Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

QUI NHƠN NGÀY THÁNG CŨ.

                                                                                                                    Irene.
                         

(Xin cảm ơn anh Lê Huy đã gởi Email cho biết về Hiệu xe đạp Rồng Xanh và hiệu sách Việt Long.)
       PHẦN 1.
                               ĐẤT VÀ NGƯỜI.

       Thành phố Qui Nhơn thuộc tỉnh Bình Định. Đất Bình Định chạy dài từ đèo Bình Đê (Phía Bắc) đến đèo Cù Mông (Phía Nam).  Theo Wikipedia…thì Qui Nhơn nằm ở phía Đông nam của tỉnh Bình Định, Đông giáp Biển Đông, Tây giáp huyện Tuy Phước, Bắc giáp huyện Tuy phước và Phù Cát, Nam giáp thị xã Sông Cầu của tỉnh Phú yên. Qui Nhơn có nhiều thế đất khác nhau, đa dạng về cảnh quan địa lý như núi rừng, gò đồi, đồng ruộng, ruộng muối, bãi, đầm, hồ, sông ngòi, biển, bán đảo và đảo. Bờ biển Qui Nhơn dài 42km…
        Qui Nhơn nổi tiếng với danh xưng miền đất võ nghệ với Quang Trung khí thế hào hùng nhưng có đến Qui Nhơn mới thấy nơi đây không chỉ là gươm đao, không chỉ là “…Con gái Bình Định múa roi đi quyền.” mà là non nước hữu tình với biển xanh sóng vỗ, với Ghềnh Ráng thơ mộng, Tháp Đôi bên nhau nhớ Đồ Bàn, Thị Nại mơ màng với biển cả mênh mông, Qui Hòa ôm ấp nhớ thương thi nhân Hàn Mạc Tử…như những câu thơ mượt mà của Yến Lan:
“…Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt
Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền
Tịch dương liễu không biết mình đương biếc,
Tương tư trời, tương tư nhạc triền miên…
Một vùng đất với những phong cảnh nên thơ, còn  người dân thì mộc mạc, giản dị… Cứ đến đây nghe giọng nói của họ sẽ cảm nhận ra điều này. Đất và người đã tạo cho mọi người một tình yêu quê hương tha thiết và chân thành.
Sau năm 1954, Qui Nhơn rất ít người. Sau đó, mọi người rải rác đến định cư. Lúc đầu một số người là dân địa phương Bình Định, ngoài ra còn có một số người Hoa, người Ấn Độ…Theo thời gian, mọi người đến đông dần. Số người đến Qui Nhơn thường đi từ hướng Bắc vào như một số người ở miền Bắc di cư (Bắc 54), những người từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…Họ đến đây và rồi vì cơ duyên hay vì một lý do nào đó nên ở lại sống và lập nghiệp. Chúng ta gặp những người Hoa đến đây từ rất sớm, phần đông họ mở các hãng như hãng xì dầu, các cửa tiệm bán gạo, tiệm thuốc Bắc, tiệm bánh, quán ăn…chúng ta thấy những người Ấn Độ trong các cửa tiệm bán vải ở phố Gia Long hay góc đường Võ Tánh-Tăng Bạt Hổ…một số người Bắc di cư thì mở ra buôn bán tạp hóa, bán vải… ở phố Gia Long hay chợ Qui Nhơn. Một số người Huế thì mở tiệm vàng, tiệm sách, tiệm chụp hình, tiệm may…Sau này trong việc xây dựng và ổn định thị xã, có nhiều công chức nhà nước được đổi đến Qui Nhơn làm việc trong các Nha, các Ty hay các giáo chức trong các trường học…đa số thường là người gốc Huế. 
“Đất lành chim đậu” nên càng ngày dân số Qui Nhơn càng đông dần. Vào những năm 64-65 trở về sau, chiến tranh bùng lên khắp nơi, người dân từ các vùng nông thôn, các quận huyện đổ dồn về thành thị. Lúc đó Qui Nhơn bắt đầu đông đúc. Chính phủ hay các tôn giáo dựng những trại, những nhà để cho những người định cư ở tạm rồi tìm công ăn việc làm để ổn định cuộc sống. Sau này yên ổn, có người trở về quê nhưng có người lại yêu mến mảnh đất Qui nhơn nên ở lại lập nghiệp luôn. 
      Đối với tuổi thơ tôi, giai đoạn yên ổn và thanh bình nhất của Qui Nhơn là vào những năm từ 1955 đến 1963. Cuộc sống êm đềm, con người Qui Nhơn giản dị và gần gũi. Tất cả đối xử với nhau mang đậm tình người. Cùng thương yêu nhau, chung tay cùng góp sức xây dựng miền đất Qui Nhơn mỗi ngày một hưng thịnh và phồn vinh.


      Hình ảnh khắc sâu trong tôi là những buổi trưa đi khắp nơi hái trứng cá, khèo keo…ra biển chơi đùa dưới những bóng dừa hay tắm biển. Những ngày nghỉ học và những ngày hè, những đứa trẻ như chúng tôi tha hồ rong chơi thỏa thích. Do tất cả mọi người đều hiền hòa nên cha mẹ cho con cái rong chơi ngoài đường suốt ngày mà không phải lo sợ mọi nguy hiểm. Xã hội ổn định nên tất cả cảm thấy yên tâm, cửa nẻo không cần phải khóa... “…Đời thái bình cửa thường bỏ ngõ”.
Tôi đã lớn lên ở đây nên tôi thường gặp và biết một số người đã có mặt trong những ngày đầu tiên. Trong số họ có người không phải là người ở địa phương nhưng tất cả mọi người đều gắn bó và ra sức xây dựng miền đất Qui Nhơn. Một điều đáng trân trọng ở đây là người nào đã đến ở Qui Nhơn dù chỉ là một thời gian ngắn đều yêu thương mảnh đất, con người nơi này. 
       Mỗi buổi sáng Mặt trời chưa xuất hiện đã nghe tiếng guốc khua quen thuộc trên đường phố đi xuống chợ của những người bán cá tôm ở Khu 2, Khu 1…Tôi nhớ những chiếc nón lá họ đội trên đầu, ngày mưa họ khoác trên vai những chiếc áo che mưa bằng lá dừa…những người mang đôi quang gánh đựng những bó rau ở Khu 6, Bạch Đằng hay những người bán thịt chở thịt bằng xe đạp… Tiếng xe lam “bình bịch” chở hàng hóa từ cầu đôi, bến xe ra chợ chuẩn bị cho một ngày mới bắt đầu trên phố biển Qui Nhơn.
Bao năm tháng đã qua đi nhưng tôi vẫn nhớ mãi về họ…Tôi cũng nhớ một số người, một thời khắc sâu trong ký ức của tôi với những hình ảnh đằm thắm dịu dàng. 
* Cuối đường Lê Lợi gần đường Nguyễn Huệ có một ngôi nhà trước cửa có một cây gòn, đối diện với nghĩa địa người Pháp, đó là nhà của vợ chồng ông bà mục sư Tin Lành người nước ngoài ở. Sáng sáng hay chiều chiều thường gặp ông bà đi đến nhà Thờ hoặc đi dạo. Có khi tôi lại thấy ông lái một chiếc xe hơi màu trắng. Thường ngày, ông mặc áo chemise trắng, quần tây, mang giày. Bà mặc chiếc áo đầm hay chiếc váy màu nhạt… đôi mắt màu xanh biển. Ông bà rất dễ mến lại vui vẻ thường mỉm cười thân mật rồi vẫy tay chào hỏi mọi người chung quanh. Mỗi khi thấy những đứa trẻ như chúng tôi, ông bà dừng lại hỏi thăm vài câu với giọng “lơ lớ”…thỉnh thoảng vuốt tóc hay phát cho chúng tôi những viên kẹo bạc hà. 
Mấy đứa trẻ đồn rằng, cây gòn trước nhà ông bà mục sư có một con ma. Qui Nhơn không có điện, tối đến hai chị của tôi thường đèo nhau bằng xe đạp có đèn pin nhỏ ở trước xe để đến nhà bạn ba tôi có người con dạy học dùm nằm ở đường Nguyễn Huệ. Một lần đi học về, từ ngoài ngõ đã nghe tiếng khóc…khi hỏi ra thì mới biết vì sợ ma quá nên khi đi ngang đó cả hai chị đều nhắm mắt…cuối cùng, xe tông vào cây gòn té lăn chiêng…mở mắt ra thấy cây gòn sợ hết hồn, lồm cồm ngồi dậy, hét toáng lên vừa chạy vừa khóc ...
*Gần nhà là chùa Long Khánh, những ngày rằm hay mồng một tôi thường theo ba lên chùa và gặp thầy trụ trì ở đây là thầy Tâm Hoàn. Mỗi lần gặp, tôi thường cúi đầu chào, thầy xoa đầu và nói chuyện với ba tôi tay luôn lần tràng hạt.
*Có một vài lần, ba chở tôi đi chơi ngang qua nhà Thờ Chánh tòa. Ba thường dừng lại chào và nói chuyện với đức cha, sau này tôi mới biết đó là cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch. Ấn tượng của tôi về ông là cách nói chuyện vui vẻ, cởi mở…Thỉnh thoảng vào những buổi tối ở một bên sân nhà thờ thường tổ chức những buổi chiếu phim…Tôi rất thích những bộ phim có những cảnh phi ngựa. Và cũng nhờ thế mà những đứa trẻ ở Qui Nhơn đã có dịp làm quen với những bộ phim nước ngoài.
      *Hiệu xe đạp Rồng Xanh: Khoảng năm 1954, Rồng Xanh là hiệu xe đạp đầu tiên từ Huế vào Qui Nhơn. Hiệu nằm trên đường Gia Long (nay là Trần Hưng Đạo) gần nhà may Tân thích.
Hiệu xe đạp này có người thợ lành nghề tên là Sắc. Chú Sắc cũng là một tay coureur đua xe đạp nổi tiếng của Qui Nhơn và tỉnh Bình Định.
Những dịp lễ lớn, thị xã hoặc tỉnh tổ chức đua xe đạp, chú Sác thường mặc áo có mang chữ Rồng xanh sau lưng. Lần nào chú cũng đoạt chức vô địch về đua đường trường lẫn nước rút.
*Hiệu sách Việt Long: Đây là nhà sách đầu tiên ở Qui Nhơn. Ông bà Việt Long từ Huế vào năm 1954. Hiệu sách này đối diện với hiệu xe đạp Rồng Xanh.
Nhà Sách Việt Long bán đủ loại báo: nguyệt san, tuần san, Đặc san, Tuần báo, Tạp chí, Nhật báo, Sách truyện, tài liệu, giáo khoa, nhạc, và dụng cụ văn phòng…
        * Cũng trong thời gian đó, sáng nào cũng vậy, có một ông già người Ấn Độ (người ta  thường gọi là ông Chà Và). Đầu ông chít khăn trắng, đạp xe chở sữa dê đi bán khắp nơi. Khi đi ngang qua nhà tôi, ông thường dừng lại và chờ mọi người đến mua. Sữa được đựng trong cái chai lớn. Ai mua ông lại rót vào những cái chai nhỏ…Lúc đầu tôi rất sợ ông vì khuôn mặt ông đen đen, râu ria xồm xoàm… nhưng về sau thấy ông cũng hiền, nói chuyện vui cười với ba tôi và mọi người nên dần dần cũng thấy bớt sợ. Nghe nói nhà ông trên núi ở xóm Bàu, ông nuôi một đàn dê rồi vắt lấy sữa...Sữa ông bán thơm ngon và vệ sinh nên nhiều người mua. Sau này lớn lên, cứ mỗi lần đọc câu chuyện Alađanh và cây đèn thần, tôi lại nhớ đến khuôn mặt của ông.
* Tôi vẫn nhớ mãi ông Trần Đức Cầu. Ông mở một cửa tiệm chụp hình trên đường Gia Long gần đường Lê Lợi. Ông có vóc người gầy gầy. Đi đâu ông thường đeo chiếc máy ảnh trước ngực. Mỗi lần đi ngang nhà tôi, ông thường dừng lại nói chuyện với ba tôi hoặc ghé vào nhà uống chén trà. Một ấn tượng khó phai đó là những lần cả gia đình tôi đi chụp ảnh. Thường thường muốn chụp ảnh gia đình phải hẹn trước. Đúng giờ hẹn, cả nhà tề tựu đông đủ, mặc áo quần thật đẹp... Ông Trần Đức Cầu niềm nở đón tiếp đưa cả nhà vào phòng chụp hình. Tôi nhớ rằng mọi  người phải soi gương chải đầu lại. Sau đó ông sắp xếp chỗ... Máy chụp hình có chân đứng, có khăn trùm kín…ông ở trong đó, thỉnh thoảng thò đầu ra nhắc nhở người này hay người nọ…Ông sửa lui sửa tới mới chụp được một tấm hình. Một tuần sau, theo giấy hẹn ba tôi đến tiệm lấy hình…và ngày hôm đó cả nhà tôi lại rộn ràng xem hình, bình phẩm xôn xao. Dạo đó chỉ là hình đen trắng nhưng rất rõ và rất đẹp. Ba tôi đạp xe lên phố Gia Long mua mấy cái khung, đặt hình vào và treo lên tường ở phòng khách chỗ trang trọng nhất. Hàng ngày đi ra đi vào tôi thường dừng lại để xem, xem hoài mà không thấy chán.
        * Vào dạo đó, có một người đàn bà nhỏ nhắn người Hoa. Nghe đâu bà là chủ hãng xì dầu Lan Ký (hay tên gì đó?) nằm trên đường Gia Long lâu ngày tôi không nhớ rõ lắm. Xì dầu của tiệm bà làm rất ngon. Mọi người thường mua xì dầu đựng trong những cái chai lít. Thỉnh thoảng tôi lại gặp bà mỗi khi bà đến chùa Long Khánh. Bà đến chùa để cúng dường những bao gạo hay những can xì dầu cho chùa. Ấn tượng của tôi về bà là bà đi không được vững vì chân bà quá nhỏ. Mẹ tôi bảo những người Tàu có tục lệ “bó chân” vì chân càng nhỏ thì người đó thuộc giòng tộc quí phái…Mỗi lần gặp bà là tôi lại nhìn xuống đôi bàn chân mà nghĩ rằng chắc bà đau chân lắm!
        * Tiệm may áo dài Cát Long: Đây là tiệm may áo dài nổi tiếng ở Qui Nhơn vào dạo đó. Tôi không nhớ là tiệm may có từ lúc nào? Các chị tôi may áo dài ở đây. Sau này khi tôi chuẩn bị vào lớp đệ thất thì mẹ tôi lại dẫn đến đây để may. Tôi nhớ lần đầu được theo chị đến tiệm may. Tiệm may có những cái tủ lớn trưng bày với nhiều áo dài đẹp. Bà Cát Long người gầy gầy ra tiếp hình như bà rất ít nói và ít cười. Bà bắt đầu lấy thước dây ra đo một cách cẩn thận và ghi những con số vào cuốn sổ rất lớn đặt trên bàn. Bà ghi phiếu hẹn ngày lấy áo. Khi lấy áo đem về mặc vào vừa y. Một tiệm may uy tín nên rất nhiều người đến may.
* Từ những ngày còn rất nhỏ, người mà tôi sợ, đó là ông Tám khùng. Sợ nhất là cảnh ông lấy cục đá đập vào ngực…tôi chưa bao giờ dám nhìn rõ khuôn mặt ông vì cứ thấy ông là tôi đã vội nhanh chóng chạy vào nhà trốn mất rồi. Ai ở Qui Nhơn đều quen thuộc với hình ảnh ông Tám. Nhà ông Tám ở khu Hai. Nghe mọi người nói rằng nhà ông cũng khá giả, ông ở với một người chị…Cứ sáng sớm là thấy ông ăn mặc sạch sẽ tươm tất, chân mang giày vải, đầu đội mũ…nhưng đến chiều là áo quần lem luốc, mũ nón, dép kẹp nách… đi chân đất…ông cũng không làm hại ai, không phá làng, phá xóm…Nếu có ai chọc ghẹo ông thì ông giở thói khùng điên ra chống trả, còn bình thường thì ông rất hiền, chỉ đi loanh quanh…Nhà nào có cưới hỏi ông đem hoa đến chúc mừng, Nhà nào có đám ma ông đem nhang đèn đến cúng bái, khóc thương. Nhà ai có cúng giỗ…là ông đem bông, đem nhang đến cúng…chủ nhà mời, ông vào cúng tế hẳn hoi. Ông cũng ngồi ăn giỗ với mọi người. Ăn xong chủ nhà thường biếu ông một gói bánh…ông sẽ ra về với điều kiện phải trả lại cho ông những gì ông đã đem đến!
        Nhiều người bảo rằng ông Tám là “điên khùng” cũng không đúng lắm, vì khùng điên mà biết chào hỏi, biết nhà ai có giỗ, có ma chay, có đám cưới mà nhớ, mà đến sớm và đúng giờ. Nhưng bảo ông “không khùng” lại càng không đúng vì những người bình thường thì sao lại lấy đá đập vào ngực mình, hét toáng lên, ngồi bệt xuống đất…
Dù sao đi nữa, ông Tám khùng vẫn là hình ảnh khó phai trong ký ức những đứa trẻ, những con người ở Qui Nhơn trong giai đoạn đó.
Tôi đang viết về ông Tám Khùng thì anh Lê Huy gởi về cho tôi một bài viết thật hay về ông Tám khùng của thầy Nguyễn Mộng Giác. Tôi xin trích dẫn:
“…Không một chút đại ngôn, tôi có thể nói rằng ông Tám Khùng là công dân số một của thành phố Qui Nhơn, quê hương tôi. Những anh hùng hào kiệt, những văn hay chữ tốt, những rừng vàng biển bạc, những mũ cao áo rộng có dính dáng tới Qui nhơn một thời, bây giờ còn ai nhớ đâu. Họ đến, rồi họ đi. Họ đến vồ vập tham lam. Họ đi lầm lũi lén lút. Qui Nhơn thành phố thân yêu của tôi đối với họ chỉ là một quán trọ không mất tiền. Đòi hỏi họ thủy chung là chuyện không hợp tình, nói gì tới hợp lý. Tám Khùng thì khác hẳn. Ông là một trường hợp ngoại lệ, vì thế ông xứng đáng là một công dân ngoại hạng của Qui Nhơn…” Muốn xem thêm các bạn có thể vào trang: 
(http://tuongtri.com/2013/07/12/tamkhung/)
*Tôi còn nhớ ông bà Đốc Oanh ở đường Lê Lợi đối diện với nhà cô Sự. Ông thường mặc chiếc áo dài đen, quần trắng, đầu đội khăn đóng. Ông là nhà giáo và có cuộc sống rất chuẩn mực và khuôn mẫu. Ba tôi thường hay trò chuyện thân thiết với ông, có lúc lại bàn luận về thời sự chính trị... 
Một hôm, có một con rắn vào nhà ông. Lúc đó, có rắn vì Qui Nhơn nhiều nơi còn cây hoang mọc rậm rạp. Ông bà sợ hết hồn. Gặp lúc ba tôi lên chơi, khi nhìn thấy con rắn và biết đó không phải là loài rắn độc nên ba tôi đã đuổi được nó. Từ đó, tình cảm hai gia đình lại càng thắm thiết, thường xuyên qua lại thăm viếng giúp đỡ nhau. Ông Đốc Oanh biết xem tử vi nên đã xem giúp cho mọi người trong gia đình tôi. Tuy xem cho vui vì lúc đó chị em tôi còn nhỏ nhưng đến nay, nghiệm lại thì những điều ông nói theo sách…cũng có nhiều điều đúng.
* Nhắc đến ông Đốc Oanh, tôi lại nhớ đến cô Sự, cô là vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường Ấu Triệu năm 1955, sau này cô lên làm Thanh Tra. Cô cũng là cô giáo dạy tôi năm lớp năm (lớp Một bây giờ). Cô Sự thường mặc áo dài, búi tóc cao sang trọng. Cô có nụ cười hiền, nhân hậu. Tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, niềm nở chào hỏi mọi người đến gặp cô hay những người cô gặp trên đường. Cô giải thích cho phụ huynh rõ ràng, khuyến khích họ đưa con em đến trường. Cô là một trong số  những người có công trong việc xây dựng và phát triển ngành Giáo dục Tiểu học Qui Nhơn nói chung và trường Tiểu học Ấu Triệu nói riêng.
Nhà của cô ở đường Lê Lợi. Hình ảnh của cô, là hình ảnh của một người phụ nữ thuộc tầng lớp trí thức trong giai đoạn đầu của Qui Nhơn mà tôi gặp. 
Sau này có nhiều giáo chức đến Qui Nhơn sống và làm việc. Họ đều có cuộc sống rất chuẩn mực. Tất cả đểu xây dựng và giáo dục cho thế hệ trẻ ở Qui Nhơn. 
* Ấn tượng của tôi về Nhà Hộ Sinh tư thật tốt đẹp đó là Nhà hộ Sình của bác sĩ Trương Sĩ Hoàn. Nhà của ông ở cách nhà tôi vài căn và cũng gần đó ông mở một nhà hộ sinh tư. Ông bà đều là người miền Bắc. 
Chị Hai tôi mấy lần sinh em bé đều đến đây. Tôi thường vào thăm và đứng hàng giờ ngắm nghía. Phòng chị nằm có rèm che, nôi em bé thật đẹp, bé đội một cái mũ thật xinh…sinh con gái thì tất cả đều màu hồng, con trai thì màu xanh. Sau ngày chị sinh, đích thân bà vợ bác sĩ đem tặng một món quà. Đó là bộ áo len dễ thương và mềm mại cho bé. Trong phòng chị, một cô người làm luôn túc trực chăm sóc chị và em bé. Ngoài ra còn có người dọn cơm, chăm cho chị ăn…tất cả mọi người đều nhỏ nhẹ, vui vẻ… Vào những năm cuối thập kỷ 50, đã có mô hình nhà Hộ sinh tư như thế, mà mãi cho đến bây giờ sau hơn cả nửa thế kỷ tôi vẫn chưa tìm thấy bệnh viện phụ sản nào có lối phục vụ chu đáo tận tình đến như thế!
*Góc đường Phan Bội Châu và Lê Thánh Tôn là nhà của ông Bửu Giá. Tôi không biết ông làm việc gì? Chỉ biết ông có hai người con là cô Công Huyền Tôn Nữ Ngọc Lan và cô Công Huyền Tôn Nữ Ngọc Minh. Hai cô thật đẹp, có dáng người liễu yếu đào tơ. Cô Ngọc Lan là giáo viên dạy tôi năm tôi học lớp ba. Sau này cô Lan lên làm Hiệu trưởng trường Ấu Triệu rồi sau lên làm Thanh tra. Những người con gái của thập niên 60 trong tôi, tất cả đều xinh đẹp và dịu dàng
*Trong những ngày đầu tiên đó, ở Qui Nhơn cũng dấy lên những phong trào văn nghệ. Văn nghệ thường tổ chức dưới dạng biểu diễn ca, múa của các trường học vào những dịp Trung Thu do Ty thanh niên tổ chức hoặc những dịp lễ phát phần thưởng cũng có các tiết mục biễu diễn của các trường.
Cũng vào những năm cuối thập kỷ 50 và đầu 60, ở Qui Nhơn xuất hiện ban nhạc sống do cô ca sĩ Kim Liên khởi xướng cùng một số ca nhạc sĩ khác như Xuân Điềm (tác giả bài hát nổi tiếng, Ai Có về Bình Định)…Ngoài ra, còn có người em là Xuân Lạ và một số ca sĩ khác như Bảo Tố, Đắc Đăng, Kim Lan… hay sau này có Tuyết Hoa A, Tuyết Hoa B…Lúc khởi đầu, thường biểu diễn ngoài trời không bán vé vào những đêm cuối tuần. Sau này diễn có bán vé tại rạp Kim Khánh (nay là hội trường Quang Trung). Người dân Qui Nhơn được làm quen với những bản nhạc tiền chiến hay những sáng tác của các nhạc sĩ hiện hành… Kim Liên, Đắc Đăng là những ca sĩ chính...Ngoài ra, những bản nhạc vui như Xổ số kiến thiết, Chiếc đồng hồ tôi…do Bảo Tố trình bày…mọi người còn được xem Xuân Điềm, Xuân Lạ vừa hát vừa đánh đàn, đánh trống, thổi kèn… Qua những giai điệu mượt mà với những bài hát xưa như: Thiên thai, Suối mơ, Dư âm…hay Kiếp nghèo…Thế rồi cũng từ đó, hình thành trong mọi người về lòng yêu thích âm nhạc với những giòng nhạc trữ tình lãng mạn.
Âm nhạc dân tộc cũng được xuất hiện qua những nhóm đờn ca tại gia. Họ là những người thợ mộc, thợ hồ, nông dân hay lao động…Tôi và những đứa trẻ trong xóm thường chen vào những ngôi nhà trước mặt để được nghe các cô chú trình diễn. Đó là ngôi nhà của một tiệm mộc chuyên đóng tủ, bàn ghế…Lúc rảnh rỗi, vài ba người ngồi trên ghế hay tấm phản giữa nhà. Mỗi người sử dụng một loại nhạc cụ: người đờn cò, người đàn nguyệt, người thổi sáo, người gõ trống…người hát bài chòi…Lúc đầu, tôi cũng chỉ nghe chứ chưa biết gì? Nghe đi, nghe lại lâu dần giai điệu, âm vang quen tai. Và rồi dân ca miền đất Bình Định đã trở nên rất gần gũi với tôi lúc nào không biết.
Thỉnh thoảng có những đoàn hát tuồng Bình Định hát ở Khu 2 vào dịp Tết hay hát ở Lăng Ông. 
Ngoài ra còn có những đoàn xiếc, đoàn hát Cải lương từ miền Nam ra diễn ở Chợ lớn. Đoàn xiếc thường kết hợp bán thuốc như sơn đông mãi võ, xổ giun…vì nhà gần chợ nên thường xuyên được người lớn dẫn ra xem. Tôi thích thú các màn xiếc như đi xe đạp một bánh, đi trên dây…màn tung hứng, màn thổi lửa…Có mấy con khỉ làm xiếc, làm trò...
Tôi cũng được xem hát cải lương, cũng say mê tuồng với các đào, kép…nhưng dạo đó đến nay thời gian lâu quá nên chẳng nhớ họ là ai? Và hát tuồng gì? Chỉ nhớ mang máng đoàn Minh Cảnh, Minh Chung...hay nghệ sĩ Út Trà Ôn…
Cũng nhờ vậy, môn nghệ thuật Cải Lương đã đến với người dân Qui Nhơn trong những ngày đầu đó.

Tất cả mọi người đã đến đây sống và làm việc. Họ có thể làm đủ mọi ngành nghề nhưng dù làm nghề nào đi nữa, đa số họ đều là những người đã yêu mến, gắn bó với mảnh đất này. Họ là người đã có công xây dựng Qui Nhơn để Qui Nhơn ngày một phồn vinh, thịnh vượng…
Tục ngữ ta có câu:
“Uống nước nhớ nguồn. 
Ăn quả nhớ người trồng cây.”
Xin trân trọng biết ơn!
                                                                                                         (còn tiếp)

Tác giả 


17 nhận xét:

  1. Ngàu xưa có một ông già bán kẹo kéo rất ngon, có môt ông người Tàu bán bánh bao ở đương Phan Đình phùng nổi tiếng và còn nhiều người nữa ..
    Cam on ! gợi lại nỗi nhớ về Quy nhơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tr.Huy cũng có trí nhớ tuyệt vời. Những người Qn dạo đó đều quen thuộc với ông bán kẹo kéo, kẹo ngọt và đậu phụng thơm giòn.

      Xóa
  2. Trí nhớ của Irene thật tuyệt...Qui Nhơn ngày ấy... bạn làm mình nhớ lắm, những góc cũ không quên...
    Cảm ơn nhiều...!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn!
      Hẹn gặp nhau một ngày rất gần, cô bạn ạ!

      Xóa
  3. Lâu qua mới thấy xuất hiện
    Quy Nhơn là máu thịt Irene nhỉ
    Bài viết làm sống lại một thời. Cảm ơn nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào chị!
      Lâu quá chị nhỉ, Tết vừa rồi em không ra Đà Nẵng nên không gặp chị được. Hẹn một dịp khác!
      Chúc chị luôn khỏe, đi du lịch nhiều nơi!

      Xóa
  4. Chào Irene...
    Đọc bài QNntc...nhớ Quy Nhơn đến lạ....Phải công nhận trí nhớ của IRENE là đáng nễ....Tui cũng có một thời gian ở QNhơn 1968 số 20 Hai bà Trưng,,,gần gần bưu điện..và hai năm sư phạm...vậy có nhớ chi mô....
    nhớ cho đọc thêm đó nghe ..Chúc IRENE khoẻ An lành...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn những lời động viên của anh!
      Đường Hai Bà Trưng cũng gần nhà em, năm 68 em mới học lớp tám...
      Chúc anh chị sức khỏe, an vui!

      Xóa
  5. Đọc và nhớ QN da diết . Sao bạn nhớ nhiều vậy trong khi mình chẳng nhố gì cả ngoài những con đường va ngôi trường . Mình nhớ mấy chị em Vàng ,Bạc , nhớ Sima có người anh là Azit người Ấn Độ ở cùng xóm TB Hổ nhớ nhiều lắm lắm

    Trả lờiXóa
  6. Mình nhớ ra rồi, Hằng ở đối diện nhà thầy Tuấn, Mai. Hằng nhắc đến Sima mình lại nhớ đến gia đình người Ấn với những người anh có đôi mắt thật đẹp.
    Sau này bạn ở đường Trần Phú, còn bây giờ ở đâu? Cuộc sống sau khi về hưu thế nào? Nếu về QN cứ liên hệ mình ở 75 TBH.
    Chúc bạn và gia đình khỏe, bình an!

    Trả lờiXóa
  7. Trí nhớ Irene quá tuyệt mình cũng ở QN từ năm 67 hiện nay vẫn định cư tại đây mà có nhớ được là bao .Nhớ giỏi thật.Cảm ơn đã cho đọc về Qn ngày ấy,chờ đọc tiếp đó nghen.

    Trả lờiXóa
  8. Cám ơn! Đang mong gặp VPh ở SG.

    Trả lờiXóa
  9. Irene đã làm mình nhớ lại quán Bà Bắc bán dụng cụ nhà bếp của Bu mình ở góc Phan Đình Phùng / Gia Long đối diện với nhà Quốc Hưng (cô của Loan) bán ngư cụ. Đi về hướng rạp ciné Tân Châu (sau có chủ mới đổi là Kim Khánh), có quán bánh bèo bánh nậm... O Cúc, trước quán của O có xe xôi chiên thật ngon của một ông người Tàu.
    Nhìn hình cô giáo Irene đứng trước cổng trường tiểu học cũ là Ấu Triệu với tên mới mà Loan đã từng theo học thuở nhỏ với hiệu trưởng là cô Sự, thời gian sau cô Lan thay thế.
    Cám ơn Irene nhen

    Trả lờiXóa
  10. Lê Huy vừa "đi một vòng phố cũ" với Irene, thích chi lạ ! Sao mà Irene nhớ nhiều nhớ kỹ quá vậy !?
    Quy Nhơn mình hồi đó có hai ông thợ chụp hình nổi tiếng. Ông Trần Đức Cầu nổi tiếng về chụp ngoại cảnh; ổng có chụp một tấm chụp hình Phật Bà hiện trong mây ở Ghềng Ráng; theo đó có tin đồn Phật Bà xuất hiện ở đó nên bà con kéo nhau đi viếng rất đông. Chú Bách lừng danh về chụp chân dung trong studio; chú là thợ chính của tiệm chụp hình Mỹ Vân cạnh nhà mình nên Lê Huy có cơ hội học lóm nghề của chú. Sau này "ra riêng" chú mở tiệm chụp hình Bác Ái gần công viên trước Hội Trường Quy Nhơn. Thời gian sau tiệm Mỹ Vân dời qua đường Phan Bội Châu (gần rạp ciné Kim Khánh (Tân Châu cũ) lấy tên mới là Hồng Hà. Lê Huy có một tấm trắng đen cỡ 18 x 24 "khá bảnh trai" (sic !) được chưng làm mẫu trong tiệm này...
    Cám ơn "Tour Guide" Irene.

    Trả lờiXóa
  11. Cám ơn! Thật tình mà nói, nhờ Kim Loan và anh Lê Huy giúp, Irene mới hoàn thành được bài viết này.

    Trả lờiXóa
  12. Tiệm Xì dầu Lan Ký nằm phía trên Ks Hòa Bình, phía trên nữa là tiêm bánh pate'chaude A Bi, của một ông già người Hoa. tiệm này không gian hẹp. có hai dãy bàn kê sát vách, giữa là lối đi vừa cho 1 người. Bánh của tiệm này rất ngon, những ngày mùa đông, vào đây thưởng thức bánh pate'chaude nóng hổi, nâm nhi từng ngụm cà phê đen là cảm nhận được một chút " gió heo may đã về".

    Trả lờiXóa
  13. Đọc bài của bạn làm mình nhớ Qui Nhơn quá! Cảm ơn bạn đã có một bài viết hay.

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...