Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

NHỚ MÃI CUỘC THI VĂN NGHỆ KHÓA 11.

                                                                                                                                     Irene.        
Vũ Khúc Hoa Hồng Nhất niên 1
             

Tháng năm về! Thỉnh thoảng có một vài cơn mưa đầu mùa xua bớt đi cái nóng nực vốn có của thành phố này. Buổi sáng, trời mát mẻ, tôi thường ra sân, ngồi xuống chiếc xích đu ngắm nhìn cây cối. Mấy chậu lan mua hôm tết, bây giờ vẫn tiếp tục nở những chùm hoa tím, vàng, trắng…Xóm nhỏ yên tĩnh. Trên cành cây xoài, cây mận… vang vang tiếng một vài con chim hót ríu rít. Tiếng gió thổi ngang qua chiếc chuông gió của ngôi nhà đối diện phát lên tiếng kêu lanh canh hòa cùng tiếng hát ngọt ngào của một ca sĩ nào đó qua bài Ngày trở về của Phạm Duy. Sao lạ ghê! Cứ mỗi lần nghe bài hát này tôi lại nhớ đến những cuộc thi văn nghệ của trường Sư phạm Qui Nhơn.  
Thật sự mà nói, tôi biết đến các cuộc hội diễn văn nghệ của trường sư phạm khi tôi còn là một học sinh trung học. Dạo đó, chị tôi thường dẫn tôi đi xem một vài lần thi văn nghệ tại trường hoặc cũng đã đến xem chị biểu diễn tại Quân y Viện…Vì thế, tôi rất thích không khí âm nhạc rộn ràng của các anh chị giáo sinh với biết bao bài hát, câu hò… êm đềm, vui tươi. 
Vào những năm 60-70 khi truyền thông chưa được phát triển, tôi chỉ biết thơ, nhạc qua những lần đi xem một vài cuộc hội diễn văn nghệ ngoài trời của ban nhạc Qui Nhơn như Bảo Tố, Xuân Điềm, Xuân Lạ, Kim Liên…hoặc qua máy đĩa, qua radio. Sau này qua các cuốn băng casette hay có khi lại nghe các điệu nhạc trong một vài bộ phim ở rạp ciné. Xem Văn nghệ là niềm khát khao của tất cả những ai yêu thích âm nhạc. 
Đến lúc học trường Sư phạm Qui Nhơn, tôi càng thấy thích các cuộc thi văn nghệ của trường.  Phong trào văn nghệ thật là sôi động, mạnh mẽ, cuốn hút tất cả mọi người cùng tham gia. Hai năm học với hai lần tham gia nhưng đã để lại trong lòng tôi biết bao nhiêu kỷ niệm khó phai mờ.
Vào năm nhất niên lúc mới bước chân vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Sau những ngày mưa qua đi, mùa đông bắt đầu đến. Bầu trời mây nhiều, nắng nhẹ. Không khí se mát, thỉnh thoảng chỉ còn lại một vài cơn mưa rây bụi…quang cảnh ngôi trường lúc đó thật là thơ mộng. Cũng vào thời gian này, cuộc thì văn nghệ của trường bắt đầu. 
Không khí văn nghệ lan tỏa rộn ràng khắp nơi. Từ lớp học ra đến công viên. Từ sân trường tỏa về hai khu nội trú. Từ hành lang lớp học dẫn đến phòng ăn ra tận ngoài cổng, ra tới trên những chuyến xe Lam…đi đến đâu cũng đều nghe bàn tán xôn xao về tiết mục của các lớp. Hình như phong trào văn nghệ chiếm lĩnh hầu hết mọi sinh hoạt của trường, len lõi vào trong suy nghĩ của tất cả giáo sinh.         
Các lớp trưởng lo phổ biến thông báo về điều lệ cuộc thi văn nghệ của trường đến lớp của mình. Trưởng ban văn nghệ của các lớp thì bận rộn chuyện dàn dựng các tiết mục dự thi cho lớp …Lúc bấy giờ, các tiết mục văn nghệ dự thi đều là “tự biên tự diễn”, xuất phát từ thực lực của lớp, tự sáng tạo, tự dàn dựng, tự suy nghĩ… chứ không nhờ cậy vào ai khác.
Một buổi sáng trên chuyến xe Lam đến trường, Lệ Thủy nhất 7 tâm sự với tôi:
-Không biết lớp mình thi văn nghệ ra sao? Sắp thi rồi mà chưa nghe động tĩnh gì cả? Chán thật!
Tôi cười:
-Không sao đâu! Lớp của mình cũng đã tập được tiết mục nào đâu?
Hầu như tâm trạng chung của chúng tôi lúc bấy giờ là lo lắng cho lớp mình về cuộc thi, rồi đi nghe ngóng xem tình hình của các lớp khác tập dợt như thế nào?.
Ban Hợp ca Nhất 5 Khóa 11

Trên hành lang giờ ra chơi, Kim Loan nhất 5 kể với tôi về việc tập văn nghệ của lớp bạn ấy:
-Mấy hôm nay, Nguyên(lớp trưởng) và Nhàn(trưởng ban văn nghệ) lo tất bật việc tập dợt văn nghệ của lớp mình.
-Lớp Loan dự thi mấy tiết mục?
-Hình như hai, ba tiết mục gì đó, thì phải?
Rồi đến Thanh Cảm cũng kể cho tôi về các tiết mục như hoạt cảnh, vũ khúc…Ngọc Hiền nhất 2 cũng cho tôi biết lớp bạn ấy đang tập hai tiết mục hợp xướng và nhạc cảnh…Tôi thấy lớp nào cũng rầm rộ chuẩn bị cho cuộc thi văn nghệ toàn trường…
Trước ngày thi, lớp trưởng các lớp đi bốc thăm để biết ngày, giờ, thứ tự các tiết mục dự thi của lớp mình. Thế rồi ngày thi đã đến!
Cuộc thi Văn nghệ hai khóa 10 và 11, do vì có quá nhiều tiết mục nên trường phải tổ chức diễn hai đêm liền.
Tôi nhớ mãi ngày hôm đó như là một ngày hội lớn của toàn trường. Tất cả các bạn đều lo lắng, chuẩn bị cho lớp của mình. Suốt cả ngày, mỗi lớp lo việc tập dợt lại, lo trang phục, phông cảnh…
Khi màn đêm vừa buông xuống, mọi người đều tập trung tại Hội trường. Tiếng đàn, tiếng trống của ban nhạc được đánh lên càng làm không khí thêm sôi động. Từ loa phát vang bài Nắng Chiều, Ngậm ngùi…càng làm cho mọi người rộn ràng hòa vào cùng âm nhạc. 
*Cuộc thi Văn nghệ đêm 16/12/1972 – Hai khóa 10 và 11.
Mở đầu buổi hội thi, thầy Hiệu Trưởng tuyên bố khai mạc cuộc thi. Sau đó vài lời của Ban tổ chức…giới thiệu chương trình…
Chưa đến tiết mục của lớp nên tôi cùng các bạn chen vào hội trường xem…
Mở màn là Hợp xướng: Trường ca Tổ Quốc Ơi Ta Đã Nghe của La Hữu Vang do lớp nhất 2 trình bày. Tấm màn nhung được kéo ra, các bạn đứng bên nhau, nữ trong tà áo dài trắng, nam áo chemise thắt caravate…cất giọng hát vang. Bài hát lúc trầm, lúc bổng, khi hùng hồn… “Ôi tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi. Trong tiếng hờn trong máu lửa ngập trời. từng giây nghe quê hương xót xa đầy trong cơn thê lương…” Bài hợp xướng chấm dứt trong tiếng hoan hô vang dội của mọi người.
Các bạn nhất 2 vội vàng vào bên trong chuẩn bị cho tiết mục tiếp theo trong tiếng hát ấm áp của anh Nguyễn Tăng Tri với bài Trở về mái nhà xưa nhạc ngoại, lời Việt của Phạm Duy.
Lớp nhất 2 trở lại với nhạc cảnh Ca dao mẹ của Trịnh Công Sơn. Tiết mục gây xúc động với giọng hát truyền cảm của bạn Phương Dung và cảnh người mẹ đưa con: “…mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn…” Một bạn nào đó thốt lên:
-Giọng hát hay quá!
-Bạn nào hóa trang người mẹ mà giống quá vậy?
Phương Dung là bạn học thời trung học với tôi. Tôi rất thích giọng hát của bạn ấy!  Bạn ấy mà hát nhạc Trịnh thì rất là tuyệt vời! Nhạc cảnh phù hợp với thời cuộc chiến tranh của đất nước lúc bấy giờ.
Sau đó là các tiết mục của các anh chị khóa 10. Mãi cho đến tiết mục thứ 7 với bài đồng ca Hát cho dân tôi nghe của Tôn Thất Lập lớp nhất 5 trình bày. Đây chỉ là tiết mục giúp vui nhưng các bạn hát rất sôi nổi, rập ràng, vang to: “Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào. Hát cho đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù. Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên…” Tôi đang say sưa với giai điệu… Th. gọi: -Sắp đến tiết mục lớp nhất 6 của mình rồi!
Tôi vội bước ra hành lang một bên hậu trường, các bạn lớp tôi đã đông đủ và sẵn sàng.
Từ loa phóng thanh, tiếng giới thiệu Vũ khúc Tiếng xưa của lớp nhất niên 6. Tôi cầm micro và hát: “Hoàng hôn lá reo bên thềm, hoàng hôn tơi bời lá thu, sương mờ. Ngậm ngùi xuân xanh…” Tôi liếc nhìn ra sân khấu, các bạn đang múa nhịp nhàng. Các bạn nam áo dài khăn đóng, các bạn nữ áo gấm khăn vành tay ôm, tay gảy đàn tỳ bà…đưa mọi người trở về với những ngày xưa ở miền đất Thần Kinh của cố đô Huế. Dưới ánh đèn sân khấu, khuôn mặt bạn nào cũng rạng ngời. Bài múa chấm dứt, tiếng vỗ tay vang dội. 
Tôi nép bên cánh gà để xem lớp nhất 4 trong hài kịch Nhổ răng tại đây. Tiết mục giúp vui nên các bạn diễn thoải mái, làm cho nhiều người cất tiếng cười vui rộn rã.
Tiết mục thứ 12 là màn hợp xướng của lớp 6, đó là bài Chờ nhìn quê hương sáng chói, nhạc và lời của Trịnh Công Sơn. Bạn Ngọc Tượng solo đoạn đầu, còn chúng tôi hát đuổi theo bè… Không biết thế nào? nhưng khi màn khép lại tiếng vỗ tay vang lên. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thế là xong phần dự thi của lớp mình.
Tôi đứng lại xem Nhạc cảnh Tình Nghèo của Phạm Duy, lớp nhất 4 trình diễn. Tôi thấy bạn Đức Lượng trưởng ban văn nghệ lớp 4 đang nhắc nhở các bạn trước khi mở màn. Tiếng nhạc vang lên, các bạn diễn nhạc cảnh rất mộc mạc đầy tình quê hương. Một điều rất hay là các bạn vừa diễn vừa hát: “ Nhớ nhớ thuở nào, Anh(lơ) cầy thuê. Em(lơ) dắt trâu. Đôi ta cùng(lơ) gặp nhau dưới cầu. Bóng mát(ý) cầu…” Kết thúc là cảnh hai bạn Bích Liên và Trần Văn Lương hạnh phúc dưới mái nhà tranh bên ruộng đồng cùng con trâu, cái cày…
Vũ khúc Một Mẹ trăm con _ Nhất niên 5


DÃ TRÀNG TÌM BẢO NGỌC

                         

                       Trăng thanh, sóng lặng, biển lắng sâu.
                        Dã tràng xe cát đã từ lâu.
                        Mải miết kiếm tìm không ngơi nghỉ.
                        Bảo ngọc thân yêu giờ nơi đâu?!
                        Quả đất tròn xoay sao chẳng gặp.
                        Duyên nặng tình sâu nhớ bạc đầu.
                        Bãi cát mênh mông buồn bất tận.
                        Trăm năm chôn kín một niềm đau.
                                                                             Tuyết Nhung _ Khóa 5

THÀNH PHỐ BIỂN , NHA TRANG


Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

KHÉP LẠI RỪNG XƯA

                                                                                          Đỗ Hướng ( Đỗ Hoài Hương )
                                                                                         Tưởng nhớ Nhạc sĩ T.C.S
                                                                                          Khóa 1 SPQN
                 Được tin anh đi!
Không hẹn . . . Chúng tôi về quán gió
hát tình ca - Ngậm ngùi tưởng nhớ
Thả tim anh hòa nhịp với tim người

Anh
hạt bụi tuyệt vời 
rong chơi hóa kiếp-dệt khúc sử tình . . .
Ngộ giữa rừng kinh
anh chạm ca từ mang thông điệp đến từng nhà gõ cửa
Mệt nhoài trên tay đóm lửa
ru mãi-ru hoài : thân phận-tình yêu
Bên anh, nữ hoàng chân đất du ca
nâng sóng nhạc thả thơ anh xuống hạ
Nghe! Lòng đá hóa ngây 
vực hồn say! Thức tỉnh
Vắt kiệt mình . . . Nối những vòng tay

Hun hút đường đêm
chờ em sâu mắt !
Từng người tình - si mê - đánh mất !
Vô vọng ! Nhạt nhòa khuôn mặt . . .
Về đâu ?
Giọt nước phân đôi . . . man man dòng sông nhỏ
Biển cả tìm người . . .
đặc quánh . . .Bóng chiều trôi !
Giờ thôi !
Rừng Xưa nay mở
đẩy cổng anh về !
khép cửa anh đi . . .
Cánh Vạc ướt đầm trong mưa
gầy guộc bốn mùa
Anh - hóa thân vào cánh Hạc
Sững sờ . . .
Bay !
quên khép lại rừng xưa .
                         Trang Nhà cảm ơn Anh Đắc Tài Trần _ Sư Phạm Quy Nhơn Cam Ranh                                                                                                                           Bay đã chia sẻ .                             

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...