Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Tin Buồn

                                                                                                                       
                                                         

Ban liên lạc cựu giáo sinh Trường Sư Phạm Quy Nhơn 1962-1975
Qua Facebook _ Thanh Dang
                                THƯƠNG TIẾC BÁO TIN
       Anh Nguyễn Xuân Hồng ( chồng chị DIỄM DƯƠNG, HS PCT Khoá 57/64, K2 Sư Phạm Quy Nhơn ) vừa qua đời ngày 2/7/2015 tại Sài Gòn
       Thành kính phân ưu ,
Xin chia buồn cùng chị Diễm Dương và gia đình
Nguyện hương linh anh sớm an lạc trong cõi vĩnh hằng.
                                             ( Đan Thanh và những người bạn )
         Thành kính chia buồn cùng gia quyến chị Diễm Hương _ Khóa 2 .

Cầu mong cho hương linh Anh Nguyễn Xuân Hồng sớm siêu thoát về cõi niết bàn .

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

MÌNH SẼ ĐI...

                                                                                                                                        Huu Do
                             

Mình sẽ đi
Ngày đầu tuần tháng bảy
Tháng phượng hè mùa gặp lại bạn xưa
Đỏ trên cây phượng nói hộ lời mời
Đi bạn nhé ! Đồng môn sư phạm nhớ
Khoá TÁM nầy ngày xưa mình ở đó
Nhiều bạn thân nơi nội trú năm nào
Ngày ra trường mỗi đứa một nơi xa
Nay họp mặt chắc vui nhiều bạn nhỉ ?
Mình sẽ đến để chia bớt chơi vơi
Để còn nhớ tuổi xuân thời sư phạm
Tìm lại mình với ký ức sắp rơi
Cho ngày hưu còn chút gì để nhớ
Mình sẽ đi trong một vài ngày nữa
Với đồng môn nhắc lại kỷ niệm mời
Nắng đổ về như ngày hè đỏ lửa
Cháy nồng tình như tuổi trẻ đôi mươi.
                                                       Do Huu _ Phan rang 

LỜI NHẮN NHỦ CỦA GIÁO SƯ HIỆU TRƯỞNG

Thân gởi các tân giáo sinh khóa 12 thuộc trường, nhân Lễ Khai Giảng niên khóa 1973 – 1974.

Anh Chị Em giáo sinh khóa 12,
Hôm nay là ngày khai giảng khóa học mới, mở đầu thời kỳ huấn luyện hai năm của Anh Chị Em tại trường Sư phạm này.
Nhà trường rất vui đón nhận Anh Chị Em từ nhiều tỉnh đến đây, chọn nơi này làm môi trường định hướng cho đời mình.
Nói như vậy vì tôi tin rằng dù hoàn cảnh đời mỗi Anh Chị Em như thế nào, một khi đã dấn thân vào trường này là Anh Chị Em đã chọn lấy cho mình một hướng đi đầy ý thức, một sứ mệnh để hoàn thành cũng như một nghề nghiệp để phục vụ.
Ca dao ta có những vần thơ sau đây thật đẹp cả lời lẫn ý:
  “Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”.
Văn ảnh này đã thơ mộng hóa một công tác mà trong thực tế rất thiết dụng cho cuộc sống của một dân tộc lấy nông làm gốc.
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”.
Lời thơ cho ta thấy hình như tình cờ ta gặp người thôn nữ đứng bên đường đang bâng khuâng múc những ánh trăng đổ vào một nơi vô định.
Thực ra cô đứng đó trong một vị trí đã chọn là ruộng nhà, với một dự phóng đầy ý hướng là tát nước cho mềm những tảng đất cứng, cho cứng những chân lúa mềm.
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”.
Theo một nhận định mơ hồ nào đó thì có vẻ như một số Anh Chị Em đến đây như để đứng thơ thẩn ở một nẻo đường vô định để làm những công việc đổ đi cho qua ngày đoạn tháng. Thực ra, Anh Chị Em đã không bâng khuâng, lẩn thẩn như vậy, cũng với thời gian, cùng với tuổi đời, Anh Chị Em sẽ thấy rõ hơn hướng đi phải có của cuộc đời.
Làm thân con người chẳng ai có tự do vô điều kiện, ngoại hoàn cảnh hữu hạn. Cho nên giá trị của con người tự do là chấp nhận cái mình chọn, hoặc chấp nhận cái mình phải chọn như vậy giá trị ở thái độ chọn hơn là ở điều chọn, hay phải chọn.
Đến đây tôi mới nhắc lại ý nhắn ban nãy-và bây giờ ý đó đã được Anh Chị Em hiểu rõ rồi. Ý đó là: Dù hoàn cảnh đời mỗi Anh Chị Em như thế nào, một khi đã dấn thân vào trường này là Anh Chị Em phải chọn lấy cho mình một hướng đi đầy ý thức, một sứ mệnh để hoàn thành cũng như một nghề nghiệp để phục vụ.
Như nông phu khiêm tốn nhẫn nại đổ từng giọt mồ hôi trên  những mảnh ruộng hoang để cày, bừa, gieo, cấy, như thôn nữ yêu hương quê múc những “ánh trăng vàng” đổ vào ruộng đã cày, đã cấy ấy. Anh Chị Em hãy hăng hái, kiên trì làm việc từng ngày giờ cho cánh đồng văn hóa – giáo dục trổ những bông lúa chín đem vui tươi no ấm cho các xóm làng thân yêu.

Xuân muộn

                                                                                                                                              Ky Nguyen
                   
Ảnh nguồn : Anh Tho Nguyen 

Náo nức mừng vui dự hội TRƯỜNG.
“ Nam thanh, nữ tú” – tuổi phai sương.
Diện mạo dẫu  ít nhiều thay đổi:
Tóc mướt ngày xưa – nay điểm bạc.
Mắt huyền , da trắng – sắc nhạt phai.
Đôi tay ngọc ngà... thành chai sạn.
Bao năm vất vả … chiến – trường – đời.
Dáng ngọc cũng chẳng còn tha thướt.
Oằn vai nặng gánh… nợ - giang – san (nhà chồng! ).
Cuộc đời dẫu có xoay chong chóng.
Con tim vẫn náo nức, bồi hồi…
Mong ngày gặp lại bạn bè cũ.
Nhỏ to tâm sự chuyện buồn vui.
Hạnh phúc tuổi già... chỉ - mong – thế.
Thương lắm trường xưa, bạn xưa ơi!
                                                                                    K.N

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Họp mặt Khóa 12 ( Khóa ánh trăng vàng ) Trường Sư Phạm Quy Nhơn 1973-1975

                                          Ngày 28-06-2015 tại Khu Du lịch Madagui _ Tỉnh Lâm Đồng .

                                      
Ban biên tập Trang Nhà , Cảm ơn Các bạn Khóa 12 : Minh Le , Thanhnhan Ho , Nguyen Van Cong , Lương Liên và Bạn Thanh Huu Nguyen đã chia sẻ những hình ảnh buổi họp mặt này trên Facebook .

                       



                   

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

QUI NHƠN NGÀY THÁNG CŨ (PHẦN 4).

                                                                                                                                               Irene
                               

 * Cám ơn Thầy Cô Phạm Ngọc Hài - Lê Thị Bạch Liên, Anh Chị Nguyễn Trác Hiếu - Lê Thị Bạch Yến, Anh Chị PhạmLê Huy - Bùi Kim Loan đã gởi nhiều thông tin và hình ảnh giúp tôi hoàn thành bài viết này.
                             * NHỮNG BÓNG HỒNG QUI NHƠN XƯA.

          Nói đến con gái Qui Nhơn - Bình Định, người ta thường nhớ đến câu ca dao:

          “Ai về Bình Định mà coi

          Con gái Bình Định múa roi đi quyền”

          Cứ ngỡ rằng con gái vùng đất võ nghệ là ai ai cũng có dáng người rắn chắc, mạnh mẽ với khí phách hào hùng,… suốt ngày luyện võ chỉ biết gậy gộc, gươm đao… chứ không phải là “tuýp” con gái “công dung ngôn hạnh” thướt tha, yểu điệu thục nữ, kín cổng cao tường…

Thật ra, có đến Qui Nhơn vào thập niên năm, sáu, bảy… mươi mới tận mắt thấy các cô thiếu nữ nơi đây khác hẳn với những suy nghĩ trên. Rồi một khi gặp, nét đẹp của họ đã khiến không biết bao nhiêu thanh niên phải ngẩn ngơ “chân đi không rời”.

Như tôi đã nói trong các phần đầu, Qui Nhơn là nơi “đất lành chim đậu” ngoài người địa phương là Bình Định – Qui Nhơn còn là nơi hội tụ của những Người Hoa, Ấn Độ, Bắc di cư, Huế, Đà Nẵng, Quảng… Cũng trong giai đoạn này, có nhiều gia đình trong giới trí thức, công chức nhà nước được bổ nhiệm đến đây và nhất là bắt đầu từ sau năm 1962 khi trường Sư Phạm được mở ra thì lại càng có thêm nhiều “Bóng Hồng” thấp thoáng xuất hiện trong thị xã. Do vậy, con gái ở đây mang vẻ đẹp đa dạng của nhiều vùng miền - “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”.

Dạo đó tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng đã rất ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của các cô, các chị. Tôi gọi các cô, các chị là những “Bóng hồng” vì vẻ đẹp tự nhiên, tinh khiết. Ngoài ra, các cô, các chị còn có dáng dấp sang trọng, quí phái, mang vẻ khuê các, dịu dàng…

Theo trí nhớ của tôi, không theo một thứ tự nào cả, tôi xin kể lại như một sự tôn vinh và nếu có quên một “Bóng Hồng nào đó” là vì do nhiều quá! Tôi không làm sao mà nhớ hết được!

                  



                                      Xe hoa Lễ Hai Bà Trưng ở Qui Nhơn 
             

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...