Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Chùm Thơ của Đinh Khoa - k10


        VÔ CỚ
 
 
                                Nhạc chuông vó ngựa anh về
 Áo xiêm hờ hững tóc thề lả lơi
 Lầu son em đợi em chờ
 Rèm buông gối mộng đợi người trường chinh
 Vẳng nghe vó ngựa gập ghềnh
 Giáp , khiên khua động mênh mông nỗi buồn
 Thôi anh vó ngựa nhẹ buông
 Kẻo lay bờ cỏ,sợ buồn trăm năm
 Lầu son tỏa ánh trăng rằm
 Anh ơi! hãy đến kẻo đêm sắp tàn
 
     
                                                                                   Đinh Khoa
 
 
 
                              CHIÊM NỮ
 
 
            Tháp cổ ngàn năm đứng giữa trời
              Chiêm nữ buồn tênh mắt lệ rơi
              Vũ khúc nghê thường xiêm với áo
              Bờ vai hờ hững tướng quân ơi!
 
              Đêm nay yến tiệc mừng xuân mới
              Bất chợt lòng em chạnh cuộc đời
              Đồ Bàn thành quách xin dâng trọn
              Một tiếng yêu thương động đất trời
 
              Tỉnh giấc Nam Kha tình với hận
              Đồ Bàn thương nhớ mộng đầy vơi….
 
 
Đinh Khoa
 
  
              
 
ÔI NHỚ
 
Anh về thăm lại chùa xưa
Thông già lẻ bóng cơn mưa cuối mùa
Tường rêu tượng lỡ mái chùa
Ngói loang rêu phủ trở mùa gió đông
Cuốc kêu lẻ bạn ngoài đồng
Nhớ sao da diết người không trở về
                                           
                                         Đinh Khoa
                                                       
 
                                               
BÊN KIA DỐC ĐỜI
 
 
   Rồi thôi cũng một kiếp người
     Tìm nhau góc bể chân trời nhớ nhau
 
Em về đi em nhé
Phiêu du cũng một đời
Anh bây giờ bến đợi
Bên kia dốc cuộc đời
 
Có còn không em hỡi?
Đôi ta cũng một lần
Tìm nhau trong giấc mộng
Yêu nhau chẳng nên lời
 
Em đi tìm nhung nhớ
Xa xôi mãi chân trời
Anh bây giờ tóc trắng
Con tim đã mỏi mòn
Em bây giờ xa cách
Gặp nhau chẳng nên lời
Em ơi ngàn năm đợi
Có chăng một cuộc đời?
 
Thôi em về em nhé
Phiêu du mãi chân trời
Anh bây giờ khao khát
Nụ hôn cuối cuộc đời
                   
                    Đinh Khoa

                                   
 
TRẦM  LUÂN
 
 
                                                                  Tặng Hương
                                                   Em về đan áo tặng anh
                                      Đêm đêm thao thức tập tành yêu đương
                                                                                1974
 
Trầm luân cũng một kiếp người
Yêu em rồi cũng có ngày nói ra
Em đi nắng ngập đường hoa
Em về nỗi nhớ như sa giữa trời
 
          Thôi em còn lại nửa đời
          Nhớ sao quay quắt một thời đón đưa…
          Ngày xưa dưới những cơn mưa
            Chờ nhau ướt áo cho vừa lòng nhau
 
 
Bao giờ ta cũng của nhau
Nghìn trùng thương nhớ kiếp sau có còn ?
Thương em nghĩa nặng bằng non
Trầm luân rồi cũng sắt  son một đời!
                                               
                                                         Mùa Phục sinh
                                                             Đinh Khoa
 
 

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

KL2 - Ý Nghĩa Giáo Dục Trong Phong Cách Kiến Trúc Nội Trú Trường Sư Phạm Qui Nhơn 1969-1975

Vào thời điểm, thứ Ba, 29/11/2011 , tức là 5/11/ Tân Mão (tháng Canh Tý, ngày Mậu Tý, giờ  NhâmTý của năm Tân Mão),đây là một trong hai lúc  chuyển hướng sinh trưởng và tiêu tức của hai khí âm dương trong năm nay, có liên hệ  với nội dung tôi  nói dưới đây.Theo cách ghi âm lịch thì, giờ luôn là Tý.  Trong cách đếm thời gian theo hệ thập nhị phân, dân gian gọi Tý là con chuột, có lẽ do sự tàn phá của nó. và cho nó làm chủ, gốc 12 địa chi(từ Tý, Sửu….đến Hợi), và bắt đầu đếm từ Tý.   Ngày, tháng, năm  thì  đếm bằng  cách liên kết 12 địa chi đi cặp với 10 thiên can (từ Giáp.. đến Quí) là giáp một  vòng. Vì bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12 là 60 cho nên chu kỳ của ngày, tháng, năm đều là 60. Người ta  thường nói, đời người 60 năm  đã giáp vòng trời đất.Theo nguyên lý âm dương và sự phát triển  thể chất và tinh thần của con người thì cái chu kỳ   60 năm đặc biệt khác hẳn các thập niên trước. Về thể chất thì con người đã bắt đầu đi vào tuổi già. Công việc và trách nhiệm nhiều lúc chưa hoàn tất nhưng ý chí vẫn còn khỏe mạnh nên dễ gặp trở ngại, do lực bất tòng tâm. Về tinh thần thì đã từng trải kinh nghiệm cuộc sống, đã có quan điểm lập trường rõ  ràng khó ai lung lạc được. Khổng Tử nói, “Người ở tuổi 60 chỉ còn nghe theo trời mà thôi.”(Lục thập thuận thiên). Các nguyên thủ quốc gia thường ít nhất phải đủ 60 tuổi. Tuổi  60 có thể chỉ còn  thích hợp cho cương vị chỉ huy hơn là thừa hành  nên  người ta cũng  cho công chức về hưu ở tuổi  60.
Về tháng âm lịch tính theo chu kỳ Mặt Trăng quay quanh Trái Đất cũng có 12 tháng. Theo sự xếp đặt của kinh Dịch – nguồn gốc  của nó còn có sự bất đồng giữa Việt Nam, Trung Quốc, và Hàn Quốc – theo đó mỗi tháng âm lịch tương ứng với một Quẻ(là một  ký hiệu tổ hợp theo sự biến đổi của hai nguyên lý âm, dương trong vũ trụ). Tháng 11 âm lịch mỗi năm  là thuộc quẻ Phục. Ký hiệu này gồm có 5 vạch đứt  nằm bên trên (hay bên ngoài) và 1 gạch liền ở bên dưới(hay bên trong). Vạch đứt chỉ cho âm tính, vạch liền chỉ cho dương tính (1)
      Gọi tháng 11 âm lịch  thuộc quẻ Phục bỡi  vì trong tháng 10 trước đó 6 vạch đều là vạch đứt, chỉ hoàn toàn thuộc âm tính, đến tháng 11 thì khí dương bắt đầu sinh trở lại nên trong tổ hợp ghi bằng một vạch liền ở bên dưới. Âm lịch gọi tháng 11 là tháng Tý vì nó là thời điểm khởi đầu cho một vòng Sinh-Trưởng-Tiêu-Tức của dương khí trong một năm.  Khí dương là sinh khí, nó kích thích làm tăng trưởng và phát triển sự sống  về mọi mặt được thuân lợi. Người ta thường gieo sạ lúa vụ 3 trong khoảng  cuối   tháng 11 âm lịch, hay  chắc chắn hơn là sau tiết Đông chí, lúc này ngày đã bắt đầu dài trở lại, cây mầm dễ phát triển. Đối với con người về thể chất và tinh thần  cũng có điều kiện thời tiết môi trường sống thuận lợi hơn  những ngày Thu, Đông trước đó.

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

MÃI MÃI LÀ THIỆN TÂM

(Kính tặng Thầy Trần Văn Mẫn, nguyên Hiệu trưởng Sư phạm Qui Nhơn)
 Bích Liên
Tôi đã từng gọi mình là “lão nương” vì đã xa rất xa thời son trẻ, xa tít tắp cái thời làm Giáo sinh trường Sư phạm Qui Nhơn. Vào thời ấy và ở nơi ấy, tôi đã giữ lại trong ký ức mình hình ảnh yêu thương của ngôi trường, khu nội trú, bạn bè, thầy cô giáo,…Ở đó vẫn rạng rỡ mãi trong lòng tôi hình ảnh một người Thầy dẫu chưa dạy tôi một chữ nào, nhưng bằng nhân cách và tình cảm đã cho tôi niềm kính yêu và niềm biết ơn sâu xa. Tôi muốn nói về Thầy TRẦN VĂN MẪN, Hiệu trưởng của trường chúng tôi ngày ấy.
Tôi nhớ Thầy như in, nhớ dáng Thầy thấp đậm, đôi kính cận dày, Thầy bước nhanh, mặt nghiêm trang và mắt luôn nhìn thẳng. Thầy ít cười và có vẻ khó gần, nhưng bên trong là cả một sự dịu dàng, tình cảm. Trong lòng tôi, mãi mãi Thầy là một nghệ sĩ đa cảm, và một người Thầy nhân hậu. Thầy nói giọng Bắc ấm và truyền cảm. Thầy hát rất hay và chỉ hát khi lòng Thầy đầy cảm xúc. Tôi vẫn nhớ hoài dáng Thầy hiền hòa, xúc động khi hát bài “Biệt ly” của Doãn Mẫn năm nào. Chỉ một lần nghe thôi mà tôi vẫn mãi nhớ Thầy và thêm yêu bài ca ấy.
Tôi nhớ Thầy ngoài tình cảm thầy trò tự nhiên và bình thường của bao giáo sinh đối với Thầy, tôi còn có một nỗi nhớ rất riêng bởi một kỷ niệm tôi không thể nào quên… Tôi làm Trưởng ban văn nghệ lớp Nhất 4, năm sau, Nhị 4, tôi làm lớp trưởng. Tôi có nhiều dịp xuống Văn phòng gặp Thầy Cô. Giữa năm Nhị niên, gia đình tôi ở quê gặp nhiều rủi ro, hoạn nạn… Tôi bối rối chuyện ăn ở, học hành, nhiều lúc thấy lòng chán nản, thiếu thốn và cô đơn. Không hiểu vì sao Thầy biết được. Một buổi sáng, Thầy cho gọi tôi xuống Văn phòng. Thầy dịu dàng nhìn tôi, ánh nhìn thương mến và thấu cảm. Bất ngờ Thầy ấn vào tay tôi chiếc phong bì. Tôi chưa kịp hiểu ra đã nghe Thầy nhẹ nhàng nói: “Đây là chút tiền nhỏ từ lương tháng của Thầy. Em nhận cho Thầy vui. Rồi mọi khó khăn sẽ qua!”  Tôi ngẩn người rồi òa lên khóc như một cô học trò bé nhỏ. Món quà Thầy tặng tôi đã dè sẻn, trân trọng trong gần một tháng. Mọi khó khăn đã qua như lời Thầy nói nhưng lòng Thầy thì vẫn rực sáng trong ký ức tôi… Sau này, trong đời dạy học, tôi đã nhiều lần tặng học trò tôi những món quà nhỏ mong các em ít nhiều vượt qua khó khăn, tôi đã xoa đầu các em và lặp lại những lời Thầy đã nói với tôi năm nào. Lòng tôi vẫn rưng rưng xúc động nhớ ơn Thầy và tôi khẽ gọi thầm: Thầy ơi!
Còn nhớ đêm văn nghệ trước ngày ra trường, lớp Nhị 4 chúng tôi đoạt giải “Danh dự văn nghệ toàn trường” cho hai tiết mục “ Hội chùa LIM” và “ Thiên thai”. Đêm ấy, khán phòng chật ních khách mời, Thầy Cô và giáo sinh hai khóa…Trên sân khấu, tôi thay mặt lớp nhận phần thưởng từ tay Thầy trao, và trao lại Thầy bức tranh sơn mài cỡ lớn trong số phần thưởng của lớp, tặng nhà trường trước lúc chia xa… Thầy đã bắt tay tôi thật chặt. Dưới làn kính trắng, đôi mắt Thầy đầy xúc động và tự hào. Chẳng biết lúc ấy, Thầy có còn nhớ cô giáo sinh đã rơi nước mắt làm động trái tim người thầy giáo nhân ái không. Ngày Lễ ra trường, bạn bè lao xao, líu xíu, tôi ngồi ở xa cố nhìn lên Thầy, ghi lại qua hình ảnh và giọng Thầy nói, những gì thắm thiết, êm đềm, một thời học làm người, làm Thầy ở ngôi trường Sư phạm thương yêu.
Hai năm sau ngày ra trường, tôi có dịp về lại QUI NHƠN, rảo bước qua khu nội trú mới, chiếc giường tôi nằm khi xưa bây giờ là của cô bạn đồng hương khóa 9. Tôi rưng rưng nhớ lại từng kỉ niệm mới qua còn nóng hổi…Buổi chiều tôi đứng sau nhà Thầy Trọng dạy trường thực hành, nhìn qua bên kia rào thép gai là nhà Thầy Hiệu trưởng và nhà ông Cố vấn. Mọi thứ vẫn còn tinh tươm. Khóm ngọc lan bên góc nhà Thầy vẫn xanh cành và đầy hoa trắng thơm thơm, chú chó KI vẫn hăm he nằm ngoài hiên hóng nắng. Bóng các em con Thầy loáng thoáng nói cười, bong Cô cao cao thấp thoáng vào ra, còn Thầy như đang ở đâu đó trong phòng đọc sách…Bên phía xa, qua vườn hoa nhà Thầy, bóng các giáo sinh nội trú đi dạo chiều thơ thẩn. Thoáng tiếng chân dịch, tiếng quả banh bàn lách cách cùng tiếng reo vui của cô Hiếu, cô Hậu trong gian nhà thể thao. Tất cả đọng lại trong tôi sự dịu dàng, trong trẻo…Tôi trở về, lòng thương nhớ khôn nguôi…
 Tết năm nay nữa, tôi đã sáu mươi ba:
                              “Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương” (TẢN ĐÀ)
Khi tôi viết những dòng này, lòng tôi bùi ngùi nhớ lại thời xanh tóc nhưng tôi rất hạnh phúc vì qua bài “Thương nhớ Ngọc lan” của mình, tôi đã gặp lại, nghe giọng thương quen của bạn bè những ngày xưa than ái. Nhất là tôi biết được tin tức của gia đình Thầy TRẦN VĂN MẪN, người Thầy mà suốt một đời tôi luôn kính mến.. Hạnh phúc lớn lao khi tôi được đọc bức thư viết tay Thầy gửi cho tôi. Thầy đã ngoài 80 tuổi, đã bị bệnh, vậy mà lời thư vẫn nồng ấm, bao dung, than thiện. Tôi còn được nghe em TRẦN THIỆN ÁI, con trai Thầy từ nơi xa gọi điện về thăm hỏi. Qua giọng em nói, những điều em kể, tôi nghĩ em vô cùng dễ thương như tên gọi. Cả em PHƯƠNG LAN nữa, các em phải là thế, vì các em là con của Thầy Cô!
Ở nơi xa xôi, Tôi muốn nói với Thầy : “Con rất nhớ Thầy, Thầy yêu quí của con, với lòng biết ơn sâu sắc không nguôi…Con kính chúc Thầy và gia đình mọi điều tốt đẹp nhất. Ở nơi nào và vào lúc nào, Thầy cũng có rất nhiều những học trò thương yêu Thầy lắm, có điều Thầy chưa biết hết đó thôi! Và con, con vẫn nhớ Thầy và mang ơn Thầy nhiều nhất. Con xin tạm biệt Thầy, Thầy ơi!
VÕ THỊ BÍCH LIÊN
Cựu giáo sinh Khóa 7 - Trường Sư phạm QUI NHƠN

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...