Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Thơ - Hương Diễm - MỘT THỜI KÝ TÚC XÁ

     
                          (Tặng các cựu Gs K5 SPQN)

                       Chỉ còn một nỗi nhớ xa xôi
                       Phòng trống vắng không ai về nữa
                       Những người đi vô tình quên khép cửa
                       Để gió lùa hơi ấm bay đi

                       Bóng đèn mờ thao thức mỗi mùa thi
                       Đã thôi thắp những đêm dài khát vọng
                       Bạn bè cũ bây giờ xa xôi lắm
                       Mỗi một người là một mảnh đời riêng

                       Chính nơi này bồi đắp niềm tin
                       Bài thơ viết từ tầng cao túc xá
                       Thời giáo sinh ra đi cùng mùa hạ
                       Ai về thăm không nhớ lại một thời !

                       Ký túc xá kỷ niệm hai năm trời
                       Căn phòng nhỏ nhốt buồn vui cuộc sống
                       Giờ không còn tiếng đùa vui áo trắng
                       Chợt nghe lòng trống vắng đến mênh mông...

                                                                   Hương Diễm - K5

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Xung quanh bạn bè khóa 11.

                           Irene,

Tác giả đang "phỏng vấn" thầy Hiệu trưởng Việt (nhị 7 K11)
          Chiếc xe taxi chạy chầm chậm, chầm chậm rồi dừng lại trước nhà hàng “Tràng Thi”. Tôi bước xuống xe thì đã thấy Thanh Cảm đứng chờ tôi ở đó tự bao giờ.
                             -  Chờ mình lâu chưa? Tôi mỉm cười hỏi bạn.
                             -  Mình cũng vừa mới đến. Thanh Cảm khoác tay tôi vừa đi vừa nói. Hai đứa nhìn xung quanh rồi đẩy cửa bước vào. Cậu phục vụ nhà hàng nhanh nhẩu :
                 -  Mời hai cô vào bên trong.
Chiếc bàn nằm trong một chỗ khuất yên tĩnh và riêng biệt.
Trông thấy tôi và Cảm, các bạn đã tươi cười. Chúc nhị 2, Lan, Lượng nhị 4, Cảm nhị 1, tôi nhị 6.
          À! còn một người từ phương xa mới về, đó là Trần Đại nhị 2. Tôi ngồi xuống ghế nhìn người bạn cùng khóa mười một. Bao nhiêu năm rồi không gặp.
          Tôi biết Đại từ lúc còn học trong trường Sư Phạm bởi cái dáng cao và khuôn mặt có vẻ “Tây” nhưng chúng tôi không quen nhau vì thời đó chúng tôi còn ngại ngùng e ấp với nhau lắm!
          Thời gian làm mất đi nét trẻ trên khuôn mặt của một thời nào ở tuồi hai mươi.
          Đại đứng dậy bắt tay chào Thanh Cảm và tôi :
-                     Bao nhiêu năm mới gặp lại Cảm! Hình như từ lúc bọn mình ra trường đến giờ? Đại nói với Cảm.
-                     Cũng hơn ba mươi mấy năm từ năm 1974. Cảm vừa nói vừa cau mày như lục lại trí nhớ.
          Quay sang tôi. Đại nói :
-                     Sau 75, mình có gặp lại Ren, thời gian mình dạy ở Qui Nhơn đó.
          Nghe Đại gợi làm tôi nhớ lại :
          Sau 75, tôi trở về lại Qui Nhơn, đi dạy trường Ấu Triệu. Một hôm Đại đến nhà tôi. Tôi thấy trên tay anh cầm một phong thư, Đại ngập ngừng một hồi lâu, nói không liền mạch …rồi trao phong thư cho tôi. Thì ra anh đưa dùm thư một người bạn gởi cho tôi, thế mà tôi cứ ngỡ…
          Hôm sau Đại lại đến bảo tôi trả lời cho anh bạn của Đại biết! Tôi nghĩ : - Trả lời gì bây giờ? Khi tôi chưa quen biết gì nhiều về anh bạn gởi thư? Chưa quen mà đã đề cập chuyện “trăm năm” mới chết chơ!  Nhưng rồi tôi cũng nói với Đại để hẹn gặp anh ấy. Cuối cùng lấy hết sức “bình sinh” moi hết trong trí, mới tìm được một câu mà lúc bấy giờ tôi cho là tế nhị và hay nhất! Tôi trả lời: “Nhìn thấy một ngôi nhà đầy tuyết phủ, đừng nghĩ rằng bên trong không có lò sưởi” Thế là tôi thoát mà không làm mất lòng ai. Bây giờ nghĩ lại thấy thời trẻ thật là ngộ và cũng vui vui…
-                     Sao có gì mà suy tư thế bạn? Chúc quay sang hỏi.
-                     Ồ! Thấy Đại mình bỗng nhớ lại chuyện ngày xưa…
Tôi kể lại cho các bạn nghe, ai cũng bật cười.
Lượng nói : - Không ai như Trần Đại, đưa thư mình không chịu đưa mà đưa thư cho ai, ngộ ghê!
          Đại cười, nụ cười thật hiền như hồi nào.
          Chúng mình hỏi thăm nhau, nói chuyện rôm rả.
          Bỗng xuất hiện thêm anh Nguyễn Ngọc Việt nhị 7. Thật sự mà nói, lúc mới vào học năm thứ nhất Sư Phạm, tôi ghét anh chàng này lắm! Vì ngày nào gặp tôi, anh cũng trêu một vài câu. Lúc đó tôi giận lắm! Nhưng sau bao nhiêu năm, bây giờ nghĩ lại thấy giây phút đó dễ thương vô cùng. Cũng vì anh chàng này nên tôi mới có cảm xúc để viết “Một thoáng hương xưa”.
           Việt vừa ngồi xuống ghế là tôi hỏi liền :
-                     Nè, anh Hiệu trưởng! Mấy bữa nay anh làm gì mà bận bịu thế! không thấy tăm hơi anh đâu hết?
-                     Ồ! Mình bận lắm!
-                     Làm hiệu trưởng có phải lên lớp đâu mà bận? Tôi vặn lại.
          Việt cười cười:
-                     Ngày nào cũng bận viết báo cáo. Ôi thôi! đủ thứ công văn.
          Lượng xen vào :
-                     Nó bận lắm Ren ơi! Chung quanh nó còn có biết bao nhiêu cô giáo trẻ phải dự giờ thăm lớp.
Việt xua tay : - Bậy nào! Mình bận thiệt đó.
Tôi quay sang Việt bắt đầu “phỏng vấn chuyện tình thời xa xưa.”
          Thấy không khí trong bàn tiệc bắt đầu riêng lẻ. Chúc nhắc nhở :
-                     Mình xin lỗi! Bây giờ chúng ta gác lại chuyện riêng tư mà nên nói chuyện chung vì ít khi chúng ta gặp nhau như thế này.
          Chúng mình thấy Chúc nói có lý nên tất cả mọi người trở về “câu chuyện của bàn tiệc”.
-                     Hôm nay chúng mình mời toàn “các em chân dài” về dự tiệc. Chúc cười cười tuyên bố lý do.
          Tôi chẳng hiểu gì cả? Thấy mặt tôi ngố ra Lan nói nhỏ với tôi : - Chúc muốn nói đến ba đứa mình là “chân dài” đó. Vào thời đó, con gái cao một mét sáu trở lên, rất hiếm!
Rồi bao nhiêu kỉ niệm của một thời cứ hiện lên: Thanh Cảm, một giọng hát ngày nào, một người đẹp cầm bảng tên trường trong những cuộc diễu hành. Lan có giọng Bắc dễ thương trong ban văn nghệ của trường và sau này khi vào Sài Gòn một thời làm thuyết minh cho các bộ phim. Chúc thôi khỏi phải nói! hơi “đa tài”; một thời là xướng ngôn viên của Đài truyền thanh và truyền hình Bình Định. Hát hay! Có óc “thẩm mĩ” nên trang SPQN ngày một đẹp thêm… Lượng hát hay, đàn giỏi trưởng ban Văn nghệ nhị 4, anh bạn này còn chuyên nghiên cứu về những câu chuyện “từ cổ chí kim” rất phong phú! Việt đang là hiệu trưởng một trường, nghe chức vụ là biết giỏi rồi!  Đại thì nhiệt tình, rất tốt với bạn bè, sống hòa đồng, có trước có sau nên ai cũng mến! Còn tôi thì chẳng có gì nỗi trội! Chỉ muốn khen các bạn mình thôi.
 À! Mà phải rồi! Mình khen bạn mình, chứ có khen ai đâu mà sợ! Phải không các bạn? 
                                                        Sài Gòn, cuối tháng 10/2011
                                                                         Irene.

SPQN: hình ảnh trong bài được chụp bằng Đ. Thoại nên chất lượng không cao, xin thông cảm...

Châu thị Thanh Cảm (nhị 1 K11) và Trần Đại (nhị 2 K11)

Nguyễn Thị Lan (nhị 4 K11) và Thanh Cảm

Trần Đức Lượng (nhị 4 K11) và Nguyễn Ngọc Việt (nhị 7 K11)

Trần Đại và Trần Đức Lượng

Nguyễn Ngoc Việt và Trần Thị Ren (nhị 6 K11)

Đại và Lượng

Ren và Lan

Lan và Thanh Cảm

Thơ - Bạch Xuân Lộc - Biển say


Đợi chờ chi em ơi!
Đời ta một cánh chim,
trong hải hà vô định,
dấu một người trong tim.

Lửa hồng kia hoang đảo!
Nơi đã từng ghé thăm,
nghe quen rồi sóng nhạc,
gợi buồn về xa xăm.

Ta đi tìm định số!
Phận làm người tối tăm,
vả chăng đời tẻ nhạt,
là vết buồn trăm năm.

Thôi đã lỡ rong chơi!
Cho quên đi một đời,
cùng bên mình chén đắng,
ngây ngất sầu đầy vơi.

Đợi chờ chi em ơi!
Đã là cánh chim trời,
Quê mẹ là biển khơi,
Bão táp đau lòng tôi.


Melb 19/10/2011

Vài hình ảnh xưa của Khóa 4 - Nguyễn Thọ, Nha Trang

Mộ Hàn Mặc Tử  ( 1965 )
Trường xưa k4
Cù lao xanh  ( 1965 )

Lớp xưa k4

Sân Tu Viện Nguyên Thiều  ( 1965 )

Con đường đất trước trường ( 1965 ) nay là đường An Dương Vương

Thơ - Đan Thanh K4 - Một thời để nhớ để quên


Hình được gởi về từ anh Nguyễn Thọ K4, Nha Trang
Một trời xanh ngát như thơ
Một  Hàn Mặc Tử bên bờ biển xưa
Gió xô nghiêng bóng hàng dừa
Dấu chân bối rối sóng đùa quạnh hiu
Em về còn lại cô liêu
Đá Ghềnh Ráng cũng tiêu điều buồn tênh
Một thời để nhớ,để quên
Một  thời để nặng lòng anh suốt đời
                         ĐAN THANH (khoá 4)
LỜI ĐÁ
Nắng nghiêng trên những vạt đá nhấp nhô để lại mảng sáng trên biển
Những đợt sóng vãi tung bọt nước vào buổi nhiều—không hẳn là tiêu sơ cô tịch,cũng không hẳn là mặn mà nồng nàn—
Vệt nắng còn sót lại thắp sáng chiếc khăn của bức tượng Đức mẹ trên mộ Hàn Mặc Tử như một đốm lửa rọi vào hoàng hôn Ghềnh Ráng
Một  khoảnh khắc say mê thanh thoát giữa vô số khối đá và hoang vu mặt biển
Trong cơ man những tảng đá hiền lành nhút nhát bỗng hiện lên một khối nặng nề  mạnh mẽ với gam tối đã vạch khoảng cách không gian của phố phường bên kia va sự cô tịch bên này
Một chia cắt có vẻ mơ hồ nhưng sâu lắng
Và gió.Gió đã nổi.Không gian của gió
Gió thẩn thờ.Gió xao xác.Gió cuồng nộ.Gió tức tối vì chẳng thể đe doạ những mô,những mảng đá nghìn năm kia
Có tiếng vỗ cánh của một con chim bay về phía chốn xa.Chiều tàn.
Sương mù va mây đã giăng thành một chân trời màu xám bạc rồi thẫm lại trong hoàng hôn.
Phía xa,trăng đã lên,mảnh trăng non yếu ớt,nhẹ tênh xanh lướt làm dịu lại những nét thô của ghềnh đá
Mặt đá bắt đầu ẩm ướt.Đá phả vào không gian một nỗi buồn mênh mang
Hồn đá rã rượi sau một ngày thách thức với mặt trời nghiệt ngã
Đá rì rầm.Đá thao thức.Lời đá vừa nồng nàn chan chứa vừa chân thật hồn nhiên
Đá chỉ có thuỷ chung không phản trắc
Đá cho sự bình yên không thù hận.
Những mắt đá âu yếm cho mầm non trong khe nhỏ nhú lên xanh ngắt bất ngờ.
Những mắt đá bao dung cho biển xanh muôn thủa.
Bởi đá không hận thù,toan tính nên mầm cứ rạo rực sức sống va biển cứ hát lời xanh biếc trong veo
Nếu có một ngày những con mắt đá bạc tình thì biển sẽ thôi xanh và mầm sẽ chết yểu
Đá thuỷ chung dõi theo trăng lãng du va mây lang thang
Lời ca nồng nàn mượt mà cất lên từ đá tần ngần trên ghềnh xưa và trên mặt biển hoang vu.
                                                       ĐAN THANH
                                    (Trở lại Ghềnh Ráng-Quy Nhơn)

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

HUYỀN THOẠI NỮ GIÁO SINH SPQN


MỘT THỜI MƠ MỘNG

(Dành tặng những nàng Giáo sinh SPQN nổi tiếng là hoa khôi tài hoa thưở trước : Diệu Thơ, Hương Diễm, Diệu Chinh, Thu Ba, Nguyễn thị Nở, Ngọc Lan, Thu Hương, Minh Trí, Ái Trân, Ái Lan, Bích Vân, Bích Khê, Hồ thị Thanh,…và nhiều nữa không sao kể hết vì đã bốn mươi năm qua mọi thứ trở nên bồng bềnh, hư ảo, thoáng ẩn, thoáng hiện..)

Em xưa môi thắm nụ hồng
Tóc mây là suối bềnh bồng non thanh
Giang sơn kiều diễm như tranh
Xuân thì liễu biếc,mắt xanh dịu dàng
Em về hàm tiếu đoan trang
Đường xa tuyết trắng in giăng lụa là
Gót sen quyện dấu thu ba
Biển trời mơ mộng,ghềnh xa rạng ngời
Hội xưa oanh hót, hoa cười
Cho ai say đắm cuối trời nhạn sa  ...
Em về lụa trắng đơm hoa
Hồn ai ngơ ngẩn - em là nguyệt ư ?

Khách thơ  SPQN
H.H.

Đã có thông tin về Thầy Trần Văn Mẫn.

BBT: Chúng tôi vừa nhận được một Mail được chuyển đến từ anh Phan Quang Đán K8, là thư mà chúng tôi nghì rằng người viết là Thầy Trần Thinh, hiện ở Mỹ... Xin đăng lại đây nội dung thư để quí Thầy cùng quí anh chị có thêm thông tin về Thầy Trần Văn Mẫn hiện nay, cũng như nếu có thể thì hưởng ứng đợt vẫn động như tác giả đã nêu trong thư... Thân ái.





New York City, October 21, 2011
Kính anh Khương,
Kính chị Kim Chiến,
Kính chị Tôn Nữ Hoàng Hoa,
Qua một tuần lễ dò tìm, tôi đã được anh Trần Thanh Tùng , con thầy hiệu trưởng Trần Văn Mẫn, qua email ,  báo cho biết số điện thoại (             714-534-2729       ), địa chỉ của thầy hiệu trưởng ; sáng 21-10-11 tôi đã gọi và nói chuyện với thầy hiệu trưởng và tôi được biết :
 Thầy Mẫn năm nay đã 80 tuổi,  đã bị tai biến mạch máu não đã 15 năm qua, tay trái không có cảm giác, chân trái đi yếu hẳn, đi lại trong nhà có khó khăn, đi xa phải dùng xe lăn ; thầy vẫn ăn uống được, mắt vẫn còn đọc sách báo được. Vì thầy ( và cô ) mới qua năm 2010 nên chưa đủ điều kiện theo luật tiểu bang California để được hưởng trợ cấp "tiền già ". Kinh nghiệm cá nhân tôi, vì kẹt ở Thái lan khá lâu nên gia đình tôi 5 người chỉ còn đúng NĂM dollars khi đặt chân xuống đất New York ngày 20-11-1990 ; cho nên tôi thông cảm cái cảnh chân ướt chân ráo này lắm.
Về vấn đề bảo hiểm sức khỏe và xin trợ cấp xã hội cho hai ông bà, tôi đã gọi điện thoại bàn với thầy Lê Văn Ba SPQN , người đã nhiều năm hành nghề paralegal tại Westminster ( vùng thầy Mẫn đang ở ) để nhờ thầy xét và có ý kiến góp ý với người nhà của thầy hiệu trưởng. Tôi sẽ báo cho quý vị biết để thông báo cho quý anh chị hội viên khác về mức độ khả quan của vấn đề này.
Ngày 20-11-2011 sắp đến là ngày "nhà giáo" , liệu anh Khương có thể kêu gọi anh chị em trong hội ( nhất là các anh chị các khóa SPQN trong thời gian thầy Mẫn làm hiệu trưởng ) , kẻ ít người nhiều góp thành món quà " biết ơn thầy như ông Carnot xưa" và có thể nhờ thầy Lê Văn Ba cùng vài anh chị cư ngụ gần thầy Mẫn ( Garden Grove ) đến trực tiếp gặp và tặng thầy. ( Tôi đã gọi và nói với thầy Ba về ngày 20-11 này , thầy cho là ý kiến hay, có gì tôi sẽ liên lạc với thầy Ba tiếp ) Hôm nay là 21-10 , chúng ta còn gần 1 tháng để gửi email và kêu gọi anh chị em hảo tâm , và nếu đồng ý với đề nghị của tôi thì tiến hành là vừa. Giúp đỡ cho thầy cô hiệu trưởng khi họ còn sống là điều nên làm,

Riêng phần tôi , vì là tình nghĩa boss cũ cách nay 39 năm nên tôi đã liên lạc email
( thpl72@yahoo.com ) với chị Trần Huyền Phương Lan ( con thầy Mẫn, hiện đang ở và săn sóc hai ông bà ) để giải quyết trong nay mai, không chờ 20-11 đâu.
Mong thư reply và ý kiến của anh Khương cũng như của chị Hoàng Hoa. Cám ơn . Jack Thinh Tran  ( New York City )

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

TÌM LẠI DẤU CHÂN.

Nguyễn Chí Hải - K8

       NÓI THẬT ..TỪ LÂU .. cứ mỗi lần ngồi chung với bạn bè …lại thấy lóe lên ý nghĩ làm sao về thăm lại trường Sư Phạm một chuyến ..tự nhiên thấy nhớ nhớ..và đã nhớ thật lòng

      Các bạn à , vừa rồi thì đã về.. không phải về một mình.mà.đi với Sơn Quắn.
      Taxi đưa 2 đứa về lại Trường ....

Quy Nhơn thay đổi khá nhiều ..cỗng trường ngày xưa giờ đã được xây mới, chính cái cổng mới ấy đã biến mình thành kẻ xa lạ mất rồi..nói thế chứ đứng một lúc thì vẫn còn thấy đâu đâu..đây đây.. bóng dáng ai đó e dè của một thời đứng đợi…”em” “anh”  “ấy” và cả những chuyến xe lamb vội vã vút qua. Đường vào trường còn đó lối xưa, phía trái khu văn phòng cũ. Phía phải vườn nhà ông Cố vấn với nhiều cây sứ trắng đến lạ…Còn đây sân trường những sáng chào cờ… đàng hoàng ..nghiêm túc..thế mà đâu đó vẫn không hề thiếu những kẻ .. khẽ trộm nhìn nhau …rồi hý hửng mang nỗi buồn về phòng làm gối ngủ...
(Xin nhấn vào "Đọc Tiếp" để xem thêm...)

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Nhìn Những Mùa Thu Đi

Lê Huy

Thưa các bạn,

Theo tôi, Nhìn Những Mùa Thu Đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một nhạc phẩm hay, rất quen thuộc trong giới yêu nhạc chúng ta.

Nhớ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn học khóa 1 Sư  Phạm Quy Nhơn (qua những năm 1962 - 1964). Năm 1962, trong một buổi đại nhạc hội tổ chức tại rạp Kim Khánh (hay Tân Châu) ở thị xã Quy Nhơn, Ban Văn Nghệ trường Sư Phạm đã trình diễn một chương trình độc đáo chưa từng có ở đây từ trước đến năm này. Sự góp tay chung sức chung lòng của nhiều giáo sinh tài hoa đã gặt hái được sự thành công mỹ mãn cho buổi trình diễn này. Trong đó, nhạc phẩm Nhìn Những Mùa Thu Đi đã được ban tứ ca của trường trình bày với một tiết điệu trong sáng vui tươi – slowrock hơi nhanh và dặt dìu – tôi nhớ mãi, nghe hay lắm. Tôi thích nghe nhạc phẩm này với tiết điệu hơi nhanh và dặt dìu hơn là trong tiết điệu slow chậm rãi mà các ca sĩ khác đã hát, nghe sao buồn quá.

Duy có một điều là khán giả chưa được hài lòng mấy qua vở kịch Người Điên Giữa Kinh Thành. Các giáo sinh diễn rất khá, nhưng tiếc cái là có đoạn sân khấu bị bỏ trống trong một khoảng thời gian khá lâu -- thời gian… chết -- không thấy diễn xuất mà chỉ nghe tiếng vọng diễn giải từ sau cánh gà nên khán giả lần lượt bỏ về khá đông…
(Xin nhấn vào "Đọc Tiếp" để xem thêm...)

Thơ - Phạm Thị Phiếu - Hoàng hôn đi về.


                        Khuê Khuê.
 Muốn vào thu sao không có gió heo may thổi ?
Chỉ có bầu trời tím và không gian thu nhỏ quanh tôi.
Rừng phi lao chẳng buồn chao đảo múa trên đồi,
Đứng lặng lẽ phi lao chờ gió.
Anh hỡi anh !
Em cũng chờ anh như phi lao chờ gió,
Thiếu vắng anh rồi, trời đất bỗng buồn tênh.
Khấp khểnh đường thôn đưa em vào đêm cô tịch.
Xóm nhỏ quê mình thầm lặng nỗi nhớ thương.
Giữa không gian lãng đãng khói lam buồn,
Cau già cỗi vươn trời xin hỏi chuyện.
Khấp khểnh đường thôn bóng hoàng hôn,
Đêm về trăn trở ngọt môi hôn.
Ngư Lang xa vắng môi khô đắng,
Lẩn thẩn hoàng hôn lối đi về…
                                       
                               Qui Nhơn, 2003

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...