Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Thư của Thầy Trần Văn Mẫn gởi anh Nguyễn Dũ.

BBT: Được phép của anh N.Dũ, SPQN xin đánh máy lại thư tay của thầy Mẫn vùa gởi cho anh Dũ; Thiết nghĩ tấm lòng của thầy Hiệu trưởng Trần Văn Mẫn đối với anh Dũ cũng là tấm lòng đối với toàn anh chị em Giáo sinh chúng ta nên xin được đăng thư này để tất cả chúng ta cùng chia xẻ.


Garden  Grove, Fabruary 7 / 2012

Dũ thân mến,

Nhà tôi và tôi có lời mến thăm Dũ và Hiền (tôi nhớ tên cô Hiền, không biết có đúng không?)(*) được bình an, gặp nhiều điều vui luôn.
Chúng tôi có lời kính chúc các bác luôn được vạn sự an lành.
Chắc Dũ đã nhận thư tôi gởi trả lời thư Dũ gởi tháng 11/2011, trong đó tôi có nhờ Dũ cho tôi địa chỉ của anh Phan Thâm ở Qui Nhơn, mong Dũ sớm gởi sang cho tôi nhé! Tôi muốn liên hệ với anh Thâm vì được biết anh ấy có nhã ý thăm hỏi và luôn tỏ ra thân tình với chúng tôi khi chúng tôi còn ở VN. Cũng như đối với Dũ tôi luôn có lòng biết ơn Dũ đã luôn có thịnh tình với chúng tôi lúc ở Qui Nhơn cũng như ở Sài Gòn.
Những hình ảnh – những hàng thông trầm lặng – và âm thanh – nghe mỗi khi đêm xuống từ lòng đại dương sóng xa vọng lại – như thì thầm nhắc lại bao kỷ niệm vui buồn chúng ta đã có với nhau nơi trường cũ! “Câu chuyện nên quen, chuyến đò nên nghĩa”: chúng ta đã cùng nhau đi chung một chuyến đò dài, sao chẳng giữ được trong lòng nhau bao thương nhớ bâng khuâng, ưu tư vời vợi… phải không Dũ thân mến! Chúng tôi cầu chúc anh chị Dũ gặp nhiều niềm vui trong đời, những niềm vui sâu xa từ trong lòng mà có, hơn là từ bên ngoài mà nên. Giây phút chia ly nào chẳng đượm buồn và đó cũng là thân phận con người trên cõi thế; và ly hợp cũng là lẽ thường của cuộc sống, miễn sao trong xa cách mà vẫn không cách xa và miễn sao mỗi đổi thay đều mang mãi một chiều hướng, hay nói cách khác là trong tất cả lòng ta vẫn thủy chung, phải không Dũ? Tôi biết chắc những lời tôi nhắc ở đây trong “Câu chuyện lửa tàn” Dũ đã nhẩm thuộc lòng vì tôi nhận ra được rằng Dũ đã rất cảm thông những điều tôi đã phát biểu tự đáy lòng với các thính giả, trong đó có Dũ nữa đấy, phải không Dũ?!
Trên vạn nẻo đường đời, những hình ảnh và âm thanh mà tôi đã nhắc đến trên kia sẽ còn ít nhiều đậm nét vấn vương bên lòng chúng ta chứ không đến nỗi tàn phai như những vang bóng một thời bị chìm quên vào quá vãng! Cả Dũ và tôi hãy thỉnh thoảng nhớ đến trường cũ, và nhất là nhớ đến nhau, thương mến nhau trên những bước đường đời.
Năm nay tôi đã ngoài tám mươi nhưng vẫn còn nhớ trường xưa, nhớ hai nội trú trong đó có nội trú nam nơi Dũ là quản đốc…
Nay chuyến đò chung đã đến lúc rẽ bến, mỗi lữ khách phải rời đò để đi tiếp lộ trình còn dài… chặng đường sẽ vắng vẻ hơn, và lữ khách sẽ cảm thấy thấm thía nỗi cô đơn trên đường đời… nhưng cô đơn mà đừng cô độc; trong cô đơn ta gặp được mình, ta gặp được người, và ta gặp được trời… Muốn vậy chúng ta hãy luôn nhớ đến nhau, thương mến nhau trên những bước đường đời…
Trời lạnh và tay cứng nên nét chữ khó đọc, tôi tạm dừng nơi đây để mai ngày sẽ còn nói với nhau nhiều nữa. Dũ biết đấy! những dòng chữ trong “Câu chuyện lửa tàn” tôi đã nói lên sau nhiều năm sống với ACE giáo sinh, sau cả 3 năm trau dồi triết lý ở ĐHSP và 2 năm ở một Đại chủng viện nơi đào tạo các linh mục, cùng những năm đại học ở nước ngoài mới giúp tôi nói lên được những ý tôi đã nói với các thính giả thân thương trong “Câu chuyện lửa tàn”, những ý chân tình đó tôi vẫn ấp ủ trong lòng cũng như tôi vừa nói với Dũ bây giờ… Thôi nhé, thư vắn tình dài. Trời lạnh, ngón tay viết chữ nghuệch ngoạc, tôi tạm dừng bút. Thân ái chào tạm biệt, hẹn thư sau!
                                                                                          Mẫn

Tái bút: Dũ cho tôi có lời mến thăm ACE cựu giáo sinh SPQN, những người tôi rất thân thương! Ở đây ACE hội ái hữu SPQN hải ngoại cũng tỏ ra rất thân mến nhau, thân mến Thầy xưa, nghĩa cũ.
Tôi nghĩ sự liên hệ cộng tác với cô Nguyễn Thị Nghĩa, hội trượng hội Ái hữu SPQN hải ngoại là cơ hội rất thuận tiện cho tiến trình phát triển 2 hội ái hữu: 1 ở quốc nội và 1 ở hải ngoại.
Mong anh Nguyễn Dũ và chị Nguyễn Thị Nghĩa xúc tiến việc gặp gỡ, bàn bạc với nhau sớm!

(*) Thầy Mẫn nhầm, thực ra là Cô Hằng. (chú thích của BBT)

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Về tấm bằng "Chứng chỉ khả năng sư phạm"


                                    Chứng chỉ khả năng sư phạm
                             Cấp học :  giáo  học  bổ   túc

          Tấm văn bằng duy nhất của Tôi cho đến nay, chứng minh rằng tôi có học để dạy  tiểu học . Mặc dầu muốn học lên cao, nhưng không toại nguyện!
          Đầu tiên Tôi xin bàn đến từ “ chứng chỉ ”. Miền Nam trước năm 1975, tất cả văn bằng đều ghi là chứng chỉ ( chứng chỉ tú tài 1, chứng chỉ tú tài 2, chứng chỉ khả năng sư phạm …). Nay chứng chỉ là giấy chứng nhận khóa học ngắn ngày ( chứng chỉ  A tin học, chứng chỉ A anh văn …), còn khóa học đào tạo lâu ngày , ra trường cấp văn bằng tốt nghiệp. Với cái tên gọi khác nhau đó mà Tôi không được dự thi tốt nghiệp đại học, khoa cử nhân tiểu học, hệ từ xa, do trường ĐHSP Hà Nội tổ chức. Sau 5 năm học, trường cấp cho Tôi giấy chứng nhận học xong chương trình đại học ( không chuyển ngạch được ) với lí do : văn bằng của tôi là chứng chỉ? .
          Tiếp đến xin bàn đến từ “ bổ túc ”. Không hiểu từ giáo học bổ túc để phân biệt với cấp học sư phạm nào trước đây ở miền Nam? Nhưng nay bổ túc được xem như là học không chính qui, có nghĩa là học không bài bản, không đủ các môn, giúp cho ai không học được chính qui , học để hợp thức hóa …Nên cái chứng chỉ khả năng sư phạm cấp học giáo học bổ túc của tôi, về mặt từ ngữ sử dụng hiện tại là không giống ai! Nhưng sao tôi yêu quí nó, Tôi trân trọng nó, muốn được nó ngoài 12 năm học cật lực ở phổ thông, còn 2 năm  đèn sách tại trường Sư Phạm Qui Nhơn  thì, là, mà, rằng, khó khỏi phải nói! phải không các bạn đồng môn.
          Xin cảm ơn ngàn lần các Thầy, Cô  trường Sư Phạm Qui Nhơn đã dạy chúng em , cả về nhân cách, về nghiệp vụ sư phạm, nghiệp vụ quản lí, về lí tưởng sống... về tất cả … Xin các Thầy yên tâm, chúng em đã thực hiện tốt những điều các Thầy đã dạy. 

Sáng 23 tháng 2 năm 2012.
Võ Thủ Tịnh 

HÃY NHỚ VỀ NHAU.

                                    Irene.

          Có những bài hát khi giai điệu vang lên làm cho ta nhớ quay quắt về một nơi chốn hay một kỉ niệm nào đó của một thời dấu yêu.
          “…Xin cảm ơn thành phố có em, xin cảm ơn một mái tóc mềm. Mai xa lắc bên đồn biên giới. Còn một chút gì để nhớ để thương.”
          Còn một chút gì để nhớ để thương hay còn chăng là những kỉ niệm đẹp và trân quí của một thời là giáo sinh Sư phạm Qui Nhơn.

          Năm 1973, tôi học năm hai trường Sư Phạm. Qua một năm học, trong lớp, chúng tôi trở nên thân thiết và gắn bó với nhau hơn. Tuy rằng  chúng tôi từ khắp mọi nơi hội tụ về đây  : Quảng Tín, Quảng Ngãi đến Bình Định, Tuy Hòa, Khánh Hòa hay Pleiku...
          Hai năm học trôi qua nhanh. Giờ đây, chỉ còn lại một thời gian ngắn thôi vì chẳng còn bao lâu nữa chúng tôi phải chia tay nhau sau đợt thực tập và thi ra trường. Rồi đây nhiệm sở của chúng tôi là đi khắp miền Trung. Biết ai sẽ đi về đâu? Chốn nào? Hai năm học chung với nhau đã để lại trong lòng mỗi người  biết bao nhiêu kỉ niệm đáng nhớ : Một lớp trưởng Đào Văn Tuấn đạo mạo và trách nhiệm, Lê Xuân Thanh lúc nào cũng bận rộn công việc Ban Xã Hội, Nguyễn Sĩ Tạo nhiệt tình với ban Văn Nghệ. Huỳnh Ngọc Tượng rất nghệ sĩ với cây đàn guitar đầy ấn tượng cất cao giọng hát : “ …Anh yêu em anh yêu em như rừng yêu thú dữ. Anh yêu em anh yêu em như tình cây với gió. Anh yêu em không còn chi nói nữa. Biết nói gì đã yêu rồi, biết nói gì em ơi…( Yêu em vào cõi chết-Phạm Duy) ” làm cả lớp sôi động hẳn. Tất cả các bạn nam đồng loạt cùng đứng lên hát vang…

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...