Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Ngày tháng nhớ

                                                                                                                                             Truong Dat

                                           

        Hôm ở Huế, trên đường đi đám tang thân mẫu người bạn cùng khoá 7 ở Long Thọ, tôi hỏi Thầy Cứ: Tại sao anh chị em SPQN lại gắn bó như thế dù chỉ 2 năm học với nhau? Chỉ nghe SPQN là tự nhiên thấy gần gũi, dù không cùng lớp, thậm chí không cùng khoá cũng thấy như anh chị em một nhà, đôi lúc hơn cả tình bạn. Câu trả lời của Thầy Cứ vẫn chưa làm thoả mãn tôi. Thầy bảo: Đó là do tâm lý lứa tuổi, mới xa nhà, sống gần nhau, cùng học cùng chơi, vui buồn có nhau suốt hai năm gây nên ấn tượng đầu đời không thể phai. Tôi nghĩ có lẽ đó cũng chỉ một phần nhưng không nghĩ được thêm gì để trả lời câu hỏi. Và chuỗi kỉ niệm ngày xưa kéo về như cuốn phim quay chậm trong tôi suốt thời gian bên cạnh những người bạn sau hơn bốn mươi năm mới gặp.
        Năm 1968, khoá 7 chúng tôi nhập trường. Phần lớn anh em chúng tôi là ở lứa tuổi sắp được gọi vào quân trường và sự tàn nhẫn của chiến tranh thì không chừa một ai cho nên ngôi trường SP là nơi trú chân an toàn tạm thời. Thế nhưng, những gì mà hai năm chúng tôi nhận được ở ngôi trường thân thương đó đã biến chúng tôi thành những con người hoàn toàn khác.
Hồi đó mới chỉ có khu nội trú nữ bố trí trên dãy lầu đối diện dãy phòng học. Hai khu nội trú nam, nữ thật lớn đang được xây dựng. Những ngày mới vào, giáo sinh phải tự kiếm chỗ ở nên có những khó khăn nếu không có người quen. Thế nhưng ở nhà người quen dưới phố thì cũng bất tiện vì tốn thêm tiền đi xe lam lên trường mà giáo sinh lúc đó đa số rất khó khăn.
Không lâu sau, có lẽ nhờ ông cố vấn Casper đến từ Đại Học UCLA xa xôi can thiệp, nam giáo sinh chúng tôi được bố trí ở trong một khu trại QĐ Mỹ bỏ lại phía bên phải của nhà trường.
Chúng tôi phải tự lo đóng lại cửa nẻo, sắp xếp chỗ ngủ, đóng lại bàn ghế ngồi bằng những tấm ván ép phế thải. Thầy Hà, quản lý khu nội trú cho mượn một số giường sắt. Mùng mền chúng tôi tự lo. Cuối cùng thì chỗ nghỉ ngơi cũng đàng hoàng, khang trang, sạch sẽ.
               


       Những ngày tháng đó có vô vàn kỷ niệm đáng nhớ. Vượt qua những khó khăn ban đầu của một khu nội trú nam chẳng có gì khó khăn đối với chúng tôi vì hầu hết đều là con em những gia đình không mấy khá giả,vốn đã quen chịu đựng gian khổ. Ăn uống, vệ sinh đều phải sang khu vực chính của nhà trường. 
Lúc đó, chúng tôi được phát sữa bột của QĐ Mỹ để bồi dưỡng thêm và đó cũng chính là nguyên nhân nhiều chuyện cười ra nước mắt. Số là một số anh chưa quen với bơ sữa, buổi tối làm sữa uống thêm vì đói bụng. Nước sôi không có đành phải khuấy sữa bằng nước nguội. Sáng hôm sau khu nhà vệ sinh rộn rã tiếng thúc giục, anh nào cũng bị tào tháo rượt, cũng may là không phải ngộ độc mà chỉ là phản ứng của cái bụng chưa được chuẩn bị trước. 
Cách đó không xa là nhà Thầy Cứ, cũng là một căn nhà gỗ riêng biệt, có gác, có lẽ trước đây là nhà ở của sĩ quan Mỹ, lại thêm bàn tay chăm sóc tài hoa của Thầy cô nên như một biệt thự. Nơi đây, chúng tôi thường lui tới, sinh hoạt Phật sự như anh em trong một gia đình.
       Thầy Cứ là cố vấn cho Đoàn SVPT mà chúng tôi là đoàn sinh. Đoàn sinh hoạt mỗi chủ nhật tại chùa Long Khánh. Chúng tôi với nhiệt tình của tuổi trẻ cộng thêm tình đạo đã làm được nhiều việc cho Đoàn cùng với thật nhiều kỷ niệm mà đến nay chúng tôi không còn nhớ nỗi. 
Một số công việc mà thời gian không làm phai mờ trong tôi là các công việc trong sinh hoạt Đoàn SVPT. Thời gian đầu, chúng tôi cùng với anh Quyên làm tập Hoạt động Thanh niên, in Ronéo, là một tài liệu giúp cho các anh chị em trong sinh hoạt và học tập, làm tư liệu cho nghề nghiệp sau này, tiếc là tôi không còn giữ được cuốn nào sau GP . Tôi vẫn còn nhớ như mới hôm qua, đọoi cơm hến mà chị Diệu Tâm dày công mang từ Huế vào để đãi anh chị em, tô bún bò của chị Hồng Ngọc trong những ngày làm đồ thủ công triển lãm gây quỹ …vào những buổi sinh hoạt tại nhà anh Cứ. Rồi những buổi dã ngoại Cù Lao Xanh, Nguyên Thiều Thập Tháp anh chị em trong đoàn như ngày càng gắn bó hơn. Người trước ra trường, người sau tiếp nối như một chuỗi dài tình thân tưởng như không bao giờ dứt.
       Ngoài sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt của trường cũng mang đến cho anh chị em những giây phút không thể nào quên. Nam sinh chúng tôi, ngoài những tình cảm trai gái nhẹ nhàng của lứa tuổi, kỷ niệm của những ngày đi cộng đồng về miền quê cũng là những dấu ấn không phai. Chúng tôi được phát huy hết những năng lực trai trẻ cho những sinh hoạt đó. Ngoài các hoạt động vì cộng đồng chúng tôi thoải mái hát ca như những kẻ du ca “hát hay không bằng hay hát”, vui chơi như những chuyến dã ngoại mà có lẽ chẳng bao giờ có được lần thứ hai.
Và không chỉ trong chuyện vui chơi, chuyện học hành cũng là những dấu ấn mang suốt cuộc đời.Có ai không nhớ cái điều nội qui : vào trường không mang giày, không thắt cà vạt thì trừ 2 điểm hạnh kiểm, chúng tôi nhất nhất thi hành mà không hề thắc mắc, mặc dù trong lòng vẫn có chút e dè vì mắc cỡ là chính. Dần dần khi đã quen mới chợt nhận ra rằng khi mang cà vạt và mang giày, tác phong sẽ chững chạc hơn, phù hợp với người thầy giáo và đó là điều tối cần thiết cho nghề nghiệp sau này.
       Chúng tôi thu nhận được rất nhiều từ quý thầy cô, mỗi người trang bị cho chúng tôi một ít kể cả thân giáo. Các bài học của thầy Tấn, tác phong sư phạm của thầy mãi mãi ở trong tôi. Ra trường mấy sau về thăm lại thầy ở Qui nhơn, nhìn thầy nằm trên giường bệnh mà xót xa nhưng chẳng biết phải làm gì. Nghe tin thầy mất nhưng không về viếng được cũng là một nỗi ân hận mãi không nguôi.
Những kỷ niệm khác về thầy Bồn, thầy Mẫn, ông cố vấn, thầy Hà, thầy Thâm …vẫn như mới hôm qua dù đã hơn bốn mươi năm, người còn, người mất, người lưu lạc phương xa ..nhưng mỗi khi nhắc lại niềm tôn kính quý thầy vẫn chẳng khác xưa.
Ngày ra trường, mỗi người một ngã, có mặt khắp mọi miền đất nước lúc chiến tranh vẫn còn hiện hữu khắp nơi. Các mối dây liên hệ hầu như đứt đoạn nhưng trong thâm tâm mỗi người vẫn còn hình ảnh “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. 
       Và,quý giá hơn cả là tình thân SPQN ở tuổi về chiều như ngày càng gần hơn. Cho đến bây giờ, biết tin tức hay gặp mặt được một anh chị em cùng khoá, cùng trường cũng là một hạnh phúc vô bờ, cho dù chỉ gặp nhau, uống với nhau ly nước, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm sức khoẻ, gia đình…là như đã thoả mãn cho một đời người.
Nhưng, vô thường không chừa một ai, lần lượt mọi người đều cũng sẽ ra đi như chị Diệu Tâm, anh Quyên, anh Quyền…trong đoàn SVPT, các bạn cùng trường người thì ở phương xa, người thì bệnh đau nằm một chỗ …những người còn lại sức khoẻ cũng chẳng còn bao lăm cho nên gặp nhau được ngày nào thì hay ngày đó, bởi vì khó có cơ hội gặp nhau lần nữa. Và có lẽ với tuổi tóc pha sương, làm được gì để gìn giữ được những gì đã có là việc nên làm.

4 nhận xét:

  1. Chào bác Đạt ..
    Đọc xong bài bác viết ...tui thấy nhớ bác nhiều ..cái ông giáo 100% này ..bửa nay cảm hung viết bài hay hay ..làm cho tui NHỚ bạn , nhớ trường..nhất là cái buổi đầu tiên..bở ngở ..lạ lung , lung túng có biết yêu úng chi mô...thấy mấy chị , mấy em bay bay ..cũng định làm quen..nhưng sợ ốt dột dị òm....nên chi NGÓ...
    Nhớ mấy cái champ gỗ..nhớ mỗi lần mắc cầu phải bỏ áo vào quần và mang cà vạt...
    Hiền và duỳnh huỳnh như tui..mà bị trừ 8 diem hạnh kiểm ( ko ai tin ) nhưng thiệt là tình..đánh lộn và vi phạm luật nôi trú..may thay có thầy Sum và thầy Học cứu vớt ..+ 3đ..chứ ko ở lại ;lớp..( có hoản dich gia cảnh nên ko đi lính )...nhớ lại vui thiệt là vui...Nhà anh Cứ tui nhiều lần đến ( Chỉ có DXQuyền là rõ nhất...còn it ai hay ..tui như con chuồn chuồn..khi vui thì đậu khi buồn thì bay..ko ai biết...Diệu Tâm, diệu Trâm , chi Thiện, QH ngôi nhắc lại mới nhớ ..Cám ơn Bác đã cho tui doc một bài hay để nhớ .

    Trả lờiXóa

  2. Một thời Sư Phạm nhớ thương
    Một thời nhớ mãi vấn vương một đời .
    Nam Phương

    Trả lờiXóa
  3. Theo tháng ngày thời gian kỷ niệm đã trôi đi xa mãi tầm tay với. . Nhưng thời giáo sinh hồn nhiên vẫn còn ở lại trong lòng mỗi chúng ta.
    Những tình cảm ấy tuy rất nhẹ nhàng như là hư không nhưng lại rất thực, rất đậm đà khắc sâu trong từng mạch máu đang lưu chuyển qua mỗi nhịp đập của con tim và đọng lại với dòng thời gian.
    Cảm ơn anh Đạt với những dòng chia sẻ đậm chân tình ! Thân chúc anh và gia đình luôn an lạc . Quí mến.
    Nam Phương

    Trả lờiXóa
  4. Trường đã xa rồi tuổi ấu thơ
    Muôn trùng hoài niệm ngỡ trong mơ.!
    Từ khi xếp bút đời trăm ngã..
    Mấy thuở tao phùng dạ ngẩn ngơ.!
    Thiết Mộc Lan

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...