Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

QUI NHƠN NGÀY THÁNG CŨ.

                                                                                                                    Irene.
                         

(Xin cảm ơn anh Lê Huy đã gởi Email cho biết về Hiệu xe đạp Rồng Xanh và hiệu sách Việt Long.)
       PHẦN 1.
                               ĐẤT VÀ NGƯỜI.

       Thành phố Qui Nhơn thuộc tỉnh Bình Định. Đất Bình Định chạy dài từ đèo Bình Đê (Phía Bắc) đến đèo Cù Mông (Phía Nam).  Theo Wikipedia…thì Qui Nhơn nằm ở phía Đông nam của tỉnh Bình Định, Đông giáp Biển Đông, Tây giáp huyện Tuy Phước, Bắc giáp huyện Tuy phước và Phù Cát, Nam giáp thị xã Sông Cầu của tỉnh Phú yên. Qui Nhơn có nhiều thế đất khác nhau, đa dạng về cảnh quan địa lý như núi rừng, gò đồi, đồng ruộng, ruộng muối, bãi, đầm, hồ, sông ngòi, biển, bán đảo và đảo. Bờ biển Qui Nhơn dài 42km…
        Qui Nhơn nổi tiếng với danh xưng miền đất võ nghệ với Quang Trung khí thế hào hùng nhưng có đến Qui Nhơn mới thấy nơi đây không chỉ là gươm đao, không chỉ là “…Con gái Bình Định múa roi đi quyền.” mà là non nước hữu tình với biển xanh sóng vỗ, với Ghềnh Ráng thơ mộng, Tháp Đôi bên nhau nhớ Đồ Bàn, Thị Nại mơ màng với biển cả mênh mông, Qui Hòa ôm ấp nhớ thương thi nhân Hàn Mạc Tử…như những câu thơ mượt mà của Yến Lan:
“…Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt
Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền
Tịch dương liễu không biết mình đương biếc,
Tương tư trời, tương tư nhạc triền miên…
Một vùng đất với những phong cảnh nên thơ, còn  người dân thì mộc mạc, giản dị… Cứ đến đây nghe giọng nói của họ sẽ cảm nhận ra điều này. Đất và người đã tạo cho mọi người một tình yêu quê hương tha thiết và chân thành.
Sau năm 1954, Qui Nhơn rất ít người. Sau đó, mọi người rải rác đến định cư. Lúc đầu một số người là dân địa phương Bình Định, ngoài ra còn có một số người Hoa, người Ấn Độ…Theo thời gian, mọi người đến đông dần. Số người đến Qui Nhơn thường đi từ hướng Bắc vào như một số người ở miền Bắc di cư (Bắc 54), những người từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…Họ đến đây và rồi vì cơ duyên hay vì một lý do nào đó nên ở lại sống và lập nghiệp. Chúng ta gặp những người Hoa đến đây từ rất sớm, phần đông họ mở các hãng như hãng xì dầu, các cửa tiệm bán gạo, tiệm thuốc Bắc, tiệm bánh, quán ăn…chúng ta thấy những người Ấn Độ trong các cửa tiệm bán vải ở phố Gia Long hay góc đường Võ Tánh-Tăng Bạt Hổ…một số người Bắc di cư thì mở ra buôn bán tạp hóa, bán vải… ở phố Gia Long hay chợ Qui Nhơn. Một số người Huế thì mở tiệm vàng, tiệm sách, tiệm chụp hình, tiệm may…Sau này trong việc xây dựng và ổn định thị xã, có nhiều công chức nhà nước được đổi đến Qui Nhơn làm việc trong các Nha, các Ty hay các giáo chức trong các trường học…đa số thường là người gốc Huế. 
“Đất lành chim đậu” nên càng ngày dân số Qui Nhơn càng đông dần. Vào những năm 64-65 trở về sau, chiến tranh bùng lên khắp nơi, người dân từ các vùng nông thôn, các quận huyện đổ dồn về thành thị. Lúc đó Qui Nhơn bắt đầu đông đúc. Chính phủ hay các tôn giáo dựng những trại, những nhà để cho những người định cư ở tạm rồi tìm công ăn việc làm để ổn định cuộc sống. Sau này yên ổn, có người trở về quê nhưng có người lại yêu mến mảnh đất Qui nhơn nên ở lại lập nghiệp luôn. 
      Đối với tuổi thơ tôi, giai đoạn yên ổn và thanh bình nhất của Qui Nhơn là vào những năm từ 1955 đến 1963. Cuộc sống êm đềm, con người Qui Nhơn giản dị và gần gũi. Tất cả đối xử với nhau mang đậm tình người. Cùng thương yêu nhau, chung tay cùng góp sức xây dựng miền đất Qui Nhơn mỗi ngày một hưng thịnh và phồn vinh.

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Họp mặt thường niên 2015

          Khóa 4 Sư Phạm Quy Nhơn , Thành phố Đà Nẵng gặp mặt thường niên 2015
                                                                                                       Thanh Dang
         



LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...