Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

ÁO TRẮNG - Thơ - Thi Trang


                   Thân tặng Trần Đại II/2 Khóa 11.


Áo trắng em về thơ rất thơ
Thu nao nón Huế bước đi về.
Thướt tha trong gió bay tà áo,
Giòng nước trong xanh trôi lặng lờ.

Áo trắng rồi sau xa bến mơ,
Chiều ra đầu ngõ ngẩn ngơ chờ.
Đợi người mỏi mắt, nào đâu bóng.
Quay gót sao lòng nghe tái tê!
                            
Võ Thị Đào, K11
    (Thi Trang)

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Những Mùa Thu.


Mùa thu tuổi còn thơ
Quấn quýt bên chân mẹ
Bỡ ngỡ bước đến trường
Lạ lẫm nhìn thầy cô.

Mùa thu tuổi mộng mơ
Tung tăng tà áo trắng
Rộn ràng bao niềm vui
Bước vào năm học mới.

Mùa thu tuổi đôi mươi
Tà áo dài duyên dáng
Hớn hở bước đến trường
Bên đàn em thơ dại.

Mùa thu nào vừa qua
Rời bảng đen phấn trắng
Bỏ lại đằng sau lưng
Bục giảng và học trò.

Rồi đến mùa thu nay
Trở về lại trường xưa
Lòng bồi hồi nhung nhớ
Nghe trống trường ngân vang.

Mùa thu rồi mùa thu
Thời gian cứ trôi đi
Lòng ta càng băng giá
Khi thấy lá vàng bay.

SG,31/8/2011
Phương Uyên – Nhị 8 – K12
                                 

NHƯ BUỔI GIAO MÙA


(Khúc tản văn - viết tại nội trú SP Quy Nhơn - tháng 4/1973)

1. Lại một buổi sáng, buổi sáng thật bất ngờ đến với tôi như một nhắc nhớ thật xa xôi của thời tuổi nhỏ. Buổi sáng thật bình yên và không gian bỗng chùng thương nhớ!
Tôi thức giấc tự năm giờ sáng, một cảm giác thật mơ hồ đang bủa quanh tôi, tôi không hiểu tôi là gì trong lúc ấy. Cuộc sống này và những công việc thường nhật đôi khi đốt cháy cả tâm hồn. Năm giờ sáng thật bình yên, trơ trọi trên chiếc giường để nghe lòng nhớ nhung không tưởng được. Bên ngoài trời vẫn còn tối, những đợt gió lùa xạc xào qua những cành bông giấy, rỉ rả qua những hàng dương và hình như có một làn gió nào thật nên thơ cuốn tròn cả đám cỏ dại, cả những đám cỏ khô và cả tâm hồn tôi lên những đỉnh cao. Mường tượng trong ấy tôi còn thấy có cả đám chuồn chuồn chới với nhưng cũng thật an lành như những ngày vui thời thơ ấu.
Tôi thật sự không hiểu được tôi lúc này, duy chỉ có một điều đã thể hiện trong tôi đó là nỗi xao xuyến khi những làn gió giao mùa kia trở lại! Buổi giao mùa, không, không phải thế, đó chỉ là làn gió tự muôn phương kéo về để cùng tôi thắp lên những kỷ niệm ấu thời mà đã từ lâu đắm chìm trong những đua chen chán ngắt. Ở đâu có gió giao mùa, có gió bình yên là nơi đó có tôi. Tự nhiên tôi thấy tâm hồn tôi bàng bạc trong từng hơi gió thoảng. Gió mang tôi đến tận miền nào thật xa xôi, cổ tích hoang đường. Gió đưa tôi ra đến tận trùng dương muôn đời buồn bã, âm thầm và cô đơn. Gió đu đưa tôi trên những đọt tre làng có lá khô rơi rụng. Tôi thấy tôi nghiêng qua ngã lại. Tôi hiên ngang bất tận với quê hương dấu yêu. Gió ơi! Gió về với tôi sáng nay, nơi này đây, có tôi hỡi gió! Gió hãy ở cùng tôi. Đừng cho tôi giấc mơ huyền hoặc mà hãy đến với tôi thật sự. Tôi uống cả gió, tôi ôm cả gió vào lòng, nhưng đau đớn thay, gió đã bỏ tôi ra đi. Gió không nhà, gió lang thang muôn ngàn thế kỷ, gió không có nơi nào yên nghỉ ở trần gian...Nhưng còn tôi, hôm nay thực sự tôi đã phải dừng chân nơi này. Gió ơi! hãy mang tôi theo cùng, gió không làm bạn với tôi nữa sao! Tôi hiểu gió, hãy mang tôi theo cùng như thu về trong một sớm mai...

2. Trong lớp học sáng nay, thả hồn ra ngoài khung cửa. Khoảng không gian màu nhớ thương đó thật khiêm tốn, chỉ võn vẹn một màu trong vắt, nửa cụm núi tím mờ, một vài cây dương liễu xac xào, một đám cỏ non...Duy chỉ những làn gió hiện diện lúc này đây đã làm cho tôi mãi mê say đắm. Tôi thấy gió chất đầy những tâm hồn như tôi. Trong làn gió có những trái tim, có những khuôn mặt non choẹt, có những khuôn mặt già nua, người mẹ... Những hình ảnh đó cứ đu đưa qua lại không bao giờ chấm dứt. Tôi mãi mê trong những thứ đó. Tôi miên man cùng gió sáng nay. Gió như thách đố, kiêu sa, gió trốn chạy thật xa... Không, không phải thế, gió lại trở về đây rồi. Tôi ôm lấy gió.
Thu về trong một sớm mai, trong phòng học này, bàn ghế sách vở, tâm hồn thả rong ngoài khoảng trống vắng. Tôi tìm bạn trong khoảng trống vắng đó - niềm an ủi duy nhất mà chỉ có tôi tìm thấy! Cánh cửa phòng học bỗng dưng khép lại trả tôi về thực tại. Bạn bè, lớp học, thầy giáo... sáng nay bài học bỏ dở...
Tôi van gió, dù trong hoàn cảnh nào cũng nhớ đến cùng tôi. Hãy cho tôi được chan hòa trong cái bàng bạc muôn đời mà chỉ có gió mới tận hưởng được đó.
Cho tôi trở về kỷ niệm ấu thời. Cho tôi trở về với khoảng trời bình yên. Cánh cửa lớp học, thực tại này không làm cách ngăn tôi với gió...
Nhưng gió giao mùa cũng đã giã từ tôi trong buổi sáng nay!

Diệp Thế Thoại- K11

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Anh Trưởng Ban Xã Hội lớp tôi.


                                                                      Giang Lam.
            Thân tặng các bạn giáo sinh nữ nhất niên 2 khóa 10.

        Năm 1971, đậu Tú Tài xong, tôi chọn nghề “xoa” đầu trẻ. Thế là tôi bắt đầu học năm thứ nhất của trường Sư Phạm Qui Nhơn. Lớp tôi là lớp nhất niên 2, khóa 10 (1971-1973). Trong lớp có 54 bạn: 17 nữ còn lại là nam.
        Anh Nguyễn Trí Cảnh là Trưởng Ban Xã Hội của trường kiêm luôn của lớp. Cũng nhờ làm trong Ban Xã Hội của trường, mỗi lần có công tác xã hội nào là anh thông báo kịp thời để cho chúng tôi tham gia đầy đủ.
        Anh rất nhiệt tình lại thật thà và vui tính. Anh lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi (Tuổi đời, chứ trong giấy tờ các anh đều có năm sinh giống nhau là 1953). Hầu hết các bạn nữ trong lớp tôi đều có cảm tình với anh. Tôi không biết cảm tình riêng cá nhân anh hay cảm tình cái ban xã hội.
        Rồi đến đợt chúng tôi phải đóng tiền cho ban xã hội lớp, ngày nào vào giờ chơi anh cũng đi đến từng bàn để thu tiền. Số tiền không nhiều nhưng nhóm nữ chúng tôi cùng nhau bấm nhỏ làm cho anh ngày nào cũng quanh quẩn:
        Hằng nói:  -  Anh Cảnh ơi! tháng này má em chưa gởi tiền.
        Khanh nói:  -  Anh chờ cho em vài ngày nữa vì em hết tiền rồi!
        Tụng nói:  -  Ba em chưa lãnh lương.
        Then nói:  -  Sáng nay đi học em quên cái ví ở nhà. Mai nộp nghe anh!
…mười bảy cô, mười bảy lý do. Chứ thực ra con gái chúng tôi lúc nào trong ví cũng có tiền. Cũng vì vậy nên ngày nào anh cũng cầm cuốn sổ đi lên đi xuống như là: “ Anh khách lạ đi lên đi xuống may mà có em đời còn dễ thương …”. Anh không giận, không nhăn nhó chỉ cười cười. Thế mới dễ thương làm sao!
        Khi cái gió xuân hây hẩy lùa trong nắng, mọi người rộn rịp đón Tết, phố phường bày bán đủ các tranh ảnh, các loại thiệp lớn có, bé có. Anh trưởng ban xã hội lớp tôi bận rộn cũng không kém! Một buổi sáng anh mang thiệp mừng xuân đến lớp. Anh đi đến từng người tặng. Tấm thiệp nho nhỏ xinh xinh, anh đã chu đáo đem ra nhà in, in tên và địa chỉ. Năm mươi mấy bạn, ai cũng có trừ tôi. Các bạn hỏi, tôi trả lời một cách thờ ơ: -  Chắc anh mua thiếu ngày mai sẽ anh đem tặng.
        Thật tình lúc đó tôi buồn lắm! Tôi nghĩ:  -  Hay là anh Cảnh ghét mình. Tôi tự nghĩ lại xem thử từ trước đến giờ mình có làm điều gì khiến anh không có thiện cảm với mình? Tôi chắc chắn một điều là không! vì hôm vừa rồi, khi chúng tôi đi làm công tác xã hội ở Cô nhi viện Sao Biển, anh đã theo tôi chụp một tấm hình lúc tôi đang vui chơi với các bé đây mà!
         Vừa buồn lại vừa giận anh. Cái ý nghĩ đó cứ lởn vởn trong đầu tôi suốt hai giờ học sau cho đến ra về.
        Về đến nhà, Thanh cô bé nhà đối diện, bên kia đường hấp tấp chạy qua:
            - Chị ơi! Lúc nãy có một anh đi xe Dame đến bỏ một cái thư vào thùng thư nhà chị.
            - Cám ơn em!
Tôi vội vàng vào nhà lấy chìa khóa mở thùng thư, mở ra tôi mới biết, đó là tấm thiệp chúc Tết của anh trưởng ban Xã Hội. Tấm thiệp anh tặng cho tôi lớn hơn tấm thiệp các bạn ở lớp gấp ba bốn lần. Cầm tấm thiệp trên tay, tự nhiên trong lòng tôi nhẹ nhỏm và cũng xóa đi nỗi buồn về anh trong tôi. Thì ra tôi cũng có một chút gì đó trong lòng anh Trưởng ban xã Hội. Tôi không dám nói với bạn nào trong lớp chỉ kể cho cô em gái tôi nghe mà thôi.

        Có một lần, trong khi ngồi chờ học môn Nữ công của cô Nhiên, Khanh liền đứng lên giữa lớp:
            -           Mình nhận thấy anh Trưởng ban xã hội lớp ta rất đáng yêu vậy bạn nào yêu mến anh thì giơ tay! Mười bảy bạn đều đồng loạt đưa tay lên không thiếu một ai.
         Khanh nói tiếp:
            -           Một mình anh Cảnh mà mười bảy bạn mến. Theo mình để tình cảm bạn bè khỏi sứt mẻ, mình có một hiến kế là: Chúng mình mua một cái lồng gương, đầu giờ và giờ ra chơi, đặt anh vào đó để tất cả chiêm ngưỡng. Anh là của toàn xã hội,chứ không của riêng ai. Thế là cả nhóm nữ lớp tôi vỗ tay đồng ý.
        Cô Nhiên bước vào lớp:
            -           Cái gì mà các chị cười dữ thế!
        Cả lớp im phăng phắc. Cô dặn:
 -  Con gái cười nho nhỏ thôi!
       
        Rồi chúng tôi tốt nghiệp ra trường. Chúng tôi đi khắp mọi nơi dọc mảnh đất miền Trung . Tôi đổi ra dạy Quảng ngãi, anh Nguyễn Trí Cảnh dạy ở huyện Bình Sơn cũng thuộc thị xã Quảng Ngãi.
        Một hôm, đi dạy về. Tôi thấy trong nhà có hai quả dưa hấu, hỏi ra thì mới biết, nhân dịp về Sở Giáo dục thị xã lãnh lương anh đã đem từ quê lên tặng tôi. Tôi nghĩ “ Thật là của một đồng công một nén ” Tôi cũng chưa có dịp gặp lại anh để nói một lời cám ơn.

        …và cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ về mái trường Sư Phạm về lớp nhị niên 2 thì hình ảnh anh Trưởng Ban Xã Hội của lớp tôi lại hiện lên với cái dáng cao cao trên tay luôn cầm cuốn sổ. Khuôn mặt chân chất, nụ cười hiền hậu tươi vui. Đúng là anh Trưởng Ban Xã Hội là của toàn xã hội chứ không của riêng ai.

                                             Qui Nhơn, 28/8/2011
                                                      Giang Lam 

trừu tượng - Thơ - Lê Du Miên


 tôi không thể đọc được
một bài thơ treo ngược
đầu găm chùi dưới đất
chân nhún nhảy trên không

tôi không thể đọc được
một bức tranh trừu tượng
cây chồi mọc trên đầu
tua tủa ra nhiều rễ

tôi không thể hạnh ngộ
những mô hình lập thể
chằng chịt những bóng đêm
những màu ngang sắc dọc

đầu vơi nhiều sợi tóc
tôi khổ vì yêu em
tình cứ treo lủng lẳng
tôi chụp hụt quanh năm

lê du miên

Họp Mặt Cựu GS SPQN vùng Nam Cali, Hoa Kỳ

SPQN vừa nhận được bài viết của anh Lê Huy, tường trình nhanh về buổi họp mặt thường niên lần thứ 20 của tập thể CGS SPQN vùng Nam Cali, ngày 28/8/2011. Nhân dịp này Ban Liên Lạc CGS SPQN tại Viêt Nam xin chúc mừng Ban Chấp hành cùng toàn thể CGS SPQN vùng Nam Cali đã tổ chức thành công ngày hội rất hoành tráng, phong phú và thắm đậm tình Thầy Trò, Bằng hữu.


Sư Phạm Quy Nhơn Hải Ngoại
trong một ngày họp mặt tưng bừng (28/8/2011)
Lê Huy

Trước hết, chúng tôi xin trân trọng cám ơn và chân thành trao những Đóa Hồng Thật Tươi Thắm đến Quý Vị Quan Khách, Quý Vị Giáo Sư và Quý Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Quy Nhơn từ khắp các tiểu bang ở Hoa Kỳ, từ quê nhà Việt nam và từ khắp nơi trên thế giới đã tề tựu về đây để được nhìn lại nhau, để được tay bắt mặt mừng, để được hàn huyên tâm sự trong nắng tươi gió mát… Và, không ai hết, chính chúng ta là những người đã thật sự tạo nên một Mùa Hè Rực Rỡ tại Little Saigon ở miền Nam Cali xinh đẹp này.

Và, tuy rất bận rộn nơi xứ người, nhưng với một tấm lòng quý mến nhau, với một nổ lực không mệt mỏi, chúng ta đã có được một ngày Họp Mặt thật tưng bừng, thật vui nhộn qua các tiết mục văn nghệ Cây Nhà Lá Vườn; và đặc biệt là có sự góp công góp sức của các cháu thanh thiếu niên / nhi đồng -- con cháu của chúng ta đã được sinh ra và lớn lên tại xứ người.   

Dưới đây là vài hình ảnh trong ngày Họp Mặt quý báu nói trên. 

Emerald Bay Restaurant – nơi họp mặt
Chào Mừng Ngày Họp Mặt
(xin nhấn vào "Đọc Tiếp" để xem thêm)

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Cho Nhau - Thơ - Phương Dung


Cho nhau một chén rượu đào,
Hai, ba chén đắng. Bốn năm chén tình.
Nhớ xưa rũ giấc nguyên trinh,
Mà nay vàng võ cuộc tình chiêm bao.
Thuyền đời con sóng lao xao,
Thuyền tình một bến nao nao tấc lòng.
Vượt dòng con nước đục trong,
Vượt sông con nước đỏ lòng chơi vơi.
Chung vai nhẹ gánh nợ đời,
Chung tay đi trọn một trời gian nan.
Bên nhau chia giấc mộng vàng,
Chia nhau hơi ấm nồng nàn trẻ thơ.
Cho nhau môi mắt dại khờ,
Chia nhau hoạn nạn bên bờ ái ân.
Dẫu đời lắm nỗi phong trần,
Cho nhau một chút nghĩa ân không cùng…

Phương Dung – K11

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Cành hoa dại.

Irene.
Thân tặng các em học sinh lớp 5B năm học 76-77

         Mùa khai trường bắt đầu ! Nhìn những học sinh hớn hở đến trường trong niềm hân hoan bước vào năm học mới. Tôi thoáng chạnh lòng nghĩ đến lớp học sinh năm xưa …

Sáng chủ nhật,  mưa rả rích,  thức dậy trong sự thoải mái của một ngày nghỉ, sau một tuần lu bu với công việc: họp hành, giáo án, sổ sách, dạy dỗ …Tôi tung chăn bước ra khỏi giường đến bên cửa sổ thò đầu ra ngoài, hít một hơi thật sâu không khí trong lành buổi sớm mai. Trời đã bắt đầu se se  của những ngày chớm đông, tôi thấy hơi lành lạnh. Lấy hai tay ôm lấy vai, nhìn xuống đường phố. Cái thành phố biển nhỏ xíu như đang còn ngái ngủ không muốn thức dậy trong mưa. Có lẽ do mưa nên chú chim nào đó chẳng biết đi đâu cứ lòng vòng trên mấy tán lá hót ríu rít nghe cũng vui tai. Mấy cây bàng đang chuẩn bị chuyển mảu thay lá, mấy cây bằng lăng xanh sẫm lại lướt thướt trong mưa. Một cơn gió lùa qua, tôi rùng mình. Mưa vẫn rơi, đường phố vẫn đìu hiu. Một trận gió nữa ào đến mưa bắt đầu nặng hạt. Trong màn mưa, từ phía đầu đường, một người thấp bé đẩy khó khăn một chiếc xe đạp, bên trên chất một bao to kềnh. Một trận gió nữa nổi lên người và xe ngã chõng chơ … 
(xin nhấn vào "Đọc Tiếp" để xem thêm)

Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi! (*)

(*) mượn tiêu đề trong một bài viết mới đây của nhà báo Đoan Trang...

Buồn quá đi!
xem những hình ảnh này trên Blog của Mai Thanh Hải, thương quá những em bé H'Mong trong một ngày thu ẩm ướt...

Rồi các em sẽ ra sao trong những ngày đông sắp đến hay những mùa đông sau này???

Các cháu bé người Mông ngồi bệt ăn xin, ngủ gật giữa trời mưa, trước cửa Công an Thị trấn Sa Pa (Lào Cai)
Ven đường cạnh Nhà thờ đá Sa Pa, đoạn lên Khu Du lịch Hàm Rồng
2 chị em và 1 bạn, trước cửa Trụ sở Công an Thị trấn Sa Pa
Ven đường cạnh Nhà thờ đá Sa Pa

Em bé này mới 5 tuổi
Em ngủ, chị ngủ và... bạn hàng xóm cũng ngủ
Những chú thích ảnh là của Bloger Mai Thanh Hải.
Xin xem thêm nguồn và toàn bài viết tại đây...

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...