơn. Dãy phòng học vẫn vậy, cửa ra vào, khung cửa sổ vẫn thế tuy rằng bàn ghế có thay đổi một chút...chúng tôi vẫn tìm thấy được hình bóng mình và bạn bè ngày xưa thấp thoáng đâu đây

         Rồi mai này, khi trở về nhà, một lúc nào đó chợt nhớ đến nhau, thì hãy mở Kỷ Yếu Để Nhớ Một Thời hay cuốn DVD Chúc mừng Ngày Họp Mặt Lớp 6 khóa 11-Trường Sư Phạm Quy Nhơn (1972-1974)-Ngày 27/7/2013 hoặc vào Google xem trang Blog Gia Đình Nhị 6 hay cuộc họp lớp và đó cũng là một trong những niềm vui lớn nhất làm cho mình thấy gần bên bạn bè hay tâm hồn chợt nhẹ nhàng trong những ngày xế  chiều còn lại này.
         Năm 2014 sắp đến, cũng là năm kỷ niệm 40 năm ngày ra trường của khóa 11. Điều mong muốn của tất cả 10 lớp của khóa chúng tôi là sẽ trở về bên nhau, để sống lại những giây phút ngày nào như trong đêm mãn khóa 1974 tại công viên trường. Muốn được như vậy, tất cả khóa chúng tôi đang đồng lòng quyết tâm theo lời thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫn dặn dò:
         ...Cuộc đời là một đi tìm để được gặp, và trên hành trình tìm gặp đó, hành trang của chúng ta phải đủ nhưng đơn giản, trút bỏ những giận ghét vẩn vơ, những bận tâm vô ích, những so đo nặng nề để được nhẹ nhàng như cánh diều nương gió lên cao.

Sài Gòn, tháng tám,2013.
Irene.

















THƯ MỜI HỌP MẶT


THƯ MỜI HỌP MẶT
( lần thứ 14 )
CGS KHOÁ 8
SƯ PHẠM QUY NHƠN
BAN LIÊN LẠC K8 SƯ PHẠM QUY NHƠN
Tại thành phố Hồ Chí Minh 
KÍNH MỜI
- Quý thầy cô
 
- Bạn bè đồng môn
 
- Anh Chị Em K8 SPQN
Vui lòng đến tham dự buổi họp mặt K8 tại
NHÀ HÀNG TRẦU CAU
Số 298 Nguyễn Văn Đậu, phường 11, Quận Bình Thạnh, tp Hồ Chí Minh
Đt : 08 3806 0139
Vào lúc 15 giờ 00 ngày 18 tháng 8 năm 2013
Tm BLL K8

Nguyễn Quang Vinh : 0903922770
Nguyễn Chí Hải : 0905 924 689

Nội Dung
15h – 16h30 : Giao lưu (cafe)
16h30 – 18h00: Họp mặt
-  Thông qua nội dung buổi họp mặt
-  Giới thiệu thành phần tham dự
-  Tặng hoa thầy cô
-  Trao đổi vui buồn cùng nhau
-  Dự tiệc theo thực đơn nhà hàng
-  Văn nghệ , chụp hình lưu niệm
-  Bầu BLL mới, công khai tài chánh
-  Dây thân ái

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...