Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Học trò vùng cao Kim Bon săn chuột để thoả cơn thèm thịt

Dựng lều tạm, chiều bẫy chuột, sáng lấy chuột về làm thịt ăn… là cuộc sống hằng ngày của các em nhỏ vùng cao Kim Bon, Phù Yên, Sơn La trên con đường học chữ.


Những căn lều tạm
Đến được nơi mà các em nhỏ Kim Bon sống và học tập chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ đi từ chân núi, vượt qua nhiều dãy núi. Đường lầy lội vào mùa mưa, mùa hè thì bụi mù dày đặc. Cuộc sống của các em nhỏ nơi đây dường như bị cô lập với thế giới bên ngoài.
 Lều tạm do học sinh tự làm để ở
Lều tạm do học sinh tự làm để ở

Xã Kim Bon là một trong những xã lớn nhất ở huyện Phù Yên, xã chủ yếu có hai dân tộc sinh sống là người H’Mông và người Dao. Cư dân ở đây sống rải rác ở các ngọn núi khác nhau. Để tìm kiếm được con chữ, các em nhỏ phải vượt mấy chục cây số để đến trường.
Do trường cách quá xa nhà nên việc vận động học sinh ở bán trú để đến trường đối với các thầy cô giáo và cán bộ xã vô cùng khó khăn.
Cô Hồng, hiệu trưởng trường cấp 2 Kim Bon, cho biết: “Các thầy cô giáo trong trường phải đến tận từng nhà, từng bản cách trường mấy chục cây số để vận động các em đi học, nhưng cứ mùa thu hoạch ngô và lúa nương đến thì phụ huynh bắt con ở nhà đi làm nương, thầy cô giáo không thấy học sinh đến lớp lại đến tận nhà vận động phụ huynh cho các em đến trường”.
Chỗ trọ 70 nghìn một tháng của học sinh vùng cao
Chỗ trọ 70 nghìn một tháng của học sinh vùng cao

Cách trường mấy chục cây số, không có tiền thuê trọ, những cậu học trò người Dao phải vác gỗ, nứa từ nhà đến làm lều tạm cách trường gần 2 km. Căn lều tạm quá đơn sơ, ngoài những cây gỗ dựng lên thành khung, lấy những tấm mên làm từ tre chắn xung quanh, nền nhà bằng đất và chỉ bỏ mấy tấm gỗ làm phản để ngủ. “Lạnh buốt chân và tay mỗi khi đi ngủ vào ban đêm” – Đặng Văn Cường – một học sinh trọ học thỏ thẻ.
Còn những em nhỏ có điều kiện hơn thì thuê nhà người dân để ở, “Mỗi tháng chúng em mất 70 nghìn/người tiền chỗ ở, tiền điện tính riêng. Mà tháng này không hiểu sao lại tăng giá điện, em mất 9 nghìn đồng trong khi đó tháng trước có 7 nghìn. Mỗi tháng bố mẹ cho em hơn 100 nghìn đi học”, cậu học trò Đặng Văn Khánh kể.
Những căn nhà tạm bợ như thế này không thể che mưa, chắn gió ở nơi có thời tiết khắc nghiệt như ở vùng cao Kim Bon được. Mùa đông ở đây nhiệt độ luôn dưới 10 độ mỗi khi đêm về, kéo theo đó là sương mù dày đặc.

Săn chuột cải thiện bữa ăn
“Thèm ăn thịt” là cảm giác chung của những em học trò nơi ở nơi đây. Bởi có về nhà thì các em cũng chỉ được bố mẹ cho một ít gạo, mấy mớ rau, vài quả bí đỏ và một hộp muối để ăn với cơm.
Bạn nào sang hơn thì bố mẹ cho thêm một lọ măng muối chát đắng vì mặn. Vì vậy mà thịt chuột là món ăn được các em chọn làm thức ăn “sang” mỗi ngày và nhất là để giải tỏa cơn “khát” thịt.
Cơm trắng ăn với cá khô rang muối
Cơm trắng ăn với cá khô rang muối

Bẫy chuột là công việc hằng ngày của các em nhỏ sau mỗi giờ học. Các em chia từng tốp nhỏ, chia luôn những nương lúa, ngô, sắn để bẫy chuột. Chiều học về lúc 16h, các em lại rủ nhau đi đặt bẫy, sáng sớm tinh mơ tầm 5h sáng rủ nhau đi lấy chuột.
Đặng Văn Cường vừa mới nhập học cách đây mấy hôm mặt buồn rượi khi kể về sự thất bại liên tiếp của mình. “Em chưa quen với cách bẫy chuột ở nơi đây nên mấy hôm liên tiếp theo các bạn đi bẫy nhưng em không bắt được con nào, nên em ăn cơm rau hoặc ăn với muối”.
Về cách làm thịt chuột như thế nào Cường chia sẻ: “Em đập chết chuột, xong lột da nó ra và hơ lên bếp, rồi mổ bụng nó ra, vứt hết bộ lòng, để lại gan và xào lên ăn với cơm”.
Với những học sinh ở khu bán trú thì nếu không bắt được chuột thì các em mua cá khô để ăn cơm. Có cá khô để ăn với cơm là quá sang với các em nhỏ nơi đây, Thầu A Sếnh đang rửa cá khô cho vào nồi phấn chấn nói: “Cá này em mua 5 nghìn, cho hai người ăn với cơm, em rang với muối”.

Chân trần, áo mỏng… và rét
 Đến thăm những học sinh trường tiểu học, không ít người mủi lòng khi thấy các em mong manh trong áo mỏng, chân đất đỏ ửng. Khi được hỏi các em có lạnh không, cả nhóm xôn xao tiếng H’Mông “No no” (rất lạnh – PV) 
Những đứa trẻ chân trần, áo mỏng chống chọi với giá rét
Những đứa trẻ chân trần, áo mỏng chống chọi với giá rét

Áo ấm, tất chân… đối với các em là thứ quá xa xỉ. Một bà mẹ người H’Mông bế con trên tay, đứa bé chỉ có một cái áo, không có quần... Những đứa trẻ chân trần đỏ ửng, đứng run lên từng hồi vì lạnh. Các em vẫn đang mơ ước có một cái áo ấm chống rét.

Hồ Sỹ Anh

Một số hình ảnh xem thêm:
Nướng chuột trên bếp lửa (Ảnh: Giàng A Cối - GDVN)
Tất cả các bộ phận của con chuột còn lại sau khi mổ (chỉ vứt đi phần ruột, gan để lại) sẽ được chặt nhỏ và cho vào xoong
(Ảnh: Giàng A Cối - GDVN)


Đôi chân lấm lem bùn đất với nồi thức ăn lõng bõng nước (Ảnh: Giàng A Cối - GDVN)


Thịt chuột được Giàng A Ninh làm sạch trước nguồn nước chính của học sinh nội trú 

 

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

TẾT QUÊ TÔI.

                 Irene.

         Mấy hôm nay trời Sài Gòn như chuyển tiết lập xuân. Mưa lất phất bay, thời tiết trở nên lành lạnh giống khí hậu miền Trung quê tôi vào những ngày giáp Tết.
Ở đây, bắt đầu từ Giáng Sinh là không khí Tết như đang tràn về trên những hàng cây, trên những con đường, trên khắp phố phường… và làm nao nao lòng tất cả mọi người.
         Sáng nay, tôi vừa nhận được một thùng quà ở ngoài quê gởi vào. Nhìn những món bánh, mứt, những đặc sản riêng biệt của quê mình sao tôi cảm thấy bồi hồi trong dạ. Từ lúc tôi vào miền Nam này để ở với con cái. Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến thì bà con bên nội, bên ngoại, chị em bạn bè ngoài đó lại lần lượt gởi cho tôi những món quà quê hương đậm đà tình nghĩa…gợi lại cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm về những ngày Tết êm đềm nơi quê nhà.
         Ở quê tôi, khi mà cái giá rét của Mùa Đông vơi dần đi nhường chỗ cho những tia nắng ấm áp thì dường như đâu đó Mùa Xuân đang hiện diện. Mùa xuân về trên những bãi cỏ xanh mượt, trên những mầm non lộc biếc, trên những đóa hoa mới nở và trên những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười...
Tết đến! Rõ nét nhất là khi các chợ đã bắt đầu đông dần lên với những hàng hóa Tết tràn ngập. Từ hàng áo quần cho đến hàng tạp hóa cho đến hàng mứt bánh đến những quang gánh rau trái…rồi đến phố phường người xe rộn rịp, tấp nập.
Tôi quên sao được? Vào những năm cuối thập niên 50, lúc đó tôi còn bé lắm! Không gì vui sướng bằng những ngày Tết. Tết tôi được mặc quần áo mới. Tết sẽ được tha hồ ăn mứt bánh. Tết có tiền lì xì và Tết được đi chơi…Vì thế, tôi trông đến Tết từng ngày. Lòng tôi rộn ràng xen lẫn vui sướng từ lúc mà mẹ tôi bắt đầu may cho chúng tôi những bộ quần áo mới. Mẹ  may tay chứ hồi đó không có nhà nào có máy may. Và lại càng không đến thợ may để may như sau này. Tôi vẫn nhớ những ngày cuối đông ngoài trời rét mướt, trong gian phòng khách, tôi ngồi cạnh mẹ. Dưới ngọn đèn dầu, bên cái “tráp” bằng nhôm đựng đồ may như kim chỉ…Mẹ ngồi may áo, một tay cầm kim, một tay khẽ nâng cái áo lên, may từng mũi kim lên, xuống đều đặn, hết đoạn này đến đoạn khác. Chốc chốc mẹ tôi lại lấy cục sáp ong suốt chỉ để cho chỉ trơn không bị rối. Thỉnh thoảng bà dừng lại để xâu kim hay cắt chỉ. Các chị tôi cũng ngồi xúm xít xung quanh. Có khi, mẹ vừa may vừa kể chuyện Phạm Công Cúc Hoa. Tôi cứ ngồi xích gần, xích gần lại. Sợ nhất là khi mẹ kể đến đoạn hai chị em Nghi Xuân, Tấn Lực ra mộ và mẹ Cúc Hoa hiện về bắt chấy cho con…
Có những lúc khuya quá, tôi lại buồn ngủ và thế là tôi nằm sát vào bên chân mẹ để ngủ trong khi mẹ tôi vẫn miệt mài may áo quần…Những giây phút ấy, bây giờ nhớ lại sao nó êm đềm và ấm áp biết bao! Nó khắc sâu vào trong tâm trí tôi xâu kết thành những mảng ký ức tươi đẹp của một thời thơ ấu.
 Và rồi đến lúc ba tôi bắt đầu đem mấy cây mai ra tỉa lá là lòng tôi như rạo rực hẵn lên. Những ngày sau đó, mẹ tôi chuẩn bị làm dưa món, bánh mứt… chị em tôi lại vui như hội và tôi thấy cái Tết như đang gần kề.
Cả nhà thường ngồi bên cạnh để xem mẹ chuẩn bị làm bánh. Trước tiên là phơi bột, chị tôi hỏi:
-Mạ ơi! Sao mạ phải phơi bột vào buổi tối thế hả mạ?
-Phơi buổi tối lấy sương đêm để bột nó dịu không thì nó sẽ khô khốc không in bánh được.
Khâu phơi bột cũng rất là kỳ công. Đêm mẹ tôi không bao giờ ngủ yên giấc. Cứ chốc chốc, lại trở dậy ra xem. Có đêm sương xuống nhiều quá thì phải đậy sàng bột bằng vải thưa kẽo bột sẽ bị đẫm ướt. Có đêm bất chợt có một cơn mưa nào đó rơi xuống. Thế là phải nhanh chóng chạy ra sân đem bột vào chứ không thì bỏ luôn sàng bột…
Hết bánh in, bánh hồng đến bánh thuẩn, bánh bông lan…rồi rim mứt. Nào là mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt me, mứt chùm ruột…nhưng có lẽ thú nhất là chị em tranh nhau vét nồi. Sao mà nó ngon lạ, ngon hơn cả khi được mẹ cho mứt ăn vào những ngày Tết.
Lúc bé, tôi chưa biết gì nhiều nhưng tôi vẫn biết rằng Tết đến mẹ tôi lo toan, sắp đặt mọi việc trước sau. Rồi bỏ rất nhiều công sức ra làm bánh, làm mứt… Mẹ còn phải thức khuya dậy sớm để lo chu toàn cho ngày Tết.
Khi mẹ tôi gói bánh tét, bánh chưng là ba tôi và cả chúng tôi cùng túc trực để phụ giúp. Mẹ gói bánh rất kén chọn lá, lá chuối phải là lá chuối hột thì bánh mới xanh. Lá chuối được phân thành những loại lá đầu, lá khổ rộng thì dùng làm thân bánh, lá bên ngoài…rửa và lau lá sạch đem phơi nắng cho lá mềm. Lạt buộc phải chẻ thật mỏng, chiều dài vừa phải và phải ngâm nước một đêm cho nó mềm mại. Rồi đến khâu chọn mua nếp, mua đậu… Hình ảnh mẹ tôi ngồi nhặt từng hạt thóc, từng hạt gạo tẻ …từ trưa cho đến khi bóng mẹ mờ mờ in rõ dần trên vách trong buổi chiều tàn. 
Thường thường, mẹ tôi vừa làm vừa giải thích, như để truyền những kinh nghiệm… Năm nào cũng vậy, các chị tôi ngồi bên xem mẹ gói bánh, giúp mẹ đưa lá hoặc cột dây…Còn tôi mong sao đến khi gói gần hết nếp là tôi xin một chút nếp để gói một cái bánh nhỏ. Rồi khi bánh bỏ vào thùng để nấu, cái bánh của tôi để lên trên cùng. Trời cuối đông miền Trung rét buốt mà cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa hồng sao mà ấm áp, hạnh phúc vô cùng. Bánh chín tôi vui mừng vì mình có cái bánh nhỏ nhưng không dám ăn chỉ cầm chơi. Cũng nhờ quanh quẩn bên mẹ mà sau này khi ba chị em chúng tôi lớn lên, người nào cũng đều biết chút ít về thêu thùa may vá và làm bánh trái …
Hai ba tháng chạp cúng đưa ông Táo về trời. Không phải như bây giờ ra tiệm mua là có sẵn hết. Mẹ cúng đưa Ông Táo bằng bông chuối và nấu nồi xôi chè. Lễ cúng ông Táo rất là trịnh trọng. Mẹ tôi áo dài chỉnh tề đứng trước bàn mâm lễ khấn vái rất thành khẩn. Không biết mẹ khấn những gì nhưng đứng lâm râm lâu lắm rồi lạy mấy lạy…
Một lần nọ, tôi hỏi:
-Mạ ơi, vì sao mình phải đưa ông Táo về trời?
-Ông Táo là người trông coi bếp núc. Ông ghi chép hết mọi việc làm tốt xấu của mọi người trong nhà năm qua báo cáo lên Ngọc Hoàng. Vì vậy, hàng năm ngày hai ba tháng chạp là ông Táo về chầu trời.
-Rồi ngày mấy ông xuống lại, hả mạ?
-Ngày ba mươi Tết. Khi mà mình cúng rước tổ tiên ông bà thì mình đón ông trở lại.
Từ khi nghe mẹ nói như thế, tôi sợ lắm không dám làm gì xấu. Nhất là không dám chạy vào bếp ăn vụng như trước nữa vì sợ ông sẽ lên tâu với Ngọc Hoàng. Rồi tôi lại nghĩ mấy ngày ông lên trời ở nhà nếu có việc gì xảy ra thì làm sao ông biết? Vì vậy chắc mọi người muốn làm gì tùy thích ông đâu có mà biết mà tâu với Trời nhỉ?
Những ngày cuối năm, ai ai cũng quét dọn nhà cửa. Ba tôi nói đây là phong tục “Tống cựu nghinh tân” nói nôm na là bỏ đi những cái cũ để đón những cái mới. Nhà cửa quét dọn sạch sẽ, bàn thờ tổ tiên trang trí đẹp đẽ, bỏ đi mọi thứ rác rưởi, sắm mới chén bát, mọi vật dụng trong nhà, cắt tóc hay làm mới đầu tóc, may sắm quần áo mới…
Tôi thích nhất là buổi chiều cuối năm. Một buổi chiều bình yên lắng đọng. Mọi người đều dừng lại mọi công việc để quay về bên mái ấm gia đình. Quây quần bên bàn thờ, đoàn tụ bên mâm cơm …Trong giờ khắc này con người như trở về lại với cội nguồn, trở về lại với chính con người thật của mình…rồi ngẫm nghĩ chuyện trong một năm qua.
Năm nào cũng thế, ba tôi luôn nhắc nhở chúng tôi là sau giao thừa thì lời ăn tiếng nói phải cẩn thận. Không gây gỗ, nhăn nhó...phải vui vẻ, niềm nở với mọi người. Ngày mồng một không được bước đến nhà ai trừ nhà của ông bà, cha mẹ hay bà con… Ngày Tết không được quét nhà vì sợ quét nhầm Thần Tài ra khỏi nhà…
Ba mẹ tôi chuẩn bị lễ cúng giao thừa rất là đầy đủ. Một mâm cúng trên bàn thờ gia tiên, một mâm cúng Thiên địa ở trước sân nhà. Mẹ tôi bày mâm ngũ quả thật đẹp. Sau này vào Nam, tôi lại thấy người Nam chưng bày mâm ngũ quả theo tiếng gọi hay gọi trại như : Mãng cầu, trái sung, quả dừa, đu đủ, trái xoài ( cầu sung dừa đủ xài )… Trong lúc ba mạ tôi kính cẩn khấn vái thì tôi lại vào bàn học lấy vở ra học bài. Cái phong tục này tôi rất thích và giữ mãi truyền lại cho các con tôi rồi học trò tôi…Bây giờ cũng thế cứ giao thừa là tôi lại ngồi vào máy vi tính gõ một vài câu mở đầu cho một truyện ngắn nào đó xem như “khai bút đầu năm”.
Giao thừa thường bắt đầu trong khoảng 11g đến 1giờ sáng. Cúng xong ba tôi thường chọn hướng xuất hành đi lễ Chùa. Nhà tôi ở hướng Bắc mà Chùa thì hướng Tây. Có năm xuất hành hướng Đông, thế là cả nhà phải đi theo hướng Đông rồi vòng lại. Có năm xuất hành hướng Nam, cả nhà phải xuất hành ngõ sau…
Hình ảnh cả gia đình tôi xuất hành đầu năm để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Ba mạ tôi áo dài khăn đóng đi trước, ba chị em tôi áo dài hớn hở đi sau. Trong lòng mỗi người tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Trước bàn thờ Phật hương trầm nghi ngút, trong giây phút giao thoa giữa năm cũ và năm mới, tôi thành tâm đứng khấn nguyện mọi điều tốt lành đến với mình, với người thân, với đồng bào và với đất nước Việt Nam… Ngoài sân chùa, người người đi lễ hay đến hái lộc đầu năm càng lúc càng đông hòa với tiếng pháo nổ đì đùng vang vang rộn rã.
Ngày Mồng một tôi dậy rất sớm! Xúng xính trong bộ áo quần mới, đi đôi guốc mới. Tôi thấy mình lớn hẳn vì năm mới thêm tuổi mới. Gia đình tập họp đông đủ tại phòng khách. Ba mạ tôi ngồi ở bàn khách, chúng tôi đến bên cạnh và nói lời chúc mừng năm mới. Sau đó, ba mạ tôi lì xì cho chúng tôi.

Từ lúc ba mươi rước tổ tiên ông bà về cùng ăn Tết thì trên bàn thờ lúc nào cũng nghi ngút trầm nhang. Trong mấy ngày Tết, mỗi ngày sửa soạn ba lần để cúng. Sáng cúng bánh, cúng nước, trưa cúng cơm, chiều cúng cơm. Ròng rã từ mồng một cho đến mồng bốn. Đến mồng bốn, cúng đưa ông bà về trời thì mới thôi. Cho nên ba ngày Tết chị em chúng tôi phải lo túc trực cúng kiến không đi chơi đâu được. Thấy mọi người đi chơi mà ao ước! Tôi nói nhỏ với hai chị tôi rằng sau này lớn lên, Tết đến, mỗi ngày tôi chỉ cúng một lần thôi! Các chị tôi cũng đồng ý như vậy! Mấy năm sau khi tôi lớn lên thì tôi thấy ba má tôi đơn giản dần mọi nghi lễ, cúng giỗ không còn như xưa nữa.
Sau này, khi tôi đã trở thành thiếu nữ. Cứ mỗi độ Xuân về niềm vui vẫn thế nhưng tâm hồn tôi bắt đầu biết bâng khuâng, biết xao xuyến khi gió xuân về hay khi nhìn những nụ mai trên cành vừa hé nở và thoáng rung động khi có ánh mắt ai nhìn.
Hai năm học Sư Phạm, Mỗi lần Tết đến, thấy các bạn ở nội trú náo nức thuê xe đùm túm, tay xách nách mang đi về quê ăn Tết thì những giáo sinh ngoại trú như chúng tôi lại thấy nao nao trong lòng. Thầm mong ước rằng, giá mình cũng được về quê ăn Tết như thế?
Rồi tôi trở thành cô giáo ra dạy ở một làng quê. Tết đến lòng tôi náo nức, mong ngóng từng ngày để về nhà . Tâm trạng cô giáo trẻ hớn hở lãnh tháng lương mua sắm thật nhiều quà nào là bánh tráng dừa, bánh tráng củ lang, bánh nổ, bánh hột xoài, đường, đậu, nếp… mang về biếu bố mẹ, biếu người thân trong dịp Tết. Và hân hoan vui sướng khi về nhà nhận được rất nhiều những cánh thiệp chúc Tết của bạn bè.
Ngày Tết lại càng có ý nghĩa hơn khi tôi đã có một gia đình nhỏ. Lúc này Xuân đến lòng càng nôn nao xen lẫn những lo toan. Rồi cũng theo những phong tục của ngày Tết, tôi lo cho mái ấm của mình êm ấm đầy đủ sung túc hạnh phúc.
Bây giờ thì tuổi về hưu, đã có cháu nội, cháu ngoại. Nhìn thấy cháu chắt xum xoe quần áo mới, con cái sắm sửa chuẩn bị Tết theo phong tục cổ truyền của ngày Tết…Lòng tôi cũng nao nao, dường như trong con cháu, tôi lại bắt gặp hình ảnh mình của những ngày xưa hiện về.

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta có nhiều phong tục hay cần phải duy trì nhưng cũng phải biết chọn lọc những mỹ tục, tập quán tốt, loại đi những hủ tục không đáng có.
Tết Nguyên Đán ở quê tôi, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi vẫn mang theo cố gắng gìn giữ mãi để bây giờ truyền lại cho con cháu. Để thế hệ đi sau biết về cội nguồn, hướng về Tổ Tiên, yêu đồng bào dân tộc, tự hào với truyền thống đất nước… Làm thế nào sống tốt với mọi người, biết cách ăn ở cho có nhân, có nghĩa… thắt chặt tình cảm đối với mọi người trong gia đình tạo mối dây thân ái trong làng xóm trong cộng đồng. Nói chung là  ông cha ta mong muốn tất cả đều hướng đến chân thiện mỹ làm cho cuộc sống chúng ta mỗi ngày một tốt đẹp hơn lên.
Xuân Quý Tỵ đã gần kề, mong sao một năm mới này sẽ đem đến cho mọi người nhiều sức khỏe, ấm no, an vui và hạnh phúc như lời bài hát Câu Chuyện Đầu Năm
Mong đầu năm cuối năm gặp may, Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy. Trên bước đường danh lợi rồng mây. Duyên vừa đẹp ý đắp xây. Ôm nàng xuân đẹp vào tay…

Không biết tôi có xưa không nhỉ? Nhưng thật sự từ đáy lòng, tôi rất thích các phong tục cổ truyền ấy và cũng rất thích nhìn thấy hình ảnh mỗi nhà đều dán câu đối đỏ trong ngày Tết:
Năm mới hạnh phúc bình an đến
Ngày xuân vinh hoa phú quý về.

Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà.

Sài Gòn, Mùa Xuân 2013.
Irene.

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

NHỚ XUÂN - Thơ - Lại Giang

Lại Giang

Như sương như khói bên trời
Như hoa nở nụ đón mời Xuân sang
Qua rồi mấy độ thu vàng
Đông tàn nguyệt lạnh mơ màng nhớ xuân
Từ xưa môi mắt tươi hồng
Tung tăng áo trắng mơ lòng thủy chung
Gió về một thoáng mông lung
Lời thơ giọng hát buâng khuâng cõi đời
dáng xưa xỏa tóc buông lơi
Cho đôi mắt ước cho lời nhớ nhung
Tuổi đời như sợi tơ chùng
Vương vương chút nắng mịt mùng dấu xưa
Ngàn thơ thôi mấy cũng vừa
Tình thơ vương vấn như mưa giăng mờ
Qua rồi một thủa mộng mơ
Như ru giấc mộng tuổi thơ xa rồi
Trời Xuân một cõi chơi vơi
Nắng Xuân vời vợi giữa trời viễn phương .
                                      
                         LẠI GIANG

  Thân gửi BBT và các bạn
Mùa Xuân đến thân chúc BBT spqn và các bạn một mùa Xuân như ý
Thân.

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Thư Cảm Tạ Của Gia Đình Thầy Đặng Văn Bồn

Sài Gòn, ngày 05 tháng 01 năm 2013.

Thân ái gửi :
  • Quí anh chị em đồng nghiệp, anh chị em Giáo sư, giảng viên trường Sư Phạm Qui Nhơn , quí anh chị em trong Hội Đồng Giáo sư , nhân viên văn phòng trường Sư Phạm Qui nhơn trước năm 1975
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Sài Gòn
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Hải ngoại.
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Quy Nhơn.
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Thừa Thiên Huế
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Đà Nẵng.
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Quảng Ngãi.
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Bình Định.
  • Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  tại Đalat
Và các anh chị em Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn  gần xa.....

Thưa quí anh chị, các bạn bè thân hữu của chồng, cha, anh, ông chúng tôi là cố Giáo sư Đặng Văn Bồn, một trong hai vị phụ trách môn Giáo dục cộng đồng từ khi trường mới thành lập, sau một thời gian dài bệnh nặng, cộng thêm những đổi thay của thời cuộc đã làm hao mòn thể chất cũng như tinh thần, mặc dù gia đình, bà con, anh em, bạn bè thân hữu  trong đó phải kể đến sự giúp đỡ tận tình và động viên an ủi rất nhiều của quí vị, nhưng vì phần tuổi cũng khá cao, bệnh đến giai đoạn cuối, nên chồng, anh, cha, ông chúng tôi đã qua đời tại thành phố Sài Gòn ngày 25 tháng 12 năm 2012 (nhằm ngày 13 tháng 11 năm Nhâm Thìn) hưởng thọ 76 tuổi.

Khi người thân của chúng tôi qua đời, chúng tôi đã nhận được nơi quí vị sự bày tỏ thương tiếc, phân ưu bằng nhiều hình thức, rất nhiều vị đã gọi điện, đã gửi vòng hoa phúng điếu, đã trực tiếp đến viếng, đã gửi tiền hỗ trợ tang lễ, nhưng trên hết là quí vị đã gửi cả tấm lòng đến với gia đình chúng tôi, chúng tôi xin tỏ lòng tri ân, ơn nghĩa này chúng tôi không biết lấy gì đền đáp, chỉ biết xin quí vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu sắc nhất của chúng tôi.

Xin chân thành chúc quí vị bình an, hạnh phúc, sức khỏe.
Năm cũ cũng sắp qua, năm mới sẽ đến, thay mặt toàn gia đình xin chúc quí vị an khang thịnh vượng.
Một lần nữa xin chân thành cám ơn quí vị.

Thay mặt gia đình:     
Bà quả phụ Đặng Văn Bồn
Nhũ danh Lê Thị Bạch Yến

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...