Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

HOÀI CẢM


*Viết tặng qúy thầy cô và bạn bè cũ của tôi ở trường Sư Phạm Quy Nhơn*.
Châu Thị Thanh Cảm



                                                      
Chiều Sài gòn với những cơn mưa chợt đến, chợt đi làm tôi nhớ da diết đến những cơn mưa dầm dề lê thê kéo dài từ sáng đến chiều, từ ngày này qua ngày khác ở quê hương ven biển miền Trung của tôi. Vùng đất nơi tôi lớn lên, nơi ươm mầm bao ước mơ, bao đam mê khát khao của thời tuổi trẻ, Quy Nhơn đầy nắng và gió thoảng mùi vị mặt chát của biển đã cho tôi biết thế nào là đi xa vẫn nhớ quê nhà. (nhấn Đọc Tiếp để xem thêm)

LÀM THƠ CHỈ ĐỂ TẶNG NGƯỜI - Thơ - Diệp Thế Thoại


LÀM THƠ CHỈ ĐỂ TẶNG NGƯỜI

Rằng nhiều vật chất là giàu(!?)
Tuy đơn giản vẫn nhuộm màu nhân sinh
Bấy lâu ta vẫn vô tình
Làm thơ tích lũy để dành tặng em
Muôn ngàn nhịp đập con tim
Theo dòng suy tưởng cổ kim rối bời
Thơ ta vốn chỉ là lời
Không mài không dũa xin mời em xem:
Này lời đã thức nhiều đêm
Này lời ấu trĩ yếu mềm khó nghe
Này lời ngõ ý rụt rè

Này hơi men rượu lè nhè vô duyên
Ta vào điệp khúc triền miên
Để quên muôn nỗi niềm riêng cuộc đời...

Em, người đi qua đời tôi
Tôi làm thơ để tặng người, người ơi...

T.DIỆP

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Tìm Bạn

Bạn bè Nhị 2, K11, niên khóa 72-74 mong tìm tin tức của bạn Nguyễn thị Minh Đề, trước ở thị trấn Diêu Trì. Sau thời gian nghỉ dạy Minh Đề có mở một trường Mẫu Giáo dân lập tại nhà... Bạn bè xa gần có ai biết Minh Đề xin nhắn giúp và liên lạc với địa chỉ spqn1962@gmail.com . Chân thành cám ơn.


Người nhắn : Nguyễn Thị Phương Dung, Phạm Đính, Võ Bá Đài, Trần Đại.

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Trăng Khuyết...


“ Anh ngỏ lời yêu em, vào một đêm trăng khuyết.
Để bây giờ thầm tiếc, một vầng trăng không tròn !
Tôi ở Phú Yên, anh ở Quy Nhơn, hai đứa biết nhau từ khi tôi ra Quy Nhơn học trường Sư phạm. Ngày đầu tiên, bước vào lớp, gặp anh, với cái dáng cao gầy, nụ cười hiền hòa, sao mà dễ thương thế !
Hồi đó, trong lớp học, anh ngồi bàn sau tôi, anh thường hay nghịch, lấy nắp bút máy pilot cài vào tóc tôi, giờ Tâm lí giáo dục, Thầy Hỷ gọi tôi đọc bài, tôi đứng lên, mái tóc tung bay, nắp bút cũng đung đưa, cả lớp cười òa. Thầy giáo ngạc nhiên: “chuyện gì mà vui dữ vậy? ”.
Một lần, giờ ra chơi, tôi đứng trên hành lang, đặt tay lên lan can. Anh bỗng đến bên tôi:
- Sao em không xuống sân chơi với bạn cho vui?
- Em không được khỏe.
...(nhấn Đọc Tiếp để xem thêm)

Cho tôi một bông hồng.


Giang Lam.
Những ngày còn bé, chị em tôi thường theo mạ (*) lên chùa lễ Phật vào những tối rằm hay mồng một hoặc giao thừa. Lúc đó tôi nhút nhát lắm nên đi đâu cũng sợ, cứ nắm lấy tà áo dài của mạ, thấy vậy mạ tôi bảo:
- Con đừng sợ cứ mạnh dạn lên.
Nhưng đâu cũng vào đấy! Tôi cứ quấn bên chân và vân vê tà áo dài của mạ.
Tôi lớn dần, đã là cô thiếu nữ mặc chiếc áo dài trắng đi chùa với mạ lễ Phật, đọc kinh Sám Hối.
Hai năm học Sư phạm vẫn đều đặn theo mạ đi chùa. Rồi tôi ra trường đi dạy, không còn thường xuyên nhưng dịp Tết hoặc hè tôi lại theo mạ đi lễ.
Khi ba tôi qua đời, lúc này tôi đã có gia đình nhưng tôi vẫn ở bên mạ và tôi vẫn giữ thói quen ấy.
Thời gian trôi qua, mạ già đi, mắt mạ tôi yếu dần, tôi lại đi chùa với hai cô con gái còn mạ ở nhà niệm Phật nhưng vẫn cứ hỏi thăm:
- Hôm nay, chùa có đông không con ?

Mẹ - Thơ - Đông Oanh


Nhân mùa Vu Lan, Đông Oanh gởi đến một bài thơ ngắn về Mẹ, xin chuyển đến các bạn như một cánh thiệp mùa Vu Lan, cầu chúc an lành đến tất cả...

Mẹ

Suốt một đời vất vả
Cho gia đình bằng an
Mẹ như sen thơm ngát
Tỏa hương khắp nhân gian

Đông Oanh

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Thêm vài hình ảnh của ...ngày xưa...

Vài hình ảnh vừa nhận được từ Phương Dung, Nhị 2, K11, 1974

Âu Yếm (?)


"chân dài" về làng...

Bồng Sơn Thân Thương.

Kính gởi BBT trang SPQN

BBT kính mến,
Tôi tên Lê Cát Bá hiện đang ở Thành Phố Portland, Tiểu bang Oregon. Trước đây tôi đã được công tác tại địa bàn tỉnh Bình Định , Qui Nhơn và nhất là tại quận lỵ Bồng Sơn một thời gian dài. Tình cờ tôi được biết trang nhà SPQN. Tôi vào đọc và thưởng thức được nhiều bài văn, bài thơ hay quá nhất là đọc bài "Ngày tháng cũ" của Irene Tran tạo cho tôi nhiều cảm xúc và những kỷ niệm một thời sống với Bồng Sơn lại xôn xao trong lòng, nên tôi viết bài này, mạo muội gởi tới BBT để tặng các cô giáo của một thời gian khổ và cũng như một lời cảm tạ tôi gởi tới trang SPQN. Nếu có thể mong được BBT cho đăng. Trân trọng đa tạ.

Kính,
Lê cát Bá

 
Bồng Sơn Thân Thương.
                      Lê Cát Bá.
 (Tặng bốn cô giáo Loan, Vân, Cảm, Ren) 

    Tôi đến Bồng Sơn vào mùa hè năm 72. Sau những ngày tháng thảnh thơi "ru hồn mình bồng bềnh" bên dòng sông Đà Rằng nước xanh biêng biếc. Bỏ lại núi Nhạn buồn vu vơ trơ trọi một mình giữa khoảng trời mênh mông. Bỏ lại nàng và những đêm nhâm nhi cà phê Vị Thủy nghe nhạc Trịnh nát vụn hồn mình. Bỏ lại những buổi chiều đứng ngẩn ngơ, ngắm chiều rơi êm ả trên mặt đầm Ô Loan phẳng lặng, thấp thoáng vài bóng thuyền ngư phủ xa xa...
     Thật ra đây không phải lần đầu tôi tới Bồng Sơn. Đầu năm 70, tôi được đổi về Trà Quang. Ở đây gặp Lợi. Anh bạn người Huế rất dễ thương và cũng rất chịu chơi. Lợi thường rủ tôi hai đứa lái xe đi Bồng Sơn...uống cà phê...

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Tâm Sự - Thơ - Đàm Khánh Hỷ


Con người  thích làm  đầy chỗ  đang trống hơn là làm trống chỗ đang đầy, thích bám dính hơn là buông bỏ, thích lấp hơn là đào. Khuynh hướng này thể hiện nơi người mới dạy học, thích viết lên bảng hơn là lau bảng. Thực ra cái việc làm trống, làm sạch, bỏ bớt  mới là quan trọng. Con người dễ tập thêm một nết tốt hơn là từ bỏ một thói xấu. Đức tính này, tôi nhớ, được ghi nhận  ngay trong các kỳ thi khẩu vấn  tuyển GS SPQN trước đây.
Cái bảng chuyển tải được chữ nghĩa đến với người khác là nhờ ở chỗ còn trống. Cũng vậy, mọi sự việc hằng ngày hiện hữu được là nhờ chỗ trống không trong tâm cảnh chúng ta. Cái bảng đen, có viết chữ hay lau chữ đi, vẫn ở đó, và đen. Mặt nước biển, có sóng hay phẳng lặng, vẫn ở đó là nước, và mặn. Tâm cũng vậy, dù hữu sự hay  vô sự, nó vẫn ở đó và  thuộc tánh không.

Tâm  Sự

Tay phải cầm phấn trắng
Viết lên câu thơ này:
“Chuyện đời bao thay đổi  ,
Tình đời bao đắng cay…!”
*
Tay trái  nắm khăn này
Lau sạch không còn lại.
Chữ nghĩa đã đi rồi;
Bảng trống còn  nằm đây.
*
Tâm sự cũng  như vậy,
Sự đổi, tâm không thay.

Đ. Khánh Hỷ

HÃY LUÔN NHỚ VỀ NHAU!

Thầy xưa, bạn cũ, trường yêu dấu
Hoài niệm trong ta mấy ngậm ngùi!...(DTT)
 
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh. Kỷ niệm xa xưa đã nhạt nhòa sương khói. Đã 37 năm kể từ ngày khóa sinh khóa 11 SPQN ra trường đi nhận nhiệm sở. Cuộc chia tay trường, lớp, bạn, thầy…được đánh dấu bằng một đêm thức trắng bên ánh lửa hồng trong sân nội trú thân quen …để rồi đến khi tiếng gà gáy sáng  cũng là lúc thầy Hiệu trưởng Trần Văn Mẫn “thương mến từ biệt anh chị em” bằng “câu chuyện lửa tàn” -hành trang đủ và cần thiết- để  mỗi giáo sinh khóa 11 sẽ  tự mình đi suốt quãng đời còn lại, giã từ Quy Nhơn - hạ tuần tháng sáu bảy tư!

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Nhớ về lần họp mặt đầu tiên của SPQN


Nhớ về lần họp mặt đầu tiên của SPQN

Sau mùa xuân 1975, những đứa con của trường SPQN mỗi người đi mỗi ngã. Ai còn? Ai mất? Ai được vinh dự tiếp tục đứng trên bục  giảng? Ai phải từ bỏ nghề cao quí của mình để tìm kế khác sinh nhai??? Những suy nghĩ đó cứ lảng vảng trong đầu tôi… Thế rồi cả gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống.
Một đêm, nơi gác nhỏ ở đường Kỳ Đồng, tôi được đón tiếp hai người em là cựu giáo sinh SPQN – khóa 11, đó là Quảng Đình Tú và Huỳnh Kim Thạch… các em đến thăm tôi sau khi đã ghé thăm thầy Hoàng Song Nhi. Gặp nhau, mừng vui, nhưng nước mắt lại trào… Chúng tôi kể cho nhau nghe, ôn từng kỷ niệm đã có với nhau nơi trường cũ. Thế rồi trong chúng tôi những nhung nhớ cứ thế trào dâng, Tú buột miệng: “Hay chúng ta tổ chức họp mặt đi Thầy?”; lòng tôi thì mong muốn quá, nhưng lấy đâu ra tiền giữa lúc ai ai cũng đang vật lộn với cuộc sống khó khăn… Thấy được băn khoăn của tôi Tú quyết: “ Thầy tổ chức, mọi việc để em lo…” Thế là chúng tôi quyết định họp mặt và mời một số anh em lập ban trù bị.
Cuộc họp trù bị lần đầu tiên tổ chức tại một quán café nơi góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thiện Thuật; tôi không thể nào quên những con người đầy nhiệt huyết, vượt mọi khó khăn để cố tổ chức cho bằng được lần họp mặt đầu tiên. Một Quảng Đình Tú, một Nguyễn Văn Hòa, một Võ Ngọc Chuyển, một  Đào Văn Tuấn… và cả những Nguyễn Quốc Tuấn, Huỳnh Kim Thạch, Trương Xuân Thuấn… cũng như không thiếu NS Hòang Song Nhi đều quá nhiệt tình cho công việc tổ chức.
Đúng 16 giờ ngày 20 tháng 4 năm 1997, cuộc họp mặt đầu tiên của cựu giáo sinh sư phạm Qui Nhơn tại Sài Gòn đã diễn ra tại quán Đường Sắt Thanh Đa, mở đầu cho những lần họp mặt truyền thống SPQN về sau…

Nguyễn Dzũ

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...