Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồi ức SP. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồi ức SP. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

MÁI TRƯỜNG XƯA.


                Irene.
        Thương gởi đến chị Nguyễn Thị Hằng khoá 7 SPQN.


          Mùa xuân trôi qua một cách nhẹ nhàng. Ngoài trời, nắng vàng hanh hao gay gắt hơn. Trên cành, những chùm phượng đã lác đác nở. Các chú ve cũng lục đục choàng dậy sau giấc ngủ dài để chuẩn bị cho “ Dàn đồng ca mùa hạ.”
          Từ trường, tôi trở về nhà sau một ngày bận rộn với công việc cuối năm, với việc hoàn tất hồ sơ tốt nghiệp cho học sinh. Bước vào nhà, bất ngờ gặp chị Hằng từ Nha Trang ra thăm…
          Chiều xuống chầm chậm, phố biển trở nên dịu mát nhờ những cơn gió nồm từ biển thổi vào. Hoàng hôn bao trùm cảnh vật. Bóng tối lan dần. Qui Nhơn trở về một sự chuyển biến mới. Thành phố bây giờ còn lại những hình hài đường nét trong cái động và cái tĩnh về đêm.
          Từ đường Nguyễn Tất Thành - An Dương Vương, chúng tôi hướng về phía trường Sư Phạm.
-Sân bay Qui Nhơn đâu em? Xe đang chạy chị Hằng quay lại  hỏi tôi.
-Dạ, mình đang đi trên con đường mà trước đây là sân bay đó chị.
Tôi vừa nói, vừa lấy tay chỉ một vùng trước mặt và phía sau.
          Chị nhìn quanh rồi dường như không thấy còn sót lại một dấu vết cũ xưa nào. Chị hỏi:
-Em ơi, Eo Nín Thở nằm ở hướng nào?
          Vòng xe lại, chúng tôi đến Eo Nín Thở. Những cơn gió biển thổi vào mang theo cái vị mằn mặn của biển. Không có “cái mùi” mà chúng tôi phải “nín thở” mỗi khi qua lại nơi này. Không còn cái khúc quanh với những hàng rào kẽm gai ranh giới với sân bay Qui Nhơn. Chỗ chúng tôi đứng là những chiếc xe bán nước giải khát, sau lưng là công viên cây xanh…
Mỗi chúng tôi như đắm chìm trong kí ức của một thời. Riêng tôi, tôi thấy tuổi trẻ của mình hiện rõ với những ngày mưa, ngày nắng trên những chuyến xe Lam đến trường hay về nhà. Tuổi thanh xuân phơi phới với bao niềm vui…
          Giọng chị Hằng nhè nhẹ, kéo tôi về với thực tại:
-Bao nhiêu năm nay, chị ao ước có một ngày về thăm lại trường xưa, thăm lại khung trời cũ thân thương, thăm lại con đường …thăm khu nội trú…Nhớ quá đi! Ngôi trường Sư Phạm! Nhớ thầy cô và bạn bè! Nhưng rồi cuộc sống cứ cuốn đi, chị chẳng có dịp. Thế nhưng lúc nào trong tâm thức chị cũng vang lên tiếng vọng từ ngôi trường. Tiếng vọng từ sóng biển, từ tiếng gió vi vu qua hàng dương hay tiếng của ai đó gọi, thôi thúc chị trở về! Rồi chị nghe tin Len mất! Chị bàng hoàng, sững sờ đến lặng người. Chị quyết định trở về thăm lại trường, đi thăm mộ phần của bạn. Cuộc đời này quá ngắn ngủi! Mới đó mà người còn người mất…giọng chị nhỏ dần.
          Chị Hằng là bạn thân với chị tôi. Các chị học khoá 7. Sau khi ra trường, hai chị chọn nhiệm sở Cam Ranh. Mùa xuân 75 mỗi người một phương không nghe tin tức về nhau…
          Thật tình mà nói, tôi ở Qui Nhơn nên có rất nhiều dịp đi qua lại ngôi trường Sư Phạm. Mỗi lần như thế, tôi thường ngoái đầu đăm đắm nhìn thật lâu cho đến khi khuất hẳn. Nhưng chưa bao giờ mạnh dạn bước vào trường thăm lại khung cảnh cũ. Có lẽ tôi sợ lạc lõng, sợ hụt hẩng, sợ một mình bơ vơ giữa cảnh và người… Rồi chiều nay, thật bất ngờ khi chị Hằng từ Nha Trang ra. Chị nói lên điều mong ước và niềm khát khao trong tôi bùng lên. Chúng tôi như đồng cảm! Thế là, tối hôm đó, vội vã về thăm trường.
          Dừng lại trước cổng trường. Cánh cổng đóng im lìm. Ánh đèn đường hắt chéo vào một màu sáng vàng vàng nhưng cũng không soi rõ bên trong. Sau một hồi, chúng tôi lùi lại và tìm lối đi vào trường. Lối đi phía sau nhà thầy Bồn, đi ngang qua nhà thầy Sum, thầy Mẫn ngang qua hàng hoa sứ…Chúng tôi vào được sân trường. Sân trường im vắng chỉ có ba chúng tôi: Chị Hằng khoá 7, chị kề tôi khoá 10 và tôi khoá 11.
          Thật vui mừng như tìm lại những gì thân thương. Trong tâm trí tôi, những kỉ niệm cứ dồn dập ùa về…Tôi nhớ mỗi sáng thứ hai chào cờ ở sân trường, tà áo dài trắng bay bay trong gió. Những khuôn mặt hớn hở vui tươi trong nắng mai…
Đằng kia là sân tập thể dục, tôi nhớ như in tiếng còi của thầy Phan Minh Ba cất lên là chúng tôi nhanh chóng ra sân. Nam nữ ăn mặc gọn gàng, chân mang giày Bata bước đều mạnh mẽ, hiên ngang hát vang: “Đoàn người tưng bừng về trong sương gió. Hồn như đám mây trắng lững lờ. Giang hồ không bờ không bến đẹp như kiếp Bô Ê Miên. Ánh dương lên, một đoàn thanh niên…”
Tôi nhìn sang bên phải, bao nhiêu năm rồi hội trường vẫn còn đó. Dường như văng vẳng âm vang rộn ràng tiếng trống, tiếng đàn, tiếng hát… của những đêm hội diễn văn nghệ  hay tiếng khua chén bát hằng ngày vào mỗi bữa ăn của các bạn nội trú…
Cứ thế, chúng tôi đi lần vào bên trong. Tiếng vọng từ dãy lầu phòng học. Tôi thấy mình sáng sáng, chiều chiều lên xuống những bậc thang lầu vào phòng học hay đứng dựa vào góc trụ, lan can lầu…nhìn xuống công viên ghế đá, hoa sứ thoang thoảng đưa hương hay ngắm những đoá hoa hoàng anh vàng tươi khoe sắc. Những giờ học Tâm Lý với thầy Đàm Khánh Hỷ, giờ Giao Tế Xã Hội thầy Võ Sum, giờ Quản Trị Học Đường với thầy Toản, Sư Phạm Lý Thuyết thầy Nở, Giáo Dục Cộng Đồng thầy Bồn, Toán Học Ứng Dụng thí nghiệm cùng với thầy Học…Giờ Nhạc thầy Hoàng Hy, giờ Hội Hoạ thầy Phan Thâm…Tất cả các thầy đã trang bị kỹ càng, đầy đủ cho chúng tôi những tác phong của người thầy, những kiến thức quý giá để sau đó làm hành trang vào nghề, vào đời.
 Preo với những giờ Hoạt Động Thanh Niên trò chơi " Làm mèo" hình ảnh bạn Hoàng Phượng khóc thút thít khi bị làm mèo vẫn còn in đậm trong tôi. Mới ngày nào chúng tôi đi vòng hát vang những bài hát thiếu nhi " Kìa con bướm vàng! Kìa con bướm vàng! Xoè đôi cánh, xoè đôi cánh..."  hay " Con gì kia nó ngồi là ngồi trong hang. Nó quay cái lưng ra ngoài đó là con cóc..." 
          Cứ thế, tôi bước đi trong im lặng, trong hoài niệm....
          Hành lang dài hun hút dẫn về khu nội trú Nữ. Cả ba ngỡ ngàng vì cửa đóng then cài. Không còn phòng trực với cô giáo sinh trực tà áo dài trắng cây bút và cuốn sổ trên tay miệng tươi cười chào khách lạ. Không còn bãi cỏ xanh với những đóa hoa forget me not tim tím dễ thương hay những cánh hoa cúc dại vàng tươi…và cũng chẳng còn tiếng lao xao rộn ràng của các bạn đi về...
          -  Các cô hỏi ai ? Một người đàn ông thấy chúng tôi thập thò trước cửa nên bước ra hỏi.
  Chị Hằng bộc bạch:
          -  Chúng tôi là những cô giáo, trước 75 học ở trường này. Nay trở lại thăm trường.
          -  Mời các cô vào! Vừa nói anh ta vừa mở cánh cửa.
  Chị kề tôi nói:
          -  Lúc xưa chúng tôi học, đây là khu nội trú nữ.
          -  Vậy hả? Bây giờ, đây là chỗ làm việc của ngành khoa học. Anh giải thích...
  Tôi nhìn các bảng treo trên các phòng...Phòng Vật Lí, Phòng Thí Nghiệm Hoá Học…
   Chị Hằng chỉ căn phòng lúc xưa chị ở nội trú. Chị đứng đó thật lâu như sống lại thời đôi mươi…
   Sau một hồi tham quan, chúng tôi cám ơn anh ta và quay trở ra.

          Ngôi trường vẫn nhập nhoạng sáng tối trong ánh điện. Đêm trở mình bởi những cơn gió lao xao. Công viên trường là một khoảng tối trước mặt. Vang vọng đâu đây bài hát của đêm mãn khóa 11: Đêm bây giờ đêm mai của TCS. " Ôi! Đêm dài và cơn bão rớt. Trên dãi đất quê hương khô cằn. Ôi! Bom đạn cày trên những xác ... Đêm bây giờ, đêm quá hư vô. Ôi con người mang trái tim khô. Đêm bây giờ thắp sáng âu lo.Hai mươi năm buồn vui hững hờ..."
  Bây giờ ngồi đây sau bao nhiêu năm tôi thấy các thầy chọn bài hát trong đêm mãn khoá 11 thật phù hợp và ý nghĩa với tâm trạng chúng tôi trong bối cảnh lịch sử đất nước. Hai mươi năm từ khi chúng tôi sinh ra (1954-1974) chiến tranh, bom đạn. Tuổi trẻ chúng tôi có gì? Được gì?
  Bài hát cất lên đêm đó như một sự cảm thông như một sự sẻ chia của những người đi trước với những người em đi sau là rồi đây khi các em ra trưòng trên mọi nẻo đưòng đất nưóc biết bao gian khổ, chông gai, hiểm nguy đang đón chờ. Như một lời tiên tri. Con đưòng khoá 11 chúng tôi đi, không bằng phẳng, không suôn sẽ, không yên bình và cũng không phải là thảm nhung với hoa hồng như tuổi trẻ chúng tôi hằng mơ ước mà là bộn bề những vất vã, đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh, cảnh chết chóc thê thảm...Sau 75 lại càng …
 
  Chúng tôi ngồi xuống bậc tam cấp nhìn ra sân trường, xung quanh vắng vẻ, quạnh hiu. Nỗi nhớ bùng lên! Thầy cô giờ này ở đâu? bạn bè đâu hết rồi? Một cảm giác lành lạnh trống vắng len vào hồn. Sương đêm xuống, tôi nghe rõ mồn một tiếng xào xạc của gió qua hàng cây, tiếng sóng biển xa xa... tiếng côn trùng rên rĩ...và cả tiếng vọng từ đâu đó gọi người về.
  ".... Các em biết không? Mình cứ ngỡ rằng : Thời gian sẽ gíúp quên đi tất cả nhưng không phải thế! Có những kỉ niệm cứ sống và luôn theo ta cho đến lúc ta xuôi tay nhắm mắt...Chị mong gặp lại thầy cô, bạn bè biết đâu mình chẳng còn cơ hội nữa…" Giọng chị Hằng nghèn nghẹn, tiếng thở dài đầy tiếc nuối.

          Thoắt cái, thế mà đã mười mấy năm trôi qua kể từ cái đêm hôm chúng tôi lặng lẽ về thăm lại trường xưa…Sau đó, cuộc sống đẩy đưa tôi rời xa Qui Nhơn, tạm biệt khung trời kỉ niệm, bỏ lại sau lưng những buồn vui của một thời.
Vào Sài Gòn, những ngày nắng, những chiều mưa hay những lúc thoáng có những cơn gió trở mùa…nỗi nhớ bạn bè, trường lớp lại đau đáu trong tôi. Tôi cố gắng tìm gặp và liên lạc được nhiều anh chị em cùng trường cùng khoá ờ hải ngoại hay trong nước. Tôi nhận ra một điều là: Tất cả chúng tôi, ai đã từng có một thời học dưới mái trường Sư Phạm Qui Nhơn (1962-1975) cũng đều ước mong có một dịp nào đó cùng bạn bè nắm tay nhau trở về thăm lại trường xưa. Vẫn biết rằng phải có “nhân duyên” mới “hạnh ngộ” nhưng tất cả chúng tôi đều có cái tâm hướng về nhau, hướng về mái trướng xưa thế nào rồi cũng được toại nguyện.
Và với tâm nguyện ấy! Với niềm mong ước thiết tha ấy! Như một khát khao thôi thúc. Để rồi năm nay, tháng 5 năm 2012, ước mơ đó sẽ thành hiện thực.

Đà Nẵng, 25/03/2012.
Irene.       

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Hương xưa


Bốn mươi hai năm qua rồi mới liên lạc được với các bạn Sư phạm Quy Nhơn, cùng lời hẹn về thăm lại trường xưa.
Bốn mươi hai năm, khoảng thời gian quá dài cho một đời người truân chuyên, nhưng nhìn lại như mới thoáng hôm qua.
Vẫn còn đâu đó những mùi hương, một chuỗi những mùi hương đã trót gắn bó với ta những năm tháng tóc còn xanh.
Những ngày đầu tiên lạ lẫm đặt chân đến trường, ta như choáng ngợp trong hương thơm của gió biển, của thông xanh bát ngát.
Nội trú năm nhất niên với một hành lang dài, để đêm đêm từ đó, ta có thể ngắm nhìn ánh đèn máy bay chớp sáng từ dãy núi xa, hít thở mùi hương của đêm, nồng nàn, tĩnh lặng.
Ta nhớ mùi hương của Mẹ, vòng tay ấm của Cha và khóc một mình.
Nỗi nhớ rồi cũng vơi, những bạn bè đã trở nên rất đỗi thiết thân.
Ta nhớ mãi những buổi Thầy hiệu trưởng lên thăm phòng nội trú, Thầy hiền từ là thế mà sao ta vẫn cứ sợ sợ là, nỗi sợ hãi xem lẫn niềm kính yêu của tất cả giáo sinh thơ ngây như ta ngày ấy. Thầy bảo “hãy học thêm lên, nếu em nào đã có tú tài bán thì học thi toàn, nếu có tú tài toàn thì học thêm đại học, sao cả ngày cứ mãi đan với lát thế”. Các thầy cô mãi mong muốn học sinh mình hoàn thiện hơn.
Những mùi hương quyến rũ của đời làm giáo sinh còn là mùi hương của những mái tranh, mùi rơm rạ, mùi hoa đại của những chuyến đi công tác văn chính xã về các miền quê xa xôi trên những chuyến xe lam khét nghẹt mùi xăng, mùi hương nông nàn của gió biển Cù Lao Xanh.
Lên nhị niên, cuộc sống đã tất bật hơn với những bài vở, với những buổi đi thực tập.
Khu nội trú mới tiện nghi hơn, nhưng ngột ngạt như một hộp diêm khổng lồ. Ta không còn được ngắm biển, ngắm thông vì phòng ta ở tầng thấp nhất, chỉ còn được nghe tiếng sóng biển gầm thét mỗi đêm.
Ta cùng bạn ta đã nhiều lần lén ra khu vườn cổ tích (là nhà thầy hiệu trưởng), lượm những cánh hoa vàng cài lên tóc và ngỡ như được tắm đẫm trong vô vàn hương hoa.
Ngày thi ra trường sắp đến, ta và các bạn vùi đầu vào học thi, có những bạn học ở các cột điện cao áp, ta và các bạn khác vào giảng đường học. Khi điện tắt, đèn dầu được thắp lên. Cần mẫn chăm chỉ như những chú ong thợ, sao mà dễ thương đến vậy, các bạn ta ơi.
Những ngày tháng cuối cùng còn được ở trường, ta vẫn thơ thẩn một mình dọc hành lang giảng đường, những phòng học tối om, những tấm bảng đen câm nín, ta khẽ nói: “tạm biệt, tạm biệt trường ơi, lớp ơi”, lòng rưng rưng muốn khóc.
Không được may mắn như các bạn cùng khóa, vì thời cuộc, ta không còn được tiếp tục đi dạy nữa. Nhưng cho dù năm tháng đã đi qua và bể dâu cuộc đời cùng bao thăng trầm của cuộc sống đã cho ta lắm nổi đa đoan, ta vẫn không thể nào quên chút hương xưa của một thời học làm cô giáo.

Kim Liên
Sư phạm Quy Nhơn khóa 7

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

HÃY NHỚ VỀ NHAU.

                                    Irene.

          Có những bài hát khi giai điệu vang lên làm cho ta nhớ quay quắt về một nơi chốn hay một kỉ niệm nào đó của một thời dấu yêu.
          “…Xin cảm ơn thành phố có em, xin cảm ơn một mái tóc mềm. Mai xa lắc bên đồn biên giới. Còn một chút gì để nhớ để thương.”
          Còn một chút gì để nhớ để thương hay còn chăng là những kỉ niệm đẹp và trân quí của một thời là giáo sinh Sư phạm Qui Nhơn.

          Năm 1973, tôi học năm hai trường Sư Phạm. Qua một năm học, trong lớp, chúng tôi trở nên thân thiết và gắn bó với nhau hơn. Tuy rằng  chúng tôi từ khắp mọi nơi hội tụ về đây  : Quảng Tín, Quảng Ngãi đến Bình Định, Tuy Hòa, Khánh Hòa hay Pleiku...
          Hai năm học trôi qua nhanh. Giờ đây, chỉ còn lại một thời gian ngắn thôi vì chẳng còn bao lâu nữa chúng tôi phải chia tay nhau sau đợt thực tập và thi ra trường. Rồi đây nhiệm sở của chúng tôi là đi khắp miền Trung. Biết ai sẽ đi về đâu? Chốn nào? Hai năm học chung với nhau đã để lại trong lòng mỗi người  biết bao nhiêu kỉ niệm đáng nhớ : Một lớp trưởng Đào Văn Tuấn đạo mạo và trách nhiệm, Lê Xuân Thanh lúc nào cũng bận rộn công việc Ban Xã Hội, Nguyễn Sĩ Tạo nhiệt tình với ban Văn Nghệ. Huỳnh Ngọc Tượng rất nghệ sĩ với cây đàn guitar đầy ấn tượng cất cao giọng hát : “ …Anh yêu em anh yêu em như rừng yêu thú dữ. Anh yêu em anh yêu em như tình cây với gió. Anh yêu em không còn chi nói nữa. Biết nói gì đã yêu rồi, biết nói gì em ơi…( Yêu em vào cõi chết-Phạm Duy) ” làm cả lớp sôi động hẳn. Tất cả các bạn nam đồng loạt cùng đứng lên hát vang…

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Thương Nhớ Ngọc Lan


BBT: Chúng tôi vừa nhận được bài viết của chị Võ Thị Bích Liên, nguyên học khóa 7 SPQN. Bài viết là một hồi ức về nhà trường, về bạn bè, thầy cô, và nhất là về khu nội trú nữ thân thương đã cùng chị trong suốt 2 năm học ở SP. Chị hiện ở Tam Kỳ, Quảng Nam, các bạn bè Khóa 7 nếu muốn liên lạc với tác giả xin gởi mail về bichlien50@gmail.com hoặc qua số điện thoại 01689219592. Xin giới thiệu cùng các bạn!

Thương Nhớ Ngọc Lan
Võ Thị Bích Liên - K7

Có những nỗi nhớ cứ quẩn quanh hoài bên lòng tôi, vẫn mượt mà, tinh khôi mỗi lần chạm đến…

Tôi nhớ những năm tháng làm giáo sinh Sư phạm Qui nhơn. Hai năm không dài để những kỉ niệm, giẫm chân nhau thành nhập nhằng bối rối, cũng không quá ngắn để vội vàng gom nhặt những gì vu vơ nhòa nhạt…

Tôi nhớ hoài phòng 1 của tôi trong khu nội trú nữ cũ. Phòng vừa đủ kê mười sáu chiếc giường tầng đôi, vẫn còn những khoảng khá rộng để chúng tôi ra vào tha hồ hàn huyên, ngắm nghía. Chừng ấy con người từ mọi miền vừa gặp mà đã như thân quen tự bao giờ… Nhớ những sáng nắng, chiều mưa tranh nhau về phía cuối phòng thay đồ đi học; đã quen rồi các cảm giác ngượng ngùng luống cuống dễ thương buổi đầu nhìn nhau “ cảnh tình nhạy cảm” ấy; đã quen rồi từng bước chân, giọng nói, tiếng cười…

Tôi nhớ những đêm dài thao thức cùng biển trời Qui Nhơn. Biển rất gần, sóng ầm ào lây gọi. Gió bồi hồi trên mấy ngọn bạch đàn trước hàng hiên nội trú. Công viên phía dưới nhòa đi trong ánh trăng và ánh điện, khuôn viên trường bồng bềnh, man mác trong biển hơi sương…

Tôi nhớ những bũa trưa nội trú rộn ràng, hối hả và thân mật dưới phòng ăn “câu lạc bộ”. Trong tiếng nói cười, tiếng chén muỗng lanh canh, tôi nghe có tiếng hít hà tương ớt cay xứ Huế, tiếng tắc lưỡi ngọt xớt ngọt mắm ruốc Quảng Trị, tiếng trầm trồ khoái khẩu miếng cá thu rim, miếng mực khô đẫm sốt cà, chén mắm cá thu thơm nức hay mấy con mắm tôm chua hồng sợi riềng, đu đủ cay tê đầu lưỡi… của Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết… Những hương vị quê nhà các bạn tôi thêm vào thực đơn xứ “ Nẫu” cho bũa cơ nội trú thơm thảo, đậm đà…

Tôi nhớ bạn bè lớp Nhị niên 4 khóa 7 của tôi. Nhớ lớp học trên năm mươi con gái. Ngoài giờ học, khi yểu điệu thục nữ, khi nhí nhố choảng chọc nhau với chất giọng đủ miền nhưng vào lớp thì hiền thục , chăm chỉ, trách nhiệm, thân ái… chính hiệu nhà sư phạm!

Tôi nhớ những mùa văn nghệ rộn rã. Nhớ Phan Bá Chức cùng giàn hợp xướng “Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ…” có tôi và Nguyễn Ngọc Lĩnh. Nhớ hai chàng thi sĩ Tướng Ngẫu, Cao Quynh lạc vào Thiên Thai ngẩn ngơ say nàng Diệu Minh - Giáng Hương ngày ấy… Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh đêm chia tay một số bạn Nhất niên khóa 8 về Huế vẫn còn như mới đâu đây. Đêm ấy, căn phòng học lung linh ánh nến, hoa và bánh kẹo cùng những tâm trạng bồi hồi thoáng ngậm ngùi của thầy cô, bạn bè hai khóa học… Thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫu đã hát tặng chúng tôi bài “Biệt ly” của Doãn Mẫn. Thầy hát thật hay, giọng thầy rưng rưng, xúc động. “Biệt ly, nhớ nhung từ đây…” Tôi lẩm nhẩm hát theo thầy, nước mắt lặng lẽ rơi…
Và tôi vẫn nhớ hoài đường từ cổng vào trường ngang qua nhà thầy hiệu trưởng, một căn nhà yên ắng, nằm kín đáo sau khu vườn hoa đầy hoa. Bên góc nhà thầy, một khóm ngọc lan với nhiều bông trắng dịu dàng, thanh khiết, mỗi chiều tỏa hương thơm không lẫn vào đâu được. Hương ngọc lan thoảng đưa trong gió, ai tính được tình yêu và nỗi nhớ trong mùi hoa bâng khuâng ấy. Hoa ngọc lan cuôn hút lòng tôi. Tôi yêu mùi hoa ấy, hương hoa ấy từ đó và mãi mãi trong đời.

Hơn bốn mươi năm rồi khoảng cách thời gian và không gian xa lắc. Trường xưa, vườn xưa có còn mùi hương ngọc lan thoảng bay trong gió mỗi buổi hoàng hôn. Có còn chăng hòn non bộ lô nhô đá xám, thô ráp những rêu cỏ và hoa dại vẫn níu bước chân đi? Còn chăng những cụm thác đào hồng thắm, những bụi hoàng anh rực vàng bên dưới giàn hoa nho tim tím buông lơi mềm mại… trong công viên nội trú? Lòng tôi lại rưng rức nhớ tiếc không nguôi một phần ngày xưa yêu dấu của mình đã gửi vào nơi ấy và tôi chợt nhận ra tôi như một “lão nương” đầy ích kỉ và bảo thủ cứ âu yếm hoài những chuyện xưa trong khi giòng sống mỗi ngày mỗi trào dâng bao điều mới mẻ. Tôi nghĩ một ngày nào đó có dịp về lai Qui Nhơn, tôi sẽ ngẩn ngơ trước khuôn viên trường Sư phạm bề thế, mới mẻ và sang trọng. Tôi sẽ về nơi ấy để buồn thêm một ít, nhớ thêm một ít và yêu thêm rất nhiều những ảnh hình xưa cũ!

 Võ Thị Bích Liên.


Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

VÈ SƯ PHẠM.

Giang Lam.

          Khi vào học trường Sư Phạm, tôi được học chung với một số bạn nam. Các bạn nam lúc nào cũng thích vui đùa nên trong lớp luôn có những trận cười. Giờ chơi nào các bạn cũng đứng dọc hành lang, có bạn nữ nào ở lớp khác đi ngang qua là bắt đầu trêu như Đông Sương lớp nhất 4 / K10 thướt tha đi ngang qua :
          -        Đông Sương ơi ! Cho anh cắn một miếng !
         Cô ấy mắc cỡ, đi một hơi.
         Thanh Xuân đi đến :
          -        Xuân ơi ! Cô ấy vừa quay lại, các bạn liền hát :
          …xuân xuân ơi ! xuân hỡi ! xuân ơi !( Xuân ca - Phạm Duy ). Cô ấy vội lườm một cái, bỏ đi .
          Mai, lớp bên cạnh vừa đi ngang :
          -        …Mai ! anh đã yêu em thật rồi ! Một tình yêu quá chua cay…( Mai - Quốc Dũng )
          Hương từ xa đi lại :
          -        …Hương ơi ! Sao tiếng hát em nghe vẫn ngọt ngào…( Hương ca vô tận - Trầm Tử Thiêng )

          Ngoài ra còn hát vè ghẹo các bạn nữ lớp khác trong những lúc đi Cộng đồng hay đi làm công tác xã hội hoặc đi du ngoạn .
          Một hôm các lớp chuẩn bị đi dự đêm lửa trại tại Sân Vận Động Qui Nhơn. Trong lúc đang chờ đợi, nam giáo sinh lớp nhất 2/khóa 10 của tôi và nữ giáo sinh lớp nhất 3/khóa 10 hát vè đối đáp nhau:
(...) (xin nhấn vào "Đọc tiếp" để xem thêm) 

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Hồi ức về đêm mãn khóa – Khóa 11 SPQN


Nguyễn Dũ


Tôi về trường tháng 9 năm 1966, công tác tại phòng Tổng Giám Thị rồi đến Nội trú SPQN, nơi đây tôi từng chứng kiến bao lần ra vào của giáo sinh các khóa và nhất là anh chị em về dự tu nghiệp mỗi độ hè về. Qua tiếp xúc tôi thấy tình cảm của phần nhiều anh chị em không mấy mặn nồng, gắn bó với trường cũ. Tuy công tác chính tại nội trú nhưng mọi sinh hoạt của trường đều có tôi tham gia cùng anh chị em. Nào những đêm văn nghệ đầu năm, những buổi văn nghệ giúp vui cho Quân Y Viện, những lần tập quân sự học đường, tổ chức trại Hùng Vương hay những chuyến đi Cù Lao Xanh đều có tôi sát cánh, từ đó tình cảm trong tôi với anh chị em ngày thêm gắn bó…
Phượng đầu ngõ đã nở và ve sầu đã kêu vang báo hiệu một mùa hè lại đến và cũng là lúc khóa 11 chuẩn bị ra trường. Trong một lần trò chuyện với ông Hiệu trưởng (thầy Trần Văn Mẫn) tôi đề nghị hãy tổ chức một lễ mãn khóa cho khóa 11; ông suy nghĩ hồi lâu rồi gật đầu, giao cho tôi chuẩn bị mọi việc…
Dấn thân vào việc, cái khó khăn ban đầu là tài chánh cùng tinh thần anh chị em vì số đông trong họ đã 2 năm xa quê, xa gia đình thân thương, giờ chỉ mong sớm kết thúc khóa học để trở về đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng mọi việc rồi cũng qua và công tác tổ chức bắt đầu với sự hỗ trợ của các thầy; thầy Bùi Thường cùng anh em lo bắt điện trang trí khu công viên (địa điểm tổ chức), thầy Hoàng Song Nhi chịu trách nhiệm về âm nhạc với sự cộng tác của một số nhạc sĩ tài danh như Ns Dương Minh Ninh, Ns Đào Địch, Ns Xuân Mộng, Ns Hai Tâm… Phần tôi cùng anh em trên chiếc xe volkswagen 2217 về Diêu Trì mua vật liệu làm cổng chào cũng như củi để dành đốt lửa trong đêm lễ hội.
(Xin nhấn vào "Đọc Tiếp" để xem trọn bài...) 

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

NHƯ BUỔI GIAO MÙA


(Khúc tản văn - viết tại nội trú SP Quy Nhơn - tháng 4/1973)

1. Lại một buổi sáng, buổi sáng thật bất ngờ đến với tôi như một nhắc nhớ thật xa xôi của thời tuổi nhỏ. Buổi sáng thật bình yên và không gian bỗng chùng thương nhớ!
Tôi thức giấc tự năm giờ sáng, một cảm giác thật mơ hồ đang bủa quanh tôi, tôi không hiểu tôi là gì trong lúc ấy. Cuộc sống này và những công việc thường nhật đôi khi đốt cháy cả tâm hồn. Năm giờ sáng thật bình yên, trơ trọi trên chiếc giường để nghe lòng nhớ nhung không tưởng được. Bên ngoài trời vẫn còn tối, những đợt gió lùa xạc xào qua những cành bông giấy, rỉ rả qua những hàng dương và hình như có một làn gió nào thật nên thơ cuốn tròn cả đám cỏ dại, cả những đám cỏ khô và cả tâm hồn tôi lên những đỉnh cao. Mường tượng trong ấy tôi còn thấy có cả đám chuồn chuồn chới với nhưng cũng thật an lành như những ngày vui thời thơ ấu.
Tôi thật sự không hiểu được tôi lúc này, duy chỉ có một điều đã thể hiện trong tôi đó là nỗi xao xuyến khi những làn gió giao mùa kia trở lại! Buổi giao mùa, không, không phải thế, đó chỉ là làn gió tự muôn phương kéo về để cùng tôi thắp lên những kỷ niệm ấu thời mà đã từ lâu đắm chìm trong những đua chen chán ngắt. Ở đâu có gió giao mùa, có gió bình yên là nơi đó có tôi. Tự nhiên tôi thấy tâm hồn tôi bàng bạc trong từng hơi gió thoảng. Gió mang tôi đến tận miền nào thật xa xôi, cổ tích hoang đường. Gió đưa tôi ra đến tận trùng dương muôn đời buồn bã, âm thầm và cô đơn. Gió đu đưa tôi trên những đọt tre làng có lá khô rơi rụng. Tôi thấy tôi nghiêng qua ngã lại. Tôi hiên ngang bất tận với quê hương dấu yêu. Gió ơi! Gió về với tôi sáng nay, nơi này đây, có tôi hỡi gió! Gió hãy ở cùng tôi. Đừng cho tôi giấc mơ huyền hoặc mà hãy đến với tôi thật sự. Tôi uống cả gió, tôi ôm cả gió vào lòng, nhưng đau đớn thay, gió đã bỏ tôi ra đi. Gió không nhà, gió lang thang muôn ngàn thế kỷ, gió không có nơi nào yên nghỉ ở trần gian...Nhưng còn tôi, hôm nay thực sự tôi đã phải dừng chân nơi này. Gió ơi! hãy mang tôi theo cùng, gió không làm bạn với tôi nữa sao! Tôi hiểu gió, hãy mang tôi theo cùng như thu về trong một sớm mai...

2. Trong lớp học sáng nay, thả hồn ra ngoài khung cửa. Khoảng không gian màu nhớ thương đó thật khiêm tốn, chỉ võn vẹn một màu trong vắt, nửa cụm núi tím mờ, một vài cây dương liễu xac xào, một đám cỏ non...Duy chỉ những làn gió hiện diện lúc này đây đã làm cho tôi mãi mê say đắm. Tôi thấy gió chất đầy những tâm hồn như tôi. Trong làn gió có những trái tim, có những khuôn mặt non choẹt, có những khuôn mặt già nua, người mẹ... Những hình ảnh đó cứ đu đưa qua lại không bao giờ chấm dứt. Tôi mãi mê trong những thứ đó. Tôi miên man cùng gió sáng nay. Gió như thách đố, kiêu sa, gió trốn chạy thật xa... Không, không phải thế, gió lại trở về đây rồi. Tôi ôm lấy gió.
Thu về trong một sớm mai, trong phòng học này, bàn ghế sách vở, tâm hồn thả rong ngoài khoảng trống vắng. Tôi tìm bạn trong khoảng trống vắng đó - niềm an ủi duy nhất mà chỉ có tôi tìm thấy! Cánh cửa phòng học bỗng dưng khép lại trả tôi về thực tại. Bạn bè, lớp học, thầy giáo... sáng nay bài học bỏ dở...
Tôi van gió, dù trong hoàn cảnh nào cũng nhớ đến cùng tôi. Hãy cho tôi được chan hòa trong cái bàng bạc muôn đời mà chỉ có gió mới tận hưởng được đó.
Cho tôi trở về kỷ niệm ấu thời. Cho tôi trở về với khoảng trời bình yên. Cánh cửa lớp học, thực tại này không làm cách ngăn tôi với gió...
Nhưng gió giao mùa cũng đã giã từ tôi trong buổi sáng nay!

Diệp Thế Thoại- K11

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Anh Trưởng Ban Xã Hội lớp tôi.


                                                                      Giang Lam.
            Thân tặng các bạn giáo sinh nữ nhất niên 2 khóa 10.

        Năm 1971, đậu Tú Tài xong, tôi chọn nghề “xoa” đầu trẻ. Thế là tôi bắt đầu học năm thứ nhất của trường Sư Phạm Qui Nhơn. Lớp tôi là lớp nhất niên 2, khóa 10 (1971-1973). Trong lớp có 54 bạn: 17 nữ còn lại là nam.
        Anh Nguyễn Trí Cảnh là Trưởng Ban Xã Hội của trường kiêm luôn của lớp. Cũng nhờ làm trong Ban Xã Hội của trường, mỗi lần có công tác xã hội nào là anh thông báo kịp thời để cho chúng tôi tham gia đầy đủ.
        Anh rất nhiệt tình lại thật thà và vui tính. Anh lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi (Tuổi đời, chứ trong giấy tờ các anh đều có năm sinh giống nhau là 1953). Hầu hết các bạn nữ trong lớp tôi đều có cảm tình với anh. Tôi không biết cảm tình riêng cá nhân anh hay cảm tình cái ban xã hội.
        Rồi đến đợt chúng tôi phải đóng tiền cho ban xã hội lớp, ngày nào vào giờ chơi anh cũng đi đến từng bàn để thu tiền. Số tiền không nhiều nhưng nhóm nữ chúng tôi cùng nhau bấm nhỏ làm cho anh ngày nào cũng quanh quẩn:
        Hằng nói:  -  Anh Cảnh ơi! tháng này má em chưa gởi tiền.
        Khanh nói:  -  Anh chờ cho em vài ngày nữa vì em hết tiền rồi!
        Tụng nói:  -  Ba em chưa lãnh lương.
        Then nói:  -  Sáng nay đi học em quên cái ví ở nhà. Mai nộp nghe anh!
…mười bảy cô, mười bảy lý do. Chứ thực ra con gái chúng tôi lúc nào trong ví cũng có tiền. Cũng vì vậy nên ngày nào anh cũng cầm cuốn sổ đi lên đi xuống như là: “ Anh khách lạ đi lên đi xuống may mà có em đời còn dễ thương …”. Anh không giận, không nhăn nhó chỉ cười cười. Thế mới dễ thương làm sao!
        Khi cái gió xuân hây hẩy lùa trong nắng, mọi người rộn rịp đón Tết, phố phường bày bán đủ các tranh ảnh, các loại thiệp lớn có, bé có. Anh trưởng ban xã hội lớp tôi bận rộn cũng không kém! Một buổi sáng anh mang thiệp mừng xuân đến lớp. Anh đi đến từng người tặng. Tấm thiệp nho nhỏ xinh xinh, anh đã chu đáo đem ra nhà in, in tên và địa chỉ. Năm mươi mấy bạn, ai cũng có trừ tôi. Các bạn hỏi, tôi trả lời một cách thờ ơ: -  Chắc anh mua thiếu ngày mai sẽ anh đem tặng.
        Thật tình lúc đó tôi buồn lắm! Tôi nghĩ:  -  Hay là anh Cảnh ghét mình. Tôi tự nghĩ lại xem thử từ trước đến giờ mình có làm điều gì khiến anh không có thiện cảm với mình? Tôi chắc chắn một điều là không! vì hôm vừa rồi, khi chúng tôi đi làm công tác xã hội ở Cô nhi viện Sao Biển, anh đã theo tôi chụp một tấm hình lúc tôi đang vui chơi với các bé đây mà!
         Vừa buồn lại vừa giận anh. Cái ý nghĩ đó cứ lởn vởn trong đầu tôi suốt hai giờ học sau cho đến ra về.
        Về đến nhà, Thanh cô bé nhà đối diện, bên kia đường hấp tấp chạy qua:
            - Chị ơi! Lúc nãy có một anh đi xe Dame đến bỏ một cái thư vào thùng thư nhà chị.
            - Cám ơn em!
Tôi vội vàng vào nhà lấy chìa khóa mở thùng thư, mở ra tôi mới biết, đó là tấm thiệp chúc Tết của anh trưởng ban Xã Hội. Tấm thiệp anh tặng cho tôi lớn hơn tấm thiệp các bạn ở lớp gấp ba bốn lần. Cầm tấm thiệp trên tay, tự nhiên trong lòng tôi nhẹ nhỏm và cũng xóa đi nỗi buồn về anh trong tôi. Thì ra tôi cũng có một chút gì đó trong lòng anh Trưởng ban xã Hội. Tôi không dám nói với bạn nào trong lớp chỉ kể cho cô em gái tôi nghe mà thôi.

        Có một lần, trong khi ngồi chờ học môn Nữ công của cô Nhiên, Khanh liền đứng lên giữa lớp:
            -           Mình nhận thấy anh Trưởng ban xã hội lớp ta rất đáng yêu vậy bạn nào yêu mến anh thì giơ tay! Mười bảy bạn đều đồng loạt đưa tay lên không thiếu một ai.
         Khanh nói tiếp:
            -           Một mình anh Cảnh mà mười bảy bạn mến. Theo mình để tình cảm bạn bè khỏi sứt mẻ, mình có một hiến kế là: Chúng mình mua một cái lồng gương, đầu giờ và giờ ra chơi, đặt anh vào đó để tất cả chiêm ngưỡng. Anh là của toàn xã hội,chứ không của riêng ai. Thế là cả nhóm nữ lớp tôi vỗ tay đồng ý.
        Cô Nhiên bước vào lớp:
            -           Cái gì mà các chị cười dữ thế!
        Cả lớp im phăng phắc. Cô dặn:
 -  Con gái cười nho nhỏ thôi!
       
        Rồi chúng tôi tốt nghiệp ra trường. Chúng tôi đi khắp mọi nơi dọc mảnh đất miền Trung . Tôi đổi ra dạy Quảng ngãi, anh Nguyễn Trí Cảnh dạy ở huyện Bình Sơn cũng thuộc thị xã Quảng Ngãi.
        Một hôm, đi dạy về. Tôi thấy trong nhà có hai quả dưa hấu, hỏi ra thì mới biết, nhân dịp về Sở Giáo dục thị xã lãnh lương anh đã đem từ quê lên tặng tôi. Tôi nghĩ “ Thật là của một đồng công một nén ” Tôi cũng chưa có dịp gặp lại anh để nói một lời cám ơn.

        …và cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ về mái trường Sư Phạm về lớp nhị niên 2 thì hình ảnh anh Trưởng Ban Xã Hội của lớp tôi lại hiện lên với cái dáng cao cao trên tay luôn cầm cuốn sổ. Khuôn mặt chân chất, nụ cười hiền hậu tươi vui. Đúng là anh Trưởng Ban Xã Hội là của toàn xã hội chứ không của riêng ai.

                                             Qui Nhơn, 28/8/2011
                                                      Giang Lam 

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Nhớ về Nhị 5 - Khóa 11 ( 1972 – 1974)



Bùi Thị Kim Loan

*  Thân tặng các bạn Phương, Nhã, Nhân (anh chị em kết nghiã của mình).

Các bạn thân mến,

Mấy tuần trước đây, tình cờ mình đọc được bài Ngày Tháng Cũ của bạn Trần Thị Ren lớp Nhị 6 / Khóa 11 đăng trên trang SPQN này. Thêm nữa, mới đây mình lại được nói chuyện qua phone với bạn Nguyễn Hữu Tuất lớp Nhị 5 / Khóa 11 đang ở nam Cali. và, ngày 28 / 8 / 2011 sắp tới đây là ngày Họp Mặt Sư Phạm Quy Nhơn lần thứ 20 ở hải ngoại sẽ được tổ chức tại Little Saigon này.
Các lý do dồn dập quá gần gũi, quá thân thương nói trên đã thôi thúc mình phải viết chút ít gì đó về lớp Nhị 5 / Khóa 11 của mình, xem như là một việc gợi nhớ với nhau về  những chuyện cũ đã xa, quá xa rồi, phải không các bạn!?

Giáo sinh lớp Nhị 5 - K11
...(nhấn Đọc Tiếp để xem thêm)

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Tuổi hai mươi.

Tuổi hai mươi.
Irene.
Tặng Thanh Cảm.

Sau một thời gian miệt mài với học sinh, với bảng đen phấn trắng …Chúng tôi rời Bồng Sơn bỏ lại sau lưng trường lớp vùng đất bom đạn chiến tranh trở về Quy Nhơn thăm nhà.
Buổi chiều Quy Nhơn nắng nhạt, Cảm nhẹ nhàng trong tà áo dài vàng, tôi dịu dàng trong chiếc áo dài màu hồng. Chúng tôi thướt tha dưới những hàng cây xanh rợp mát của con đường Cường Để.
* Em hai mươi tuổi em là nắng. Em hai mươi tuổi em là mưa …
...(nhấn Đọc Tiếp để xem thêm)

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

HOÀI CẢM


*Viết tặng qúy thầy cô và bạn bè cũ của tôi ở trường Sư Phạm Quy Nhơn*.
Châu Thị Thanh Cảm



                                                      
Chiều Sài gòn với những cơn mưa chợt đến, chợt đi làm tôi nhớ da diết đến những cơn mưa dầm dề lê thê kéo dài từ sáng đến chiều, từ ngày này qua ngày khác ở quê hương ven biển miền Trung của tôi. Vùng đất nơi tôi lớn lên, nơi ươm mầm bao ước mơ, bao đam mê khát khao của thời tuổi trẻ, Quy Nhơn đầy nắng và gió thoảng mùi vị mặt chát của biển đã cho tôi biết thế nào là đi xa vẫn nhớ quê nhà. (nhấn Đọc Tiếp để xem thêm)

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Nhớ về lần họp mặt đầu tiên của SPQN


Nhớ về lần họp mặt đầu tiên của SPQN

Sau mùa xuân 1975, những đứa con của trường SPQN mỗi người đi mỗi ngã. Ai còn? Ai mất? Ai được vinh dự tiếp tục đứng trên bục  giảng? Ai phải từ bỏ nghề cao quí của mình để tìm kế khác sinh nhai??? Những suy nghĩ đó cứ lảng vảng trong đầu tôi… Thế rồi cả gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống.
Một đêm, nơi gác nhỏ ở đường Kỳ Đồng, tôi được đón tiếp hai người em là cựu giáo sinh SPQN – khóa 11, đó là Quảng Đình Tú và Huỳnh Kim Thạch… các em đến thăm tôi sau khi đã ghé thăm thầy Hoàng Song Nhi. Gặp nhau, mừng vui, nhưng nước mắt lại trào… Chúng tôi kể cho nhau nghe, ôn từng kỷ niệm đã có với nhau nơi trường cũ. Thế rồi trong chúng tôi những nhung nhớ cứ thế trào dâng, Tú buột miệng: “Hay chúng ta tổ chức họp mặt đi Thầy?”; lòng tôi thì mong muốn quá, nhưng lấy đâu ra tiền giữa lúc ai ai cũng đang vật lộn với cuộc sống khó khăn… Thấy được băn khoăn của tôi Tú quyết: “ Thầy tổ chức, mọi việc để em lo…” Thế là chúng tôi quyết định họp mặt và mời một số anh em lập ban trù bị.
Cuộc họp trù bị lần đầu tiên tổ chức tại một quán café nơi góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thiện Thuật; tôi không thể nào quên những con người đầy nhiệt huyết, vượt mọi khó khăn để cố tổ chức cho bằng được lần họp mặt đầu tiên. Một Quảng Đình Tú, một Nguyễn Văn Hòa, một Võ Ngọc Chuyển, một  Đào Văn Tuấn… và cả những Nguyễn Quốc Tuấn, Huỳnh Kim Thạch, Trương Xuân Thuấn… cũng như không thiếu NS Hòang Song Nhi đều quá nhiệt tình cho công việc tổ chức.
Đúng 16 giờ ngày 20 tháng 4 năm 1997, cuộc họp mặt đầu tiên của cựu giáo sinh sư phạm Qui Nhơn tại Sài Gòn đã diễn ra tại quán Đường Sắt Thanh Đa, mở đầu cho những lần họp mặt truyền thống SPQN về sau…

Nguyễn Dzũ

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...