Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

GỢI GIẤC MƠ XƯA.


                           Phương Uyên.

         Xuống mấy bậc tam cấp, Uyên bước ra sân trường. Buổi chiều tan học, trời dịu mát. Mặt Trời đã lùi dần về dãy núi phía Tây chỉ còn để sót lại những mảng nắng nhạt trên các ngọn cây cao. Bầu trời thì trong xanh, thỉnh thoảng có một vài đám mây trắng trôi lững lờ. Từng cơn gió từ biển thổi vào như đùa giỡn mơn man hất nhẹ mái tóc, chạy lòng vòng rồi nhảy nhót níu kéo tà áo dài trắng của Uyên bay bay luấn quấn…

         Mùa thu lại về ! Mùa Thu của Uyên là những cơn gió heo may quyện vào những chiếc lá phượng nhỏ xíu trên cành rồi cuốn bay đi như những confetti vàng vàng lắc rắc rơi rơi. Mùa Thu là thoang thoảng mùi hương của hoa sứ. Mùa Thu với những cung bậc cảm xúc ngọt ngào và Mùa Thu là những xao xuyến là những bâng khuâng của tuổi mười tám.
         Vừa về đến nhà, ba Uyên đưa một phong thư. Liếc sơ qua tên người gởi, Uyên thấy ghi tên Nguyễn Văn Thắng? Nghe tên quen quen. À! Hình như người gởi thư học cùng lớp với Uyên thì phải? Mới nhập học hơn một tháng nay, mà trong lớp có đến bốn mươi mấy bạn nam cho nên Uyên không làm sao biết mặt hết được…
         -Uyên ơi! Xuống ăn cơm! Tiếng mẹ gọi dưới nhà.
         Uyên vội vàng cất thư vào tập vở. Thay nhanh áo quần, xuống thang lầu… Ngồi vào bàn ăn cơm mà trong đầu Uyên cứ suy nghĩ miên man theo phong thư…
         Mãi đến tám giờ tối khi mọi người về phòng chuẩn bị đi ngủ, Uyên mới một mình tự do mở phong thư ra đọc:
         “…Giọng hát cất lên ngọt ngào… Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại…  làm cho đầu óc mình quay cuồng, bay bỗng… ”
         Uyên nhớ lại cách đây một tuần, Uyên có hát cho các bạn trong lớp nghe bài Tình xa của Trịnh Công Sơn.
Trong thư không có lời xưng hô! Không có lý do viết thư! Lời thư thì lơ lửng viết theo cảm xúc… Thích bài hát? Thích giọng hát? Hay thích người hát ? Cũng không rõ? Thích thì viết! Không cần biết người nhận có thích đọc hay không? Và cũng chẳng cần phải hồi âm.
Nhìn nét chữ nắn nót, Uyên bỗng nhớ đến bài thơ Tình Thứ Nhất của Xuân Diệu:
            Giấy phong kỷ mang thầm trong túi áo
            Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi…
         Uyên nghĩ: Chắc anh nào đây cũng viết đi viết lại nhiều lần mới gởi cho mình. Thoáng chút xao động! Thoáng chút lâng lâng! Và đêm hôm đó những lời vu vơ dễ thương đã đi vào trong giấc ngủ yên bình của Uyên.

Chuông reo lên báo hiệu chấm dứt buổi học. Theo các bạn ra về, nhưng các bạn chung phòng nội trú đều ở lại để tập văn nghệ nên Thắng đi theo các bạn quay lại phòng học. Anh bắc một cái ghế ngồi ra xa một chút để xem. Các bạn vào vị trí mỗi bên sẵn sàng. Tiếng hát cất lên:
Hoàng hôn lá reo bên thềm. Hoàng hôn tơi bời lá thu. Sương mờ. Ngậm ngùi xuân xanh. Bâng khuâng, phím loang vương tình…
Thắng chìm đắm trong giai điệu về Huế. Không có tiếng đàn đệm nhưng giọng hát vẫn mượt mà, nhẹ nhàng, sâu lắng man mác một nỗi buồn. Anh thấy lòng mình nhẹ thênh thang…

         Một lá thư nữa đến với Uyên vào một buổi chiều. Ngồi ở nhà một mình Uyên thong thả lấy thư ra đọc. Vẫn nét chữ ấy, vẫn cái giọng mơ mơ màng màng ấy, không xưng hô, cũng chẳng lý do:
“…Lần này giọng hát ấy lại đưa tôi đến một nơi nào xa xưa  Chiều thu nhớ nhung vì đâu, thắm đôi giòng châu tiếc thay tại sao đành lỡ làng man mác khói hương bay dịu dàng…’
         Uyên mỉm cười với những lời lẽ trong thư rồi xếp cất vào hộp.
        
         Cuộc thi văn nghệ của trường đã qua đi nhưng âm vang của nó vẫn đọng lại trong lòng. Văn nghệ đã làm mọi người xích gần nhau hơn. Lớp học vui hơn! Mọi người thân thiện với nhau hơn! Mỗi buổi học, các bạn hát cho nhau nghe. Tiếng đàn guitar của Ngọc Tượng hòa với tiếng hát của các bạn nam làm cho không khí lớp học sôi động hẳn lên.
Trời đã lập đông. Những đám mây xám kéo về nhiều hơn giăng kín bầu trời và xuất hiện những cơn mưa bay bay nghiêng nghiêng qua thành phố… Những buổi chiều học thể dục ở Preo. Mưa bay lất phất. Cả lớp ngồi vòng tròn sát gần lại với nhau. Hát thì thầm cho nhau nghe. Uyên hát :
         Tính ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng. Người ngỡ đã xa xăm, bỗng về quá thênh thang. Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt…
         Nhiều cặp mắt mênh mang nhìn Uyên!

         Uyên nhận được lá thơ thứ ba. Văn phong vẫn thế!
         “… Lời bài hát sâu lắng. Giọng hát mang nỗi nhớ …Khi cơn đau chưa dài thì tình như chút nắng. Khi cơn đau lên đầy thì tình đã mênh mông…”
         Đọc xong, Uyên tiếp tục bỏ lá thư vào chiếc hộp cất cẩn thận trong ngăn tủ.

Những cơn mưa đi đâu mất chỉ để lại những vùng mây thấp. Trời u ám và rét mướt. Đêm đêm từ nội trú Thắng nghe tiếng gió hú rít qua khe cửa. Tiếng sóng vỗ từ biển khơi, từ đại dương xa vang vọng như réo gọi! Nỗi nhớ lại quay quắt, mãnh liệt! Thắng muốn có ai đó?  bên cạnh để chia sẽ những buồn vui của người giáo sinh sống xa nhà ( Thắng bỗng nghĩ đến Uyên ). Suốt đêm, trằn trọc không ngủ được mong sao mau sáng. Thế nhưng, sáng hôm sau đến lớp, trông  thấy Uyên, Thắng lại ngại ngần! Uyên hờ hững quá! Uyên xa xôi quá! Hình như Uyên không thuộc về … và cuối cùng anh cũng chỉ đứng từ xa nhìn lại Uyên…
Vẫn biết thế! Nhưng “Con tim nó có lý lẽ riêng của nó mà lý trí…” Cho nên anh vẫn cứ nhớ, cứ mong, cứ chờ và cứ đợi. Từ đó, Thắng thay đổi chiến thuật. Anh chuyển qua “nhìn” Uyên từ xa. Mái tóc ngắn ngang vai. Cặp mắt trong sáng. Cái trán cao cao. Đôi má bầu bĩnh. Dáng đi nhẹ nhàng. Bàn chân tròn trịa với những đôi giày màu… và rồi  độc thoại với Uyên trong suy nghĩ riêng của mình. Thắng có thể ngồi hàng giờ trong phòng, lang thang trong công viên hay thơ thẩn trong sân trường một mình để chỉ nghĩ, hỏi-trả lời về Uyên:
-Sáng mai, trời lạnh Uyên đi học mặc áo len màu gì nhỉ?
-Màu trắng…
-Trời mưa Uyên mặc áo mưa hay che dù?
-Che dù…
-Uyên đi đôi dép màu gì?
-Màu…
Thắng rất vui khi những mẩu chuyện tự đối thoại đó “đúng 50%, 70%...rồi 100%”.
Và anh bất ngờ phát hiện ra một điều kỳ lạ là những đôi giày Uyên mang hàng ngày rất dễ thương. Mỗi ngày Uyên lại thay một đôi giày khác màu và cứ thế quay vòng như theo lịch đã sắp sẵn tuần tự  trong tuần.
Thời gian cứ trôi và Thắng vẫn vui đùa với những đôi giày. Một hôm, cao hứng Thắng thổ lộ với các bạn trong phòng :
- Mình có thể đoán được sáng nay Uyên mang giày màu gì?
Các bạn trong phòng trố mắt nhìn Thắng?!
-Không tin các bạn cứ theo mình ra xem. Hôm nay là thứ hai phải không? Uyên sẽ mang đôi giày màu vàng. Nếu sai mình sẽ bao các bạn một chầu...
Buổi sáng hôm đó, cả phòng đi học sớm! Các bạn đứng dàn thành một hàng ngang trên hành lang để chờ Uyên đến.
Từ ngoài cổng trường Uyên xuất hiện. Uyên thướt tha trong chiếc áo dài trắng. Cô nàng đủng đỉnh đi vào đâu biết rằng cả nhóm đang nhìn chăm chăm xuống đôi giày dưới chân Uyên.
Một bạn nào đó phát hiện và thốt lên:
-Đúng rồi! Màu vàng!
Hôm sau Thắng lại nói với các bạn một cách chắc chắn như “đinh đóng cột” :
-Hôm nay, thứ ba Uyên mang sẽ giày màu đỏ đậm!
     Cả phòng lại theo dõi và rồi lại đúng như thế!
Thứ tư, giày màu xanh hoa trắng. Thứ năm màu tím. Thứ sáu màu hồng… Thắng như thuộc lòng các màu của những đôi giày mà Uyên mang…

Suốt tuần lễ, cả phòng cùng với Thắng dõi theo các màu sắc vàng, đỏ, xanh, tím, hồng…của những đôi giày Uyên mang và càng phục Thắng “sát đất”! Không ngờ anh chàng đã “để ý” Uyên  kỹ như thế.
Tình cảm của Thắng dành cho Uyên cũng chỉ dừng lại ở đó! Chứ chưa bao giờ anh “dám” trực diện nói chuyện với Uyên. Còn Uyên thì vẫn vô tư không biết rằng hàng ngày có một số bạn đang ngắm những đôi giày của mình. Và cho đến lúc đó, Uyên vẫn chưa biết mặt tác giả của những bức thư để trong cái hộp mà nàng cất trong ngăn tủ là ai?
 Một hôm vì quá tò mò, Uyên quay lại hỏi người bạn nam ngồi phía sau lưng:
-Tài ơi! Tài có biết bạn nào tên là …
Bạn ấy quay nhìn ra phía sau lớp rồi chồm lên nói:
-Thắng là bạn ngồi hàng ghế cuối phía sau, đang cười đó kìa!
     Thế là từ đó Uyên đã biết mặt người bạn cùng lớp, tác giả của “Những bức thư tình lãng đãng nhất thế giới” mà Uyên đang cẩn thận cất giữ.

     Mùa xuân đến! Vạn vật như thay chiếc áo mới. Cây cối đâm chồi nảy lộc. Trên cành, những búp xanh non mơn mởn mở mắt ngắm nhìn. Hoa đua nhau khoe sắc. Hương xuân hòa vào với tuổi trẻ làm bừng bừng sức sống. Tâm hồn Uyên cũng cảm thấy bồi hồi, lâng lâng khi bước vào tuổi hai mươi.
     Uyên đã lên năm thứ hai, chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp ra trường và Uyên sắp thực thụ trở thành cô giáo.
     Buổi chiều, cả lớp di chuyển lên lầu để học giờ Toán Học Ứng Dụng. Lớp trưởng phân công từng nhóm hai người. Run rủi, sắp đặt thế nào mà Uyên và Thắng lại cùng một nhóm. Thắng lúng ta lúng túng suốt cả buổi. Anh loay hoay giải toán trong khi Uyên thì cố tỏ ra nghiêm nghị chỉ yên lặng ghi chép… Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng duy nhất mà trong hai năm học Sư Phạm Uyên và Thắng ngồi đối diện với nhau.
     Có những lần cả lớp đi du ngoạn Thập Tháp…hay đi chơi thì Thắng cũng chỉ đứng đâu đó từ xa đưa mắt nhìn Uyên, rồi thôi!
     Ngày chọn nhiệm sở Uyên chọn Bình Định, Thắng chọn Kontum. Thắng hẹn với lòng mình là sau khi ổn định chuyện dạy dỗ, anh sẽ tìm gặp Uyên.
     Nhưng rồi cuộc chiến 75 đến! Chẳng ai còn biết tin tức gì về nhau nữa?
     Một vài lần có dịp ghé Qui Nhơn, Thắng mong tìm gặp Uyên nhưng chẳng biết đâu mà tìm?
     Uyên cũng đến Tuy Hòa nhưng cũng chỉ là “Người khách lạ đi lên đi xuống” nên không sao gặp nhau được?

         Thế rồi! Gần bốn mươi năm Uyên và Thắng mới gặp lại nhau trong chuyến về thăm trường xưa.
Cả hai đều vui mừng khôn xiết…
Cuộc hội ngộ như gợi lại giấc mơ xưa!
Trong sân trường xưa, Uyên, Thắng và các bạn đi tìm lại kỷ niệm ngày nào. Theo thói quen, Thắng nhìn xuống đôi giày của Uyên, màu đen màu của sự thanh lịch, trang trọng, một cảm giác về chiều sâu! Tự dưng anh bật cười, không biết từ lúc nào anh lại có những suy nghĩ tinh tế về màu sắc như thế ! Còn Uyên thì nhớ lại Thắng với “ những bức thư tình lãng đãng” mà cô đã cất giữ suốt một thời gian khá dài … Uyên khẽ mỉm cười về sự vụng về, ngô nghê của tuổi trẻ.
         Rồi họ chia tay nhau, mỗi người về lại với cuộc sống thường nhật, với bổn phận… Nhưng trong tâm họ luôn dành một khoảng riêng nào đó cho tình bạn.

         Sài Gòn mưa nắng đan xen. Sáng chủ nhật cùng bạn bè nhâm nhi bên ly café trong một cái quán nào đó? Và cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm xưa.
         -Uyên ơi! Bạn có biết không? Lúc xưa học sư phạm có một thời gian tụi mình ngày nào cũng dõi theo màu sắc của những đôi giày bạn mang đi học…
         Uyên trố mắt ngạc nhiên! Và Thạch kể …
         Nghe xong Uyên thấy lòng rộn vui. Sau bao nhiêu năm, bây giờ Uyên mới biết! Không ngờ các bạn nam của lớp mình thế mà “đáo để” dấu kỹ quá!? Thời giáo sinh sư phạm sao mà có nhiều chuyện ngộ nghĩnh, dễ thương, đáng yêu đến thế!

         Gió heo may lại về! Mùa thu với những đám mây bàng bạc kèm theo những cơn mưa rây bụi. Lòng buồn buồn khi bất chợt thấy một chiếc lá vàng trên cành đang trở mình rồi rơi theo gió nhẹ… Mùa thu như gợi lại giấc mơ xưa! Như đưa người về với nỗi nhớ của một thời nào xa thật là xa…

Sài Gòn, tháng 8/2012
Phương Uyên.

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Đôi Mắt...


Bảo Anh.

Bao mùa đông đã trôi qua, chúng tôi mái đầu đã bạc.Miền đất năm xưa một thời in những kỷ niệm dấu yêu đã bỏ lại sau lưng nhưng mối tình đơn phương của bạn tôi về mùa đông năm ấy (1972) đã theo tôi suốt cuộc đời.Vì sao ư? Có lẽ vì tình thân giữa hai chúng   tôi gắn liềnvới  mùa đông Pleiku đẹp và buồn với những cơn gió lùa hun hút?
  
         Hơn bốn tháng học tập, những ngày sắp về lại Pleiku ăn tết, Liên căn dặn tôi:! Bảo Anh ơi! Nhớ ghé thăm anh Bân dùm Liên nhé! Bảo Anh nhớ quan sát thật kỹ để về tả lại cho Liên nghe ngôi nhà của anh và tất cả những gì xung quanh nơi anh ấy sống. Vào nhà Bảo Anh thấy người nào có đôi mắt ngựa thì đó chính là anh Bân. Chừng ấy lời dặn dò cũng đủ để thấy Liên yêu anh đến nhường nào!
             Câu nói của Liên khiến cho tôi tò mò về đôi mắt ngựa. Thú thật, từ bé đến giờ tôi đã từng thấy ngựa nhưng chưa một lần quan sát đến đôimắt của nó. Nhưng tôi nghĩ, Liên đã ví đôi mắt của người mình yêu như đôi mắt ngựa hẳn phải là đẹp lắm!
              Tôi không biết họ quen nhau trong trường hợp nào nhưng xem ra vô cùng thắm thiết, nhất là Liên. Tôi tưởng tượng Liên bé nhỏ luôn đi ra phố với chiếc áo dài trắng  bên anh chàng mặc đồ lính: cao, rắn chắc, da rám nắng do những tháng ngày luyện tập ở quân trường thật lãng mạn, dễ thương làm sao!  

                                                      oOo

               Lần đầu tiên sống xa gia đình nên ngày về lại quê nhà, được gặp người thân và miền đất nhớ khiến cho tôi rạo rực cả đêm không sao chợpmắt được. Mới tờ mờ sáng ngày 23-12 âm lịch tôi đã có mặt ở bến xe, mặc dù đến 9 giờ xe mới bắt đầu rời bến. Liên co ro trong chiếc áo lạnh với chiếc mũ trùm đầu trông Liên bé nhỏ, đáng yêu làm sao! Xe bắt đầu lăn bánh, Liên đưa tay vẫy chào tạm biệt với gương mặt rạng ngời, đôi mắt chan chứa vô vàn yêu thương và ước nguyện  
                Khi xe đến dưới chân đèo MangYang, sự khác biệt khí hậu vùng miền rất rõ rệt. Cái lạnh khắc nghiệt bao trùm vạn vật. Những hạt mưa li ti không đủ thấm đất càng làm cho không khí thêm lạnh và buồn. Mùi đất bazan, mùi của núi rừng, mùi của cỏ cây hoa lá quyện vào nhau khiến cho cao nguyên mang môt bầu không khí rất đặc trưng. Tôi đưa tay hé mở cánh cửa để cho khí lạnh lùa vào mà không ảnh hưởng đến người xung quanh. Thật dễ chịu! Xa tít ngoài kia bạt ngàn những ngọn cỏ tranh,  khi gặp cơn gió mạnh thổi qua chúng xô dạt vào nhau, nhấp nhô như những ngọn sóng. Rừng im phăng phắc, không gian u buồn, một cảm giác nhớ nhung mơ hồ xa vắng dấy lên trong lòng tôi
                                                    
                                    oOo

               Không đợi đến tết, khi về đến nhà, chiều hôm sau tôi đến thăm Bân. Liên gửi cho Bân một món quà gì đó tôi không mở ra xem.
               Mùa đông cao nguyên buồn hiu hắt. Đứng trên đồi nhìn ra xung quanh, xa xa các bản làng người dân tộc thấp thoáng trong những tán cây rừng. Những con đường đất đỏ dẫn vào buông, rải rác những người dân tộc địu con, gùi nước trở về làng. Tiếng lục lạc của đàn bò, tiếng chim rừng, tiếng gió lùa trong cây xào xạc như một bản hợp xướng của thiên nhiên. Một ngôi nhà lẻ loi, cửa mở, đàn gà con kêu chim chíp. Tôi hồi hộp không dám vào, tần ngần đứng ở xa ; nửa tò mò, nửa thú vị khi thấy một người mặc pyrama màu xanh như của thương binh đang nhìn tôi từ xa vẻ dò hỏi. Như mô tả của Liên thì đây đích thị là Bân rồi. Tôi bước đến gần và tự giới thiệu mình. Bân lịch sự mời tôi vào nhà. Nội thất trong nhà đơn sơ, mọi thứ toát lên vẻ thanh bạch và ngăn nắp.
           Tôi vừa nói chuyện với Bân vừa quan sát đôi mắt của chàng. A, thì ra mắt ngựa là như thế! Tôi tự nhủ.
          -Anh giống một nhà hiền triết hơn là một quân nhân
          -Sao em nghĩ thế?
          -Vì trông anh vừa trầm tư vừa không mập không ốm !
          -Theo em, những nhà hiền triết đều trầm tư và không mập không ốm hết sao?
          -Em nghĩ thế
         Bân cười, nụ cười của một người từng trải đối với suy nghĩ trẻ con của người con gái mới lớn
         Nước trà sóng sánh ánh vàng, nhấp vào một ngụm nghe ấm cả lòng trong khi bên ngoài rất lạnh, cái lạnh của núi rừng. Những ngón tay anh vân vê trên tách trà như ngón tay  của những nghệ sỹ chơi dương cầm: móng được cắt ngắn, thon thả vừa phải và mềm mại. Anh ít đề cập đến Liên. Ngồi một lát, anh đưa tôi ra ngoài.
          Gió mùa đông hun hút thổi. Ạnh đưa tay quàng lại chiếc khăn quanh cổ tôi và nói một cách tự nhiên như thể tôi là một cô em bé nhỏ:
         -Để anh quấn lại cho, ngoài này lạnh lắm. Riêng anh thì quen rồi. Anh là  thiên nhiên, thiên nhiên là anh! Anh đút hai tay vào túi quần, đứng sát vào tôi mắt nhìn xa xăm …
          Chúng tôi nói với nhau rất ít, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng, cái chính là cùng ngắm buổi chiều đang xuống. Một sự rung cảm thật nhẹ nhàng thoáng qua trong tôi. Bầu trời xám xịt, gió thổi từng cơn xô dạt những đám mây nặng nề về cuối chân trời. Tôi nghe đâu đây không khí tết quyện vào trong gió.
            Nắng tắt dần, không gian một màu mờ đục. Ạnh tiễn tôi xuống hết ngọn đồi. Bóng hai đứa đổ dài, lúc chạm vào nhau, lúc tản ra xa. Tiếng sỏi đá lạo xạo dưới chân, sương chiều bảng lảng…

                                    oOo

           Sau những ngày nghỉ tết ngắn ngủi,tôi trở lại Qui Nhơn  mang theo những món quà tết cho Liên và các bạn cùng phòng. Đó là bánh Hồng và Cơm nếp đậu đen, hai món đặc sản do chính Mẹ tôi làm. Sở dĩ tôi gọi nó là đặc sản vì Mẹ tôi đã biết tạo ra hương vị độc đáo cho loại bánh dân dã rẻ tiền mà không ai sánh được.Sau này, bên cạnh cuộc sống ba chìm bảy nổi của tôi, tôi mang theo hương vị của hai loại bánh đó trong suốt cuộc hành trình đầy nhọc mệt. Nó như hơi ấm của Mẹ tôi sưởi ấm cho tôi trong những đêm dài buốt giá dù Mẹ tôi còn sống hay đã ra đi! Một người mẹ suốt một đời cơ cực vò võ nuôi con chưa một ngày được sướng.Cứ mỗi khi gió mùa đông bắc thổi về là Người đã chắc chiu lo gạo nếp để dành làm bánh cho con
           Liên ra tận bến xe đón tôi với gương mặt rạng ngời hạnh phúc. Trong khi xích lô đưa chúng tôi về nội trú, tôi nói huyên thuyên về Bân

                                    oOo

        Ngày theo tháng tiếp nối qua đi, chúng tôi vẫn miệt mài học tập ;tham gia sinh hoạt cộng đồng, dự giờ, thực hành trên lớp. Chuyện tình giữa Liên và Bân không tiến cũng chẳng lùi.
         Thế rồi mùa Noel năm sau, Liên đi chợ sớm mua đồ nấu ăn giáng sinh. Liên dặn tôi đến dự, không được nhận lời ở đâu. Buổi tiệc được tổ chức tại nhà chú Mai, chú kết nghĩa của Liên. Bạn bè khoảng 15 người ;lớp sư phạm chỉ có mình tôi. Hôm đó Liên không hát mà đọc thơ. Tôi biết đến thơ của Baudelaire từ nơi Liên. Liên rất có tâm hồn. Những cảm nhận của Liên về nghệ thuật, thi ca rất sâu sắc. Tôi hát bài Tiếng xưa của Dương Thiệu Tước, sau đó là bài Nhớ người thương binh  của Phạm Duy
          Đã quá nửa đêm, chúng tôi không đi nhà thờ mà đi bộ về nhà Liên. Sương xuống nhiều, trời se lạnh. Về đến nhà, Liên ngồi bệt xuống sàn, tựa người vào cột khóc lặng lẽ. A, tôi quên nói với bạn là buổi tiệc không có Bân. Liên đưa những ngón tay thon dài, trắng mịn lau những dòng nước mắt lọt qua kẽ tay tuôn rơi lã chã. Thuở ấy tôi chưa có cuộc tình nào nên chưa thấu hết những nỗi đau mất mát. Tôi ngồi xuống cạnh nàng, cứ thế lặng yên không biết nói gì và có lẽ lặng yên trong lúc này là hay hơn cả vì im lặng cũng là một cách sẻ chia. Mọi người trong nhà đều đi ngủ cả. Khi cơn xúc động qua đi, Liên nói với tôi: Bân nói với chú Mai “người yêu không tới mà người không yêu lại tới!” Thế là hết! Tội nghiệp cho Liên của tôi! Tôi cầm tay nàng trong đêm tối. Hai đứa cứ ngồi như thế không biết bao lâu.Bên ngoài chuông nhà thờ đổ một hồi  khiến cho đêm dài càng thêm cô tịch. Trong đầu tôi lởn vởn câu thơ của Baudelaire mà có lần Liên đã đọc cho tôi nghe:
          Đêm đông lạnh, ôi dịu dàng cay đắng
          Ngồi bâng khuâng khói lửa chập chờn bay
          Từ xa xưa nghe dâng tràn kỷ niệm
          Tiếng chuông rung hát giữa khói sương dày
          Trong phiền muộn linh hồn tôi rạn nứt …  
          
                                         oOo

        Sau khi ra trường, Liên nhận nhiệm sở ở Phù Mỹ, tôi về lại Pleiku. Mùa xuân 1975 chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với nhau. 

     Mùa thu 2008 tôi về lại,Pleiku. Sau bao năm xa cách, thành phố giờ đã đổi thay nhiều,.khu trung tâm Diệp Kính với các con đuờng Hoàng Diệu, Lê Lợi giờ đã đổi tên. Thành phố với những con đường mới mở rộng hơn, khang trang hơn nhưng đâu rồi những hàng cây in bóng những tà áo học trò thướt tha sau những buổi tan trường, tiếng la hét của nữ sinh khi bị sâu bò lên áo là cơ hội cho đám nam nhi ra tay nghĩa hiệp. Tất cả giờ chỉ còn trong ký ức!
         Cao nguyên vào thu không có cái nắng rực rỡ nhưở đồng bằng nhưng bầu trời trong xanh. Dõi mắt theo những mảng mây trắng lững lờ trôi theo chiều gió, tôi chạnh lòng nhớ đến câu thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng hạc lâu:
             Hạc vàng đi mất từ xưa
             Nghìn năm mây trắng bây  giờ còn bay .

        Tôi trở lại chốn xưa: đồi Plelangba, nơi có ngôi nhà đơn sơ nằm lẻ loi trên đồi, bốn bề gió thông thống thổi. Tôi hồi hộp như thể Bân là người tình của tôi chứ không phải của Liên. Nắng chiều nhạt dần. Lưa thưa vài đụn khói hun phân trâu bò quyện vào không gian một mùi ngai ngái. Tôi cảm thán: mùi của quê hương!
         Tôi đứng đó trong rưng rưng nỗi nhớ. Nhớ ai? Nhớ một thời tuổi trẻ, nhớ Liên, nhớ mối tình mong manh đơn lẻ của nàng. Ngôi nhà vắng lặng, cửa đóng then cài. Người xưa đâu? Ký ức ùa về choáng ngợp tâm trí tôi…

                          Sài Gòn   30-7-2012
                                   Bảo Anh

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...