Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

LY RƯỢU MỪNG XUÂN.

                                                                                                                                Irene
                   









      Ngoài sân, hoa mai nở vàng báo hiệu mùa xuân đang đến!
 Mùa xuân được xem là mùa khởi đầu. Mùa xuân khí trời luôn mát mẻ dễ chịu. Mùa xuân cây cối xanh non, muôn hoa đua nhau khoe sắc…Mùa xuân là mùa của sự phát triển, mùa của sự hồi sinh, mùa của sự sống mới…Mùa xuân còn đánh dấu một năm đã qua đi và một năm mới lại bắt đầu.
       Mùa xuân thường đem đến cho tôi một điều gì đó như là một sự khởi đầu mới mẻ hơn, tươi tắn hơn... Nghĩ như thế và thấy lòng mình rộn lên niềm vui.
Lúc còn ở ngoài miền Trung, bước sang tháng chạp ta là bắt đầu thấy sự biến chuyển của mọi vật. Nắng vàng nhạt, gió hây hẩy, lành lạnh... Buổi sáng sương mù giăng khắp. Thỉnh thoảng có vài cơn mưa phùn rây nhẹ làm cho cây cối tốt tươi mơn mởn. Hoa đua nhau nở…Cảnh vật, con người như mềm mại, mượt mà hơn.
Tôi nhớ quang cảnh những buổi chợ đông đúc, rộn ràng. Không biết bao nhiêu là hàng hóa từ các nơi đổ về bày bán, tràn ra cả lề đường. Phố xá tấp nập, xe cộ, dòng người chở theo sau những chậu mai, cúc, thược dược…đủ màu sắc. Nhớ không khí sửa soạn Tết trong gia đình, trang hoàng nhà cửa, quét vôi, sơn cửa… Nhớ hình ảnh ba tôi trảy lá bên cây mai. Nhớ mẹ, mái tóc bạc nhiều vì sự lo toan trong ngoài... Nhớ mùi thơm thơm của chảo mứt gừng, mứt dừa…Nhớ tiếng lửa tí tách, tiếng nước sôi lụp bụp của nồi bánh chưng, bánh tét…Nhớ tiếng pháo đì đùng…nhớ quần áo mới…nhớ phong bao lì xì…nhớ những khuôn mặt thân quen…Nhớ! Ôi là nhớ!
      Hầu hết mọi người đều mong chờ một năm mới đến với nhiều điều tốt lành. Mong sao một cái Tết thật sung túc, hạnh phúc. Tết còn là ngày mọi người đoàn tụ ấm áp bên gia đình. Đây là dịp mọi người trở về với nguồn cội, với quê nhà như “chim có tổ, người có tông”. Những ngày cuối năm bến xe, bến tàu…đông nghịt với từng đoàn người đủ mọi ngành, mọi nghề, giàu hay nghèo… ai cũng hối hả quay trở về quê ăn Tết, sau một năm vất vả ngược xuôi lo mưu sinh nơi phương xa.
Bất cứ ở vào tuổi nào, khi xuân về Tết đến cũng rộn ràng, náo nức. Nhưng người lớn tuổi thì không còn mong chờ từng ngày, từng phút để đến Tết như ngày còn bé nữa, nhưng hoài vọng về quá khứ của mình về những ngày Xuân một thời lại da diết vô cùng!  
Năm nay, thời tiết các nơi bất thường hơn mọi năm. Bước sang tháng chạp ta, miền Bắc xuất hiện vài nơi có tuyết. Sự rét buốt kéo dài rồi tràn xuống miền Trung và khi đến miền Nam nó vẫn giữ lại một chút làm cho nơi này cũng lành lạnh…nên có cảm giác “ Rồi dập dìu mùa xuân theo én về...” 
Không khí Tết như tỏa khắp nơi nơi nhất là sau ngày đưa ông Táo về trời, Mọi nhà đồng loạt lo Tết. Sáng sáng, người bán hoa lại chở đến những chậu hoa đủ loại, đủ màu sắc…mỗi người bưng bê vài chậu về nhà chưng Tết. Trong không khí chuẩn bị Tết hay cùng nhau mua sắm, những giai điệu của các bài nhạc đón xuân vang lên từ các nhà làm ai cũng rộn rã…Nhìn người người, nhà nhà chuẩn bị Tết mà thấy nôn nao. 
      Những ngày cận kề Tết lại đến gần, chợ, siêu thị, phố xá…đông đúc nhộn nhịp. Dường như ai ai cũng vội vội vàng vàng mua sắm cho đầy đủ mọi thứ trong nhà.
Ngắm chợ hoa ngày Tết, vô số những loại hoa nào là hoa mai, hoa đào, hoa cúc, vạn thọ…ngoài ra, nhờ công nghệ nên có thêm nhiều loại hoa vào các shop, dalat farm ngắm nhiều hoa như hoa tuylip, hoa hồng đủ màu… cảnh tấp nập người xem, người mua nhất là vào ngày cận tết. cũng đủ thấy nôn nao.
Tôi thích khoảng thời gian mong chờ hơn là lúc chạm đến. Rồi thích không khí tấp nập mua bán của phố chợ những ngày cuối năm. Rất vui khi nhìn những khuôn mặt ngời ngời niềm vui của trẻ thơ bên quần áo mới…vui vui nhìn những đôi trai gái ríu rít  bên nhau...
Mong thời gian trôi chậm, thật chậm! để khoảng không khí trước tết kéo dài ra mãi. 

Mấy hôm nay rộn ràng với ca khúc Ly Rượu Mừng của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương vừa được phổ biến trên toàn quốc. Thật ra, đối với những người ở lứa tuổi thế hệ tôi thì không ai không biết bài này. Những ngày còn bé tôi đã quá quen thuộc bài hát này. Đây là một trong những bài hát Xuân kinh điển nhất, được nhiều người yêu thích.
Nhắc đến ca khúc Ly Rượu Mừng trước năm 1975, tôi lai nhớ những ngày Tết. Năm nào cũng thế, sáng mồng một, cả nhà tôi quây quần tại phòng khách bên chậu mai vàng, bên mứt bánh… Ba tôi tay cầm chai rượu rót ra ly. Tôi nhớ cái màu xanh lá cây sóng sánh và mùi vị bạc hà của rượu Bols Peppermint thơm mát... trong điệu Vasle tươi vui của bài Ly Rượu Mừng…Bao nhiêu năm tháng trôi qua, tôi vẫn không sao quên được không khí đầm ấm thân thương của ngày Tết xưa!
Người dân Sài Gòn cũng lạ! Không biết bản nhạc nào được cấp phép hay không cấp phép? Tết năm nào cũng vẫn mở vang vang những bản nhạc Xuân trong đó có bài Ly rượu Mừng.
Gần bốn mươi năm nay Ly Rượu Mừng mới được rót lại. Vẫn với âm điệu dìu dặt rộn ràng hòa quyện với những lời chúc tốt đẹp của truyền thống dân tộc mang đậm tính nhân văn, thấm đẫm tình người, tình quê hương đất nước.
“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian nan nghèo khó…” 
Phong tục của mình là vậy, xuân đến, người người vẫn cùng nhau nâng ly rượu chúc những điều tốt đẹp đến với mọi người ở mọi tầng lớp, mọi ngành nghề trong xã hội…
“Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui…”

      Dù thời chiến hay thời bình Xuân về vẫn không quên những người đang cầm súng để bảo vệ sự an bình của tổ quốc …
“Rót thêm tràn đầy chén quan san. Chúc người binh sĩ lên đàng. Chiến đấu công thành. Sống cuộc đời lành. Mừng người vì nước quên thân mình…”

Nhẹ nhàng và lắng đọng khi nghĩ về sự cô đơn của những người mẹ đang có con chiến đấu nơi xa :
“Kìa nơi xa xa. Có bà mẹ già, từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa. Chúc bà một sớm quê hương. Bước con về hòa nỗi yêu thương…”

Mong muốn cuối cùng vẫn là niềm mong ước một đất nước hòa bình để nhà nhà được an vui, để người người luôn hạnh phúc!
“Nhấc cao ly này! Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do. Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc ”
          



Trong giai đoạn nào, thời kì nào? Tết về vẫn là sự mong muốn đoàn viên, no ấm, an vui đến với toàn nhân loại!
Năm mới cận kề, hãy cùng nâng ly rượu mừng Xuân mới! 
Mừng tất cả thêm tuổi mới! Mừng tài lộc đến với mọi nhà!
      Chúc mọi người một năm mới với nhiều điều may, nhiều niềm vui, nhiều sức khỏe và bình an!

                                                                                                Những ngày cuối cùng của năm.
                                                                                                Irene.

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

CHÚC MỪNG NĂM MỚI BÍNH THÂN 2016

        Một mùa xuân mới lại về, BBT/ spqn.blogspot.com xin đươc gửi đến quý THẦY CÔ cựu Giáo sư Trường Sư Phạm Qui Nhơn , quý anh chị và các bạn đồng môn Sư Phạm Qui Nhơn lời kính chúc một năm mới an khang, vạn điều như ý... Chúc một năm mới với tình cảm luôn mãi thắm thiết tròn đầy...!
                                      HAPPY NEW YEAR 2016!
                            BBT/ Sư Phạm Qui Nhon. Blogspot.com
                            
- Châu thị Thanh Cảm 
                            - Trần thị Ren 
                            - Trần hữu An

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Sư phạm Qui Nhơn _ Chào Xuân Bính thân .

             Thầy Dũ _ Ban liên cựu giáo sinh Sư Phạm Qui Nhơn 1962 - 1975 .
Chúc mừng năm mới , đến Quý Thầy Cô ( cựu giáo sư ) cùng quý Anh Chị em cựu giáo sinh SPQN . 
Tạm biệt Ất Mùi , Chào xuân Bính thân .
                                        HAPPY NEW YEAR .

Sư Phạm Qui Nhơn Gặp nhau cuối năm Ất Mùi _ Phần 5 .

Sư Phạm Qui Nhơn Gặp nhau cuối năm Ất Mùi _ Phần 4

Sư Phạm Qui Nhơn Gặp nhau cuối năm Ất Mùi _ Phần 3

Sư Phạm Qui Nhơn Gặp nhau cuối năm Ất Mùi _ Phần 2

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

XÍCH LÔ

                                                                                                                            Dung Nguyen

                                         

                                               




      Khi còn bé xíu mỗi dip Xuân về tôi vẫn thường đi theo má lên nhà bác Phó chúc tết , nhà tôi ở đường Nguyễn Huệ gần khoảng cuối đường Võ Tánh còn nhà bác ở đường Phan Bội Châu ngày thường tôi cũng hay lội bộ lên chơi với mấy đứa cháu trạc tuổi , má cũng là dân buôn gánh bán bưng nên đi bộ cũng bình thường lắm nhưng ba ngày xuân lại diện áo dài nữa nên má cũng kêu chiếc xích lô để du xuân , và tôi với bộ đồ mới hí hửng được ngồi cùng má nhìn đường phố rộn ràng tiếng nói cười, râm ran pháo tết trong khi ba cũng diện đồ veston , nón nỉ dắt chiếc xe đạp chở út 10 cùng lên nhà bác.
       Khi lớn thêm chút nữa tôi biết đi xe đạp, rồi xe gắn máy thì đi xích lô không còn cần thiết nữa , và bắt đầu thấy kỳ kỳ khi ngồi trên chiếc xích lô trong khi các chị tôi , tối tối vẫn đi hóng mát hay đi xem xi nê bằng xích lô. Nhất là sau này Quy Nhơn có nhiều lính Mỹ và xích lô là phương tiện đi lại rất thanh lịch và bình thường và người đạp xích lô thường là những trung niên vạm vỡ nên người ngồi cũng cảm thấy nhẹ nhàng không áy náy.
Họ là những người lao động chân chính, dùng sức mình để kiếm tiền nuôi con cái ăn học thành tài , thường cũng có nhiều người ở quê bỏ ruộng bỏ vườn vì chiến tranh để vào thành phố sinh sống , chưa biết phải làm gì thì họ chọn nghề này để mưu sinh .
Khi ra trường dạy ở Ninh Hoà ( 1974 )có dịp về Nha Trang vào ngày cuối tuần , tôi và cô bạn cũng có một vài lần di xích lô dạo mát .
       Sau 75 cuộc sống người dân miền Nam đảo lộn , chúng tôi lay hoay để thích nghi với những thay đổi khốn cùng và tôi nhớ mãi chuyến xích lô sau cùng năm 1978 ở Sài Gòn khi từ Cầu Bông Bà Chiêu đến chợ cây Điệp khi lên con dốc nhỏ nhìn anh phu xích lô còm cõi ráng đạp mà không nổi , tôi và đứa cháu gái vội nhảy xuống đi bộ , anh phu xích lô sợ mất khách nài nỉ : không sao tui đẩy được mà .
Dạ cứ đi bộ qua dốc cầu này đã anh .
Khi qua hết con dốc nhỏ 2 cô cháu quyết định đi bộ sau khi trả đủ tiền cuốc xe cho anh , nhìn anh còm cõi trong bộ đồ ngã màu khuôn mặt khắc khổ được che khuất dưới vành mũ màu kaki đã bạc màu tôi chạnh lòng nhớ tới thầy tôi, anh tôi , bạn tôi....cũng đang dải nắng dầm sương kiếm cơm trong nghề này . Tôi nhìn lại mình và đứa cháu gái , 2 cô cháu cộng lại cũng cỡ 50 kg chớ mấy .
       Hôm nay chiec xích lô chỉ còn là kỷ niệm, nó được trưng bày để nhắc cho người Việt nhớ nó đã từng hiện diện trong cuộc sống , trong cuộc hành trình của thời đại và đời sau sẽ lãng quên như những cỗ xe thổ mộ xa xưa .




Sư Phạm Qui Nhơn , Gặp nhau cuối năm Ất Mùi












LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...