Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

THU VIỄN XỨ NHỚ QUÊ - Thơ - Hàn Diệu Phương


Kính BBT,

Mấy tuần trước bệnh , Phương không đi dạy được nhìn qua khung cửa thấy lá rơi trong mưa Thu đẹp quá , P lấy máy ra chụp hình Ông xã đang quét lá và cảm hứng hai đứa làm hai bài thơ Thu gởi BBT và các bạn xem cho vui. Phương cũng có nhờ Ông Anh họ làm slide show cảnh Thu nhà Lộc Phương và hình hai đứa hồi trẻ và bây giờ... ( cộng thêm 1 số hình Anh Họ ghép từ Internet) - Sẽ gởi sau -
Giờ Phương gởi hai bài thơ "Thu cảm" ( của Lộc Phương ) và "Thu viễn xứ nhớ quê " (của Hàn Diệu Phương ) để các bạn xem trước...
Rất cám ơn BBT và chúc trang nhà SPQN của mình luôn khởi sắc, vững mạnh.

Hàn Diệu Phương





THU VIỄN XỨ NHỚ QUÊ.
                            Hàn Diệu Phương 

Toronto trời cuối Thu                                 
Nơi xóm vắng Farley                                  
Mưa phùn rơi nhè nhẹ                                 
Trong gió lạnh heo may                              
Lá phong đẹp bay bay                                 
Cam, nâu, đỏ, tím, vàng                              
Phủ ngập đầy lối đi…
Kìa nhà ai khói tỏa
Trong nắng chiều chơi vơi
Sưởi ấm lòng lữ thứ ?...
Trên cây sầu thưa lá
Chim buồn thôi không hót
Vọng nhớ hè đã qua …                            
Âm thầm lá vẫn rơi                                     
Là đà hôn trên tóc                                       
Một người bước đơn côi                             
Xạc xào trên lá chết                                    
Nghe lòng bâng khuâng buồn …               
Nhớ lại mùa Thu xưa                                  
Quê hương mình yêu dấu                          
Nơi phố biển Qui Nhơn                               
Dưới rặng thùy dương xanh                      
Ta cùng nhau dạo bước                             
Hạnh phúc tay trong tay                             
Trao nhau nụ hôn đầu.                                
Ì ầm nghe sóng vỗ                                       
Dệt mộng ước tương lai                              
Mai sau ta thành đôi…
             ***
Rồi chính biến bảy lăm                                
Bao vật đổi sao dời…                                  
Ta xuống thuyền rời nước
Lưu lạc nơi xứ người
Qua trắc trở, gian nan
Mộng đẹp đà thành tựu
Tuổi già vẫn bên nhau
Nơi mái ấm Farley
Vùng Etobicoke…
Thu Canada tuyệt đẹp
Không bút nào tả xiết !…
           ***
Chiều nay anh quét lá
Em ngắm lá mộng mơ
Tập làm thơ “ Thu nhớ”
Thu người tuy có đẹp
Vẫn nhớ mãi Thu quê…
Hẹn năm sau trở lại
Cùng ngắm mùa Thu ta
Nhìn hàng me Võ Tánh
Rải lá vàng trong mưa
Nơi xưa mình hò hẹn
Anh trễ hẹn, em chờ
Dỗi hờn trong ánh mắt…
Me “vàng” vương đầy áo
Anh bảo: “quà” anh trao…
Thăm lại chùa Long Khánh
Quì gối bên Phật đài,
Quan Thế Âm Bồ Tát…
Mình cùng nhau khấn nguyện
Thăm lại cánh đồng xanh
Ngạt ngào hương lúa chín
Chia xẻ trái vườn ai…
Thăm Sư Phạm trường xưa
Cùng bạn bè thân quí
Ôn lại thuở Giáo sinh…
Thăm lại Gành Ráng xưa
Dưới chân Mẹ Maria
Nơi ngày xưa thề ước…
Thăm lại mộ phần cha
Thắp nén hương tưởng niệm
Trở lại mái nhà xưa
Có Mẹ già tóc bạc
Mòn mỏi đợi mong con
Mỉm miệng cười móm mém
Vui mừng gặp lại con !

Toronto, Cuối Thu 2012
(Tặng H.L,“Tình gần” của tôi )

 
                                      THU CẢM
                                                      Lộc Phương

                       Thu về lành lạnh, mưa bay
                       Phong vàng rơi ngập Farley Crescent
                       Đường về lá quyện đôi chân
                       Xạc xào đếm bước bao lần Thu qua
                       Lá vàng vương mái tóc hoa
                       Thì ra mình đã tuổi già còn chi
                       Thu về, rồi Thu lại đi
                       Đã gần “sáu bó”, còn chi không già ?

HOA HỒNG VÀNG CHO TÌNH BẠN.

                                             Irene.

         Tôi thường check mail lần cuối cùng trong ngày là vào lúc mười giờ đêm trước khi đi ngủ.
         Tối nay, chỉ vỏn vẹn một email của Đình Chúc gởi : Gặp mặt Phương Dung! Với nội dung là Phương Dung đang ở Sài Gòn muốn gặp mặt các bạn trong buổi sáng mai trước khi Dung về lại Bình Tuy vào buổi chiều…
         Phương Dung là cô bạn học của tôi suốt những năm liền ở trường Nữ Trung Học Quy Nhơn. Phải nói rằng mãi đến năm lớp mười một chúng tôi mới thân thiết nhau. Chúng tôi thường ngồi tâm sự hay hát cho nhau nghe. Phương Dung hát nhạc Trịnh rất hay! Tôi thích nhất là nghe Dung hát bài Còn tuổi nào cho em.
 Đậu Tú Tài, chúng tôi lại vào học Sư Phạm Quy Nhơn. Mới đây trong bức hình ở Bậc Tiểu Học đăng trong bài viết Ngôi Trường Mến Yêu, chúng tôi lại nhận ra nhau và biết rằng mình cũng đã từng học chung ở bậc Tiểu Học.
         Năm 1974, sau khi tốt nghiệp trường Sư Phạm chúng tôi lên đường đi dạy. Rồi biến cố lịch sử 75 đến! Mỗi người một phương cho đến nay, tôi chưa một lần nào gặp lại Phương Dung.
         Một hôm, trên trang blog spqn tình cờ chúng tôi biết tin tức của nhau. Rồi qua email chúng tôi thư từ qua lại và biết Phương Dung đang định cư tại Úc.
         Lần này Dung về Việt Nam thăm mẹ ở Bình Tuy. Dung điện thoại cho tôi. Chúng tôi quyết định sẽ gặp nhau một sáng Chủ Nhật nào đó? Thế mà hôm nay không phải Chủ nhật…
         Thật tình mà nói, tôi rất bận rộn! Tuy đã về hưu, đáng lẽ được nghỉ ngơi thì phải trông con bé cháu ngoại. Con bé chưa được một năm cho nên suốt ngày phải quanh quẩn bên nó. Chăm sóc, cho ăn, cho bú, tắm, ru ngủ… Nhiều lúc mệt vô cùng, định thuê người giúp việc nhưng nghĩ lại “Thương con, thương cháu” nên thôi!
         Suy nghĩ một lát, tôi vội trả lời thư : Các bạn cứ gặp nhau đi! Nếu sắp xếp được mình sẽ có mặt cả hai bà cháu.
         Trả lời xong, tôi đóng máy đi ngủ!
         Tôi trằn trọc mãi không ngủ được! Tôi tha thiết muốn gặp Phương Dung! Chia tay nhau lúc hai mươi tuổi. Gần bốn mươi năm sau mới gặp lại nhau! Bây giờ đứa nào cũng xấp xỉ sáu mươi, Đời người còn lại là bao? Không gặp lần này biết bao giờ gặp lại? Nhưng ngày mai không biết đi đến gặp các bạn như thế nào đây? Khi mà còn “kẹt” con cháu ngoại. Trong đầu tôi đưa ra nhiều cách giải quyết : - Hay là mình gởi nhờ cô Năm hàng xóm giữ hộ con bé? Nhưng mà ngày mai không biết cô ấy có rảnh không? Với lại con bé Kiwi nó có chịu cô ấy không? Thôi mình gọi ông xe ôm trong xóm chở hai bà cháu qua gặp Phương Dung một chút rồi ông ấy chở hai bà cháu về! Nhưng mà đi xe ôm giữa trưa nắng và bụi bặm của đường phố Sài Gòn, con bé chịu sao nỗi! v.v…và v.v…
         Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm! Cả đêm không ngủ được nên người mệt mỏi nhưng nghĩ đến gặp mặt bạn, tôi thấy phấn chấn hẳn lên!
          6giờ 30phút, tôi nhận được điện thoại của Đình Chúc báo địa điểm và thời gian gặp nhau. 7giờ, các con tôi đều đi làm. Tôi nhanh nhẹn cho cháu ăn, uống sữa và cho ngủ giấc sáng…Tôi sữa soạn mọi thứ vật dụng đem theo cho cháu bé. 9giờ rưỡi hai bà cháu leo lên taxi từ quận bảy qua quận tư đến quận một rồi quận Bình Thạnh…và đến nơi.
         Chúc ra tận nơi, Tay xách, đón hai bà cháu vào. Tính của Chúc là vậy! Rất nhiệt tình với bạn bè!
Gặp Phương Dung tôi mừng vô hạn. Trời ơi! bao nhiêu năm rồi bây giờ mới gặp, mới thấy mặt nhau! Cái nét trên khuôn mặt vẫn vậy! Nụ cười quen thuộc vẫn thế! Cảm động quá! Cũng may là còn khỏe mạnh để có ngày tao ngộ! Chứ có khi “vắn số” thì làm sao thấy lại nhau ở cái “cõi tạm” này? (Nói cho vui thế thôi! Chứ không đến nỗi bi lụy lắm đâu?)
         Tôi ngồi xuống, con cháu bé nó cũng ngồi yên để cho bà ngoại vui chuyện “trùng phùng” với bạn bè. Bây giờ tôi mới nhìn các bạn trong bàn : Phương Dung, Thanh Cảm, Xuân Đài, Đình Chúc, Huỳnh Kim Thạch, Phạm Thanh Hà rồi Nguyễn Ngọc Việt, Trần Đức Lượng, Thanh Bình.
         Chúng tôi hỏi thăm nhau. Chuyện trò rôm rả. Nói như chưa bao giờ được nói. Nhìn nhau như chưa bao giờ được nhìn và vui như chưa bao giờ được vui!
         Tôi cảm thấy ấm áp trong tình bạn bè. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì bên mình có những người bạn chân thành.
         Phương Dung kể lại khoảng thời gian đi dạy sau 75…
Những lần đi học chính trị Hè, học căng thẳng nên mọi người đề nghị Phương Dung lên hát giúp vui. Mà lúc đó mấy ai biết được nhạc cách mạng mà nhạc trước đây thì bị cấm. Suy nghĩ hoài Dung hát bài Thảo Nguyên Xanh nhạc Nga lời Việt cho bản nhạc Sad Romance.
“…Thảo nguyên gió vẫn lay, hoa vẫn cười nhưng vắng người…còn đâu tuổi thơ êm đềm? Còn đâu thảo nguyên xanh?...”
Cả hội trường hoan hô vang dội. Có lẽ giọng ca mượt mà bay bỗng mà cũng có thể giúp mọi người giải tỏa sự căng thẳng của buổi học.
Một lần khác, người ta đề nghị Dung hát. Dung không biết hát bài hát nào? May sao Dung nhớ lại là cứ mỗi sáng cái loa phóng thanh trước nhà Dung cứ phát bài hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây thế là Dung hát:
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn. Hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…”
Cả hội trường lại vỗ tay khen ngợi! Nhưng hôm sau một anh cán bộ GD đến và bảo rằng giọng hát của Dung ủy mỵ quá!
Thế là Dung chuyển sang ngâm thơ không hát nữa?! Dung lại lên hội trường ngâm bài thơ Quê hương của Giang Nam. Cả hội trường như “chùng” xuống
“…Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
    Có những lần trốn học bị đòn roi
   Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
   Có một phần xương thịt của em tôi…”
         Vỡ òa ra theo cảm xúc của giọng ngâm. Cả hội trường vỗ tay tán thưởng không ngớt! Nhưng rồi vẫn có người đến phê bình giọng Dung. Từ đó, Dung lại chuyển sang hát Dân ca cho yên.
         Nghe Dung kể xong chúng tôi ai cũng nhớ lại những chuyện vui buồn của khoảng thời gian sau 75.
         Thấy không khí hơi trầm, Trần Đức Lượng kể một câu chuyện “vui” thế là mọi người lại vui cười hồn nhiên.
         Cô bạn Thanh Cảm của tôi lúc nào cũng ít nói và thường trầm ngâm lắng nghe. Thế nhưng lúc Lượng nói là cô nàng lại chăm chú dõi theo câu chuyện. Sau đó “chốt” vào một câu làm anh chàng “chưng hửng”. Thế đó, nhưng nếu cuộc gặp mặt nào mà không có hai bạn thì niềm vui giảm đi một nửa.
         Phạm Thanh Hà người bạn cùng khóa lần đầu tôi gặp cũng vui vẻ, hòa đồng.
         Huỳnh Kim Thạch luôn luôn là người bạn rất có tình, có tâm đối với bạn bè. Thỉnh thoảng cũng nhắc lại những kỷ niệm xưa. Thạch nhớ rất nhiều và nhớ rất rõ từng bạn học các lớp Sư phạm. Bạn ấy còn đọc vanh vách cả số điện thoại nữa kìa! Thế mới thấy bạn ấy rất trân quý bạn bè.
         Anh Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Việt ngồi thanh thản bên bạn bè. Hình như ở trường công việc làm bạn ấy “căng thẳng” nên gặp lại bạn bè niềm vui rạng ngời thấy rõ trên khuôn mặt bạn.
         Xuân Đài vẫn dễ thương với nụ cười xinh xinh, hình như bạn ấy chẳng “già” đi chút nào?
         Thanh Bình vẫn trẻ, vẫn duyên dáng hơi chút “điệu đàng” dưới con mắt của Trần Đức Lượng.
         Còn tôi thì khỏi phải nói các bạn cũng biết rồi! Bồng cháu ngoại chưa “thôi nôi”, mà dám vượt bao nhiêu cây số, bao nhiêu con đường giữa phố xá Sài Gòn đông đúc. Mệt “bở hơi tai” để đến gặp bạn bè!!!

         Chia tay các bạn ra về, tôi cứ ngùi ngùi xúc động! Tôi xin gởi đến các bạn bè tôi những bông hoa hồng vàng tươi thắm tượng trưng cho tình bạn để chuyển tải cảm xúc ấm áp, ngọt ngào này.
Màu vàng tươi thắm của hoa, tôi xin gởi đến bạn bè tôi một thông điệp của J. Churchil về tình bạn là :
         “Hãy đối xử với bạn bè như đối với một bức tranh, nghĩa là hãy đặt họ ở góc độ có nhiều ánh sáng nhất”

Sài Gòn. 28/11/2012.
Irene

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

MÙA ĐÔNG DỊU DÀNG.

                           Phương Uyên.

         Những ngày mưa dầm lướt thướt từ từ thưa dần. Trời tạnh hẳn. Mùa Đông đã về! Bầu trời mây trắng giăng giăng thật thấp. Gió mùa Đông Bắc tràn về mang theo cái lạnh tê tái, rét mướt. Cây cối trơ cành đứng đìu hiu ven đường.
         Hàng ngày, sau mỗi buổi học Uyên thường trở về nhà trên những chuyến xe Lam. “Cuộc đời con người như những chuyến xe, có đón chào ắt có tiễn biệt”. Những ngày buốt giá như thế này Uyên thường hay “triết lý” vẩn vơ. Một cơn gió từ biển thổi vào đem cái lạnh buốt làm Uyên rùng mình hai tay choàng lấy người như giữ lấy hơi ấm rồi ngồi dịch vào bên trong xe… Uyên lơ đãng nhìn phố xá thưa thớt xe cộ. Hai bên đường người người đi lại co ro trong những chiếc áo ấm đủ màu.
         Chiếc xe chạy chậm dần rồi dừng lại ở đầu đường Lê Lợi. Bước xuống xe, Uyên rẽ về phố Tăng Bạt Hổ. Hai tà áo dài trắng luấn quấn theo bước chân. Dường như có ai đó đi theo sau lưng…Liếc nhìn nhưng chẳng thấy quen… Uyên ôm chặt tập vở, vờ vuốt lại mái tóc, thong thả bước về nhà.
         -Uyên!
         Quay lại! Uyên nhìn kỹ vào người vừa gọi mình và ngạc nhiên thốt lên:
         -A! Anh Vinh!
         Hai năm trước đây sau khi đậu Tú tài, Uyên vào Sài Gòn thi Đại Học Dược. Thi xong thấy kết quả bài làm chẳng khả quan nên Uyên quyết định ghi danh vào Đại học Luật và Văn Khoa.  (Hồi đó các Đại học này chỉ ghi danh học rồi thi theo tín chỉ hay thi theo từng đợt chứ không thi tuyển vào trường như những năm sau 1975).
Một buổi sáng, Uyên đến trường Luật để xem thủ tục ghi danh. Trong lúc đang ngơ ngác thì may sao có người đến hỏi thăm và giúp Uyên. Người giúp Uyên đó là anh Vinh. Anh học năm thứ tư Luật. Không quen biết gì nhau nhưng có lẽ lần đầu gặp, anh thấy khuôn mặt Uyên có vẻ “nai” và bộ điệu thì ở “ nhà quê” mới lên tỉnh! Nên “động lòng trắc ẩn” ra tay “nghĩa hiệp” ?
         Uyên nhớ mãi buổi trưa hôm đó. Sau khi ghi danh xong, Uyên và anh đi bộ dọc theo con đường trước trường Luật. Con đường với những hàng cây cao rợp bóng. Những chiếc lá me theo gió bay bay vương vướng lên tóc lên bờ vai lên tà áo Uyên, đẹp và thơ mộng vô cùng. Đi bên anh nghe anh kể từ chuyện học đến chuyện ở trọ nhà của người bà con rồi chuyện quê nhà. Uyên biết được quê của anh ở Phan Thiết. Anh hỏi thăm Uyên về gia đình, về Qui Nhơn… Anh nói chuyện vui vẻ và lập luận rất hay! “Luật sư tương lai mà”. Anh Vinh nói nhiều lắm mà bây giờ Uyên chỉ nhớ mang máng một vài ý mà thôi. Nhiều năm sau đó, Uyên mới thấy thấu đáo những câu nói như phương châm giáo dục của Kant là “…không chỉ giảng dạy cho sinh viên các tư tưởng mà còn dạy cho họ biết tư tưởng.” Lúc đó, đầu óc Uyên trống rỗng thế nào ấy? mà chẳng hiểu ý nghĩa của câu nói này. Nhưng có một câu mà Uyên rất thích cho đến bây giờ vẫn thích là : “Tất cả hình thức vị tha, vô vị lợi đều qui về tư lợi như tất cả dòng sông đều quay về biển cả”. Anh phân tích cái đúng, cái sai trong câu. Anh Vinh đã đem đến cho Uyên một tầm nhìn mới mẻ trước mọi vật, hiểu biết thêm về triết lý hay nhân sinh quan của cuộc sống. Trong lòng Uyên luôn ngầm “phục” anh vô cùng…
Tiếng nhạc bên đường vang vang :
“ Con đường nào ta đi,
   Với bàn chân nhỏ bé
   Con đường chiều thủ đô,
   Con đường bụi mờ…” (Con đường tình ta đi-Phạm Duy)
 Đường phố Sài Gòn, xe cộ ngược xuôi, người người đông đúc… như rộn ràng theo từng bước chân qua.

         Sau đó, Uyên trở về Qui Nhơn học Sư Phạm. Hồi đó ghi danh yêu cầu gởi tài liệu, Uyên phải nộp khoảng 7-8 ngàn đồng cho một năm học. Khoản tiền cũng khá lớn so với cuộc sống của gia đình Uyên! Ngoài các tài liệu, giáo trình của trường Luật gởi như Xã Hội Học của Joseph Fichter, Trần Văn Đĩnh dịch. Kinh Tế Học của Paul Samelson… Anh còn gởi cho Uyên những sách tham khảo mà anh đã học qua như Luật Học Kinh Tế Tạp chí... Kèm theo đó một vài bức thư chỉ là thăm hỏi, kể chuyện…Lời thư lúc nào cũng ân cần, quan tâm như một người anh lo cho em…Nhờ anh mà Uyên đã tiếp cận được các môn học với những cuốn sách rất “khó nuốt” ở trên… Tuy anh Vinh giúp đỡ nhiều, nhưng do không trực tiếp lên giảng đường để trực tiếp nghe giảng nên Uyên không cách gì hiểu hết các kiến thức trong sách. Cuối cùng, Uyên hẹn lại năm sau sẽ thi.

         -Anh về hồi nào?
         -Anh đến Qui Nhơn sáng nay!
         Uyên mời anh vào nhà và biết được anh đã tốt nghiệp Đại Học và xin làm việc tại Đà Lạt.
         -Anh ở chơi bao lâu? Uyên đột ngột hỏi.
         Ngạc nhiên! Ngước nhìn Uyên. Anh chậm rãi:
         -Anh ở đây chơi vài ngày, trở về Phan Thiết. Sau đó, anh mới lên lại Đà Lạt.
         Có một điều kỳ lạ! Là cứ mỗi lần gặp ai là Uyên nghĩ ngay đến ngày chia tay. “Trong hội ngộ đã có mầm ly biệt…”.
         Uyên nhìn ra bên ngoài. Bầu trời vẫn một màu xám trắng. Không khí vẫn lạnh và khô. Mặt Trời mùa Đông đang chơi trò chơi “trốn tìm” cùng mây gió.

         Buổi chiều, anh Vinh đến trường Sư Phạm đón Uyên! Hai người đi bộ dưới những hàng dương. Tiếng gió thổi lao xao hòa cùng tiếng sóng biển vỗ ì ầm vào bãi cát. Vòng qua Eo Nín Thở gió thổi thốc ngược tà áo dài cùa Uyên bay “phần phật”. Một tay cầm tà áo, một tay vuốt lại mái tóc rối, Uyên nhìn ra xa. Biển động! Một màu xám xịt với những con sóng cao cuồn cuộn. Từng đàn hải âu chao nghiêng bay lượn rồi mất dạng. Những chiếc thuyền của người dân xóm chài neo đậu chênh vênh hay nằm yên trên bãi vắng.
         -Ra trường, em định chọn nhiệm sở ở chỗ nào?
         -Em thích chọn Bình Định cho gần nhà nhưng cũng còn tùy theo vị thứ tốt nghiệp nữa, nên chẳng biết ra sao?
         -Nếu không được Bình Định, Uyên chọn lên Đà Lạt đi!
         -Ồ! Đâu có nhiệm sở Đà Lạt!
         -Thế hả?
         Cả hai cùng cười xòa!
         Mùa Đông con đường Nguyễn Huệ lúc chiều xuống như dài và rộng ra. Mọi người trong thị xã nhỏ bé hiền hòa này như đều ngại ngùng khi bước ra đường trong khí trời buốt lạnh.
         Hai người đi bên nhau suốt đoạn đường, dường như cả hai đều rất ít nói, sợ làm vỡ đi những cảm xúc trong lòng, sợ lay động không gian của buổi chiều hay sợ thời gian trôi qua nhanh?
         Chiều cứ xuống chầm chậm! Hoàng hôn buông phủ khắp nơi. Sương trắng giăng giăng cả một vùng biển. Lạnh căm căm và giá rét!

         Sáng hôm sau, Uyên có giờ đi dự ở trường Sư Phạm Thực Hành nhưng Uyên xin phép lớp trưởng nghỉ.
         Uyên và anh lại đi dạo phố. Trời mưa rây bụi bay bay rồi tạnh lúc nào không biết? Cái rét càng tăng thêm! Quấn lại khăn quàng, Co ro, thọc hai tay vào túi áo  mà vẫn thấy cái lạnh len vào cơ thể. Những con đường Qui Nhơn Mùa Đông như còn đang ngái ngủ chưa tỉnh hẳn giấc nồng.
-Vào café Dung nghe nhạc!
 Uyên ngại ngùng bước theo! Đây là lần đầu tiên Uyên bước vào đây! (Con gái trước 75 ít ai mạnh dạn đến quán café như con gái bây giờ). Uyên nghĩ : “Mình ngồi với anh Vinh ở đây mà gặp người quen hay các bạn nhị 6 lớp của mình thì thế nào các bạn ấy cũng phao lên rằng : - Mình đi với người…. ”  Uyên bật cười.
         -Em cười gì vậy?
         -Ồ, Không có gì? Em xin lỗi!
         Không khí trong quán ấm áp. Hai người ngồi yên, thanh thản nghe nhạc êm dịu trong buổi sáng Mùa Đông.
Những ngày gặp nhau, anh Vinh thường hay nói cho Uyên nghe về các vấn đề Triết Học Hiện Sinh của Kierkegaard Heidegger của Sartre hay Merleau-ponty… Uyên ngồi nghe, dần dần cũng có điều hiểu nhưng thật ra nhiều điều chẳng hiểu gì cả? Anh nói đến cuốn sách làm sôi nổi dư luận thế giới, đó là cuốn Ni Marx, ni Jesus của triết gia nổi tiếng Jean-Francoishevel… Uyên lại càng không hiểu trước những kiến thức quá “triết lý” vượt quá sự suy nghĩ của mình. Vì hồi đó, tư tưởng của Uyên rất đơn giản và tương lai  Uyên nghĩ đến cũng chỉ khép kín trong một ngôi trường làng và bầy học sinh bé nhỏ mà thôi.
Những ngày sau đó, sáng chiều anh thường đến trường đón Uyên. Rồi anh chia tay Uyên! Mùa đông dường như khép lại khi anh ra đi.
Uyên ra trường rồi đi dạy. Thỉnh thoảng về thăm nhà Uyên nhận được vài lá thư của anh. Lời thư thỉnh thoảng anh cũng mơ mơ hồ hồ nhưng nhớ gì đó? nhưng sao lúc đó Uyên chẳng để ý, hay do bận rộn dạy dỗ với môi trường mới  hay do tư tưởng “bất an” nên Uyên “quên” cả hồi âm.
Biến cố lịch sử Mùa Xuân 75, Uyên không còn có cơ hội thi và tiếp tục học Luật! Và cũng từ đó Uyên cũng mất liên lạc không còn biết gì tin tức về anh nữa?
 Uyên thấy dường như đây không phải là tình yêu? Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Uyên, lúc nào Uyên cũng nhớ đến anh với lòng biết ơn sâu xa.
        

 Mùa Đông với những ngày u ám, với những cơn gió se sắt vả những ngày lạnh lẽo bủa vây…thường là những khoảnh khắc làm cho mọi người cảm thấy cô đơn… Mùa Đông thường làm cho ta nhớ nhung… nhưng đối với Uyên, Mùa Đông bao giờ cũng gợi cho Uyên những cảm xúc êm đềm! Mấy chục năm trôi qua, tuổi chồng chất. Đời người đi vào những năm tháng cuối cùng, Uyên mới nhận ra rằng, có những việc xảy đến, ta không sao ngờ trước được? Mà đời người thì biết bao nhiêu biến cố? Bao nhiêu thăng trầm? Biết bao là sóng gió? Bao nhiêu sự đổi thay? Đến rồi đi, đi rồi đến! Hợp rồi tan, tan rồi hợp! Sắc sắc không không…chỉ khác là mọi sự vật luôn ẩn hiện dưới nhiều sắc thái khác nhau mà thôi!       Cuộc sống luôn cần có chữ “Duyên”. Không có duyên với nhau thì không thể nào hạnh ngộ, không thề nào tương phùng...
 Mùa Đông năm ấy  là Mùa Đông dịu dàng nhất! Với Uyên, cuộc sống này luôn có nhiều gam màu, có nhiều cung bậc cảm xúc, có nhiều giai điệu trầm bỗng…
Và cứ thế! Hàng năm, hàng năm khi Mùa Đông mở cửa bước vào! Uyên như tìm lại được mình trong chính cái bản ngã muôn thuở của một con người. Để rồi sau đó luôn sống an lạc, thanh thàn, hạnh phúc bên người thân, gia đình và bè bạn.

Sài Gòn, tháng11/ 2012.
Phương Uyên.
        

        

Gặp Lại Bạn Xưa.

Một vài hình ảnh chụp nhanh trong lần gặp lại Phương Dung (nhị 2, khóa 11) tại NH Trầu Cau Gia Định...

Từ trái sang: Xuân Đài, Phương Dung, Thanh Cảm.

Phạm Thanh Hà bên trái




Hàng ngồi: Huỳnh Kim Thạch, Irene... P.T.Hà


Vào bàn ăn có thêm: Trần Đức Lượng, Ng.Thị. Thanh Bình, Nguyễn Ngọc Việt.










Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

THĂM LẠI TRƯỜNG XƯA - Thơ

 (Kỷ niệm về thăm lại trường SPQN ngày 12/05/2012)



Bốn hai năm, tôi trở về trường cũ
Lối đi xưa, vẫn còn ở nơi này
Lòng bùi ngùi, nghe trăm ngàn thương nhớ
Ngấn lệ buồn, len đọng ướt mi cay
x
x         x
Chuyện ngày xưa, bao năm đã tàn phai,
Giờ sống lại, trong tôi như thác lũ,
Hành lang vắng, bên giảng đường năm cũ,
Dưới giàn hoa, bỗng hiện bóng em về.
Cơn gió chiều, khẽ đánh thức cơn mê,
Chợt bừng tỉnh . Ồ! chỉ là sương khói
Tình Noel, phai tàn theo lời nói,
Giờ em ơi, em hiện ở  nơi nào?
Đêm Thanh Bình (*), ngồi ngắm những vì sao.
Anh liên tưởng, lời ngọt ngào đêm ấy.
Đời dâu bể, bể dâu anh biết vậy,
Sao trong lòng, vẫn sống mãi niềm đau . . .
x
x              x
Chiều hôm nay, tôi ghé về trường cũ.
Kỷ niệm xưa, lưu luyến bước chân về
Lòng vương vấn, nghe buồn thương man mác,
Một quãng đời, chút tình cũ chân quê.

                          Congiothoang_tran- Nhị 7 K7-SPQN
 
(*) Thanh Bình : Khách sạn Thanh Bình TP Qui Nhơn

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Một Thủa Yêu Đàn - Hoàng Trọng - Lệ Thu


Một Thuở Yêu Đàn
Tác giả: Hoàng Trọng

Nghe tiếng thời gian âm thầm đưa
Ngẩn ngơ thương nhớ đến cung đàn xưa
Một mùa trăng đã vắng xa đường tơ
Heo may gió rét từng mùa
Ôi thơ mộng đâu còn nữa !

Tôi vẫn tha thiết yêu ngày xưa
Ngày nao say đắm với cung đàn mơ
Ngày nao hai đứa dưới trăng mùa thu
Hôm nao hát khúc tạ từ
Hôm nay sầu lắng tâm tư

Một mùa thu xưa, dưới vầng trăng
Hai đứa đã hơn một lần mơ
Nào ngờ duyên tơ đã chìm trong thương nhớ
Đã trôi vào xa xưa

Ai biết thương nhớ bao giờ nguôi
Lạnh lùng trong cánh lá khô nhẹ rơi
Tìm dư âm cũ nhớ nhau mà thôi
Đêm đêm dõi bóng một người
Tôi đi tìm thuở xa xôi.

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...