Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

NỖI NHỚ DỊU ÊM


                                                                              Yên Lam

    Đêm muộn. Không gian tĩnh lặng. Lam đến bên cửa sổ và kéo rộng khung cửa kính… Một làn gió se mát từ mặt sông mang theo hơi lạnh của sương đêm lùa vào, khẽ nhắm mắt và hít sâu vào lồng ngực mùi thơm của sương khuya, Lam cảm nhận được vị ngòn ngọt của đất trời, lắng nghe được tiếng trở mình nhè nhẹ của đêm về chờ sáng mang theo chút bâng khuâng đậu trên những cánh lá rơi đêm chao đảo rời cành.
    Đêm mười tám, con trăng treo nghiêng khuyết hiền lành tỏa ánh sáng dịu dàng vào không gian yên tĩnh. Cầu Bình Triệu vàng ánh đèn khuya, thi thoảng vài ánh đèn pha của mấy chiếc xe khách chạy đêm quét ngang qua rồi mất hút ở chặng cuối con đường... Bên kia sông, vài ba ô cửa sổ của mấy căn hộ chung cư cao cao vẫn còn sáng đèn, tòa tháp Bitexco Financial Tower xa xa trông như một chuỗi ánh sao long lanh giữa bầu trời đen thẫm…Vào đêm, thành phố nghiêng bóng thầm thì bên dòng sông yên ả, bỏ lại sau lưng một ngày hối hả gấp gáp và bận rộn đã qua!
    Đưa mắt nhìn sâu vào khoảng không trước mặt, Lam nghe như có tiếng thở dài của thời gian và dư âm của những năm tháng ấy lại khắc khoải vọng về…

    Ba mươi mấy năm trước…

    Năm bảy hai, sau khi đỗ tú tài toàn, Yên Lam thi vào Sư Phạm Qui Nhơn và hai năm học với cô ở đây thật là tuyệt diệu! Ngôi trường ngày đó đẹp dịu dàng với hai hàng dương xanh biêng biếc đổ bóng bên đường. Sân trường ngập tràn hương hoa của ngọc lan của sứ của trúc đào…nơi mỗi sáng mỗi chiều tiếng cười vui lại rộn ràng trên những hành lang dài sau mỗi giờ tan lớp!
     Ngày ra trường, Lam gói ghém những kỷ niệm buồn vui từng hai năm đèn sách ấy và mang theo bên mình như một phần hành trang nho nhỏ mà sáng đẹp lung linh để dấn bước vào đời. Nơi Lam chọn đến là một ngôi trường nhỏ ở thị trấn Tam Quan thuộc huyện ven biển Hoài Nhơn của Tỉnh Bình Định. Ngôi trường nhỏ nhắn ven Quốc Lộ Một nằm lọt thỏm giữa một cánh đồng toàn là mì và chung quanh bao bọc bởi những hàng dừa cao ngút mắt, những cây dừa đa phần đã trọc ngọn vì sự tàn phá nặng nề của một cuộc chiến tranh! Trường Lam đến mang một cái tên nhẹ nhàng như chính cái tên Yên Lam của cô, trường tiểu học Hoài Thanh!
      Lam đến Hoài Nhơn vào một sáng đầu thu cùng với cô bạn gái cũng nhận nhiệm sở ở đây. Cả hai trọ nhà một người quen ở đầu cầu bên dòng Lại Giang êm ả, ngôi nhà nằm trên một con dốc nhỏ hiền lành, phía trước là một căn cứ quân sự. Ngày ngày, tiếng gầm gào của trực thăng thường xuyên lên xuống và đại bác ru đêm cứ ầm ì từ xa vọng lại. Hồi đó, Hoài Nhơn đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề… Những con đường đầy bụi đỏ, những cánh ruộng khô khốc chang nắng giữa trưa hè muộn, những mảnh vườn xơ xác vắng tanh và người dân nơi này hầu như đang gánh nặng những âu lo ngày tháng, lẫn quất trong ánh mắt của họ Lam thấy cả sự thảng thốt và chịu đựng đến trĩu lòng…
     Mỗi sáng thức dậy, Lam đến lớp trên chiếc xe lam nhỏ đón ở đầu dốc. Học trò của Lam vỏn vẹn vài mươi đứa. Những ánh mắt ngơ ngác, những quyển vở quăn góc ôm chặt trong tay, những đôi chân trần lấm lem vội vàng trên con đường đất…Ấy vậy mà cô yêu học trò của mình biết bao nhiêu, cô quí những tháng ngày đầu tiên làm cô giáo ấy biết là dường nào!
    Tuổi trẻ của Lam vào đời mang trong lòng nhiều hoài bão và ước mơ, những ngày đầu tiên xa nhà làm cô giáo của cô đầy ắp kỷ niệm vui buồn. Tuy có đôi lúc Lam phân vân trước thời cuộc, có đôi khi cô hoài nghi cuộc đời nhưng bản năng của tuổi trẻ đã cho cô cái nhìn trong trẻo hơn về cuộc sống, cho cô biết yêu thương hơn quê hương mình và trân quí hơn cuộc đời này và để từ đó Lam có thể mạnh mẽ, vững vàng bước tiếp trên con đường mà cô đã chọn!
    Hoài Nhơn những tháng ngày đó như một bức tranh buồn, con  phố chính giữa lòng huyện lỵ vắng vẻ buồn tênh. Nhà cửa trống trải hoang tàn, ruộng vườn xác xơ quạnh quẽ! Những cô giáo trẻ cùng khóa mới ra trường như Lam về đây được bốn năm người. Các cô cứ ung dung đến lớp với đám học trò nhỏ như không màng gì đến thế sự chung quanh, những tà áo dài đủ màu cứ mỗi sáng mỗi trưa vẫn nhẹ bay theo từng bước đi về mặc cho những ánh mắt của ai đó có ngơ ngẩn nhìn theo! Với Lam, cô vẫn biết đằng sau mỗi bước đi của mình đang có ánh nhìn ai đó đuổi theo. Và thế, bước chân cô cứ quấn quít cứ ngại ngần mỗi khi chợt bắt gặp tia mắt đắm say của ai kia mà lời còn ngập ngừng e ngại!
    Cuối thu, trời Tam Quan dịu mát. Hàng dừa trước sân trường như muốn quên đi những vết thương cứa lòng đang hằn trên da thịt nên những tàu lá non vẫn cứ đung đưa… Lớp học yên vắng, chỉ nghe tiếng giảng bài của Lam chậm rãi, nhẹ nhàng…Những đôi mắt xoe tròn long lanh ngước nhìn như ngưỡng mộ…Có tiếng xì xào…Hình như có điều gì đó đang xảy ra, Lam đưa mắt nhìn về phía cửa sổ…một bó hoa dạị được ai đó đặt lên bậu cửa, Lam bước ra, chung quanh vắng ngắt không một bóng người, chỉ nghe tiếng gió rì rào trong vườn mì đang xanh lá!
    Ngày qua ngày, Lam vẫn đến lớp với đám học trò chân quê mộc mạc mà đầy những nghĩa tình, bó hoa dại vẫn ơ hờ cùng Lam theo ngày tháng. Và, cho đến một ngày…Lam cùng các thầy cô giáo trong trường về quận để dự một buổi họp mặt. Vì là một cô giáo trẻ giáo học bổ túc mới chuyển về nên Lam được sự để ý quan tâm của mọi người, Lam nhận ở tất cả những hỏi han chân tình và những lời động viên, chia sẻ…
    Chiều muộn, nắng đã tắt từ lâu... Lam đang đứng đợi chuyến xe cuối ngày để về lại Bồng Sơn, nơi ở trọ. Lo lắng vì chưa đón được xe, Lam như chực khóc… 
    -Chào cô giáo!
Lam quay lại và bắt đầu thấy lo hơn
    -Dạ, chào anh!
    -Cô giáo đang đón xe về phải không? Giờ này có lẽ đã hết xe về Bồng Sơn rồi, hay là cô lên xe tôi có thể đưa cô về?
   Một giọng nói miền Nam ngọt ngào nghe quen quen, một tia nhìn ấm áp ở đâu đó mà Lam đã gặp…Và, Lam chợt nhớ ra, giọng  nói này Lam đã hơn một lần nghe anh phát biểu trong buổi họp, hình như trước đó trong phần giới thiệu Lam có nghe anh ấy là phó quận nơi Lam dạy thì phải?
    Đang phân vân lo ngại, Lam nghe có tiếng cười lớn ở phía sau, tiếng cười của cậu Thành, cậu họ của Lam…
    -Thôi, lên xe đi. Có cậu về cùng Lam sợ gì! Giờ này làm gì còn xe mà Lam đợi!
    Thì ra anh là bạn của cậu họ Lam, cả hai cùng làm việc ở quận. Không còn cách nào khác, Lam bước lên chiếc xe Land Rover màu nâu nhạt đỗ cách đó không xa cùng với cậu Thành. Cậu bỗ bã…
      -Trí ơi, chạy chầm chậm thôi! Cô cháu gái của tớ yếu tim đấy!
     Không trả lời, anh chỉ nở một nụ cười thân thiện. Và cũng từ lúc đó Lam mới biết tên anh là Trí. Trên đường về tuyệt nhiên anh chẳng nói câu nào, thấy ngồ ngộ, Lam đưa mắt len lén nhìn qua...Cái dáng nghiêng nghiêng phong trần bên vô lăng toát lên một điều gì đó vững chải và tin cậy, bất chợt Lam khẽ cười bâng quơ…Tiếng anh ấm áp:
     -Cô giáo cười gì tôi đấy?
     Lam giật mình và im thin thít. Tới nơi, anh vội vàng xuống xe vòng ra băng ghế sau rồi bất chợt đưa ra trước mặt Lam một bó hoa…Lam ngỡ ngàng nhận ra, một bó hoa dại với những bông hoa li ti màu tim tím như bó hoa mà ai đó đã đặt lên bậu cửa lớp học ngày nào! Lam đã hiểu ra…
    Thế là từ ngày đó, cứ mỗi sáng đến lớp là Lam lại thấy một bó hoa dại nho nhỏ tươi tắn bên cửa kèm theo một mảnh giấy với dòng chữ ngày nào cũng vậy: “ Chúc Yên Lam một ngày vui vẻ!”. Đều đặn như thế, cho dù anh chưa một lần nắm lấy tay Lam, chưa một lần dám ngỏ lời yêu mến…mà Lam thì còn e ngại chẳng dám tâm sự cùng ai, kể cả với cô bạn trọ cùng phòng!
    Noel năm ấy, Lam xin phép về Qui Nhơn thăm ba mẹ và các em của cô sau mấy tháng xa nhà. Về với gia đình, bên tình cảm yêu thương của ba mẹ và các em, Lam quên đi những bó hoa bên cửa lớp cùng những lời chúc ân cần, Lam cũng không nhớ đến ánh mắt ấm áp của ai kia mỗi khi Lam trộm thấy. Cho đến lúc, có tiếng gọi của ba…
     - Lam ơi, có bạn tìm con đây nè!
Từ trên căn gác nhỏ, Lam trả lời vọng xuống:
     - Dạ, con biết rồi…!
 Lam thầm nghĩ: Có lẽ là cô bạn cùng trọ ngoài ấy chăng?
    Vừa chân sáo vừa líu lo mấy câu hát vui vui, Lam chạy xuống và cô sững lại…Anh đang ngồi chờ chứ không là ai khác!
    Lam chưa kịp nói gì thì anh đã vội đứng dậy:
     - Chào Yên Lam!
    Thì ra anh đã nhờ cậu Thành cho địa chỉ và tìm đến đây để thăm Lam bằng chiếc Land Rover phong trần thường ngày.
    Lam và anh ngồi khá lâu ở phòng khách, cũng chỉ những câu thăm hỏi xã giao bình thường, cũng chỉ bằng những ánh mắt ấm áp trộm nhìn nhau…anh chẳng thể nói gì hơn thế. Cuối cùng, anh xin phép ba mẹ được mời Lam đi dạo.
    Noel Qui Nhơn năm ấy trời trở lạnh, anh đưa tôi đi chầm chậm quanh phố phường trên chiếc xe quen thuộc của anh. Đường phố Qui Nhơn đêm Noel đông người qua lại, từ những ngã đường đổ về con phố Lê Thánh Tôn dẫn đến nhà thờ chính không thể chen chân. Anh dừng xe rồi cùng Lam chậm rãi xuôi theo con đường Nguyễn Huệ đầy gió, ngoài xa kia biển đêm vẫn vỗ sóng ầm ào!
     Trời lạnh, anh giúp Lam quấn lại chiếc khăn choàng cổ, tà áo dài trong gió cứ quấn quít theo mỗi bước chân đi…Tiếng anh ấm áp, nhẹ nhàng … “ Lam lạnh lắm không…?” Và, bàn tay anh nắm lấy tay Lam thật chặt. Lam cảm nhận được sự bình yên và tin cậy từ bàn tay anh truyền lại, Lam cảm nhận được sự vững chải chở che từ bàn tay nắm chặt của anh. Và cứ thế, cả hai thong thả đi bên nhau mà không nói gì nhiều.
    Khuya, anh đưa Lam vào một quán café để dừng chân. Lấy trong túi áo ra một hộp quà, giọng anh nhỏ lại…
     - Giáng sinh vui vẻ, Lam nhé!
Lam nghe cay cay nơi khóe mắt, và không hiểu sao cô đã khóc tự lúc nào!

    Sáng hôm sau anh vội vàng trở ra nơi công tác còn Lam vẫn ở lại với gia đình thêm vài hôm nữa. Thời gian sau đó anh thường đến nơi ở trọ để thăm Lam. Một lần, anh mang đến mấy cuộn len và giọng anh chùng xuống buồn buồn…
     - Lam đan hộ cho anh chiếc áo, để lỡ mai này có đi xa…
Chiếc áo Lam chưa kịp đan thì anh nhận được tin chuyển về miền cao nguyên công tác. Anh chia tay Lam khi những cuộn len chưa đan thành áo, anh chia tay Lam mà chưa nhận được một tiếng yêu thương nào từ cô cho dù vẫn biết rằng trong suy nghĩ cả hai đã dành cho nhau những tình cảm chân thành!
   Và thế là Lam và anh xa nhau từ đó, Lam đều đặn nhận từ anh mỗi tháng vài lá thư xa và ở nơi này đêm đêm Lam cũng cặm cụi mong đan cho xong chiếc áo để gởi đến anh ấm lòng nơi ấy!
   Những ngày tháng tư năm đó Lam nghe trên cao nguyên nơi anh ở chiến sự đang ngày càng khốc liệt, cuộc chiến tranh đang vào hồi kết thúc và rồi Lam bặt tin anh từ đó…Lam bặt tin anh khi chiếc áo len đan chưa kịp gởi, Lam ân hận vì đã không trả lời  khi anh nói tiếng yêu thương, tiếng yêu thương mà cho đến tận bây giờ Lam vẫn mãi chôn dấu trong lòng!
   Sau ngày ba mươi tháng tư năm ấy, Lam trở về quê hương và vẫn ngày ngày lên lớp. Anh và Lam biền biệt cho đến tận bây giờ. Thời gian vẫn cứ êm ả trôi theo ngày tháng và Lam cũng như bao người khác cùng xuôi theo dòng chảy của cuộc đời dù biết rằng trên dòng chảy ấy có lúc yên bình mà cũng có lúc phải vượt qua bao nhiêu là ghềnh thác cheo leo!
    Bên Lam hôm nay là tình cảm chân thành của mọi người, bên Lam bây giờ là một gia đình nhỏ đầy những yêu thương…Thế nhưng, mỗi khi lòng chạnh nhớ, Lam vẫn tự thì thầm…Anh bây giờ ở đâu???. Thôi thì xin được cầu mong cho anh dù có ở chân trời nào đi chăng nữa, vẫn mong anh mãi luôn bình yên và hạnh phúc…anh nhé!

    Phía xa, con trăng chênh chếch về đường chân trời. Ánh dương đã lên và một ngày mới lại đến! Trong Lam thoáng trở về một nỗi nhớ dịu êm!

                                   Sài Gòn những ngày tháng 9.
                                                   Yên Lam

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Mưa Chiều - Anh Bằng - Lê Anh Quân



...Ai đem mưa đến cho em âu sầu
Tiếng mưa buồn tênh thiếu bước chân nhau
Trời còn mưa hoài trên phố hàng cây
Không có ai che lạnh vai gầy
Mình thở dài với trời mưa bay...

 ...
Làm sao anh quên được phút giây này
Làm sao anh xa được mối tình say... cuối đời ...
 

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Hội Ngộ - Thơ - Hoàng Xuân Đông


                               
           (… cho tất cả..và các anh chị em K9 SPQN )

            Nước non từ buổi cánh uyên bay 
            Đời bận chia xa  khó hẹn ngày .
            Cung kiếm ngổn ngang thân cát bụi,
            Bút nghiên hờ hững phận râu mày.
            Quê hương yêu dấu chùm hoa thắm,
            Đất mẹ ân tình giọt lệ cay.
            Trì thảo vấn vương hương tỉ muội,
            Bốn mươi năm ấy vẫn còn may…

                                 ***************************     
                Rất mong đồng môn K9 có một lần HỘI NGỘ 40 năm
           đông đủ , thấm đậm tình nghĩa SP thân thương…..
                                                     Hoàng Xuân Đông K9 (71-73 )
          

NGÔI TRƯỜNG LÀNG - Thơ - Ky Nguyen

-->

Đã thỏa ước mơ từ thuở bé .
Được làm cô giáo dạy em thơ .
Tôi về trường cũ  - xưa anh học .
Phấn trắng , bảng đen - vui tháng ngày ...

Những khi rỗi rảnh hay tựa cửa .
Nhìn dáng hàng cây - nhớ bóng anh .
Mimosa hoa vàng lá bạc .
Cây anh trồng đó - vẫn xanh tươi .

Tháng ngày trôi - hai con khôn lớn .
Lại học trường này - nơi một thời ,
Mẹ cha đã bảo ban , đèn sách .
Cây vẫn còn ...  người đã khuất xa !!!!

Nhìn con vui đùa dưới tán cây .
Tưởng như  bóng chàng vẫn còn đây .
Che mát cho con vui học tập .
Mai sau nối nghiệp mẹ - làm Thầy .

Trường làng - nay đã thành kỷ niệm .
Lưu giữ buồn vui - chuyện nhà mình .
Ở trên cao ấy ... anh nhớ nhé .
Phù hộ cho con ... chóng Thành Người .

Kynguyen - khóa 7

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

NGÔI TRƯỜNG MẾN YÊU !

-->
                                    Irene.

Tháng chín không chỉ là nắng nhạt, lá ngả sang màu, bầu trời xanh lơ với những đám mây... mà còn làm cho tâm hồn tôi bồi hồi và rồi lại nhớ đến Thanh Tịnh:
 Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…
Tháng chín gợi nhớ những ngày đầu tiên đi học. Tôi quên sao được, Qui Nhơn vào cuối thu năm 1960, ba tôi đèo tôi trên chiếc xe đạp chở tôi đến trường. Ngôi trường Nữ Tiểu Học Ấu Triệu tôi đã có một vài lần đến vì các chị tôi cũng học ở đây nhưng sao hôm nay tôi bỗng dưng thấy nó to lớn lạ thường.
 Cô giáo vui vẻ xoa đầu và đưa tôi vào lớp. Cô giáo ấy chính là cô Sự Hiệu Trưởng cũng là cô giáo dạy tôi đầu tiên ở bậc Tiểu Học, lớp năm (bây giờ là lớp Một). Cô Sự trong mắt tôi lúc bấy giờ là một cô giáo đẹp và sang trọng vô cùng.
Lên lớp tư (lớp hai) nửa năm đầu tôi học với cô Tư người Bắc. Cô rất dịu dàng, giọng nói của cô rất êm ái. Rồi cô về hưu và tôi học với cô Hồng (người Huế). Cô Hồng nhẹ nhàng và rất yêu thương tôi.
 Lớp ba, cô Ngọc Lan (con gái của ông Bửu Giá) dạy tôi và cũng trong năm này cô Lan lên làm Hiệu Trưởng thay cô Sự ( cô Sự lên làm Thanh Tra).
 Lớp nhì tôi học cô Hồng (người Bắc), cô hơi mập, cô rèn chữ cho chúng tôi rất kỹ và dạy thêu thùa, may vá.
 Sang đến lớp nhất, tôi được học với cô Bích (người Bắc chồng của cô là Nha sĩ Đào). Trong năm học này mỗi lần giờ Tập vẽ cô Bích giới thiệu một thầy giáo dạy sau này tôi mới biết đó là thầy Bùi Thường. Cả lớp chúng tôi ngưỡng mộ về những bài vẽ về hoa lá, phong cảnh, tĩnh vật, chân dung… của thầy và ấn tượng đó khắc sâu trong tôi cho đến bây giờ.
Lúc còn bé trong mắt tôi cô giáo dạy tôi là đẹp nhất. Cho dù cô có ốm, mập, cao, thấp, già hay trẻ … cô vẫn là tuyệt vời!  
Ngôi trường Ấu Triệu nằm ở một góc đường Tăng Bạt Hổ-Trần Bình Trọng. Khi xưa, trường trồng rất nhiều dừa và những cây bông giấy đủ màu: hồng, cam, vàng, tím…trong sân còn có trồng một vài cây phượng. Ngôi trường rất yên tĩnh vì chung quanh trường là các công sở. Trường lại cách xa nhà dân. Trường có ba dãy gộp thành hình chữ U. Vì là trường con gái nên học sinh rất hiền lành. Những buổi học êm ả. Tuổi thơ tôi cũng phẳng lặng theo cây cảnh của mỗi mùa. Những ngày nắng ráo, giờ chơi nào tôi cũng thơ thẩn ra phía sau trường hái những cành hoa ti gôn màu hồng tươi tắn leo bên bờ rào tràn ra cả mặt đất, những bông hoa ngũ sắc, những hoa dại tim tím, vàng vàng… hay theo các bạn bắt bướm, chuồn chuồn… Chơi các trò chơi con gái như nhảy dây, ô làng, chuyền thẻ, u mọi, nhảy chuông… Những ngày mưa, che dù, đội mũ lội nước đi ra phía sau nhà ông cai mua một miếng khoai lang chiên nóng hổi hay một vài trái ổi sẻ chua chua giòn giòn hoặc một chùm me chín... Những món ăn của tuổi học trò thật là hấp dẫn và thú vị!
Mùa hè đến! Khi những chùm hoa phượng nở và những chú ve
 kêu râm ran là lúc chúng tôi tạm biệt mái trường được nghỉ hè ba tháng…
Từ ngôi trường Tiểu học này các cô giáo đã xây dựng cho tôi cái nền tảng vững chắc ban đầu. Dạy cho tôi nhiều kiến thức về việc học chữ nghĩa cho đến lịch sử, địa lý, quan sát… Các cô giáo đã dạy cho tôi cách đi đứng, ăn nói cho đến thêu thùa may vá… hình thành trong tôi tình yêu với gia đình, thầy cô, bạn bè trường lớp cho đến tình yêu đồng bào, đất nước… Cứ hàng năm, hàng năm tiếng trống trường vang lên rộn rã và ngày qua ngày tiếng trống lại êm đềm cứ thế, kéo dài suốt thời thơ ấu của tôi. Năm học 1964-1965, tôi tạm biệt mái trường bước lên bậc trung học…
Năm 1974, tôi học năm thứ hai trường Sư Phạm Qui Nhơn. Lần này tôi có dịp quay trở lại ngôi trường Ấu Triệu là giáo sinh thực tập. Tuy vậy nhưng tôi vẫn mang trong lòng cái cảm xúc của một người học trò cũ về thăm lại trường xưa. Tôi bồi hồi nhìn từng lớp học, bảng đen, bàn ghế gỗ…. Nhớ từng chỗ ngồi, từng bậc thềm, ghế đá, khoảng sân chơi hay dưới những gốc cây quen thuộc ...
Rồi tôi tốt nghiệp ra trường lên đường đi dạy.
Sau 75 tôi tiếp tục đi dạy lại và điều bất ngờ là tôi có quyết định về trường Ấu Triệu.
Đợt đầu tiên về trường khoảng mười giáo viên nữ và một chị phụ trách trưởng. Tôi được giao chủ nhiệm lớp năm.
Dạo đó, lớp năm tôi chủ nhiệm, học sinh của tôi có một số là người Hoa ở phố Gia Long hay Bạch Đằng, một số em khác có cha đang đi học tập cải tạo, một số khác con dân chung quanh địa bàn khu vực Nhà Thờ Lớn hay xóm Nhà Đèn… Các em rất ngoan và chăm chỉ học hành. Tôi chỉ giảng dạy các em trong một khoảng thời gian ngắn là ba tháng (từ cuối tháng tư đến cuối tháng sáu) phải hoàn tất xong chương trình của bậc Tiểu Học. Cho nên cô trò ra ra sức dạy và học. Dù bận rộn nhưng cô trò quyến luyến và thương mến nhau vô cùng.
Tôi gắn bó với ngôi trường cũng như yêu thương học sinh của mình. Tôi biết rằng tôi chỉ có một hoài bão, một niềm đam mê duy nhất đó là con đường giảng dạy. Tuy rằng những ngày đầu tiên đó, tôi rất bỡ ngỡ với các phương pháp giảng dạy với công việc chủ nhiệm lớp và những kinh nghiệm của người thầy thì còn rất nhiều non nớt… nhưng với tâm huyết và lòng nhiệt tình tôi đã khắc phục từ từ những yếu kém.
Thú thật những ngày ấy nhà trường giao tôi việc gì tôi cũng nhận và cố gắng làm vì niềm vui sướng tột cùng là mình được dạy học sinh ngay chính ngôi trường mà mình yêu mến.
Thế nhưng trong bao nhiêu năm tháng trôi qua tôi cứ ngỡ rằng tên trường Ấu Triệu là tên của bà Triệu Thị Trinh cho đến một hôm nhà trường bảo bác bảo vệ khiêng ra một tấm bảng để tôi dán danh sách học sinh các lớp chuẩn bị năm học mới. Thì ra đó là bảng Tiểu sử bà Ấu Triệu. Bà không phải là Bà Triệu cỡi voi phất cờ khởi nghĩa trên núi Nưa ở Thanh Hóa như tôi nghĩ mà là một nhà yêu nước, một phụ nữ tên thật là Lê Thị Đàn hy sinh vì nước trong phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu đề xướng ở giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ 20. Bây giờ tình cờ tôi đọc cuốn Nội San Hội Ngộ 50 năm Sư Phạm Quy nhơn (1962-2012) của Huế phát hành ngày 12/08/1012 có bài Câu Chuyện Về Cái Tên Trường Ấu Triệu của Hà Thanh Huyền (Hà Văn Thành), tôi càng hiểu rõ hơn về tiểu sử bà Ấu Triệu. Tôi xin cám ơn tác giả đã cho biết đầy đủ về người mang tên ngôi trường mà tôi yêu mến.
Năm 1976 trường đổi tên là trường PTCS cấp 1 Lê Lợi. Trường không còn là trường Nữ mà có cả Giáo viên và học sinh Nam . Tôi nhớ có nhiều lần cô Lê Thị Thuận Hiệu trưởng xin các cấp khôi phục lại tên cũ là Ấu Triệu nhưng không được vì tên trường phải gắn liền với tên của phường là Lê Lợi và bây giờ tên trường là Tiểu Học Lê Lợi Qui Nhơn.
Tuy tên trường đã thay đổi, dù hiện trạng cũ của ngôi trường  không còn, cho dù trường đã xây dựng lên những dãy lầu mới và cho đến bây giờ dù trường khang trang, to lớn đồ sộ hơn nhưng người dân ở dây vẫn quen gọi tên là Trường Ấu Triệu. Riêng tôi vẫn giữ mãi ký ức của ngôi trường mến yêu.
Suốt một thời gian dài giảng dạy dưới mái trường Ấu Triệu có rất nhiều chuyện vui buồn. Những buổi sáng đến trường sớm! Một mình tôi thơ thẩn dạo quanh sân. Ngắm những cây lá còn đọng những hạt sương đêm hay đang từ từ òa vỡ trong nắng sớm! Hay lắng nghe tiếng hót ríu rít của những chú chim trên cành cao. Những buổi học hăng say với bài giảng hay ngắm nhìn những khuôn mặt ngây thơ của học sinh khi chúng làm bài. Những buổi trưa yên ắng, một mình trong lớp học để dõi theo từng dòng chữ để chấm bài cho học sinh. Những buổi chiều, tan trường! Học sinh đã về hết, tôi cũng ngồi nán lại để hòa vào cái êm êm khi chiều xuống . Có lúc lại cùng cô bạn ngồi trên chiếc ghế đá tâm sự cho đến khi màn đêm buông phủ mới lên xe trở về nhà. Những đêm trăng, tan cuộc họp, chúng tôi vẫn còn nấn ná giữa sân trường. Dưới ánh trăng soi rọi qua những cành cây kẽ lá. Ban đêm, ngôi trường yên tĩnh quá! Dường như tôi nghe được tiếng đất trở mình và cả tiếng côn trùng rên rĩ.
 Tôi đã gần gũi với ngôi trường qua bao mùa mưa, nắng, gió, bão…qua bao sự đổi thay của cả cảnh và người. Buồn vui với sự ra đi hay đến của những đồng nghiệp. Vui buồn với lớp lớp học sinh vào trường hay ra trường…
…Và nay người chèo đò phải chống sào ngơi nghỉ vì sức tàn cạn kiệt… và trong những tháng ngày còn lại này, một sớm mai hay buổi chiều tà, trưa êm ả hay đêm tĩnh mịch dấy lên nỗi nhớ! Lòng tôi chợt ấm áp khi nghĩ về mái trường xưa. Cái nôi đã ru tôi suốt thời thơ ấu. Thôi, thì một lần này cho tôi xin được tri ân mái trường mà suốt cuộc đời này tôi yêu mến! Tôi xin cám ơn tất cả những cô giáo, những bạn bè, những đồng nghiệp và những học trò của tôi!
Hình ảnh về ngôi trường Ấu Triệu Qui Nhơn luôn sống mãi trong ký ức của tôi!

Sài Gòn, tháng 9/2012.
Irene.

Hình 1: Lúc Ren còn là học trò. R..đứng bên cạnh cô giáo, Thanh Bình mặc áo đầm cách R..một bạn, Hoài Thanh (học lớp 6/k11spqn) đứng hàng thứ hai sau Ren và Bình, sau lưng bạn mặc bộ quần áo sọc ngang.
Hình 2: Lúc này trường đổi tên là PTCSC1Lê Lợi- Ren mới đổi về trường giảng dạy năm 1975-1976.
Hình 3: Cô giáo và học sinh - Tên trường bây giờ là trường Tiểu Học Lê Lợi Qui Nhơn


LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...