Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồi Ức. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồi Ức. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

THỜI CON GÁI ĐÃ XA

                             Thanh Cảm

     Mùa này Sài Gòn thường hay mưa. Những cơn mưa dù ở nơi nào cũng vương vấn nét buồn như rót vào đời lời thở than cho thân phận. Chiều nay mưa lại về trắng xóa ngoài song cửa kèm theo những cơn gió tạt mạnh làm rung lên bần bật những ô cửa kính loang loáng nước. Chiều xuống thật thấp, mưa lấp đầy không gian với vô số sợi ngắn sợi dài mỏng manh đang lả lơi uốn lượn theo chiều gió thổi. Bầu trời xám xịt một màu, xa xa những cao ốc nhạt nhòa trong màn mưa giăng kín. Trên sông mưa, những con đò như ngừng trôi đang cắm sào ngơi nghĩ…Âm thanh tiếng mưa rơi đều đều buồn tênh cho tôi thả trôi cảm xúc trở về những năm tháng tuổi thơ, trở về những tháng năm đầy thơ mộng của thời con gái và không biết tự lúc nào tôi đã buột miệng tiếc nuối “Ngày xưa ấy đâu rồi…!”.
    

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

MÀU TÍM BẰNG LĂNG.

Irene.
Những ngày còn đi dạy, tôi thích nhất là vào khoảng thời gian sau khi chấm thi học kỳ hai và tổng kết điểm cuối năm. Vì đó là lúc cả cô giáo và học trò đều rỗi rảnh. Không còn sức ép của những bài soạn, bài giảng, bài học... Tất cả đã hoàn tất xong chương trình của một năm học. Cho nên học sinh đến lớp chỉ nô đùa, vui chơi. Còn cô giáo, thầy giáo thì lại thảnh thơi, cùng nhau tâm sự hay bàn tán về chuyến du lịch hè sắp tới… Do có thói quen đi dạy sớm nên sáng nào tôi cũng đến trường trước giờ dạy khoảng nửa tiếng. Nhà tôi chở tôi đi dạy trên những con đường phố quen và thường dừng lại cách trường một đoạn. Tôi xuống xe rồi chầm chậm đi bộ vào trường. Mùa này những hàng cây bằng lăng trồng trên vỉa hè trước cổng trường đã nở đầy hoa tím. Cái màu tím của hoa bằng lăng mới đẹp làm sao!Tôi như bị mê hoặc bởi cái màu tím tươi mát nhẹ nhàng và đằm thắm trong sương sớm. Nếu đêm qua có một cơn mưa nào đó thì màu tím bằng lăng lại càng dịu dàng và mềm mại hơn. Trong sự tinh khôi của buổi sớm mai và trong không khí mát mẻ của những làn gió thổi nhè nhẹ thì màu tím của hoa gợi cho tôi một thoáng man mác buồn, một chút bồi hồi, bâng khuâng, xao xuyến… 

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Thầy trong ký ức tuổi thơ tôi.



Gửi tặng các Anh Chị , cựu Giáo sinh SPQN liên khoá 3,4,5 đã từng theo học với thầy Tuân                      
thay Ton that Tuan va Giao sinh SPQN khoa 4:
   Chi Nguyen thi CAM va chi Que CHI

thay TUAN va giao sinh Ngo le Tu              (Chup tai truoc chua Long Khanh -Quinhon )

“ Tuổi thơ tôi có một ông tiên thật tuyệt vời ,đó là thầy TÔN THẤT TUÂN ,người đã dạy tôi ở trường tiểu học.Tôi muốn nói thầy là một ông tiên , đúng như thế ,thầy làm những động tác trước ngọn đèn cho chúng tôi xem phim “ hoạt hình”trên tường ; thầy cắt giấy thành hàng chục trò chơi ,nào quả , nào cây , hoa , chim,thú rất ngộ nghỉnh.Thầy xếp giấy rất tàitinhf ,mảnh giấy báo cũ,tờ rơi trang vở, thầy biến ngay thành hình tàu bay,tàu thủy, xe lửa ,quả banh , con công,con hươu cao cổ …..Thầy vẽ và tô màu rất tuyệt,mỗi cuối tuần ,thầy dạy chúng tôi vẽ một cái gì đó trong tập vở bài học,khi thì vẽ con trâu đang cày trên cánh đồng ,khi thì vẽ con mèo đang vờn bắt con chuồn chuồn.Sau này tôi vào học Cao đẳng Mỹ thuật nhưng đã có năng khiếu học vẽ từ ngày ấy.
          Thỉnh thoảng,thầy dẫn lớp chúng tôi đi du ngoạn, vào Đại nội, lên núi Ngự bình , đến chùa Thiên mụ….vừa ngắm cảnh vừa nghe thầy giảng bao điều , lúc về, thế nào thầy cũng cho một đề tập làm văn : tả lại buổi đi chơi ấy .Có hôm , thầy cho đi xem vườn nuôi thú , vườn chỉ có một ít động vật như : khỉ, nai, ngựa và các giống chim mà thôi , nhưng thầy cũng giảng thêm hình dáng và đời sống của các thú rừng khác như : voi, cọp,sư tử ….Hôm sau ,thầy cho một đề luận : “Em hãy tả một con cọp”.Trong lớp có bạn Nam hôm trước trốn không đi du ngoạn ,bạn Nam có đoạn đã viết trong bài luận như thế này: “Tuần qua ,trên đường đi học về ,em thấy một con cọp đang ngồi trên cành cây …”,thầy đọc làm cả lớp cười no bụng.Từ đó,bạn Nam biết được lợi ích của những buổi du ngoạn do thầy tổ chức ,không dám trốn nữa.
          Mỗi cuối tuần thầy dạy chúng tôi một bài hát,gom lại chúng tôi thuộc rất nhiều bài ,đó chưa kể vô số bài thơ học thuộc lòng.
          Năm học lớp 5 , có một bạn bị bệnh nặng chết .Thầy bảo chúng tôi mỗi người hái ở nhà vaì bông hoa , mang đến , thầy dạy cho chúng tôi kết thành một vòng hoa lá, rất trang trọng ,rồi thầy lấy một băng giấy dài nắn nót viết hàng chữ bằng mực tím” Thương tiếc bạn hiền “ghim nằm ngang trên vòng hoa rồi cùng nhau đem đến thăm bạn .Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết được nghi thức và ý nghĩa của tràng hoa phúng lễ tang.
          Trường chúng tôi , diện tích rất rộng ,sau trường có vườn trường, dành cho mỗi lớp một khoảnh.Chúng tôi ,mỗi người đều trang bị “ nông cụ”là dao cùn ,xẻng mẻ,hoặc cái cuốc chim bằng nửa bàn tay, mỗi buổi chiều có nửa giờ để chăm sóc vườn của lớp mình.Các lớp khác thì trồng hoa .Riêng lớp tôi , ngay đầu năm học thầy đã lên “ kế hoạch mùa màng “ , nào trồng mía , trồng bắp , trồng đậu xanh, khoai lang .Đến ngày cắm trại chia tay nghỉ hè , trại lớp tôi có một nồi chè nấu bằng đậu xanh do chính cả lớp trồng tưới và một bịch đường đen thầy đem đến .Lại thêm một nồi khoai luộc đầy nhóc , một đống mía vỏ tím hồng ngọt mọng.Buổi tiệc suốt đời không quên được.Lớp tôi sau này có rất nhiều bạn là Kỷ sư nông, lâm nghiệp và cũng có lẽ cũng có sự tác động phần nào từ bửa tiệc nhớ đời ấy .
          Khi tôi lên Đại học thì được tin vui ,thầy tôi do nhiều năm dạy học xuất sắc , đạo đức toàn vẹn , thầy được điều về dạy tại trường Sư Phạm Qui nhơn khi trường này mới được thành lập.Trước năm 1975 tôi được gặp thầy lần cuối khi thầy về họp ở Bộ Giáo dục Sài gòn ,tóc thầy trắng bạc như bông , nhưng dáng vẻ vẫn vui tươi nhanh nhẹn.Gặp tôi , thầy vui cười nhưng không còn hai chiếc răng khểnh nữa, thầy nắm chặt tay tôi bảo : “Thầy vui lắm ,biết con tốt nghiệp và dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia định và vui hơn nữa khi đọc được nhiều thơ văn của con trên các báo . Ái chà , một cô học trò nhỏ xíu , gầy còm năm xưa của thầy mà quả thật nay thành danh như thế !”

          Từ dạo đó tôi không được gặp lại thầy , gần đây được tin thầy đã mất, nhưng biết tin quá muộn ,tôi không thể về để tiễn thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng được,nhưng trong lòng luôn nhớ thầy.Nhớ đã cho tuổi thơ đôi cánh tuyệt đẹp để bay cao .”

        Ngoài chị Trang ra,trong những ngày cuối đời của ba tôi ,người có kể cho tôi nghe về một số học trò cũ ở Hanoi , ở Huế , và trường Sư phạm Qui nhơn (nơi đây người đã dạy từ ngày thành lập đến năm 1975).Quá trình họ đã thành danh trên ba miền đất nước.
        Mỗi lần có dịp về Saigon ,tôi ghé thăm gia đình chị Trang .Bản chất dung dị của chị luôn mang phong cách tổng hợp của một họa sĩ -một nhà thơ.Riêng lần về Qui nhơn, ghé thăm trường Sư Phạm và trường Trung học Cường dể, tôi chạnh lòng khi tưởng nhớ đến Ba tôi và người anh ruột tôi Bác sĩ Tôn thất Minh ,nơi ấy họ đã cống hiến nghề nghiệp một thời gian, và họ đã qua đời trong thập niên 1980 tại Nha trang.


TÔN THẤT QUYẾN
Nhựt Quảng
 (con trai thày TUÂN)






Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

HẠNH PHÚC ĐẦU XUÂN.

                                          Irene.

          Mùa xuân đã về với đất trời, đến với những phố phường, những hàng cây, tràn ngập khắp các chợ hoa, trên những khuôn mặt tươi vui rạng rỡ  của mọi người… Tết đến rồi! Tuy đã vào sống hẳn ở Sài Gòn nhưng năm nào tôi và các con cũng về Qui Nhơn ăn Tết. Năm nay, cô con gái lớn của tôi sinh em bé nên cả nhà không thể về quê ăn Tết được.
          Sài Gòn, một thành phố sôi động. Người đông, xe cộ nhộn nhịp, nhà cửa chi chít. Sài Gòn bây giờ cũng như là “Một ngôi nhà chung”. Dân tứ xứ, người ở khắp mọi nơi trong nước từ Bắc vào Trung  đổ xô vào đây tụ hội. Học sinh các tỉnh về đây học hành, tốt nghiệp ra trường có việc làm tốt nên ở lại không về quê nữa. Có người vào Sài Gòn tìm kiếm công việc hoặc làm ăn thuận lợi nên quyết định lập nghiệp ở cái nơi “ Đất lành chim đậu”này. Thế nhưng cứ đến Tết theo phong tục, mọi người lại kéo nhau về quê mình sum họp bên gia đình.
          Ở đây, mỗi người có một lối sống riêng. Ai biết nhà nấy, suốt ngày đi làm, tối về cơm nước, nghỉ ngơi để ngày mai tiếp tục công việc, không quan tâm đến mọi người xung quanh. Thỉnh thoảng, trong xóm mọi người gặp nhau quen mặt thì gật đầu chào, hỏi thăm vài câu xã giao… hình như cũng không có thời gian nhiều để qua lại ngồi chơi tâm sự…
          Ngày Tết lại càng buồn! Đường phố thưa thớt người hơn. Xóm vắng vẻ. Nhà ai cũng đóng cửa rồi kéo nhau đi về quê hay đi chơi xa không có tục lệ thăm viếng chúc Tết hàng xóm láng giềng như ở miền Trung mình.

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Guốc Mộc

Giang Lam
          Qui Nhơn đã vào những ngày giáp tết, không khí thật rộn ràng bởi những người đi mua sắm. Đâu đâu cũng toàn cũng toàn người là người khác xa hẳn với vẻ yên bình và tĩnh lặng vốn có của một thành phố trầm lắng ven biển. Người lớn thì bận rộn với sắm sửa ngày tết, trẻ con thì háo hức và nô nức khi theo bố mẹ để được những bộ đồ mới cho ngày tết. Lúc nào cũng vậy, mọi thứ đều phải mới trong ngày tết đối với tết Việt. Từ quần áo cho tới đôi giày, tất cả phải đều mới tinh tươm trong ba ngày tết. Cái không khí ấy như lan truyền qua cho cả tôi, tôi lại nao nao nhớ về tết năm nao theo mạ tôi xúng xính đi mua quần áo và cả đôi guốc mộc mang trong ngày đầu tiên của năm mới. Yêu làm sao đôi guốc mộc mạc, chân chất và dễ thương đến lạ lùng. Tôi truyền cả cái sở thích ấy cho con gái của tôi, nên mỗi khi tôi vào Sài Gòn để thăm con thì cháu lại dẫn tôi ra chợ Bến Thành,để tôi thỏa thích với những gian hàng bán guốc ở chợ.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Kỉ niệm dạy học vùng sâu

                                              ( Mến tặng các bạn đồng nghiệp và học trò  cũ của tôi)

Trường THCS Suối Nho
      Ngày  ấy, cách nay đã hơn một phần tư thế kỉ  nhưng kỉ niệm về những ngày đầu bước chân vào nghề dạy học vẫn luôn tươi mới, sống động trong tâm hồn chúng tôi.
      Tháng 8 năm 1984, đoàn giáo sinh tốt nghiệp khóa 7 của trường Sư phạm cấp hai Đồng Nai nhận quyết định của Sở Giáo dục Đồng Nai phân công về huyện Tân Phú. Xe đưa chúng tôi về Phòng Giáo dục Tân Phú. Tại đây, ba thầy giáo trẻ chúng tôi là Hùng, Vinh, Hoài nhận tiếp quyết định của Phòng Giáo dục điều động về công tác tại trường Phổ thông cơ sở Phú Túc C.
      Cầm tờ quyết định trên tay, lòng tôi khấp khởi mừng thầm, nghĩ rằng mình được dạy học gần nhà  (bởi vì nhà tôi ở xã Phú Cường, cách xã Phú Túc chỉ 3km, đều nằm ven quốc lộ 20, đường lên Đà Lạt ). Thế nhưng ai có ngờ đâu, trường PTCS Phú Túc C là tên cũ của trường PTCS Suối Nho (xã Suối Nho mới thành lập nên trường chưa kịp đổi tên mới), cách nhà tôi đến 10km. Ngày đầu tiên cưỡi con ngựa sắt cũ mèm lọc cọc vào trình diện tại trường, lòng tôi thấy ngỡ ngàng và thất vọng. Con đường khá dài, rộng rãi, hai bên đường cảnh vật thoáng đãng, cây cỏ xanh tốt, nhưng toàn một màu đất đỏ bụi mù. Sau này chúng tôi mới thực sự khổ sở với con đường này. Mùa nắng xe tải chở mía từ nông trường mía Suối Nho – Thọ Vực lên nhà máy đường La Ngà, liên tục tung lên những đám bụi mù, sẵn sàng nhuộm màu đỏ thắm cho cả người lẫn xe đi trên đường từ đầu đến chân. Mùa mưa, đất đỏ bazan trở thành một lớp sình dẻo quánh, dính bết vào bánh xe đạp; chúng tôi luôn thủ sẵn một đoạn cây ngắn, đi khoảng chục mét phải dừng lại xoi hết lớp sình dẻo thì mới đi tiếp được. Đoạn đường từ xã Phú Túc vào trường chỉ dài 7 km nhưng với chúng tôi đúng là “con đường đau khổ”, thấm đẫm mồ hôi và cả nước mắt của các thầy giáo trẻ ngày ấy...

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Mùa thu nỗi nhớ

                   Phương Uyên.

Tôi có thói quen đi dạy sớm. Không biết cái thói quen này có từ lúc nào? À mà phải rồi  Hình như là lúc các con tôi bắt đầu đi học xa. Buổi sáng thức dậy, anh nhà tôi ra sạp báo đầu đường mua một tờ báo, ghé quán café gần đó vừa đọc vừa nhâm nhi, sau đó mới đi làm. Còn tôi cũng sửa soạn lên xe ra khỏi nhà đi dạy khi thành phố mới trở mình.
Nhà tôi không xa trường mấy. Đi hết một con đường thì đến trường. Nhà ba má tôi cũng trên con đường này. Cho nên sáng nào tôi cũng ghé lại. Xem sức khỏe của má thế nào? Rồi ngồi ở sân giữa, dưới gốc cây ngọc lan, uống một ly café sữa, ăn một chút gì để điểm tâm rồi lên xe, đạp chầm chậm,  thong thả đến trường và thấy trong người thật thoải mái nhẹ nhàng.
 Đến lớp, để cái túi xách lên bàn rồi bước ra hành lang. Tôi nhìn xuống sân trường.
Tôi yêu mùa thu, tuy Quy Nhơn không có mùa thu nhưng bầu trời vẫn có những đám mây trắng bồng bềnh trôi và có từng cơn gió nhẹ của lúc giao mùa. Vì yêu mùa thu nên tôi nhận biết và nhạy cảm với những đổi thay của các cây cối trong sân trường: Hàng phượng sân trước lá ngả sang sắc vàng, chỉ cần một cơn gió hay một lay động nhẹ, những chiếc lá li ti sẽ rơi lả tả xuống cả một khoảng sân. Những cây bàng giữa sân lá đã sẫm màu hơn, chỉ chờ mùa đông đến là choàng áo đỏ. Vài cây sứ, lá rụng trơ cành chỉ còn sót lại vài chùm hoa trắng, đang cố gắng lan tỏa mùi thơm thoang thoảng. Các nàng ô môi đứng trước cửa các lớp học vẫn cố buông rủ những chùm hoa vàng cuối cùng.
(Xin nhấn vào "Đọc Tiếp" để xem thêm...) 

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

ĐÀ LẠT SƯƠNG MÙ.

                                                                                                                             Phương Uyên.

                   Mùa thu năm ấy! Trên đường đến miền Cao nguyên. Đà Lạt núi rừng thâm xuyên. Thác ngàn nước bạc thiên nhiên…(*)

        Mùa thu 1982 , sau khi đạt Giáo viên dạy giỏi, tôi được Sở Giáo Dục cho một chuyến đi tham quan Đà Lạt.
        Đó là lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt. Cảm nhận của tôi về nơi này là thành phố sương mù giá lạnh. Cái vẻ hoang sơ quyến rũ lãng mạn lẫn hùng vĩ của những thác nước. Những dãy núi đồi trập trùng, Những bãi cỏ xanh mượt. Những rừng thông nguyên sinh, những con dốc, vườn hoa muôn sắc, cây trái tươi tốt và những khóm Dã Quỳ mọc dại ven đường …
          Xe dừng lại trước khách sạn DaLat, đối với chúng tôi tất cả đều lạ lẫm. Từ những khóm hoa với màu sắc tươi tắn hai bên lối đi vào hay những bình hoa hồng trên những cái bàn trong khách sạn đều thấy dễ thương và rất tuyệt. Những năm bao cấp cuộc sống thiếu thốn ăn chưa đủ nói gì đến những thú vui tao nhã bên hoa và cây cảnh, cho nên tất cả chúng tôi như được trút bỏ, từ cái nóng nực của mùa hè, cái hầm hập của gió Nam ở cái xứ miền Trung. Bỏ hết những cái khó khăn của cuộc sống thường nhật hay đơn giản chỉ là muốn thoát khỏi mọi thứ bận rộn để lắng đọng tâm hồn mình.
(...)

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Màu Tím...


Irene .

Tôi trở lại Huế sau bao nhiêu năm xa cách …
Xuống phi trường Phú Bài tôi đã cảm thấy lạc lõng trong cảnh và người.Tôi ước ao có một khuôn mặt thân quen ngày ấy ! Để được vỡ òa những cảm xúc,để được ấm áp trong ánh mắt,để rồi bên nhau ríu rít chuyện trò .
Chiếc xe car trở nên nhẹ tênh,tôi ngồi đó lẻ loi đơn độc .
Về khách sạn,định nghĩ một lát nhưng rồi thay đổi ý định,tôi xuống phố . Bên Morine nhìn qua, dòng Hương Giang lững lờ trôi. Tôi đi bộ dọc theo bờ sông, dưới những hàng cây xanh rợp mát.Con đường năm nào , một chiều gặp nhau :
“ Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang tôi gặp một tà áo tím , nhẹ thấp thoáng trong nắng vương , màu áo tím sao luyến thương , màu áo tím sao vấn vương …” Bài hát anh vẫn thường hát mỗi khi đi lại trên con đường này .
Anh chưa một lần ngỏ ý,chưa một lần nắm tay nhưng sao ánh mắt của anh nói lên bao nhiêu điều và tôi bắt đầu yêu màu tím từ đó !
Gió từ sông Hương thoảng qua, dường như văng vẳng đâu đó, đưa câu hò mái đẩy man mác một nỗi buồn .
Những lần hai đứa đạp xe qua Phu Văn Lâu,Thương Bạc ngược lên Kim Long ghé Chùa Linh Mụ ngắm hoàng hôn . Có khi qua chợ Đông Ba xuống Gia Hội rồi đi về qua cửa Thượng Tứ vào Thành Nội . Những con đường trong Thành Nội yên ắng , những  ngôi nhà mái ngói rêu phong thấp thoáng bên hàng tre trúc che chắn bởi tấm bình phong , hàng dậu xanh rờn . Những lần đạp xe lên núi Ngự Bình ăn bánh bèo nóng. Có khi qua cầu Trường Tiền ngang qua trường anh học Đại Học Sư Phạm Huế xuống Vĩ Dạ ngắm hàng cau, khóm trúc…những ngày ấy Huế trong bàn tay với của hai chúng tôi .
Rồi chúng tôi cùng ra trường một lượt . Anh dạy Quảng Trị tôi dạy ở Bồng Sơn . Công việc và cuộc chiến cứ làm khoảng cách chúng tôi dài thêm ra . Chúng tôi chưa kịp gặp nhau hay thăm nhau một lần thì cuộc chiến mùa xuân 75 đến và chúng tôi mất hút nhau …
Tôi trở lại đây, để tìm lại người xưa,cứ tưởng rằng sẽ gặp nụ cười năm nào , ánh mắt thoáng ngỡ ngàng rồi cuộn vào nhau cho thỏa những ngày đợi mong. Nhưng không, trong biến cố ấy , ngày anh chạy từ Quảng Trị về cũng là ngày anh rong chơi mãi miết và vĩnh viễn không bao giờ trở về Huế nữa . Tôi lặng người , tê tái , rét buốt giữa mùa hè của Huế .
Phải chi ngày xưa tôi đừng mặc áo tím !
Phải chi ngày xưa anh đừng đi theo tà áo tím !
Thì nay Huế không là màu tím nhạt nhòa trong tôi.
Tôi rời Huế ! Huế đang mưa , cơn mưa rào bất chợt cũng đủ cho cho sân bay Phú Bài và thành phố Huế nức nở trong mưa .

Huế , một mùa hè .
Irene.

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...